• Ở lại Đài Loan ăn Tết năm ngoái, Khải Văn năm nay muốn về đoàn tụ cùng gia đình khi quy định dịch tễ được nới lỏng, nhưng lo ngại giá vé máy bay quá cao.

    "Tôi rất hoan nghênh thông tin Việt Nam tạo điều kiện cho kiều bào về nước đón Tết, nhưng thông báo khá sát với dịp lễ nên rất khó đặt vé máy bay", Khải Văn, 31 tuổi, sống tại Đài Loan 11 năm qua, chia sẻ với VnExpress.

    Trong cuộc họp ngày 9/12, Bộ Giao thông Vận tải đề xuất tổ chức chuyến bay thường lệ giữa Việt Nam và một số quốc gia, vùng lãnh thổ, trong đó có Đài Loan, dự kiến từ ngày 15/12. Dự kiến tổng lượng khách nhập cảnh Việt Nam khoảng 14.000 người mỗi tuần trong hai tuần thí điểm.

    Một ngày trước đó, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ Y tế sớm ban hành hướng dẫn, trong đó quy định người nhập cảnh đã tiêm đủ hai mũi vaccine, có kết quả xét nghiệm âm tính, chỉ tự cách ly và theo dõi sức khỏe tại nhà với thời gian nhất định, đảm bảo an toàn dịch bệnh.

    chi phi ve que an tet 1
    Hành khách từ TP HCM xuống sân bay Nội Bài ngày 11/10. Ảnh: Giang Huy.

    Khải Văn cho hay theo những chính sách này, anh sẽ có thể được tạo điều kiện tự cách ly và theo dõi sức khỏe tại nhà nếu xét nghiệm âm tính với nCoV, thay cho quy định cách ly tập trung 7 ngày trước đây. Anh đã tiêm mũi vaccine Pfizer thứ hai vào tuần trước.

    Dù rào cản về quy định kiểm soát dịch tễ khi về nước đã được tháo gỡ, Khải Văn vẫn lo ngại giá vé quá cao khi đường bay thương mại quốc tế được mở lại từ ngày 15/12. Anh cho biết chi phí đặt chuyến bay hồi hương hoặc chuyến bay thuê trọn gói (charter) trên các trang đặt vé cho tháng 12 và đầu năm sau đang dao động từ hơn 30 triệu đến khoảng 50 triệu đồng.

    Trước khi Covid-19 bùng phát, Khải Văn thường đặt vé về Việt Nam ăn Tết vào khoảng tháng 8 hoặc tháng 9 với chi phí chưa đến 9 triệu đồng. Nếu có việc gấp cần về nước vào tháng 12 mọi năm, anh vẫn có cơ hội mua được vé với giá 12-15 triệu đồng.

    Tình hình đại dịch diễn biến phức tạp cũng khiến Khải Văn lo lắng phải cách ly khi quay lại Đài Loan sau Tết và ảnh hưởng đến công việc hiện tại. Chính quyền hòn đảo vẫn duy trì quy định "7+7", gồm 7 ngày cách ly tập trung và 7 ngày cách ly tại nhà khi nhập cảnh. Nếu hành khách đến từ các "điểm nóng" Covid-19 hoặc tiêm chủng chưa đầy đủ, thời gian cách ly có thể kéo dài 21 ngày.

    Sau nhiều ngày đắn đo, Khải Văn đã quyết định năm nay sẽ tiếp tục đón Tết ở Đài Loan. "Tình hình ở đây đã trở lại bình thường gần như hoàn toàn. Mua sắm Giáng sinh ở các trung tâm vẫn nhộn nhịp do ca nhiễm cộng đồng được khống chế. Nền kinh tế đã mở cửa hơn hai tháng nay", anh nói.

    Hương Giang, du học sinh đang học năm cuối chương trình thạc sĩ một đại học ở Northampton, Anh cũng quyết định sẽ chờ đến quý hai, khi tình hình ổn định hơn và trùng vào dịp nghỉ hè để về nước.

    Theo Giang tìm hiểu, giá vé các chuyến bay thương mại về Việt Nam có thể lên tới khoảng 55 triệu đồng, nên những du học sinh như chị phải cân nhắc nhiều hơn so với những người đã có công ăn việc làm ổn định tại Anh. Tết năm nay còn trùng với giai đoạn thi cử và dạy học của trường, nên Giang dự định đón Tết tại Anh cùng hội sinh viên Việt Nam như mọi năm.

    chi phi ve que an tet 1
    Khu mua bán trên phố Oxford, thủ đô London của Anh, tấp nập người qua lại vào ngày 5/12. Ảnh: Reuters

    Cô Tuyết Lê, 68 tuổi, Việt kiều Mỹ đang sống ở bang New Jersey, mong về thăm Việt Nam sau gần ba năm xa cách, song quyết định chưa di chuyển vào thời điểm này.

    Cô lo ngại khó khăn đi lại mùa dịch và lượng người cạnh tranh đặt chuyến khi đường bay thương mại được mở lại quá cận Tết sẽ khiến giá vé máy bay tăng cao. Một người bạn của cô trở về Việt Nam hồi tháng 11 vì có việc gấp đã chấp nhận chi khoảng 5.000 USD (hơn 115 triệu đồng).

    Nữ Việt kiều cũng băn khoăn về đề xuất "cho người tiêm đủ hai mũi vaccine" không phải cách ly tập trung sau khi nhập cảnh, bởi cô đã tiêm chủng hồi tháng 3 nhưng sử dụng vaccine loại tiêm một mũi của hãng Johnson & Johnson và đang chờ tiêm mũi tăng cường.

    Để vơi nỗi nhớ quê nhà trong dịp Tết sắp tới, cô cùng gia đình lên kế hoạch cuối tháng 1 năm sau đến du lịch ở phía nam bang California, nơi tập trung nhiều cộng đồng người Việt và có không khí thân quen. Nếu ở lại New Jersey đón năm mới âm lịch, gia đình "chỉ nấu được mâm cơm cúng giao thừa chứ chẳng gặp được ai khác để chúc Tết", cô nói.

    Theo VnExpress

  • Danh ca Khánh Ly trải lòng về cuộc sống ở xứ cờ hoa. Bà mong ước được về Việt Nam khi tuổi đã xế chiều...

    khanh ly 2

    Chia sẻ về cuộc sống nơi xứ người những ngày cận năm mới, Khánh Ly chạnh lòng: “Tôi xa nhà đã rất lâu và sự chia lìa đó đã trở thành vết thương luôn khiến tôi chảy nước mắt khi nhìn người người nô nức đón chào năm mới. Ai là người đi giữa cuộc vui mà thấy mình lẻ loi, cô độc. Ai sau những mất mát tan vỡ không bao giờ nguôi ngoai nỗi đau, thì sẽ hiểu được vì sao có nhiều lúc mình cười mà nước mắt rơi”. 

    khanh ly 2
    Danh ca Khánh Ly nhớ nhà, thèm đi hát khi ở xứ cờ hoa. ẢNH: NVCC

    Được biết, nữ danh ca hiện sống ở Mỹ cùng cô con gái thứ ba. Cuộc sống bình thường của bà khá đơn giản nên tết đến cũng không cần sắm sửa nhiều. Bà từng cho rằng qua Mỹ hương vị Tết từ từ phai nhạt rồi biến mất khi chồng bà ra đi. Bởi khi còn sống, ông xã danh ca là người chuẩn bị bánh chưng, hoa quả ngày Tết. Giao thừa, cả hai xuất hành hái lộc rồi tự xông nhà mình... Thời gian dài về sau, điều này trở thành nỗi buồn “dài hạn”, khiến bà xốn xang mỗi khi thấy cảnh gia đình sum họp. “Tôi có lẽ đã ẩn số mạng dưới ngôi sao không mấy vui. Một mình lủi thủi vui buồn không ai hay, không biết nói cùng ai. Oan hay ưng thì cũng một mình. Bố mẹ không biết, chồng không biết, con không biết. Tôi đành cứ tự nói với lòng mình riết rồi thành quen. Nỗi cô đơn lâu rồi thành bạn”, Khánh Ly nói thêm.

