• visa lua dao du hoc sinh 1
    Việc chính phủ Anh mở rộng mạng lưới tuyển dụng cho ngành chăm sóc sức khỏe đã khiến những kẻ môi giới có cơ hội trục lợi từ những sinh viên muốn tìm việc toàn thời gian tại đất nước này

    Một mạng lưới toàn cầu đã lừa đảo nhiều sinh viên hàng chục ngàn bảng Anh cho những hồ sơ xin thị thực (visa) vô giá trị mà họ hy vọng sẽ cho phép họ làm việc ở Vương Quốc Anh.

    Một cuộc điều tra của BBC đã phát hiện ra những trung gian, làm việc như các đại lý môi giới, đã nhắm vào con mồi là những sinh viên quốc tế muốn tìm việc trong ngành chăm sóc sức khỏe ở Anh.

    Mỗi sinh viên có thể phải trả tới 17.000 bảng Anh (hơn 555 triệu VND) cho chứng chỉ bảo trợ mà đáng lẽ ra là miễn phí.

    Sau đó, khi nộp đơn xin visa lao động tay nghề, hồ sơ của họ bị Bộ Nội vụ Anh từ chối do không hợp lệ.

    Theo các tài liệu BBC tiếp cận được, một người đàn ông tên Taimoor Raza đã bán 141 hồ sơ visa - hầu hết là vô giá trị - và thu về tổng cộng 1,2 triệu bảng Anh (hơn 39 tỷ VND)

    Người này nói rằng mình không làm gì sai và đã trả lại tiền cho một số sinh viên.

    Ông Raza thuê văn phòng và nhân viên ở West Midlands (Anh) và đưa ra lời hứa hẹn với hàng chục sinh viên về việc bảo trợ việc làm và một công việc ở viện dưỡng lão.

    BBC nhận được thông tin rằng ông Raza có bán cả những tài liệu hợp lệ và một số ít sinh viên đã nhận được visa và công việc thật sự.

    Tuy nhiên, nhiều người khác đã mất toàn bộ số tiền tiết kiệm chỉ để nhận về những giấy tờ vô giá trị.

    ‘Tôi mắc kẹt ở đây’

    BBC đã nói chuyện với 17 người nam giới và phụ nữ, những người đã tốn hàng ngàn bảng Anh khi cố xin visa lao động.

    Ba sinh viên, đều là nữ giới trong độ tuổi 20, đã trả tổng cộng 38.000 bảng (khoảng 1,2 tỷ VND) cho những kẻ môi giới khác nhau.

    Họ nói rằng khi còn ở Ấn Độ, họ được hứa hẹn về việc họ sẽ kiếm được nhiều tiền ở Anh.

    Nhưng thay vào đó, họ đã mất trắng tất cả và quá sợ hãi nên không dám thông báo với gia đình ở quê nhà.

    "Tôi bị mắc kẹt ở đây [ở Anh]," Nila * nói với BBC.

    "Nếu tôi quay về, tất cả số tiền tiết kiệm của gia đình sẽ mất trắng.”

    visa lua dao du hoc sinh 1
    BBC phát hiện ông Taimoor Raza, một công dân Pakistan từng sống ở Wolverhampton và làm việc ở Birmingham, đứng đầu một mạng lưới cung cấp hồ sơ visa.

    Vào năm 2022, ngành chăm sóc sức khỏe ở Anh, bao gồm các viện dưỡng lão và các cơ sở cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe, thiếu hụt 165.000 nhân viên – con số kỷ lục tính tới năm 2022.

    Để mở rộng mạng lưới tuyển dụng, chính phủ Anh cho phép các hồ sơ ứng tuyển quốc tế , dẫn đến sự gia tăng đơn xin việc từ các nước như Ấn Độ, Nigeria và Philippines.

    Những người nộp đơn phải có người tài trợ đủ điều kiện, chẳng hạn như một viện dưỡng lão hoặc cơ quan cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe.

