• Từng coi lan đột biến là mớ rau muống, nhưng khi thấy họ hàng thu lãi từ lan chỉ sau vài ngày, anh Ngọc quyết định bán đất, thậm chí vay thêm để tất tay vào lan.

    Anh Đình Ngọc (sinh năm 1995) sau hơn một năm thua lỗ tiền tỷ vì lan đột biến được bố mẹ ruột trả nợ giúp, song còn nợ khoảng 400 triệu đồng. Hiện anh đứng trước cảnh mất tiền, mất vợ vì lan.

    Từng nghĩ lan đột biến chỉ là mớ rau muống

    Anh Ngọc kể trước đây chưa từng quan tâm đến lan, cả khi thấy mọi người xung quanh nói về lan thì cũng chỉ coi đây như rau muống: "Ai cảm thấy ngon thì ăn chứ làm gì có giá trị thế".

    Bước ngoặt đến với anh Ngọc vào năm 2021. Tết năm ấy, người cậu nhà nội dẫn anh lên một vườn lan, chứng kiến người mua ra vào tấp nập, anh bỗng thấy hứng thú và về kể với vợ.

    Tuy nhiên, phải đến khi người cậu vay tiền mẹ anh để mua lan, chỉ vài ngày sau đã trả cả gốc lẫn lãi, đồng thời kể cho mẹ anh về cách kiếm lời bằng lan, mẹ anh khi nhận được tiền cũng bảo anh thử tìm hiểu xem. "Hình như lan có giá trị thật con ạ", anh Ngọc được mẹ ủng hộ.

    Anh chủ động lên mạng tìm hiểu. "Tôi thấy giá mỗi ngày lên một khúc, nên cũng tham và thầm nghĩ mình thử vào chơi thật, đánh nhanh rút gọn xem thế nào", anh bộc bạch.

    lan dot bien
    Những cây lan đột biến trước đây từng được hét giá hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỷ đồng một cm song giờ bị rao bán lan hạ giá 50.000-100.000 đồng (Ảnh: Facebook).

    Lần đầu chơi lan đột biến, anh Ngọc thực sự đã có lời. Chi gần 600 triệu đồng vào lan để mua qua bán lại, sau khoảng một tháng, số tiền tăng lên gấp rưỡi.

    Nhưng có khoản lãi này cũng là lúc biến cố ập tới khi lan đột biến đánh vào lòng tham người chơi. "Tôi nói với vợ cố gắng vào 2 tháng rồi rút là mình có tiền, lan lên nhanh lắm. Cuối cùng, 2 vợ chồng thống nhất bán hết đất, được hơn 2 tỷ đồng để rót vào lan", anh kể.

    Số tiền lớn, nhưng cùng lúc đó, họ hàng đằng nội nhà anh cũng cấp tập vay "nóng" nhiều chỗ để vào lan. "Tôi bảo làm vậy nguy hiểm thì họ bảo lo gì, giờ vào 5 tỷ đồng, khoảng 2 tháng nữa lên 10 tỷ đồng là chuyện thường", anh Ngọc nhắc lại câu chuyện cũ.

    "Mỗi ngày chú gọi cho tôi mười mấy cuộc, bảo lan của chú lên bằng này, giá bằng này. Tôi nghe mà ham, đánh mất chính mình lúc nào không hay. Lúc đầu tôi khẳng định cây này không có giá trị mà sau đó tôi đi vay thêm gần 2 tỷ đồng nữa. Tổng cộng, tôi vào lan hơn 4 tỷ đồng", anh chua xót.

    ... nhưng lại mất tiền, mất vợ vì lan

    Đúng một tháng sau, lan đột biến xuống giá.

    Anh Ngọc kể, khi ấy là thời điểm dịp lễ 30/4-1/5, dịch Covid-19 bùng phát ở TPHCM, muốn bán cắt lỗ cũng không được vì không có người mua. Vậy là ngoài mất trắng số tiền 2 tỷ đồng từ bán đất, anh Ngọc còn gánh thêm khoản nợ 2 tỷ đồng.

    Anh chia sẻ: "Khi ấy vợ chồng tôi động viên nhau là nhà vẫn còn điều kiện, bố mẹ có tiền hỗ trợ nên không lo lắng".

    Đến năm 2022, khi thấy lan đột biến xuống giá thảm khốc, các chú đằng nội gia đình anh Ngọc lại một lần nữa đua nhau "bắt đáy". "Tôi lại lấy thêm 400 triệu vào tiếp, rồi lại mất hết, tổng là nợ hơn 2 tỷ đồng. Tôi ham quá nên số tiền ấy là vay ngoài với lãi suất cao", anh đau xót.

    Lãi suất cao, anh Ngọc báo bố mẹ vợ với mong muốn vay tiền, nhưng họ không thể giúp. Chưa kể, anh Ngọc có lương 10 triệu đồng, còn vợ là 8 triệu đồng, đồng thời phải nuôi thêm một con, nên bố mẹ vợ đánh giá vợ chồng anh không có khả năng trả nợ.

    Vợ anh Ngọc cũng gọi điện cho họ hàng nhà ngoại để vay tiền, nhưng bị từ chối. Từ đó, 2 bên xích mích.