    Không chỉ thiếu đi người bạn đời, giờ điều nữ nghệ sĩ buồn nhất mỗi khi xuân về đó chính là sự cô đơn khi những người yêu thương ngày một xa dần. Ở tuổi thất thập cổ lai hy, Khánh Ly bộc bạch: “Bây giờ tuổi đã luống, bây giờ đã ngàn dặm xa… Bây giờ đang bất lực nhìn, nghe tin bạn bè cứ dần rời xa. Vui được sao, thôi cũng đành ai sao mình vậy, còn sống thì cứ sống. Đến một lúc nào đó không chết không được, sẽ tính sau…”. 

    khanh ly 2
    Sự ra đi của ông xã khiến bà đau buồn trong thời gian dài. Hiện tại, nữ ca sĩ cho biết bà đã bằng lòng với thực tại. ẢNH: NVCC

    Trải qua nhiều mất mát, danh ca Khánh Ly cho biết hiện tại bà đã bằng lòng với mọi buồn vui quanh mình. “Những người đi vẫn đi, mình luôn là người đi bên cạnh, hi vọng có cuộc vui chung…”, bà nói.

    Từ xứ cờ hoa, Khánh Ly cũng tiết lộ bà mong mỏi một ngày về lại quê hương, được hội ngộ với những người một thời gắn bó. Giọng ca sinh năm 1945 trải lòng: “Mùa đông vốn đã lạnh, ở đâu cũng lạnh, giờ lại thêm nỗi nhớ xa quê. Ấy cái tuổi già là vậy, cứ sống trong mọi nỗi chờ mong, cứ khắc khoải nhớ ánh đèn, nhớ tiếng hát, tiếng cười đùa bằng hữu… Một ngày chôn chân nhớ phố lang thang rồi quẩn quanh trong căn nhà nhỏ ngập tràn kỷ niệm. Quẩn quanh trên con đường quen với những ngôi nhà 40 năm qua không thay đổi. Đất trời ở đâu cũng thế. Chỉ có lòng người thay đổi mà thôi. Chắc thế…”.

    Nữ danh ca cũng gửi đến quý bạn đọc những dòng tâm sự mừng năm mới. Bà hi vọng đón một mùa xuân an lành và mơ về Hà Nội: “Nếu đã nói là tâm sự thì sẽ có vui có buồn vậy nên dù cách xa nửa vòng trái đất, tôi xin gửi theo đây chút tình Việt Nam cùng lời chúc bình an đến tất cả mọi nhà".

    Mình làm gì cho ngày mai

    Ngày mai mình làm gì

    Ai mà biết được ngày mai

    Hay cứ mơ nhé

    Mơ ngày mai thức dậy, mở cửa sổ

    A! Mùi hoa sữa

    Một buổi sáng trời rất xanh

    Có một chút gió lanh

    Ồ tết đến rồi

    Mở cửa ra phố thôi

    Hát gì đi chứ…

    Có chiều hôm em theo tôi cùng ra quán ngồi

    Bên đời xe ngựa ngược xuôi

    Vẫn mãi mãi là…

    Bên đời mà thôi

    Mọi người cũng theo xuân thay áo mới đi

    Nhớ mãi thì cũng có được gì đâu

    Chẳng ai ngăn cấm được ước mơ

    Hãy tự chọn cho mình một ước mơ

    Sợ gì cơ chứ

    Thế thì tôi sẽ chọn đi trên con đường đẹp nhất Hà Nội

    Một con đường đẹp và nhỏ

    Một con đường bình yên

    Xin mọi người hãy đến và đi cùng tôi

    Chúng ta góp lá mùa xuân nhé

    Nhớ mặc áo mới

    Khánh Ly

    Nghệ sĩ Khánh Ly sinh năm 1945 tại Hà Nội, tên thật là Nguyễn Thị Lệ Mai. Bà bắt đầu sự nghiệp ca hát từ những năm 1960, gắn liền với các ca khúc của Trịnh Công Sơn. Nữ danh ca là một trong những tiếng hát tiêu biểu nhất của dòng tân nhạc Việt Nam. Ngoài ra, giọng ca gốc Hà thành còn được biết đến rộng rãi với biệt danh thú vị “nữ hoàng chân đất”, do thường cởi bỏ giày cao gót và đứng chân đất hát để giữ bình tĩnh.

    Giọng ca Khánh Ly gắn liền với nhạc phẩm bất hủ như: Bông bưởi chiều xưa, Ca dao mẹ, Hạ trắng, Tình nhớ, Còn tuổi nào cho em… Về đời tư, bà có tình duyên lận đận khi trải qua 3 cuộc hôn nhân. Người cuối cùng đồng hành cùng nữ ca sĩ chính là nhà báo kiêm nhà văn Hoàng Đoan. Ông qua đời năm 2015, gắn bó với danh ca Khánh Ly được 40 năm.

    Theo Thanh Niên

  • Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, năm nay kiều bào không thể về nước ăn Tết, số chuyến bay đi cũng chỉ lưa thưa vài khách nên ga quốc tế sân bay Tân Sơn Nhất vắng lịch sử từng thấy trong mùa Tết.

    vang bong viet kieu 1
    Ga quốc tế sân bay Tân Sơn Nhất vắng chưa từng thấy vì kiều bào không về ăn Tết. Ảnh: ĐỘC LẬP

    Khác hẳn với cảnh chen chân ở ga quốc tế sân bay Tân Sơn Nhất vào những ngày cận Tết Nguyên Đán, năm nay, do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 trên thế giới, kiều bào không thể về nước ăn Tết, mỗi ngày chỉ có 1 - 2 chuyến đi với vài chục khách nên khu vực ga quốc tế vắng chưa từng thấy.

    Một nhân viên an ninh sân bay cho biết, hiện ga quốc tế sân bay Tân Sơn Nhất chỉ đón một số chuyến bay đưa công dân về nước, số khách mỗi chuyến bay đi chỉ 20 - 30 người nên vô cùng vắng vẻ. Vì thế, các bộ phận cũng cắt cử người trực vừa đủ phục vụ hành khách, phần đông nghỉ luân phiên hoặc thực hiện công tác khác được phân công. 

    vang bong viet kieu 1
    Khu check-in vắng tanh. Ảnh: ĐỘC LẬP

    Tại khu vực làm thủ tục xuất cảnh, thông thường có hơn 20 quầy thì nay chỉ còn 2 quầy hoạt động. Trong khu vực nhà ga, số lượng khách ít ỏi, đa phần chỉ có nhân viên sân bay, an ninh và công an. 

    Các quầy check-in vắng vẻ, tắt đèn, chỉ có nhân viên làm việc khi đến giờ bay của hãng, quầy hướng dẫn cũng không có ai. Các quán ăn nhẹ, cà phê ở khu vực ga quốc tế cũng tắt đèn, đóng cửa hoặc mở nhưng chỉ có mình nhân viên. 

    Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất cho biết, trước khi vào khu vực nhà ga, hành khách và cả người đi cùng được khuyến cáo rửa tay sát khuẩn, kiểm tra thân nhiệt và có nhân viên của các hãng hướng dẫn vào khu vực làm thủ tục. Quá trình giải quyết thủ tục, khai báo y tế, kiểm tra an ninh đều diễn ra nhanh chóng, thuận lợi.