    Những người tìm việc không phải trả một đồng nào cho người bảo trợ hoặc visa.

    Việc mở rộng mạng lưới tuyển dụng đã khiến những trung gian môi giới có cơ hội lợi dụng những sinh viên có mong muốn tìm việc toàn thời gian tại Anh.

    Dù những sinh viên mà BBC trò chuyện đều tìm mọi cách để được ở lại Anh một cách hợp pháp, họ đang đối mặt với nguy cơ bị trục xuất về nước.

    Nạn nhân bị chặn số điện thoại

    Nadia *, 21 tuổi đến từ Ấn Độ và hiện đang sống ở Wolverhampton, đã tới Anh vào năm 2021 với visa du học cử nhân ngành khoa học máy tính.

    Sau một năm, cô quyết định tìm việc thay vì tiếp tục học và trả mức học phí 22.000 bảng Anh/năm (khoảng 718 triệu VND/năm).

    Một người bạn đã cho Nadia số điện thoại của một người môi giới.

    Người này nói rằng, với giá 10.000 bảng Anh (khoảng 326 triệu VND), ông ta có thể cung cấp giấy tờ cần thiết để Nadia kiếm được một công việc chăm sóc sức khỏe.

    Nadia nói rằng người môi giới khiến cô cảm thấy an tâm và thậm chí còn nói với Nadia rằng cô khiến ông ta nhớ về người thân.

    “Ông ấy bảo tôi là ‘Tôi sẽ không lấy giá đắt đâu, vì cô trông giống em gái của tôi’,” Nadia kể lại.

    Nadia đưa trước 8.000 bảng Anh (khoảng 261 triệu VND) và đợi khoảng sáu tháng cho một văn bản chứng nhận một công việc tại một viện dưỡng lão ở Walsall (Anh).

    “Tôi đã gọi thẳng đến viện dưỡng lão [ở Walsall] và hỏi về visa của mình, nhưng họ nói rằng họ không cung cấp bất kỳ chứng chỉ bảo trợ nào vì họ đã có đủ nhân viên”, Nadia kể lại.

    Người môi giới đã chặn số điện thoại của Nadia.

    Nadia được khuyên nên đến trình báo với cảnh sát, nhưng nói với BBC rằng cô quá sợ hãi.

    visa lua dao du hoc sinh 1
    Nhiều nạn nhân nữ có con nhỏ

    Nila, đang sống ở Birmingham, nói rằng gia đình cô tin rằng đầu tư vào một cuộc sống ở Anh sẽ giúp cô học được nhiều kỹ năng và kiếm được nhiều tiền hơn là làm việc ở Ấn Độ.

    “Bố chồng tôi từng phục vụ trong quân đội, ông đã đưa tôi tất cả tiền tiết kiệm của mình,” cô nói.

    Nila đã tới một trung tâm đào tạo ở Wolverhampton để chuyển visa du học của mình thành visa nhân viên chăm sóc sức khỏe.

    Nila kể rằng nhân viên của trung tâm rất lịch sự và đã cho cô xem email, thư từ và các bản sao visa để chứng minh sự hợp pháp của họ.

    Nila và các sinh viên khác hoàn toàn tin rằng những người này sẽ giúp thay đổi cuộc đời họ.

    “Lần đầu gặp họ như gặp Chúa vậy. Chúng tôi tin tưởng họ tới vậy đấy,” cô nói.

    Nila đã trả 15.000 bảng Anh (khoảng 490 triệu VND) cho các tài liệu mà hóa ra là vô giá trị và đã bị Bộ Nội vụ Anh từ chối.

    Trước đó, cô đã tốn 15.000 bảng Anh (khoảng 490 triệu VND) tiền của gia đình cho việc học.

    Nila nói rằng cuộc đời cô đã bị hủy hoại.

