• Mạng xã hội Trung Quốc xôn xao về câu chuyện của một du học sinh bị sốc văn hóa và không tìm được bạn gái, nên đã phải bỏ vội về nước.

    Trương Ninh sinh ra trong một gia đình bình thường ở Trung Quốc. Bố mẹ Trương Ninh luôn muốn con có một tương lai tươi sáng, có thể mở rộng tầm nhìn và thay đổi vận mệnh, nên họ quyết định cho con sang Anh du học.

    Tuy nhiên, sau khi sang Anh một thời gian, nam sinh này bị sốc văn hóa. Trước đó, Trương Ninh được bác sĩ chẩn đoán mắc chứng tự kỷ. Vì vậy, nam sinh này gặp khó khăn lớn trong giao tiếp xã hội và tương tác với mọi người xung quanh. 

    Mặc dù vậy, Trương Ninh vẫn hy vọng tìm được một người bạn gái để vơi đi nỗi cô đơn. Ở một đất nước xa lạ như Vương quốc Anh, sự khác biệt về ngôn ngữ và văn hóa khiến Trương Ninh không thể tìm được một người phù hợp.

    du hoc sinh buon ba

    Dần dần, nam sinh này cảm thấy chán nản, cô đơn và bắt đầu có sự thay đổi về tính cách. Tuy nhiên, đây không phải là vấn đề duy nhất mà Trương Ninh gặp phải. Ở một đất nước xa lạ, không có người thân, Trương Ninh cũng gặp nhiều khó khăn, trở ngại trong học tập và cuộc sống.

    Ở lớp, Trương Ninh bị cô lập, không nhận được sự thông cảm và giúp đỡ của bạn bè, giáo viên. Đồng thời, với tính cách nhút nhát, thiếu tự tin, Trương Ninh cũng khó thích nghi với môi trường, cuộc sống mới.

    Cuối cùng, nam sinh này đã phải bỏ về nước vì vừa cô đơn, sốc văn hóa, vừa không thể tốt nghiệp do chưa hoàn thành các môn học. Quãng thời gian ở du học ở Anh khiến Trương Ninh trở nên khép kín và cô độc hơn. 

    Sau câu chuyện này, nhiều bậc phụ huynh cho rằng: "Đối với những du học sinh, bị mắc bệnh tự kỷ như Trương Ninh, thầy cô, bạn bè cần xây dựng một môi trường học tập thân thiện và hòa nhập để các em có thêm trải nghiệm".

    Có phụ huynh còn cho rằng: "Nếu có thể, các trường học cũng nên quan tâm đến sức khỏe, tâm lý, tinh thần của du học sinh. Cung cấp cho họ những dịch vụ tư vấn, điều trị tâm lý tốt, để các em vượt qua khó khăn, thực hiện ước mơ".

    Ngoài ra, các trường học cũng nên tuyên truyền và giáo dục cho học sinh hiểu được cuộc sống và khó khăn của những người bị tự kỷ và các tình trạng đặc biệt khác. Điều này sẽ giúp học sinh hiểu và giúp đỡ họ nhiều hơn, để mọi người đều có cơ hội bình đẳng, tôn trọng nhau.

    Theo Vietnamnet

  • TS Tô Thanh Phương, PGĐ Bệnh viện Tâm thần trung ương 1 (Hà Nội), cho biết ông đã từng chứng kiến nhiều phụ huynh đưa con vào điều trị vì hóa điên sau khi đi du học.

    TS Phương kể ông vừa điều trị cho bệnh nhân bị trầm cảm nặng sau khi đi du học Mỹ. Nữ sinh này tên Hà Linh (tên nhân vật đã thay đổi) sinh ra và lớn lên ở Hà Nội. Bố mẹ Hà Linh là chủ vựa thực phẩm, đồ khô. Kinh tế gia đình khá giả, con gái học hành giỏi là niềm tự hào của cha mẹ.

    du hoc sinh phat dien vi tinh

    Hà Linh tự tìm được học bổng và cô được cha mẹ cho đi du học từ khi học xong lớp 12. Những tháng ngày sang Mỹ, Hà Linh còn bỡ ngỡ rất nhiều nhưng được gia đình ở quê hương động viên và bản thân Linh cũng cho rằng mình là đứa con duy nhất trong dòng họ có thành tích học tập cao như vậy.