  • Sau vài ngày mưa gió lạnh lẽo, chợ hoa Phước Lộc Thọ thực sự đông đảo với khách du Xuân dập dìu trong nắng mềm gió dịu, mang bầu sinh khí mới cho cả một góc phố.

    cho hoa phuc loc tho 1
    Tuổi thơ giữa vườn Xuân. (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)

    Theo nhận xét của nhiều người bán, khách viếng chợ hoa năm nay đa số là dân địa phương.

    “Khác hẳn với những năm trước, năm nay không có khách phương xa, từ các tiểu bang xa xôi mà chỉ toàn khách ở gần đây. Thậm chí còn không có khách cách xa hơn ba tiếng lái xe nữa,” bà Janet Trang Trần, nhân viên bán hàng tại một quầy đồ chơi, nhận xét. “Nhưng khách mua sắm nhiều hơn chúng tôi dự đoán. Họ vẫn trả giá theo thói quen nhưng không kỳ kèo lặt vặt.”

    Mưa gió, khách vẫn mua

    Ông Nelson Đào, tại gian hàng hoa Nguyễn Huệ, cho biết: “Bất chấp mưa gió hồi tuần rồi, khách mua hoa rất nhiều. Đây là một điều hết sức bất ngờ và vô cùng đáng mừng đối với tôi.”

    cho hoa phuc loc tho 1
    Mang Tết về nhà. (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)

    Ông cho rằng một trong những lý do để đông khách ghé mua hoa của ông là vì gian hàng bán với giá rất phải chăng.

    “Một phần nữa là vì có lẽ vì người ta ở nhà, không đi chơi xa nên chịu khó mua sắm chuẩn bị ăn Tết sớm,” ông thêm.

    “Tôi nghĩ tuần tới, khách còn mua nhiều hơn nữa. Rất nhiều người muốn đợi thật cận ngày mới mua hoa. Đó là nhận xét của tôi sau hơn 10 năm bán hoa ở đây,” ông cười.

    Năm nay, khách mua cành hoa vàng nhiều hơn mọi năm.

    cho hoa phuc loc tho 1
    Mỗi người một ý, rước Xuân về nhà. (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)

    Phải có hàng mới

    Gian hàng bán đồ trang trí Tết lớn nhất chợ hoa của chị Diệp Kim Châu cũng được khách nườm nượp ghé vô. Chị Châu nói: “Chúng tôi bán chợ hoa được 14 năm rồi và năm nào cũng rất đông khách, cả người Việt lẫn người Hoa vì năm nào chúng tôi cũng có hàng mới.”

    Năm nay, chị có pháo điện tử mới. “Loại này, dù có làm mất ‘remote control’ thì người ta vẫn xài được chứ không bỏ đi như loại cũ,” chị nói. “Và lúc nào chúng tôi cũng có các loại phong bao chữ Việt Nam chứ không chỉ toàn tiếng Hoa.”

    Chị cũng nhận thấy năm nay người ta sắm sửa sớm hơn những năm trước.

    Bà Ngân Trương, tại quầy đồ chơi và phong bì mừng tuổi, nói: “Tôi chỉ coi hàng giúp chị bạn khi tôi rảnh thôi nên không rành. Nhưng, thực sự, tôi không ngờ năm nay lại có nhiều người mua như vậy. Tôi đoán các bậc cha mẹ muốn đền bù cho tụi nhỏ không được đi nhà trẻ. Người ta mua đồ chơi và pháo đập rất nhiều.”

    Nói chung, sức mua sắm của khách năm nay là một điều bất ngờ, ngoài dự liệu của nhiều người.

    Nhưng không phải ai cũng may mắn buôn may bán đắt như vậy.

    Ni cô Như Quang, có quầy bán tạp hóa Tết, cho biết khách vô cũng đông nhưng cô vẫn chưa lấy lại vốn được trong lúc hàng thì gần hết. Có lẽ chuyện này xảy ra là vì cô bán quá rẻ vì khách vô gian hàng cô rất đông và mua rất nhiều.

    Cô hơi lo cho chùa vì cô bán cho quỹ phước sương chùa Phước Quang ở góc đường Euclid và Garden Grove.

    cho hoa phuc loc tho 1
    Ba người ba loại hoa. (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)

    Mua sắm “xả xui?”

    Theo một số khách, họ mua sắm nhiều tại chợ hoa vì họ muốn năm Tân Sửu sẽ đem đến cho họ một sự hoàn toàn đổi mới. “Chưa có năm nào chán hơn năm con chuột vừa rồi. Phải mua đồ ‘lấy hên’ cho năm tới chứ,” ông Robert Minh Lý, cư dân Garden Grove, nói. “Tôi mới được chích ngừa (COVID-19), còn gì hên hơn?”

    Ông đang chờ một nhân viên bán hoa đẩy một xe đầy cho ông.

    Ôm hai bó hoa mai thật cao và to, bà Nguyễn Kim Trang, ở Westminster, cười: “Cả năm không tốn tiền phấn son, quần áo thì cuối năm mình ‘thoải mái’ một chút chứ cất tiền làm chi. Xài hết cho hết xui.”

    Ông Tô Văn Trãi, ở Santa Ana, nói: “Tôi dang chờ người bạn có xe ‘van’ đến chở mấy cây mãng cầu về. Mấy cây này hơn $400 của tôi. Nhưng cả năm nay vợ chồng tôi, ăn rồi chỉ ra vườn cắm cúi đào đất trồng rau, trồng hành. Bây giờ có cặp mãng cầu trồng ở cuối vườn, chắc bà ấy mừng lắm.”

    cho hoa phuc loc tho 1
    Mua nhiều, phải mượn xe đẩy. (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)

    Mọi năm, những người bán chợ hoa Phước Lộc Thọ được báo tin có chợ hoa từ Tháng Mười Một năm trước nên có tới hơn một tháng để chuẩn bị. Năm nay, họ chỉ có hơn một tuần thôi. Chính vì vậy mà sức mua sắm của khách là một phần thưởng bất ngờ cho mọi người.

    Chợ hoa Phước Lộc Thọ nhóm họp hằng ngày cho đến Thứ Tư, 10 Tháng Hai, tức 29 Tết, mở cửa từ 10 giờ sáng đến 7 giờ tối.

    “Đúng ra, bữa 30 Tết bán rất chạy. Nhưng theo giao kèo, chúng tôi phải dọn ra. Trước 10 giờ sáng ngày 11 Tháng Hai, tức 30 Tết, chúng tôi phải quét dọn sạch sẽ và trả đất lại,” ông Nelson Đào nói.

    Nguồn: Người Việt

  • Cái lạnh se se cuối Tháng Giêng không làm giảm đi số người gốc Việt đi chợ mua sắm thức ăn chuẩn bị dần cho ngày Tết Nguyên Đán Tân Sửu mà lại như làm người ta chịu khó mua sắm thức ăn hơn.

    nguoi viet tet 2021 1
    Mai vàng, trái cây đón Tết Tân Sửu 2021. (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)

    Sáng Thứ Ba, 26 Tháng Giêng, đường sá khu Little Saigon chật cứng xe, khác hẳn mới vài tháng trước, đìu hiu, vắng lặng như một thành phố bị bỏ hoang vì đại dịch COVID-19.

    Chỉ cần vào đến bãi đậu xe là người ta có thể đoán được lượng người đi chợ đông thế nào ngay.

