• Một năm sau cơn sốt đất đặc khu, không còn cảnh nhiều người ôm cả bao tiền đổ xô đi đầu tư. Sau khi các địa phương “tuýt còi”, nhà đất ở Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc gần như bị đóng băng hoàn toàn. 

    800 triệu lên tới 18 tỷ đồng

    Thông tin Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc đã khiến giá bất động sản khu vực này tăng chóng mặt. Các nhà đầu tư ùn ùn kéo tới cùng với sự thao túng của đội quân môi giới làm cho thị trường nhà đất diễn biến phức tạp.

    Báo cáo của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARs) cũng cho thấy, mặc dù là chưa chính thức trở thành đặc khu, song do sức nóng, đất nền tại các dự án của Vân Đồn dao động từ 20-50 triệu đồng/m2, tăng mạnh so với trước Tết Nguyên đán năm 2018.

    Tại thị trường Vân Đồn, có một số hiện tượng đầu cơ, môi giới bất động sản không chuyên đẩy giá tạo giá trị ảo với mức tăng khoảng 5-6 lần giá trị so với hai năm trước.

    Còn tại Phú Quốc, thị trường bất động sản vẫn diễn biến rất phức tạp. Các văn phòng công chứng đất đai liên tục tiếp nhận các hồ sơ mua bán trao đổi đất. Giá đất tại Phú Quốc liên tục tăng nhanh tới 10-20 lần chỉ trong thời gian ngắn. Có lô đất giá 800 triệu đồng, nhưng chỉ sau 3 năm đã lên tới 18 tỷ đồng.

    Theo VARs, nhu cầu thực đối với loại hình này chưa có, chủ yếu vẫn là đầu cơ và lướt sóng. Các dự án quy mô nhỏ có mức giá trung bình từ 4-7 triệu đồng/m2. Các dự án có quy hoạch bài bản, quy mô lớn khoảng 10-55 ha có mức giá 15-25 triệu đồng/m2.

    Báo cáo của Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) chỉ ra rằng, tại Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc xuất hiện tình trạng một số nhà đầu tư cá nhân chuyển nhượng quyền sử dụng đất rừng, đất nông nghiệp. Thậm chí, có tình trạng chuyển đổi mục đích sử dụng đất trái quy định pháp luật, có hiện tượng giá đất nền tăng cao trong thời gian ngắn.

    Để ngăn chặn tình trạng trên, Bộ Xây dựng đã có công văn gửi các địa phương (Quảng Ninh, Khánh Hòa, Kiên Giang) yêu cầu thực hiện việc kiểm tra nắm bắt tình hình, làm rõ nguyên nhân gây ra biến động của thị trường và có biện pháp để ngăn chặn, xử lý kịp thời.

    Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ đã giao Thanh tra Chính phủ tiến hành thanh tra tổng thể việc sử dụng đất tại huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang để báo cáo cụ thể về hiện trạng và giải pháp xử lý với Thủ tướng Chính phủ.

    Ngày 3/5/2018, tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo tạm dừng giao dịch, chuyển đổi mục đích sử dụng đất tại Vân Đồn. Theo lãnh đạo Quảng Ninh, động thái này nhằm siết chặt công tác quản lý đất đai và làm rõ một số thông tin về việc "sốt" giá đất tại Vân Đồn, đồng thời, ngăn chặn kịp thời cơn sốt đất đang càn quét mạnh mẽ tại đây trong khi chờ Quốc hội thông qua Luật Đặc khu hành chính kinh tế đặc biệt.

    Tiếp ngay sau quyết định của tỉnh Quảng Ninh, UBND huyện Phú Quốc (Kiên Giang) cũng có công văn chỉ đạo Phòng Tài nguyên và môi trường tạm dừng chuyển đổi mục đích sử dụng đất đối với các trường hợp phân lô, tách thửa có diện tích dưới 500m2 trên địa bàn huyện.