    Bố mẹ ruột có điều kiện nên đã hỗ trợ anh Ngọc trả nợ, hiện còn khoảng 400 triệu đồng để cho anh tự trả nốt. "Nhưng bố mẹ vợ tôi cương quyết nếu vợ chọn tôi thì phải bỏ họ, còn chọn họ đồng nghĩa phải bỏ tôi", anh đau lòng.

    "Bố mẹ vợ chỉ muốn có người con trai thành công và ép vợ tôi ly hôn", anh chua chát nói và cho biết sẽ cố gắng làm việc để trả hết số nợ rồi đón vợ về. Anh cũng không còn hy vọng lấy lại những gì đã mất và cũng quyết không bao giờ xuống tiền cho lan nữa.

    Thời điểm đầu năm 2021, thị trường xuất hiện những giao dịch lan đột biến trên khắp cả nước. Các thương vụ được livestream rầm rộ, với số tiền thông báo lên tới hàng chục tỷ đồng.

    Tùy vào đặc điểm màu của cánh, mắt, lưỡi hoa, nhà vườn, địa điểm phát hiện, giới chơi cây đặt cho lan những cái tên như 5 cánh trắng Phú Thọ, 5 cánh trắng HO, Bạch Tuyết, Ngọc Sơn Cước... Không ít hộ dân vay nợ, chi hàng tỷ đồng đầu tư vào lan đột biến với hy vọng đổi đời. Tuy nhiên lan đột biến dần hết thời, bị hạ giá thấp hơn hàng nghìn lần, ế chỏng chơ.

    Tổng cục Thuế từng phải vào cuộc bằng cách phối hợp với các cơ quan chuyên ngành để xác minh thực tế và đưa ra hàng loạt quy định để thu thuế, quản lý hoạt động giao dịch lan đột biến.

    Công an tại nhiều tỉnh cũng ra khuyến cáo người dân cần tỉnh táo, tìm hiểu kỹ thông tin về giá cả, mặt hàng trước âm mưu, thủ đoạn của các đối tượng lợi dụng hoạt động mua bán lan đột biến gen nhằm mục đích trục lợi, lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

    Đơn vị chức năng cũng cảnh báo dấu hiệu lừa đảo liên quan đến các giao dịch mua, bán lan đột biến gen nhằm trục lợi.

    Các chi nhánh ngân hàng, tổ chức tín dụng trên địa bàn một số tỉnh cũng được yêu cầu phải chấn chỉnh hoạt động cho vay các giao dịch có nguy cơ rủi ro cao, nhất là có liên quan đến yếu tố lan đột biến.

    Theo Dân Trí

  • Suốt nhiều thập niên, Hoover (công ty gia dụng Mỹ hiện diện từ lâu ở Anh) gần như không có đối thủ.

    Tuy nhiên, đến thập niên 80 khi Vương quốc Anh sắp bị suy thoái kinh tế, Hoover bắt đầu chịu cạnh tranh gay gắt, buộc phải tìm cách đối phó. 

    Lợi nhuận của hãng trong giai đoạn 1987 - 1992 giảm từ 147 triệu USD xuống còn 74 triệu USD, hàng tồn kho chất đống, nửa thị phần của Hoover ở Anh lung lay dữ dội.

    khuyen mai khung
    Chương trình khuyến mãi khủng của Hoover và JSI.

    Chiêu trò kinh doanh

    Cùng thời điểm đó, một hãng lữ hành tên là JSI Travel cũng chịu sức ép suy thoái kinh tế và cạnh tranh khắc nghiệt tương tự như thương hiệu đồ gia dụng và đang tìm cách bán tháo những chuyến bay giá rẻ.

    Đầu năm 1991, JSI Travel tiếp cận Hoover và đề xuất một ý tưởng táo bạo: Bất kỳ khách nào chi hơn 100 Bảng Anh (tương đương 250 đôla Mỹ ngày nay) mua hàng của Hoover sẽ được tặng hai vé khứ hồi du lịch ở một địa điểm của châu Âu. Thoạt nghe thì dường như hai bên cùng có lợi trong chương trình khuyến mãi này: Hoover dọn bớt hàng tồn kho, JSI Travel tiếp tục kinh doanh vé máy bay, và doanh số hai bên sẽ cải thiện đáng kể.

    Tuy nhiên, Hoover vẫn còn nhận thức được rằng nếu mọi người đổ xô mua hàng để nhận khuyến mãi thì hãng sẽ gặp rắc rối to cả trong khâu tiếp thị lẫn cung ứng. Vì vậy, hãng làm cho thể lệ trở nên thật rườm rà để hạn chế số khách hợp lệ. Với thể lệ rối rắm đó, kho hàng của Hoover sớm trở nên trống trải và dự báo doanh số trở nên tích cực hơn mà không phải chi nhiều tiền trả khuyến mãi. Vì thế, hãng quyết định mở rộng cơ cấu giải thưởng sang… những chuyến bay đến Mỹ.

    Ngắn chẳng tày gang

    Bây giờ, với một hóa đơn mua hàng Hoover trị giá tối thiểu 100 Bảng Anh, khách sẽ có được một gói du lịch Mỹ trị giá 600 Bảng Anh (hay 1.355 USD ngày nay).

