• xuong kellogg 1
    Xưởng sản xuất của Kellogg's ở Khu công nghiệp Trafford Park sẽ đóng cửa. Ảnh: MEN Media

    Kellogg's đã thông báo đóng cửa xưởng sản xuất của hãng ở Khu công nghiệp Trafford Park, khiến 360 người mất việc. Công ty mẹ của hãng là Kellanova, cho biết xưởng này đã quá cũ rất khó cải tạo. Một số khu vực thuộc nhà xưởng đã ngưng sử dụng. 

    Xưởng này chuyên sản xuất ra các thương hiệu ngũ cốc được nhiều người yêu thích như Corn Flakes, Rice Krispies và Coco Pops. Theo thông báo, xưởng sản xuất 90 năm tuổi này sẽ đóng cửa hoàn toàn vào cuối năm 2026.

    Xưởng này vận hàng 24h/ngày và tạo ra hàng triệu hộp ngũ cốc mỗi ngày. Đây là xưởng sản xuất đầu tiên của Kellogg's ở Vương Quốc Anh. Các nhân viên thất nghiệp sẽ được thuê lại nếu họ vẫn muốn tiếp tục làm việc. Nhưng họ phải chờ được công ty bố trí nơi công tác. Rất nhiều gia đình và nhiều thế hệ đã làm việc ở đây. Xưởng sản xuất này là một biểu tượng của lịch sử cộng đồng. 

    xuong kellogg 1
    Xưởng Kellogg's ở Trafford Park. Ảnh: MEN

    xuong kellogg 1
    Vua Charles III thăm nhà xưởng Kellogg's vào tháng 1/2023. Ảnh: PA Images

    Từ tháng 2/2024, tương lai của xưởng công nghiệp 27 héc-ta này đã bị đặt dấu chấm hỏi. Kellanova cho biết lý do đóng cửa vì nhà máy quá già cỗi, và 1/2 diện tích không được dùng đến gây lãng phí. 

    Kellogg's còn có nhà xưởng ở Wrexham và trụ sở ở Media City, Salford. 

    Triết lý cuộc sống từ bữa sáng

    Trong thế giới thương hiệu, Kellogg’s đặc biệt đến mức độc nhất vô nhị ở lịch sử hình thành, ở đặc thù sản phẩm và ở triết lý về chất lượng cuộc sống ẩn hiện trong mục đích sử dụng đơn giản của sản phẩm. 

    Tên thương hiệu này được sử dụng sau khi đã có sản phẩm và Kellogg’s gắn liền với vật chất là lúa ngô và với một dấu mốc trong cuộc sống hàng ngày của con người là bữa ăn sáng. Đơn giản chỉ có thế mà Kellogg’s trở thành một trong những thương hiệu sáng giá nhất thế giới. 

    Từ chữa bệnh đến "cuộc cách mạng về bữa sáng" 

    Năm 2012, hãng xếp hạng giá trị thương hiệu Interbrand đánh giá thương hiệu Kellogg’s trị giá 12,07 tỷ USD và xếp nó đứng thứ 29 trong số 100 thương hiệu sáng giá nhất thế giới. Nếu đặt điều này trong bối cảnh sản phẩm mang tên thương hiệu chỉ là bỏng lúa ngô và mục đích sử dụng chính của sản phẩm chỉ là bữa ăn sáng thì mới thấy điều kỳ lạ ở Kellogg’s là nó được con người và thị trường chấp nhận và mến mộ, lại không phải mãi đến tận bây giờ mới vậy mà đã từ hơn một thế kỷ nay. 

    Gốc rễ của thương hiệu này là một khu điều trị và nghỉ dưỡng ở Battle Creek (bang Michigan, Mỹ). Trại điều trị và nghỉ dưỡng này có tên gọi chính thức là Western Health Reform Institute. Tại đây, bệnh nhân được chữa chạy và phục hồi những chức năng cơ thể thông qua luyện tập, dùng ánh sáng mặt trời tự nhiên và nhân tạo, ăn chay, không uống rượu và cà phê, không hút thuốc lá... 

    Năm 1875, bác sỹ John Harvey Kellogg’s bắt đầu làm việc ở đây. Năm 1880, người em trai là Will Keith Kellogg’s đảm nhận cương vị điều hành khu điều trị và nghỉ dưỡng này. Phải khá nhiều năm sau, họ mới thành lập công ty riêng và cho ra đời thương hiệu Kellogg’s. 