    Hai năm đầu, Linh nhớ nhà, buồn bã vì phải xa gia đình. Mỗi dịp Tết, cô lại nhớ nhà, muốn về nhà, thèm về quê ăn Tết. Bố mẹ Linh tìm mọi cách gửi những món quà sang cho con gái và không quên động viên cô là niềm tự hào của cả gia đình.

    Sang bên Mỹ, phương pháp học hành khác, bạn khác, môi trường khác. Ở Hà Nội, Hà Linh quen với cảm giác ồn ào, sôi nổi thì bên Mỹ là môi trường yên tĩnh, rời trường về cô chẳng biết làm gì. Muốn cười to cũng sợ bị ảnh hưởng tới người khác.

    Linh yêu chàng trai ngoại quốc. Linh nghĩ sẽ vun đắp cho tình yêu của mình và cô hy sinh tất cả cho tình yêu. Sau một năm yêu nhau, bạn trai của Linh cho rằng hai người không hợp, vậy là cô và bạn trai đường ai nấy đi.

    Cú sốc tan vỡ tình yêu và những buồn tẻ, cuộc sống nhạt nhẽo, không có người chia sẻ, Hà Linh rơi vào trạng thái trầm cảm. Ban đầu, cô mất ngủ liên miên, ăn uống chán. Hà Linh không ngủ được. Kỳ nghỉ hè năm đó về Hà Nội, thấy con khác, bố mẹ gặng hỏi Linh chỉ nói do học hành áp lực.

    Mẹ cô nhanh chóng là thủ lĩnh tinh thần cho con gái nhưng khoảng trống cô đơn ở xứ người không thể ai bù đắp. Từ cô gái nhanh nhẹn, Linh trở thành người lầm lì, ít nói. Bạn bè thấy Linh thay đổi, bố mẹ cô cũng cảm thấy không yên tâm về con gái.

    Họ sang Mỹ thăm và muốn đưa Linh về nước nhưng cô gái không về. Linh xin bố mẹ ở lại học tiếp. Tuy nhiên, 3 tháng sau, gia đình lại nhận được tin con gái dùng dao rọc giấy cắt vào mạch tay tự tử. Bố mẹ Linh lại tức tốc sang Mỹ chăm sóc cho con. Vết thương cả mấy tháng mới lành nhưng tổn thương về tinh thần của Linh không bao giờ hết.

    Sau khi điều trị tạm ổn, Linh ở lại Mỹ đi học tiếp và 6 tháng sau, cô khiến bạn bè tá hỏa khi tự tử bằng thuốc cảm. Thời điểm cấp cứu, bác sĩ phỏng đoán cô đã uống số lượng lớn thuốc. Lúc này, bố cô sang Mỹ một lần nữa, cho con nhập viện điều trị suốt 3 tháng, viện phí lên tới cả trăm nghìn đô la nhưng tình hình không khả quan.

    Linh luôn muốn tìm đến cái chết. Điều này khiến bố mẹ cô lo lắng nên đưa con về quê chữa bệnh. Ở Mỹ, chữa trầm cảm chi phí sẽ rất lớn và bất đồng ngôn ngữ đôi khi cũng khó có hiệu quả cao.

    Tìm đến bác sĩ Phương, bố của Linh hy vọng con có thể trở thành cô gái bình thường. Ông không cần con học giỏi, không cần con phải đi du học.

    Bố mẹ của Linh luôn hối tiếc. Nếu ở Việt Nam, cô bị thất tình chắc chắn cũng không đến mức hóa điên vì vẫn còn gia đình, bạn bè còn sang xứ người cô trở nên cô đơn, lạc lõng rồi mắc trầm cảm.

