• Yasha Ashley chỉ mới 21 tuổi nhưng đã lấy bằng tiến sĩ sau khi phá vỡ kỷ lục vào đại học ở tuổi 12 với chuyên ngành Toán học.

    Mới ở tuổi 21, chàng trai Yasha Asley đã nhận bằng tiến sĩ toán ứng dụng tại Đại học Leicester (Anh), phá kỷ lục của một nhà vật lý thiên văn 22 tuổi khác để giành danh hiệu này, theo tờ Mirror.

    Cụ thể, chàng trai Yasha Aley, người được mệnh danh là "máy tính con người", chuyển đến Vương quốc Anh từ Iran vào năm 1979. Yasha bắt đầu theo học đại học ở thành phố Leicester tại quê nhà ở tuổi 12.

    Người cha 61 tuổi, Moussa Asley, đã từ bỏ công việc kế toán để hỗ trợ việc học hành của con trai.

    thien tai moussa 1
    Thiên tài nhí Yasha Asley tại Đại học Leicester năm 12 tuổi.

    “Tôi cảm thấy thật tuyệt vời khi con trai đạt được thành tích này. Tôi rất vui và xin cảm ơn sự giúp đỡ của tất cả các giảng viên”.

    Moussa không ngạc nhiên trước thành tích của con trai mình, nhưng thừa nhận: "Thành thật mà nói, tôi đã mong đợi con sẽ về đích cách đây 2 hoặc 3 năm! Nếu không có Covid, tôi nghĩ Yasha đã tốt nghiệp sớm hơn nhiều nhưng tôi rất vui mừng".

    Năm 9 tuổi, nam sinh Yasha đã thi cả chứng chỉ giáo dục trung học phổ thông (GCSE) và chứng chỉ Giáo dục Phổ thông Bậc Cao (A-Levels), đồng thời nói thông thạo tiếng Anh, tiếng Pháp và tiếng Ba Tư.

    Cậu không thấy hành trình lấy bằng tiến sĩ của mình hoàn toàn thuận buồm xuôi gió. "Em đã tiếp cận nhiều trường đại học và yêu cầu họ miễn học phí cho sinh viên, vì em không đủ khả năng chỉ trả trước các khoản phí. Em thậm chí còn liên hệ với các nghị sĩ địa phương của mình".

    Sau nhiều lần thảo luận, Yasha tiết lộ rằng nhà trường cuối cùng đã "nhượng bộ" và cho chàng trai vay khoản vay sinh viên mà không có số bảo hiểm quốc gia. Khi mới 15 tuổi, Yasha đã giành được bằng danh dự hạng nhất.

    Khi mới 13 tuổi, trường đại học đã mời cậu bé công việc gia sư được trả lương để hướng dẫn các sinh viên lớp lớn- những người gặp khó khăn trong học tập. Những buổi dạy kèm hàng tuần đã giúp đỡ những "đàn anh" của Yasha giải quyết những khó khăn trong bài giảng trên lớp.

    Người cha tự hào Moussa nói: "Ngay từ những ngày đầu tiên, cậu bé là một đứa trẻ đặc biệt và mọi người đều nhận thấy cậu bé đặc biệt. Giáo viên tiểu học của con đã sớm nhận ra rằng lớp học này không thể đáp ứng được nhu cầu học tập của Yasha nên cậu bé đã phải nghe các bài giảng tiêu chuẩn đại học 2 lần/tuần đồng thời học các lớp bình thường 3 ngày/tuần".

    Vừa sở hữu tấm bằng tiến sĩ, Yasha cho biết bản thân đang "tích cực suy nghĩ về những việc cần làm trong tương lai". "Em cảm thấy thật tuyệt vời khi đạt được thành tích này. Em đang muốn làm việc trong lĩnh vực AI hoặc khai thác dữ liệu".

    Chàng trai cũng bày tỏ sự cảm kích trước sự hỗ trợ của bố trong suốt hành trình. “Em cảm thấy rất vinh dự và đặc quyền. Em thật may mắn khi có một người cha chu đáo, người đã hy sinh thời gian để hỗ trợ và ở bên em trong nhiều năm. Em sẽ luôn biết ơn những cơ hội mà cha đã tạo cho em".

    thien tai moussa 1
    Yasha Asley cùng cha Moussa sau khi tốt nghiệp Đại học Leicester. Được biết, cha đã từ bỏ công việc kế toán để hỗ trợ con trai học hành.

