• Trong suốt 16 tháng, Ria đi làm vào ban ngày và tới xưởng vẽ khi trời tối. Cô chỉ vắng mặt 4 buổi, thậm chí hủy cả kỳ nghỉ để bức tranh không bị chậm tiến độ.

    Mùa xuân năm 2006, Lucian Freud tổ chức triển lãm chung với bạn tại Bảo tàng Victoria và Albert ở London, giới thiệu một số tác phẩm mới.

    Buổi sáng nọ, nghệ sĩ người Anh đi kiểm tra nơi trưng bày thì gặp Ria Kirby, người phụ trách nghệ thuật 26 tuổi, đang treo các bức tranh của ông. Là họa sĩ từng theo học tại trường Nghệ thuật Camberwell, Ria tiến tới bày tỏ sự ngưỡng mộ của mình với Freud.

    Ngay sau đó, Ria cảm thấy ngập tràn vinh dự khi được Freud - 1 trong những nghệ sĩ vĩ đại nhất thế giới, mời làm mẫu. Cô nhanh chóng nhận lời mà không lường trước rằng mình sẽ phải tạo dáng hơn 2.400 giờ.

    Theo Value, trong 16 tháng tiếp theo, Ria đi làm ở bảo tàng vào ban ngày và tới xưởng vẽ khi màn đêm buông xuống. Cô làm mẫu 7 ngày/tuần, mỗi lần 5 giờ.

    Đầu tháng 10 vừa qua, bức tranh vẽ Ria mang tên Chân dung khỏa thân của Ria đã trở thành tâm điểm trong phiên đấu giá của Christie's. Tác phẩm có kích thước 87x163cm được chốt gần 12 triệu bảng. 

    nang tho ria
    Bức 'Chân dung khỏa thân của Ria' vẽ năm 2006-2007.

    Quay trở lại năm 2006, Freud vừa hoàn thành một số bức tranh đang tìm kiếm đề tài cho tác phẩm tiếp theo của mình. "Cô gái mà tôi mới gặp, tôi nghĩ tôi có thể làm việc với cô ấy", Freud tâm sự với nhà phê bình nghệ thuật Martin Gayford.

    Sau đó, Ria nhận được tin nhắn từ Giám đốc hội họa của Bảo tàng Victoria và Albert, hỏi cô có muốn làm mẫu cho họa sĩ Freud không. Thế là mọi chuyện được sắp xếp. Trong vòng 24 giờ, Ria đến xưởng vẽ trên phố Kensington Church. Cô được phục vụ 1 tách trà và tự chọn tư thế cảm thấy thoải mái nhất. Ria quyết định tạo dáng đang nằm ngủ.

    Theo tiêu chuẩn khắt khe khét tiếng của Freud - một người sinh ra ở Đức nhưng trưởng thành ở Anh, Ria là nàng thơ hoàn hảo: đúng giờ, đáng tin cậy và tận tâm một cách ấn tượng.

    Mỗi buổi tối, cô từ bảo tàng tới thẳng studio lúc 18h30. Đó là ca làm việc thứ 2 trong ngày của Freud và ông luôn là người rất chú trọng đến thời gian. Ông từng dừng vẽ 1 bức chân dung chỉ vì người mẫu đến muộn 1-2 giờ.

    Trong suốt 16 tháng ròng rã, Ria chỉ vắng mặt 4 buổi tối. Cô thậm chí đã hủy kỳ nghỉ ở Hy Lạp để tiến độ hoàn thành bức chân dung không bị đình trệ. "Lúc đầu, tôi khá mệt mỏi vì chỉ có khoảng 10 phút nghỉ ngơi khi kết thúc công việc ở bảo tàng và bắt đầu tạo dáng. Tôi đã trải qua mọi cung bậc cảm xúc có thể có trong cuộc đời mình", cô nhớ lại.

    Sau khoảng 1 tháng, các buổi vẽ dần đem lại cảm giác thư thái cho Ria. "Cuối cùng, tôi thấy đó là một sự giải thoát. Đó là nơi mà tôi không bị ai gọi điện hoặc làm phiền. Tất cả những gì tôi phải làm là nằm yên và tôi khá thành thục việc đó", cô kể.

