• Ngày 24/05, Thủ tướng Anh Theresa May đã tuyên bố từ chức, sau khi bế tắc trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng Brexit đã tồn tại vài năm qua. Dù mạnh mẽ, tự tin tới đâu, rốt cuộc bà vẫn chỉ là một người phụ nữ bình thường gánh trên vai trách nhiệm nặng nề.

    Mỗi người có một quan điểm chính trị khác nhau nhưng thật khó để không ngưỡng mộ tinh thần của Thủ tướng AnhTheresa May. Điều gì đã khiến bà dám gánh vác nhiệm vụ nặng nề nhưng bạc bẽo như Brexit? Điều gì đã đem lại cho bà sức mạnh để chống chọi suốt 2 năm khắc nghiệt vừa qua?

    Sự tự tin được nuôi dưỡng từ tấm bé

    Câu trả lời nằm ở quá khứ của Theresa May. Từ bé, cha bà - ông Hubert Brasier, một vị cha xứ - đã dạy bà về tầm quan trọng của việc phục vụ cộng đồng. Nhưng có lẽ, món quà quý giá nhất mà ông và người vợ Zaidee tặng con gái chính là niềm tin mạnh mẽ vào bản thân. Không chỉ dạy bà cư xử đúng mực, họ còn tin tưởng bà sẽ biết hành động theo lẽ thường.

    Có được sự tự tin từ khi còn nhỏ, bà May sẵn sàng đi theo con đường khác hẳn với cha mẹ và quả quyết rằng họ sẽ tôn trọng lựa chọn của mình. Bà tỏ ra hứng thú với chính trị hơn là cha mẹ mình.

    Đôi khi, sự tự tin của Theresa May bị hiểu nhầm là thô lỗ và vô cảm. Cách bà đối mặt với những vấn đề nan giải thường rất quyết liệt, sẵn sàng san phẳng mọi thứ trên đường đi. "Triết lý của tôi là hành động, chứ không phải nói suông," nữ Thủ tướng Anh tuyên bố. Đó là lý do mà Ken Clark - người thường xuyên đối đầu với bà khi hai người còn là Bộ trưởng Tư pháp và Bộ trưởng Nội vụ - đã thẳng thừng gọi bà là "người phụ nữ khó tính máu lạnh".

    Phải là một người dám nghĩ dám làm thì Theresa May mới có đủ dũng khí để khẳng định mình đúng, khi xung quanh ai cũng gào thét rằng bà đã sai.

    Nhưng bà May không sợ một mình chống lại đám đông. Thời đi học, bà cũng chẳng có người bạn nào thân thiết. Kể cả khi đã trở thành nhà kinh tế học, rồi Thủ tướng, bà cũng chẳng cố tỏ ra gần gũi với ai.

    Tuy nhiên, Theresa May không cô đơn. Chồng bà - ông Philip - chính là "hòn đá tảng" đứng sau cổ vũ và hỗ trợ bà. Trong những tháng ngày phiền não của bà May tại số 10 phố Downing, ông là người đã giúp bà mang đồ, vận chuyển chiếc cặp đỏ đựng tài liệu quen thuộc đến văn phòng. Trên tất cả, ông là một cố vấn quan trọng đối với bà.

    Thủ tướng Anh Theresa May và chồng - ông Philip May.

    Những góc giản dị giữa đời thường 

    Ở tuổi 56, Theresa May được chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường tuýp 1 và phải tập luyện thường xuyên để giữ gìn sức khỏe. Từ trước khi biết bệnh, bà đã thuê huấn luyện viên riêng, lo sợ rằng thức ăn khó tiêu ở căng-tin quốc hội sẽ ảnh hưởng cơ thể mình. Không giống như người tiền nhiệm David Cameron hay cựu Ngoại trưởng Boris Johnson thường xuyên tập chạy tại Công viên St James, bà May lại kín đáo hơn, tập luyện tại nhà 3 lần/tuần.

    Cả Theresa May và chồng đều rất say mê leo núi. Hè năm nào họ cũng duy trì truyền thống chinh phục dãy núi Alps, mặc dù gần đây, bà bận rộn tới mức không còn đủ thời gian để thực hiện sở thích của mình. Những chuyến đi tới nhà hát, sân cricket hay trường đua ngựa cũng phải dừng lại.

    Hai vợ chồng Thủ tướng Anh rất thích đi leo núi.

