Ít ai biết máy quẹt thẻ oyster màu hồng sẽ giúp bạn tiết kiệm tiền vé khi đi qua zone 1

may dap the oyster mau hong
Máy quẹt thẻ Oyster màu hồng có mặt ở một số nhà ga và sân ga. 

Thẻ oyster và hình thức thanh toán không tiếp xúc (contactless) là một phần của cuộc sống khi di chuyển trong hệ thống tàu điện ngầm London. Chúng ta nhìn thấy máy quẹt thẻ màu vàng tại mọi sân ga và trên mọi phương tiện giao thông công cộng trong thành phố.

Máy quẹt thẻ màu vàng thì ai cũng biết. Bạn quẹt thẻ khi bắt đầu chuyến hành trình và quẹt khi ra khỏi sân ga. Nhưng máy quẹt thẻ màu hồng thì hiếm hơn, tên chính thức của nó là "route validator - trình xác nhận tuyến đường". Chiếc máy này chính là chìa khóa then chốt để giúp bạn có một chuyến hành trình rẻ hơn. Nhưng nếu dùng sai, chuyến đi của bạn sẽ đắt đỏ hơn. 

Máy quẹt thẻ màu hồng được lắp đặt ở một vài nhà ga và bạn nên quẹt thẻ khi đang ở giữa hành trình. Cách này sẽ giúp bạn tiết kiệm tiền vì giá vé luôn đắt hơn khi đi qua Zone 1 (Central London). Nếu bạn di chuyển trong London nhưng muốn tránh vào Zone 1 thì bạn nên quẹt thẻ ở chiếc máy hồng này, bạn sẽ được giảm giá vé.

Nếu bạn không quẹt thẻ ở máy hồng, TfL sẽ cho rằng bạn đã đi vào Zone 1 và tính tiền vé cao hơn. Nên nhớ là, bạn không được quẹt thẻ ở máy hồng vào cuối hành trình vì như thế bạn sẽ bị tính tiền vé cao hơn. 

Máy quẹt thẻ màu hồng có ở đâu?

Máy quẹt thẻ màu hồng nằm giữa một số sân ga nơi bạn đổi chuyến tàu tại:

  • Blackhorse Road
  • Canada Water
  • Clapham Junction
  • Gospel Oak
  • Gunnersbury
  • Hackney Central/Hackney Downs
  • Highbury & Islington
  • Kensington (Olympia)
  • Rayners Lane
  • Richmond
  • Stratford
  • Surrey Quays
  • West Brompton
  • Whitechapel
  • Willesden Junction
  • Wimbledon

Nếu bạn muốn biết chắc mình có nên quẹt thẻ ở máy hồng hay không, bạn có thể dùng công cụ tìm giá vé một chiều của TfL để kiểm tra xem có lộ trình nào rẻ hơn không. 

Viethome (theo MyLondon)