Có nên dùng tên tiếng Việt khi đi xin việc làm, hay dùng tên lai Tây?

Không ít lần bạn đã từng suy nghĩ nên để tên gì trong đơn xin việc của mình, là cái tên cha sanh mẹ đẻ đặt cho, hay là một cái tên ‘lai Tây’ cho phù hợp, cho không bị kì thị, hoặc chí ít là để vượt qua được vòng xét hồ sơ và được gọi đi phỏng vấn. Những khó khăn của người không mang tên có nguồn gốc Anglo là có thật.
 
Một nghiên cứu mới đây đã phát hiện ra định kiến dành cho những người có tên không phải tên tiếng Anh là có thật, đặc biệt là đối với những người đi xin việc mà vẫn sử dụng tên tiếng nước ngoài, thường không được ưu ái.
 viethome don xin viec

Những cái tên không phải tiếng Anh thường bị kì thị.

Cheng sinh ra tại Victoria (Úc), đi học và lớn lên tại đó, thế nhưng khi anh nộp đơn xin việc, không ít lần nhà tuyển dụng vẫn hỏi anh, “Anh có phải là thường trú nhân không vậy?” “Tôi nhận ra là mỗi lần tôi dùng tên ‘Cheng’, người khác tự động nghĩ tôi là người nước ngoài,” Cheng nói.
 
Năm 15 tuổi, Cheng còn được biết với cái tên khác là ‘Michale’. “Cha mẹ tôi đã cố gắng tạo cho tôi đầy đủ điều kiện, để tôi có thể tìm được việc làm trong tương lai. Nào là con sẽ có bằng cấp cao, con sẽ có tên tiếng Anh và con nói tiếng Anh rất sõi.” Nhưng Cheng không hề muốn đổi tên của anh – Cheng muốn chính những nhà tuyển dụng thay đổi thái độ của họ đối với người ứng tuyển xin việc. “Tại sao tôi lại phải sử dụng một cái tên chẳng phải là tên cha sanh mẹ đẻ của tôi?”
 
Cheng vẫn có thể đem chuyện này ra đùa với hội bạn thân, nhưng anh phải thừa nhận rằng, “Thực sự là tổn thương vì những người như chúng tôi bắt đầu có những suy nghĩ rằng mình thua kém, mình không xứng đáng.”
 
Một nghiên cứu của trường Đại học Sydney vào năm 2017 đã phát hiện có 13% những người xin việc có tên tiếng Anh được mời đi phỏng vấn, trong khi đó chỉ có 4.8% những người xin việc có tên gốc Trung Quốc là được gọi đi phỏng vấn.
 
Có không ít di dân thực sự cảm thấy mệt mỏi với việc họ bị kì thị, bị đánh giá thấp chỉ vì cái tên của họ, không phải do chính kinh nghiệm hay trình độ - và cũng không ít người đã dẹp bỏ luôn quá trình xin việc mà tự khởi nghiệp.
 
“Những gì mà chúng tôi đang cố gắng xây dựng là nơi là mọi người đều có lợi. Doanh nghiệp khởi nghiệp sẽ tạo ra thêm việc làm trên đất Úc, nó cũng giúp giải quyết nhiều vấn đề của những người khó mà xin vào thị trường việc làm bây giờ,” Usman Iftikhar cho biết. Anh là người đã di dân đến Úc từ Paskistan vào năm 2013, và là người đứng sau vận hành ‘Catalysr’, một doanh nghiệp trẻ giúp di dân có thể tự khởi nghiệp trong bất cứ mảng nào mà họ có khả năng, từ dịch vụ du lịch, nhà hàng khách sạn cho đến công nghệ.
 
Nhưng không phải ai trong cộng đồng vốn đa dạng sắc tộc này cũng là di dân, và không phải ai cũng muốn khởi nghiệp. Vậy thì phải làm sao nếu như họ muốn xin một công việc trong thị trường việc làm mà vẫn liên tục đối mặt với những khó khăn vô hình đó?
 
Nhà tâm lý học Dina Ward, cho biết câu trả lời là áp dụng phương pháp ‘tuyển dụng mù’: tức là loại bỏ bất kỳ thông tin cá nhân nào như tên, địa chỉ và trường học trong hồ sơ xin việc, có thể sẽ cải thiện được tình hình. “Nó không phải là viên đạn bạc, có thể giải quyết toàn bộ vấn đề, nhưng nó chắc chắn sẽ có ảnh hưởng không ít đến quá trình xin việc và chọn ứng viên.”
Viethome (theo SBS)