• Tháng 3 đầu năm nay, Phần Lan lần thứ 6 liên tiếp giữ vị trí đầu bảng trong Báo cáo Hạnh phúc Thế giới hàng năm do Mạng lưới Giải pháp Phát triển Bền vững của Liên Hợp Quốc công bố. 

    Đây không phải là kết quả quá lạ với một đất nước mà chất lượng dịch vụ công luôn được đánh giá cao, hệ thống giáo dục và an sinh xã hội tốt, tỷ lệ tội phạm thấp và tình trạng bất bình đẳng ít khi xảy ra...

    du hoc phan lan 1
    Phần Lan đã 6 năm liên tiếp đứng đầu danh sách các quốc gia hạnh phúc nhất theo Báo cáo Hạnh phúc Thế giới.

    Có rất nhiều ưu điểm của Phần Lan được bản thân người dân nước này và du khách đánh giá cao. Vậy trong mắt một người Việt mới đến quốc gia vùng Bắc Âu này, có điều gì lạ kỳ? 

    Câu trả lời đã được một bạn du học sinh người Việt Nam trả lời bằng những trải nghiệm cá nhân thực tế khi mới sang Phần Lan học tập.

    Trong một đoạn video đăng tải trên tài khoản TikTok có tên @huungao, anh chàng sinh viên tên Danh Hữu đã có những chia sẻ thú vị về cuộc sống ở quốc gia luôn đứng đầu trong bảng xếp hạng hạnh phúc nhất thế giới. Đoạn video đã thu hút 8,1 triệu lượt xem, hơn 650.000 lượt thích và 1.500 lượt bình luận.

    Hữu chú thích video bằng một câu hài hước: "Những cú sốc đầu đời khi mới qua Phần Lan". 

    Trong đó, anh chàng kể rằng: "Ở Phần Lan, khi thuê nhà, chủ nhà chỉ cho mình một chiếc chìa khóa duy nhất thôi. Muốn xin thêm chiếc dự phòng cũng không được. Ra ngoài cũng không có mấy ông thợ đánh thêm chìa khóa cho mình đâu. Hành vi đó bị cấm.

    Cho nên nếu bị khóa trái cửa hay chẳng may mất chìa khóa thì phải gọi công ty chuyên sửa khóa cửa tới giúp. Chi phí thì đắt mà 'hết dám ăn cơm luôn'".

    du hoc phan lan 2
    Theo lời kể của Hữu, khi thuê nhà, chủ nhà chỉ cho mình một chiếc chìa khóa duy nhất.

    Bản thân Hữu cũng đã rơi vào tình huống này khi anh chàng vừa tắm xong, chưa kịp mặc đồ chỉnh tề đã bước ra khỏi phòng trọ và đóng cửa sầm lại rồi mới nhớ ra quên chìa khóa. Thật là một kỷ niệm không thể nào quên.

    Điều thứ hai mà anh chàng sinh viên này thấy ngạc nhiên khi mới đến Phần Lan là các loại sữa tươi bán ở đây đều không có đường. Chỉ có các loại sữa như sữa ít béo, sữa thêm vị yến mạch, sữa chua... Bên cạnh đó, mỗi lần muốn mua sữa bạn phải mua hộp thể tích 1 lít trở lên thay vì hộp sữa nhỏ có ống hút như ở Việt Nam.

    du hoc phan lan 2
    Đi mua sữa, bạn phải mua cả hộp to.

    Điều thứ ba Hữu nhận thấy là các phương tiện giao thông đường bộ ở Phần Lan lúc nào cũng phải ưu tiên và nhường cho người đi bộ. Lúc mới sang, anh chàng không biết nên cố né và nhường cho xe ô tô vượt qua nhưng sau đó Hữu nhận ra các tài xế luôn dừng thành hàng dài để nhường đường cho người đi bộ.

    Sau một thời gian sống ở đây, anh chàng mới biết, trong luật của Phần Lan, người đi bộ và xe đạp luôn được ưu tiên.

    du hoc phan lan 1
    Các phương tiện giao thông luôn ưu tiên cho người đi bộ.

    Điều thứ tư khiến anh chàng ngỡ ngàng ở Phần Lan chính là khi vào siêu thị, không ai được cho túi nilon để đựng đồ mang về. Mặc định là tất cả mọi người phải nhớ mang theo túi của mình nếu không có thì tự bỏ tiền ra mua túi nilon hoặc túi vải. Anh chàng hài hước kể: "Lúc mới qua mình đâu có quen, đi siêu thị lúc nào cũng tốn tiền mua túi nilon ấy".

    du hoc phan lan 2

    Anh chàng sinh viên thừa nhận rằng sự chênh lệch về tỷ giá tiền tệ khá lớn nhưng anh chàng vẫn bị choáng mỗi lần đi siêu thị. Hữu lấy ví dụ thực tế khi đi siêu thị ở Phần Lan: Sả 900.000 VNĐ/kg, thịt bò 600.000 VNĐ/kg, mua kính cận/viễn thì 5 triệu VNĐ/cặp, áo khoác gió 3 triệu VNĐ, bộ vỏ chăn và gối 600.000 VNĐ.

    Anh chàng nói vui: "Bây giờ, bí quyết của mình là không nhẩm tính sang tiền Việt nữa, mắt không thấy thì tim không đau".

    Điều thứ năm anh chàng cảm thấy thú vị khi ở Phần Lan là ở lớp học, giữa thầy và trò rất bình đẳng. Muốn gọi thầy cô thì gọi thẳng tên luôn, không cần phải Mr, Ms, Sir hay Madam. Khi muốn bày tỏ ý kiến, sinh viên có thể đứng lên nói mà không cần giơ tay xin phép.

