200 công ty ở Anh trả lương "chết đói" cho nhân viên

12,000 lao động đã “bị ăn cắp tiền lương” khi một số doanh nghiệp chi trả dưới mức lương cơ bản.

Hơn 200 công ty đã bị nêu tên và chỉ trích vì trả dưới mức lương tối thiểu cho nhân viên, nhờ đó bỏ túi 1.2 triệu bảng, theo Bộ Kinh doanh, Năng lượng và Chiến lược Công nghiệp (BEIS).

Claudia Webbe - nghị sĩ của vùng Leicester East, tiết lộ bốn người trong khu vực bầu cử của bà đã vướng vào vụ bê bối này.

Trong một tuyên bố trên Twitter, bà Webbe nói: “Đúng là tỷ phú tồn tại là do giai cấp công nhân bị bóc lột. Mức lương tối thiểu đã là lương cho người nghèo. Người lao động không thể chấp nhận mức lương chết đói, điều kiện làm việc tồi tệ và những ông chủ vô lương tâm".

BEIS đã điều tra từ năm 2014 đến năm 2019, xác nhận tất cả 208 công ty đã phải trả lại phần lương thiếu cho người lao động. Danh sách đầy đủ có tại đây.

14underpayNhững doanh nghiệp này đã ăn chặn tiền lương của nhân viên.

Bộ trưởng Thị trường Lao động Paul Scully cũng kêu gọi các công ty ngừng “keo kiệt”: "Chúng tôi muốn người lao động biết chúng tôi đứng về phía họ và người sử dụng lao động phải đối xử với họ công bằng. Đó là lý do theo luật, các doanh nghiệp bắt buộc phải trả mức lương tối thiểu. 208 doanh nghiệp này, bất kể quy mô của họ, nên biết rõ họ không được phép trả lương quá thấp cho nhân viên, bất kể có cố ý hay không. Khi lễ Giáng sinh đang đến, điều quan trọng nhất là người lao động không bị mất tiền lương”.

House of Fraser là một trong những công ty vi phạm lớn nhất khi trả thiếu 16,235 bảng cho 354 nhân viên.

Người phát ngôn của Frasers Group - chủ sở hữu mới của chuỗi cửa hàng bách hóa - nhấn mạnh các vi phạm liên quan đến các hoạt động của công ty House of Fraser cũ: “Cần phải nói rõ Frasers Group Plc chỉ mua tài sản của House of Fraser trong quá trình giải cứu (giúp giữ lại vô số việc làm) vào tháng 8 năm 2018. Việc mua lại xảy ra rất lâu sau ngày vi phạm. Tuy nhiên, bằng cách mua lại tài sản, các khiếu nại đã được chuyển cho chủ sở hữu doanh nghiệp mới".

Nhiều công ty nợ nhân viên hàng chục nghìn bảng, vì trả dưới mức lương cơ bản hoặc trừ lương với lý do như tiền đồng phục. Gần một phần ba công ty trả thiếu lương do buộc nhân viên tham gia đào tạo bắt buộc, thử việc hoặc chi phí đi lại, và 16% không trả đúng mức cho nhân viên học việc.

Theo BEIS, Clarks cắt 4,811 bảng tiền lương của 106 người và Waterstones giữ lại 8,689 bảng của 58 nhân viên. Người phát ngôn của Clarks tuyên bố đây là "lỗi nhỏ" trong cách tính lương. Giám đốc điều hành của Waterstones, James Daunt, cũng cho rằng đây là một vi phạm “kỹ thuật”.

Hội đồng hạt Hampshire cũng bị nêu tên vì không đáp ứng nghĩa vụ đối với 24 nhân viên và không trả 1,543 bảng.

Người phát ngôn của hội đồng nói: "HMRC đã phản ánh vấn đề này với chúng tôi sau đợt kiểm toán năm 2018/19, kéo dài trong khoảng thời gian sáu năm, liên quan đến một số lượng nhỏ nhân viên được các trường tuyển dụng trực tiếp theo hợp đồng ngắn hạn dưới một năm. Sau khi điều tra, chúng tôi tin rằng đây là lỗi hành chính địa phương, riêng lẻ, ảnh hưởng đến việc trả lương của một số rất nhỏ các cá nhân".

Một số công ty trong danh sách cùng số tiền của người lao động mà họ giữ lại

  • The Tanning Shop – £34,738
  • Hanmi Gallery London – £28,999
  • Nike Group Hotels – £24,862
  • Mitie Limited – £17,893
  • Go-Ahead London – £16,316
  • House of Fraser – £16,235
  • The App Experts – £15,317
  • Greencore Food To Go – £12,022
  • Hallmark Hotels – £9,335
  • Waterstones – £8,689
  • Clarks – £4,811
  • Lancashire County Cricket Club – £2,329
  • London Care Limited – £2,148
  • Yourholidays.com – £2,059
  • Matalan – £1,634

Viethome (Theo Metro)