    Ngay lập tức, các chuyên gia thẩm định rủi ro thời điểm đó cảnh báo Hoover về thảm cảnh kinh doanh khủng khiếp có thể xảy ra với hãng - một nhà tư vấn thậm chí từ chối hỗ trợ hãng sau khi xem xét chi tiết chương trình khuyến mãi và tính toán khả năng thành công của nó trên thực tế.

    Mặc dù vậy, Hoover gạt phăng những cảnh báo đó và vẫn tiếp tục chạy, vì họ cho rằng có rất ít khách chịu thực hiện theo thể lệ để nhận được chuyến bay. Hơn nữa, mỗi khách sẽ chi nhiều gấp bội so với con số 100 Bảng Anh, qua đó bù lại chi phí.

    Tình hình lúc đầu đúng như dự đoán của Hoover khi khách tranh nhau mua món đồ Hoover rẻ nhất họ tìm thấy, tạo nên cảnh hỗn loạn khắp các trung tâm thương mại ở Anh. Các cửa hàng hết veo loại máy hút bụi giá 119,99 Bảng Anh ngay giữa mùa suy thoái kinh tế.

    Vỡ mộng

    Qua thực tế mua sắm sau khi chương trình chạy một thời gian, Hoover chợt nhận ra cả hai nhận định của họ đều trật lất: Thứ nhất, doanh số (cùng với đó là số chuyến bay khuyến mãi) cao gấp 10 lần dự báo của hãng - ước tính 300 nghìn khách mua hàng hợp lệ, đồng nghĩa với 600 nghìn vé mà Hoover cần chi trả. Thứ hai, khách không hề chi quá nhiều so với ngưỡng 100 Bảng Anh.

    Mọi tính toán đều bất lợi cho Hoover: Tổng doanh thu từ khuyến mãi (chưa tính chi phí) chỉ có 30 triệu Bảng Anh, trong khi tiền vé máy bay “chém đẹp” Hoover hơn 100 triệu Bảng Anh.

    Trước những con số nhảy múa như vậy, Hoover làm mọi cách để “ngăn” khách đạt khuyến mãi: hãng thông báo hàng ngàn khách đã điền sai thông tin trong đơn đăng ký, gửi khách những chuyến bay có điểm khởi hành cách nhà họ hàng trăm km. Thậm chí những khách làm đúng theo thể lệ thì được thông báo là đơn của họ “bị thất lạc”,…

    Nhưng rồi tin tức rằng chưa một chuyến bay khuyến mãi nào đến tay khách hàng khiến hàng ngàn người tiêu dùng nổi giận vào cuộc. Một tổ chức dân sự đã được thành lập nhằm buộc Hoover chịu trách nhiệm cho những gì hãng đã hứa hẹn và thu hút hơn 4.000 thành viên từ tiến sĩ cho đến người nuôi lợn.

    Sụp đổ

    Khi khủng hoảng khuyến mãi xuất hiện trên các trang tin quốc tế, Hoover lại tìm cách để quy trách nhiệm cho một nhóm nhân viên, hãng bay, và các đối tác lữ hành. Hoover sa thải Giám đốc Chi nhánh ở Vương quốc Anh cùng hai quan chức cấp điều hành tiếp thị có liên quan đến chiến dịch khuyến mãi; đồng thời hãng công bố kế hoạch đầu tư 20 triệu Bảng Anh cho “quỹ chuyến bay miễn phí”.

    Tuy nhiên, đến cuối năm 1993, Hoover báo lỗ tới 23,6 triệu Bảng Anh trong tổng doanh thu 390 triệu Bảng Anh. Tập đoàn mẹ của Hoover châu Âu là Maytag phải chi 72 triệu Bảng Anh tiền vé máy bay để tặng thưởng cho khoảng 220 nghìn khách hàng, trong khi vẫn còn 300-350 nghìn khách chưa hề nhận quà khuyến mãi.

    Đến năm 1995, Hoover châu Âu rệu rã đến mức bị bán lại cho Candy, một đối thủ từ Ý, với giá lỗ 81 triệu Bảng Anh, thị phần giảm từ một nửa ở thời đỉnh cao xuống chỉ còn 10%, sản phẩm bị đánh giá là “kém tin cậy nhất”, và thương hiệu bị gạch khỏi danh sách các thương hiệu cung cấp hàng cho Hoàng gia Anh. Tệ hơn nữa, một đống hàng Hoover “mua chỉ để lấy khuyến mãi” ngập tràn thị trường, khiến hãng không thể bán được hàng mới.

    Theo diendandoanhnghiep

  • Trong 30 năm, Crispin Odey là nhân vật nổi tiếng trong giới tài chính của London, ông trùm tài chính với những vụ cá cược lớn nhưng đứng trước nguy cơ giải thể, sau những cáo buộc về quấy rối tình dục.

    lao doc vi gai 1

    Nhà đầu tư rút vốn

    Công ty đầu tư Odey Asset Management cho biết hôm 15-6 rằng họ đang đàm phán để chuyển tiền và nhân viên sang các công ty khác. Lý do, theo công ty, là “một số hoạt động quản lý đầu tư của công ty bị ảnh hưởng bởi các sự kiện gần đây”. Odey Asset Management cho biết sẽ đóng cửa một trong các quỹ của mình và ngăn các nhà đầu tư ồ ạt rút tiền trong các quỹ khác.