    Hai anh em đã tốn khá nhiều công sức để chế ra những loại đồ ăn bổ dưỡng thích hợp cho bệnh nhân ở đây. Quan điểm của họ là dùng thức ăn và thói quen ăn uống để chữa bệnh. Vì phải là đồ ăn không thịt động vật nên sản phẩm họ làm ra phải bổ dưỡng, nói đúng hơn là phải đảm bảo dinh dưỡng cho bệnh nhân, lại phải đa dạng, dễ ăn và hợp khẩu vị đến mức trở thành khoái khẩu đối với bệnh nhân. Họ đặc biệt lưu tâm tới bữa sáng. 

    Quan niệm chung của con người xưa nay vẫn cho rằng, bữa ăn sáng quan trọng nhất trong tất cả những bữa ăn trong ngày. Người Anh vẫn thường nói "Một bữa ăn sáng tốt đưa lại sự khởi đầu tốt cho ngày hôm đó". Người Đức có câu tục ngữ "Ăn sáng như một ông hoàng, ăn trưa như người bình thường và ăn tối như một kẻ ăn mày". 

    Nhờ sự tình cờ mà năm 1894, hai người một lần nhìn thấy lúa mạch bị quên chưa nấu trong đêm. Họ nghĩ ra việc rang, quay lúa mạch thành bỏng và tin rằng sử dụng bỏng để làm đồ ăn sáng sẽ dễ ăn hơn nhiều so với bánh mỳ đơn điệu lâu nay. Bỏng này sau khi được sấy khô sẽ rất nhẹ, ăn giòn tan, lại có thể ăn cùng với súp mặn hay sữa ngọt, trộn muối hay đường... Họ gọi sản phẩm của họ là Granose. 

    Hai người đã không chỉ thay đổi mà đã tiến hành một cuộc cách mạng thực sự về bữa ăn sáng. 

    Sự ưa chuộng của bệnh nhân đã gợi mở và củng cố lòng tin cho Will Keith Kellogg’s vào việc có thể thương mại hóa sản phẩm này. Năm 1906, ông thành lập công ty Battle Creek Toasted Corn Flake Company chuyên chế biến bỏng lúa ngô, đóng gói và bán ra thị trường. 

    Thương hiệu Kellogg’s chính thức xuất hiện trên thị trường và trong thế giới thương hiệu từ đấy. Năm 1922, công ty này đổi tên thành Kellogg’s Company. Ngày nay, doanh số hàng năm của công ty đạt 13 tỷ USD, sử dụng 32.000 nhân công, sản xuất ra 50 loại sản phẩm khác nhau ở 18 quốc gia rồi xuất đi 180 nước trên thế giới. 

    Tiếp thị và triết lý thương hiệu 

    Bí quyết quyết định thành công của Kellogg’s là quảng cáo tiếp thị và thông qua đó truyền tải được triết lý của thương hiệu. 

    Kellogg’s là một trong những tập đoàn ở Mỹ chi nhiều tiền nhất cho quảng cáo và tiếp thị sản phẩm, đi đầu trong việc sử dụng sóng phát thanh và truyền hình để làm việc này. Những quảng cáo của Kellogg’s trên đài phát thanh hay truyền hình được đánh giá là có nghệ thuật trong việc sử dụng màu sắc và hình ảnh trên bao bì. Kellogg’s ý thức được rằng, chỉ như vậy thì mới có thể truyền tải được triết lý của thương hiệu. Đó là triết lý cuộc sống về bữa ăn sáng. 

    Bữa ăn sáng được coi như sự khởi đầu của ngày. Nó không chỉ làm no mà còn tạo cho con người cảm giác khoan khoái và hài lòng, sung sướng và yêu đời. Bởi thế, con người không những chỉ có nhu cầu, mà còn cả trách nhiệm phải ăn sáng và chỉ có Kellogg’s mới có thể làm nên bữa ăn sáng hoàn hảo và đầy ý nghĩa đến như thế. 

