Nhiều nhà hàng cho biết họ bị thua lỗ nặng nề vì khách liên tục 'ăn quỵt'. Ở Anh, những người từ chối trả tiền sau khi sử dụng dịch vụ làm các cửa hàng thiệt hại hơn 2,2 tỷ USD.
Khai trương Bella Ciao vào đầu tháng 4, ông Tyrone Rees (60 tuổi, Anh) hy vọng nhà hàng ở miền Nam xứ Wales của mình sẽ trở nên nổi tiếng với cách nấu ăn chuyên nghiệp và các nguyên liệu tươi ngon của vùng Địa Trung Hải. Tổng cộng, ông đã đầu tư 100.000 bảng Anh (127.000 USD) vào nhà hàng này.
Quả thật, chỉ hai tuần sau khai trương, Bella Ciao nhanh chóng trở thành chủ đề bàn luận của người dân địa phương. Tuy nhiên, Rees cho biết nhà hàng của ông nổi tiếng vì trở thành nạn nhân của một vụ “ăn quỵt” trị giá 329 bảng Anh (418 USD).
Hóa đơn trị giá 329 bảng Anh mà những kẻ ăn quỵt để lại. Ảnh: The Telegraph.
“Chuyện xảy vào một buổi trưa thứ ba, một nhóm 8 người, có vẻ là một gia đình, đến nhà hàng của tôi và kêu nhiều phần bít tết T-bone, hàng loạt phần ăn tráng miệng và nước uống. Sau khi ăn xong, thay vì thanh toán hóa đơn, họ bỏ chạy”, Rees chia sẻ với The Telegraph.
Không chỉ Rees, nhiều chủ nhà hàng Anh đang chật vật tìm cách lấy lại tiền và đối phó với những kẻ "ăn quỵt" trắng trợn.
Khách đến nườm nượp
Sau khi sự việc xảy ra, Rees đã báo cảnh sát. Ông còn đăng lên Facebook video ghi lại cảnh nhóm 8 người ngồi ăn và bỏ chạy để những chủ nhà hàng khác phòng tránh. Bài đăng của Rees nhanh chóng nhận được chú ý của nhiều người dùng mạng xã hội và các phương tiện truyền thông trong khu vực lẫn quốc tế.
Sau khi sự việc xảy ra, Rees đã báo cảnh sát và đăng lên Facebook video ghi lại cảnh nhóm 8 người ngồi ăn và bỏ chạy để những chủ nhà hàng khác phòng tránh. Ảnh: Jay Williams.
Nỗi đau nhanh chóng trôi qua khi nhiều người biết tin và đến Bella Ciao dùng bữa như một cách ủng hộ nạn nhân bị "quỵt tiền". Theo Rees, lượng khách đến nhà hàng của ông thậm chí còn đông hơn trước đây và nhà hàng luôn kín chỗ vào ban đêm.
“Khách đến nườm nượp trong khi điện thoại đặt bàn liên tục đổ chuông - nhiều người sống ở Paris và London cũng đến đây dùng bữa. Thậm chí, một số người Ấn Độ còn gọi điện chia buồn với tôi”, Rees chia sẻ. “Rất nhiều người đã liên hệ và đề nghị thanh toán hóa đơn trị giá 329 bảng Anh của những kẻ 'ăn quỵt' để lại”.
Bà Elain Owen, giám đốc viện dưỡng lão địa phương, cũng nằm trong nhóm người đến ủng hộ nhà hàng sau biến cố.
“Mọi người trong khu vực đã chia sẻ bài viết của Rees và tôi đã xem video của ông. Chúng tôi đều sốc và ghê tởm trước hành động 'ăn quỵt' và đồng cảm với những thiệt hại mà nhà hàng phải chịu”, bà nói. “Tôi đến đây dùng bữa để thể hiện sự đồng cảm và ủng hộ của mình”.
Bà Elain Owen, giám đốc viện dưỡng lão địa phương, cũng nằm trong nhóm người đến ủng hộ nhà hàng sau biến cố. Ảnh: Jay Williams.
