• Vụ ly hôn của cặp đôi gia tộc Samsung đã thu hút sự chú ý của dư luận cả ở Hàn Quốc và quốc tế trong một thời gian dài.

    Đầu tháng 1 năm 2020, tòa án tối cao Hàn Quốc tuyên bố họ đã tái khẳng định phán quyết của tòa án cấp dưới chấp nhận yêu cầu ly hôn của Lee Boo-jin, con gái lớn của gia tộc Samsung, chính thức kết thúc cuộc chiến pháp lý kéo dài hơn 5 năm giữa đôi vợ chồng Lee Boo Jin và Lim Woo Jae.

    chang re nha samsung 1

    Tòa án tối cao Hàn Quốc giữ nguyên quyết định của tòa án cấp dưới yêu cầu bà Lee Boo Jin trả 14,1 tỷ won (hơn 290 tỷ VNĐ) như một hình thức chia tài sản cho ông Lim Woo Jae.Tòa án đã trao quyền nuôi dưỡng và quyền giám hộ cho đứa con duy nhất của họ cho bà Lee.

    Thông tin này như một câu kết luận cho câu chuyện tình dài đằng đẵng mà nhiều tình tiết kịch tính của cặp đôi gia tộc lớn nhất Hàn Quốc.

    Vụ ly hôn đã thu hút sự chú ý của dư luận cả ở Hàn Quốc và quốc tế không chỉ bởi sức ảnh hưởng và độ nổi tiếng của gia tộc Samsung trên khắp thế giới mà còn bởi nó cho thấy một khía cạnh rất khác của cuộc sống phía sau những cánh cửa hào môn lúc nào cũng đóng kín.

    chang re nha samsung 1
    Hình ảnh bà Lee Bo Jin - nữ tỷ phú của gia tộc Samsung.

    Chuyện tình ngang trái giữa anh nhân viên nghèo và tiểu thư cành vàng lá ngọc

    Năm 2021, trong một bài báo viết về ái nữ nhà Samsung, Lee Boo Jin, tờ SCMP còn nhận định rằng: "Câu chuyện tình yêu của nữ tỷ phú gia tộc Samsung giống như một cốt truyện lấy từ bộ phim truyền hình Hàn Quốc về các chaebol (tức những gia đình tài phiệt, kinh doanh theo kiểu cha truyền con nối ở xứ kim chi).

    Theo đó, ông Lim bắt đầu làm việc tại Tập đoàn Samsung C&T vào năm 1995, 4 năm trước khi cặp đôi kết hôn.

    Khi tin tức về cuộc hôn nhân của họ lần đầu tiên được tiết lộ, Samsung chính thức thông báo rằng họ gặp nhau khi Lim tham gia một hoạt động tình nguyện do công ty tổ chức. Khi đó, nàng "thiên kim tiểu thư" đang là thực tập sinh tại công ty gia đình, còn Lim Woo Jae chỉ là một nhân viên IT bình thường của tập đoàn Samsung.

    chang re nha samsung 1
    Ảnh đám cưới của tiểu thư Lee Boo Jin và Lim Woo Jae.

    Sau nhiều lần tiếp xúc, cặp đôi đã phải lòng nhau và tình yêu này nghiễm nhiên bị gia đình nhà gái cật lực phản đối vì xuất thân quá khác biệt của 2 nhân vật chính.

    Chosun Biz đưa tin, Giám đốc điều hành Samsung Lee Kun Hee và phu nhân là bà Hong Ra Hee, không thừa nhận cuộc hôn nhân của họ. Nhưng tiểu thư Lee thậm chí còn tuyệt thực để thuyết phục cha mẹ cho mình được cưới Lim.

