• Sử dụng chó robot và máy phân loại tích hợp AI, James Howells muốn tìm chiếc ổ cứng chứa 8,000 Bitcoin bị vứt nhầm 9 năm trước trong bãi rác tại xứ Wales.

    Năm 2013, James Howells, kỹ sư sống tại Newport (xứ Wales) sở hữu 2 chiếc ổ cứng giống nhau. Trong số đó, một chiếc không có dữ liệu, chiếc còn lại chứa 8.000 Bitcoin, tương đương hơn 181 triệu USD theo tỷ giá hiện nay.

    Trong lúc dọn dẹp bàn làm việc, thay vì bỏ đi ổ cứng trống, Howells đã vứt nhầm chiếc ổ cứng chứa 8.000 Bitcoin ra bãi rác. Sau 9 năm, cựu kỹ sư IT 36 tuổi vẫn mong mỏi tìm lại chiếc ổ cứng cùng số tiền mã hóa kiếm được vào năm 2009.

    chi tien boi rac tim bitcoin 1
    James Howells lên kế hoạch bài bản để tìm chiếc ổ cứng chứa Bitcoin vùi dưới bãi rác. Ảnh: Wales News

    Kế hoạch bới rác trị giá 11 triệu USD

    Howells mong muốn chính quyền địa phương cho phép sử dụng những thiết bị công nghệ cao để tìm chiếc ổ cứng chôn dưới núi rác đã bị san lấp. Suốt 9 năm qua, Hội đồng Thành phố Newport luôn từ chối yêu cầu của Howells, cho rằng việc này sẽ tốn kém và gây hại đến môi trường.

    Dù vậy, Howells không hề nản lòng. Trong cuộc phỏng vấn với Business Insider, anh đã chia sẻ kế hoạch mới trị giá 11 triệu USD, được tài trợ bởi nguồn vốn đầu tư mạo hiểm để đào bới 110.000 tấn rác.

    Không chỉ sử dụng con người, kế hoạch tìm kiếm ổ cứng của Howells còn bao gồm chó robot và cỗ máy phân loại bằng trí tuệ nhân tạo (AI). Cựu kỹ sư 36 tuổi hy vọng đề xuất sẽ được chính quyền Newport chấp nhận.

    Kế hoạch gồm 2 phương án, dựa trên khối lượng rác thải mà chính quyền Newport cho phép đào. Howells ước tính phương án đầu tiên sẽ mất 3 năm để đào bới 110.000 tấn rác, chi phí 11 triệu USD. Trong khi đó, phương án thứ hai sẽ tốn 6 triệu USD, thời gian 18 tháng.

    Howells đã tập hợp đội ngũ 8 thành viên, gồm các chuyên gia trong lĩnh vực phân loại bằng AI, khai thác rác, quản lý rác và trích xuất dữ liệu. Trong số đó, một cố vấn từng làm việc cho công ty khôi phục dữ liệu hộp đen trong thảm kịch tàu con thoi Columbia.

    Dùng chó robot, máy phân loại tích hợp AI

    Những máy móc sẽ đào rác, mang đến phân loại tại một cơ sở xây dựng gần đó. Các thành viên trong đội ngũ được ký hợp đồng làm việc, sẽ nhận thù lao nếu số Bitcoin trong ổ cứng được truy xuất thành công. Theo Howells, dự án này giống những kế hoạch thương mại bài bản.

    Ngoài nhân viên thông thường, quá trình phân loại rác có sự hỗ trợ của cỗ máy AI đến từ một công ty có tên Max-AI. Remi Le Grand, đại diện Max-AI cho biết công ty sẽ đào tạo thuật toán AI để phát hiện các ổ cứng nhìn giống ổ của Howells. Chiếc máy sẽ trang bị cánh tay để di chuyển vật thể nghi ngờ ra khu vực riêng.

