• Những bốt điện thoại công cộng màu đỏ từng một thời là biểu tượng đáng tự hào của nước Anh. Thế nhưng, sự phổ biến của điện thoại di động trong những năm gần đây đã khiến những bốt điện thoại màu đỏ này trở nên lỗi thời.

    Một bốt điện thoại công cộng có kết nối internet tại London. Ảnh: The New York Times.

    Mặc dù vậy, trong một bài viết mới đây, tờ The New York Times cho biết, theo quy định của Anh, các bốt điện thoại công cộng vẫn được coi là cơ sở hạ tầng quan trọng. Các công ty viễn thông vẫn được phép lắp đặt chúng chừng nào chính quyền địa phương không đưa ra được đầy đủ lý do xác đáng - vốn là một quá trình rất phức tạp và tốn nhiều thời gian - để phản đối liên quan tới vị trí lắp đặt hay kiểu dáng thiết kế.

    Chính vì vậy, một loại bốt điện thoại công cộng mới đã được đưa vào sử dụng, với màn hình quảng cáo điện tử và bản đồ cảm ứng, đi kèm đó là kết nối internet. Các công ty viễn thông cho biết, loại bốt điện thoại công cộng mới này cung cấp cho người dân London cũng như khách du lịch các dịch vụ hiện đại để giúp họ đi lại thuận tiện hơn trong thành phố.

    Giờ đây, tại nhiều khu vực ở trung tâm thủ đô London, cứ 30m lại xuất hiện một bốt điện thoại công cộng kiểu mới này. Tờ The New York Times cho biết, thực tế này đã vấp phải sự chỉ trích gay gắt của các nhà quy hoạch đô thị tại đảo quốc sương mù. Họ cho rằng những bốt điện thoại đang chiếm dụng quá nhiều không gian công cộng một cách không cần thiết.

    Trong khi đó, nhiều người lo ngại những bốt điện thoại công cộng mới có kết nối internet này có thể được sử dụng để thu thập thông tin cá nhân từ điện thoại của người qua đường. Chúng có thể được gắn thiết bị giám sát để theo dõi hoạt động của những người sử dụng điện thoại thông minh trong phạm vi phát sóng mạng wifi. 

    The New York Times dẫn lời Adrian Short, một chuyên gia phân tích dữ liệu, cho biết: “Một mạng lưới giám sát đang được lắp đặt trên đường phố Anh, và chính quyền địa phương không có hoặc họ cảm thấy không có quyền để phản đối điều này”. 

    VietHome (Theo Quân Đội Nhân Dân)

  • Vương Quốc Anh đã từng được mệnh danh là đất nước “mặt trời không bao giờ lặn”.

    So sánh này được hiểu theo nhiều nghĩa khác nhau: đó là một thời kỳ nước Anh phát triển rộng lớn, lãnh thổ của người Anh được đánh dấu trải dài khắp các lục địa…Có lẽ vì thế mà những phong tục, nét văn hóa của người Anh rất đa dạng, độc đáo và cũng được phổ biến ở rất nhiều nơi. Đặc biệt là những phong tục đón năm mới của người Anh.

    Cũng như nhiều quốc gia trên thế giới, cùng với việc đón Giáng sinh là lúc mọi người bắt đầu chuẩn bị chào đón năm mới. Những ngày đầu năm mới đối với người Anh là những ngày hội lớn tưng bừng, vui nhộn và trang trọng, nó báo hiệu cho một năm mới sẽ khởi đầu ra sao. Vì thế trong ngày đầu năm mới, người Anh có những phong tục rất lạ và độc đáo.

    Ở Anh, mọi người cùng tụ tập ở quảng trường Trafalgar và Piccadilly Circus để nghe tiếng chuông của Tháp đồng hồ Big Ben (“Tháp Elizabeth” kể từ ngày 4/6/2012) thông báo thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới. 

    Mọi người cùng nắm tay nhau để hát bài Auld Lang Syne (Một bài thơ do Robert Burns viết năm 1788 và được phổ nhạc thành một ca khúc cổ truyền. Bài hát được biết đến ở nhiều nước nói tiếng Anh và cả các quốc gia khác và thường được hát trong thời khắc giao thừa để bắt đầu một năm mới).

    Bước chân đầu tiên

    Gần giống như tục xông nhà của người Việt Nam, tục lệ “Bước chân đầu tiên” (The First Footing) của người Anh có nguồn gốc từ xứ Scotland ở thời Trung Cổ. Người Anh cho rằng người đầu tiên bước qua cửa nhà mình trong ngày đầu của năm mới sẽ mang lại những điều may mắn.

    Tuy nhiên, trong ngày đầu năm, người đầu tiên đến “xông nhà” cho người Anh và người Scoland phải lẳng lặng bước vào nhà từ cửa chính. Sau đó người đến xông nhà sẽ lẳng lặng rót một cốc rượu Whiskey hay rượu vang và đổ lên đầu chủ nhà. Làm xong những hành động đó anh ta mới được phép chúc mừng năm mới các thành viên trong gia đình. Sau khi chúc mừng năm mới, vị khách xông nhà sẽ phải ra về bằng cửa sau và không được gây ra nhiều tiếng động lớn.

    Không chọn những người tóc vàng và tóc đỏ xông nhà

    Theo quan niệm của người Anh, những người có mái tóc vàng và đỏ nếu đến chúc Tết vào ngày đầu tiên của năm mới thì cả năm đó gia đình chủ nhà sẽ gặp phải những điều không may mắn. Chính vì vậy người Anh không bao giờ chọn những vị khách có tóc đỏ hay vàng để xông nhà cho mình theo tục “Bước chân đầu tiên”.

    Tống tiễn năm cũ qua cửa sau

    Theo một phong tục bắt nguồn từ xứ Wales, người Anh sẽ mở cánh cửa hậu của nhà mình sau thời khắc giao thừa để tống tiễn năm cũ đã qua. Người Anh quan niệm rằng nếu làm như vậy những điều không may sẽ biến mất cùng năm cũ và nhường chỗ cho năm mới với nhiều may mắn và sức khỏe hơn.

    Mừng tuổi bằng…những cành tầm gửi

    Đối với người dân Anh, cây tầm gửi biểu trưng cho sự thịnh vượng và những điều may mắn. Chính vì vậy mà trong những bữa tiệc mừng năm mới người Anh thường tặng nhau những cành tầm gửi nhỏ để chúc nhau thành công và may mắn. Bạn cũng đừng ngạc nhiên nếu thấy trên tay một người nào đó có rất nhiều những cành tầm gửi nhỏ trong ngày Tết đón năm mới ở Anh nhé.

    Không quét dọn nhà cửa

    Phong tục này của người Anh giống tục lệ kiêng quét nhà của nhiều nước Đông Á đón tết theo lịch mặt trăng (Âm lịch) như Trung Quốc, Việt Nam, Nepal…Người Anh cũng quan niệm rằng nếu quét nhà trong ngày đầu năm có thể năm đó cả gia đình sẽ mất hết may mắn.

    Mỗi quốc gia có phong tục độc đáo, nét văn hóa riêng. Người Việt Nam có câu “nhập gia tùy tục”, khi bạn đến sống tại một đất nước khác, hãy học và tìm hiểu những phong tục, nét văn hóa nơi đó nhé.

    Viethome (sưu tầm)