Ngành công nghiệp ô tô Anh có nguy cơ thiệt hại gần 74 tỷ USD

Hiệp hội các nhà sản xuất và kinh doanh ô tô Vương quốc Anh (SMMT) cảnh báo ngành công nghiệp chế tạo ô tô nước này sẽ gánh chịu khoản thua lỗ 55,4 tỷ bảng (khoảng 73,8 tỷ USD) trong 5 năm tới.

a129112019

Cảnh báo này đưa ra nếu không có thỏa thuận thương mại nào được ký kết giữa Anh và Liên minh châu Âu (EU).
Việc không đạt được hiệp định thương mại tự do với EU có nghĩa là quan hệ thương mại giữa Anh và EU sẽ trở lại theo các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào năm 2021.

Theo đó, SMMT ước tính ngành chế tạo ô tô của Anh sẽ gánh khoản thuế lên tới 55,4 tỷ bảng vào năm 2025 với sản lượng ô tô hàng năm liên tục giảm xuống dưới 1 triệu chiếc.
Cụ thể, nếu áp dụng các quy định của WTO, mức thuế mới sẽ khiến giá xe điện do Anh sản xuất tăng thêm trung bình 2.000 bảng (2.664 USD) khi bán ra thị trường EU và làm giảm đáng kể khả năng cạnh tranh các nhà máy của Anh.
Theo SMMT, việc Anh và EU không đạt thỏa thuận sẽ có tác động nghiêm trọng đến khả năng phát triển và sản xuất thế hệ tiếp theo của các mẫu xe không phát khí thải gây ô nhiễm.

Mike Hawes, Giám đốc điều hành SMMT nhận định kế hoạch của chính phủ về một cuộc cách mạng công nghiệp “xanh” là một thách thức to lớn đối với ngành công nghiệp ô tô, ngành năng lượng, lẫn người tiêu dùng và chính phủ.
Đầu tháng này, Chính phủ Anh đã tuyên bố cấm bán ô tô chạy xăng và dầu mới vào năm 2030, sớm hơn 5 năm so với kế hoạch trước đó. Ông Hawes cho rằng nhiệm vụ trên không hề dễ dàng và với việc các phòng trưng bày ô tô đóng cửa, các nhà máy khan hiếm đơn đặt hàng, khả năng đầu tư thêm của ngành này bị hạn chế nghiêm trọng.
Nước Anh đang áp dụng chính sách đóng cửa trên phạm vi cả nước kéo dài một tháng, lần áp dụng thứ hai kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát ở nước này. Chính sách đóng cửa đang đặt ra câu hỏi liệu các phòng trưng bày ô tô có thể mở cửa trở lại trong kỳ nghỉ Giáng sinh sắp tới hay không.
Để đưa cuộc sống trở lại bình thường, các quốc gia như Anh, Trung Quốc, Đức, Nga và Mỹ đang chạy đua với thời gian để phát triển vắc-xin ngừa COVID-19.