    Động thái này được xem giống với việc ngân hàng nỗ lực ngăn khách hàng rút tiền đồng loạt. Không rõ số tiền còn lại tại Odey Asset Management, nhưng vào đầu năm, công ty cho biết đang quản lý 4,9 tỷ USD.

    Tình trạng này bắt đầu từ ngày 8-6, sau khi tờ The Financial Times đưa thông tin 13 phụ nữ cáo buộc ông Odey đã tấn công tình dục hoặc lạm dụng họ tại văn phòng của công ty ở Mayfair, trong ngôi nhà phố của ông ở London và tại biệt thự của ông ở miền Tây nước Anh… Bài báo cũng tiết lộ một cuộc điều tra vào năm 2021 cho thấy Odey có hành động không phù hợp với phụ nữ. Trước các cáo buộc mới nhất, Odey Asset Management cho biết họ sẽ xử lý “cực kỳ nghiêm túc” với “các thủ tục chặt chẽ” để tuân thủ luật pháp và các quy định tài chính.

    Odey Asset Management đang trong tình trạng hỗn loạn khi khách hàng rút tiền đầu tư và các nhà môi giới chính cắt đứt quan hệ, sau những cáo buộc về hành vi sai trái tình dục đối với người sáng lập Crispin Odey.

    Trong vòng 2 ngày kể từ khi bài báo được xuất bản, công ty cho biết đã loại ông Odey khỏi quan hệ đối tác. Các đối tác tài chính của công ty (bao gồm Goldman Sachs, JPMorgan Chase và Morgan Stanley) cũng đã ngừng hoặc cắt đứt quan hệ với công ty.

    Chủ tịch Ủy ban Tài chính của Hạ viện Anh, bà Harriett Baldwin đã kêu gọi Cơ quan Quản lý Tài chính (FCA) trả lời các câu hỏi về việc giám sát Odey Asset Management. Bà Baldwin muốn biết mức độ các cuộc điều tra trước đây đối với ông Odey, cũng như cơ chế giám sát việc xử lý các cáo buộc về hành vi sai trái tình dục của các công ty.

    Gã giang hồ quý tộc

    Việc Odey có khả năng bị giải thể được báo chí Anh gọi là sự “trả giá” đối với nhà sáng lập của nó, với hình ảnh một tay giang hồ quý tộc và sẵn sàng nhận những vụ cá cược mà ai cũng nghĩ thua chắc, nhưng lại giúp ông kiếm được rất nhiều tiền.

    Nhà tài phiệt có tên đầy đủ là Robin Crispin William Odey, sinh ra trong một gia đình khá giả, được đào tạo tại các trường ưu tú của Anh, bao gồm Trường Harrow và Đại học Oxford. Tuy nhiên, ông phải đối mặt với vấn đề tiền bạc khi gia đình rơi vào cảnh túng quẫn, buộc phải bán căn nhà của gia đình.

    Sau khi tốt nghiệp Oxford, Odey quyết định làm ngân hàng như một cách để lấy lại tài sản của mình. Ông đã tự thành lập Odey Asset Management vào năm 1991. Tỷ phú George Soros là một trong những nhà đầu tư ban đầu, đã rót cho Odey 150 triệu USD. Xu hướng đặt cược cảm tính của Odey thường được đền đáp, như khi ông đặt cược vào các ngân hàng Anh trước cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.

    Theo The New York Times, Odey "nổi lên trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, khi ông bán khống cổ phiếu ngân hàng, một vụ cá cược đã giúp ông kiếm được gần 28 triệu bảng trong năm đó".

    Cũng trong năm 2008, tỷ lệ hoàn vốn của ông đạt tới 54,8%. Ông đã có thái độ bi quan về vị thế của các ngân hàng trong nhiều năm, bán khống Bradford & Bingley ngay từ năm 2005, đặt câu hỏi về Landesbanks của Đức và liên tục cảnh báo về sự nguy hiểm của nợ nần và giá nhà tăng cao.

    Ông tiếp tục các vị thế bán của mình vào đầu năm 2009 nhưng đến tháng 4, ông đã mua các vị thế dài hơn, khi dự đoán thị trường sẽ phục hồi trong năm đó. Tờ báo The Times đã chọn Odey là "Người có tiếng tăm trong kinh doanh" vào năm 2008.

    Vào thời kỳ đỉnh cao, công ty ông quản lý hơn 13 tỷ USD. Nhưng ông cũng thường bị mất tiền. Quỹ chính của công ty đã lỗ gần 50% trong năm 2016 do tác động xấu từ cá cược. Tài sản đã khiến ông trở thành người nổi tiếng về tài chính và là nhà tài trợ chính cho Đảng Bảo thủ cầm quyền của Anh.

    Ông Odey cũng là người mạnh mẽ ủng hộ việc Anh rời Liên minh châu Âu (Brexit). Nhưng ông bị chỉ trích vì cũng kiếm được 220 triệu bảng Anh (280 triệu USD) từ các biến động thị trường gắn liền với Brexit.

    Các cáo buộc về hành vi sai trái tình dục được The Financial Times nêu chi tiết không phải là cáo buộc đầu tiên chống lại Odey. Trước đó, các tờ báo như The Times of London, Bloomberg News và một podcast của Tortoise Media đã từng đưa ra các cáo buộc. Năm 2021, ông phải hầu tòa vì bị cáo buộc hành hung khiếm nhã một nhân viên tại công ty, nhưng được tuyên bố trắng án.