    Đến ngày 7/5, UBND tỉnh Khánh Hòa đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tạm dừng việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất, tách thửa, chuyển nhượng quyền sử dụng đất trên địa bàn huyện Vạn Ninh cho đến khi quy hoạch chung xây dựng đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (đặc khu) Bắc Vân Phong được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

    1 năm đóng băng

    Việc Quốc hội thông qua tạm dừng Luật đặc khu kinh tế khiến thị trường bất động sản ở Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc gần như bị đóng băng hoàn toàn. Nhiều văn phòng giao dịch bất động sản đóng cửa, nhà đầu tư nhỏ lẻ vội vã bán hàng để bảo toàn vốn hoặc cắt lỗ. Nhiều nhà đầu tư lướt sóng đã đầu tư vào khu vực đặc khu ngay khi giá đất đã cao, nên giờ đành xả hàng với giá thấp, nếu để giá xuống hơn nữa thì sẽ lỗ khá nặng.

    Ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, nhận xét, ngay từ khi có quyết định tạm dừng giao dịch mua bán, chuyển đổi mục đích sử dụng đất nhằm điều tiết thị trường bất động sản, "cắt cơn sốt" đất ảo, việc giao dịch mua đi bán lại đất trái quy định tại các địa phương gần như đã chấm dứt hoàn toàn.

    Đất ở Vân Đồn không còn giá “trên trời” nữa, đã hạ nhiệt rất nhiều. Nhiều người “ôm” đất tại đây đang thấp thỏm đứng ngồi không yên và muốn bán để rút vốn. Trong khi đó, ở Vạn Giã, lúc cao điểm, trên địa bàn có hơn 30 sàn giao dịch nhưng nay con số hoạt động hàng ngày chỉ đếm trên đầu ngón tay. Tương tự tại Phú Quốc, tình hình mua bán, chuyển nhượng đất đai cũng trở nên trầm lắng ảm đạm.

    Nhóm nhà đầu cơ chưa kịp rút vốn tại các đặc khu kinh tế chịu ảnh hưởng khá nặng nề từ chính sách siết chặt thị trường bất động sản của chính quyền. “Tâm lý ai cũng nghĩ, cái gì 'sốt' thì cũng chắc chắn lên giá. Dù biết mạo hiểm nhưng họ dám chơi thì giờ buộc phải dám chịu. Nhiều người biết trước sẽ có lúc thị trường bị đóng băng nhưng họ không nghĩ lại nhanh như vậy”.

    “Đến nay, hoạt động chuyển nhượng trái phép tại các khu vực nêu trên đang dần được kiểm soát, tình hình giao dịch chuyển nhượng trái pháp luật có xu hướng chững lại”, Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản cho hay.

    Sau thời gian dài "đóng băng" do UBND tỉnh Quảng Ninh yêu cầu tạm dừng các giao dịch đất đai và Quốc hội quyết định hoãn thông qua Luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt đối với Vân Đồn, ngày 9/1/2018 vừa qua, thị trường bất động sản tại đây đã đón nhận diễn biến mới đầy tích cực khi quyền địa phương mở cửa trở lại các hoạt động giao dịch bất động sản.

    Mới đây, UBND tỉnh Khánh Hòa cũng quyết định chấm dứt hiệu lực của văn bản dừng nhận hồ sơ chuyển mục đích sử dụng đất, chuyển nhượng quyền sử dụng và tách thửa. Điều đó cũng đồng nghĩa các giao dịch bất động sản trên địa bàn này sẽ được mở cửa trở lại từ ngày 17/6.

    Viethome (theo Vietnamnet)

  • Đầu tư đất nền ven biển đối mặt với rủi ro đọng vốn khi sóng thị trường qua đi hoặc mua phải dự án pháp lý không rõ ràng.

    Báo cáo tổng hợp từ Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho thấy, hiện các dự án đất nền được triển khai rất mạnh tại nhiều điểm du lịch biển trên cả nước. Sản phẩm chủ đạo là nhà đất và đất nền.