    Kellogg’s sử dụng mọi thủ pháp và phương tiện có thể tận dụng được để thâm nhập triết lý này vào người tiêu dùng thuộc đủ mọi thế hệ. Nhờ thế mà cho tới nay, Kellogg’svẫn luôn đánh bại được mọi đối thủ cạnh tranh, cho dù sản phẩm của một số doanh nghiệp khác trong các cuộc "thử mù" (thử mà không được biết đó là sản phẩm của ai - PV) đều ngang ngửa hoặc thậm chí còn được đánh giá cao hơn cả Kellogg’s. 

    Nhìn từ giác độ thương hiệu, cách thức quảng cáo tiếp thị và triết lý thương hiệu của Kellogg’s là gây dựng cho thương hiệu nội hàm biểu trưng cho một lối sống lành mạnh và có trách nhiệm đối với bản thân và cộng đồng, dùng thương hiệu làm thay đổi thói quen dinh dưỡng của con người và làm cho con người không những chỉ bị chi phối trong nhận thức mà còn ở chừng mực nhất định phụ thuộc vào sản phẩm trong cuộc sống hàng ngày. 

    Với sản phẩm đơn giản tạo nên thương hiệu sáng giá, Kellogg’s thuộc diện những thương hiệu rất thành công với việc "thương hiệu hoá" sản phẩm. Trong thế giới thương hiệu, không phải cứ có sản phẩm là đã có thương hiệu. Việc gây dựng, phát triển và bảo vệ thương hiệu bao giờ cũng xuất phát từ sản phẩm, nhưng là quá trình hoàn toàn khác nên cần phải được tổ chức và vận hành theo cách thức và những nguyên tắc hoàn toàn khác. 

    Kellogg’s thành công bởi triết lý cuộc sống từ bữa ăn sáng của Kellogg’s dễ được chấp nhận, có khả năng thuyết phục và không thể bị bác bỏ. Với triết lý ấy, nhân loại càng thêm đông và ý thức của con người về lối sống lành mạnh càng sâu sắc thì thương hiệu này lại càng thành công.

    Viethome (theo ITV News)

  • Một vài nhà bán lẻ lớn sẽ đóng cửa một loạt cửa hàng trong tuần này. Thương hiệu thời trang Ted Baker sẽ đóng vĩnh viễn 11 cửa hàng sau khi tuyên bố phá sản vào tháng trước. M&S, Superdry và The Works cũng thông báo đóng cửa hàng trong tháng 4. 

    Kể từ khi đại dịch xảy ra, nhiều nhà bán lẻ đã phải gánh đòn đau. Ngân sách eo hẹp khiến họ phải cắt giảm chi phí mặt bằng và nhân viên. 

    Marks & Spencer

    M&S chỉ đóng 1 cửa hàng trong tháng này nhưng đây là chi nhánh quan trọng đối với cộng đồng địa phương. Chi nhánh này nằm ở Trung tâm thương mại Queensgate, Peterborough, sẽ đóng cửa vào ngày 20/4. 

    Trước đó, nơi đây từng là cửa hàng của John Lewis trong suốt 40 năm, nhưng đã được M&S thuê lại vào năm 2021. Cửa hàng này có tới 3 tầng, bao gồm một tầng ẩm thực và 1 quán cafe M&S. 

    Khách hàng không chỉ đến đây để mua sắm quần áo mà còn có thể đổi tiền. 

    Superdry

    Thương hiệu thời trang Superdry sẽ đóng cửa 1 chi nhánh ở Trung tâm thương mại Overgate, Dundee, vào ngày 20 tháng 4. Địa điểm này đã được Superdry thuê trong suốt 12 năm qua, sắp tới sẽ nhường chỗ cho một thương hiệu bán lẻ khác.

    Đầu năm nay, thương hiệu này cho biết họ đang tìm kiếm các phương pháp cắt giảm chi phí để tái cấu trúc. 