    "Những kẻ lừa đảo đó hiện vẫn đang nhởn nhơ. Chúng chẳng sợ gì cả,” cô nói.

    86 sinh viên mất hàng ngàn bảng Anh

    BBC phát hiện ông Taimoor Raza, một công dân Pakistan từng sống ở Wolverhampton và làm việc ở Birmingham, đứng đầu một mạng lưới cung cấp hồ sơ visa.

    Ông ta đã tiếp cận các công ty tuyển dụng ở vùng West Midlands và nói rằng mình có thể sắp xếp cơ hội việc làm tại các viện dưỡng lão và lo thủ tục xin visa cho khách hàng của họ.

    BBC đã được xem một tập hồ sơ chứa đầy các tài liệu bảo trợ mà ông Raza cung cấp cho một công ty tuyển dụng với 141 người xin visa.

    Mỗi người phải trả từ 10.000 đến 20.000 bảng Anh (từ khoảng 326 triệu VND đến khoảng 653 triệu VND). Tổng lại, số tiền là 1.2 triệu bảng Anh (khoảng 39 tỷ VND).

    BBC xác nhận rằng ông Raza đã gửi những chứng chỉ bảo trợ này dưới dạng các tập PDF qua ứng dụng nhắn tin Whatsapp.

    Trong số này, 86 sinh viên nhận về những giấy tờ vô giá trị mà sau đó đã bị Bộ Nội vụ Anh từ chối.

    55 sinh viên còn lại xin được visa.

    Tuy nhiên, những viện dưỡng lão mà các sinh viên này được hứa có thể tới làm việc lại nói rằng không hề có hồ sơ nào cho những thỏa thuận công việc như vậy.

    BBC đã liên lạc với ông Raza, người đã trở về Pakistan từ tháng 12/2023, để đối chất về những cáo buộc trên.

    Ông Raza nói rằng những cáo buộc của các sinh viên là "sai" và "một chiều", cho biết thêm rằng ông đã liên hệ với luật sư.

    Ông Raza không phản hồi yêu cầu bình luận của BBC.

    visa lua dao du hoc sinh 1
    Ajay Thind nói mình làm việc cho ông Raza và lo việc giấy tờ của sinh viên

    Một sinh viên tên Ajay Thind nói rằng đã được chiêu mộ về làm cho ông Raza sau khi trả cho ông ta 16.000 bảng Anh (khoảng 522 triệu VND) để xin visa nhân viên chăm sóc.

    Thind là một trong số sáu người được trả từ 500 – 700 bảng Anh/tuần (hơn 16 triệu – hơn 22 triệu VND/tuần) cho công việc biên soạn giấy tờ và điền đơn đăng ký thay cho những người nộp đơn.

    Thind nói rằng ông Raza đã thuê văn phòng và thậm chí còn chi trả tất cả chi phí cho một chuyến du lịch của nhân viên tới Dubai (UAE).

    Thind bắt đầu nảy sinh nghi ngờ vào tháng 4/2023 khi thấy các hồ sơ bị Bộ Nội vụ từ chối. Trong số những hồ sơ này có cả của bạn bè Thind, những người đã trả tổng cộng 40.000 bảng Anh (khoảng 1,3 tỷ VND).

    “Tôi nói với Raza và ông ấy nói với tôi rằng, 'bộ não của anh không tốt để xử lý căng thẳng, hãy để tôi xử lý những việc như vậy.'

    "Tôi không nghỉ việc vì tôi cần tiền," Thind nói.

    "Tôi mắc kẹt trong một tình huống rất tồi tệ."

    Thind nói rằng ông chủ của anh đang liên kết với rất nhiều đại lý môi giới, nên con số thực tế có lẽ cao hơn nhiều 1,2 triệu bảng Anh (khoảng 39 tỷ VND).

    visa lua dao du hoc sinh 1
    Thind nói rằng ông Raza chi trả mọi chi phí du lịch của sáu nhân viên tới Dubai (UAE)

    Hầu hết các nạn nhân chưa liên lạc với cảnh sát.