    Tính riêng năm 2018, lượng cung mới tại các tỉnh ước đạt 100.000 sản phẩm. Tỷ lệ hấp thụ bình quân tại các dự án trong năm 2018 đạt trên 60% lượng hàng mỗi đợt chào bán ra thị trường, được đánh giá là tốt hơn so với năm 2017. Hội Môi giới nhận định, giá đất nền tại các tỉnh có thể tăng trong biên độ từ 10 đến 15% trong năm 2019.

    Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng, đã đến lúc cần nhìn nhận rõ ràng đây không phải là một kênh đầu tư mang tính bền vững mà đơn thuần là đầu tư lướt sóng và tiềm ẩn nhiều rủi ro như: Rủi ro bị tồn đọng vốn do tính thời vụ và chịu ảnh hưởng bởi sóng thị trường; Rủi ro mua phải đất không rõ ràng pháp lý, đất lấn chiếm giấy tờ chủ yếu là giấy viết tay giá trị đảm bảo không cao. Một số dự án sau khi phân lô bán đất xong, thu tiền của khách hàng rồi nhưng lại bỏ hoang hoặc thay đổi quy hoạch.

    Với nhiều rủi ro nêu trên, các dòng vốn sẽ có sự phân hóa và dịch chuyển dần về những kênh đầu tư năng động hơn so với đất nền. Đó là những loại tài sản dễ kinh doanh, dễ kiểm soát dòng tiền và thu hồi vốn. 

    Tại Diễn đàn "Đầu tư bất động sản 2019: Rủi ro và Cơ hội" vừa được Báo Diễn Đàn Doanh Nghiệp tổ chức, ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho biết, “Hiện nay, thị trường bất động sản du lịch đang phát triển mạnh nhưng đầu tư vào đâu cần cẩn trọng, tôi khuyên nhà đầu tư nên tránh đất nền tại các dự án nhỏ lẻ, hay như việc mua lại đất nền của người dân là rất nguy hiểm. Thay vào đó, nhà đầu tư nên đầu tư vào dự án có quy mô lớn của các doanh nghiệp lớn là kênh đầu tư sinh lời, đảm bảo giá trị”, ông Nam nhấn mạnh.

    Đề cập hiện tượng sốt đất nền cục bộ ở một số khu vực ven biển, Giáo sư Đặng Hùng Võ cho rằng nên cấm chia lô bán nền. Theo ông, việc nhà đầu tư nhận đất xong, chia lô bán nền ngay là đi ngược lại với những mô hình đầu tư chuyên nghiệp, tức là đầu tư làm sao để bất động sản đó sinh lời. Đồng thời, theo ông, cần có cơ chế khuyến khích đầu tư trên đất để tạo ra những sản phẩm có giá trị sử dụng và sinh lời.

    Còn theo Luật sư Nguyễn Văn Lộc - Chủ tịch LP Group cho rằng, đã đến lúc cần nhìn nhận rõ ràng đây không phải là một kênh đầu tư mang tính bền vững mà đơn thuần là đầu tư lướt sóng và tiềm ẩn nhiều rủi ro như: Rủi ro bị tồn đọng vốn do tính thời vụ và chịu ảnh hưởng bởi sóng thị trường; Rủi ro mua phải đất không rõ ràng pháp lý, đất lấn chiếm giấy tờ chủ yếu là giấy viết tay giá trị đảm bảo không cao. Một số dự án sau khi phân lô bán đất xong, thu tiền của khách hàng rồi nhưng lại bỏ hoang hoặc thay đổi quy hoạch…

    Với nhiều rủi ro nêu trên, các chuyên gia cho rằng dòng vốn sẽ có sự phân hóa và dịch chuyển dần về những kênh đầu tư năng động hơn so với đất nền. Đó là những loại tài sản dễ kinh doanh, dễ kiểm soát dòng tiền và thu hồi vốn. Việc đầu tư vào phân khúc căn hộ nghỉ dưỡng là một lựa chọn khá hấp dẫn nhờ nhiều yếu tố: Suất đầu tư hợp lý, lợi nhuận ổn định, cơ sở hạ tầng đồng bộ và phát triển… Tuy nhiên, phải chọn những chủ đầu tư uy tín với các dự án đảm bảo pháp lý.