    Ted Baker

    Tháng trước, thương hiệu thời trang Ted Baker đã thuê công ty quản trị Teneo tiến hành thủ tục phá sản. Ted Baker có 46 cửa hàng khắp UK, sẽ đóng cửa 11 chi nhánh trước ngày 19/4. Theo đó, 245 nhân viên sẽ bị mất việc làm. 

    ted baker dong cua

    Các chi nhánh bị đóng cửa bao gồm:

    • Birmingham Bullring
    • Bristol
    • Bromley
    • Cambridge
    • Exeter
    • Leeds
    • Liverpool One
    • London Bridge
    • Milton Keynes
    • Nottingham
    • Oxford

    4 cửa hàng dưới đây cũng sẽ bị đóng cửa nhưng chưa thông báo thời gian cụ thể:

    • Bicester 
    • Brompton Road, London
    • Floral Street, London 
    • Manchester Trafford 

    The Works

    Thương hiệu sách và văn phòng phẩm The Works sẽ đóng 2 cửa hàng trong tháng này. Đó là chi nhánh ở Swansea, đóng cửa vào ngày 20/4, và một chi nhánh khác ở Penrith.

    The Works cũng sẽ bỏ chính sách "khách hàng thân thiết", do đó người dùng chỉ còn vài tháng để sử dụng số điểm đã tích của họ.

    Các nhà bán lẻ mở thêm chi nhánh trong năm 2024

    Siêu thị tạp hóa Home Bargains đang có gần 600 chi nhánh, và họ sẽ tiếp tục nâng con số này lên 800 - 1000 cửa hàng. 

    Siêu thị Tesco cũng lên kế hoạch mở thêm 70 chi nhánh trong năm tới. 

    Aldi cũng sẽ khai trương thêm 35 cửa hàng khắp UK. 

    Cửa hàng công cụ lao động Screwfix sẽ khai trương 40 chi nhánh trên toàn quốc. 

    Cửa hàng sách và văn phòng phẩm WHSmith đã đóng nhiều cửa hàng trong thời gian qua, nhưng cũng sẽ mở thêm vài chi nhánh trong thời gian tới.

    Thương hiệu bánh Greggs sẽ mở thêm 50 chi nhánh từ nay đến cuối năm 2025. 

    Công ty mẹ của thương hiệu thời trang Bonmarché là Edinburgh Woollen Mill, cũng sẽ khai trương 100 cửa hàng trong vòng 18 tháng tới.

    Viethome (theo The Sun)

  • Do thói quen chi tiêu không kiểm soát, Jocelyn Wildenstein đã phải nộp đơn phá sản và sống bằng khoản trợ cấp.

    Jocelyn Wildenstein được các trang tin thời đó miêu tả là "miêu nữ" vì vẻ ngoài giống mèo 1 cách khác thường. Bà trở thành nữ tỷ phú khi nhận một trong những khoản tiền sau ly hôn lớn nhất mọi thời đại, khoảng 2,5 tỷ đô la (khoảng 59 nghìn tỷ đồng) và 100 triệu đô la/ năm (hơn 2,3 nghìn tỷ đồng) trong suốt 13 năm. Jocelyn Wildenstein cũng được sinh ra trong 1 gia đình tầng lớp trung lưu danh giá có nền tảng tài chính vững chắc.

    Dù vậy, bà vẫn nhanh chóng phá sản và phải sống nhờ 900 đô la (khoảng 21,5 triệu đồng) từ trợ cấp An sinh xã hội. "Tôi không có việc làm và thu nhập duy nhất của tôi là khoản An sinh xã hội. Tôi thường tìm đến bạn bè và gia đình để thanh toán các chi phí của mình".

    Jocelyn Wildenstein 1
    Jocelyn Wildenstein

    Khoản nợ hàng tỷ

    Trước đó Jocelyn Wildenstein nắm giữ tài sản khổng lồ, có thể kể đến 1 căn hộ rộng lớn trị giá 11,75 triệu đô la trong Trump World Tower (Tháp Trump) ở Manhattan, New York, và 1 chiếc Bentley đời 2006 hiện trị giá 35 nghìn đô la.

    Tuy nhiên, các khoản nợ của bà cũng rất cao. Chúng bao gồm hơn 300 nghìn đô la tiền nợ các luật sư và công ty luật khác nhau. Bà nợ 4,6 triệu đô la khi mua căn hộ và sau đó nó đã bị tịch thu như là tài sản thế chấp. Tổng cộng, bà nợ khoảng 6,3 triệu đô là của 16 cá nhân và tập thể. Bên cạnh đó, vào cuối năm 2016, Jocelyn Wildenstein chia sẻ bà đã hết sạch tiền khi không còn nhận được khoản trợ cấp từ quỹ tín thác của chồng cũ.