    Bị tiểu đường, Theresa May phải tuân theo chế độ ăn nghiêm ngặt để điều trị bệnh. Vì vậy, bà đành ngậm ngùi chia tay những món tráng miệng do tự tay mình làm.

    Mặc dù vậy, đồ ăn vẫn là một phần không thể thiếu đối với người phụ này. Tự nhận là một đầu bếp đầy đam mê, bà khoe mình có hơn 200 cuốn sách dạy nấu ăn với sở trường là ẩm thực Ý. Bà cũng thích tổ chức những bữa tiệc tối tại nhà cũ ở Sonning hoặc ở điền trang Chequers dành riêng cho Thủ tướng.

    Những bữa tiệc nướng vào Chủ nhật của bà rất được lòng mọi người. Các vị khách đánh giá vợ chồng bà là thân thiện và dễ tính. Dù không phải là những người trò chuyện sôi nổi, Theresa May và chồng vẫn trở nên thân thiện và cởi mở hơn so với mỗi khi xuất hiện trước công chúng.

    Những ngày còn làm việc ở Bộ Nội vụ, bà May được đồng nghiệp đánh giá là tương đối khó tính. Vào những buổi tụ tập cuối tuần, họ thấy bà có vẻ vui vẻ và dễ gần hơn. 

    Bà Theresa May trong một bữa tiệc Giáng sinh (phía trên, tay trái).

    Sau những giờ họp hành căng thẳng, Theresa May lại trở về căn hộ số 11 phố Downing - nơi bà sẽ cùng chồng ăn tối, chia sẻ những chuyện trong ngày với một ly rượu vang đỏ trên tay. Bà nấu ăn, còn chồng thì rửa bát. Bữa ăn của bà cũng hết sức bình thường, đôi khi chỉ là một bánh mì nướng ăn cùng đậu, kèm với một ly rượu scotch.

    Không giống như ông Cameron - người luôn luôn kết thúc mọi thứ trước 11h tối, bà May lại thích làm việc khuya. Bà thường xuyên thức đến 1h đêm, để rồi lại dậy sớm từ 6-7h sáng. Chẳng khi nào người phụ nữ này có được một giấc ngủ trọn vẹn, giống như cố Thủ tướng Anh Margaret Thatcher - người luôn chỉ ngủ 3-4 tiếng/ngày. Mặc dù vậy, bà May vẫn khẳng định mình ngủ ngon, không bị ảnh hưởng bởi những hoài nghi hay chỉ trích mà bà luôn nhận được mỗi ngày. Chỉ có người tự tin mới làm được như vậy.

    Thế nhưng, cuộc đời luôn tồn tại những điều bất ngờ. Tự tin là vậy, mạnh mẽ là vậy, nhưng Theresa May cuối cùng cũng gục ngã, giống như những gì bà từng nói: "Đôi khi, có những thứ bạn muốn xảy ra nhưng không xảy ra, có những điều bạn muốn làm nhưng chẳng thể làm được".

    Viethome (theo Trí Thức Trẻ)

  • Thủ tướng nước Anh Theresa May vừa tuyên bố, bà sẽ từ chức sau khi không thể có được sự ủng hộ cho kế hoạch Brexit của mình. Kể từ khi nhậm chức vào năm 2017, ngoài sự nghiệp chính trị, bà Theresa May còn gây ấn tượng bởi phong cách thời trang thời thượng.

    Nổi lên trên chính trường thế giới giữa cơn biến động Brexit của nước Anh, nhiều người kỳ vọng bà sẽ đưa đất nước vượt qua những xáo trộn khi rời khỏi EU. Tuy vậy, người ta cũng nói nhiều  về bà ở góc độ là một nữ chính khách có phong cách thời trang thời thượng.

    Trước khi lên nắm quyền Thủ tướng Anh, bà Theresa May là một tín đồ hàng hiệu, thường xuất hiện với vị trí khách mời danh dự trong các tuần lễ thời trang lớn trên thế giới.

    Là người phụ nữ quyền lực trong chính trường Anh, tủ quần áo nhiều phong cách của bà May thể hiện sự tự tin và tự hào cá nhân. Bà May cũng không né tránh những đôi giày cao gót hay những món đồ thời trang thiết kế thời thượng: “Tôi thích quần áo và tôi cũng thích những đôi giày. Một trong những thách thức đối với phụ nữ ở nơi làm việc là việc trở thành chính mình. Bạn có thể trở nên thông minh, sáng suốt hơn nhờ chính trang phục của mình”, bà Theresa phát biểu trong một Hội nghị thượng đỉnh phụ nữ năm 2016.

