• Kể từ tháng 9, các nam sinh ở Anh sẽ được tiêm vắc-xin HPV trong nỗ lực giải quyết triệt để bệnh ung thư cổ tử cung (ở nữ giới).

    Vắc-xin papillomavirus ở người (HPV) mới chỉ được cung cấp cho các bé gái và loại vắc-xin này có tác dụng bảo vệ chống lại ung thư cổ tử cung cũng như ung thư dương vật, ung thư bộ phận sinh dục và một số bệnh ung thư ở đầu và cổ.

    Chính phủ đã công bố thông tin này vào thứ ba, ngày 9 tháng 7, và nói thêm rằng, với sự đồng ý của phụ huynh, từ thời điểm bắt đầu năm học tiếp theo, các học sinh lớp 8 (12- 13 tuổi), sẽ được tiêm thuốc bảo vệ chống lại HPV trong ít nhất 10 năm và có thể là cả cuộc đời

    Tuy nhiên, Public Health England cho biết sẽ không có chương trình dành cho những nam sinh lớn hơn từ 13 đến 18 tuổi.

    Để được bảo vệ triệt để, mỗi em sẽ cần hai liều tiêm.

    Liều đầu tiên sẽ được thực hiện ở trường vào năm lớp 8, và liều nhắc sẽ được tiêm sau sáu tháng đến hai năm, cũng tại trường.

    Tiến sĩ Mary Ramsay, người đứng đầu bộ phận tiêm chủng tại PHE, cho biết: "Cung cấp vắc-xin cho trẻ trai không chỉ bảo vệ các em mà còn ngăn ngừa nhiều trường hợp ung thư liên quan đến HPV ở trẻ gái và giúp giảm gánh nặng chung của các bệnh ung thư này ở cả nam và nữ trong tương lai.

    "Tôi khuyến khích tất cả các bậc cha mẹ của các bé trai và bé gái hãy đảm bảo rằng họ cho phép con mình tiêm loại vắc-xin quan trọng này. Điều quan trọng là không trì hoãn tiêm chủng, vì vắc-xin có thể kém hiệu quả hơn khi trẻ lớn hơn."

    Ước tính từ Đại học Warwick cho thấy vắc-xin chống vi-rút HPV sẽ ngăn ngừa 64.138 ca bệnh ung thư cổ tử cung và 49.649 ca bệnh ung thư khác ở Anh vào năm 2058.

    Các trường hợp bệnh khác bao gồm 3,433 ca ung thư dương vật và 21.395 trường hợp ung thư đầu và cổ, ví dụ như ung thư vòm họng ở nam giới.

    Tiêm phòng cho con trai cũng bảo vệ các bạn gái khỏi vi-rút HPV, loại vi-rut thường bị lây truyền qua quan hệ tình dục.

    Vắc-xin đã được đưa vào chương trình tiêm chủng cho các bé gái từ năm 2008.

    Trong năm 2017/18, hơn 80% bé gái đã hoàn thành tiêm phòng HPV.

    Bộ trưởng Y tế công cộng Seema Kennedy nói: "Thành công của chương trình vắc-xin HPV dành cho trẻ em gái là rất rõ nét và bằng cách mở rộng nó cho các bé trai, chúng tôi sẽ tiến thêm một bước để giúp ngăn ngừa nhiều trường hợp mắc bệnh ung thư liên quan đến HPV mỗi năm.

    "Thông qua chương trình tiêm chủng hàng đầu thế giới này, chúng tôi đã cứu sống hàng triệu người và ngăn ngừa vô số trường hợp mắc các căn bệnh khủng khiếp.

    "Các chuyên gia dự đoán rằng chúng tôi có thể đang trên đường hướng tới loại bỏ ung thư cổ tử cung vĩnh viễn."

    VietHome (Theo Manchester Evening News)

  • Các chuyên gia cho biết trẻ em ở Anh nên được tiêm vắc-xin sởi bắt buộc trước khi bắt đầu đi học.

    Một nghiên cứu mới đã cảnh báo rằng các chính sách tiêm chủng hiện tại là không đủ để giữ trạng thái loại trừ dịch bệnh và kiểm soát số lượng các trường hợp gia tăng.

    Tuy nhiên, các chuyên gia Anh đã nghi ngờ về ý tưởng này, cho rằng việc tiêm vắc-xin bắt buộc có thể khiến các bậc cha mẹ cảm thấy bị xa lánh.

    Các nhà nghiên cứu từ Quỹ Bruno Kessler và Đại học Bocconi ở Ý đã xem xét xu hướng tiêm chủng hiện tại ở một số quốc gia, bao gồm Vương quốc Anh, Ireland, Úc, Ý và Mỹ.

    Họ kết luận rằng để giữ tỷ lệ dân số dễ mắc bệnh sởi dưới 7,5% vào năm 2050, các quốc gia cần phải có thêm hành động. Họ cho rằng nhiều người hơn nữa cần phải được tiêm phòng hoặc việc tiêm phòng phải được đưa vào chính sách bắt buộc của các trường học.