    Jocelyn Wildenstein 1
    Bà thường xuất hiện trong những bữa tiệc sang chảnh cùng những món đồ xa xỉ

    Lối chi tiêu xa hoa

    Trước khi ly hôn, vì muốn hài lòng sở thích của chồng cũ về loài động vật họ mèo, Jocelyn Wildenstein đã từng chi 2,7 triệu đô la cho khoảng 10 cuộc thẩm mỹ. Bà nghiện phẫu thuật thẩm mỹ đến mức toà án đưa ra quyết định Jocelyn Wildenstein không được dùng 2,5 tỷ đô la từ cuộc ly hôn với chồng cũ để phục vụ mục đích làm đẹp.

    Jocelyn Wildenstein 1
    Mặt Jocelyn Wildenstein biến dạng theo thời gian

    Theo Vanity Fair, Jocelyn Wildenstein có thói quen chi tiêu cho xa xỉ phẩm lên tới 1 triệu đô la/ tháng. Những khoản mua sắm xa hoa có thể kể đến chiếc váy Chanel trị giá 350 nghìn đô la, 10 triệu đô la trang sức. Bà phải trả một hóa đơn điện thoại cao ngất ngưởng lên tới 60 nghìn đô la/ năm. Hơn thế nữa, Jocelyn Wildenstein có 1 đội giúp việc với số lượng nhân sự nhiều đến mức khó tưởng tượng, 350 người. Bà cũng không ngại chi mạnh tay 3,5 triệu đô la chỉ để xây biệt thự cho con gái nghỉ dưỡng.

    Tuy nhiên, Jocelyn Wildenstein cho rằng những rắc rối về tiền bạc bản thân phải gánh chịu không phải là kết quả của việc chi tiêu quá mức mà bởi vì niềm tin đã bị lợi dụng. Một vài tài sản bà sở hữu như bức tranh của Diego Velázquez hóa ra là đồ giả mạo, cũng như một tác phẩm nghệ thuật của Cézanne được định giá thấp hơn mong đợi.

    Jocelyn Wildenstein 1
    Bức ảnh chưa qua chỉnh sửa của Jocelyn Wildenstein vào năm 2020

    Jocelyn Wildenstein trải qua nhiều giai đoạn khó khăn khi bị kiện, bị tịch thu nhà và nợ thẻ tín dụng. Bà đã bị bắt 2 lần vì vị hôn phu thân thiết của mình là Lloyd Klein. Dù vậy, người ta vẫn thấy bà xuất hiện với một chiếc túi xách sang trọng, áo khoác lông sang chảnh hoặc nhẫn kim cương 32 cara trong khi đi dạo phố.

    Thể thao Văn hóa (theo NY Post, Money)

  • Debenhams ở Altrincham là một trong 19 cửa hàng sắp bị đóng cửa trong tháng này.

    Cửa hàng ở Stamford Quarter đã đóng cửa vĩnh viễn vào ngày 11 tháng 1, và công ty cũng sẽ đóng cửa nhiều cửa hàng trên toàn quốc.

    Nhà bán lẻ này đã từng đệ trình phá sản vào năm ngoái khi liên tục phải vật lộn với sự cạnh tranh từ các đối thủ trực tuyến và sự thoái trào của thị trường phố lớn.

    Đợt đóng cửa tiếp theo được cho là sẽ được công bố vào cuối năm nay.

    Trước đó, thông báo cửa hàng Altrincham của công ty cũng như các cửa hàng khác trên toàn quốc sẽ đóng cửa được công bố vào năm ngoái.

    Giám đốc điều hành của công ty, ông Terry Duddy, cho biết: “Mọi người đều biết đến những vấn đề mà thị trường bán lẻ trên phố lớn đang phải đối mặt.

    "Debenhams có một chiến lược rõ ràng và một tương lai tươi sáng.

    "Chúng tôi vẫn tập trung vào việc bảo vệ càng nhiều cửa hàng và nhân viên càng tốt, phù hợp với mục tiêu thiết lập danh mục cửa hàng bền vững theo định hướng trước đây của chúng tôi."

    Các cửa hàng khác tuyên bố đóng cửa vào cuối tháng trên toàn quốc là ở Birmingham, Kirkcaldy, Walton-on-Thames, Wandsworth, Wolverhampton, Chatham, Great Yarmouth, Slough, Stockton-on-tees, Welwyn, Witney, Ashford, Canterbury, Eastbourne, Folkestone, Southport, Southsea và Wimbledon.