    Khi thời gian trôi qua, Freud thấy ngày càng khó xác định được lúc nào nên kết thúc tác phẩm. Họa sĩ liên tục tìm ra những chỗ cần chỉnh sửa, hoàn thiện và tinh chỉnh cho đến tận năm sau.

    Ngoài lúc ngồi làm mẫu, Ria đi khắp nơi với Freud. Hai người thường ăn tối tại nhà hàng yêu thích của họa sĩ: The Wolseley hoặc Clarke's. Ria sẽ ăn 3 món với rượu vang và món tráng miệng trong khi Freud hầu như không ăn gì. Sau khi ông trả tiền, họ bắt taxi trở về studio. Cuối buổi, ông sẵn lòng trả tiền cho Ria đi taxi về nhà ở phía đông London nhưng cô lại lựa chọn đạp xe.

    Đôi khi, cặp đôi họa sĩ - nàng thơ sẽ xem các buổi diễn của Nhà hát ballet Bolshoi (Nga), tham dự những bữa tiệc. Vào cuối tuần, Ria thậm chí có thể đến dự tiệc sinh nhật cháu của Freud.

    “Tôi đã trở thành một phần của gia đình. Tôi nghĩ họ cho rằng tôi là bạn gái của ông ấy", Ria sau này nhớ lại. Cô biết Freud nổi danh đào hoa. Họa sĩ sinh năm 1922 có 14 người con: 2 người từ cuộc hôn nhân đầu tiên và 12 người từ nhiều tình nhân khác nhau. “Nhưng tôi không phải người thích tán tỉnh hay đụng chạm và khi đó, ông ấy đã hơn 80 tuổi”, Ria khẳng định.

    Khi bức chân dung hoàn thành, Ria đã từ chối cơ hội làm mẫu 1 tác phẩm khác. Cô muốn cuộc sống của mình trở lại như trước đó.

    Theo Vietnamnet

  • Tác phẩm nghệ thuật của danh họa Titian vừa được bán với giá kỷ lục 22,1 triệu USD. Trước đó, bức tranh từng bị đánh cắp và 'bỏ quên' tại một trạm xe buýt ở London (Anh).

    danh hoa Titian 1
    Tác phẩm Rest on the Flight into Egypt (1508). Ảnh: Christie's.

    Bức Rest on the Flight into Egypt của danh họa Titan,với kích thước khiêm tốn chỉ 46 x 64 cm, được bán với giá 17,6 triệu bảng Anh (khoảng 22,1 triệu USD) tại buổi đấu giá Christie's Old Masters ở London hôm 2/7, theo News Artnet.

    Với mức giá này, tác phẩm nghệ thuật lập kỷ lục đấu giá mới cho nghệ sĩ Phục Hưng lừng danh.

    Bức tranh khắc họa cảnh trong Kinh Thánh từng qua tay các hoàng đế, quý tộc và công tước, và từng bị đánh cắp hai lần.

    Lần đầu tiên, tác phẩm bị quân đội của Napoleon cướp đi vào năm 1809 tại Vienna (Áo) và được trả lại sau 6 năm.

    Năm 1878, nhà buôn đồ cổ Colnaghi mua bức tranh này tại buổi đấu giá của Christie's với giá 350 guineas (khoảng 46.700 USD ngày nay), giá trị cao nhất trong số 11 tác phẩm của Titian tại cuộc đấu giá đó.

    Sau đó, John Alexander Thynne, Bá tước thứ 4 của Bath, mua lại tác phẩm từ nhà buôn đồ cổ Colnaghi ở London. Song, Rest on the Flight into Egypttiếp tục bị đánh cắp lần thứ 2 khi đang được trưng bày tại nhà của hậu duệ bá tước Thynne ở Longleat (Anh).

    danh hoa Titian 1
    Rest on the Flight into Egypt được tìm thấy vào năm 2002. Ảnh: Jill Allen.

