Giá vé tàu ở Anh đắt nhất châu Âu

Chính phủ Anh thông báo sẽ tăng giá vé đường sắt lên 3,5% từ tháng 1/2015. Được biết, giá vé quy định tại Anh đã tăng liên tục trong 10 năm trở lại đây.
 images1043380 101
Dòng người biểu tình trước Sân ga Waterloo

10 năm liên tục tăng giá

Theo quy định ở Anh, giá vé trung bình sẽ phụ thuộc vào chỉ số giá bán lẻ (RPI - loại chỉ số được dùng để tính tỷ lệ lạm phát) cộng với 1%. Như vậy, nếu chỉ số RPI của tháng 7 là 2,5%, dự kiến giá vé năm sau sẽ tăng lên trung bình 3,5%. Được biết, giá vé quy định tại Anh đã tăng liên tục trong 10 năm trở lại đây. Ngoài ra, với quy định cho phép linh động, các công ty quản lý tàu có thể tăng giá vé lên tiếp 2%. Kết quả, nhiều loại vé sẽ tăng lên tới 5,5% trong năm sau.
 
 
Ông Michael Roberts, Tổng Giám đốc Tập đoàn Cung ứng Đường sắt Anh (Rail Delivery Group) - cơ quan đại diện cho các công ty đường sắt Đông Nam và Nam nước Anh cho biết: “Tiền vé thu được sẽ sử dụng để mua thêm tàu mới, sửa sang sân ga, nâng cao các dịch vụ cho hệ thống đường sắt nước Anh - hệ thống đường sắt tân tiến, nhanh nhất và phát triển nhất châu Âu”.Theo ông Roberts, “trong vòng 5 năm tới, cần khoảng 38 tỉ bảng Anh để đầu tư tăng cường hệ thống đường sắt”. 
Mặt khác, ông Paul Walker - Chủ tịch Hiệp hội giao thông, hàng hải, đường sắt chi nhánh Burton cho biết, “giá vé tàu của Anh nay đang đứng ở mức đắt nhất châu Âu”, nếu còn tiếp tục tăng nữa sẽ đẩy những người thường xuyên sử dụng phương tiện công cộng vào bước đường cùng.

Hành khách vẫn bị nhồi nhét 

Sau dự đoán giá vé tăng, người dân trên toàn nước Anh từ Bắc chí Nam ồ ạt biểu tình phản đối và chỉ trích dịch vụ đường sắt chưa xứng với đồng tiền họ bỏ ra. Trước thông tin tăng giá vé, cô Julie Ward, 47 tuổi, hiện đang là y tá thường xuyên phải di chuyển từ Bourne End gần Maidenhead tới Paddington với mức phí phải trả 240 bảng/tháng bức xúc nói: “Đúng là quá kinh khủng, tôi chưa bao giờ kiếm được ghế ngồi trên tàu. Chúng tôi bị nhồi nhét như động vật. Tàu chạy rất nhanh mà chẳng có gì để bấu víu, giữ thăng bằng. Rất may tôi chỉ phải di chuyển khoảng hai lần/tuần nhưng điều đó cũng đồng nghĩa tôi không thể đặt vé trước. Tôi phải chi 60 bảng/tuần chỉ để di chuyển. Khoản tiền này quá lớn so với lương y tá”.
 
Ông Phil Guichard, 47 tuổi, Giám đốc marketing thể thao, thường phải di chuyển từ Workingham tới Waterloo hoặc từ Twyford tới Paddington mỗi ngày tùy vào văn phòng ông sẽ sử dụng. Ông phải trả tới 5.000 bảng Anh cho vé trọn mùa.Ông Guichard phàn nàn “dịch vụ chưa bao giờ được cải tiến, tồn tại rất nhiều vấn đề như thiếu chỗ ngồi, trễ/hoãn tàu”. Còn ông Martin Abrams làm việc cho Chiến dịch Vì giao thông tốt hơn cho biết: “Nhiều năm nay, mức lương công nhân dậm chân tại chỗ, thậm chí nhiều nơi còn giảm trong khi giá vé thì liên tục phi mã khiến chi phí đi lại chiếm một khoản rất lớn”.Ông Martin cảnh báo, “nếu Chính phủ không sớm dừng ngay việc tăng giá vé, những người thường xuyên phải sử dụng phương tiện công cộng không có khả năng trả vé tàu sẽ buộc phải đưa ra quyết định đau đớn là bỏ việc hoặc chuyển nhà”.
Bất chấp phàn nàn, Bộ trưởng Đường sắt Anh Claire Perry kiên quyết bảo vệ khả năng sẽ tăng giá vé. Bà cho biết, nếu đặt vé trước, “giá vé sẽ giảm khoảng 45% hoặc hơn”. Ví dụ, người dân có thể tiết kiệm một khoản đáng kể nếu mua vé ngày từ Edinburgh tới London vì giá mua trong ngày đi là 125,80 bảng Anh, sẽ chỉ còn 25,80 bảng Anh nếu đặt trước 10 tuần (giảm tận 100 bảng Anh). Theo bà Claire, nếu không đặt trước, hành khách bắt buộc phải trả giá vé cao. 
Theo báo GTVT