    Viethome (theo Trí Thức Trẻ)

  • Cảnh chen lấn mua đất tại các dự án, cảnh xô bồ, hứng khởi trao tiền giao dịch tại các phòng công chứng, cảnh đông đúc, chờ lâu tại Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất như thời điểm tháng 2, tháng 3 đã không còn. Thay vào đó là sự vắng vẻ, đìu hiu.

    "Đất giảm giá 10-15% rồi mà khó tìm được người mua. Em lỡ ôm mấy lô trúng đỉnh, giờ bán thì lỗ nhiều quá. Thôi cố giữ một thời gian nữa rồi tính"- chị Linh, một "nhà đầu tư" đất tại khu vực Hòa Xuân chán nản cho biết.

    Hàng trăm người đội nắng nhờ UBND tỉnh Quảng Nam can thiệp vì mua đất chưa đủ điều kiện pháp lý từ các doanh nghiệp ở... Đà Nẵng.

    "Lướt sóng" gặp phải… "sóng thần"

    Các ki-ốt môi giới bất động sản mọc lên như nấm tại các dự án trong thời điểm sốt đất. Nhưng lượng giao dịch tại các ki-ốt này dường như chỉ là con số lẻ so với các giao dịch qua mạng, đặc biệt là facebook. 

    Hàng loạt fanepage có tên na ná liên quan đến mua bán BĐS Đà Nẵng với hàng chục, đến hàng trăm ngàn thành viên là kênh tương tác nhanh nhất, hiệu quả nhất giữa môi giới và người mua, người bán. Nhưng thay vì chỉ đăng tin mua bán, thời điểm cuối tháng 3, đầu tháng 4-2019, từ "cứu cọc" đã xuất hiện dày đặc trên các bản tin, liên quan nhiều nhất đến BĐS tại dự án A. 

    "Khách mình mua lô đất B.1X, 3 ngày nữa ra công chứng mà không đủ tiền, nhờ anh em cứu cọc". "Cần cứu cọc lô 2X giá 3,5 tỷ". "Em cọc lô 4X 300 triệu. Hôm nay chuyển lại cọc chỉ 150 triệu". "Mai em không có tiền công chứng nên chuyển cọc lô 5X, chịu lỗ 200 triệu. Em chờ đến 11h đêm nay, có ai cứu em với. Huhu"... 

    "Trước đây, mỗi lô đất dự án bình thường chỉ cần cọc 50-100 triệu đồng. Nhưng trong cơn sốt đất, bên bán luôn yêu cầu đặt cọc 200-300 triệu đồng, thậm chí là nhiều hơn. Còn bên mua cũng muốn đặt cọc số tiền lớn vì lo sợ nếu đặt cọc ít, bên bán dễ "bẻ kèo", sẵn sàng đền tiền cọc khi giá đất tăng vọt từng ngày. Khi thấy thị trường chựng lại, nhiều người chấp nhận lỗ tìm mọi cách để sang cọc, vớt vát được đồng nào hay đồng đó, còn hơn là mất trắng.

    Khi cơn sốt đất còn neo ở điểm đỉnh, vẫn còn nhiều người vào "comment", hoặc "inbox" để hỏi han, trao đổi, mặc cả. Tuy nhiên đến thời điểm này, những tin bán đất rao dồn dập nhưng rất ít người quan tâm. Người có nhu cầu mua đất xây nhà thì chờ đất xuống thêm, vì thấy giá hiện nay tuy giảm vẫn còn cao hơn nhiều so với năm trước. 

    "Em cũng nhảy vô cứu cọc, giờ mắc kẹt tiền trong đất. Mà tiền mua đất gần 1/2 là vay ngân hàng. Gắng gượng đến cuộc thi pháo hoa quốc tế sắp tới (được tổ chức vào tháng 6-2019-PV) mà giá đất không hồi lại thì giá nào em cũng bán, chứ không trả nổi lãi ngân hàng"- Bình, một dân buôn BĐS chia sẻ, đôi mắt buồn bã nhìn xa xăm.