    Sau khi bị đánh cắp, những người thừa kế của Bá tước Thynne đã nhờ đến thám tử nghệ thuật Charles Hill để tìm kiếm bức tranh. Thời điểm đó, kiệt tác được định giá 5 triệu bảng Anh.

    Mãi đến năm 2002, bức tranh mới được tìm thấy, không có khung và được nhét trong một túi nhựa, tại một trạm xe buýt ở London.

    Bức tranh đã được trả lại cho Longleat và ở đó kể từ đó, ngoại trừ lần xuất hiện trong triển lãm năm 2012 Titian's First Masterpiece: The Flight into Egypt tại Phòng trưng bày Quốc gia London.

    Bức tranh mô tả cảnh Chúa Jesus, Mary và Joseph nghỉ ngơi trên đường chạy trốn sang Ai Cập sau khi biết rằng Herod, Vua của Judea, muốn ám sát Chúa Jesus, theo CNN.

    Trước buổi đấu giá, tác phẩm được định giá 15-25 triệu bảng Anh và được bảo lãnh bởi một bên thứ ba.

    Kỷ lục đấu giá trước đó của Titian là 16,9 triệu USD, với bức tranh A Sacra Conversazione: The Madonna and Child with Saints Luke and Catherine of Alexandria.Tác phẩm được bán tại Sotheby's New York (Mỹ) vào năm 2011.

    danh hoa Titian 1
    Tác phẩm A Sacra Conversazione: The Madonna and Child with Saints Luke and Catherine of Alexandria. Ảnh: Sotheby's.

    Sau cuộc bán đấu giá tháng 7 vừa qua, Lord Bath, người kế vị cha mình với tư cách là Hầu tước của Bath vào năm 2020 và thừa kế tài sản Longleat, cho biết ông rất vui mừng khi thấy sự quan tâm đến bức tranh.

    "Kết quả đấu giá là sự tôn vinh dành cho giá trị của kiệt tác tuyệt vời này từ thời trẻ của Titian, một trong những sản phẩm thơ mộng nhất của ông. Bức tranh này đã thu hút khán giả trong hơn nửa thiên niên kỷ và chắc chắn sẽ còn gây ấn tượng trong lòng khách tham quan mãi về sau", Orlando Rock, Chủ tịch của Christie's UK, nhận định.

    Tiziano Vecellio, thường được biết đến với tên Titian, là một trong những họa sĩ vĩ đại nhất của thời kỳ Phục Hưng Italy. Ông sinh ra vào khoảng năm 1488-1490 tại Pieve di Cadore, một thị trấn nhỏ ở vùng núi Alps của Italy. Danh họa được coi là bậc thầy của trường phái Venetian, nổi tiếng với những bức tranh sử dụng màu sắc rực rỡ, ánh sáng tinh tế và bố cục hài hòa.

    Trong sự nghiệp kéo dài hơn 60 năm, Titian đã sáng tác nhiều tác phẩm để đời, từ tranh chân dung, tranh tôn giáo đến tranh thần thoại. Ông là họa sĩ được săn đón bởi các quý tộc và giáo hội, và được coi là một trong những người đặt nền móng cho hội họa phương Tây hiện đại.

    danh hoa Titian 1
    Tác phẩm Rest on the Flight into Egypt khi được trưng bày tại Longleat. Ảnh: Phil Yeomans/Bournemouth News

    Theo ZNews

  • Bức "Le Parlement, soleil couchant" vẽ phong cảnh tòa nhà quốc hội ở London của Claude Monet bán giá 75,9 triệu USD.

    Tranh được bán trong phiên The Collection of Anne H. Bass của Christie's cuối tuần trước, mô tả cảnh hoàng hôn trên tòa nhà theo phong cách Gothic của London, nhìn từ bên kia sông Thames.

