IMF dự báo nền kinh tế Anh sẽ phục hồi yếu hơn dự kiến

Kinh tế Anh sẽ giảm 10,4% trong năm nay và tăng trưởng trở lại 5,7% vào năm 2021 giữa bối cảnh châu Âu đang hứng chịu làn sóng thứ hai của đại dịch COVID-19 và đàm phán thương mại với EU gặp trở ngại.

ad

Ngày 29/10, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo đà phục hồi của kinh tế Anh sẽ yếu hơn dự kiến giữa bối cảnh châu Âu đang hứng chịu làn sóng thứ hai của đại dịch COVID-19 và đàm phán thương mại giữa nước này với Liên minh châu Âu (EU) vẫn gặp trở ngại.

Theo IMF, kinh tế Anh sẽ giảm 10,4% trong năm nay và tăng trưởng trở lại 5,7% vào năm 2021. Chỉ hai tuần trước, IMF đã đưa ra dự đoán về mức giảm 9,8% trong năm nay và tăng trưởng 5,9% trong năm tới.

IMF nhận định đà phục hồi mạnh mẽ hồi mùa Hè đang phải đối mặt với những “trận gió ngược” từ làn sóng thứ hai của đại dịch COVID-19, sự thiếu bất ổn liên quan đến tiến trình Brexit, tỷ lệ thất nghiệp gia tăng và sức ép trên bảng cân đối kế toán của các doanh nghiệp.

Phát biểu trước báo giới, người đứng đầu IMF, bà Kristalina Georgieva, cho biết gói tài chính “giải cứu” của Anh do chính phủ và ngân hàng trung ương thực hiện là một trong những ví dụ tốt nhất về hành động phối hợp trên toàn cầu.

Theo bà Georgieva, tiếp tục hỗ trợ chính sách là điều cần thiết để đối phó với đại dịch và duy trì, thúc đẩy đà phục hồi.

Phản ứng trước đánh giá của IMF, Bộ trưởng Tài chính Anh Rishi Sunak cho hay báo cáo của IMF đã xác nhận kinh tế Anh đang đi đúng hướng, song vẫn cảnh báo nước này về những nguy cơ kinh tế vẫn còn ở phía trước.

Chính phủ Anh tuần trước đã nâng cấp chương trình hỗ trợ việc làm mới sau khi các doanh nghiệp chịu thiệt hại do tác động của đại dịch COVID-19 cho rằng kế hoạch này vẫn “chưa đi đủ xa." Dù vậy, kế hoạch mới vẫn giảm đi nhiều hỗ trợ so với chương trình trước đó kết thúc vào ngày 31/10.

Trong một đánh giá, bà Georgieva cho rằng Anh nên tăng cường đầu tư công cũng như phúc lợi cho những người mất việc làm vì khủng hoảng. Theo bà, chính phủ nên tiếp tục hỗ trợ các công ty và bảo vệ người lao động cho đến khi tác động kinh tế giảm bớt.

Bà Georgieva lưu ý việc chấn chỉnh tình hình tài chính công, bao gồm nhiệm vụ giảm nợ công là điều cần thiết, nhưng chỉ nên áp dụng khi đại dịch đã kết thúc. Bà còn cho rằng Anh có thể tăng nguồn thu từ thuế carbon, thuế giá trị gia tăng và thuế tài sản, mà không làm ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế.