• Sư thầy trụ trì chùa Việt Nam bị bắt vì nghi "kết hôn giả" để được lưu trú lâu dài tại Nhật.

    Sư thầy có thế danh Nguyễn Văn Nam bị bắt hôm thứ Năm 28/11 vì bị tình nghi vi phạm luật quản lý xuất nhập cảnh, theo NHK.

    Cảnh sát bắt nhà sư 42 tuổi này vì nghi đã kết hôn giả với một phụ nữ đã có tư cách vĩnh trú để được định cư tại Nhật.

    Hình ảnh trong bản tin truyền hình NHK cho thấy một số cảnh sát có mặt tại chùa Đại Nam tại thành phố Himeji và một chùa khác tại thành phố Kobe, hai chùa đều thuộc tỉnh Hyogo miền Tây Nhật Bản.

    Cảnh sát cần làm rõ tiền cất giữ tại chùa được sử dụng vào việc gì.

    Ngoài hai chùa này, cảnh sát cũng tiến hành rà soát các chùa khác tại tỉnh Saitama, nơi có nhiều người Việt sinh sống và làm việc.

    Bản tin cho biết cảnh sát nghi người phụ nữ này được trả tiền và vì vậy cần làm rõ tiền cất giữ tại chùa được sử dụng vào việc gì.

    Sư thầy và người phụ nữ này đều bác bỏ các cáo buộc và nói họ là "vợ chồng thật", cảnh sát được truyền thông Nhật dẫn lời.

    Được biết cảnh sát cũng đưa ra cáo buộc nhà sư này ba năm trước đã khai không đúng thông tin cá nhân trong một sự việc riêng rẽ khác cũng liên quan tới nộp hồ sơ xin tư cách lưu trú với "một phụ nữ". Hiện chưa rõ người phụ nữ này và phụ nữ kể trên có phải là cùng một người hay không.

    Theo Bộ Tư pháp Nhật, số người nước ngoài ở lại Nhật bất hợp pháp (sau khi visa hết hạn) là khoảng 79.000 tính tới 1/7/2019, tăng 25% so với ba năm trước và hơn 13.000 người Việt thuộc diện này, là nhóm đông nhất.

    Giáo sư Yoshihisa Saito từ Đại học Kobe được NHK dẫn lời nói để có tư cách vĩnh trú ở Nhật là không dễ dàng.

    "Nhật rất nghiêm ngặt trong việc chấp nhận [tư cách vĩnh trú], đặc biệt là đối với người nước ngoài thuộc diện lao động kỹ năng thấp và do đó kết hôn là một cách để luồn lách," Giáo sư Saito nói. "Vì vậy hệ quả là ngày càng có nhiều người phạm pháp".

    Hình ảnh trên kênh truyền hình NHK cho thấy một số cảnh sát có mặt tại chùa Đại Nam tại thành phố Himeji.

    'Sư lấy vợ'

    Bình luận trong bài 'Nhà sư lấy vợ?' trên blog "Chú Thành", một người Nhật ẩn danh viết:

    ''... Rất bất ngờ vì một thầy theo Phật giáo Việt Nam đã khai "lấy vợ". Cũng như Nhật Bản và Trung Quốc, Phật giáo Việt Nam cũng là Phật giáo Bắc Tông còn được gọi là Đại Thừa. Quy luật phải theo không nghiêm khắc so với Phật giáo Nam Tông. Nhưng, việc lấy vợ vẫn bị cấm.

    Trong khi đó, ở Nhật Bản hiện nay, nhà sư lấy vợ cũng chuyện bình thường. Thầy Việt Nam "Nhập gia tùy tục" hay không thì vẫn chưa biết. Nhà sư nói với cảnh sát rằng, họ thực sự là vợ chồng. Nếu vậy thì thầy đã nhập gia tùy tục, còn, nếu họ làm vợ chồng giả vờ thì nhà sư giữ gìn tín ngưỡng của mình và bất đắc dĩ lấy vợ giả vờ để tiếp tục ở lại Nhật Bản.

