Những đứa trẻ bị chính cha mẹ bắt cóc tại Anh

Louise Screene đang nắm tay hai con trước cổng trường thì một chiếc xe hơi tấp vào. Trong vài giây, hai người đàn ông nhảy ra tóm lấy các con cô.

Năm năm trôi qua, Louise vẫn có thể hình dung ra cảnh đó. Những chiếc áo khoác đỏ rực của hai con lóe lên khi bị ném vào trong xe. Tiếng hét thất thanh của chúng. Sự kinh hoàng và bất lực của cô khi xe lao đi. "Tôi chạy theo, cố gắng hét lên. Tôi cảm thấy đau đến tận xương tủy", cô kể.

Những đứa trẻ bị bắt giữ bởi một nhóm người do cha của chúng, Andrew thuê. Sau khi Louise và Andrew ly hôn và lo lắng cho sự an toàn của hai con, Louise đã mang những đứa trẻ đi khỏi người chồng cũ.

Trên thế giới có khoảng 10 công ty cung cấp dịch vụ bắt cóc trẻ em theo "đặt hàng" của cha/mẹ này mà không có sự cho phép của cha/mẹ kia. Với tỷ lệ ly hôn tăng vọt và dân số toàn cầu ngày càng di động, hình thức này có thể đóng một vai trò lớn hơn bao giờ hết trong các tranh chấp về quyền nuôi con.

Nhiều người chỉ trích dịch vụ này đã không nghe câu chuyện từ cả hai phía trước khi hành động. Bởi nhiều "con mồi" trong số đó (70% là phụ nữ) đang chạy trốn người vợ/chồng bạo lực và lạm dụng. Điều này có nghĩa những đứa trẻ sẽ gặp nguy hiểm khi sống với người cha/mẹ bắt về. Thêm vào đó, hành động bắt cóc sẽ để lại vết sẹo tâm lý kéo dài đến tuổi trưởng thành cho trẻ.

"Đó là một ngành kinh doanh không được kiểm soát. Chúng tôi thấy mọi thứ diễn ra rất sai lầm. Chúng là rủi ro lớn không chỉ về tài chính mà còn đối với sự an toàn của chính các bậc cha mẹ và những đứa trẻ", Vicky Mayes, phát ngôn viên của Reunite, một tổ chức từ thiện ở Anh chuyên giúp đỡ cha mẹ của những đứa trẻ bị bắt cóc, bình luận.

cha me bat coc con 1
Những đứa trẻ sẽ bị sốc và tổn thương khi bị bắt cóc nhưng nhiều bậc cha/mẹ chấp nhận làm điều này để giành con về phía mình. Ảnh: Shutterstock.

Reunite ghi nhận từ 500 đến 600 vụ bắt cóc mỗi năm. Về lý thuyết, Công ước Hague - một hiệp ước quốc tế quy định một bên cha/mẹ không được đưa trẻ rời khỏi quốc gia "cư trú thường xuyên" của mình mà không có sự đồng ý của người kia - phải đảm bảo trẻ em bị bắt cóc được đưa về nhà trong vòng sáu tuần. Nhưng trên thực tế, công ước này thường bất lực khi đối mặt với luật riêng của mỗi quốc gia. Các tòa án nước ngoài mất trung bình từ 2 đến 5 năm để xử lý các vụ việc và nhiều quốc gia như Ấn Độ, UAE chưa ký Công ước, khiến việc truy xuất càng khó khăn hơn.

Louise đã yêu cầu ly hôn khi chồng cô chuyển đến Trung Đông để làm việc vào năm 2010. Cô đồng ý chia đôi thời gian ở đó và Anh, để dù đã ly thân nhưng họ có thể chia sẻ quyền nuôi con. Tuy nhiên nhiều năm trôi qua cô nhận ra chồng chăm các con không tốt, sau khi nhận được phàn nàn từ giáo viên. Cô nói chuyện với chồng cũ, người đã tái hôn, nhưng mối quan hệ của họ trở nên tồi tệ. Chồng cũ hung dữ, đe dọa sẽ lấy hộ chiếu các con. Họ cùng làm việc với luật sư hướng tới quyền nuôi con chung nhưng "hành vi của Andrew trở nên phi lý".

Vào ngày bắt cóc, những người xung quanh đã nhanh chóng ghi lại được biển số và báo cảnh sát. Một cuộc tìm kiếm toàn châu Âu được Interpol tiến hành và Văn phòng Ngoại giao Anh vào cuộc. "Tôi không thể chịu đựng được ý nghĩ nhìn những chiếc giường trống không của các con mình. Vì vậy, tôi đi trên đường phố, sợ hãi trước nỗi đau mà các con có thể phải chịu", Louise, 48 tuổi, một nhà tư vấn quản lý, đã tái hôn, nói.

36 giờ sau khi con gái Louise, 14 tuổi và con trai, 11 tuổi bị đưa đi, chúng được tìm thấy cùng với một người bắt cóc đang đưa hai bé lên chuyến bay đến Trung Đông. Cảnh sát ập đến, kẻ bắt cóc đã trốn thoát. Andrew đang đợi bọn trẻ trong sân bay, về mặt pháp lý, anh có nghĩa vụ phải có mặt ở đó với tư cách là người giám hộ của chúng. Người chồng cũ không thừa nhận rằng mình đã thuê người bắt cóc. "Anh ấy luôn khẳng định người đàn ông kia là bạn của mình", Louise kể.