    “Nhiều người không tới gặp cảnh sát vì họ sợ Bộ Nội vụ và những hậu quả của việc trình báo,” ông Luke Piper, trưởng bộ phận nhập cư của Trung tâm Quyền Lao động (Work Rights Centre), nói.

    Thay vào đó, họ tìm kiếm sự giúp đỡ từ một ngôi đền đạo Sikh nằm ở West Midlands – Đền Gurdwara Baba Sang Ji ở Smethwick (Anh).

    Các thành viên của ngôi đền đã nỗ lực đòi lại quyền lợi cho cac sinh viên từ các đại lý môi giới, và đã

    lấy lại tiền thành công cho một vài người.

    Các trưởng lão của ngôi đền này thậm chí còn triệu tập được ông Raza đến một cuộc họp vào tháng 11/2023. Tại đây, ông Raza được cho là đã đồng ý hoàn trả tiền cho sinh viên và ngừng dịch vụ của mình.

    Trung tâm Tư vấn Sikh của Baba Sang Ji, được thành lập để giúp đỡ người dân trong thời kỳ đại dịch Covid-19, đã lấy lại tiền thành công cho một bà mẹ trẻ, Harmanpreet, bằng cách trực tiếp đối chất với nhân viên của một công ty môi giới.

    Bà Harmanpreet nói rằng bà đã có ý định tự tử sau khi bị lừa.

    “Tôi đã nghĩ tới việc tự tử. Tôi chỉ có thể làm lại cuộc đời nhờ con gái của mình và Trung tâm Tư vấn Sikh," bà nói.

    Ông Monty Singh từ Trung tâm Tư vấn Sikh nói rằng đã có hàng trăm người liên lạc để xin sự giúp đỡ.

    visa lua dao du hoc sinh 1
    Hàng trăm nạn nhân tìm kiếm sự giúp đỡ từ Đền Gurdwara Baba Sang Ji ở Smethwick (Anh)

    Vào năm 2022, ông Singh và đội của mình bắt đầu xử lý các trường hợp từ năm 2022 bằng cách công khai những người liên quan trên mạng xã hội, hy vọng rằng việc chỉ mặt điểm tên sẽ cảnh báo mọi người không tin tưởng vào những kẻ môi giới này nữa.

    Sau khi các bài viết được đăng tải, có thêm nhiều người liên lạc với Trung tâm Tư vấn Sikh và danh sách tên của những người được cho là lừa đảo ngày một dài.

    Ông Singh nói rằng sau đó họ đã nhận ra cách thức hoạt động tương tự mô hình kim tự tháp của của các trung tâm môi giới.

    "Có rất nhiều đội trưởng và đại lý nhỏ... và một số trong đó có thể được nhận tiền hoa hồng," ông nói.

    Theo ông Singh, một số đại lý môi giới nhỏ là các thợ cắt tóc và tài xế xe buýt, những người thấy một cơ hội kiếm tiền.

    visa lua dao du hoc sinh 1
    Ông Raza đã gửi hình ảnh này cho ông Singh, cho thấy số tiền ông hứa sẽ trả lại cho các sinh viên

    Ông Singh nói rằng ông Raza đã trả lại 258.000 bảng Anh (khoảng 8,4 tỷ VND) nhưng Trung tâm Tư vấn Sikh đã chuyển vụ việc tới Cơ quan Phòng chống tội phạm Vương Quốc Anh (NCA).

    Một số người môi giới đã trả lại tiền do nỗi xấu hổ to lớn mà các khoản thu này mang lại cho gia đình họ.

    "Danh dự gia đình có ý nghĩa rất lớn đối với một cá nhân.

    “Chúng tôi xác định, điều tra, xem xét tất cả bằng chứng khả thi," ông Singh nói.