    Mặc dù vậy, công chúng vẫn đặc biệt chú ý khi bà tới tham dự lễ trao giải Pride of Britain trong một bộ váy thời trang và ngắn trên đầu gối một chút. Mặc dù không ít người có ý kiến chỉ trích nhưng các chuyên gia thời trang thì cho rằng, trang phục của bà Theresa vừa tinh tế vừa thú vị.

    Bà Theresa May tham dự lễ trao giải Pride of Britain với bộ váy gây tranh cãi. Ảnh: Vogue.

    Giống như nhiều phụ nữ quyền lực khác trong chính trường, trang phục của bà Theresa có sự tiết chế nhưng vẫn đầy cá tính.

    Đôi giày cao gót với họa tiết da báo mà bà Theresa đi khi tuyên thệ với tư cách là nhà lãnh đạo của nước Anh đã trở nên vô cùng hài hòa khi được kết hợp với một chiếc áo khoác màu sắc phù hợp. Đó cũng như một lời kêu gọi tất cả phụ nữ: Dưới ánh đèn sân khấu, hãy mặc những gì họ yêu thích.

    Nhiều phụ nữ ở tuổi 60 đã lựa chọn trang phục có vẻ đơn thuần, chú trọng vào yếu tố lịch sự, thanh lịch. Nhưng bà Theresa đã cho thấy, tuổi tác và công việc không ảnh hưởng đến sở thích thời trang của bà. Bà Theresa May không giới hạn mình trong những khuôn mẫu. Bà thường xuyên xuất hiện trong những trang phục màu sắc, kết hợp trang sức tạo báo nhưng hết sức ấn tượng. Bà đã cho thấy thời trang là một đam mê, giống như hơi thở của cuộc sống.

    Trả lời tạp chí Vogue, bà nói: “Hãy nhìn xem, trong suốt sự nghiệp chính trị của tôi, mọi người thường xuyên đánh giá về những gì tôi mặc. Nhưng điều đó không ngăn cản tôi ra ngoài và tận hưởng sở thích về thời trang của mình. Tôi cho rằng, điều quan trọng là có thể chứng minh một phụ nữ thông minh có thể hoàn thành tốt công việc của mình và vẫn theo đuổi được sở thích thời trang thú vị”.

    Bà May có một tình yêu đặc biệt với giày gót mèo và hoa văn da báo. Vì vậy mà tờ The Sun, từng cho đăng một bức ảnh chiếc giày khi công bố thông tin về “một nhân vật cầm quyền chủ chốt của nước Anh”. Các ý kiến đều tỏ ra rất thích thú với trang bìa này.

    Nếu so sánh thì hầu hết các nữ chính trị gia thế giới thường có lối ăn mặc khá cứng nhắc, thể hiện quyền lực qua trang phục. Còn bà Theresa May lại dường như cho cả thế giới thấy tình yêu của bà đối với thời trang. Đặc biệt là niềm đam mê với giày gót mèo và hoa văn da báo.

    Theo đánh giá của giới truyền thông, phong cách thời trang của bà May không hề có sự gượng ép để chứng tỏ bản thân. Với bà, thời trang đơn giản là một sở thích, cũng như nam giới thích bóng đá, vậy thôi. Vì thế, cách bà lựa chọn trang phụ không có tính chưng diện hay thể hiện quan điểm một cách thực dụng.

    Theo cây bút chuyên thời trang Sarah Harris của tạp chi Vogue: “Thời trang và chính trị chẳng mấy khi hòa hợp được với nhau. Tôi nghĩ một nữ Thủ tướng nhậm chức trong giai đoạn có khăn của nước Anh lại có một phong cách thảnh thơi, thanh lịch như bà May dường như là điều khó tin. Từ màu sắc cho đến hoa văn, từ váy cho đến quần áo… món nào bà cũng khiến nó hòa hợp với mình hoàn hảo. Đó là điều không phải phụ nữ nào cũng làm được”.

    Viethome (theo Trí Thức Trẻ)

  • Bà May nắm quyền sau khi người tiền nhiệm từ chức vì Brexit nhưng chính bế tắc về thỏa thuận Brexit đã khiến bà phải rời ghế.