    Theo Afamily

  • Tất cả trẻ em ở quốc gia này không phân biệt giàu nghèo đều được cha mẹ đặt nằm trong hộp bìa carton sau khi chào đời. Đằng sau việc làm này có liên quan đến một hoạt động của Chính phủ trong việc nỗ lực giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh.

    tre so sinh o phan lan 1

    Nhìn thoáng qua, việc đặt một em bé sơ sinh nằm ngủ trong thùng bìa carton là điều kỳ lạ. Song thực tế đây lại là nơi đầu tiên mà nhiều trẻ sơ sinh ở Phần Lan - quốc gia hạnh phúc nhất thế giới nằm ngủ.

    Như một thông lệ, hơn 75 năm qua, những bà mẹ tương lai tại quốc gia này luôn được nhận một hộp quà từ Chính phủ. Bên trong chiếc hộp này, nhà chức trách muốn gửi tặng những gia đình sinh em bé các vật dụng cần thiết như một túi ngủ, sữa tắm cho em bé cũng như tã lót được đựng trong 1 chiếc hộp có đệm nhỏ. Với nệm ở phía dưới đáy, các hộp này trở thành chiếc giường đầu tiên của các bé. Nhiều trẻ em từ mọi tầng lớp xã hội của quốc gia này đều có những giấc ngủ đầu tiên trong chiếc hộp bìa carton này. 

    tre so sinh o phan lan 1

    Chương trình tặng quà này xuất phát từ sáng kiến của cố Tổng thống Kyosti Kallio, được bắt đầu từ năm 1938 sau khi các số liệu thống kê cho thấy tỷ lệ trẻ sơ sinh tử vong ở nước này cao mức báo động: cứ 1.000 em bé sơ sinh thì có 65 bé bị tử vong. 

    Ban đầu, chương trình chỉ áp dụng cho những gia đình có thu nhập thấp. Tuy nhiên kể từ năm 1949 tất cả những bà mẹ ở Phần Lan đều được nhận món quà này bất kể giàu nghèo.  

    Song để nhận được món quà này từ Chính phủ, các bà mẹ tương lai sẽ phải trải qua một cuộc kiểm tra y tế của Chính phủ trong 4 tháng đầu tiên. Những bà mẹ không cần chiếc hộp này có thể lựa chọn lấy 155 USD.

    Chia sẻ về ý nghĩa của chính sách này, Giáo sư Mika Gissler tại Viện Quốc gia về y tế và phúc lợi Helsinki cho biết: "Chính các hộp thai kỳ và chính sách chăm sóc trước sinh đối với tất cả các bà mẹ trong những năm 1940, tiếp theo là giai đoạn những năm 1960 với hệ thống bảo hiểm y tế quốc gia cùng mạng lưới các bệnh viện trung tâm đã cải thiện đáng kể tình trạng tử vong ở trẻ sơ sinh".

    Chia sẻ với NYTimes, Titta Vayrynen, một bà mẹ 35 tuổi khá phấn khích khi nhận được chiếc hộp này. "Dễ dàng để biết em bé sinh năm nào bởi quần áo mỗi năm trong hộp là khác nhau và rất thú vị khi so sánh và nghĩ về nó", cô so sánh.

    Thực tế, những món đồ trong chiếc hộp này thay đổi theo thời gian. Trong suốt những năm 1930 đến 1940, món quà được tặng thường là vải sợi bởi các bà mẹ đã quen với việc may quần áo cho con bằng chất liệu này. Tuy nhiên trong thế chiến thứ 2, vải và cotton rất cần cho Quốc phòng nên những món đồ trong hộp quà này lại là các tấm lót giường và vải tã. Từ những năm 1950, hộp quà thường là quần áo may sẵn, trong những, trong những năm 1960, 1970 bắt đầu cho xu hướng tặng vải co giãn.

    tre so sinh o phan lan 1

    Theo NYTimes cũng có thời điểm bình sữa, núm vú giả được gỡ bỏ khỏi hộp quà nhằm thúc đẩy phụ nữ cho con bú nhiều hơn. Panu Pulma, giáo sư tại Đại học Helsinki cho biết việc tặng những chiếc hộp quà này còn khuyến khích cha mẹ biến chúng thành chiếc giường nhằm giúp các em tập thói quen ngủ riêng ngay từ khi còn nhỏ. 

    Ngoài việc tặng những món quà đựng trong chiếc hộp carton, quốc gia này còn đưa ra nhiều chính sách giúp đỡ cho những cặp vợ chồng muốn sinh con. Điển hình, thời gian nghỉ phép có lương của các bậc cha mẹ ở Phần Lan kéo dài đến 18 tháng đối với người mẹ và 9 tuần cho người cha. Đặc biệt họ được đảm bảo rằng bất kỳ ai ở nhà với con có thể quay lại làm việc bất cứ lúc nào trước khi đứa trẻ còn 3 tuổi.   

    tre so sinh o phan lan 1

    Chính sách hỗ trợ của Phần Lan cũng bao gồm chính sách trợ cấp nuôi con. Theo đó, trợ cấp dành cho một đứa trẻ mới sinh trong mỗi gia đình là 100 euro/tháng, từ đứa thứ 3 là 141 euro/tháng và từ đứa thứ 5 sẽ là 182 euro/tháng. Khoản tiền này được trợ cấp cho đến khi đứa trẻ đủ 17 tuổi. 

    Theo CafeF