    Cơ quan CSĐT Công an TP Đà Nẵng bắt giam Nguyễn Thị Bích Thuận, đối tượng bán đất "ảo" tại phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, chiếm đoạt 150 tỷ đồng.

    Cuối tháng 3-2019, thấy nhiều người kiếm tiền dễ dàng từ đầu cơ đất ở Đà Nẵng, chị Thúy bàn với chồng đến đây để đầu tư. Là chủ một doanh nghiệp xây dựng, chồng chị Thúy đã dùng hàng chục tỷ đồng vốn vay để thi công công trình chuyển qua mua 2 lô đất biệt thự, mỗi lô hơn 300m² ở Hòa Xuân. Việc tìm hiểu, mua bán và ra công chứng diễn ra chóng vánh trong vòng một ngày. 

    Đến nay, ý định "lướt ván", mua nhanh bán nhanh coi như thất bại, doanh nghiệp khó khăn vì đồng vốn không thể luân chuyển. Khi nghe chị Thúy kể, người bạn ở Đà Nẵng chỉ còn biết nói lời an ủi, hy vọng vào một ngày... nắng đẹp.

    Nếu như những người mua đất tại các dự án pháp lý đầy đủ, hạ tầng hoàn chỉnh, dự án đã có đông dân cư thì còn hy vọng giá đất một ngày nào đó hồi lại, hoặc chấp nhận lỗ nhiều thì bán cũng có người mua. Còn những người mua đất vườn ao, bụi bờ ở khu vực huyện Hòa Vang thì "chết đứng". Bởi đất khu vực này ở thì không được, xây trọ cũng chẳng ai thuê, mỗi lô đất vài chục đến một hai trăm m², cũng chẳng đáng bỏ công đến để chăn nuôi hay trồng trọt. 

    Thời điểm sốt đất, mảnh vườn 400m của bà C (trú xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang) có người ở phố lên mua 1 tỷ. "Sau đó người ta sang nhượng qua nhiều tay, nghe nói lên đến hơn 2 tỷ đồng, gia đình cô tiếc đứt ruột. Nhưng nghe giờ rớt giá lắm rồi, cả tháng nay không thấy ai vào làng xem đất như trước", bà C bộc bạch...

    Cảnh xô bồ chen lấn mua đất tại khu vực Tây Bắc Đà Nẵng vài tháng trước khi thị trường "đóng băng".

    "Uống Viagra cũng chưa lên được lúc này"

    Có rất nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ tham gia mua bán bất động sản. Nhưng họ không phải là người dẫn dắt cuộc chơi. Nhiều người đã "nuốt quả đắng" khi bị lôi kéo bởi những "mê hồn trận" thông tin. Và không ít người ngỡ mình nhanh nhạy, nắm được thời cơ khi biết trước thông tin lại là những người bị thiệt hại nhiều nhất.

    Trong lúc nhiều người tìm cách tháo chạy lại có những người âm thầm gom đất tại khu vực Tây Bắc Đà Nẵng vì được "rỉ tai" về cơ hội to lớn, khi một khu phi thuế quan và biệt thự cao cấp quy mô sẽ được đầu tư xây dựng tại đây. Thông tin này xuất hiện trùng với thời điểm một doanh nghiệp chuẩn bị "ra hàng" phân khu C thuộc một dự án trong khu vực này.

    Trước đó, tại buổi "Tọa đàm mùa xuân" tại Đà Nẵng đầu tháng 3-2019,  ông Jonathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPP) đã hé lộ dự định mở Khu phi thuế quan tại Đà Nẵng. Tháng 4-2019, tại cuộc làm việc với lãnh đạo TP Đà Nẵng, Công ty Xuất nhập khẩu Thái Bình Dương (IPPG, trực thuộc IPP) đã đề xuất xây dựng dự án khu phi thuế quan và biệt thự, với tổng vốn đầu tư khoảng 10.000 tỷ đồng tại KĐT sinh thái Golden Hills. Theo đó, khu phi thuế quan có diện tích khoảng 7 ha gồm các hạng mục như cửa hàng miễn thuế, nhà hàng, các tiện ích vui chơi, giải trí; khu biệt thự cao cấp có diện tích khoảng 70 ha.