    Theo nhà đấu giátác phẩm như một viễn cảnh huyền ảo: sắc hồng từ ánh mặt trời xuyên qua những đám mây, kiến trúc Gothic của tòa nhà hiện lên như một ảo ảnh màu đen, in bóng xuống mặt nước khiến người xem liên tưởng đến lâu dài trong truyện cổ tích. Bức tranh báo trước một kỷ nguyên mới trong hội họa khi các nghệ sĩ được Monet truyền cảm hứng để giải phóng màu sắc nhằm tạo ra bức tranh trừu tượng tuyệt đẹp dựa trên cảnh vật thực.

    Le Parlement, soleil couchant (Tòa nhà quốc hội, mặt trời lặn) được phòng trưng bày Durand-Ruel et Cie ở Paris mua lại từ họa sĩ vào tháng 5/1904. Sau đó, tranh được vợ chồng luật sư, chủ ngân hàng người Mỹ William Lowell Putnam mua năm 1907, rồi để lại cho con cháu. Năm 1982, bức tranh thuộc quyền sở hữu của phòng trưng bày Acquavella ở New York.

    tranh phong canh london 1
    "Le Parlement, soleil couchant", chất liệu sơn dầu trên vải, kích thước 81,2 x 92 cm, có ghi "Claude Monet 1903" ở phía dưới bên trái tác phẩm. Ảnh: Christie's

    Tranh thuộc nhóm 19 tác phẩm về tòa nhà quốc hội được Monet vẽ năm 1900 và 1901, trong đó năm bức thuộc bộ sưu tập tư nhân, 14 bức được trưng bày tại Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan ở New York, Phòng trưng bày Nghệ thuật Quốc gia ở Washington, Bảo tàng Musée d'Orsay ở Paris và Bảo tàng Pushkin ở Moskva...

    Theo cuốn Claude Monet: Biographie et catalog raisonné, năm 1900 họa sĩ một mình ngồi thuyền đến London để "cố gắng thực hiện một số góc nhìn về sông Thames". Monet tạm trú tại khách sạn Savoy, có tầm nhìn đẹp: bên trái là cầu Waterloo vắt ngang sông, bên phải là nhà ga Charing Cross. Khung cảnh này xuất hiện trong nhiều tác phẩm của ông.

    Sau đó, một chủ đề mới thu hút sự chú ý của họa sĩ là hình ảnh tòa nhà quốc hội nhô cao trên sông Thames, được bao phủ bởi sương mù hoặc tắm mình trong ánh hoàng hôn. Để vẽ được khung cảnh đó, họa sĩ phải di chuyển từ khách sạn tới nơi khác.

    Các bức thư của Monet cho thấy ông bắt đầu vẽ bức tranh sau khi đến bệnh viện St. Thomas khám bệnh. Họa sĩ thấy khung cảnh đẹp, xin phép giám đốc bệnh viện cho ông ngồi vẽ trên sân thượng. Le Parlement, soleil couchant ra đời từ đây. Trong một lá thư gửi bà xã Alice, ông viết: "Vào lúc 5h chiều, nhờ mặt trời lặn tuyệt vời trong sương mù, anh bắt đầu sáng tác tại bệnh viện. Giá như em có thể thấy nó đẹp thế nào và anh muốn em ở cạnh trên sân thượng đến nhường nào. Họ nói với anh rằng trời lạnh, anh không nhận ra vì đang chìm đắm vào công việc".

    Họa sĩ thường vẽ tranh vào cuối buổi chiều. Monet phân chia thời gian trong ngày thành hai khung: buổi sáng làm việc từ cửa sổ phòng khách sạn, từ bốn giờ chiều, ông đến bệnh viện, đắm mình trong ánh hoàng hôn và chạng vạng. Quy trình làm việc này được họa sĩ thực hiện để nghiên cứu sự thay đổi của ánh sáng từ giờ này qua giờ khác, ngày này qua ngày khác. Trước đó, từ những năm 1880, trong nhiều tác phẩm sơn dầu, ông đã nắm bắt các hiệu ứng chuyển dịch của ánh sáng vào các thời điểm khác nhau trong ngày. 