    Howells còn trích một phần chi phí nhằm bảo vệ bãi rác, tránh người lạ đột nhập. Những thiết bị bảo mật gồm camera an ninh và 2 con chó robot có tên Spot, do Boston Dynamics sản xuất để tuần tra vào ban đêm. Chúng cũng có thể quét khu vực xung quanh để tìm vật thể nghi là ổ cứng.

    Vào tháng 5, đội ngũ của Howells đã tập dượt tại một resort trước khi thuyết trình kế hoạch cho Hội đồng Thành phố Newport. Buổi tập được ghi hình và có sự tham gia của Richard Hammond, người dẫn chương trình Top Gear của BBC, chuẩn bị phát hành phim tài liệu về Howells.

    "Rõ ràng họ rất tin tưởng vào Howells cùng kế hoạch của anh ấy. Đó là câu chuyện đi từ tầm thường đến vĩ đại. Nếu ở vị trí của anh ta, có lẽ tôi không đủ can đảm để làm như vậy", Hammond chia sẻ.

    chi tien boi rac tim bitcoin 1
    Chú chó robot có tên Spot do Boston Dynamics sản xuất. Ảnh: Getty Images

    Sau khi hoàn tất, bãi rác sẽ được làm sạch và tái chế càng nhiều càng tốt, phần rác không thể tái chế sẽ được chôn lại xuống dưới. Ở phía trên, đội ngũ của Howells muốn xây một trang trại năng lượng Mặt Trời hoặc năng lượng gió.

    "Chúng tôi không muốn hủy hoại môi trường dưới bất kỳ hình thức nào. Nếu muốn làm điều gì đó, chúng tôi muốn để lại mọi thứ trong tình trạng tốt hơn", Howells chia sẻ.

    Không dễ thuyết phục hội đồng thành phố

    Chi phí 11 triệu USD cho dự án đào rác tìm ổ cứng đến từ nguồn đầu tư mạo hiểm. Hanspeter Jaberg và Karl Wendeborn, 2 nhà đầu tư đến từ Thụy Sĩ và Đức cam kết cung cấp vốn nếu hội đồng thành phố chấp nhận kế hoạch của Howells.

    "Rõ ràng đây là chuyện mò kim đáy bể, một khoản đầu tư với rủi ro rất cao", Jaberg chia sẻ.

    Howells cho biết anh chưa ký hợp đồng với những nhà đầu tư, nhưng đã bàn bạc kế hoạch thông qua cuộc họp online. "Cho đến khi nhận văn bản từ Hội đồng Thành phố Newport, sẽ chưa có hợp đồng nào để tôi ký cả", Howells chia sẻ.

    Dù tốn nhiều chi phí, dùng công nghệ hiện đại và đưa ra những lời cam kết về môi trường, hội đồng thành phố thừa nhận không dễ chấp thuận kế hoạch của Howells.

    "Không có chi tiết nào để Howells có thể trình bày và thuyết phục hội đồng. Đề xuất của anh ấy tạo ra rủi ro sinh thái đáng kể, khiến chúng tôi không thể chấp nhận, thậm chí khó cân nhắc do các điều khoản trong quy định", đại diện hội đồng Newport cho biết.

    chi tien boi rac tim bitcoin 1
    Bãi rác nơi Howells vứt chiếc ổ cứng cách đây 9 năm. Ảnh: Wales News

    Nếu hội đồng thành phố từ chối đề xuất, Howells có kế hoạch kiện chính quyền Newport với cáo buộc "cấm vận bất hợp pháp" chiếc ổ cứng. Tất nhiên, cựu kỹ sư IT 36 tuổi muốn làm việc với hội đồng thành phố thay vì ra tòa.

    Chia sẻ với Business Insider, Howells từng được trò chuyện với hội đồng địa phương vào tháng 5/2021 thông qua cuộc họp online kéo dài 20 phút. Anh cũng gặp gỡ Jessica Morden, đại biểu quốc hội của Newport vào 24/6.