    IPPG đưa ra viễn cảnh khu phi thuế quan và khu biệt thự cao cấp sẽ tạo điểm đến hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước, biến khu vực này thành một nơi mua sắm sầm uất, thúc đẩy sự thịnh vượng, giàu có, giải quyết công ăn việc làm và tăng thu nhập cho người lao động tại địa phương. Ngoài ra, IPPG cũng đề xuất xây dựng trung tâm tài chính Đà Nẵng tại 4 lô đất trên đường Võ Văn Kiệt, quận Sơn Trà.

    Nhưng đến ngày 6-5-2019, IPPG có báo cáo gửi UBND TP Đà Nẵng thông báo chấm dứt đàm phán dự án Khu phi thuế quan tại Golden Hills vì "không đạt được thỏa thuận như dự kiến với doanh nghiệp sở hữu khu đất" định đặt dự án. 

    Theo IPPG, các thông tin liên quan tới việc IPPG thực hiện dự án đã xuất hiện trên nhiều kênh thông tin đại chúng khiến giá đất tăng cao, gây ảnh huởng đến việc đàm phán giữa IPPG và chủ khu đất. Lý do IPPG đưa ra khiến nhiều người ngạc nhiên, bởi thông tin về dự án đã được ông Hạnh Nguyễn nêu ra tại buổi tọa đàm có rất đông báo chí tham dự, thế nhưng lại lấy lý do dừng dự án vì "lộ thông tin" khiến giá đất tăng cao.

    Nếu vượt lên những hồ hởi, phấn chấn về viễn cảnh của dự án, bình tĩnh nghiên cứu quy định của pháp luật, thì khu phi thuế quan chỉ được mở tại các khu kinh tế, khu kinh tế cửa khẩu được thành lập theo quyết định của Thủ tướng. Mở khu phi thuế quan tại một khu đô thị đâu phải thích là được, theo ý muốn của chủ đầu tư hay chính quyền địa phương! 

    Nhưng, đúng như báo cáo của IPPG, giá đất Golden Hills đã tăng chóng mặt sau Tết Nguyên đán, đỉnh điểm là trước các thông tin về dự án khu phi thuế quan. Nhưng ngay sau đó đã trầm lắng, cùng với sự trầm lắng chung của cả thị trường bất động sản. Và khi những "tay to" đã bán đất ôm tiền và đến nay dự án đã chính thức "cáo chung", nhiều người đầu cơ đất tại khu vực này chỉ còn biết kêu trời...

    Cùng với lượng khách rất lớn từ Hà Nội, các tỉnh Quảng Trị, Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi, giới đầu cơ đất đai ở Đà Nẵng cũng đông đảo không kém, góp phần kích thích thị trường. Để thổi giá đất, một số người bất chấp pháp luật, giả mạo các văn bản của UBND TP Đà Nẵng. Có trường hợp lợi dụng các hội thảo để tung tin đầu tư các dự án thương mại, di dời sân bay, xây cầu vượt sông... để thổi giá đất lên. 

    Trước sự phát triển quá nóng và kém lành mạnh của thị trường, UBND TP Đà Nẵng đã đề nghị các cơ quan chức năng chấn chỉnh, điều tra, xử lý. Thị trường bất động sản Đà Nẵng, Quảng Nam vừa qua còn bị "một cái tát" rất mạnh qua vụ lừa đảo bán đất của Công ty Quảng Đà, chiếm đoạt của người mua đất 150 tỷ đồng; sự tranh chấp, "lật kèo" liên quan đến các chủ đầu tư dự án và đơn vị phân phối như Bách Đạt An, Hoàng Nhất Nam.... 