    Bác sĩ Phương cho biết hiện nay, bệnh nhân được điều trị trầm cảm bằng phương pháp kích từ xuyên sọ, sử dụng thuốc đúng phác đồ điều trị. Gia đình của Linh thương con gái và luôn mong muốn con khỏi bệnh. Bác sĩ cũng tư vấn kỹ các yếu tố từ gia đình, bạn bè rất quan trong. Được sự động viên, khích lệ của gia đình, sức khỏe Linh cải thiện hơn. Con đường quay về Mỹ du học Linh cho rằng cần có thời gian và cô sợ cảm giác cô đơn ở Mỹ.

    Theo Infonet

  • Trước khi đi du học, chàng trai hứa với cô gái rằng sau hai năm đi du học, anh sẽ trở về đỡ đần cho cô. Thế nhưng vừa đặt chân lên đất nước lạ, anh chàng ngay lập tức có người mới và bỏ quên một người vẫn đang chờ mình.

    Chuyện “xa mặt cách lòng” không còn xa lạ gì trong tình yêu. Đó chính là một trong những lý do ít có cặp đôi nào có thể yêu xa bền vững. Tuy nhiên, chia tay thì cũng cần thời gian, “cách lòng” cũng phải có quá trình. Chứ hiếm có trường hợp nào vừa đặt chân lên nước bạn để du học thì đã ngay lập tức “thay” bạn gái như anh chàng dưới đây.

    Theo lời kể của cô nàng bị phụ bạc, ngày tiễn người yêu ra sân bay, trước khi đi, anh chàng nhắn tin và hứa rất nhiều điều khiến cô tin tưởng vào một tình yêu cổ tích. Không chỉ nói rằng kiếm bằng nước ngoài về sẽ tìm việc lương cao để để đỡ đần cô đỡ vất vả, sẽ gánh vác người yêu đến hết cuộc đời. Anh chàng còn dặn “Em ở nhà ngoan nhé, hai năm nhanh thôi mà. Anh hứa dù ở bất cứ đâu thì tình cảm của anh vẫn không thay đổi".

    Lời hứa của chàng trai trước khi đi du học.

    Thế nhưng vừa sang đến nơi, anh chàng đã đăng hình ảnh ôm ấp một cô gái lạ mặt. Thậm chí anh chàng còn không trả lời tin nhắn của bạn gái. Tìm hiểu qua bạn bè, cô nàng ngỡ ngàng khi biết mình bị cắm sừng trước ngày anh chàng đi du học cả tháng. “Nhờ bạn bè anh thì em mới biết, anh quen cô gái kia cả tháng trời trước khi đi, em thì cứ nghĩ anh bận rộn nhập học, dọn chỗ ở mới. Vậy đấy, em cứ ngu ngơ tin anh mà không biết nước xa thì làm sao cứu nổi lửa gần, anh nhỉ?”.

    Và đây là bạn gái mới, sáng mắt chưa?

    Tâm sự của cô nàng sau khi được chia sẻ trên mạng xã hội đã nhận được phản hồi từ rất nhiều cư dân mạng. Đa số đều khuyên bảo cô nàng đừng buồn vì người đàn ông đó không đáng để cô phải bận tâm. Bên cạnh đó, các cư dân mạng cũng lên án sự giả tạo của “con ma nhà họ hứa” này. Dù đã cắm sừng bạn gái từ trước, anh chàng vẫn nói dối và hứa không chớp mắt khiến nhiều người bất bình.

    Bình luận của CĐM Cộng đồng mạng phẫn nộ vì sự sở khanh của anh chàng du học sinh.

    Hiện tại, nhiều cư dân mạng vẫn đang lục tung mạng xã hội, tìm kiếm thông tin chàng trai họ Sở tên Khanh kia để “khẩu nghiệp” đúng người.

