Chính phủ Anh đã bán nốt số cổ phần còn lại ở NatWest, xác nhận lỗ 10,5 tỉ bảng từ khi chính phủ tiến hành giải cứu ngân hàng này khỏi cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.
Như vậy, NatWest đã trở lại là một ngân hàng tư nhân, chấm dứt thời kỳ nhà nước can thiệp vào hệ thống ngân hàng. "Sự kiện này đã khép lại một chương quan trọng trong lịch sử đất nước", Bộ trưởng Tài chính Rachel Reeves tuyên bố.
Gần 2 thập kỷ qua, chính phủ đã phải can thiệp để bảo vệ hàng triệu khách hàng cá nhân và doanh nghiệp khỏi hậu quả do sự sụp đổ của ngân hàng Royal Bank of Scotland. (Ngân hàng Royal Bank of Scotland đã mua NatWest vào năm 2000, và đến tháng 7/2020, ngân hàng này đã chính thức đổi tên thành NatWest).
NatWest là một trong những ngân hàng lớn nhất Vương quốc Anh. Cổ phần của chính phủ Anh tại ngân hàng này từng chiếm tới 84% trong giai đoạn giải cứu.
NatWest đã tồn tại lâu hơn các ngân hàng khác được cứu trợ trong cuộc khủng hoảng tài chính 2008-2009. Tuy nhiên, tỷ lệ cổ phần của chính phủ đã giảm nhanh chóng trong những tháng gần đây, từ khoảng 38% vào tháng 12/2023 xuống dưới 10% vào tháng 12/2024 và còn 4,82% vào tháng 3/2025.
Đây là bước kết thúc của quá trình thoái vốn bắt đầu với kế hoạch giao dịch được công bố vào ngày 22/07/2021 và được gia hạn vào ngày 03/04/2023.
Tổng doanh thu từ việc bán cổ phần của chính phủ trong NatWest Group là 24,8 tỉ bảng. Trong đó 13,2 tỉ bảng được huy động thông qua kế hoạch giao dịch nêu trên. Ngoài ra, 5,7 tỉ bảng đã được thu về thông qua ba đợt chào bán cho nhà đầu tư tổ chức, và 5,8 tỉ bảng thông qua năm đợt mua lại trực tiếp bởi chính NatWest Group. Tính cả cổ tức và các khoản phí khác, Bộ Tài chính Hoàng gia Anh (HM Treasury) đã nhận được tổng cộng 35 tỉ bảng từ khoản đầu tư vào ngân hàng này, nhưng vẫn lỗ 10,5 tỉ bảng.
Ngân hàng đối thủ của NatWest là Lloyds Banking Group đã hoàn tất việc trở lại sở hữu hoàn toàn tư nhân vào tháng 5/2017.
Viethome (theo ITV News)