    "Đó là tình huống tốt nhất tôi từng trải qua. Đây là hoạt động chuyên nghiệp nhất mà chúng tôi từng làm việc cùng nhau, với những con người tốt nhất", Howells cho biết. Hiện nay, cách kiếm sống của anh là mua Bitcoin hàng tháng rồi bán lại khi cần tiền mặt.

    Chưa chắc ổ cứng vẫn hoạt động

    Ngay cả khi hội đồng cho phép và tìm kiếm thành công, chưa chắc ổ cứng vẫn hoạt động bình thường. Bộ phận quan trọng nhất trên ổ cứng là đĩa từ (platter) dùng để chứa dữ liệu. Theo Howells, có 80-90% khả năng truy xuất dữ liệu thành công nếu đĩa từ chưa bị nứt.

    Phil Bridge, chuyên gia khôi phục dữ liệu ổ cứng cho biết tỷ lệ trên là chính xác. Tuy nhiên nếu phần đĩa từ gặp hư hại, khả năng truy xuất và khôi phục dữ liệu sẽ rất nhỏ.

    chi tien boi rac tim bitcoin 1
    Đĩa từ trong ổ cứng HDD là yếu tố quan trọng cho khả năng truy xuất 8.000 Bitcoin. Ảnh: Wales News

    Trong trường hợp truy cập thành công 8.000 Bitcoin trong ổ cứng, Howells sẽ giữ lại khoảng 30%, tương đương 54 triệu USD theo giá trị hiện nay.

    Khoảng 1/3 số tiền sẽ dành cho đội ngũ đào bới rác, 30% cho nhà đầu tư. Số tiền còn lại sẽ được chia cho toàn bộ cư dân thành phố Newport, khoảng 150.000 người, mỗi người nhận khoảng 61 USD theo giá Bitcoin hiện tại. Con số này đã giảm so với kế hoạch được Howells đưa ra khi Bitcoin lập "đỉnh" vào năm 2021.

    Theo Zing

  • Một số trùm tiền ảo đang vướng vào vòng lao lý hoặc vướng vào nhiều rắc rối trong bối cảnh thị trường liên tục lao dốc.

    Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) mới đây đã thêm bà Ruja Ignatova (42 tuổi), người sáng lập đồng OneCoin và được mệnh danh là “nữ hoàng tiền mã hóa”, vào danh sách 10 kẻ đào tẩu bị truy nã gắt gao nhất. FBI cũng treo thưởng 100.000 USD cho bất cứ ai có thông tin giúp bắt được bà Ignatova.

    trum tien ao roi xuong vuc 1
    Bà Ruja Ignatova đang bị FBI truy nã. Ảnh: BITCOIN NEWS

    “Nữ hoàng” ôm tiền biến mất

    Theo AFP, bà Ignatova, người Đức gốc Bulgaria, năm 2014 đã cùng ông Sebastian Greenwood tung ra OneCoin, tiền mã hóa được quảng cáo là sẽ sớm thay thế Bitcoin để trở thành tiền ảo hàng đầu thế giới. Lợi dụng sức hút của tiền điện tử vào lúc đó, bà Ignatova cùng đồng bọn đã lừa các nhà đầu tư trên khắp thế giới đổ hơn 4 tỉ USD vào dự án này, biến đây trở thành một trong những mô hình đa cấp lừa đảo lớn nhất lịch sử tiền mã hóa.

    OneCoin nhanh chóng giúp người phụ nữ trên từ một tư vấn viên thành người nổi tiếng với lối sống xa hoa. Bà Ignatova thường xuyên khoe ảnh chụp mình trong căn hộ xa xỉ ở London (Anh) đầy những tác phẩm nghệ thuật quý hiếm và tổ chức tiệc sinh nhật tại cả bảo tàng, theo The Street.