    Năm 2016, bà Theresa May nhậm chức với mục tiêu là dẫn dắt Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU). Ba năm sau, Anh vẫn ở trong EU và thời gian bà May ở lại số 10 phố Downing sắp kết thúc. Ngày 24/5, bà tuyên bố sẽ từ chức lãnh đạo đảng Bảo thủ vào ngày 7/6. Bà sẽ giữ chức thủ tướng Anh cho đến khi đảng Bảo thủ chọn ra người kế nhiệm vào tháng 7.

    Bà May sinh ngày 1/10/1956 tại Eastbourne, thị trấn ven biển ở miền nam nước Anh. Từ năm 12 tuổi, bà đã có mong muốn trở thành chính trị gia. Bà tốt nghiệp Đại học Oxford trước khi được bầu vào quốc hội năm 1997.

    Theresa May trở thành chủ tịch đảng Bảo thủ vào năm 2002, gây ấn tượng khi nói tại hội nghị đảng thường niên rằng đảng Bảo thủ cần thay đổi hình ảnh "khó chịu" của mình nếu họ muốn vượt qua Công đảng của Thủ tướng Anh thời đó là Tony Blair. Tuy nhiên, bà May không phải là một người có tài ăn nói và vận động chính trị. Bà được dư luận Anh đặt biệt danh là Maybot - ghép tên bà với chữ robot để giễu cợt sự cứng nhắc của bà khi xuất hiện trước công chúng.

    Năm 2010 - 2016, bà giữ chức bộ trưởng nội vụ, chịu trách nhiệm các vấn đề biên giới, nhập cư, luật pháp và trật tự. Bà nhấn mạnh không dung thứ cho việc nhập cư bất hợp pháp.

    Năm 2016, Thủ tướng Anh David Cameron từ chức sau khi Anh trưng cầu dân ý, quyết định rời khỏi EU. Bà đã đánh bại các chính trị gia nổi tiếng hơn, bao gồm người dẫn đầu phong trào Brexit Boris Johnson để trở thành nữ thủ tướng thứ hai của Anh, sau Margaret Thatcher.

    Trong bài phát biểu đầu tiên với tư cách thủ tướng tháng 7/2016, May vạch ra chương trình nghị sự đầy tham vọng. Bà nói về việc giúp đỡ người nghèo, chiến đấu với những "bất công cháy âm ỉ" trong xã hội Anh. Tuy nhiên, bà không đạt được nhiều thành tựu vì vấn đề Brexit đã chiếm hầu hết thời gian làm việc của bà.

    Mặc dù từng vận động Anh ở lại EU, sau khi lên nắm quyền, bà May khẳng định sẽ không đảo ngược Brexit. Để giành được sự ủng hộ từ những người ủng hộ Brexit còn hoài nghi về bà, Theresa May nhấn mạnh Anh sẽ rời khỏi thị trường chung của khối và chấm dứt việc tự động cấp quyền cho công dân EU sống và làm việc ở Anh.

    Trong một thời gian ngắn, bà May đã khiến các phe phái trong nội bộ đảng Bảo thủ đoàn kết, sau nhiều thập niên họ bị chia rẽ về chính sách đối với châu Âu. Nhưng sau đó, bà tự đưa mình vào "ván cược" lớn bằng cách tổ chức bầu cử sớm vào tháng 6/2017, với mong muốn tăng số ghế đảng của mình tại quốc hội nhằm củng cố quyền lực của bà trong các cuộc đàm phán Brexit với EU.

    Quyết định này phản tác dụng, đảng Bảo thủ mất thế đa số ở quốc hội. Bà phải liên minh với 10 nhà lập pháp từ đảng Liên minh Dân chủ của Bắc Ireland để tiếp tục nắm quyền. Kể từ đó, bà phải mất nhiều công sức để duy trì mối quan hệ giữa hai đảng.

    Tháng 11/2018, Theresa May ký thỏa thuận Brexit với EU, đưa ra các điều khoản về sự ra đi của Anh và thiết lập một giai đoạn chuyển tiếp gần hai năm để hai bên xây dựng mối quan hệ trong tương lai.

    Thỏa thuận này cần được quốc hội Anh thông qua và đó là nơi "ác mộng" của Theresa May bắt đầu.

    Thỏa thuận mà bà ký với EU bị nhiều nghị sĩ phản đối. Một số người cho rằng Anh đã nhượng bộ quá nhiều và nó vẫn khiến Anh bị ràng buộc với các quy tắc của EU. Trong khi đó, các nghị sĩ thân EU muốn có một Brexit nhẹ nhàng hơn, vẫn duy trì mối quan hệ kinh tế chặt chẽ với khối.