    Thế thì tại sao Phật giáo Nhật Bản cho phép nhà sư lấy vợ? Nói về hình thức thì đến thời Minh Trị, tức đến khoảng 150 năm trước, có luật riêng đối với nhà sư, ni cô. Trong đó, nghiêm cấm nhà sư lấy vợ, quan hệ tình dục của nhà sư, ni cô. Trong thời Edo, nhà sư, ni cô vi phạm luật này bị gửi tù ở hòn đảo xa, quan hệ với vợ, chồng người khác là tử hình.

    Tuy nhiên, ở Nhật, cách áp dụng luật này thay đổi theo thời đại. Trong thời Kamakura và Muromachi, các phái Phật giáo đã cạnh tranh gay gắt, tự cải cách để thu hút nhiều tín đồ. Trong thời gian này, một số phái đã nới lỏng quy chế về việc lấy vợ. Với lý do là, trong thời Mạt Pháp (người Nhật tin rằng, thời Kamakura là thời Mạt Pháp) ai cúng được Phật tổ như lai cứu, thậm chí người trái với đạo đức, pháp luật cũng thế, để làm mẫu cho tín đồ, nhà sư dám phá quy luật.

    Nhà sư Ikkyu, một trong những nhân vật chính trong phim hoạt hình Anime nổi tiếng, cũng là một nhà sư lấy vợ danh tiếng trong thời đó. Mặc dù lấy vợ nhưng tín đồ vẫn ngưỡng mộ, kính trọng nhà sư này. Có thể nói, ở Nhật Phật giáo phát triển độc đáo, có môi trường cho phép nhà sư lấy vợ từ xưa''.

    Theo BBC Tiếng Việt

  • Thống kê chỉ ra rằng, mỗi năm chỉ riêng thủ đô Tokyo cũng đã có khoảng 2.000 người vô gia cư, nhưng bạn sẽ không bao giờ thấy cảnh họ ngửa tay ăn xin, cầu khẩn lòng thương hại. Lý do là gì?

    Nhật Bản là một trong những nước có nền kinh tế phát triển nhất thế giới nhưng không phải vì vậy mà đất nước này lại không có sự phân cấp giàu – nghèo. Tại đây, vẫn luôn tồn tại những người vô gia cư phải sống tạm bợ ở những tầng hầm ẩm mốc với tài sản là bộ áo quần cũ kỹ, vài ba tấm bìa các-tông và bữa ăn thiếu thốn.

    Nhưng tuyệt nhiên, khi đến với Nhật Bản, bạn sẽ không bao giờ thấy bóng dáng người đi xin ăn hay nằm la liệt trên đường phố, để cầu khẩn sự thương hại của mọi người. Vì sao lại vậy?

    Theo giáo sư Shimada tại đại học Keio, nguyên nhân chính là do người Nhật Bản có lòng tự trọng rất cao. Với quan niệm: “Một người cho dù đến bước đường cùng cũng không bao giờ nhụt chí”, họ có thể chết vì đói chứ không bao giờ làm nhục bản thân khi phải ngửa tay xin của bố thí.

    Mặc dù người vô gia cư là đối tượng bị coi thường và được xem là thành phần thấp kém trong xã hội, nhưng không vì vậy mà họ hạ thấp cái tôi của mình chỉ vì miếng cơm manh áo.

    Lòng tự trọng được xem là giá trị cốt lõi trong văn hóa của người Nhật. Đây cũng là tinh thần được kế thừa từ các võ sĩ đạo – biểu tượng của xứ sở hoa anh đào. Không chỉ đối với người giàu mà ngay cả kẻ nghèo đói cũng hiểu rằng, sự tự tôn làm nên một con người đúng nghĩa, chứ không phải là tiền bạc hay chức vị.

    Mặt khác, họ cảm thấy việc không làm gì mà vẫn được hưởng của cải là một điều đáng xấu hổ. Nếu “ăn không ngồi rồi” mà vẫn có thể kiếm tiền thì thật quá bất công với những người phải làm việc vất vả để mưu sinh. Chưa kể đến việc này còn tạo ra tính lười biếng và sự ỷ lại vào lòng thương hại của người khác để trục lợi.

    Bên cạnh đó, chính phủ Nhật Bản cũng luôn thực thi chính sách “trợ cấp nhân sinh” với mục đích giúp đỡ và góp phần cải thiện cuộc sống của những người vô gia cư. 