    Vụ lừa đảo vỡ lở năm 2017, khi ngày càng nhiều nhà đầu tư thắc mắc về lợi nhuận của dự án. Việc này khiến các nhà điều tra bắt đầu chú ý đến OneCoin. Tuy nhiên, bà Ignatova đã đột ngột biến mất. Lần cuối cùng người ta nhìn thấy nữ hoàng tiền ảo là trên một chuyến bay từ Bulgaria đến Hy Lạp ngày 25.10.2017.

    Đồng sáng lập OneCoin là ông Greenwood đã bị bắt ở Thái Lan năm 2018 và sau đó bị dẫn độ sang Mỹ. Anh trai của bà Ignatova và là người đóng vai trò quan trọng trong việc quảng bá OneCoin, ông Konstantin Ignatov, cũng bị bắt tại Mỹ năm 2019 và đang chờ xét xử.

    trum tien ao roi xuong vuc 1
    Do Kwon, CEO của Terraform Labs. Ảnh: BLOOMBERG

    Sự sụp đổ của LUNA và UST

    Chưa phải chạy trốn như bà Ignatova nhưng ông Do Kwon (30 tuổi), kỹ sư Hàn Quốc đồng sáng lập Terraform Labs (TFL), đang đối mặt với hàng loạt lời chỉ trích, đơn kiện và cả nguy cơ tù tội vì đồng LUNA và stablecoin TerraUSD (tiền điện tử gắn liền giá trị với một đơn vị tiền tệ pháp định có tên gọi tắt là UST) của mình.

    Năm 2019, TFL tung ra LUNA và đến năm 2020, công ty cho ra mắt UST. Hồi tháng 5, hệ sinh thái LUNA và UST với vốn hóa trị giá 40 tỉ USD sụp đổ, gây thiệt hại khổng lồ cho nhà đầu tư. Cuộc khủng hoảng khởi nguồn từ việc UST bị mất mốc giá trị 1 USD và có thời điểm chỉ còn 9 cent/UST. Tỷ giá UST với USD được duy trì bằng thuật toán phức tạp với đồng tiền mã hóa “chị em” LUNA. Khi UST trượt giá, LUNA cũng bị bán tháo, dẫn đến việc thuật toán không thể hoạt động bình thường, phá vỡ mối liên kết của UST với USD.

    Trước cuộc sụp đổ của LUNA và UST, dự án của TFL từng huy động được hơn 200 triệu USD từ các công ty đầu tư như Arrington Capital, Coinbase Ventures, Galaxy Digital và Lightspeed Venture Partners, theo báo The New York Times. Các thành công của đồng tiền này khiến Do Kwon, người vốn được xem là kiêu ngạo và thô lỗ, trở nên không kiêng dè bất kỳ ai. Theo tạp chí Fortune, ông Do Kwon thường gọi tiền ảo mình sáng lập là “vua”, gọi những người phản đối LUNA và UST là “kẻ nghèo” và chỉ trích các nhà đầu tư đang bỏ tiền vào dự án khác.

    Hiện Do Kwon và TFL đang bị Ủy ban Chứng khoán và Sàn giao dịch Mỹ cùng cơ quan quản lý Hàn Quốc đưa vào tầm ngắm. Bản thân Do Kwon bị cho là người đã đạo diễn vụ sụp đổ của LUNA và UST, và đã rút ruột 2,7 tỉ USD từ LUNA thông qua các lệnh chuyển tiền; đây là cáo buộc mà ông Kwon đã bác bỏ.

    Thị trường tiền ảo sẽ tiếp tục ảm đạm

    Cùng thời điểm LUNA/UST sụp đổ, thị trường tiền mã hóa vẫn tiếp tục hỗn loạn do các đồng tiền khác cũng liên tiếp giảm mạnh.

    Bitcoin, tiền điện tử có giá trị nhất thế giới, đã giảm xuống dưới 20.000 USD trong tuần này và chỉ dao động quanh mức 19.000 USD, thấp hơn gần 70% so với mức 68.000 USD Bitcoin đạt được hồi tháng 11.2021.