    Giáo sư Jeremy Levesley, người dạy Yasha tại Đại học Leicester, cho biết: "Thật vinh dự khi được làm việc với cậu ấy. Yasha đã chứng tỏ là một trong những sinh viên giỏi nhất mà chúng tôi từng nhận ở đây. Cậu ấy là một chàng trai tuyệt vời và tôi tin rằng Yasha sẽ tiếp tục phát triển tiến xa hơn nữa”.

    Được biết, thiên tài nhí không chỉ đam mê học tập, cậu ấy còn thích làm vườn và ủng hộ đội bóng Leicester City.

    Hiện tại, Yasha Ashley là người theo học và có bằng tiến sĩ trẻ nhất ở Anh. Trước đó, cô bé Fahma Mohamed đã được trao bằng tiến sĩ danh dự vào năm 2016 khi mới 19 tuổi. Fahma Mohamed là một nhà hoạt động xã hội người Anh nổi tiếng với công việc vận động chấm dứt nạn cắt xén bộ phận sinh dục nữ (FGM) và thúc đẩy giáo dục cho trẻ em gái.

    Trong khi đó, năm 2023, một sinh viên khác có tên Imran Nasim đã hoàn thành bằng Tiến sĩ vật lý thiên văn ở tuổi 22.

    Theo Vietnamnet

  • Một thiếu niên 17 tuổi từng khiến cả nước Mỹ rúng động vì tự chế tạo lò phản ứng hạt nhân ngay trong nhà kho của gia đình. Chàng trai này đã qua đời ở tuổi 40, nhưng không phải vì nhiễm phóng xạ.

    Năm 1994, cái tên David Charles Hahn đã gây rúng động trên các phương tiện truyền thông tại Mỹ, vì một thí nghiệm tại gia của chàng thiếu niên này đã khiến nhiều người phải giật mình.

    Vào thời điểm đó, Hahn là một hướng đạo sinh 17 tuổi sống tại thị trấn Commerce (bang Michigan, Mỹ), đã thực hiện một thí nghiệm tại gia khi tự tay xây dựng một lò phản ứng hạt nhân ngay trong nhà kho của gia đình.

    tu xay lo phan ung hat nhan 1
    David Charles Hahn đứng trước nhà kho của gia đình, nơi chàng trai này đã tự chế một lò phản ứng hạt nhân. Ảnh chụp năm 1992, khi Hahn mới 15 tuổi.

    Hahn đã thu thập các chất phóng xạ để sử dụng cho lò phản ứng từ các sản phẩm gia dụng cũ, chẳng hạn như americium bên trong máy dò khói, thorium bên trong lớp vải bọc đèn lồng, radium từ đồng hồ, lithium từ pin…

    Được biết, David bắt đầu dự án của mình từ 2 năm trước, nghĩa là vào năm 1992, khi cậu bé mới chỉ 15 tuổi. Phải đến tháng 8/1994, một người hàng xóm của David phát hiện thiếu niên này đang lọ mọ cất đồ đạc vào trong cốp xe của gia đình, khiến họ nghi ngờ David đã lấy cắp thứ gì đó nên gọi điện báo cảnh sát.

    Khi cảnh sát đến kiểm tra nhà kho của gia đình David, thứ họ tìm được không phải là những vật dụng bị lấy cắp, mà là một lò phản ứng hạt nhân do thiếu niên này xây dựng trong vòng 2 năm qua. Mức độ phóng xạ ở khu vực xung quanh nhà kho gia đình của David cao gấp 1.000 lần mức bức xạ bình thường.

    tu xay lo phan ung hat nhan 1
    Cảnh sát mặc trang phục bảo hộ dọn dẹp nhà kho gia đình của Hahn

    Cảnh sát đã phải thành lập một "Đội phản ứng khẩn cấp phóng xạ liên bang", với sự tham gia của FBI và Ủy ban điều tiết hạt nhân, để xử lý khu vực nhà kho của gia đình David. Toàn bộ nhà kho và lò phản ứng hạt nhân tự chế của David đã bị cơ quan chức năng tháo dỡ và mang đi chôn sâu bên trong một sa mạc ở bang Utah.