    Tuy nhiên, lời kể của Lim lại khá khác. Theo Hankyoreh, trong quá trình ly hôn, ông tiết lộ rằng khi gặp cô Lee, mình thực sự chỉ là nhân viên bảo vệ riêng cho gia đình. Lim kể rằng Lee thường tìm đến mình để giãi bày tâm sự, lâu dần nảy sinh tình cảm và dẫn đên việc họ hẹn hò.

    Lim kể rằng mình thậm chí còn không có ý định tiến xa hơn trong mối quan hệ này, nhưng tiểu thư Lee đã động viên người yêu dũng cảm đối mặt với thách thức để có được hạnh phúc. Câu chuyện này cũng đã gây xôn xao trong một thời gian nhưng đến nay, chỉ có người trong cuộc mới hiểu rõ sự tình?!

    Trèo cao ngã đau?

    Lễ cưới của Lim Woo Jae và ái nữ nhà Samsung Lee Boo Jin được tổ chức vào tháng 8/1999. Vượt qua muôn vàn sóng gió để trở thành thành viên nhà hào môn, Lim Woo Jae được công chúng gọi là "chàng Lọ Lem" vì lấy được người vợ không chỉ xinh đẹp mà còn có gia thế cực "khủng".

    Những tưởng sau khi về chung một nhà, cặp đôi sẽ được tận hưởng hạnh phúc như bao cặp đôi khác nhưng thực tế không như mơ.

    chang re nha samsung 1

    Ngay sau đám cưới, Lim Woo Jae được đưa sang Mỹ du học theo sự điều phối của gia đình vợ. "Thời điểm chuẩn bị du học là quãng thời gian khó khăn nhất trong đời. Tôi đã khủng hoảng tới mức từng tự tử. Tôi ôm lấy vợ mình và khóc như một đứa trẻ", ông Lim Woo Jae chia sẻ. Suốt 7 năm sau đó, cặp đôi phải sống xa nhau vì bị cuốn vào vòng xoáy công việc, thỉnh thoảng họ chỉ gặp nhau trong những dịp đặc biệt.

    Việc cử Lim đi du học bị xem là hành động nhằm mục đích chia cắt tình cảm cặp đôi, tạo áp lực lên tình yêu của cả hai. Không ngờ, nó lại phát huy tác dụng. Khoảng cách xa xôi cộng với thời gian ở bên cạnh nhau không nhiều khiến tình cảm vợ chồng dần nhạt phai.

    Cuối năm 2014, bà Lee Boo Jin đệ đơn ly hôn, nhiều tin đồn cho rằng cặp đôi thực chất đã ly thân từ 2 năm trước.

    Cổ tích chỉ là cổ tích

    Vụ ly hôn của vợ chồng bà Lee Boo Jin từng là tâm điểm của giới truyền thông. Ông Lim Jae Woo khẳng định đã bị luật sư của vợ đặt điều xuyên tạc trong phòng xét xử ly hôn, tố ông uống rượu, lười biếng và đánh vợ.

    Chàng rể gia tộc Samsung còn lên tiếng chỉ trích vợ không tạo điều kiện cho ông làm tròn bổn phận người chồng, người cha đối với con trai duy nhất của họ.

    Bà Lee đã đệ đơn ly hôn với ông Lim, khi đó là giám đốc điều hành của Samsung Electro-Mechanics Co., vào tháng 10 năm 2014 tại tòa án quận ở Suwon, phía Nam Seoul. Phiên tòa sau đó được chuyển đến Tòa án Gia đình Seoul khi Lim cho biết nơi cư trú chính thức của họ là ở Seoul.

    Tòa án Gia đình Seoul đã xác nhận vụ ly hôn, trao quyền chăm sóc con và quyền giám hộ cho bà Lee và yêu cầu bà phải trả 8,6 tỷ won (155 tỷ VNĐ) cho ông Lim.

    Tòa phúc thẩm vào tháng 9 năm 2019 đã giữ nguyên quyết định này nhưng đã nâng số tiền lên 14,1 tỷ won (hơn 290 tỷ VNĐ), do giá trị tài sản của bà Lee tăng lên.