    Ethereum, đồng tiền số có giá trị thứ hai, đã mất hơn 2/3 giá trị kể từ tháng 11.2021 và tiếp tục có giá chỉ trên 1.000 USD vào ngày 1.7.

    Tờ Time dẫn lời các chuyên gia cho biết tình hình có thể trở nên tồi tệ hơn. Ông Edward Moya, nhà phân tích thị trường cấp cao tại Công ty môi giới OANDA, cho rằng thị trường tiền điện tử có thể trải qua một đợt bán tháo mạnh mẽ nữa trước khi phục hồi. Theo ông Moya, Bitcoin có thể giảm chỉ còn 10.000 USD. Trong khi đó, nhà đầu tư mạo hiểm Kavita Gupta nói Ethereum có thể giảm xuống chỉ còn 500 USD.

    Theo Thanh Niên

  • Ruja Ignatova, người được mệnh danh "nữ hoàng tiền ảo", hiện đã bị Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đưa vào danh sách 10 đối tượng cần truy nã gắt gao nhất, ABC News đưa tin ngày 1-7.

    FBI triển khai động thái trên với cáo buộc Ignatova lừa đảo các nhà đầu tư hơn 4 tỉ USD thông qua OneCoin, công ty tiền điện tử do cô chung tay thành lập vào năm 2014.

    Trước đó, vào đầu năm nay, Ignatova (42 tuổi) cũng đã bị Cơ quan Cảnh sát châu Âu (Europol) đưa vào danh sách truy nã gắt gao nhất.

    "Đây là một công cụ quan trọng dành cho chúng tôi, danh sách 10 đối tượng cần truy nã gắt gao nhất. Chúng tôi tin công chúng ở vị trí tốt nhất để hỗ trợ" – Trợ lý Giám đốc FBI Michael Driscoll khẳng định trong buổi họp báo hôm 30-6.

    Ignatova, một luật sư người Bulgaria, tuyên bố đã phát minh ra một loại tiền điện tử để cạnh tranh với Bitcoin. Theo FBI, cô cùng những đối tượng khác bị nghi ngờ tuyên bố sai sự thật trong khi kêu gọi đầu tư và quảng bá OneCoin thông qua một chiến lược tiếp thị đa cấp.

    onecoin 1
    Ruja Ignatova, người được mệnh danh "nữ hoàng tiền ảo", bị cáo buộc lừa đảo hơn 4 tỉ USD. Ảnh: FBI

    OneCoin cũng tuyên bố sở hữu một công nghệ chuỗi (blockchain) riêng, trái ngược với một blockchain công khai và có thể xác minh được mà các loại tiền ảo khác sở hữu, và giá trị của OneCoin được xác định bởi công ty chứ không phải nhu cầu thị trường, FBI cho biết thêm.

    Cũng theo FBI, Ignatova tận dụng sức hút của tiền điện tử để thuyết phục các nhà đầu tư cung cấp cho cô hàng tỉ USD, trước khi biến mất vào năm 2017 khi lệnh bắt giữ của liên bang được ban bố.

    "Cô ta nhận được nhiều tiền và chuồn khá nhanh" – Driscoll nói.

    Các nhà điều tra tin rằng Ignatova có thể đã được tiết lộ rằng cô đang bị giới chức Mỹ và quốc tế điều tra. Vào ngày 25-10-2017, Ignatova đã đi từ TP Sofia (Bulgaria) đến TP Athens (Hy Lạp) và biến mất kể từ đó, theo FBI.

    onecoin 1
    FBI đang treo thưởng 100.000 USD cho mọi thông tin giúp bắt giữ Ruja Ignatova. Ảnh: FBI

    Theo Người Lao Động

  • Coinbase cho biết sẽ cắt giảm 18% nhân sự, sa thải khoảng 1.100 nhân viên khi thị trường tiền điện tử đang giai đoạn đại biến động.