    Cha mẹ của Hahn cho biết con trai của mình có niềm đam mê với hóa học sau khi được ông nội tặng một cuốn sách về các thí nghiệm hóa học vào năm 10 tuổi. Hahn thường xuyên tự tiến hành các thí nghiệm hóa học trong phòng ngủ và trong nhà kho của gia đình.

    Hahn sau đó bị cảnh sát bắt giữ, nhưng thiếu niên này từ chối giám định sức khỏe vì tiếp xúc liên tục với phóng xạ. Các nhà khoa học tin rằng tuổi thọ của Hahn sẽ bị rút ngắn do thiếu niên này tiếp xúc thời gian dài với chất phóng xạ trong môi trường khép kín mà không có thiết bị bảo hộ đầy đủ.

    Tuy nhiên, Hahn đã được trả tự do mà không phải đối mặt với bất kỳ án phạt nào về hành vi tự chế tạo lò phản ứng hạt nhân của mình. Dù vậy, tòa án yêu cầu Hahn phải cam kết không tiếp tục các hoạt động nghiên cứu liên quan đến hạt nhân và phóng xạ.

    Hahn sau đó bắt đầu học cao đẳng và đăng ký vào lực lượng Hải quân Hoa Kỳ, có thời gian làm việc trên tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân USS Enterprise.

    tu xay lo phan ung hat nhan 1
    Hahn và cuốn sách về thí nghiệm hóa học do ông mình tặng, giúp anh có niềm đam mê với hóa học

    Sau khi xuất ngũ, David rơi vào trạng thái trầm cảm và bắt đầu sử dụng chất ma túy. Tháng 1/2007, David bị bắt vì lấy cắp hàng loạt máy dò khói bên trong căn chung cư mà anh này đang sinh sống. Mục đích của David là nhằm chiết xuất nguyên tố americium bên trong máy dò khói để tiếp tục các thí nghiệm về phóng xạ.

    David Charles Hahn đã bị tòa án xử phạt tù giam 3 tháng vì tội trộm cắp tài sản.

    Vào ngày 27/9/2016, Hahn được tìm thấy trong tình trạng đã ngưng thở tại nhà riêng ở thị trấn Shelby (bang Michigan, Mỹ). Nguyên do của cái chết sau đó được xác định là do ngộ độc rượu và sử dụng chất ma túy quá liều, không liên quan đến việc nhiễm phóng xạ như nhiều người phỏng đoán.

    Cuộc đời đầy thăng trầm của David Charles Hahn đã trở thành chủ đề cho nhiều bộ phim và nhiều cuốn sách lấy cảm hứng về người đàn ông này. Hahn còn được truyền thông Mỹ đặt cho biệt danh "Hướng đạo sinh phóng xạ".

    Theo Dân Trí

  • Sufiah Yusof được mệnh danh là thần đồng toán học khi được nhận vào trường đại học danh tiếng bậc nhất nước Anh khi mới 13 tuổi. Chỉ sau 3 năm theo học, cô 'chạy' khỏi Oxford và lựa chọn con đường 'bán thân'. Bi kịch đằng sau dần được vén màn.

    Sufiah Yusof sinh năm 1984 trong gia đình có cha Farooq Yusof là người gốc và mẹ Halimaton Yusof là người gốc Malaysia. Cô bé Sufiah lớn lên ở thị trấn Northampton, hạt Northamptonshire, Vương quốc Anh.

    Farooq là thấy giáo địa phương và ông bị ám ảnh với việc phải đào tạo ra các thần đồng. Bởi vậy, cuộc sống của Sufiah Yusof cùng các anh chị em luôn trong tình trạng căng thẳng và áp lực cực độ.

    bi kich than dong 1
    Sufiah (ở giữa) vào năm 1997 trong ngày đầu tiên đến ĐH Oxford cùng cha Farooq và chị gái. Ảnh: Daily Mail.

    Ông cùng vợ - một nhà nữ khoa học, đã từ bỏ công việc của mình để dạy dỗ 5 con ở nhà, theo Daily Mail. Buổi sáng của anh em nhà Sufiah bắt đầu bằng nghi thức cầu nguyện theo truyền thống của Hồi giáo. Những thú vui giải trí như âm nhạc hay TV đều bị cấm tại nhà vì ông Farooq cho rằng chúng sẽ gieo vào đầu bọn trẻ suy nghĩ thiển cận và vô ích.