    Theo Thế Giới Trẻ

  • Cách ngày sang Mỹ không lâu, Quang Vinh chạm mặt Thanh Thảo trên một con phố Hội An, ngay lập tức anh nhớ ra một bóng hình quen thuộc.Hơn 9 năm sau cái lần họ tình cờ gặp lại nhưng Quang Vinh vẫn còn nhớ như in hình bóng của vợ anh – Thanh Thảo – ngày hôm đó.

    “Bữa ấy là chiều hè, mình đang đi đá bóng thì tình cờ thấy một cô gái lướt qua. Cô ấy đi xe mặc áo đen và lướt qua rất nhanh, nhưng vì con ngõ rộng chỉ cỡ 2 m nên hai đứa gần như chạm mặt nhau. Ngay khi nhìn thấy, mình đã có cảm giác quen thuộc, rồi nghĩ đây có thể chính là người bạn gái cùng khu phố năm xưa”, Quang Vinh, 28 tuổi, đang kinh doanh khách sạn, chia sẻ.

    Ngày xưa nhà Vinh và Thảo đều trên một con phố, cách nhau chỉ 50 m nên hai người chơi thân với nhau. Trên lớp, họ thường được ghép thành một cặp mỗi khi diễn văn nghệ và có rất nhiều ảnh chụp chung. Đến năm học lớp 3, Thảo theo mẹ chuyển công tác đi nơi khác và mất liên lạc từ đó.


    Vinh và Thảo (áo vàng) ngoài cùng bên trái trong một bức ảnh năm 3 tuổi.

    Nhà Vinh có một cuốn album to và cả nhà thường quây quần xem lại ảnh những năm tháng đã qua. Trong cuốn album gia đình anh có tới 5 bức chụp với Thảo từ cái thuở lên ba.

    10 năm sau, Thảo quay lại Hội An theo học Đại học Phan Châu Trinh, khi đó Vinh chuẩn bị sang Mỹ du học, ngành kiến trúc. “Từ giây phút chạm mặt, mình đã bị rung động, nhưng không phải vì vẻ ngoài mà bởi một cảm giác vô cùng thân thuộc. Chính cảm giác ấy đã thôi thúc mình phải gặp lại”, Vinh tâm sự.

    Vài ngày sau, chàng trai trẻ phát hiện một khuôn mặt rất quen trong danh sách bạn bè trên blog của một người bạn. Vinh tìm ra được nick Yahoo và kết bạn với Thảo.

    Trái với Vinh, Thảo không mảy may nhận ra dù lướt qua nhau rất gần. Cho đến khi anh kết bạn và giới thiệu về mình thì cô mới nhớ được. Họ nói chuyện vài ngày thì Vinh nhân danh “lớp trưởng mẫu giáo” kêu gọi một buổi “họp lớp” để được gặp mặt Thảo.

    10 năm gặp lại, Vinh vẫn là cậu bé dong dỏng năm xưa, thu hút Thảo bởi sự hiểu biết, độc lập. Thảo đã lớn thành cô gái xinh xắn. Cô kể, đợt gặp nhau đó đang là nghỉ hè nên Vinh thường sang nhà cô chơi. Nhiều bữa Vinh ngồi từ sáng tới chiều, đến mức anh trai Thảo phải đuổi khéo.

    Nhờ những buổi nói chuyện nhiều như vậy, tình cảm của họ lớn lên trong mùa hoa giấy nở rộ phố cổ Hội An, nhưng lời yêu thì chưa ai dám nói.


    Vinh chia sẻ chuyện tình từ thời mẫu giáo lên Facebook để “câu like”, phần thưởng đổi lại là được đi đá bóng. 

    Mỗi lúc bên nhau, Thảo hay hỏi ‘Khi nào Vinh đi’. Vinh hay nói “Chờ phỏng vấn tiếng Anh có kết quả”. Càng ngày Vinh nhận ra Thảo sẽ ít nói hơn mỗi khi anh đáp vậy. Trong lòng Vinh cũng nhói lên mỗi khi nghĩ sẽ phải xa người bạn này.

