• Thị trường chứng khoán Mỹ bốc hơi khoảng 1.000 tỉ USD sau khi công ty khởi nghiệp công nghệ DeepSeek của Trung Quốc ra mắt chatbot AI.

    Giới đầu tư gọi đây là "khoảnh khắc Sputnik" đối với các siêu cường AI của thế giới. DeepSeek, đối thủ cạnh tranh của OpenAI và công cụ ChatGPT của công ty này, đã làm lung lay niềm tin vào sự bùng nổ trí tuệ nhân tạo (AI) của Mỹ khi chi phí phát triển ứng dụng AI thấp nhưng hiệu suất tương tự.

    Sau phiên giao dịch ngày 27-1, chỉ số Nasdaq Composite thiên về công nghệ đóng cửa giảm 612 điểm (-3,1%) xuống mốc 19.341 điểm. Giá cổ phiếu của Nvidia (nhà sản xuất chip máy tính của Mỹ) giảm 17% và đóng cửa ở mức 118,58 USD/cổ phiếu.

    Theo tờ The Guardian, công ty mẹ của Google mất 100 tỉ USD và Microsoft mất 7 tỉ USD.

    deepseek
    Giao diện đăng nhập của DeepSeek. Ảnh: ABC News

    Trong khi đó, Nvidia đã "bốc hơi" gần 600 tỉ USD vốn hóa chỉ trong một ngày, đánh dấu mức thiệt hại kỷ lục trong lịch sử chứng khoán Mỹ. Mới tuần trước, Nvidia vượt qua Apple để trở thành công ty niêm yết giá trị nhất thế giới.

    Có thể nói ngày 27-1 là ngày giao dịch tồi tệ nhất của cổ phiếu Nvidia kể từ ngày 16-3-2020, thời điểm đầu đại dịch COVID-19.

    Tại Nhật Bản, vào ngày 28-1, các công ty công nghệ Nhật Bản liên quan đến lĩnh vực AI đã lao dốc trong ngày thứ hai liên tiếp. Cổ phiếu của Công ty Advantest giảm hơn 9%.

    Nhà đầu tư công nghệ SoftBank, một nhà đầu tư quan trọng trong dự án AI Stargate của Tổng thống Mỹ Donald Trump, giảm hơn 5%, sau khi đã mất 8% vào ngày hôm trước.

    Hầu hết các thị trường châu Á khác đều tăng trong giao dịch trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.

    Gây tiếng vang với mô hình AI giá rẻ, trợ lý AI DeepSeek, thuộc công ty khởi nghiệp cùng tên tại Trung Quốc, đã nhanh chóng chiếm lĩnh vị trí dẫn đầu trong bảng xếp hạng tải xuống trên iPhone của Apple tại Mỹ Anh vào cuối tuần (xếp trước ChatGPT của OpenAI).

    Thành công của DeepSeek trong việc xây dựng một mô hình AI tiên tiến mà không cần tiếp cận công nghệ tiên tiến nhất của Mỹ làm dấy lên mối lo ngại về hiệu quả của các nỗ lực của Washington nhằm ngăn chặn ngành công nghệ cao của Trung Quốc.

    Về phần CEO của OpenAI, ông Sam Altman, ông ca ngợi sự ra mắt của DeepSeek, nói rằng "thật phấn chấn khi có một đối thủ cạnh tranh mới". Trong một bài đăng trên mạng xã hội, ông Altman gọi DeepSeek là "mô hình ấn tượng, đặc biệt là về những gì họ có thể cung cấp với mức chi phí đó".

    Cuối ngày 27-1, DeepSeek thông báo sẽ tạm thời hạn chế đăng ký người dùng mới do một cuộc tấn công mạng. Sau khoảng hai giờ theo dõi, công ty cho biết họ là nạn nhân của một "cuộc tấn công độc hại trên quy mô lớn".

    Trong khi DeekSeek hạn chế đăng ký, những người dùng hiện tại vẫn có thể đăng nhập như bình thường.

    Theo Tổng thống Trump, sự nổi lên đột ngột của ứng dụng AI DeepSeek của Trung Quốc "nên là lời cảnh tỉnh" cho các công ty công nghệ của Mỹ. Ông Trump cho rằng các công ty Mỹ "cần tập trung cao độ vào việc cạnh tranh".

    Tuy nhiên, Tổng thống Trump coi mô hình AI chi phí thấp là "một bước phát triển rất tích cực".

    Theo Kênh 14

  • Một nhân viên tại công ty tài chính ở Hong Kong đã bị lừa chuyển 25 triệu USD sau khi những kẻ lừa đảo dùng trí tuệ nhân tạo (AI) để đóng giả làm giám đốc chỉ đạo anh thực hiện mệnh lệnh.

    tri tue nhan tao gia mao sep
    Công nghệ AI ngày càng phát triển kéo theo những rủi ro lớn, trong đó có nguy cơ chúng bị ứng dụng để thực hiện hành vi lừa đảo. Ảnh minh họa: Reuters

    Cảnh sát Hong Kong cho biết, đây là một vụ lừa đảo rất phức tạp khi nhân viên tài chính nói trên bị lừa tham gia vào một cuộc họp trực tuyến. Trên thực tế, toàn bộ những người tham gia họp, trừ người bị lừa, là sản phẩm của công nghệ deepfake.

    Công nghệ này sử dụng trí tuệ nhân tạo để bắt chước hình ảnh, cử chỉ, giọng nói của người thật.

    Tại cuộc họp, những kẻ lừa đảo đã tạo ra một "giám đốc tài chính" phiên bản giả và chỉ đạo nhân viên trên chuyển 25 triệu USD.

    "Trong cuộc trao đổi, hóa ra tất cả những người (nạn nhân nhìn thấy) đều là giả", đại diện cơ quan cảnh sát Hong Kong Baron Chan Shun-ching cho biết.

    Ông Chan cho biết nhân viên này ban đầu đã nghi ngờ sau khi anh ta nhận được một tin nhắn được cho là từ giám đốc tài chính của công ty đa quốc gia có trụ sở tại Anh. Ban đầu, nhân viên này nghi ngờ đó là một email lừa đảo vì trong đó có mệnh lệnh chuyển tiền bí mật.

    Tuy nhiên, nạn nhân đã không còn ngờ vực sau khi nhận được cuộc gọi video giả mạo vì tất cả những "người tham gia" đều trông giống và có tiếng nói giống các đồng nghiệp mà anh từng tiếp xúc.

    Tin rằng những người khác trong cuộc gọi là có thật, nhân viên này đã đồng ý chuyển tổng cộng 200 triệu đô la Hồng Kông, khoảng 25,6 triệu USD.

    Khi công nghệ trí tuệ nhân tạo phát triển nhanh chóng, những kẻ lừa đảo ngày càng ứng dụng công nghệ deepfake tinh vi để sửa đổi video có sẵn nhằm tạo ra thông điệp lừa đảo mọi người.

    Các nhà chức trách trên khắp thế giới ngày càng lo ngại về sự phức tạp của công nghệ deepfake và những mục đích bất chính mà nó có thể gây ra.

    Cảnh sát Hong Kong tuần trước cho biết họ đã thực hiện 6 vụ bắt giữ liên quan tới các vụ lừa đảo dùng công nghệ deepfake.

    Dân Trí (theo Yahoo News)