Khi Louise phóng xe đến sân bay, hai đứa con đã bổ nhào vào cô. "Chúng nói đã đập đầu vào cửa kính ôtô, tuyệt vọng để ra ngoài", người mẹ kể thêm.

Thật đau lòng khi nhìn thấy con mình bị người lạ bắt. Nhưng một người mẹ đã thuê những người đàn ông như vậy để bắt con của mình về, bằng việc bỏ ra 25.000 bảng Anh (800 triệu đồng). Barbara Walker, một nhà quản lý tài chính ở đông nam nước Anh, đã thuê một nhân viên bắt cóc, giành lại cậu con trai 6 tuổi của cô, Leo, sau khi bé bị cha bắt đến Ai Cập vào năm 2014.

Cô gặp Akhem, cha của Leo, trong một kỳ nghỉ ở Ai Cập, nơi anh làm bồi bàn, vào năm 2002. Họ chuyển đến Anh và kết hôn năm 2004, nhưng ly thân 3 năm sau trong khi Barbara đang mang thai Leo, bởi vì cô bị chồng bạo hành.

Sau khi ly hôn, Barbara được trao quyền nuôi con và Akhem được phép đến thăm mà không bị giám sát và chính trong một lần đến thăm Leo đã bị bắt. Cảnh sát kiểm tra camera phát hiện người này đã đưa Leo lên chuyến bay đến Cairo. "Tôi đã rất hoảng loạn và suy sụp", Barbara, 42 tuổi, nói.

cha me bat coc con 1
Gia tăng hình thức cha/mẹ thuê dịch vụ bắt cóc chính con mình trong tranh chấp hôn nhân với người còn lại. Ảnh: Shutterstock.

Trong vòng hai ngày, tòa án Anh ra lệnh Leo phải được trả lại cho Barbara. Tuy nhiên, Ai Cập không ký kết Công ước Hague và do đó không có nghĩa vụ phải hợp tác. Trong vòng sáu tuần, luật sư người Ai Cập của Barbara đã giành được lệnh tòa án ở đây cũng nói rằng Leo nên được trả lại. "Nhưng cảnh sát ở đó từ chối thực thi và Văn phòng Ngoại giao Anh nói họ không thể cưỡng chế", cô cho hay.

Người mẹ đau khổ, hàng đêm kéo rèm ngủ phòng con và mở vào buổi sáng, tự hỏi con còn sống hay không. Vào mùa thu năm 2014, Barbara đã thuê một đặc vụ để lấy lại con trai của mình trong khi thuyết phục được Akhem cho gặp con. Người đặc vụ thống nhất sau khi cô đến nhà gặp được Leo, người này sẽ phối hợp cảnh sát Ai Cập để đưa Leo ra ngoài. "Nhưng nó đã sai lầm lớn", Barbara, người đã tiêu hết tiền tiết kiệm của mình và vay mượn để trả đặt cọc 12.500 bảng đầu tiên, nói.

Khi cảnh sát đến, Akhem đã bỏ trốn cùng Leo. Mùa hè năm sau, người đặc vụ cô thuê lại tìm thấy một địa chỉ khác của Akhem và yêu cầu Barbara trả 12.500 bảng để giúp giành lại con. "Nhưng chiến thuật theo dõi của anh ta quá rõ ràng nên Akhem lại một lần nữa ôm con thoát được", cô nói.

Đến năm 2017, cô ấy đã thuê một luật sư khác làm việc cùng với Bộ Ngoại giao để trợ giúp. Sau đó, Boris Johnson, người là Ngoại trưởng, đã can thiệp và vào tháng 7/2018, con trai cô được tìm thấy.

Trở lại Anh, Barbara đã bị sốc khi phát hiện người đặc vụ đang ghi nhận công lao cho sự trở lại của Leo trên Facebook. "Tôi đòi lại tiền nhưng anh ta từ chối. Anh ta nói rằng đó là lỗi của tôi", cô kể. Năm ngoái, Akhem tình nguyện quay trở lại Anh và bị kết tội bắt cóc Leo, bị kết án 5 năm 9 tháng tù.

Adam Whittington, một cựu quân nhân người Úc, người điều hành Child Abduction Recovery International - một cơ quan bắt cóc trẻ em - cho biết sẽ không làm việc cho một phụ huynh nếu biết có bằng chứng về bạo lực gia đình.

Colin Chapman, 60 tuổi, điều hành Child Recovery Australia tuyên bố anh ta đã bắt được 12 đứa trẻ người Anh trong thập kỷ qua, đồng thời khẳng định việc kinh doanh của mình là có đạo đức. "Tôi thực sự tin rằng những gì chúng tôi làm là đúng".

Mặc dù anh tiến hành kiểm tra hồ sơ của "khách hàng" trước khi đồng ý làm việc cho họ, anh thừa nhận có lúc không thể kiểm soát hết. Nhiều lúc anh đặt câu hỏi "liệu những đứa trẻ đang được bảo vệ hay được sử dụng như một vũ khí".

VnExpress (Theo Dailymail)