    Kể từ đó, ông Odey và công ty của ông dường như đã sẵn sàng phục hồi: Quỹ hàng đầu của nó đã thu được 152% lợi nhuận vào năm ngoái, phần lớn nhờ các khoản đặt cược sinh lời cao của ông vào trái phiếu chính phủ Anh, bị ảnh hưởng bởi các chính sách kinh tế ngắn hạn được đưa ra bởi nhân viên cũ của ông là Kwasi Kwarteng (cựu Bộ trưởng Tài chính). Tuy nhiên, quỹ này đã giảm khoảng 8% trong năm nay, và có nguy cơ giảm sâu hơn nữa sau bài báo của Financial Times.

    Về đời tư, Odey từng kết hôn chóng vánh với Prudence, con gái lớn của tỷ phú Rupert Murdoch. Cuộc hôn nhân chỉ kéo dài 15 tháng. Sau đó, ông kết hôn với Nichola Pease, Phó Chủ tịch của JO Hambro Capital Management và là thành viên của một trong những gia đình sáng lập Ngân hàng Barclays.

    Odey không có con với người vợ đầu tiên nhưng có 2 con trai và 1 con gái với người vợ thứ hai. Họ ly hôn vào năm 2021. Theo Danh sách người giàu của Sunday Times năm 2019, Odey và người vợ sau Nichola Pease có tài sản trị giá 775 triệu bảng Anh.

    Theo SGGP

  • Kinh doanh chưa bao giờ dễ dàng đặc biệt trong câu chuyện nhượng quyền. Chỉ cần một sai lầm cũng có thể phá vỡ danh tiếng thương hiệu.

    Doanh thu giảm sút, danh tiếng bị ảnh hưởng tiêu cực vì thái độ

    Subway và Quiznos là hai chuỗi thức ăn nhanh nổi tiếng những năm 2000, với sản phẩm chính là sandwich (bánh mì kẹp). Ở thời điểm đó, họ đã cạnh tranh với nhau rất nhiều, là kỳ phùng địch thủ trong lĩnh vực thức ăn nhanh.

    Trong chiến lược truyền thông của Subway, thương hiệu này luôn đề cập đến những chiếc sandwich tốt cho sức khỏe cho mọi người. Điều này hấp dẫn với những người muốn trở nên cân đối, mảnh mai và khoẻ mạnh nhưng vẫn muốn thưởng thức đồ ăn nhanh. Subway có tập khách hàng trung thành khổng lồ và sự phát triển mạnh mẽ trong câu chuyện nhượng quyền thương hiệu.

    subway
    Subway

    Subway được cho là chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh lớn nhất thế giới vào năm 2012, với gần 37.000 nhà hàng ở 99 quốc gia. Một phần sự phát triển của Subway là nhờ chi phí nhượng quyền tương đối thấp đã góp phần vào sự tăng trưởng, khiến chuỗi này trở thành lựa chọn phổ biến những người chưa có kinh nghiệm muốn bắt đầu tập tành kinh doanh.

    Subway ước tính chi phí từ 115.300 đô la đến 258.800 đô la để bắt đầu một nhà hàng Subway ở Hoa Kỳ và vận hành nó trong 3 tháng đầu tiên. Chi phí ước tính trung bình là 187,750 đô la. Con số đó bao gồm tài sản, thiết bị, đào tạo, quảng cáo, biển hiệu và hàng tồn kho, cũng như phí nhượng quyền ban đầu là 15 nghìn đô la. Subway tính phí bản quyền hàng tuần là 12,5% tổng doanh thu của bạn, chưa bao gồm thuế.

    Trong khi đó, đối thủ của họ Quiznos có mức nhượng quyền thương hiệu vào đầu năm 2012 dao động từ 155,546 đến 217,527 đô la, không bao gồm chi phí bất động sản. Giá thay đổi dựa trên quy mô của nhà hàng và khu vực. Chi phí khởi nghiệp bao gồm thiết kế cửa hàng, bảng hiệu, thiết bị, đơn đặt hàng thực phẩm ban đầu và phí nhượng quyền 5 nghìn đô la. Tiền bản quyền Quiznos là 7 đến 8% tổng doanh thu.

    Dù mức phí bản quyền đắt hơn, Subway vẫn thu hút được nhiều khách hàng tìm đến do giữ được mối quan hệ tốt đẹp với các đối tác kinh doanh. Quiznos đã liên tục bị dính vào những vụ kiện kể từ khi ra đời về việc đối xử thiếu công bằng với những đối tác kinh doanh. Bên cạnh đó, các đại lý của Quiznos cũng được cho là có thái độ kinh doanh thiếu cẩn trọng, thường xuyên bị “bóc” về sự khó chịu với khách hàng.