    Nghiên cứu được công bố trên tạp chí BMC Medicine, cho thấy ước tính 3,7% dân số Anh ở mọi lứa tuổi vẫn dễ mắc bệnh sởi trong năm 2018.

    Nhưng con số này dự kiến ​​sẽ tăng hơn 50% vào năm 2050 nếu các chính sách tiêm chủng hiện tại vẫn giữ nguyên.

    Các nhà nghiên cứu cho biết: "Kết quả của chúng tôi cho thấy hầu hết các quốc gia sẽ được hưởng lợi rất nhiều từ việc đưa tiêm chủng bắt buộc vào trường học bên cạnh các chương trình tiêm chủng thông thường hiện nay."

    Đồng tác giả nghiên cứu, Tiến sĩ Stefano Merler nói thêm: "Đặc biệt, chúng tôi thấy rằng chiến lược này sẽ cho phép Vương quốc Anh, Ireland và Hoa Kỳ đạt được mức miễn dịch cộng đồng ổn định trong những thập kỷ tới, điều đó có nghĩa là có đủ tỷ lệ cá thể miễn dịch với bệnh để tránh dịch bệnh trong tương lai.

    "Để có hiệu quả, việc tiêm phòng bắt buộc khi vào trường học sẽ cần phải chiếm hơn 40% dân số."

    Ở Anh, các nhóm chống vắc-xin bị đổ lỗi gây ra tình trạng một số cha mẹ không chịu tiêm vắc-xin kết hợp sởi, quai bị và rubella (MMR) cho con họ.

    Ông Simon Stevens, giám đốc điều hành của NHS England, cho biết "từ chối vắc-xin là một quả bom nổ chậm đối với y tế công cộng ", và "các công ty truyền thông xã hội nên có cách tiếp cận không khoan nhượng " đối với những câu chuyện đáng sợ nguy hiểm và không chính xác.

    Bộ trưởng Y tế Matt Hancock cũng cho biết ông "sẽ không loại trừ bất cứ điều gì" khi được hỏi liệu trẻ em không được tiêm chủng có nên bị cấm đi học hay không.

    Số liệu trong tháng trước từ Unicef ​​cho thấy hơn nửa triệu trẻ em ở Anh đã không được tiêm phòng bệnh sởi trong giai đoạn 2010-2017.

    Tại Anh năm 2017, đã có 259 trường hợp mắc sởi, tăng lên 966 vào năm 2018.

    Trong năm 2016 và 2017, tiêm vắc-xin MMR lần đầu ở trẻ 5 tuổi ở Anh đã vượt quá 95%.

    Nhưng liều thứ hai ở trẻ em năm tuổi chỉ đạt 88% - thấp hơn mục tiêu 95% để đảm bảo miễn dịch cộng đồng của WHO.

    Đáp lại nghiên cứu mới, các chuyên gia Anh đặt ra nghi ngờ về việc liệu đưa ra chính sách tiêm chủng bắt buộc có hiệu quả hay không.

    Bác sĩ David Elliman, chuyên gia tư vấn về sức khỏe trẻ em cộng đồng tại Bệnh viện Great Ormond Street và Đại học Nhi khoa và Sức khỏe Trẻ em Hoàng gia, cho biết không có đủ minh chứng để ủng hộ một chính sách như vậy ở Vương quốc Anh.

    Ông nói: "Chỉ có khoảng 1% đến 2% phụ huynh ở Anh từ chối tất cả các loại chủng ngừa. Một tỷ lệ lớn hơn có thể có mối băn khoăn mà các chuyên gia chăm sóc sức khỏe dễ dàng giải quyết, trong khi một số lượng đáng kể vẫn gặp vấn đề khi tiếp cận các dịch vụ thân thiện với gia đình.”

    Giới thiệu tiêm chủng bắt buộc ở quốc gia này có thể làm giảm mức độ tin cậy vào NHS của người dân và do đó phản tác dụng. Nó thậm chí có thể dẫn đến tỷ lệ tiêm chủng thấp hơn.

    "Trước khi chúng ta cân nhắc phương án này, chúng ta nên đảm bảo rằng chúng ta có hệ thống cuộc hẹn và nhắc nhở hiệu quả và đủ số lượng nhân viên được đào tạo tốt, có thời gian để nói chuyện với cha mẹ tại các phòng khám thân thiện với gia đình.

    "Bắt buộc tiêm chủng có thể có ích ở một số quốc gia, nhưng nó không phải là phương án hợp lý cho chúng ta."

    Sonia Saxena, giáo sư tại Đại học Hoàng gia Luân Đôn, cho biết: "Việc tiêm phòng bắt buộc có thể gây ra những hậu quả không lường trước được.

