Luật chia đều tài sản khi ly hôn của Vương quốc Anh là vị cứu tinh của những người có nguồn lực tài chính ít hơn so với bạn đời của mình.
Tiểu vương Dubai và vợ mình trước khi xảy ra vụ ly hôn
Vào năm 2021, một thẩm phán người Anh đã đưa ra phán quyết yêu cầu Sheikh Mohammed bin Rashid al-Maktoum, tiểu vương của Dubai, phải trả cho vợ cũ khoản tiền 554 triệu bảng Anh để có thể kết thúc cuộc hôn nhân.
Đây được cho là vụ dàn xếp ly hôn lớn nhất từ trước đến nay được thực hiện tại Vương quốc Anh, đồng thời cũng một lần nữa khẳng định vị thế của London: Thủ đô ly hôn của những người giàu có và nổi tiếng.
Theo Insider, hệ thống toà án Vương quốc Anh thật sự là điểm đến lý tưởng cho những cuộc ly hôn đắt giá, chủ yếu là do pháp lý ở đây thường có lợi cho bên có điều kiện tài chính yếu hơn.
Nhiều người đã nhận được khoản thanh toán trị giá hàng triệu bảng Anh, đôi khi là lên tới 50% tổng tài sản của người bạn đời nhờ vào việc tận dụng hệ thống tòa án ở đây, nơi các thẩm phán có quyền quyết định vô cùng lớn.
Điều này là kết quả của một phán quyết được đưa ra vào năm 2000, theo đó, luật pháp Anh không công nhận những tài sản có trước hôn nhân là của riêng mỗi người. Khi ly hôn, tất cả tài sản đều sẽ được cộng lại và chia đôi cho đương sự, tức là điều này sẽ bất lợi hơn với những bên có nhiều tài sản.
Trong trường hợp của tiểu vương Sheikh, thẩm phán Philip Moor phán quyết rằng ông phải bồi thường cho vợ cũ Haya những tài sản mà cô ấy nên được nhận, bao gồm: 13,6 triệu bảng Anh cho các món đồ trang sức, 1 triệu bảng Anh cho quần áo thời trang, 1 triệu bảng Anh cho ô tô, và 5 triệu bảng Anh cho ngựa đua.
Haya chụp ảnh cùng Nữ vương Elizabeth
Theo một số nguồn tin, vào năm 2019, tiểu vương Dubai đã cảm thấy vô cùng khó chịu trước tin đồn vợ mình ngoại tình với một người vệ sĩ, do đó ông đã kiểm soát vợ mọi lúc mọi nơi. Trước tình hình đó, Haya đã bí mật bỏ trốn khỏi Dubai và xin được ty nạn ở Vương quốc Anh, cũng là nơi diễn ra cuộc chiến ly hôn đắt đỏ.
Trao đổi với The Guardian vào năm 2015, luật sư ly hôn Mark Harper nói: “Những người giàu sẽ làm mọi chuyện có thể để tránh ly hôn ở Anh vì pháp luật ở đó ưu ái cho bên không có tiền hơn".
London từng là nơi xảy ra vô số vụ ly hôn lộn xộn và tốn kém nhất của giới thượng lưu. Vào năm 2014, nhà đầu tư người Anh Sir Christopher Hohn được cho là phải trả 337 triệu bảng Anh, gần một nửa tài sản của ông, cho người vợ Mỹ là Jamie Cooper-Hohn.
Theo The Daily Telegraph, dù sự thật là công việc của Hohn được tiến hành một cách độc lập, nhưng tòa án vẫn phán quyết rằng ông đã nhận được hỗ trợ từ vợ mình. Năm 2017, nhà tài phiệt người Nga Farkhad Akhmedov đã trao 453 triệu bảng Anh, khoảng 40% tài sản, cho vợ cũ là Tatiana.
Theo Soha