    Mặt khác, các cửa hàng nhượng quyền của Subway lại được đối xử khá tốt với thái độ thoải mái. Do vậy, những doanh nhân mới bắt đầu thường sẽ thích làm việc và mua nhượng quyền của Subway vì họ cảm giác được giúp đỡ nhiều hơn. Có thời điểm trong vòng 1 năm, Quiznos đã mất tới 1 nghìn cửa hàng kinh doanh.

    subway
    Một cửa hàng Quiznos ở Wandsworth

    Những điều cần lưu ý trước khi bắt đầu hợp tác nhượng quyền

    Tham gia hợp tác nhượng quyền thương hiệu là một trong những phương thức hiệu quả cho 1 người muốn kinh doanh nhưng không biết bắt đầu từ đâu. Về lý thuyết, những người được nhượng quyền sẽ có mô hình đã được chứng thực là hoạt động tốt, từ xây dựng thương hiệu, định giá đến tiếp thị. Tuy nhiên, nếu không cẩn trọng khi lựa chọn thương hiệu sẽ kết hợp cùng trong tương lai, bạn có thể sẽ rơi vào trường hợp bất lợi như gặp vấn đề về pháp lý hay nhận các công thức món ăn không hợp lý.

    Theo các chuyên gia, trước khi tham gia vào lĩnh vực này, bạn phải tìm hiểu tính cách xem có phù hợp không. Nếu bạn là kiểu người sáng tạo, thích nấu ăn không cần công thức, sơn tường bằng những màu sắc độc đáo và thử nghiệm theo tâm trạng, có lẽ bạn không phù hợp để trở thành người nhận nhượng quyền. Bạn phải biết rằng bản thân sẽ trở thành người triển khai, không phải người sáng tạo.

    Bên cạnh đó, các chi phí khi tham gia lĩnh vực nhượng quyền thương hiệu cũng cần được tính toán bao gồm phí nhượng quyền và chi phí thiết bị. Việc thiết lập và vận hành một nhượng quyền thương mại có thể đòi hỏi chi phí tiếp thị khổng lồ, bạn có thể sẽ phải đối diện với một giai đoạn thua lỗ ròng trước khi doanh nghiệp của bạn bắt đầu phát triển. Mặt khác, hầu hết các nhà tư vấn nhượng quyền đều là nhân viên bán hàng được trả lương. Các nhà tư vấn muốn giúp bạn ký hợp đồng nhượng quyền càng nhanh càng tốt, bởi vì họ sẽ nhận được tiền hoa hồng. Do vậy, hãy yêu cầu họ phải trung thực với những lời tư vấn từ ban đầu.

    Hãy tìm hiểu và kết hợp với những thương hiệu nhượng quyền có tâm để được giúp đỡ trong tương lai, đồng thời trung thực và rõ ràng trong các bản hợp đồng.

    Trí Thức Trẻ (theo Forbes, Kompareit)

  • Đốt hết 500 triệu USD nhưng nhanh chóng phá sản, công ty ô tô điện của "Thái tử Huawei" vô tình giúp hãng Starbucks được hưởng lợi.

    ly nhat nam 1

    Theo Toutiao, hãng xe tồn tại ngắn nhất trong lịch sử đã xuất hiện. Cách đây một thời gian, hãng Niutron đã thông báo không thể giao đúng tiến độ mẫu xe ô tô điện đầu tiên và sẽ hoàn lại toàn bộ tiền cho khách hàng. 

    Toàn bộ quá trình kể từ khi chuẩn bị tung ra mẫu xe mới vào đầu tháng 10 cho đến khi không thể thu hồi khoản tiền hoàn lại và đóng cửa kéo dài chỉ vẻn vẹn 60 ngày. Trong số những thương hiệu xe mới xuất hiện gần đây, “kẻ đến sau” Niutron không phải là một thương hiệu nổi tiếng. Nhưng người sáng lập đằng sau nó, Lý Nhất Nam, mới là nhân tố thực sự thu hút được nhiều sự chú ý.

    Theo đó, xuất phát điểm của Lý Nhất Nam khiến nhiều người phải ngưỡng mộ: 15 tuổi được nhận vào Đại học Khoa học và Công nghệ Huazhong; 23 tuổi gia nhập Huawei và trở thành kỹ sư trưởng chỉ sau hai năm; 27 tuổi thăng chức làm phó chủ tịch và được công nhận là "người kế vị của Nhậm Chính Phi” - Tổng giám đốc điều hành của Huawei.

    Niutron NV là mẫu xe đầu tiên Lý Nhất Nam tung ra thị trường. Theo kế hoạch, hãng xe sẽ giao hàng trong tháng 12 năm nay, thế nhưng kế hoạch lại đổ bể trước khi bắt đầu. Trong tình hình hiện tại, dự án của Lý Nhất Nam bị bỏ lại với một mớ hỗn độn. Hơn 24.000 khách hàng đã đặt cọc cho Niutron NV sẽ được hoàn trả bằng một mẫu xe cỡ nhỏ và phiếu mua hàng cà phê Starbucks trị giá 200 USD.

    Trong thất bại của Niutron, người chiến thắng lớn nhất hóa ra lại là Starbucks, nhãn hãng này đã kiếm được 4.87 triệu USD từ thất bại của “Thái Tử Huawei’’.

    Vậy Lý Nhất Nam đã từng bước đẩy mình vào “vực thẳm” lĩnh vực chế tạo ô tô như thế nào?

    “Đứa con nổi loạn” của Huawei tham gia cuộc đua xe ô tô điện

    Lý Nhất Nam sinh năm 1970 ở Hồ Nam, Trung Quốc. Thủa thiếu thời, anh được xem là thiên tài, đi đến đâu cũng trở thành tâm điểm chú ý. Trước 30 tuổi, Lý Nhất Nam còn là “đứa con” đáng tự hào của Huawei, là nhân vật đứng thứ 3 ở tập đoàn này chỉ sau CEO Nhậm Chính Phi và Chủ tịch Tôn Á Phương.