    "Nó có nguy cơ làm mất lòng cha mẹ và người chăm sóc trẻ, cũng như có nguy cơ gia tăng trẻ em không được tiêm chủng bị loại khỏi trường học - điều này cũng sẽ dẫn đến sự kỳ thị đối với trẻ em có cha mẹ không tuân thủ quy định tiêm phòng.

    "Các phương pháp hiệu quả hơn bao gồm nhắc nhở phụ huynh và nhà cung cấp về việc chủng ngừa sắp tới và quá hạn, cũng như giáo dục và cung cấp phản hồi cho các bác sĩ, y tá và nhân viên y tế thực hiện việc tiêm chủng."

    VietHome (Theo Evening Standard)

  • Thông điệp chống vắc-xin sai lệch trên các phương tiện truyền thông xã hội đang khiến ngày càng nhiều trẻ em không được chủng phòng sởi.

    Phân tích dữ liệu của tổ chức từ thiện Unicef ​​cho thấy hơn nửa triệu trẻ em ở Anh đã không được tiêm phòng sởi trong thời gian 8 năm, khiến các em dễ bị mắc căn bệnh có thể gây tàn tật hoặc tử vong này.

    Và Unicef ​​cũng cho hay gần 170 triệu trẻ em trên thế giới dưới 10 tuổi, bao gồm 2,5 triệu ở Mỹ, không được tiêm vắc-xin phòng bệnh sởi.

    Simon Stevens, giám đốc điều hành của NHS England, phát biểu: "Buộc chính mình và các con tiêm vắc-xin phòng những căn bệnh chết người là điều cần thiết để giữ sức khỏe, và việc từ chối vắc-xin giống như một quả bom hẹn giờ nguy hiểm đe dọa sức khỏe cộng đồng.

    "Trong bối cảnh các trường hợp mắc bệnh sởi gần như tăng gấp bốn lần ở Anh chỉ trong một năm, việc mọi người truyền bá những câu chuyện đáng sợ về vắc-xin là hành động vô trách nhiệm và các công ty truyền thông xã hội nên có cách tiếp cận không khoan nhượng đối với nội dung nguy hiểm này."

    Trẻ em cần hai liều vắc-xin sởi, và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến nghị bảo hiểm tỷ lệ tiêm phòng 95% để đạt được miễn dịch cộng đồng.

    Tại Anh năm 2017, đã có 259 trường hợp mắc sởi ở Anh, tăng lên 966 vào năm 2018.

    Trong năm 2016 và 2017, lần đầu tiên sử dụng liều MMR đầu tiên, bao gồm vắc-xin sởi, tỷ lệ tiêm liều đầu tiên ở trẻ 5 tuổi tại Anh đã vượt quá 95%.

    Tuy nhiên, cần có hai liều vắc-xin MMR mới đủ để bảo vệ hoàn toàn khỏi bệnh sởi. Tỷ lên tiêm liều MMR thứ hai ở trẻ em năm tuổi là 88% - thấp hơn mục tiêu 95% của WHO.

    Mary Ramsay, trưởng phòng tiêm chủng của Bộ Y tế Công cộng Anh, cho biết: "Vương quốc Anh đã loại bỏ được hoàn toàn bệnh sởi và được WHO công nhận trong năm 2017, do đó, nguy cơ mắc bệnh sởi đối với dân số Anh là thấp.

    "Tuy nhiên, do sự bùng phát bệnh sởi ở châu Âu, chúng ta sẽ tiếp tục gặp các trường hợp bệnh, đặc biệt là ở những người không được tiêm chủng.

    "Điều này có thể dẫn đến một số lây lan trong các cộng đồng có độ bao phủ MMR thấp và trong các nhóm tuổi có sự pha trộn của người đã tiêm và chưa tiêm.

    "Bệnh sởi có thể cực kỳ nghiêm trọng, vì vậy hãy đảm bảo bạn và gia đình được bảo vệ."

    Virus sởi cực kỳ dễ lây lan qua ho, hắt hơi và chúng có thể sống trong không khí tới hai giờ. 90% người ở gần người bị nhiễm bệnh sẽ tự nhiễm bệnh nếu họ không được miễn dịch.

    Các triệu chứng bao gồm sổ mũi, hắt hơi và ho, đau mắt, sốt cao và những đốm trắng xám nhỏ ở bên trong má.

    Vài ngày sau, các vết mẩn đỏ nâu đỏ sẽ xuất hiện. Hiện tượng này thường bắt đầu ở đầu hoặc cổ trước khi lan ra phần còn lại của cơ thể. Các triệu chứng thường biến mất sau bảy đến mười ngày, nhưng trong một số trường hợp, hậu quả có thể rất nghiêm trọng.

    Các biến chứng có thể bao gồm viêm gan, viêm màng não hoặc nhiễm trùng não do viêm não.

    Trong một số ít trường hợp, nó có thể dẫn đến mất thị lực, các vấn đề về tim và hệ thần kinh và thậm chí tử vong.

    VietHome (Theo Sky News)