    VietHome (Theo Manchester Evening News)

  • Hãng cho vay trả bằng lương PiggyBank đã theo chân QuickQuid, 247MoneyBox và Wonga tuyên bố phá sản.

    Công ty xác nhận rằng họ không còn cung cấp các khoản vay mới, tuy nhiên, 45.000 người vẫn còn các khoản nợ nên khách hàng vẫn tiếp tục thực hiện các khoản thanh toán thường xuyên.

    PiggyBank, cơ sở cung cấp các khoản vay ngắn hạn lên tới 1.000 bảng, là hãng cho vay thứ tư sụp đổ chỉ trong vòng hơn một năm sau khi Cơ quan Quản lý Tài chính ban hành quy định đánh giá khả năng chi trả chặt chẽ hơn vào năm ngoái, đồng thời giới thiệu giới hạn về chi phí tín dụng ngắn hạn cho người tiêu dùng trong tháng Một.

    Công ty cho biết hiện đã thuê HJS Recovery làm quản trị viên của DJS (Anh) - hoạt động với tên PiggyBank - và cho biết họ sẽ tiến hành "kết thúc công việc một cách có trật tự".

    Trong khi đó, hãng cho biết 45.000 khách hàng còn dư nợ nên tiếp tục trả nợ theo hợp đồng của họ.

    "Khách hàng nên tiếp tục trả nợ cho tất cả các khoản nợ chưa thanh toán theo cách thông thường. Xin lưu ý, nếu bạn nhận được bất kỳ yêu cầu thanh toán nào tới bất kỳ tài khoản ngân hàng nào khác, vui lòng thông báo ngay cho nhóm dịch vụ khách hàng trên help@piggy-bank.co.uk hoặc gọi 0800 2061560," trích tuyên bố trên trang web của công ty.

    Nếu, giống như hàng ngàn khách hàng của Wonga và QuickQuid, bạn nghĩ rằng mình đã không được tư vấn kỹ càng khi vay tiền PiggyBank, bạn vẫn có thể khiếu nại - mặc dù bạn sẽ được coi là 'chủ nợ không có bảo đảm', có nghĩa là bạn có thể nhận được ít hơn hoặc không nhận được tiền hoàn trả.

    Các quản trị viên nói rằng những người có khiếu nại vẫn nên liên hệ với PiggyBank bằng cách gửi email tới complaints@piggy-bank.co.uk.

    PiggyBank cũng cảnh báo khách hàng rằng những kẻ lừa đảo đang cố gắng lợi dụng tình hình.

    Các quản trị viên cho biết họ sẽ không bao giờ hỏi chi tiết thông tin tài khoản ngân hàng và bạn không nên cung cấp bất kỳ thông tin cá nhân hoặc tài khoản nào cho bất kỳ ai liên lạc với bạn một cách bất ngờ về khoản vay PiggyBank.

    Sự sụp đổ của PiggyBank diễn ra sau những cảnh báo từ một số tổ chức từ thiện về tình trạng bất ổn của thị trường tín dụng ngắn hạn.

    "Những hãng cho vay payday đang gặp khó khăn, và với tốc độ này, họ sẽ không thể tồn tại thêm nhiều mùa đông nữa", giám đốc điều hành của ứng dụng phân phối thu nhập Wagestream cho biết.

    "Sự sụp đổ của Piggybank là một tin tuyệt vời cho người tiêu dùng, đặc biệt là khi nó xảy ra ngay sau sự sụp đổ của QuickQuid.

    "Các tổ chức từ thiện nói rằng ngày càng ít người phải vật lộn với nợ nần kể từ khi QuickQuid ra đi. Mỗi khi một trong những công ty cho vay kiểu ký sinh trùng này sụp đổ, nhiều người lại thở phào nhẹ nhõm.

    "Ngày nay, những người chịu áp lực tài chính có được nhiều thông tin hơn và hiểu biết về tài chính nhiều hơn, thêm vào đó là sự xuất hiện tăng vọt của các chương trình giáo dục tài chính miễn phí trực tuyến trong 5 năm qua.

