Trong ba quân chủng của Quân đội Anh, lực lượng Hải quân và Không quân có hậu tố 'Hoàng gia' trong tên gọi chính thức còn Lục quân thì không. Câu hỏi đặt ra là tại sao Anh không có Lục quân Hoàng gia?
Hải quân Hoàng gia Anh
Tên gọi Hải quân Hoàng gia phản ánh mối liên hệ mật thiết của quân chủng này với vương thất Anh. Trong khi tân binh gia nhập Lục quân hay Không quân Hoàng gia phải tuyên thệ trung thành với Hoàng gia Anh, thành viên của Hải quân Hoàng gia không cần làm lễ tuyên thệ này. Lực lượng hải quân được xem là luôn trung thành với Hoàng gia vì vốn dĩ là lực lượng quân sự riêng của hoàng gia.
Vua Charles III và Hải quân Hoàng gia Anh. Ảnh: portsmouth.co.uk
Hải quân Hoàng gia Anh được gây dựng bởi Vua Henry VIII vào năm 1546. Thời điểm này, quân chủ Anh có đặc quyền duy trì và phát triển hải quân. Trong thời kỳ Cách mạng tư sản Anh, Quốc hội giành quyền kiểm soát Hải quân Hoàng gia và đổi tên quân chủng này thành Hải quân Khối thịnh vượng chung. Khi nền quân chủ được khôi phục năm 1660, Vua Charles II đã đặt lại tên gọi Hải quân Hoàng gia và tên gọi này được sử dụng chính thức cho đến nay.
Không quân Hoàng gia Anh
Năm 1918, Không quân Hoàng gia Anh đã được thành lập thông qua việc hợp nhất các đơn vị bay thuộc Lục quân và Không quân Hải quân Hoàng gia. Đây là lực lượng Không quân độc lập về mặt tổ chức đầu tiên trên thế giới, không chịu sự chỉ đạo của các tư lệnh Lục quân và Hải quân Anh.
Không quân Hoàng gia Anh là quân chủng không quân đầu tiên trên thế giới. Ảnh: vanityfair.com
Tên gọi Không quân Hoàng gia là sự kế thừa danh hiệu của các đơn vị hợp thành quân chủng này, gồm Quân đoàn Không quân Hoàng gia và Không quân Hải quân Hoàng gia.
Lục quân Anh
Hình thái đầu tiên của Lục quân Anh xuất hiện vào năm 1645 trong Cách mạng Tư sản Anh. Để giành chiến thắng trong chiến tranh, Quốc hội đã thành lập Quân đội kiểu mẫu mới, một quân đội thường trực chuyên nghiệp đầu tiên được thấy tại Anh. Trước đó, tất cả các đạo quân trên bộ đều là dân quân hoặc lính đánh thuê do lãnh chúa địa phương chiêu mộ. Đội quân này bị giải tán khi chế độ quân chủ được khôi phục vào năm 1660. Không lâu sau, nhận thức rõ lợi thế của việc tổ chức một đội quân thường trực, năm 1661, Vua Charles II ban hành sắc lệnh thành lập các trung đoàn thường trực, tiền thân của Lục quân Anh hiện đại.
Binh sĩ thuộc Lục quân Anh. Ảnh: Reuters
Tuy nhiên, sắc lệnh trên đã làm dấy lên những lo ngại về chi phí duy trì một đội quân thường trực khi đất nước không có chiến tranh, cũng như nguy cơ nhà vua dựa vào quân đội để phớt lờ quyết định của Quốc hội. Và mối lo ngại này đã được chứng minh là có cơ sở dưới thời trị vì của người kế vị Vua Charles II là Vua James II, khi ông không ngừng củng cố quyền chuyên chế của mình thông qua các đội quân thuộc quyền chỉ huy của hoàng gia.
Sau khi Vua James II bị buộc thoái vị, Quốc hội Anh thông qua Dự luật về các quyền năm 1689, trong đó có khoản cấm xây dựng hoặc duy trì một đội quân thường trực trong vương quốc vào thời bình, trừ khi được sự đồng ý của Quốc hội. Kể từ đó, cứ cách khoảng 5 năm một lần, Quốc hội Anh lại thông qua Đạo luật Lục quân (nay là Đạo luật Lực lượng vũ trang) để hợp thức hóa sự tồn tại của quân chủng này. Do đó, Lục quân Anh, mặc dù tuyên thệ trung thành với Hoàng gia Anh, nhưng về mặt pháp lý lại cần sự chấp thuận của Quốc hội để hoạt động.
Như vậy, khác với Hải quân và Không quân vốn là hai lực lượng được thành lập bởi Sắc lệnh Hoàng gia, Lục quân hình thành trong giai đoạn lịch sử đầy biến động của Vương quốc Anh, là trung tâm của cuộc tranh giành quyền lực dai dẳng giữa nhà vua và Quốc hội. Lịch sử hình thành phức tạp của Lục quân Anh dẫn tới việc đây là quân chủng duy nhất không có hậu tố “Hoàng gia”, dù trong biên chế lực lượng này có cả các đơn vị bảo vệ vương thất như Đội cận vệ Hoàng gia.
Theo quandoinhandan