Bà Sophie Dworetzsky tại công ty luật Charles Russell Speechlys đồng tình rằng đề xuất về thuế thừa kế của chính phủ sẽ khiến những người không phải là nhân khẩu thường trú không muốn đến Anh.
Bộ trưởng Tài chính Anh Rachel Reeves.
Bộ trưởng Tài chính Anh Rachel Reeves có thể sẽ xem xét lại kế hoạch xóa bỏ ưu đãi thuế đối với những người không phải nhân khẩu thường trú trong bối cảnh Bộ Tài chính lo ngại kế hoạch này có thể không thu được ngân sách như dự kiến.
Chế độ không cư trú là một quy định thuế của Anh, theo đó những người cư trú tại Anh nhưng có hộ khẩu thường trú ở nước khác không phải trả thuế thu nhập và thu nhập từ vốn ở nước ngoài trong tối đa 15 năm.
Tháng trước, Công đảng đưa ra kế hoạch bãi bỏ chế độ này theo cam kết nêu trong cương lĩnh tranh cử nhằm tăng thu ngân sách để tài trợ cho hệ thống y tế và giáo dục, và thúc đẩy các đề xuất trước đó của chính phủ tiền nhiệm về việc xóa bỏ chế độ này. Bộ Tài chính Anh cho biết sẽ xóa bỏ sự bất công trong hệ thống thuế và chế độ thuế không cư trú lỗi thời sẽ được thay thế bằng chế độ mới, có tính cạnh tranh quốc tế, dựa trên nơi cư trú.
Tuy nhiên, các quan chức chính phủ ngày 26/9 cho biết, Bộ trưởng Reeves sẽ xem xét các chi tiết của kế hoạch này trước khi bà công bố kế hoạch ngân sách vào ngày 30/10, song nhấn mạnh quyết định cuối cùng chưa được đưa ra.
Một quan chức chính phủ cho biết các chi tiết của đề xuất đang được xem xét, nhấn mạnh chính phủ sẽ chọn cách tiếp cận thực tế, không tiếp tục bằng mọi giá song cũng không từ bỏ hoàn toàn kế hoạch này. Động thái này được đưa ra trong bối cảnh các cố vấn cảnh báo hàng nghìn người nước ngoài giàu có không phải là nhân khẩu thường trú đang tìm cách rời Vương quốc Anh.
Các quan chức Bộ Tài chính lo ngại kế hoạch tăng thuế đối với những người không phải là nhân khẩu thường trú có thể không mang lại doanh thu, do những người hiện đang hưởng lợi từ ưu đãi thuế đang tìm đến các quốc gia có chính sách thuế thuận lợi hơn.
Bộ trưởng Reeves kỳ vọng sẽ thu được khoảng 1 tỷ bảng Anh mỗi năm bằng cách thắt chặt kế hoạch của chính phủ tiền nhiệm, nhằm chấm dứt chế độ ưu đãi thuế dành cho những người nước ngoài giàu có đang cư trú tại Anh nhưng có địa chỉ thường trú ở nước ngoài.
Theo kế hoạch của chính phủ mới, khái niệm “nơi cư trú” sẽ bị loại bỏ và được thay bằng hệ thống dựa trên cư trú. Số năm tiền kiếm được ở nước ngoài không bị đánh thuế tại Anh sẽ giảm từ 15 năm xuống còn 4 năm. Các cá nhân cũng sẽ phải trả thuế thừa kế sau 10 năm cư trú tại Anh và vẫn phải chịu trách nhiệm trong 10 năm sau khi rời nước này. Họ cũng sẽ không trốn được thuế thừa kế đối với tài sản được giữ bởi quỹ tín thác.
Các chuyên gia thuế cho biết bất kỳ sự nới lỏng thuế nào sẽ được hoan nghênh bởi những người không định cư hiện tại và tương lai. Bà Rachel de Souza tại công ty kế toán RSM, cho rằng việc nới lỏng chính sách thuế thừa kế sẽ giúp ngăn chặn được tình trạng di cư khỏi Anh.
Bà Sophie Dworetzsky tại công ty luật Charles Russell Speechlys, cũng đồng tình rằng đề xuất về thuế thừa kế của chính phủ sẽ khiến những người không phải là nhân khẩu thường trú không muốn đến Anh.
Theo một nghiên cứu mới do Oxford Economics thực hiện, gần 2/3 (63%) nhà đầu tư giàu có cho biết có kế hoạch rời Vương quốc Anh trong vòng hai năm hoặc “sớm thôi” nếu Chính phủ Công đảng thực hiện kế hoạch xóa bỏ ưu đãi thuế không cư trú, trong khi 67% cho biết sẽ không di cư sang Anh.
Nghiên cứu của Oxford Economics, trong đó khảo sát 72 người không phải là nhân khẩu thường trú và 42 cố vấn thuế đại diện cho 952 khách hàng không phải là nhân khẩu thường trú, cho thấy 98% cho biết họ sẽ di cư khỏi Anh sớm hơn dự kiến nếu các cải cách thuế được thực hiện. Phần lớn (83%) cho biết thuế thừa kế đối với tài sản của họ trên toàn thế giới là động lực chính khiến họ rời đi, trong khi 65% cũng đề cập đến những thay đổi về thuế thu nhập và thuế thu nhập từ vốn.
Theo TTXVN