    Theo cuốn Turner, Whistler, Monet, thời tiết London thay đổi liên tục khiến họa sĩ cũng phải thay đổi cách làm việc, vẽ nhiều tranh sơn dầu cùng một lúc, hơn là tập trung hoàn thành một tác phẩm, mỗi bức thể hiện một trạng thái ánh sáng khác nhau. "Tại khách sạn Savoy hoặc bệnh viện St. Thomas, từ nơi tôi có thể nắm bắt được tầm nhìn của mình, tôi vẽ hàng trăm bức tranh - về cùng một chủ đề", họa sĩ viết.

    Cuối năm 1990, Monet ngừng vẽ tại bệnh viện vì điều kiện thời tiết thay đổi, tuyết và sương mù dày đặc khiến ông không thể nhìn thấy phong cảnh. Họa sĩ trở về quê nhà Paris, Pháp. Năm 1901, Monet quay lại Lodon với hy vọng hoàn thành những tác phẩm của năm trước. Ba ngày đầu, mọi thứ diễn ra thuận lợi. Sau đó, thời tiết lại thay đổi. "Sáng nay, anh choáng váng khi thấy tuyết rơi khắp nơi. Anh đến bệnh viện nhưng vô ích, không thể làm gì ở đó. Tòa nhà quốc hội bị bao phủ bởi những mảng tuyết trắng và anh phải quay về trên con đường tuyết nhơ nhớp", ông viết trong một bức thư.

    15 ngày tiếp theo, họa sĩ vẫn không nhìn thấy ánh mặt trời. Ông bị ốm và buộc phải trở về Pháp. Những năm sau, Monet dùng ký ức của mình để hoàn thành loạt tranh ở London trong xưởng vẽ tại Giverny (Normandie, Pháp), trong đó có bức Le Parlement, soleil couchant.

    Năm 1904, họa sĩ tổ chức triển lãm London: Sông Thames, giới thiệu loạt tác phẩm, thu hút sự chú ý của giới chuyên môn. Nhà văn Octave Mirbeau viết trong lời tựa của sự kiện: "Monet đã nhìn thấy, trải nghiệm Lodon về bản chất, đặc điểm và ánh sáng. Sương mù ở London dễ thay đổi, khó nắm bắt và phức tạp hơn bầu trời Normandie (Pháp). Cho dù âm u hay tươi sáng, tất cả màu sắc hòa quyện với nhau, phản xạ và có những biến đổi kỳ diệu".

    Trong cuốn Monet in the ‘90s: The Series Paintings, một nhà phê bình ca ngợi loạt tranh ở London là kỳ tích đáng kinh ngạc nhất của họa sĩ. "Với mong muốn vẽ những hiệu ứng phức tạp nhất của ánh sáng, Monet đã đạt đến những cực hạn của nghệ thuật. Anh ấy muốn khám phá những điều khó giải thích, diễn đạt thành lời. Và anh ấy đã thành công".

    tranh phong canh london 1
    Bức "Le Parlement, soleil couchant" hoàn thành năm 1902, vẽ khung cảnh tòa nhà quốc hội ở trạng thái ánh sáng khác, được bán 40,5 triệu USD trong phiên đấu giá của Christie's năm 2015. Ảnh: Christie's

    Claude Monet sinh năm 1840 tại Paris, Pháp, là con thứ trong một gia đình làm kinh doanh. Thời niên thiếu, Monet vẽ biếm họa, rồi trở thành học trò của danh họa Eugéne Boudin. Trong 86 năm, Monet đã sáng tác 2.000 bức họa, trong đó có rất nhiều tác phẩm được thực hiện ngay trong vườn hoa nhà ông.

    Monet là họa sĩ tiên phong sáng lập trường phái Ấn tượng Pháp. Họa sĩ từng tổ chức một số triển lãm cá nhân như: Tuyển chọn các tác phẩm năm 1900, London: Sông Thames năm 1904, Hoa Lily: Phong cảnh sông nước năm 1909, và Venice năm 1912. Năm 1912, Monet bị đục thủy tinh thể, sức khỏe suy yếu nhưng vẫn nỗ lực tạo ra nhiều tác phẩm. Họa sĩ qua đời năm 1926 vì ung thư phổi.

    Theo VnExpress