    Giám đốc điều hành Coinbase Brian Armstrong công bố quyết định cắt giảm nhân sự và cảnh báo về một cuộc suy thoái và một mùa đông tiền điện tử sắp tới, hôm 14/6.

    "Chúng ta dường như đang bước vào thời kỳ suy thoái sau cuộc bùng nổ kinh tế hơn 10 năm. Một cuộc suy thoái có thể dẫn đến mùa đông tiền điện tử khác và có thể kéo dài trong một thời gian dài", Armstrong nói. "Trong những mùa đông tiền điện tử trước đây, doanh thu giao dịch (nguồn doanh thu lớn nhất của công ty chúng tôi) đã giảm đáng kể. Dù khó có thể dự đoán được nền kinh tế hoặc thị trường, chúng tôi luôn lập kế hoạch cho điều tồi tệ nhất để có thể vận hành công việc kinh doanh trong bất kỳ môi trường nào".

    CEO Armstrong cũng thừa nhận những sai lầm trong kinh doanh dẫn đến việc sa thải hàng loạt. "Chúng tôi cũng tăng trưởng khá nhanh trong hai năm qua và bắt đầu hoạt động kém hiệu quả hơn ở quy mô mới. Chúng tôi sẽ mất một thời gian để điều chỉnh theo quy mô mới này trước khi phát triển trở lại".

    san giao dich coinbase
    Coinbase sẽ sa thải hơn 1.000 nhân viên ở Mỹ. Ảnh: Coinbase

    Công ty dự kiến có khoảng 5.000 nhân viên tính đến ngày 30/6 và phải chịu 40 - 45 triệu USD chi phí tái cấu trúc, theo hồ sơ gửi Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC). Công ty này có 3.730 nhân viên vào cuối năm 2021 và tuyển thêm 1.200 vào quý I năm 2022.

    Tin tức về việc Coinbase sa thải nhân viên xuất hiện tháng trước, sau khi công ty thông báo đóng băng tuyển dụng, hủy bỏ kế hoạch tăng gấp ba quy mô trước đó. Đầu tháng này, Coinbase hủy lời mời làm việc từ các ứng viên. Trong số những ứng viên này có một số người đã từ bỏ công việc khác để ứng tuyển làm việc tại Coinbase hoặc phụ thuộc vào công ty tài trợ thị thực để họ có thể ở lại Mỹ.

    Coinbase là công ty mới nhất trong số các công ty tiền điện tử sa thải lượng lớn nhân sự. Đầu tháng này, Gemini, sàn giao dịch tiền điện tử của anh em tỷ phú Cameron và Tyler Winkelvoss, cho biết sẽ giảm 10% lực lượng lao động. Sàn Crypto cũng cho biết sẽ sa thải khoảng 260 nhân viên, tương đương 5% lực lượng lao động. Nền tảng cho vay và giao dịch tiền điện tử BlockFi cũng sẽ cắt giảm 20% lao động.

    Thị trường tiền điện tử bước vào thời kỳ suy thoái khi vốn hóa thị trường đã giảm xuống dưới mốc 1.000 tỷ USD. Bitcoin, đồng tiền điện tử giá trị nhất thế giới, đã có 12 tuần giảm giá liên tiếp, xuống còn khoảng 22.500 USD, mức thấp nhất kể từ tháng 12/2020. Ether, đồng tiền giá trị lớn thứ hai cũng lao dốc, xuống mốc dưới 1.200 USD, mức thấp nhất kể từ tháng 1/2021.

    Sơn Nam (Theo Fortune)

  • Tiền điện tử, từ chỗ được đánh giá là 1 cuộc cách mạng tài chính, nay đang dần trở thành kẻ hủy diệt môi trường và tạo ra sân chơi cực kỳ tinh vi cho những kẻ lừa đào chiếm đoạt tài sản.