    Sau đó, anh từ chức và thành lập Gangwan Network, còn được gọi là “Little Huawei”. Cũng có những thời điểm, Lý Nhất Nam làm việc tại Baidu, China Mobile và GSR Venture Capital. Chủ tịch kiêm CEO của Baidu, tỷ phú Lý Ngạn Hoành từng dùng những lời hoa mỹ để nói về người đàn ông này. Ông cho rằng trên thế giới không quá 3 người có thể làm CTO của Baidu, và Lý Nhất Nam là một trong số đó.

    ly nhat nam 1

    Năm 2015, Lý Nhất Nam thành lập Niu Electric, công ty này đã được niêm yết thành công trên NASDAQ chỉ sau ba năm. Anh cũng từng chia sẻ trên mạng xã hội dòng trạng thái tràn đầy nhiệt huyết: "Tôi sẵn sàng cống hiến hết mình, sử dụng những vật liệu tốt nhất và công nghệ tiên tiến nhất để tạo ra chiếc ô tô điện tốt nhất ở Trung Quốc".

    Trong mắt của mọi người, Lý Nhất Nam là người có năng lực, có tài nguyên, là một trong những doanh nhân hàng đầu và là nhà sản xuất ô tô “trời định”. Trong lĩnh vực sản xuất ô tô năng lượng mới, tuy là “người đến sau” nhưng Lý Nhất Nam không hề tỏ ra thua kém. Anh thẳng thắn trả lời: "Thứ tự xuất hiện của các thương hiệu không phải là điều quan trọng nhất", hơn nữa, anh “chưa bao giờ bỏ lỡ một ngày nào trong việc chế tạo một chiếc ô tô". 

    Công nghệ đã nắm trong tay, tiền vốn cũng không phải là nhân tố đáng lo ngại. Mẫu xe đầu tiên Lý Nhất Nam tung ra đã trực tiếp thách thức các hãng xe khác về giá. Chiếc Niutron của ông chủ Lý được định giá 278.800 đến 318.800 NDT (tương đương 945 triệu - 1.8 tỷ đồng), đây là mức giá mà các thế lực lớn mới đang cạnh tranh rất quyết liệt.

    Tin tưởng về sản phẩm của mình, trong buổi họp báo hồi đầu tháng 10, ông chủ Lý cũng không ngại khoe “cơ bắp” với loạt thông số phần cứng của “con đẻ” Niutron và so kè với những mẫu xe sang như Range Rover, BBS. Tuy nhiên, một điều khó hiểu đã xảy ra, Lý Nhất Nam lại đột ngột dừng lại toàn bộ kế hoạch vào phút cuối cùng. Dẫu vậy, tất cả mọi thứ xảy ra đều có lý do của nó.

    3 bước “tự huỷ” của Lý Nhất Nam khiến đế chế ô tô chưa "thành hình" đã phá sản

    Vào năm 2013, Lý Nhất Nam đã tiếp xúc với một số lượng lớn các dự án năng lượng mới tại Công ty đầu tư mạo hiểm Kim Sa Giang, định hướng chính sách trong nước có liên quan khiến anh càng sẵn sàng hành động. Tuy nhiên, Lý Nhất Nam đã phạm sai lầm và bị kết án hai năm rưỡi tù giam vì tội giao dịch nội gián.

    Khi quay trở lại và quyết định chế tạo một chiếc ô tô thì đã quá muộn. Ngành công nghiệp này tàn nhẫn ở chỗ, nó đối xử bình đẳng với mọi người, và sẽ không đối xử nhẹ nhàng với bạn chỉ vì bạn là sếp kỹ thuật. Một hành trình chế tạo ô tô mà không có bất kỳ thuận lợi nào là cam chịu thất bại.

    “Trâu chậm uống nước đục”

    Vào cuối năm 2018, khi Lý Nhất Nam quyết định gia nhập “cuộc đua” xe năng lượng mới, đường đua đã đầy những tiền bối với kinh nghiệm lão làng, Niutron liệu có thể vào sân vào lúc này để kiếm phần không?

    ly nhat nam 1

    Thừa nhận là đi sau các hãng xe khác vài năm nhưng Lý Nhất Nam vẫn nhận định Niutron còn cơ hội. Ông lấy Honda làm ví dụ và nói rằng Honda gia nhập ngành công nghiệp ô tô muộn hơn Toyota và Nissan 30 năm, nhưng Honda vẫn thành công. Ngụ ý là dù tôi tham gia trò chơi sớm hay muộn, công ty của tôi đều có lợi thế riêng.

    Rõ ràng là Lý Nhất Nam đã vội vàng đặt ra KPI cho chính mình về sản xuất ô tô, nhưng về phần làm thế nào để tiếp thị sản phẩm và ưu điểm của nó là gì, ông ấy lại không nắm rõ ràng.

    Để tham gia cuộc đua về sản xuất xe, vốn là vấn đề rất quan trọng. Nếu muốn hòa mình vào đường đua này, nếu không có 5-6 triệu USD là không thể. Hơn nữa số tiền này vẫn là chưa đủ. Rõ ràng, Niutron không thể cạnh tranh với những cái tên chính thống như Huawei, Baidu và Xiaomi. Mặc dù Lý Nhất Nam luôn tuyên bố rằng ông chưa bao giờ thiếu tiền, nhưng vấn đề vốn là một rào cản không thể vượt qua. Kể từ khi thành lập, Niutron mới chỉ nhận được số tiền tài trợ trị giá 500 triệu USD.