    "Sau đó, chúng tôi nói chuyện với gia đình [của các kẻ môi giới] và về nỗi xấu hổ mà chuyện này mang lại cho họ, [sau đó] họ chỉ muốn bù đắp cho các nạn nhân và gột rửa danh dự."

    Lượng đơn xin visa tăng mạnh

    Lượng đơn xin visa lao động Anh từ các sinh viên quốc tế đã tăng gấp sáu lần - hơn 26.000 đơn tính từ tháng 6/2022 đến tháng 6/2023.

    Một năm trước đó, con số này chỉ là 3.966 đơn.

    Vào tháng 7/2023, Bộ Nội vụ Anh đã sửa đổi quy định nhằm ngăn chặn việc sinh viên quốc tế xin visa lao động trước khi hoàn thành việc học.

    Nhưng Trung tâm Tư vấn Sikh cho biết chỉ có những hành động cứng rắn của lực lượng cảnh sát và quan chức nhập cư mới có thể ngăn chặn được hoạt động buôn bán visa bất hợp pháp.

    Bà Jas Kaur, người làm việc cùng ông Singh, nói rằng chính phủ Anh phải liên kết với các nhà lãnh đạo tôn giáo.

    "Nếu bạn không nói chuyện với những người đã trực tiếp nắm thông tin về vụ việc, bạn sẽ không biết điều gì đang thực sự diễn ra," bà nói.

    visa lua dao du hoc sinh 1
    Ông Monty Singh cho biết đã chuyển vụ việc tới Cơ quan Phòng chống tội phạm Vương Quốc Anh (NCA)

    Một người phát ngôn của Bộ Nội vụ cho biết có “một hệ thống nghiêm ngặt để xác định và ngăn chặn các đơn xin visa gian lận, và bất kỳ cá nhân nào đang là mục tiêu của những kẻ lừa đảo cần biết rằng nếu chứng chỉ bảo trợ của họ không hợp lệ, họ sẽ không xin được visa”.

    "Chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện các hành động cứng rắn đối với những công ty và kẻ môi giới vô lương tâm đang tìm cách lạm dụng, bóc lột hoặc lừa đảo người lao động nước ngoài," Bộ Nội vụ Anh cho biết.

    Ông Piper, từ Trung tâm Quyền Lao động, cho rằng chính phủ Anh cần hỗ trợ các nạn nhân và “tạo ra một khung pháp lý an toàn [khiến người báo cáo] không sợ sẽ bị Bộ Nội vụ xử lý chỉ vì họ đã báo cáo người người tuyển dụng mình cho cơ quan này”.

    Giấc mơ Anh

    Không có số liệu chính thức về số người đã mất tiền chi trả cho các công ty môi giới chỉ để nhận về những giấy tờ visa vô giá trị.

    “Rõ ràng là việc này đang xảy ra trên quy mô khá lớn, chúng tôi nhận được thông tin từ người dân trên khắp cả nước,” ông Piper nói.

    Trở lại Smethwick, Trung tâm Tư vấn Sikh hy vọng có thể mở rộng hoạt động sang những gurdwara (những ngôi đền đạo Sikh) khác và cũng đã bắt đầu giáo dục người dân Ấn Độ về những rủi ro mà họ phải đối mặt khi rời khỏi đất nước của mình để học tập hoặc làm việc ở nước ngoài.

    "Quy trình giáo dục mọi người bao gồm cả việc cho họ biết sự thật khắc nghiệt rằng câu chuyện thành công của số ít sẽ không xảy ra với tất cả mọi người,” ông Singh nói.

    “Nó cũng bao gồm cả việc xóa bỏ niềm tin rằng cách duy nhất để họ có cuộc sống tốt hơn là theo đuổi giấc mơ Mỹ hay giấc mơ Anh.”