    "Khi muốn đánh thức chúng tôi dậy vào nửa đêm, ông gọi bằng cách đấm thẳng vào mặt. Đó là những thứ khủng khiếp mà chúng tôi đã trải qua khi còn bé", con trai Isaac Abraham và là anh trai của Sufiah, kể lại với The Telegraph.

    Ngay từ rất sớm, Farooq đã tuyên bố sẽ giúp cô con gái Sufiah vào Trường St Hilda's College thuộc ĐH Oxford. Ý định của ông đã thành hiện thực vào năm 1997.

    Cô bé Sufiah Yusof ngay lập tức trở thành hiện tượng và được mệnh danh là "Thần đồng toán học". Ở tuổi 13 khi các bạn đồng trang lứa còn đang vật lộn với các công thức cơ bản, cô đã đăng ký làm tân sinh viên tại ĐH danh tiếng bậc nhất nước Anh.

    Tuy nhiên, năm 2000, Sufiah, khi đó 15 tuổi, đã đột nhiên trốn khỏi trường đại học một ngày sau kỳ thi năm thứ ba. Nhà trường cùng gia đình vô cùng ngạc nhiên và lập tức phát thông báo tìm nữ sinh.

    Bi kịch đằng sau được hé lộ

    Nữ sinh Sufiah đã chạy đến thị trấn Bournemouth ở phía Tây Nam London và làm nhân viên phục vụ bàn. Sau 12 ngày, Sufiah được cảnh sát tìm thấy trong một quán cà phê nhưng cô không chịu quay về với bố mẹ.

    Sufiah được một gia đình nhận nuôi chăm sóc. Tại đây, cô đã tiết lộ rằng bản thân đã chạy trốn để thoát khỏi “địa ngục trần gian” mà cô cho rằng cha cô đã tạo ra.

    Trong một email gay gắt gửi về nhà, Sufiah đã nói rõ sự ghẻ lạnh của mình sâu sắc đến mức nào khi phải sống trong gia đình Yusof. “Cuối cùng tôi cũng đã chịu đủ 15 năm bị lạm dụng cả về thể xác và tinh thần”.

    Nữ sinh cho biết cha cô sẽ rất tức giận nếu cô không hiểu bài học và bắt cô phải học dưới trời lạnh để gia tăng sự tập trung.

    Sufiah đã nghĩ ĐH Oxford sẽ là “nơi trốn thoát” của cô, nhưng cha đã cùng cô đến đó. Nữ sinh nói thêm rằng bản thân không bao giờ muốn gặp lại người cha luôn muốn “kiểm soát và bắt nạt” của mình nữa.

    Hai năm sau, Sufiah trở lại ĐH Oxford để học năm cuối cùng. Mặc dù không hoàn thành khóa học nhưng cô đã tìm thấy tình yêu với Jonathan Marshall, một luật sư thực tập tại trường Cao đẳng Keble.

    Tuy nhiên, cuộc hôn nhân kéo dài hơn một năm thì đổ vỡ. Marshall cho biết cả hai xuất hiện nhiều bất đồng, con đường mỗi người muốn đi lại khác xa nhau nên tất yếu dẫn đến chia tay.

    Sau khi chia tay, Sufiah quyết định đăng ký vào ĐH London để học kinh tế vào năm 2005. Hai năm sau đó, nhiều người phát hiện ra rằng Sufiah đã để lại số điện thoại và thông tin của mình trên web đen.

    Những ai có nhu cầu có thể gọi cho cô, cùng hẹn hò, trò chuyện và làm tất cả mọi thứ với chi phí là 170 USD/giờ, theo Daily Mail. Cô bé thần đồng năm nào còn tỏ ra thoải mái hơn bởi không còn chịu áp đặt của gia đình.

    Cũng bởi vì cuộc đời trước đây chỉ có học, Sufiah không có lấy một người bạn thân trong cuộc đời.

    bi kich than dong 1
    Gia đình nhà Yusof. Ảnh: The Star.