    Ngoài ra, những người nghèo tại xứ sở hoa anh đào còn được hưởng các dịch vụ công cộng và nhiều tiện ích khác như: quán cafe internet, phòng ngủ trưa miễn phí,....  Theo thống kê, mỗi ngày có khoảng 4.000 người vô gia cư tại nước này tá túc ở đây. Do đó, mặc dù phải lang bạt nay đây mai đó nhưng họ vẫn sống khá đầy đủ.

    Được biết, những người vô gia cư ở Nhật Bản đa số là người già, trẻ em khuyết tật, chủ doanh nghiệp bị phá sản,....Nhưng đối với họ, thất nghiệp hay lang thang cơ nhỡ không phải là điều tồi tệ nếu biết phấn đấu và tin vào một tương lai tốt đẹp.

    Viethome (theo Dân Trí)

  • Nạn nhân bị con dâu siết cổ tử vong trong phòng ngủ nhưng đằng sau đó là góc khuất đáng sợ trong xã hội Nhật Bản.

    Trang Kyodo News đưa tin, vào ngày 9/7, cảnh sát tỉnh Aichi đã bắt giữ một người phụ nữ 70 tuổi vì bị cáo buộc giết mẹ chồng 96 tuổi. Cảnh sát cho hay, bà Fumiko Otsuka đã thừa nhận giết mẹ chồng Kyoko Otsuka bằng cách dùng một sợi dây siết cổ nạn nhân cho đến chết vào sáng ngày 8/7.

    Được biết, bị cáo sống chung nhà với người chồng 74 tuổi và mẹ chồng. Cụ Kyoko đã nằm liệt giường từ tháng 5 vừa qua do bị khuyết tật ở chân. Vào hôm xảy ra sự việc, con trai của cụ bà 96 tuổi đã vào phòng ngủ và mang bữa sáng cho mẹ mình nhưng nhận thấy cụ Kyoko đã bất tỉnh. Người đàn ông nhanh chóng gọi 911 nhưng khi được đưa đến bệnh viện, các bác sĩ cho hay cụ bà đã tử vong.

    Cảnh sát cho biết, Fumiko khai nhận động cơ giết người của bà là do bản thân đã quá kiệt sức khi phải chăm sóc mẹ chồng nằm liệt giường. Vụ việc đã làm nổ ra cuộc tranh luận trên mạng xã hội. Nhiều người dùng mạng cho rằng, hành động của người con dâu vừa đáng thương vừa đáng trách.

    Nạn nhân Kyoko Otsuka.

    Việc một người phụ nữ đã cao tuổi hàng ngày chăm sóc mẹ chồng bị liệt là điều không hề dễ dàng, nhất là khi không có sự trợ giúp nào từ bên ngoài. Chắc chắn vì sức cùng lực kiệt, không còn lựa chọn nào khác nên người con dâu đã phải dùng phương án tàn nhẫn nhất.

    Trong khi đó, một số ý kiến cho rằng, hành động của người con dâu là không thể chấp nhận được. Theo họ, bản thân người con dâu sau này sẽ về già, nếu như con cái của bà cũng hành xử như cách mà bà Fumiko đối xử với mẹ chồng thì thật là bi kịch gia đình.

    Bên cạnh đó, nhiều ý kiến đã chỉ ra góc khuất còn tồn tại trong xã hội Nhật Bản. Đó là việc một quốc gia có tuổi thọ trung bình cao nhất thế giới nhưng lại thiếu trầm trọng các cơ sở chăm sóc người già, viện dưỡng lão, trong khi các địa chỉ chăm sóc người cao tuổi tư nhân lại có giá đắt đỏ.

    Các dịch vụ, tiện nghi chuyên biệt dành cho người già cũng thiếu hụt. Các thanh nhiên, người trẻ tuổi có xu hướng làm việc ở thành phố trong khi những người già, cao tuổi ở lại nông thôn không ai chăm sóc. Nhiều người dùng mạng đã phải bình luận chua chát rằng: "Đừng già ở Nhật Bản!".

    Viethome (theo Helino)