    “Với người dân miền Bắc như chúng tôi, ngày Tết phải có mưa dầm gió rét mới ra không khí đầu năm. Hôm nay không có mưa nhưng nhờ có gió rét như vậy làm tôi cảm thấy gần gũi với những ngày giáp Tết thời chưa di cư,” ông Nguyễn Viết Ban, cư dân Garden Grove, nói. “Nghe nói tuần tới có mưa. Chỉ thêm chút mưa lất phất thì thật tuyệt.”

    Ông Raymond Nguyễn, ở Huntington Beach, cũng nghĩ như vậy. Ông nói: “Đó là đặc điểm của Tết Hà Nội. Ngoài trời có rét mướt thì trong nhà mới ấm cúng. Tôi nhớ có những lúc bận việc, phải đi vội về nhà trong khí hậu khó khăn. Bên ngoài có lạnh lẽo đến đâu, trong người tôi có mệt mỏi đến đâu thì khi bước vào nhà, vừa đóng cánh cửa sau lưng là mình như được trở về thiên đường của riêng mình.”

    Bà Lê Thị Hồng Thái, ở Garden Grove, có lý do riêng để đi chợ. Bà nói: “Chợ lúc này thường thiếu đồ khô, không đi sớm thì gần Tết còn thiếu nhiều hơn. Bột, bún, gia vị thiếu lung tung. Tôi phải đi hai, ba chợ mới tìm được những thứ cần mua.”

    nguoi viet tet 2021 1
    Tết đến rồi, bánh mứt đầy bàn. (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)

    Chỉ còn vài tuần nữa là Tết rồi.

    Vừa bước vào bất cứ chợ nào trong khu Little Saigon sẽ thấy màu vàng hoa mai, màu hồng hoa đào và các thứ bánh mứt thơm thảo xanh xanh, đỏ đỏ ngày Xuân đã hớn hở chào mời khách mua quà ăn Tết. Kiêng đường, kiêng ngọt thì con mắt cũng thấy vui rồi.

    Một cô “cashier” cho biết khoảng hai tuần nay, lượng khách đi chợ Thuận Phát tăng thêm thấy rõ. “Người ta chưa mua đồ chật xe (đẩy) lúc này, nhưng đa số vui vẻ hơn, dễ chịu hơn chứ không hầm hầm khó chịu như từ lễ Tạ Ơn tới Giáng Sinh,” cô so sánh. “Theo mọi năm, trước Tết chừng 10 ngày người ta mới mua nhiều và có vẻ hối hả hơn. Chỉ mấy bữa nữa thôi là tình hình sẽ khác hẳn.”

    Vẫn theo cô, phải tuần tới, cận Tết hơn, thì người ta mới sắm sửa bánh mứt nhiều hơn. Mấy tuần này, người ta chỉ mua sắm thức ăn như thịt thà, cá mú, rau quả là chính. Cô nói: “Một số khá đông người mua bánh chưng, bánh tét làm quà. Những người này thường mua kèm với bánh mứt có giấy màu rực rỡ. Họ mua để gởi đi xa vì họ cứ hỏi để được bao lâu, bỏ trong thùng giấy có bảo đảm không.”

    nguoi viet tet 2021 1
    Cùng mẹ ra chợ Tết. (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)

    Ông Richard Nguyễn, ở Westminster, cười tươi: “Vợ chồng tôi chưa được chích vaccine, nhưng đã có thuốc rồi thì chắc chắn sẽ đến phiên chúng tôi. Vậy thì mừng quá rồi.”

    Gia đình ông Nguyễn Đức Thành, ở Garden Grove, muốn ăn Tết cho nước Mỹ. Ông nói: “Tôi rất mừng vì nước Mỹ có được một vị tổng thống chững chạc và nghiêm túc hơn. Bốn năm qua, chúng tôi mong đợi ngày hôm nay thôi.”

    Lại có người ăn Tết vì lý do cá nhân hơn. Bà Nguyễn Thị Tân, ở Garden Grove, nói: “Con trai tôi mới qua Iowa học hồi cuối Tháng Tám, Tết này là lần đầu tiên nó về thăm gia đình nên tôi phải mở tiệc đãi nó.”

    Một số khách muốn ăn Tết lớn để mừng đại dịch sắp qua, vì họ hoặc gia đình họ vừa có người chích ngừa COVID-19.

    nguoi viet tet 2021 1
    Món nào cũng hấp dẫn, biết lựa gì đây? (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)

    Ông Dương Đình Kha, ở Westminster, nói: “Đúng ngày Mùng Một Tết là ngày vợ chồng tôi chủng ngừa mũi thứ nhì. Đó là một tin mừng cho chúng tôi vì cả đứa con gái tôi, do chăm sóc chúng tôi, cũng được ‘ăn theo.’ Vì vậy Mùng Một nhà tôi khóa cửa, không tiếp khách, nhưng trưa Giao Thừa sẽ rất vui và đến Mùng Bảy chúng tôi mới hóa vàng, tiễn ông bà.”

    Người ta có vẻ phấn chấn hơn vì tin tưởng rằng đại dịch sắp bị đẩy lùi.

    Bà Lương Thị Toán, ở Garden Grove, cười: “Cha tôi đã ngoài 80 tuổi rồi, ở viện dưỡng lão. Tôi không được vô thăm từ Tháng Ba, 2020 tới giờ, mặc dù ngày nào cũng nói điện thoại hai lần. Mới mấy bữa trước, ông được chích vaccine, tinh thần phấn chấn lắm, nhắc lại đủ chuyện đời ông cố lũy và rất vui vẻ. Đó là tin mừng của gia đình tôi nên phải ăn Tết lớn. Và những gia đình khác cũng có người được chích ngừa nên ai cũng phải ăn mừng.”

    nguoi viet tet 2021 1
    Chợ nào cũng vui như… Tết. (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)

    Có người muốn ăn Tết để bù cho lễ Giáng Sinh không làm gì. “Noel vừa rồi vì bà chị họ tôi bị COVID-19, cả họ ai cũng lo. Bây giờ chị khỏe rồi, chạy bộ hằng ngày được rồi nên mọi người đòi ăn bù,” bà Nguyễn Kim Hồng, cư dân Westminster, vui vẻ nói.

    Mỗi người một lý do, cư dân khu Little Saigon cùng mở tiệc khiến phố xá, chợ búa nhộn nhịp tưng bừng hẳn lên.

    Nguồn: Người Việt

     

  • WESTMINSTER, California (NV) – Chỉ còn một tháng nữa là đến Tết Nguyên Đán Tân Sửu 2021. Vào mùa này những năm trước, rất nhiều người sống ở khu Little Saigon đã yên tâm cầm tấm vé về Việt Nam “ăn Tết.” Nhưng năm nay mọi cánh cửa như đóng sầm lại vì đại dịch COVID-19.

    tet nguyen dan 2021 1
    Một góc khu thương mại Việt Nam trên đường Bolsa có văn phòng đại lý bán vé máy bay. (Hình: Đoan Trang/Người Việt)

    Theo lịch, Mùng Một Tết Nguyên Đán Tân Sửu sẽ nhằm ngày 12 Tháng Hai. Vậy là Tết không còn xa.

    $9,000 cho vé bay “giải cứu” một chiều từ Mỹ về

    Chị Kathy Nguyễn, cư dân thành phố Westminster, tâm sự với phóng viên nhật báo Người Việt: “Năm nào tôi cũng đóng cửa tiệm, bay về chơi vào dịp Tết Nguyên Đán. Nhưng năm nay thì… chịu thôi, không cách chi về được, dù tiệm cũng phải đóng từ lâu rồi, vì dịch bệnh.”