    “Bình thường hai đứa đi chơi, cô ấy không ôm mình đâu vì chưa chắc chắn mà. Một buổi chiều cuối tháng 12, cô ấy hỏi: ‘Khi nào Vinh đi’. Mình đáp: ‘Vinh không đi nữa’. Cô ấy ngạc nhiên lắm, rồi cô ấy lo lắng vì mình ngược ý gia đình. Mình bày tỏ: ‘Anh muốn ở lại tự kiếm việc làm thay vì qua Mỹ học để ba mẹ ở nhà tốn kém nhiều. Mà quan trọng nhất là… tiếp tục chuyện tình này'”, Vinh thuật lại, vẫn còn cảm giác bồi hồi.

    Khoảnh khắc nghe thấy câu đó, trong lòng Thảo trào dâng hạnh phúc, vì cô biết chàng trai ngồi trước đang tỏ tình với mình. Cô nhẹ nhàng vòng tay ôm anh, thay cho lời đáp lại.

    Quyết định này của Vinh vấp phải sự phản đối của ba mẹ, nhưng là một chàng trai có định hướng rõ ràng, Vinh nhanh chóng thuyết phục mọi người. Ngay sau đó, anh theo học cấp tốc ngành quản lý khách sạn và theo nghiệp du lịch từ đó. Thảo sau khi tốt nghiệp làm tại Trung tâm văn hóa thành phố Hội An. Tình yêu của họ nhẹ nhàng mà sâu sắc theo năm tháng, với sự ủng hộ tuyệt đối từ hai bên gia đình.

    Đôi uyên ương kết hôn cũng vào mùa hoa giấy năm 2012. Trong đám cưới, ngoài trưng ảnh cưới, chú rể còn đặt những bức hình thuở nhỏ với cô dâu trên bàn. “Buổi tiệc hôm đó là ngày vui nhất đời hai vợ chồng mình. Bạn bè đông đủ hết và còn tham gia hát mừng”, Quang Vinh chia sẻ.


    Đôi vợ chồng không hề lo lắng khi giận nhau vì không ai để bụng, không ai suy diễn mà luôn đối thoại thẳng thắn.

    Như được sinh ra dành cho nhau, những suy nghĩ của Vinh và Thảo đều rất tương đồng. Họ còn có vẻ ngoài, thần thái giống nhau tới mức vô số lần ra đường bị hỏi là “anh em sinh đôi à”.

    “Vợ chồng mình tôn trọng quyền riêng tư và tôn trọng đối phương, bất cứ trường hợp nào cũng không làm mất mặt nhau ở chỗ đông người. Ngay cả ba mẹ chồng sống chung nhà cũng không biết lúc nào 2 vợ chồng mình có xích mích hay cãi vã”, Thanh Thảo chia sẻ.
    Thanh Thảo cho biết thêm, Vinh không rượu chè, cờ bạc hay các tật xấu khác. Có điều anh đam mê vô hạn với đá bóng. Gần như ngày nào anh cũng đi đá bóng và xem bóng đá. Bình thường chị rất thoải mái, ủng hộ chồng, nhưng có những lần chồng xem nhiều, ít ngủ hoặc anh đi đá bóng khi trong nhà bận bịu thì chị phàn nàn.

    “Anh ấy ham bóng đá bao nhiêu thì cũng có tới 1001 chiêu nịnh vợ bấy nhiêu. Ngoài nịnh, anh ấy còn dùng các chiêu tặng quà, chọc cười vợ, chỉ để đổi lại là có được nụ cười thoải mái của vợ mỗi lúc đi đá bóng”, Thảo chia sẻ.

    Một tuổi thơ êm đềm, một tình yêu dịu nhẹ và một cuộc hôn nhân bền vững, Vinh và Thảo thấy may mắn khi được sinh ra để dành cho nhau. Đôi vợ chồng đã có con trai 4 tuổi. Họ dự định năm tới sẽ sinh thêm con, khi công việc kinh doanh của Vinh đi vào ổn định. 

    VietHome (theo VnExpress)