    Một số tên nhân vật đã được thay đổi

    Theo BBC Tiếng Việt

  • Yêu cầu về thị thực làm việc đối với lao động có tay nghề trong lĩnh vực kỹ thuật và công nghệ thông tin (IT) có thể sẽ được thắt chặt như một phần của nỗ lực thúc đẩy 'nhân tài trong nước' của Anh.

    that chat visa viec lam
    Hành khách tại sân bay Heathrow, London, Anh. Ảnh: AFP/TTXVN

    Thứ trưởng Bộ Nội vụ Anh phụ trách di trú, Seema Malhotra, ngày 21/8 cho biết yêu cầu về thị thực làm việc đối với lao động có tay nghề trong lĩnh vực kỹ thuật và công nghệ thông tin (IT) có thể sẽ được thắt chặt như một phần của nỗ lực thúc đẩy "nhân tài trong nước".

    Trong một bài viết đăng trên tờ The Telegraph, bà Seema Malhotra cho biết, trong thời gian dài, hai lĩnh vực này đã tuyển dụng ồ ạt lao động nước ngoài trong khi lẽ ra nên thu hút "nguồn nhân tài trong nước ngày càng tăng".

    Trước đó, ngày 7/8, Bộ trưởng Nội vụ Yvette Cooper đã yêu cầu Ủy ban cố vấn di cư (MAC) điều tra xem liệu các công ty kỹ thuật và IT, chiếm tới 1/6 tổng số thị thực lao động nước ngoài có tay nghề, có thể giảm phụ thuộc vào lao động nhập cư để mang lại cơ hội cho lao động trong nước.

    Bình luận của bà Malhotra được đưa ra khi Bộ Nội vụ ngày 22/5 dự kiến công bố số liệu cho thấy thị thực dành cho lao động có tay nghề và sinh viên đã giảm 1/3 trong năm qua sau hàng loạt biện pháp nhằm giảm nhập cư, trong đó có nâng mức lương và hạn chế số lượng người phụ thuộc của người xin thị thực.

    Theo phân tích của tờ the Telegraph, tại Anh, số lượng đơn xin thị thực du học và làm việc, gồm cả người phụ thuộc, đã giảm từ 541.200 trong 7 tháng đầu năm ngoái xuống còn 353.300 trong cùng kỳ năm nay.

    Lượng di cư ròng tại Anh (số người đến trừ số người rời Anh) đạt mức cao kỷ lục 764.000 vào cuối năm 2022 trước khi giảm xuống mức 685.000 vào cuối năm 2023.

    Sau khi lên nắm quyền, Công đảng đã áp dụng hầu hết các biện pháp giảm nhập cư của đảng Bảo thủ đưa ra, song bà Malhotra cho biết những hạn chế này chỉ là giải pháp tạm thời cho một vấn đề lớn hơn nhiều mà chính phủ không thể tiếp tục bỏ qua.

    Bà cho rằng thách thức thực sự đối với nền kinh tế và hệ thống nhập cư là giải quyết nguyên nhân gốc rễ khiến nhiều doanh nghiệp phải tuyển dụng lao động quốc tế, đó là tình trạng thiếu hụt kỹ năng cơ bản tại quê nhà.

    Minh Hợp (P/v TTXVN tại London)

  • Chính phủ Anh chính thức cấm sinh viên quốc tế bậc cử nhân đưa người thân đến quốc gia này kể từ ngày 1-1, nhằm hạn chế người nhập cư.

    anh cam du hoc sinh mang theo nguoi than
    Tuyên bố của Thủ tướng Anh Rishi Sunak trên mạng xã hội X - Ảnh: X

    Bộ trưởng Bộ Nội vụ Anh James Cleverly cho biết chỉ những du học sinh học chương trình sau đại học hoặc nhận học bổng do chính phủ nước này tài trợ mới được phép xin visa (thị thực) cho người thân. Ngoài ra, sinh viên quốc tế không thể chuyển đổi thị thực du học sang thị thực làm việc cho đến khi tốt nghiệp.