    Hồi tháng một, thỏa thuận Brexit của bà May bị quốc hội Anh bác bỏ với tỷ lệ 432 phiếu chống và 230 phiếu thuận - thất bại lớn nhất của chính phủ trong lịch sử quốc hội Anh.

    Nữ thủ tướng không phải là người dễ dàng bỏ cuộc. Bà tiếp tục đưa thỏa thuận ra quốc hội thêm hai lần nhưng vẫn thất bại.

    Bà cố gắng đàm phán với Công đảng để đạt được thỏa hiệp, nhưng động thái đó làm các nghị sĩ trong đảng của bà phật lòng vì họ cho rằng bà nhượng bộ phe đối lập. Bà gợi ý để quốc hội Anh biểu quyết xem có nên tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý mới về việc đi hay ở EU hay không. Động thái này là "giọt nước tràn ly", khiến một lượng lớn thành viên đảng Bảo thủ cho rằng nữ thủ tướng cần rời ghế trước khi vấn đề Brexit ngã ngũ.

    Theresa May chống lại những lời kêu gọi từ chức và tiếp tục lên kế hoạch trình thỏa thuận Brexit ra quốc hội lần thứ tư. Tuy nhiên, áp lực cuối cùng trở nên không thể cưỡng lại. Ngày 24/5, bà thông báo kế hoạch từ chức sau gần ba năm cầm quyền. EU cho biết việc bà rời ghế sẽ không tạo ra thay đổi với các cuộc đàm phán Brexit.

    Nhiều chuyên gia chỉ trích bà May là một thủ tướng thất bại, không thể thực hiện được nhiệm vụ chính của mình. Nhưng bà cũng sẽ được nhớ đến là một lãnh đạo đối mặt với tình huống khó khăn ngay từ khi nhậm chức và đã cố gắng giữ vững quyết tâm.

    "Bà ấy kế thừa di sản tồi tệ từ người tiền nhiệm và bà ấy cũng đối phó với nó rất tệ", Steven Fielding, giáo sư lịch sử chính trị tại Đại học Nottingham, nói.

    Viethome (theo VnExpress)

  • Việc đi mua đồ được cho là cách Thủ tướng May chọn để giải tỏa tâm trạng sau bài phát biểu từ chức đầy nghẹn ngào. 

    Vài giờ sau khi tuyên bố từ chức, Thủ tướng Anh Theresa May được trông thấy xuất hiện cùng chồng là ông Philip tại siêu thị Waitrose ở London. Bà May cầm trên tay danh sách những thứ cần mua và đi qua các quầy hàng để lựa chọn.

    Một người mua hàng mô tả trông bà May "thoải mái và giản dị". Bà dường như còn tìm cơ hội "xả stress" bằng cách đi bộ qua các lối đi. Một người khác cho biết bà được hai vệ sĩ tháp tùng, trong khi ông Philip đẩy xe đựng đồ.

    Thủ tướng Anh có vẻ không bận tâm đến việc xuất hiện ở nơi công cộng sau khi tuyên bố từ chức. Kết thúc việc mua sắm, vợ chồng bà May lên xe về nhà.

    Thủ tướng Anh Theresa May đi siêu thị chiều 24/5, phía sau là ông Philip, chồng của bà. Ảnh: Twitter.

    Bà May hôm 24/5 tuyên bố sẽ từ chức lãnh đạo đảng Bảo thủ vào ngày 7/6 sau khi không thể đưa đất nước đạt thỏa thuận Brexit, hoàn thành việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU). Nổi tiếng là một chính trị gia cứng rắn, không bao giờ thể hiện cảm xúc, song trong bài phát biểu từ chức, bà May nhiều lần nghẹn ngào và không cầm được nước mắt.

    Các thành viên đảng Bảo thủ cho biết họ cảm thấy "buồn vì quyết định của Thủ tướng May nhưng hiểu lý do bà từ chức", đồng thời gửi lời cảm ơn những đóng góp của bà. Chủ tịch đảng Bảo thủ Brandon Lewis thông báo người kế nhiệm bà May sẽ được chọn vào ngày 20/7. 

    Vợ chồng bà May trong siêu thị Waitrose chiều 24/5. Ảnh: Twitter

    Viethome (theo VnExpress)