    Cảm nhận của chị Kathy rất giống nhiều người Việt xa xứ, rằng về Việt Nam thì chỉ vào dịp Tết Nguyên Đán là vui nhất, vì đó là lúc người đi làm được nghỉ dài ngày, tương tự kỳ nghỉ lễ Giáng Sinh cho đến Tết Tây ở Mỹ.

    “Hơn nữa, không khí Tết Việt Nam thì chẳng nơi nào có được. Nhất là từ thời điểm đưa Ông Táo về Trời, rồi mọi người chộn rộn sửa sang, dọn dẹp nhà cửa, mua sắm… Ai cũng bận rộn, mệt mỏi, mà rất vui. Đến tuổi này, mà cứ nghĩ đến Tết, tôi vẫn háo hức như còn tuổi thơ, mong được hít thở ‘không khí Tết,’” chị Kathy nói.

    Chị Phương Ngô, chủ phòng vé Titan Travel trên đường Bolsa, Westminster, cho biết ngày nào chị cũng nhận được rất nhiều cuộc điện thoại của khách quen hỏi vé về Việt Nam.

    Văn phòng của chị Phương đã phải đóng cửa từ giữa năm 2020, do các chuyến bay về Việt Nam bị đình trệ vì dịch bệnh COVID-19. Hồi Tháng Sáu, khi trả lời nhật báo Người Việt, chị Phương cho biết chỉ có thể bán vé từ đầu năm 2021 mà thôi. Chị cũng dự đoán giá vé vào thời điểm Tháng Giêng sẽ rẻ, nếu bay khứ hồi từ Los Angeles (LAX) về Việt Nam, giá trung bình khoảng $600-700, tùy hãng hàng không và tùy điểm đến Sài Gòn, Hà Nội, hay Đà Nẵng.

    Nhưng nay thì chị Phương ủ rũ nói: “Không có chuyến bay nào cả, trừ những chuyến ‘giải cứu’ của chính phủ Việt Nam dành cho du học sinh hoặc du khách bị ‘kẹt’ ở Mỹ. Nhưng bay những chuyến này cũng phải trả giá vé rất cao, vì vé chính thức cũng là ‘vé chợ đen.’”

    Một dịch vụ du lịch khác ở Bolsa cho biết, giá vé của các chuyến bay “giải cứu” trong khoảng $2,000-$2,500 một chiều, tùy điểm đến ở Việt Nam. Nhưng chỉ “quen biết” mới mua được giá đó. Nếu không, vé “giải cứu” có khi lên đến $8,000-$9,000 bay một chiều từ Mỹ về.

    tet nguyen dan 2021 1
    Mẩu quảng cáo dịch vụ vé máy bay về Việt Nam. (Hình chụp qua Facebook)

    Phải có “giấy phép” mới được mua vé

    Tại các phòng vé khác ở khu vực Bolsa lẽ ra rất nhộn nhịp vào những ngày này như hằng năm, nhưng giờ đây hầu hết đều phải đóng cửa. Khi gọi đến đại lý vé máy bay Hwa Hwa Express Travel, hình thành được 28 năm và được The Real Yellow Pages xếp hạng A+, chúng tôi chỉ nhận được lời nhắn bằng máy, rằng văn phòng đã đóng cửa vì dịch bệnh COVID-19. Còn số phone của đại lý vé Bình An Travel thì báo “không sử dụng dịch vụ đã lâu” (no longer in service), có nghĩa số phone ấy không còn hoạt động nữa.

    Ở đại lý vé Blue Sky Travel, người trực điện thoại trả lời rất nhanh: “Tới Tết Nguyên Đán, Việt Nam cũng chưa ‘mở cửa’ đâu. Hiện nay chỉ có các chuyến bay ‘giải cứu’ dành cho du học sinh và khách du lịch thôi. Khách hàng tự ghi danh tại các Lãnh Sự Quán Việt Nam, chứ ở đây không làm dịch vụ đó.”

    Thật ra, đã có rất nhiều người lên website của Lãnh Sự Quán Việt Nam ở các nơi để được mua vé về Việt Nam cho con em mình, hay cho chính bản thân người cần được “giải cứu,” nhưng hầu hết đều phải “chờ,” và chờ không biết đến bao giờ.

    Trong khi đó, một dịch vụ bán vé máy bay đăng trên Facebook, quảng cáo: “Hiện tại Lãnh Sự Quán đang chuẩn bị tăng cường cho chuyến bay hồi hương vì số lượng khách từ khắp mọi nơi đều tăng trong dịp Tết. Khách đang suy nghĩ thì nên nhanh liên hệ để có chỗ về kịp ăn Tết. Hồ sơ nộp càng sớm càng tốt…”

    Chúng tôi liên lạc với chủ nhân trang Facebook này, hỏi: “Nghe nói sẽ không có chuyến bay nào được về Việt Nam lúc này?” Qua điện thoại, cô gái tên Bình quả quyết: “Có chứ! Nhưng phải đăng ký ở Lãnh Sự Quán, và phải có giấy phép mới mua được vé, chứ tự mình mua vé là không có đâu!”

    “Giấy phép” mà cô đề cập, là “công văn nhập cảnh” được Ủy Ban Nhân Dân tỉnh/thành phố chấp thuận theo yêu cầu, hoặc Cục Quản Lý Xuất Nhập Cảnh. Cô cũng cho biết, cô cung cấp dịch vụ “công văn nhập cảnh” không những cho người có sổ thông hành (passport) Việt Nam, mà cả người nước ngoài từ Mỹ, Úc, Canada, và Đức vào Việt Nam.

    Trong khi đó, trên website của Đại Sứ Quán và các Tổng Lãnh Sự Quán Hoa Kỳ tại Việt Nam, cập nhật thông tin mới nhất là ngày 6 Tháng Giêng, ghi rõ: “Tính đến thời điểm này, chính phủ Việt Nam vẫn tiếp tục ngừng nhập cảnh đối với tất cả người nước ngoài, kể cả người có giấy miễn thị thực. Chỉ có một số rất ít trường hợp ngoại lệ như ngoại giao, công vụ, chuyên gia, lao động bậc cao, nhà đầu tư, nhân viên các dự án trọng điểm theo quyết định của chính phủ Việt Nam. Lý do đoàn tụ gia đình không được xét vào diện ngoại lệ.”

    tet nguyen dan 2021 1
    Phòng bán vé Titan Travel, trước lúc phải đóng cửa vì dịch bệnh. (Hình: Đoan Trang/Người Việt)

    “Hết cửa” cho khách du lịch, thăm thân

    “Hiện nay số người ở Mỹ muốn về Việt Nam rất đông,” cô Bình nói. “Mọi người đều có thể tự lên website ghi danh cho bản thân, hoặc cho người nhà, nhưng khi nào được gọi, và ngày nào được về thì chẳng ai biết, nhiều người phải chờ rất lâu. Còn chỗ em thì giúp được cho người muốn đi nhanh, không phải chờ, và chính xác ngày muốn về.”

    Nhưng cô Bình giải thích thêm, “ngày muốn về” cũng phải nằm trong lịch trình các chuyến bay “giải cứu” của chính phủ Việt Nam. Và vì còn phải có thêm dịch vụ xin giấy phép, nên giá vé mà cô đưa ra là $6,500 một chiều. “Ngoài ra, khách phải tự trả tiền cách ly 14 ngày. Nếu chọn cách ly tập trung với mọi người, khách chỉ đóng 120,000 VNĐ (khoảng $5) một ngày. 14 ngày là khoảng $70. Còn nếu cách ly tại khách sạn tự chọn, ở phòng riêng biệt, khách phải trả $80-100/ngày,” cô nói thêm.