    *Lược dịch từ Guardian:

    Tiền điện tử, theo lý luận của những người ủng hộ trung thành và nhiệt tình nhất, sẽ là giải pháp thay thế cho gần như mọi loại tiền tệ hiện nay. Đồng thời, nó còn có vai trò quan trọng trong việc chấm dứt sự kiểm soát của các ngân hàng trung ương đối với nguồn cung tiền ở nhiều quốc gia trên thế giới.

    Với tiền điện tử, các cá nhân có thể giao dịch với nhau trong một hệ sinh thái tài chính kỹ thuật số phi tập trung. Họ tin rằng đây là một điều tích cực, đặc biệt là khi công nghệ đang ngày càng phát triển với tốc độ chóng mặt như hiện nay. Những "fan" cuồng nhiệt của tiền điện tử thậm chí còn vẽ ra nhiều viễn cảnh, nơi công nghệ đóng vai trò như 1 sự thay thế cho các thể chế chính trị và xã hội.

    tien dien tu lua dao

    Tiền điện tử từng được cho là giải pháp thay thế cho gần như mọi loại tiền tệ hiện nay

    Tuy nhiên, công nghệ không bao giờ có thể thay thế được hành vi xã hội và chính trị, mà chỉ đơn giản là tác động đến các quy tắc và chuẩn mực mà chúng ta tuân theo mà thôi. Để dễ hình dung, chúng ta cứ nhìn vào trường hợp của Terra Luna, mã tiền điện tử được nhắc đến nhiều nhất trong tuần vừa qua. Có những thời điểm, nó đã giảm đến hơn 98% giá trị chỉ trong một ngày (thậm chí giảm tới 99,999999% ở thời điểm tồi tệ nhất), thổi bay những khoản tiền khổng lồ của không ít nhà đầu tư trên thế giới.

    Bitcoin và Ethereum, dù không rơi vào thảm cảnh "tụt dốc" như vậy, nhưng cũng chẳng khá khẩm hơn là bao. Bên cạnh đó, sự phát triển của công nghệ blockchain từng tạo ra cơn sốt NFT, một loại tài sản số hiện diện trên một chuỗi số, và cũng từ đó sinh ra tình trạng trộm cắp, lừa đảo mới liên quan đến loại hình này. Các NFT có thể không quá bắt mắt, nhưng chúng có thể được bán với giá lên tới 91,8 triệu USD. Và khi giá trị càng cao, các vụ lừa đảo, chiếm đoạt NFT lại càng tăng lên ngày 1 nhiều. Cuối tháng trước, tài khoản Instagram của Bored Ape Yacht Club đã bị hack, và thủ phạm đã dễ dàng đánh cắp được số NFT trị giá 3 triệu USD bằng cách điều hướng follower đến 1 trang web lừa đảo.

    Khi một tác phẩm NFT bị đánh cắp, tất cả các tuyên ngôn tuyệt vời về sức mạnh phi tập trung của blockchain cũng sẽ bốc hơi, kể cả khi các nạn nhân ra sức cầu xin một số sàn giao dịch tiền điện tử chặn việc bán NFT bị đánh cắp của họ. Công nghệ cơ bản và token của nó có thể phi tập trung, thế nhưng nơi bạn thực sự có thể mua, sử dụng và bán những thứ này vẫn là cực kỳ giới hạn. Dù muốn hay không, những người yêu thích, ủng hộ tiền điện tử cũng phải thừa nhận 1 sự thật rằng: Tiền tệ và các hợp đồng chỉ có giá trị hoặc có thể sử dụng khi được công nhận là hợp pháp. Công nghệ blockchain dù thực sự rất thú vị nhưng không thay đổi thực tế này.

    Tình trạng lừa đảo NFT và crypto đang ngày càng tăng cao

    Trong khi đó, 1 số bang và tổ chức tại Mỹ đã bắt đầu coi tiền điện tử như một lực lượng địa chính trị bất ổn định, buộc họ phải giới hạn và đánh thuế lượng năng lượng khủng khiếp mà các mỏ tiền điện tử tiêu thụ.