    Bi kịch gia đình chưa dừng ở đó. Năm 2012, ông Farooq - cha cô đã phải ngồi sau song sắt sau khi tấn công tình dục hai cô gái 15 tuổi. Ông bị buộc tội có hành vi “sờ soạng những nạn nhân trong buổi dạy kèm tại nhà”.

    Vợ ông bị kết án tù treo sau khi tòa án phát hiện bà đang sống trong một ngôi nhà có cả sân tennis mà vẫn yêu cầu nhận 180 bảng tiền trợ cấp mỗi tuần.

    Câu chuyện của Sufiah là một chuỗi bi kịch, làm nổi bật vai trò “kép” của cha mẹ trong việc hình thành nên những thần đồng cũng như có khả năng góp phần hủy hoại chúng. Bi kịch nhấn mạnh ranh giới giữa việc bồi dưỡng tài năng đặc biệt và việc vô tình khiến những đứa trẻ gặp bất hạnh do kỳ vọng quá mức.

    Câu chuyện về Sufiah vẫn còn nguyên tính thời sự đến ngày hôm nay, gợi lên sự suy ngẫm về việc xác định lại định nghĩa thành công, thúc giục nhà trường và gia đình cần đạt sự cân bằng giữa việc nuôi dưỡng sự thần đồng và ưu tiên sức khỏe tinh thần cho những đứa trẻ thiên tài.

    Theo Vietnamnet

  • Ruth Lawrence là 1 trong những nhân vật trẻ tuổi nhất thế giới nhận được tấm bằng tiến sĩ. Cô cũng thuộc top 30 người thông minh nhất hành tinh. Tuy nhiên, cuộc đời cô lại quay quanh những nốt nhạc trầm buồn.

    Ruth Lawrence (tên đầy đủ là Ruth Elke Lawrence-Naimark ) sinh ngày 2/8/1971 tại Brighton, Anh nổi tiếng thế giới là 1 đứa trẻ thần đồng nhí về Toán học. Với chỉ số IQ là 175, cô thuộc top 30 người thông minh nhất hành tinh. Tuy nhiên, đằng sau những thành tích vượt trội đáng ngưỡng một đó là một câu chuyện khác mà không phải ai cũng biết.

    than dong Ruth Lawrence 1
    Ruth Lawrence sớm bộc lộ trí tuệ thông minh ngay khi còn nhỏ.

    Nhận bằng tiến sĩ năm 17 tuổi, trở thành người trẻ nhất vào ĐH Oxford

    Có thể nói, Ruth Lawrence sinh ra với trí thông minh chỉ có ở những đứa trẻ thiên tài. Dẫu vậy, nếu theo dõi quá trình trưởng thành và phát triển của cô thì nhận thấy, nền tảng giáo dục từ gia đình cũng đóng góp rất lớn vào sự thành công của Lawrence.

    Năm 9 tuổi, Ruth Lawrence lập kỷ lục với Chứng chỉ Giáo dục tổng quát (GCSE) về Toán học và đạt điểm tối đa trong chương trình tú tài Toán học thuần tuý. 2 năm sau, Ruth Lawrence trở thành người trẻ nhất vượt qua kỳ thi đầu vào của Đại học Oxford danh giá, với kết quả đứng đầu trong tổng số 530 ứng cử viên. Cô lấy bằng cử nhân toán tại Oxford năm 13 tuổi và tiếp tục học thêm ngành Vật lý.

    Năm 17 tuổi, Lawrence nhận bằng tiến sĩ. Nhờ đó, cô trở thành một trong những người có bằng tiến sĩ trẻ nhất thế giới. Năm 1990, cô đến ĐH Harvard làm việc. Sau đó, cô được phong giáo sư tại ĐH Harvard và ĐH Michigan. Tuy nhiên từ sau năm 1999, cô chuyển sang Viện Toán học Einstein, thuộc ĐH Hebrew tại Jerusalem (Israel) công tác.

    Tính đến nay, cô vẫn xếp thứ hạng 4/10 người lấy bằng tiến sĩ trẻ nhất thế giới. Cô cũng được coi là thần đồng toán học, đã xuất bản gần 20 cuốn sách, công bố nhiều kết quả nghiên cứu nổi tiếng về Toán học và Vật lý lượng tử, nổi bật trong đó là Thuyết Nút thắt (Knot Theory) - hiện được giảng dạy tại nhiều trường đại học trên thế giới.

    than dong Ruth Lawrence 1
    Ruth Lawrence là một trong 30 người thông minh nhất hành tinh.

