BoE cảnh báo cú sốc chi phí vay có thể giáng xuống nước Anh

Tại Anh, bất ổn về tương lai kinh tế đang đẩy chi phí vay dài hạn tiếp tục tăng cao.

Ủy ban Chính sách Tài chính (FPC) của Ngân hàng trung ương Vương quốc Anh (BoE), dưới sự chủ trì của Thống đốc Andrew Bailey, vừa cảnh báo rằng nước Anh vẫn đang đối mặt với nguy cơ xảy ra một cú sốc về chi phí vay. Theo BoE, thị trường trái phiếu chính phủ vẫn còn rất mong manh sau đợt tăng mạnh chi phí vay bị kích hoạt bởi chính sách thuế quan của Tổng thống Mỹ Donald Trump hồi tháng 4/2025.

Các nhà hoạch định chính sách lưu ý rằng lợi suất trái phiếu Chính phủ Anh đã tăng cùng với chi phí vay của Mỹ. Tình hình căng thẳng này có thể đã leo thang thành một cuộc khủng hoảng toàn diện nếu không có tuyên bố tạm dừng áp thuế trong 90 ngày từ phía Mỹ. FPC cũng cảnh báo, cuộc chiến thương mại do Tổng thống Trump khởi xướng có nguy cơ làm đảo lộn trật tự tài chính toàn cầu.

Tại Anh, bất ổn về tương lai kinh tế đang đẩy chi phí vay dài hạn tiếp tục tăng cao. Gần đây, lợi suất trái phiếu kỳ hạn 30 năm đã tăng vọt sau khi Thủ tướng Keir Starmer không lên tiếng bảo vệ Bộ trưởng Tài chính Rachel Reeves trước Quốc hội, khiến các nhà giao dịch lo ngại về khả năng người thay thế bà có thể thực hiện một chính sách vay nợ ồ ạt.

Áp lực càng gia tăng vào ngày 8/7, khi Văn phòng Trách nhiệm Ngân sách (OBR) cảnh báo rằng nhu cầu sụt giảm từ các quỹ hưu trí đối với nợ dài hạn có thể tạo ra một khoản thâm hụt thêm 22 tỷ bảng (khoảng 30 tỷ USD) cho tài chính công. Ông Richard Hughes, Chủ tịch OBR, nhận định Anh đang ngày càng phụ thuộc vào các nhà đầu tư nước ngoài "thất thường và dễ thay đổi".

Nợ công cơ bản đang ở mức cao nhất kể từ đầu những năm 1960 và được dự báo sẽ tiếp tục tăng. OBR cho biết thêm rằng việc giải quyết vấn đề đã trở nên “khó khăn hơn đáng kể” do tăng trưởng kinh tế thấp và lãi suất tăng.

Bối cảnh này gia tăng áp lực lên Bộ trưởng Tài chính Rachel Reeves, người có thể phải đối mặt với các quyết định tăng thuế hoặc cắt giảm chi tiêu vượt 20 tỷ bảng Anh (27,5 tỷ USD) trong ngân sách mùa Thu.

OBR lưu ý rằng Anh hiện có mức nợ cao thứ sáu, thâm hụt cao thứ năm và chi phí vay cao thứ ba trong số 36 nền kinh tế tiên tiến. Không giống nhiều quốc gia khác, Anh đã không giảm được nợ công sau đại dịch COVID-19 và khủng hoảng năng lượng.

BoE cũng chỉ ra một rủi ro hệ thống khác đó là sự tập trung của các quỹ phòng hộ trên thị trường trái phiếu. Hiện tại, 90% các khoản vay ròng trên thị trường giao dịch mua lại (repo market) – nơi các nhà đầu tư hoán đổi trái phiếu lấy tiền mặt, đang nằm trong tay một số ít quỹ phòng hộ, làm tăng nguy cơ biến động mạnh khi có cú sốc.

BoE cũng đang phải đối mặt với tình thế khó xử. Thống đốc Bailey cho biết những biến động trên thị trường có thể ảnh hưởng đến chiến lược bán ra kho dự trữ trái phiếu khổng lồ của ngân hàng trung ương. Hiện tại, BoE đang bán ra số trái phiếu đã mua trong chương trình nới lỏng định lượng, gây ra một khoản lỗ lớn cho người nộp thuế do giá trái phiếu sụt giảm.

Đối mặt với "cơn bão" này, Bộ trưởng Tài chính Rachel Reeves đang phải vật lộn để cân đối ngân sách. Các nhà kinh tế ước tính, chi phí vay tăng cao đã làm giảm 50% dư địa tài khóa của bà, chỉ còn lại khoảng 9,9 tỷ bảng. Điều này làm dấy lên đồn đoán rằng bà có thể sẽ phải tiến hành một đợt tăng thuế mới vào mùa Thu, trong đó các nghị sĩ Công đảng và cựu lãnh đạo Lord Kinnock đang kêu gọi tăng thuế tài sản.

Theo số liệu công bố ngày 30/6 của Văn phòng Thống kê Quốc gia Vương quốc Anh (ONS), nền kinh tế Anh tăng trưởng 0,7% trong quý I/2025, mức tăng trưởng mạnh nhất trong một năm, nhờ sự khởi sắc trong hoạt động mua bán bất động sản và các doanh nghiệp tăng cường hoạt động sản xuất, kinh doanh trước khi Mỹ tăng thuế quan.

Theo số liệu đã điều chỉnh, tăng trưởng kinh tế Anh trong tháng 3/2025 đạt 0,4%, cao hơn mức tăng 0,2% theo ước tính ban đầu. Trước đó, kinh tế Anh tăng trưởng 0,1% trong quý IV/2024. Như vậy, kinh tế Anh đang có sự phục hồi tăng trưởng rõ rệt trong những tháng đầu năm 2025.

Cũng theo số liệu của ONS, trong quý I/2025, chi tiêu hộ gia đình tại Anh tăng 0,4%, cao gấp đôi mức ước tính ban đầu là 0,2% do chi tiêu cho nhà ở, hàng hóa... Hoạt động giao dịch trên thị trường bất động sản Anh tăng mạnh trước thời điểm chính sách ưu đãi thuế đối với một số trường hợp mua bất động sản kết thúc vào ngày 31/3/2025. Còn ngành sản xuất trong quý I/2025 tăng trưởng 1,1% so với quý IV/2024 khi các công ty tăng cường hoạt động sản xuất, kinh doanh trước khi chịu mức thuế quan cao hơn của Mỹ vào tháng 4/2025.

Mặc dù vậy, theo dự đoán, đà tăng trên khó tiếp tục duy trì trong các quý còn lại của năm nay. Theo số liệu thống kê trước đó, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Anh trong tháng 4/2025 giảm 0,3% so với tháng 3/2025 dù sự sụt giảm này phần nào do những yếu tố mang tính tạm thời.

Nhà kinh tế trưởng Thomas Pugh của công ty dịch vụ tư vấn, thuế và kiểm toán RSM UK cho rằng sự sụt giảm chi tiêu tiêu dùng và hoạt động tuyển dụng trong thời gian qua có thể là phản ứng tạm thời trước việc tăng thuế với doanh nghiệp và chính sách thuế quan của Mỹ. Theo ông, tâm lý của người tiêu dùng đang được cải thiện và thị trường lao động đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất. Một khảo sát công bố trong ngày 30/6 cho thấy niềm tin của các doanh nghiệp Anh hiện đạt mức cao nhất trong chín năm qua.

ngan hang trung uong anh

Theo Bnews