    Một số quốc gia thậm chí đã phải ra những biện pháp cấm blockchain và những công nghệ liên quan. Ví dụ, vào năm 2021, Trung Quốc, từng là nơi khai thác Bitcoin lớn nhất thế giới, chiếm 75% khối lượng Bitcoin toàn cầu (tính đến tháng 9/2019), đã cấm "đào" và sử dụng tiền điện tử một cách vô cùng nghiêm ngặt.

    Lý do mà họ đưa ra lệnh cấm này là nhằm hạn chế mức tiêu thụ điện của các mỏ tiền điện tử, bảo vệ công dân khỏi tình trạng lừa đảo, và kiểm soát dòng tiền trong nước và với các đối tác thương mại của Trung Quốc. Cho đến nay, Trung Quốc là quốc gia duy nhất có động thái tích cực trong việc loại bỏ xu hướng này.

    Nga đã phải trải qua tình trạng tương tự trong vài tháng đầu năm 2022. Kể từ tháng 1, một số người khai thác tiền điện tử đã xây dựng trụ sở "đào" ở gần Kazakhstan, sau khi bị đuổi khỏi Trung Quốc. Các máy chủ khai thác của họ đã gây thiệt hại nặng nề cho lưới điện của quốc gia Trung Á, sử dụng tới 8% tổng công suất năng lượng của họ và trở thành nơi "đào" tiền điện tử lớn thứ hai sau Hoa Kỳ. Bất chấp những nỗ lực nhằm kiểm soát thông qua việc đánh thuế năng lượng, người dân ở Kazakhstan vẫn nổi loạn vì giá nhiên liệu tăng cao và nguồn điện không đáng tin cậy. Quân đội của Nga và các quốc gia láng giềng đã phải vào cuộc dập tắt bạo lực tại đây vào cuối tháng 1, ngay cả khi phần lớn sự chú ý của họ đều đang đổ dồn vào căng thẳng tại Ukraine.

    Việc khai thác tiền điện tử đang gây ra những ảnh hưởng nặng nề đến môi trường

    Bản thân Nga cũng là một "dân chơi" trong lĩnh vực tiền điện tử, chiếm đến 11% công suất khai thác Bitcoin trên toàn thế giới thế giới. Vào tháng 2 vừa qua, thay vì ban hành lệnh cấm, chính phủ Nga thông qua một khuôn khổ pháp lý nhằm quản lý tiền kỹ thuật số, đưa chúng vào hệ thống tài chính và bảo đảm tài sản kỹ thuật số không được sử dụng để tài trợ cho các hoạt động tội phạm.

    Điều đó vô tình khiến cho các sàn giao dịch tiền điện tử phải chịu áp lực cấm người Nga khỏi nền tảng của mình. Đã có nhiều cuộc tranh luận nổ ra xoay quanh việc liệu việc này có đi trái lại với toàn bộ ý tưởng về công nghệ blockchain hay không. Nhưng điểm mấu chốt ở đây là: Tiền điện tử không mang lại một cuộc cách mạng tài chính, nó chỉ cung cấp cho những kẻ lừa đảo một sân chơi mới mẻ và tinh vi hơn mà thôi.

    Đây mới chỉ là sự khởi đầu. Việc sử dụng năng lượng vô tội vạ để khai thác tiền điện tử đang góp phần khiến cho hiện tượng nóng lên toàn cầu trở nên trầm trọng hơn bao giờ hết, dẫn đến đợt hạn hán tồi tệ nhất trong hơn 1000 năm trở lại đây tại California, hay những mùa gió mùa tăng cường ở Ấn Độ. Tất cả những gì cao đẹp, mỹ miều liên quan đến tiền điện tử đều chỉ ảo ảnh để che khuất thực tế rằng nó được tạo thành từ hàng triệu tấn than, đồng, kim loại hiếm và nhựa mà thôi.

    Cafef (Theo Guardian)