Tàu điện ngầm London bị chỉ trích vì thông cáo ‘vô cảm’ đối với người vô gia cư

‘Chuyện gì thế này? Chúng ta đang nói về con người chứ không phải lũ bồ câu trong công viên!’

London underground

Những lời chỉ trích hướng tới thông cáo của ga tàu điện ngầm xuất hiện hai tuần sau khi một người đàn ông vô gia cư tầm 40 tuổi được tìm thấy đã chết trong đường bộ hành ngầm ngay dưới tòa nhà Quốc hội

Hệ thống tàu điện ngầm London - London Underground bị chỉ trích vì đưa ra thông cáo yêu cầu các hành khách không “khuyến khích” những người ăn xin hay người hát rong bằng cách cho họ tiền.
Cơ quan quản lý giao thông London - Transport for London (TfL) phát sóng thông cáo này ở các ga tàu điện theo lời khuyên từ năm 2015 của Cảnh sát Giao thông Anh. “Nếu trên tàu có người ăn xin và hát rong, làm ơn không khuyến khích sự xuất hiện này của họ bằng cách hỗ trợ tiền.” là nội dung của thông báo. Lời khuyên này không mới mẻ, nhưng nó khơi dậy lại làn sóng chỉ trích trong hoàn cảnh số lượng người phải ngủ ở ga tàu đang gia tăng và nhiều trường hợp người vô gia cư chết trên đường phố.

Một hành khách đã đăng trên twitter dòng trạng thái: “Tôi vừa nghe được thông báo của TfL trên tàu điện, yêu cầu hành khách không ‘hỗ trợ người ăn xin và hát rong.’ Chuyện gì thế này? Chúng ta đang nói về con người chứ không phải lũ chim bồ câu trong công viên!”

Một hành khách khác cũng đăng trên twitter vào tháng trước rằng đây là “thông cáo vô cảm nhất mà tôi từng nghe thấy trên tàu điện ngầm”. Một người khác miêu tả đó là một lời nhắn “đáng ghê tởm”.

TfL nhấn mạnh thông cáo này nhằm ngăn chặn mạng lượi tội phạm hoạt động trên các tuyến tàu điện và vận động hành khách quyên góp cho nhóm Từ thiện vì Người vô gia cư London thay vì cho tiền người ăn xin rong ruổi trong các nhà ga hay hệ thống tàu điện.

Nhưng Jon Glackin, một người cũng từng phải qua đêm ngoài đường phố, nay là người sáng lập tổ chức Bếp Đường phố, cung cấp bữa ăn cho người vô gia cư, bày tỏ thông báo này của TfL chỉ càng góp phần biến người vô gia cư trở thành kẻ xấu hay tội phạm trong mắt cộng đồng.
“Thông báo này đã thúc đấy thái độ tiêu cực: “không nên coi họ là con người, mà là những kẻ ăn xin”. Chúng ta đang hạ nhục những con người ấy bằng những vấn đề lẽ ra có thể dễ dàng được giải quyết,” ông nói thêm.
“Tôi cũng hiểu rằng thực ra, ở các nhà ga tàu điện, vấn đề nghiêm trọng không phải là người vô gia cư, mà chính là những kẻ vận đồ bảnh bao đi móc túi hay những người trốn vé. Tôi chưa từng gặp phải ‘hệ thống tội phạm’ mà họ nhắc tới.
“Ở Euston, họ dựng lên những hàng rào lớn. Họ đóng các thanh sắt lên ghế băng để mọi người không thể nằm ngủ trên đó. Họ đã tạo nên môi trường thiếu thân thiện như vậy đấy.”

Những lời nhận xét này được đưa ra hai ngày sau khi một người đàn ông vô gia cư ở độ tuổi bốn mươi được phát hiện ra đã chết trong một đường bộ hành ngầm ngay dưới tòa nhà Quốc hội. Xác người đàn ông mang quốc tịch Bồ Đào Nha này được tìm thấy ở cửa ra số 3 ga Westminster. Được biết ông đã xin làm bồi bàn ở một nhà hàng một tuần trước đó. Các số liệu cho thấy số lượng người phải ngủ ngoài đường trên khắp nước Anh đã tăng 73% trong ba năm qua. Vào một đêm mùa thu bất kỳ hồi năm ngoái, có 4,751 người được ghi nhận đang phải qua đêm trên phố, con số cao hơn gấp hai lần so với năm 2010.

Siwan Hayward, người đứng đầu sở Cảnh sát Giao thông của TfL cho biết họ đang cố gắng làm việc để giải quyết vấn đề. Họ có một đội tuần tra ban đêm chuyên giúp đỡ những người vô gia cư đang sử dụng các tuyến xe bus đêm hay tàu điện ngầm làm nơi qua đêm.
“Đội tuần tra này là một trong những nỗ lực của ngài Thị trưởng nhằm mang hỗ trợ tới cho người vô gia cư ở thủ đô. Họ đã giúp rất nhiều người tìm được nhà ở, tiếp cận các dịch vụ phúc lợi và mang họ trở lại với gia đình và bạn bè,” bà nói thêm.
“Chúng tôi mong người dân hãy quyên góp cho tổ chức Từ thiện vì Người vô gia cư London thay vì đưa tiền cho người ăn xin trên các chuyến tàu. Việc này sẽ giúp các món tiền quyên góp có thể trực tiếp hỗ trợ các dịch vụ dành cho người vô gia cư.”

 

VietHome (Theo The Independent)