    "Những kẻ săn mồi trong ngày trả lương này thường đẩy mạnh quảng cáo trước Giáng sinh để làm mồi dụ dỗ những người dễ bị tổn thương, vì vậy sự sụp đổ của Piggybank chỉ khiến mùa lễ hội trở nên nhẹ nhàng hơn."

    VietHome (Theo Mirror)

  • Hãng đĩa HMV, do nhà soạn nhạc Edward Elgar thành lập 1921 và góp phần làm nên tên tuổi của ban nhạc Beatles, đã phải tiến hành thủ tục xin phá sản ngày 28/12, trong bối cảnh ngày càng có nhiều người tiêu dùng chuyển sang sử dụng dịch vụ nhạc kỹ thuật số.

    HMV, vốn nổi tiếng thế giới với hình ảnh nhãn hiệu là một chú chó đang lắng nghe máy hát, là hãng sản xuất âm nhạc lớn cuối cùng còn tồn tại ở Anh. Những năm qua, hãng phải đối mặt với nhiều khó khăn do doanh thu bán CD và DVD giảm mạnh.

    Hilco Capital, công ty từng giải cứu HMV khi hãng này phải làm thủ tục xin phá sản năm 2013, cho biết Hội đồng quản trị của HMV đã quyết định làm thủ tục phá sản, song 125 cửa hàng tại Anh sẽ tiếp tục hoạt động do các cuộc đàm phán với nhà cung cấp vẫn đang diễn ra. Ước tính có khoảng 2,200 nhân viên đang làm việc cho HMV.

    Chủ tịch HMV và Hilco Capital là Paul McGowan đã bày tỏ thất vọng khi chứng kiến thị trường DVD sụt giảm nhanh chóng trong năm vừa qua, do số người chuyển sang các dich vụ âm nhạc kỹ thuật số tăng nhanh chưa từng thấy.

    Ông cho biết trong dịp Giáng sinh quan trọng, doanh thu của thị trường DVD đã giảm hơn 30% so với năm ngoái.

    Nhạc kỹ thuật số đã chiếm lĩnh thị trường âm nhạc tại Anh lần đầu tiên vào năm 2012. Kể từ thời điểm đó, các nền tảng cung cấp nhạc và phim ảnh kỹ thuật số như Spotify, iTunes, Netflix và Amazon Prime ngày càng phát triển mạnh, làm suy yếu các hãng đĩa truyền thống.

    Ông McGowan nhấn mạnh xu hướng chuyển sang kỹ thuật số đã tăng mạnh trong năm nay. Dự báo thị trường đĩa âm nhạc Anh sẽ còn giảm khoảng 17% trong năm tới. Với diễn biến này, ban lãnh đạo HMV đã nhận định rằng không thể tiếp tục vận hành công ty.

    HMV mở cửa hàng đầu tiên trên phố Oxford vào năm 1921 với việc bán máy hát, đài và các bản thu âm nổi tiếng. Hãng đã làm nên lịch sử vào năm 1962 khi mua lại công ty thu âm EMI và ký hợp đồng với ban nhạc huyền thoại The Beatles.

    Sau lần suýt phá sản trước, HMV đã tổ chức nhiều sự kiện âm nhạc tại cửa hàng với sự góp mặt của nhiều ngôi sao như ca sĩ Kylie Minogue và rapper Stormzy nhằm thu hút thêm khách hàng. Tuy nhiên, các công ty bán lẻ âm nhạc của Anh còn phải đối mặt với nhiều thách thức lớn khác, trong đó có việc tăng thuế.

    Bên cạnh đó, những quan ngại liên quan đến việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), sự tăng trưởng của mua sắm trực tuyến khiến các hãng bán lẻ của Anh phải chịu thiệt hại lớn trong năm nay. Lòng tin của người tiêu dùng trong tháng 12 cũng giảm xuống mức thấp nhất trong 5 năm.

    Trước đó, nhà bán lẻ đồ điện tử Maplin, chi nhánh tại Anh của công ty sản xuất đồ chơi Toys'R'Us, và chuỗi cửa hàng giảm giá Poundworld đều phá sản trong năm 2018.

    Ước tính 150.000 người đã mất việc làm trong lĩnh vực bán lẻ Anh năm nay. 

    VietHome (Theo TTXVN)