    Thủ tướng Anh Rishi Sunak viết tuyên bố trên mạng xã hội X: “Kể từ hôm nay, phần lớn sinh viên đại học nước ngoài không thể đưa người nhà đến Vương quốc Anh”.

    Chính phủ Anh đã công bố chính sách nói trên ở trang web chính thức của họ vào ngày 23-5-2023, trong bối cảnh số người di cư ròng (chênh lệch giữa số người đến và đi) nằm ở mức kỷ lục 745.000 người tính đến tháng 12-2022.

    Theo dữ liệu mới nhất của Văn phòng Thống kê quốc gia Anh (ONS) công bố vào tháng 12-2023, số người di cư ròng của nước này tính đến tháng 6-2023 là 672.000 người.

    Nhiều chuyên gia cho rằng chính sách mới sẽ gây ảnh lớn đến các trường đại học phụ thuộc vào học phí của sinh viên nước ngoài, cũng như vị thế của Anh trên bản đồ du lịch thế giới.

    Giám đốc Viện Chính sách giáo dục đại học Anh (HEPI) Nick Hillman lo ngại sinh viên quốc tế sẽ chọn đến những quốc gia khác để du học.

    Vị chuyên gia cho biết học phí của nhóm sinh viên này trợ cấp chéo cho hoạt động giảng dạy và nghiên cứu của Anh. “Sinh viên quốc tế mang lại lợi ích cho Anh về mọi mặt”, ông Hillman nói.

    Trong khi đó, Bộ Nội vụ Anh khẳng định thay đổi nói trên là một cách tiếp cận “cứng rắn nhưng công bằng”, giúp “thu hút những người thông minh và tài giỏi nhất” đến nước này và giải quyết tình trạng đến học chỉ để nhập cư.

    Theo báo SCMP, Chính phủ Anh đã cấp khoảng 152.980 thị thực cho người thân của các du học sinh tính đến tháng 9-2023.

    Theo Tuổi Trẻ

     

  • Anh liên tục công bố các chính sách mới liên quan đến thị thực làm việc nhằm cắt giảm lượng người nhập cư đến quốc gia này, trong đó chiếm phần đáng kể là du học sinh và thân nhân của họ.

    du hoc sinh tim viec lam 1
    Sinh viên quốc tế theo học tại ĐH College London, cơ sở giáo dục hàng đầu nước Anh. 

    Siết thị thực làm việc

    Từ năm 2018, sinh viên quốc tế sau khi hoàn thành khóa cử nhân, thạc sĩ hoặc tiến sĩ tại các ĐH của Anh được phép ở lại nước này làm việc từ 2-3 năm tùy bậc học theo diện thị thực làm việc sau khi tốt nghiệp. Trong khoảng thời gian này, nếu được nhà tuyển dụng bảo lãnh, du học sinh có thể nộp đơn xin thị thực lao động lành nghề để làm việc lâu dài.

    Song, kế hoạch này của nhiều sinh viên quốc tế có thể bị chệch hướng. Bởi, chính phủ Anh ngày 4.12 công bố sẽ tăng mức lương tối thiểu mà lao động ngoại quốc phải đạt được để nộp đơn xin thị thực lao động lành nghề, từ 26.200 lên 38.700 bảng/năm (1,2 tỉ đồng). Động thái này chính thức có hiệu lực vào mùa xuân năm 2024 nhằm giảm số lượng người nhập cư vào Anh vốn đang ở mức kỷ lục, theo tờ The Guardian.

    Thị thực làm việc sau khi tốt nghiệp dành cho sinh viên quốc tế cũng sẽ bị chính phủ Anh xét lại vào tháng 9.2024 để ngăn chặn việc lạm dụng và bảo đảm tính trung thực lẫn chất lượng của lĩnh vực giáo dục ĐH, trang Times Higher Education dẫn lời Bộ trưởng Bộ Nội vụ James Cleverly. Mặt khác, báo cáo từ một cơ quan của chính phủ Anh chỉ ra rằng loại thị thực này có thể không thu hút được nhân tài cho quốc gia.