    Hiện nay, trên website của Lãnh Sự Quán Việt Nam tại San Francisco, California, vẫn nhận các tờ khai “Đăng ký nguyện vọng về Việt Nam.” Từ ngày 20 Tháng Sáu, 2020, tờ khai này chỉ áp dụng đối với công dân Việt Nam hiện đang cư trú tại các tiểu bang: California, Washington, Hawaii, Oregon, Arizona, Utah, New Mexico, Colorado, Idaho, Wyoming và Alaska.

    Diện ưu tiên cho các chuyến bay này là công dân Việt Nam, gồm những người: Lao động hết hạn hợp đồng, mất việc, không còn thu nhập mà sở tại không có điều kiện hỗ trợ; học sinh dưới 18 tuổi; sinh viên đã hoàn thành khóa học (tốt nghiệp) gặp khó khăn về nơi ở/gia hạn lưu trú; doanh nhân, trí thức, công dân xuất cảnh ngắn hạn bị “mắc kẹt” gặp khó khăn do không có nơi ở, không còn khả năng tài chính; và các trường hợp đặc biệt khó khăn khác.

    Quy trình “Đăng ký nguyện vọng về Việt Nam” qua năm bước, có vẻ đơn giản nhưng đều “tắc” ở bước 4 (tiếp nhận thông báo), vì chỉ khi đơn được duyệt, người nộp đơn mới nhận được thông báo mà thôi.

    “Cánh cửa” vào Việt Nam quá hẹp, vì chỉ dành cho các “đối tượng ưu tiên.” Xem ra, sẽ “không có cửa” cho những người mong muốn được hưởng “không khí Tết” như chị Kathy nói.

    Nguồn: Người Việt

  • Vợ tôi tức tối vì mình bỏ công sức và tiền bạc ra để đưa đón bác Việt kiều suốt cả tuần mà chẳng nhận lại như mong đợi.

    Trở về sau chuyến tháp tùng vợ chồng ông bác ở Anh về quê ăn tết, vợ ngồi ngẩn ngơ rồi quăng cái phong bì lì xì của con lên bàn trang điểm kèm tiếng thở dài: “Biết keo kiệt cỡ này thì chẳng mất công làm gì”. Nhìn thấy 2 tờ 50 bảng chìa ra một nửa ngoài phong bì là tôi kịp hiểu chuyện nhưng không lên tiếng vì biết vợ đang thất vọng lại “giận cá chém thớt”.

    Chuyện vợ chồng bác ruột của vợ định cư ở nước ngoài sẽ về quê đón tết đã được bàn tán râm ran ở nhà ngoại vài tháng trước. Mấy người rục rịch sắp xếp việc đón ở sân bay, bố trí chỗ nghỉ ngơi và dự kiến đưa vợ chồng bác đi chơi khi về nước.

    Sau gần một ngày vật vã chen lấn ở sân bay, nhà vợ cũng đón được vợ chồng bác Việt kiều. Những ngày tiếp theo, vợ bỏ việc nhà cho tôi lo dù tết đã cận kề để đi theo chân vợ chồng bác. Ảnh minh họa

    Vợ tôi tham gia rất nhiệt tình vào việc này, thậm chí cô ấy còn dò hỏi trước những món ăn yêu thích của bác để tiếp đãi. Tôi cứ nghĩ do bác xa quê lâu năm nên mọi người mới nhớ thương chờ đợi đến vậy.

    Đến ngày vợ chồng bác về, cả nhà thuê hẳn chiếc xe ô tô 36 chỗ ngồi để đi đón kèm thêm một chiếc xe hơi 4 chỗ của gia đình. Vợ còn muốn tôi bỏ buổi tất niên ở nhà nội để cùng ra sân bay đón bác nhưng tôi không đồng ý. Vợ tỏ ra khó chịu dẫn hai đứa con cùng đi, trong khi con bị say xe ngất ngưởng.

    Sau gần một ngày vật vã chen lấn ở sân bay do bị trễ chuyến, nhà vợ cũng đón được vợ chồng bác Việt kiều. Hai đưa con tôi thất thần trở về khi phải nằm ngồi uể oải, thậm chí nhịn đi vệ sinh vì quá đông người ở sân bay cộng thêm say xe nôn thốc nôn tháo.

    Trái hẳn với dự định của mọi người, vợ chồng bác chọn ở khách sạn thay vì về nhà người thân. Lúc đầu, mọi người trong nhà cũng nhiệt tình lắm, tranh nhau đưa đón nhưng sau vài lần đi ăn uống cùng vợ chồng bác thì cứ lảng ra dần chỉ còn vợ tôi đi cùng.

    Những ngày tiếp theo, vợ bỏ việc nhà cho tôi lo dù tết đã cận kề để đi theo chân vợ chồng bác. Nếu vợ đi một mình thì không vấn đề gì đằng này lại đem con theo để bác nhớ mặt. Ba mẹ con thuê xe đưa hai bác đi mua sắm, đi chơi, đi ăn, đi thắp hương tảo mộ …

    Điều đáng nói, sau mỗi lần đi về, vợ thường càm ràm vợ chồng bác sòng phẳng quá. Ai đời Việt kiều về nước cùng đi mua sắm, vợ mua có cái túi xách và lấy cho con bộ váy mà không thanh toán giùm, của ai người nấy trả trong khi cháu mất công thuê xe đưa đón cả ngày.

    Tôi cười bảo vợ: “Do em muốn đưa đón bác như thế chứ họ có nhờ đâu. Bác còn nói ở khách sạn cho đỡ phiền mọi người mà”. Dù có vẻ hơi thất vọng nhưng vợ vẫn tiếp tục đưa con theo hai bác đi khắp nơi.

    Đến tận hôm qua, hai bác lì xì sớm cho các cháu để về bên ngoại thăm tết thì vợ tôi hụt hẫng thật sự. Vợ cứ hy vọng con tôi sẽ nhận được lì xì xứng đáng với công sức vợ bỏ ra để phục vụ hai bác. Nhưng nhà bác Việt kiều lì xì đều như nhau, không phân biệt gì cả, mỗi đứa 50 bảng.

    Vợ tôi tức tối vì mình bỏ công sức và tiền bạc ra để đưa đón hai bác suốt cả tuần mà chẳng nhận lại được gì hơn cả. Tôi nghĩ, vợ thất vọng do đã hy vọng quá nhiều chứ vợ chồng bác cư xử như thế là hợp lý.

    Theo tôi được biết, thu nhập của hai bác bên đó chỉ ở mức trung bình nên gần chục năm mới về quê đón tết một lần do chi phí khá nhiều. Riêng chuyện lì xì mỗi đứa nhỏ từng đó tiền đã mất mấy chục triệu rồi. Chuyện vợ nhiệt tình đưa đón là vợ muốn thế, chứ hai bác không nhờ vả. Nếu vợ tôi không tính toán thiệt hơn, vô tư đón tiếp bác thì giờ chẳng phải bực bội như thế này.

    Theo phunuonline

  • Chi phí tốn kém, tiền quà cáp cho người thân cùng nhiều khoản chi tiêu khác khiến người Việt ở nước ngoài "sợ" về quê đón Tết.

    Hơn bốn năm ở Pháp nên Tết Canh Tý này chị Trang ở Lille (Pháp) cùng chồng lên kế hoạch về Việt Nam. Để thực hiện kế hoạch, vợ chồng chị đã phải "lao tâm, khổ tứ" tính toán và chuẩn bị trước nhiều tháng, trong đó đau đầu nhất là khoản quà cáp.