Sau khi bài đăng của Rees được lan truyền trên mạng xã hội, 6 nhà hàng cao cấp khác ở miền Nam xứ Wales cũng chia sẻ về trải nghiệm tương tự của bản thân. Họ đều là nạn nhân của những vụ "ăn quỵt" trong một tháng gần đây.
Một quán rượu gần đó cũng chia sẻ họ chịu thiệt hại 600 bảng Anh (762 USD) vì một nhóm khách uống rượu không trả tiền.
Đa phần các nhà hàng bị quỵt tiền chia sẻ câu chuyện của mình lên mạng xã hội đều ghi nhận sự tăng trưởng trong doanh thu. “Chúng tôi đã nhận được rất nhiều sự hỗ trợ từ cộng đồng. Có người còn đề nghị thành lập một quỹ từ thiện để giúp chúng tôi lấy lại số tiền đã mất”, Emily Langford, quản lý của một nhà hàng bị quỵt tiền, cho biết.
Thiệt hại 1,8 tỷ bảng Anh
Trong khi đó, chủ sở hữu của River House - một nhà hàng bị quỵt tiền và nằm ở khu vực Swansea (Anh) - cho biết số vụ "ăn quỵt" đang ngày càng gia tăng. Theo The Telegraph, các vụ "quỵt tiền" ở Anh xảy ra với tần suất ngày càng dày đặc và có xu hướng trở thành một “đại dịch”.
Những mánh khóe "quỵt tiền" được những kẻ lừa đảo sử dụng rất khéo léo và tinh vi. Trong nhiều trường hợp, chúng sẽ ăn phần lớn thức ăn được mang ra rồi tuyên bố “đồ ăn có vấn đề” để từ chối thanh toán. Một số người khác, lợi dụng việc nhà hàng và quán bia thường có nhiều lối ra vào, giả vờ lẻn ra ngoài sau khi dùng bữa rồi bỏ trốn.
Một hóa đơn khác trị giá 276 bảng Anh (350 USD) cũng không được thanh toán. Ảnh: The Telegraph.
Dù là bằng phương pháp nào, những kẻ "ăn quỵt" cũng gây ra thiệt hại không nhỏ cho các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống. Theo Hiệp hội bán lẻ Anh, các vụ lừa đảo, từ chối trả tiền sau khi sử dụng dịch vụ đã lên đến 16,7 triệu vụ và làm thiệt hại đến 1,8 tỷ bảng Anh (2,2 tỷ USD) trong năm 2023.
“Nhiều người nghĩ trộm cắp gia tăng là vì chi phí sinh hoạt ngày càng đắt đỏ đến mức mọi người không có đủ tiền để mua những gì mình muốn. Đó là một quan điểm tuyệt đối sai”, Norman Brennan, cựu sĩ quan cảnh sát và là giám đốc của Tổ chức Từ thiện Luật Pháp và Trật tự Anh, khẳng định.
“Đây là một đại dịch về đạo đức. Những kẻ lừa đảo đang khinh thường pháp luật và không quan tâm đến những hình phạt mà họ có thể nhận lãnh. Nạn 'quỵt tiền' đang tàn phá ngành bán lẻ và F&B của nước Anh”, ông nói.
Domenica Perico, quản lý nhà hàng Bella Ciao và là nhân chứng của vụ "quỵt tiền" 329 bảng Anh, cho biết nhà hàng được cộng đồng địa phương lẫn quốc tế ủng hộ rất nhiều. Ảnh: Jay Williams.
Trở lại miền Nam xứ Wales, nhà hàng của Rees đã nhận được sự ủng hộ từ cộng đồng địa phương lẫn quốc tế. Rees nhanh chóng kiếm lại những tổn thất phát sinh từ những kẻ lừa đảo.
Tuy nhiên, không phải nhà hàng nào cũng may mắn như ông. “Nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống phải chịu một áp lực tài chính khổng lồ vì nạn 'ăn quỵt'. Vấn nạn này, thậm chí, có thể làm một số cơ sở phải phá sản”, Emma McClarkin, Giám đốc điều hành Hiệp hội Quán rượu và Bia nước Anh, nhận định.
ZNews (theo Telegraph)