    Tuổi thơ bất hạnh và cuộc hôn nhân đầy "nổi loạn" gây xôn xao dư luận một thời

    Để có được kết quả đó, ít ai biết rằng bên cạnh tài năng thiên bẩm, Ruth Lawrence đã phải hy sinh tuổi thơ của mình để dành trọn cho việc học.

    Cha mẹ của Lawrence - ông Harry Lawrence và bà Sylvia Greybourne đều là chuyên gia máy tính. Khi Lawrence 5 tuổi, nhận thấy con gái mình bộc lộ trí thông minh hơn người, ông Harry quyết định bỏ việc để tập trung giáo dục cô tại nhà. Vậy là thay vì đến trường, Lawrence đã học theo giáo trình của cha soạn sẵn - người cho rằng cô cần được bảo vệ khỏi "những cuộc trò chuyện tầm thường và vui chơi vô bổ". Do đó, suốt những năm tháng tuổi thơ, cô bé Lawrence chỉ làm bạn với các công thức và con số.

    than dong Ruth Lawrence 1
    Ruth Lawrence bên cạnh cha - Harry Lawrence trong ngày nhận bằng cử nhân ĐH Oxford năm 13 tuổi.

    Sau này, dù khẳng định Toán học là niềm đam mê của mình song Lawrence vẫn thừa nhận trên tờ The Free Library rằng: "Tôi không chê trách cha mẹ, thậm chí tôi đánh giá cao nỗ lực của cha vì những gì ông ấy đã dành cho con gái. Nhưng có lẽ tôi thích một tuổi thơ khác" .

    Sau khi Lawrence tốt nghiệp Oxford, cha mẹ của cô đã ly thân. Lúc này ông Lawrence đã đi theo con gái đến Mỹ, nơi cô đảm nhiệm các vị trí nghiên cứu tại Harvard và sau đó là Đại học Michigan ở thành phố Ann Arbor.

    Năm 1998, Ruth Lawrence kết hôn với Ariyeh Naimark - nhà toán học cũng dạy tại ĐH Hebrew ở Jerusalem (Israel). Ariyeh từng có một đời vợ và chỉ kém cha của Lawrence 6 tuổi. Cuộc hôn nhân lệch tuổi của họ từng gây xôn xao dư luận thời bấy giờ.

    than dong Ruth Lawrence 1
    Ruth Lawrence và cha.

    Lúc này ông Lawrence thấy mình đơn độc tại Midwest, Mỹ, không nghề nghiệp, không giấy tờ, thậm chí không có giấy phép lao động. Sau khi bỏ rơi bố, Lawrence lúc này đã 44 tuổi và trở thành một bà mẹ. Mặc dù vẫn là một nhà toán học xuất sắc, một chuyên gia trong lĩnh vực toán học hiện đại, là giáo sư của Đại học Hebrew ở Jerusalem nhưng cô không thể trở thành Albert Einstein hiện đại như các giáo sư của cô tại Oxford đã dự đoán.

    Trả lời phỏng vấn, thần đồng toán học cho biết: " Tôi từng rất buồn khi cha mẹ chia tay. Nhưng điều đó không liên quan đến quyết định hôn nhân của tôi" . Sau khi kết hôn, Ruth Lawrence đổi tên thành Ruth Elke Lawrence-Naimark. Hiện Ruth Lawrence và Ariyeh Naimark đã có 2 đứa con, họ cùng nhau sinh sống tại Jerusalem (Israel) để thuận tiện cho công việc của cả hai.

    than dong Ruth Lawrence 1
    Ruth Lawrence và con.

    Nói về tương lai, thần đồng toán học cho biết, cô vẫn sẽ đi tiếp con đường này. Các con của cô cũng sớm bộc lộ khả năng toán học, song cô không muốn chúng sống như một thần đồng, mà được phát triển theo cách tự nhiên.

    "Tôi biết ơn mọi thứ cha mẹ đã làm cho tôi. Tuy vậy, tôi không thích con tôi phải đối mặt với những áp lực, khó khăn và sự quan tâm quá mức của truyền thông như tôi đã từng" , Lawrence chia sẻ.

    Theo Thể thao & Văn hóa