    Vợ chồng chị Trang ở Lille trên chuyến bay về Việt Nam ăn Tết Canh Tý. Hai vali quà của chị Trang bao gồm kẹo bánh, mỹ phẩm, rượu. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

    Một tháng trước khi về, chị Trang đã chuẩn bị xong hai vali chất đầy quà, tổng giá trị khoảng 2.000 euro (hơn 50 triệu đồng). "Đấy là đã hạn chế, chỉ mua quà cho bố mẹ, các em, cháu và vài người họ hàng", chị Trang nói. Riêng số bánh kẹo đã nặng 15 kg.

    "Lần này về tốn ít nhất 5.000 euro (gần 130 triệu đồng). Đấy là chưa tính đến khoản mừng tuổi. Nhiều người bảo đi nước ngoài về phải lì xì gấp đôi bình thường", chị Trang nói và cho biết thu nhập của vợ chồng chị khoảng 3.000 euro mỗi tháng trong khi sinh hoạt đã hết một nửa. Suốt hơn nửa năm qua, họ phải canh vé máy bay giá rẻ, rình các đợt giảm giá để mua quà dần. 

    Chị Chu Phương Anh, nhân viên văn phòng ở Cambridge (Anh) giật mình với danh sách chi tiêu dịp Tết năm nay ở Việt Nam. Tiền vé máy bay cho ba người 54 triệu đồng, tiền quà cho gia đình hai bên 50 triệu đồng, tiền lì xì dự trù 15 triệu đồng, tiền liên hoan 10 triệu đồng. "Thêm các khoản chi phí không tên, tôi nghĩ sẽ tiêu hết 200 triệu đồng", chị Phương Anh tính. 

    Năm 2018, gia đình chị cũng về ăn Tết và tiêu hết từng ấy tiền. Đã cố gắng hạn chế nhưng gia đình nội ngoại đều muốn uống rượu gửi từ Anh về nên vợ chồng chị đành phải chiều các cụ. Để đỡ tiền cước hành lý, chị phải gửi dần quà về từ tháng 12/2019. "Tôi chỉ cố nốt năm nay, sang năm con gái đi học sẽ tạm thời không về Việt Nam, vừa để tránh bị trường con phạt, vừa tiết kiệm chút ít", Phương Anh trải lòng.

    Chị Lê Thu Hương 28 tuổi, đã sang Los Angeles (Mỹ) tám năm, bị mẹ chồng yêu cầu mua quà cho cả họ. "Suốt một tháng trước khi về, mẹ chồng liên tục gọi điện dặn dò chúng tôi phải mua quà. Nhà ngoại lại chẳng hề đòi hỏi", chị Hương nói. 

    Nhà chồng chị có tổng cộng 20 cô dì chú bác. Cứ mỗi người, chị lại mua tặng một hộp thực phẩm chức năng giá vài chục USD, ngoài ra còn những thứ khác như quần áo. Dù đã chọn mua ở cửa hàng bán buôn để có giá rẻ, chị Hương vẫn tốn hơn 1.000 USD. Là bà chủ một quán ăn ở Mỹ, 1.000 USD không lớn. "Tôi chỉ ghét việc phải mua quà cho những người mình không thân thiết, thậm chí chẳng nhớ mặt", chị bộc bạch. 

    Mỗi dịp cuối năm, sân bay Tân Sơn Nhất (TP HCM) luôn đông nghịt người đi đón người thân về ăn Tết. Ảnh: Quỳnh Trần.

    Năm nay không về ăn Tết, song chị Trần Thị Liên 35 tuổi lại hối hận vì đã cả nể nên "vung tay quá trán" những Tết trước. Chị lấy chồng người Bỉ, định cư ở Bruxelles bảy năm. Trước đây, cả hai vợ chồng đều làm việc cho công ty đường sắt quốc gia nên thu nhập cao, thường xuyên về Việt Nam dịp Tết.

    Thay vì quà, vợ chồng chị Liên mạnh tay lì xì cho nhà ngoại, ít nhất là 500.000 đồng, nhiều nhất là vài trăm euro. Mang mác "Việt kiều", "lấy chồng Tây", chị Liên còn phải mời họ hàng đi ăn uống cả chục bữa. "Cứ khi hóa đơn đưa ra, cả nhà dồn mắt về phía tôi. Mà đã ăn là phải vào quán sang, chứ nếu vào quán bình dân sẽ bị nói là keo kiệt", chị kể.

    Năm 2019, vợ chồng chị Liên chuyển việc, lương thấp hơn, hai con lại đến tuổi đi học nên phải thắt chặt chi tiêu.

    Vợ chồng chị Nguyễn Thị Lan 29 tuổi ở Osaka (Nhật Bản) năm nay cũng không về Việt Nam ăn Tết. Năm 2019, lần đầu tiên ăn Tết ở nhà sau năm năm xa xứ, chị tốn 20 triệu đồng tiền quà cho hai bên nội ngoại, chưa kể 25 triệu tiền vé máy bay.

    "Mua quà thôi cũng phát sốt lên. Cả hai nhà tính ra mấy chục phần quà, mỗi người vài trăm nghìn thôi cũng lên đến chục triệu đồng", chị Lan nói. "Nếu chúng tôi không mua, bố mẹ chồng sẽ tự đi mua biếu họ hàng. Các cụ còn nhắc nhà chị chồng tôi ở Hàn Quốc cẩn thận lắm, mỗi lần về cho quà từng người nên tôi càng căng thẳng".

    Đang có con nhỏ, chị Lan phải ở nhà chăm bé, chỉ thỉnh thoảng bán hàng online. Sinh hoạt phí của gia đình trông chờ vào chồng chị làm phụ bếp, mỗi tháng được khoảng 180.000 yen (khoảng 38 triệu đồng), "cố lắm mới dư được một ít". 

    "Chúng tôi chả có tiền nhưng lúc nào cũng bị mang tiếng là giàu lắm. Không về thì nhớ nhà mà về thì mệt mỏi", chị Lan trải lòng. Theo chị, nhiều người cứ nghĩ ra nước ngoài là đương nhiên có thu nhập cao, từ đó tạo áp lực cho người xa xứ mỗi lần về ăn Tết. "Thực ra, chi phí sinh hoạt bên này cao hơn nên số tiền tiết kiệm được không quá lớn. Một chuyến về quê ăn Tết có thể ngốn hết tiền tiết kiệm một năm", chị Lan nói.

    Không chỉ người Việt, người châu Á nói chung cũng rơi vào tình trạng tương tự. Nhóm bạn Trung Quốc của chị Trang thường xuyên tham khảo ý kiến chị để mua quà cho gia đình. Có người chia sẻ bị cô chú nhờ mua đồ rồi về không trả tiền vì cho rằng "100 euro chẳng là gì so với thu nhập bên ấy".

    "Bây giờ người Việt đi công tác, du lịch, học tập ở nước ngoài nhiều hơn. Mong rằng mọi người sẽ hiểu ra sống ở nước ngoài không dễ và dẹp đi quan niệm cứ ở nước ngoài là nhiều tiền. Điều đó sẽ giúp giải toả một phần áp lực cho nhiều người Việt sống xa xứ muốn về quê ăn Tết", chị Trang nhắn nhủ.

    Theo VnExpress

  • Tết lại về rồi - một năm nữa lại trôi qua. Em là một người Việt đang sinh sống ở Anh Quốc luôn luôn muốn về quê đón tết cùng gia đình.

    Nhưng vài tuần này em lại cảm thấy “sợ và ngại” về VN ăn tết quá. Chỉ còn 1 tuần nữa mà em cứ chần chừ chưa mua vé.