    Những quyết định trên làm nhiều du học sinh "vỡ mộng". Trả lời trang The PIE News, Tripti Maheshwari, giám đốc một tổ chức giúp sinh viên quốc tế tìm việc làm ở Anh, cho biết hàng trăm người đã nhắn tin cho cô để bày tỏ lo lắng sau khi quy định mới được ban hành. "Họ chọn đến Anh vì những chính sách được đưa ra vào thời điểm đó, và các thay đổi phải phù hợp với kế hoạch của họ", bà Maheshwari nêu quan điểm.

    du hoc sinh tim viec lam 1
    Anh là một điểm đến du học hấp dẫn một phần nhờ vào chương trình cho phép sinh viên quốc tế ở lại làm việc tối thiểu 2 năm sau khi hoàn thành khóa học chính quy.

    Theo báo cáo năm 2021 từ Cơ quan Thống kê giáo dục ĐH Anh (HESA), khoảng 15 tháng sau khi tốt nghiệp, đa số sinh viên được trả lương từ 24.000 đến 26.999 bảng, kém xa con số mà chính phủ nước này sẽ yêu cầu để cấp thị thực làm việc lâu dài. Trong khi đó, tính đến tháng 9.2023, hơn 100.000 người đã được cấp thị thực làm việc sau khi tốt nghiệp, theo dữ liệu từ Bộ Nội vụ Anh.

    Nhiều thay đổi vào năm 2024

    Việc nâng chuẩn thị thực lao động lành nghề và xét lại thị thực làm việc sau khi tốt nghiệp là những thay đổi mà chính phủ Anh đưa ra để giảm 300.000 người nhập cư ròng mỗi năm. Một số thay đổi khác là hạn chế sinh viên quốc tế mang theo thân nhân đến Anh, cấm sinh viên quốc tế chuyển sang thị thực làm việc trước khi hoàn thành chương trình đào tạo cũng như rút ngắn danh sách các ngành nghề ưu tiên.

    Động thái trên khiến nhiều chuyên gia lo ngại vì có thể tác động tiêu cực đến sự tăng trưởng của lĩnh vực giáo dục ĐH. Tiến sĩ Alex Powell, giảng viên cao cấp và chủ nhiệm một số chương trình đào tạo luật tại ĐH Oxford Brookes, mô tả các quyết định của chính phủ Anh là một "vụ bê bối". "Bất kỳ thay đổi nào đối với thị thực làm việc sau khi tốt nghiệp đều sẽ 'khai tử' nhiều trường ĐH Anh", ông Powell chia sẻ.

    Tiến sĩ Chris Lintott, giáo sư vật lý thiên văn tại ĐH Oxford, thì lo ngại chính sách mới sẽ "cản đường" các nhân tài đến Anh vì cho rằng họ không thể trả nổi các chi phí liên quan. "Làm khó các nhà nghiên cứu mới vào nghề sẽ khiến chúng ta khó khăn hơn trong quá trình nghiên cứu khoa học, cũng như hạn chế cơ hội cho những sinh viên và nghiên cứu sinh người Anh", ông Lintott bày tỏ.

    Theo HESA, Việt Nam đứng thứ 20 về số du học sinh tại Anh trong năm 2022 với 7.140 người (không bao gồm bậc phổ thông). Đây là mức cao nhất được ghi nhận trong 5 năm trở lại đây. Trong đó, chi phí để theo học bậc cử nhân tại Anh dao động ở mức 10.000-26.000 bảng/năm (308-800 triệu đồng). Với ngành y, học phí có thể lên tới gần 68.000 bảng (2 tỉ đồng).

    Theo Thanh Niên