    Qua những vụ việc này, đã bộc lộ nhiều dự án mở bán khi chưa đủ điều kiện pháp lý, chưa có cơ sở hạ tầng, thậm chí còn chưa hoàn thành nghĩa vụ thuế, chưa có quyết định giao đất của chính quyền địa phương. Hiệu ứng đám đông khiến nhiều người đổ xô đi mua khi đất tăng giá, rồi lại đổ xô đi bán khi thị trường bất ổn. Rất nhiều nhà đầu tư đã trở thành nạn nhân của sự làm ăn gian dối, và cũng là nạn nhân của chính mình vì quá non nớt hay hám lợi.

     Chỉ mới vài tháng trước đây thôi, tại một buổi họp mặt, phóng viên cảnh sát toàn cầu gặp hàng loạt bạn trẻ 8X, 9X giới thiệu là Tổng Giám đốc doanh nghiệp, tất nhiên là doanh nghiệp BĐS với những cái tên lạ lẫm. Họ đều đến từ một tỉnh phía Bắc, rủ nhau "đổ bộ" vào Đà Nẵng. 

    "Giờ ai cũng chen nhau bán, mà rất hiếm người mua. Lãi suất ngân hàng cũng rậm rịch tăng, ôm đất càng lâu rủi ro càng lớn. Bọn em mong giá đất hồi lại gần với sau Tết để ra hàng. Nhưng với tình hình hiện giờ, chỉ có thể cắt lỗ chứ có đổ Viagra xuống thì giá đất cũng chưa thể lên được" - Một "Tổng giám đốc" thở hắt ra khi được hỏi về việc buôn bán đất đai...

    Viethome (Theo Cảnh sát toàn cầu)

  • Giàu lên từ đất là có thật khi người người, nhà nhà kiếm tiền tỷ từ lướt sóng, đầu tư đất. Từ chủ tịch các công ty sản xuất, công nghệ đến nhân viên văn phòng, bà bán nước đều bất ngờ "phất" lên từ buôn đất.

    Tết này tôi về quê, mới có thời gian đến từng nhà người thân trong họ hàng để thăm hỏi sức khỏe và có cơ hội trò chuyện với nhiều người thân đến chúc tết. Trò chuyện một hồi, tôi có phần "choáng váng" khi 10 người mình gặp gỡ trò chuyện, có tới 7 người đang buôn đất.

    Anh họ tôi, một người chuyên lái xe ô tô chở khách hơn 5 năm qua đã bén duyên trở thành môi giới bất động sản từ năm 2020. Ngoài môi giới, tư vấn giới thiệu cho khách lô đất dự án, đất thổ cư, anh tôi còn "tranh thủ" xuống tiền vào một số lô đất có tiềm năng, nằm vùng ven khu công nghiệp. Nhẩm tính một tháng nếu chỉ chuyên lái xe chở khách, doanh thu của anh ước tính 10-12 triệu đồng. Những dịp lễ như Tết, doanh thu từ lái xe dao động 40-50 triệu đồng. Nhưng anh bảo, doanh thu chạy xe không bằng buôn đất.

    ai roi cung se buon dat thoi

    Tính sơ năm qua, số tiền anh kiếm được từ đất lên tới 9 con số. Điều mà chính anh cũng không thể ngờ rằng, buôn đất lại có thể mang khoản lời như vậy. Anh tôi thừa nhận rằng, may có thêm nghề tay trái mà anh mới có thêm thu nhập, trang trải sinh hoạt phí trong thời gian giãn cách vừa qua.

    Anh còn bảo: "Thị trường tốt nên môi giới mọc lên như nấm. Cứ có một lô đất chuẩn bị bán thì có 3-4 ông môi giới xuất hiện. Người thì làm văn phòng, người thì làm công nhân ở khu công nghiệp, thậm chí bà bán nước cạnh nhà anh cũng còn đi đầu tư đất".