    Mấy ngày hôm nay mọi người lại bàn nhau việc về ăn tết thì tiêu hết bao nhiêu, cho người nhà bao nhiêu tiền mà em hãi quá.

    Em gửi bài này cho VietHome mong chia sẻ nỗi lòng của em và hi vọng có ai cho em lời khuyên để em đủ tự tin về tết mà không sợ “sạt nghiệp”

    Em xin giới thiệu qua về bản thân, em qua UK được chục năm, hiện đã làm chủ shop nails nhưng hơn 1 năm nay mới chính thức vác cho mình mác “Việt Kiều”. Năm ngoái cũng là lần đầu em về quê ăn tết mọi người ạ. Vui không thể tả nổi khi mình được gặp lại bạn bè, người thân. Nhưng rồi nó lại làm em cực kì buồn (và tức) khi chỉ trong chưa đầy 14 ngày em tiêu hết cả chục ngàn Bảng.

    Em choáng, quá choáng luôn mọi người ạ. Mặc dù đã chuẩn bị tinh thần là mình làm ăn được chút xíu thì chia sẻ cho người thân, nhưng số tiền em tiêu bằng cả năm trời dành dụm của em bên này.

    Vừa về tới nhà, bố mẹ em đã giục phải sang nhà bác A, bác B biếu chút tiền, vì ngày xưa bác giúp mình này nọ. Thực sự em không tiếc khi biếu mọi người quà cáp hay cho tiền những gia đình cực khó khăn, nhưng đằng này có vẻ như sau đó họ khoe nhau hay sau ấy. Tới chơi với em mà em cảm giác như là muốn được em cho tiền. 1-2 người còn đỡ, chứ cả chục gia đình lần lượt tới thì em thực sự choáng. Mà lúc đó đâm lao phải theo lao, cho người này không cho người kia thì còn bị nói nữa.

    Thế rồi nói tới việc đi ra ngoài ăn, chơi. Cứ tầm 7h tối là mấy anh chị em họ em chuẩn bị quần áo xong hết, chờ em đi chơi cùng (Vì em bị coi như cái ngân hàng di dộng mà). Em hỏi vì sao nghỉ sớm thế thì lại bảo: ôi có khách đâu, đóng cửa sớm cho khỏe. Em thiết nghĩ, ở bên này giờ đó mình còn phải làm hục mặt ra, 8h-9h tối mới được ăn vội bát cơm rồi còn lo cho con cái. Thế mà ở VN mọi người sống tận hưởng quá.

    Còn chuyện này nữa mới làm em ấm ức cho tới tận giờ, và nó cũng là lý do em đang chần chừ không muốn về lần này: 

    Cái hôm em ra sân bay để qua lại UK, em có đồ gì cũng để lại cho mấy đứa em, có chút tiền lẻ em cũng để cho tụi nó tiêu hết. Tự dưng có bà cô bên chồng em cố xin đi cùng xe lên tận sân bay, rồi trong người cứ kiểu như úp mở gì đó. Mãi em mới hiểu ra là muốn... xin em ít tiền trước khi em bay. Nể quá em lại phải vay của bố mẹ chồng đưa cho bà cô thêm mấy triệu.

    Sang tới đây em nghĩ lại số tiền hơn chục ngàn tiêu trong 2 tuần mà xót xa. Ở bên này mình làm cực khổ từ 9h sáng tới 9h tối phục vụ khách, tuần làm gần như 6-7 buổi. Bữa trưa có khi phải ăn vội 2-3 phút, nhà thì phải đi ở thuê, chung đụng, chật chội, không có thời gian lo cho con cái - chỉ mong kiếm được nhiều tiền nhất khi còn có khả năng. Ấy thế mà về VN như đi đốt tiền luôn.

    Em là chủ shop còn có dư dả chút tiền mà còn như vậy thì những thợ nails lương thấp thì chắc 10 năm mới dám về 1 lần mất.

    Em biết là không phải ai về VN cũng phải cho tiền, nhưng có vẻ như chuyện này cũng xảy ra thường xuyên với bạn bè em.

    Thực sự em rất muốn về với bố mẹ tết này, nhưng em đã trót nói không về rồi, anh chị nghĩ em nên làm gì để họ hàng họ bớt kì vọng vào mình đi?

    (Cùng lúc đó MC Nguyen Duong ở UK đã có 1 bản so sánh chi phí về quê ăn tết và thu nhập của người Việt ở Anh. Mời các bạn tham khảo:) 

    Viethome

  • Tết xưa luôn là ngày mà tất cả mọi người cùng trông ngóng để háo hức, để trở về. Kỷ niệm về Tết xưa đã trở thành một phần ký ức không bao giờ có thể quên trong tâm trí những con người đã đi qua thời gian.

    Đối với nhiều bạn trẻ, kỷ niệm về những cái Tết đơn giản, xưa cũ với dăm ba cái bánh chưng, hộp mứt cùng cành đào… trở thành một phần ký ức không thể phai mờ.

    Đó có thể là cái Tết của những năm còn khó khăn vì bữa ăn hàng ngày. Đó là cái Tết của ngày bé, theo đám trẻ trong làng rồng rắn đi chúc Tết để được nhận những phong bao lì xì, là những ngày háo hức được bố mẹ mua cho bộ quần áo mới cũng sung sướng, mất ngủ cả đêm.

    Hình ảnh Tết xưa bao giờ cũng đẹp dù phảng phất nỗi buồn. Đơn giản vì không ai có thể quay ngược thời gian để được trở lại sống trong bầu không khí xưa cũ trong quá khứ.

    Nói về Tết xưa thì có nhiều câu chuyện để kể, và lạ lùng rằng, dù cuộc sống hiện đại đến mấy, không khí Tết xưa luôn sống mãi ở đó, trong ký ức của mỗi người.

    Những hình ảnh Tết xưa hiện đang thu hút sự quan tâm của đông đảo cộng đồng mạng. Cùng ngược dòng thời gian ngắm nhìn những bức ảnh Tết xưa để cùng hoài niệm, cảm nhận không khí Tết đơn sơ nhưng tràn đầy yêu thương.

    Hình ảnh ngôi nhà đơn sơ, ông bà cùng gói bánh chưng gợi nhớ nhiều kỷ niệm.
    Gói bánh chưng là phong tục tập quán của người Việt mỗi khi Tết đến. Đó cũng là hoạt động gắn kết các thành viên trong gia đình.
    Tết xưa là Tết của nỗi nhớ, nhớ về gia đình nơi có ông bà, bố mẹ.
    Tết xưa, hầu hết gia đình đều tự tay luộc và gói bánh chưng.
    Tết xưa thiếu thốn nhưng ấm cúng.
    Cành đào trong khung cảnh Tết xưa thời bao cấp.
    Nhiều năm gần đây, Tết xưa được nhắc đến nhiều, những bức ảnh Tết cũ kỹ nhưng lại là món ăn tinh thần của nhiều người, vừa gợi nhớ kỷ niệm, vừa mang lại cảm giác buồn man mác.
    Tết không thể thiếu những chiếc bánh chưng xanh, giò lụa.
    Những đứa trẻ luôn thích những chùm pháo đỏ, hồng nổ rền vang.
    Tết là dịp được bố mẹ sắm cho những bộ quần áo mới
    Cả nhà cùng quây quần gói bánh chưng
    Quầy bán tranh, hoa Tết đông nghịt
    Đường phố Hà Nội vắng tanh ngày Tết
    Đường phố Hà Nội vắng tanh ngày Tết
    Tàu, xe đông nghịt người về quê. Thậm chí nhiều người phải chèo lên trên nóc vì hết chỗ.

    Theo Phật Giáo