Tuần qua, Tòa cấp cao tại London ra phán quyết chấp thuận cho phép xây dựng một đường hầm ở gần di sản thế giới Stonehenge thuộc miền Tây nước Anh, chấm dứt 20 năm tranh cãi về dự án trị giá 2,5 tỷ bảng này. Tuy nhiên những người phản đối dự án vẫn quyết không đầu hàng phán quyết đó.
Đây là một trong những công trình tượng đài cự thạch thời kỳ đồ đá mới và thời kỳ đồ đồng nổi tiếng nhất thế giới với những phiến đá có niên đại từ cách đây khoảng 4.500 năm, được UNESCO công nhận là di sản thế giới từ năm 1986.
Stonehenge là một quần thể công trình với 82 đài tưởng niệm nhỏ, 30 khối đá, mỗi khối nặng khoảng 25 tấn và 5 tảng đá lớn với trọng lượng lên tới 50 tấn. Theo nhận định của các nhà khoa học, Stonehenge bắt đầu được xây dựng vào thế kỷ XIX trước Công nguyên và được hoàn tất vài trăm năm sau đó.
Liên minh Stonehenge (Stonehenge Alliance), tổ chức đại diện cho những người theo quan điểm phản đối kế hoạch xây dựng đường hầm cho biết, họ sẽ chiến đấu đến cùng và vẫn còn những lựa chọn khác.
Khi lưu thông trên đường A303 hiện nay, mọi người đều có thể ngắm nhìn các cột đá Stonehenge từ xa. Ảnh: Guardian
“Không thể tranh cãi”
Về đại thể, cuộc chiến xung quanh dự án xây đường hầm ở gần Stonehenge liên quan giữa một bên là những người muốn bảo vệ nguyên trạng di sản văn hóa có từ thời tiền sử, với một bên là những người đang tìm kiếm giải pháp để cải thiện tình hình giao thông ở khu vực phía tây nước Anh, đặc biệt là tuyến đường thường xuyên tắc nghẽn A303.
Trước đây tổ chức Save Stonehenge World Heritage Site (SSWHS) đã khởi kiện kế hoạch xây dựng đường hầm dài khoảng 2km là một phần của tuyến đường A303 nằm gần khu vực di sản thế giới. Theo đài BBC, năm 2021, Tòa cấp cao của Anh đã bác dự án này vì những quan ngại liên quan môi trường. Tuy nhiên tới ngày 14-7-2023, Bộ Giao thông vận tải Anh lại phê duyệt dự án đó. National Highways - cơ quan quản lý, vận hành các tuyến xa lộ trên toàn Vương quốc Anh - cho rằng việc xây dựng đường hầm sẽ giúp loại bỏ việc đi lại và tiếng ồn xe cộ qua khu vực di sản, đồng thời cũng giúp cắt giảm thời gian di chuyển.
Theo đó tới tháng 12-2023, những người phản đối dự án đã một lần nữa đệ đơn lên tòa cấp cao ở London nhằm ngăn chặn việc tái triển khai dự án. Tuy nhiên trong phán quyết hôm 19-2, thẩm phán Holgate của tòa cấp cao đã bác đơn kiện của họ, cho rằng hầu hết các vấn đề trong vụ việc là “không thể tranh cãi”.
Về lập luận, SSWHS cho rằng, dự án đã được phê duyệt sẽ “phá hủy” khoảng 7 hecta diện tích khu vực thuộc di sản thế giới, nó cũng sẽ là “bước đầu tiên” dẫn đến việc di sản Stonehenge sẽ bị loại khỏi danh sách được UNESCO công nhận. Tuy nhiên trong văn bản công bố phán quyết của tòa dài 50 trang, thẩm phán Holgate nói các bộ trưởng “đã tập trung một cách đúng đắn vào những chính sách liên quan”, và cho rằng chứng cứ mà những người khởi kiện đưa ra đã “không cung cấp được những cơ sở để bác bỏ kết luận đó (của các bộ trưởng về dự án - PV)”.
Cuộc chiến giữa David và Goliath
“Đây quả thực là cuộc chiến giữa David và gã khổng lồ Goliath”, ông John Adams, chủ tịch Liên minh Stonehenge, tổ chức đã kiên trì đấu tranh phản đối kế hoạch xây đường hầm trong suốt hai thập kỷ qua. “Mối đe dọa đang rất cấp bách: National Highways cũng đã ký xong các hợp đồng rồi”, ông Adams nói với báo Times (Anh).
Bất chấp phán quyết của tòa cấp cao, Liên minh Stonehenge đã gần đạt mục tiêu quyên góp được 100.000 bảng Anh để tiếp tục theo đuổi các thách thức pháp lý. Theo ông Adams, phán quyết của tòa là một bước lùi, nhưng những người bảo vệ di sản vẫn còn các lựa chọn khác để tiếp tục đấu tranh. Ngân sách cho dự án là 1,7 tỷ bảng, nhưng các số liệu gần đây do National Highways đưa ra cho thấy chi phí dự án là hơn 2,5 tỷ bảng, trong đó bao gồm phí bảo trì 8 triệu bảng mỗi năm trong 60 năm.
Tháng 9 năm ngoái Tổ chức Khoa học và Giáo dục Liên Hợp Quốc (UNESCO) cũng lên tiếng chỉ trích kế hoạch, cảnh báo việc xây dựng đường hầm và mở mang thêm đường A303 có thể khiến Stonehenge bị loại khỏi danh sách di sản thế giới, giống như trường hợp Bến tàu Albert (Albert Dock) của thành phố Liverpool vào năm 2021. Đó cũng mới chỉ là di sản thứ 3 trong gần 50 năm bị tước danh hiệu di sản.
“Nó làm mọi người mất ngủ, chia rẽ các gia đình và khiến mọi người chống lại nhau”, ông Brian Edwards, sử gia và là nhà nghiên cứu tại Đại học Tổng hợp Tây Anh Quốc (UWE Bristol) nói với báo Times. Ông cho biết, rất ít trong số các đồng nghiệp là nhà khảo cổ của ông ủng hộ dự án đường hầm. “Thật là điên rồ. Họ đang đề xuất việc đặt một đường bê-tông dài 3km xuyên qua một khu vực đã có từ đầu thời kỳ đồ đồng”, ông nói.
TRẦN ĐẮC LUÂN / baodanang