    Ngoài người anh họ gần, tôi lại biết thêm được một người anh họ xa, hiện đang làm chủ hãng sữa nội ở Việt Nam. Dù doanh thu từ sữa khá tốt nhưng người anh họ xa tiết lộ, anh còn mạnh về kinh doanh bất động sản. Khi hệ thống sữa đã đi vào vận hành trôi chảy, anh dành nhiều thời gian hơn để đầu tư đất. Câu cuối cùng mà anh chốt lại với tôi, đó là: "Không đầu tư đất thì không giàu được. Lợi nhuận buôn đất gấp đôi, gấp ba, gấp 5 trong khi buôn sữa lợi nhuận lại chỉ tính bằng phần trăm, vất vả vô cùng".

    Một người bạn của chồng tôi đến nhà chúc Tết. Năm ngoái, anh còn xoành xoạch chiếc xe máy cà tàng đến chơi. Năm nay, anh đến chúc Tết bằng con xe gần 500 triệu sáng loáng. Anh bảo đây là xe của vợ còn anh tính mua cho bản thân một con xe khác.

    Cười đùa hỏi sao anh đổi đời nhanh thế, anh bạn của chồng tôi thật thà bảo: "Buôn lãi được vài lô đất". Anh chuyển việc, làm cho công ty chuyên về kết cấu hạ tầng khu công nghiệp. Cứ khi nào có công ty xin được chủ trương, anh và vài người đồng nghiệp đã mua sẵn mấy lô đất ven khu công nghiệp. 2-3 tháng, đất tăng 100%, anh lại bán. Nhờ thế mà anh mới kiếm được khoản tiền lớn để mua xe, mua nhà mới.

    Đâu chỉ có người trẻ buôn đất mà ngay cả những người trung tuổi đã về hưu, sắp bước sang tuổi mà người xưa hay gọi là "thất thập cổ lai hy" cũng đi buôn đất. Đó là đôi vợ chồng từng là nhân viên văn phòng, đã về hưu hơn 10 năm, cách nhà tôi một xã. Tôi nghe mọi người kể, 2 năm qua, đôi vợ chồng U70 kiếm tới 5 tỷ tiền từ buôn đất. Để thuận tiện cho việc giao dịch, họ còn thành lập một công ty bất động sản.

    Đấy là những nhân vật điển hình mà tôi gặp ở quê buôn lớn, quy mô tiền tỷ. Còn không ít người dân quê cũng tranh thủ găm 1-2 lô đất vài trăm triệu để dành, chờ giá đất lên rồi bán với tâm lý: "Người sinh ra chứ đất không sinh ra".

    Đến ở quê, người người nhà nhà cũng đi buôn đất thì nói gì đến thị trường sôi động, truyền thống như Hà Nội. Ngoảnh đi ngoảnh lại, chỉ trong vòng 1 năm trở lại đây, bao người bạn bè của tôi cũng phải thêm nghề tay trái: buôn đất hay môi giới đất. Ai không có đất thì cố gắng vay mượn người thân họ hàng hay thậm chí cắm sổ hồng căn nhà đang ở để đi mua đất. Không mua đất ở vùng ven Hà Nội thì họ xuôi về tận các tỉnh xung quanh như Bắc Giang, Bắc Ninh, Hưng Yên, Phú Thọ, Hải Dương để đầu tư đất.

    Người lãi to kể lại cho người chưa từng đi đầu tư. Người chưa từng đi đầu tư cũng sốt sắng nghĩ: "Phải nhanh mua lấy miếng đất không thì 1-3 năm sau, giá đất đã tăng gấp 3 lên". Hay không mua bây giờ thì biết đến bao giờ mới có thể mua, mới đổi đời. Vì suy cho cùng, họ chỉ thấy người ta giàu lên vì đất chứ còn để khởi nghiệp từ công nghệ thông tin hay ngành nghề sản xuất nào thì thật chật vật.

    Như chia sẻ của một người bạn tôi làm lãnh đạo công ty chuyên về phần mềm công nghệ, giai đoạn khó khăn, nhờ tiền kiếm từ đất mà mới có thể duy trì được bộ máy công ty. Cứ sốt đất với giá tăng chóng mặt như thế này thì ai rồi cũng sẽ đi buôn đất mà thôi.

    Theo Doanh nghiệp & Tiếp thị