    Còn một yếu tố quan trọng khác khiến Lý Nhất Nam vấp ngã, chính là vấn đề trình độ sản xuất ô tô lẽ ra phải được giải quyết từ lâu. Bản thân công ty mẹ của Niutron là Martian Stone Technology không có trình độ sản xuất. Theo các nhân viên, Lý Nhất Nam hiếm khi xuất hiện vào những tháng gần đây vì phải giải quyết các vấn đề liên quan đến trình độ với các cơ quan quản lý.

    Sau khi cân nhắc, Lý Nhất Nam lại chọn hợp tác với Dorcen đang vướng nợ nần. Thương hiệu này trước đây thuộc sở hữu của hãng ô tô Zotye khét tiếng, dù có năng lực sản xuất nhưng Dorcen đang nợ nần chồng chất. Nhà máy cũng bị đình chỉ hoạt động hơn 24 tháng vì không thông qua được phê duyệt trình độ của cơ quan có thẩm quyền.

    Thiếu tiền cũng không sao, nhưng đến cả nhãn hiệu cũng thuộc về Dorcen. Quyền tác giả của Nitron không nằm trong tay Lý Nhất Nam, điều này chẳng khác nào đặt nửa tính mạng của mình vào tay người khác.

    Từ đầu đến cuối, Niutron chưa bao giờ được hưởng bất kỳ khoản lời nào, tiềm lực về vốn và trình độ còn yếu ảnh hưởng rất lớn đến khả năng cạnh tranh của sản phẩm. Trong tình cảnh này, Niutron buộc phải dừng lại. 

    ly nhat nam 1

    Chọn “tốt nước sơn” hơn “tốt gỗ”

    Từ góc độ định vị thương hiệu, thị trường SUV từ trung cấp đến cao cấp là sân chơi của các tập đoàn lớn và là phân khúc thị trường cạnh tranh nhất trong năm 2022. Xe của Tesla hay BYD đều nằm trong phạm vi giá 300.000 NDT (hơn 1 tỷ đồng). Sự lựa chọn hợp tác của Niutron và Dorcen chắc chắn đang đẩy nhanh quá trình tự hủy diệt.

    Xét về quãng đường, thông sô 400 km rõ ràng là thua thiệt so với các mẫu xe cùng giá. Từ góc độ công nghệ sản phẩm và hiệu suất, Lý Nhất Nam đã chọn mô hình gia công phần mềm ở mức độ lớn nhất. Bộ mở rộng phạm vi được thuê ngoài và pin năng lượng cũng không phải là tự phát triển, Niutron NV được trang bị hệ thống năng lượng giống như phiên bản mở rộng phạm vi Lantu FREE, nhưng hiệu suất của nó hoàn toàn bị đánh giá thấp.

    Có lẽ cũng vì thế mà Lý Nhất Nam đã tính đến đoạn kết của Niutron từ rất sớm. "Điều gì sẽ xảy ra nếu tôi thua cuộc? Liệu tôi sẽ tự tử sao? Không, tôi sẽ giải quyết các khoản nợ của nhà cung cấp và tiền lương của nhân viên. Không thể tiếp tục chính là không thể tiếp tục. Nhất định sẽ rất buồn, chỉ có thể về nhà khóc, còn có thể làm gì đây? Đây không phải là lần đầu tiên tôi trải qua chuyện công ty phá sản." Đối với những người chơi mới như Niutron, cơ hội đến chỉ có 1 lần.

    Sau khi mọi chuyện kết thúc, công ty thông báo sẽ hoàn trả một mẫu xe cỡ nhỏ và phiếu mua hàng Starbucks trị giá 200 USD cho 24.376 khách hàng đã đặt cọc mẫu Niutron NV trước đó. Đối mặt với cách giải quyết của Niutron, 24.376 khách hàng không quá thất vọng mà còn cho Lý Nhất Nam một “like” vì đã không trực tiếp ôm tiền bỏ chạy như nhiều trường hợp phá sản trước đó.

    Chuyên gia cho rằng các phương tiện sử dụng năng lượng mới thực sự phổ biến, nhưng không có nghĩa là ai cũng có phần. Việc bạn có thể giành được chỗ đứng vững chắc trong thị trường sản xuất ô tô hay không thường không phụ thuộc vào ý chí chủ quan của mỗi người. Ngay cả một doanh nhân hàng đầu như Lý Nhất Nam cũng cần đến “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” mới có thể thành công được.

    Lý Nhất Nam chọn nói lời "chia tay" một cách đàng hoàng, điều này cũng làm giảm bớt đánh giá tiêu cực của dư luận ở một mức độ nào đó. Phải nói rằng cách giải quyết này là một nước đi có lợi vì có thể giúp anh xây dựng nền tảng tốt hơn cho lần mạo hiểm tiếp theo trong tương lai. Chỉ cần danh tiếng vẫn còn, Lý Nhất Nam sẽ có cơ hội bắt đầu lại từ đầu.

    CafeF (theo Toutiao)