Sóng thần cao gần 200 mét - là một trong những trận sóng thần lớn nhất từng được ghi nhận - là kết quả của một loạt sự kiện liên tiếp và hiếm có đã xảy ra. Tuy nhiên, không ai trên thế giới chứng kiến sự kiện này (và như vậy đúng là may mắn).
Đúng một năm trước, tức là vào tháng 9/2023, các nhà địa chấn học trên khắp thế giới đã phát hiện những rung động không giống bất kỳ rung động nào mà họ gặp trước đây.
Đó là tiếng rền đều đều dường như phát ra từ Greenland, đảo lớn nhất thế giới. Và nó kéo dài 9 ngày liền. “Tín hiệu này rất, rất lạ, tôi chưa từng thấy” - Carl Ebeling, một nhà địa chấn học làm việc với ĐH California (Mỹ), nói.
Cho đến gần đây, vẫn không ai biết điều gì đã gây ra hoạt động địa chấn bí ẩn đó. Chỉ biết là không lâu sau khi rung động xuất hiện, một con tàu đi gần các vịnh hẹp ở Greenland phát hiện ra rằng trên đảo Ella, một căn cứ quan trọng được Đan Mạch dùng cho việc nghiên cứu khoa học, đã bị phá hủy.
Một hình ảnh vệ tinh chụp đỉnh núi gần nơi xảy ra sự việc. Ảnh: Copernicus, Sentinel-2.
Những điều này khiến một nhóm các nhà địa chấn học quốc tế, phía Đan Mạch và các nhà hải dương học bắt tay tìm lời giải đáp cho bí ẩn: Chuyện gì đã xảy ra ở Greenland?
Đến tận ngày 12/9 năm nay, kết luận của các nhà nghiên cứu mới được đưa ra sau một năm ròng rã tìm hiểu, và được đăng trên tạp chí Science (Khoa học). Hóa ra, ở Greenland đã xảy ra một trong những đợt sóng thần lớn nhất từng được ghi nhận, với những con sóng cao đến 198 mét, vẫn còn để lại dấu vết.
Nguyên nhân ban đầu là do nhiệt độ tăng lên (vì biến đổi khí hậu) đã khiến một phần của một sông băng sụp đổ. Điều này làm một sườn núi dốc bị mất ổn định, gây ra một trận lở đá và băng, đổ vào Vịnh Dickson rất sâu của Greenland. Việc này lại khiến một lượng nước khổng lồ bị văng tung lên, và một ngọn sóng dữ dội cao ngất đã di chuyển trong vịnh có bề rộng khoảng 2,4 km.
Ảnh chụp khu vực xảy ra sạt lở vào ngày 12/8/2023 (trước vụ sạt lở - sóng thần) và ngày 19/9/2023 (sau vụ việc). Ảnh: Søren Rysgaard; Quân đội Đan Mạch.
Những ngọn sóng thần - một số cao ít nhất 100 mét - đã đập lên những vách đá dốc đứng dọc theo vịnh. Do đất, đá, băng lao xuống nước ở góc gần 90 độ, nên những con sóng cứ va đập qua lại trong suốt 9 ngày. Các nhà khoa học gọi hiện tượng này là seiche (dao động lắc).
“Chưa ai từng chứng kiến điều gì như thế này” - Kristian Svennevig, nhà nghiên cứu chính của Đan Mạch, nói.
Đội ngũ nghiên cứu khẳng định, đảo Ella - cách vụ lở đất đá và băng khoảng 72 km - đã bị tàn phá bởi sóng thần cao ít nhất 4 mét. Đáng chú ý là thỉnh thoảng các du khách vẫn tới thăm hòn đảo này.
“Chỉ vài ngày trước sự kiện trên, các con tàu du lịch vẫn đi qua đó” - Svennevig nói - “Thực sự, thực sự rất may mắn là không ai ở đó khi sự việc xảy ra”.
Các nhà nghiên cứu ước tính, đã có 25 triệu mét khối đá và băng đổ xuống vịnh. Đây là lượng có thể đổ đầy 10.000 bể bơi Olympic. Ảnh: Søren Rysgaard/ Quân đội Đan Mạch/ SWNS.
Dao động lắc như trên là dao động lắc dài nhất mà các nhà khoa học thế giới từng biết đến. Trước đây, sóng thần do sạt lở đất đá thường tạo ra rung động chỉ trong vài giờ.
Alice Gabriel, một nhà nghiên cứu, nói: “Trái Đất là một hệ thống có rất nhiều hoạt động liên tục và hiện tại, chúng ta đang ở thời điểm mà sự cân bằng rất nhạy cảm (của Trái Đất) bị xáo trộn khá mạnh do biến đổi khí hậu”.
Theo Tienphong