    Quyết định này được coi là một chiến thắng dành cho con gái gia tộc Samsung vì ông Lim được cho là đã yêu cầu phía bà Lee phải trả hơn 1 nghìn tỷ won (18 nghìn tỷ VNĐ), số tiền lớn nhất được yêu cầu trong các phiên tòa phân chia tài sản ly hôn ở Hàn Quốc.

    Cuộc hôn nhân thất bại của ái nữ tập đoàn Samsung như một minh chứng cho thấy cuộc sống bên trong các gia tộc tài phiệt không phải lúc nào cũng lấp lánh và hào nhoáng như vẻ bề ngoài. Chuyện hoàng tử, công chúa kết hôn với "thường dân" và sống cuộc đời hạnh phúc mãi mãi về sau dường như vẫn chỉ tồn tại trong những câu chuyện cổ tích mà thôi.

    Afamily (nguồn: Koreaherald, Yonhap News)

  • Có vẻ như những nỗ lực của Samsung trong việc mang lại sự hài lòng cho khách hàng đã được chú ý.

    Theo Android Authority, hàng năm, American Customer Satisfaction Index (ACSI) - chỉ số hài lòng của khách hàng Mỹ - sẽ đưa ra một báo cáo về cảm nhận của người Mỹ về các sản phẩm và công ty cụ thể. Trong 20 năm qua, công ty có số điểm cao nhất ở hạng mục máy tính cá nhân là Apple. Vào năm 2023, chuỗi thắng đó đã kết thúc.

    Trong báo cáo ACSI 2023, Samsung đã cầm hòa Apple. Cả hai công ty đều đạt được số điểm 83. Khi có sự gia tăng một điểm của Apple và hai điểm của Samsung so với năm ngoái. 

    apple samsung
    Apple và Samsung hòa nhau về chỉ số hài lòng của khách hàng Mỹ vào năm 2023.

    Danh mục máy tính cá nhân gồm có máy tính xách tay, máy tính bảng và máy tính để bàn. Đối với Apple, các sản phẩm được đánh giá sẽ gồm MacBook, iPad và máy tính để bàn như Mac Mini. Đối với Samsung, danh mục gồm máy tính xách tay Galaxy Book, Galaxy Chromebook và dòng Galaxy Tab.

    Theo ACSI, màn vươn lên cân bằng giữa Samsung với Apple có thể là do sự hài lòng của khách hàng ngày càng tăng đối với dòng Galaxy Tab. Trong khi mức độ hài lòng về máy tính bảng ở Mỹ đã giảm nhưng điểm số của Samsung lại được cải thiện 6%. Nói cách khác, Samsung đang đi ngược lại xu hướng chung.

    Báo cáo ACSI 2023 này dựa trên hơn 14.000 câu trả lời từ một cuộc lựa chọn ngẫu nhiên của người Mỹ.

    Phiên bản máy tính bảng gần đây nhất của Samsung là dòng Galaxy Tab S9. Sở hữu những chi tiết đáng chú ý như màn hình OLED và chuẩn chống nước IP68 đầy đủ, đây là những thứ không thường thấy trên máy tính bảng. Tương tự, các sản phẩm giá rẻ của Samsung cũng rất được quan tâm, khi dòng Galaxy Tab A luôn là lựa chọn hợp lý để có được một chiếc máy tính bảng đủ tốt cho các hộ gia đình.

    Tuy nhiên, nhược điểm lớn nhất của máy tính bảng Samsung luôn nằm ở nền tảng Android chứ không phải phần cứng hay giá cả. Vì Google chỉ mới bắt đầu quan tâm đến các thiết bị Android màn hình lớn trong vài năm trở lại đây, như một động thái dọn đường cho màn ra mắt Pixel Fold và Pixel Tablet.

    Mặc dù Apple vẫn đang nhận được nhiều lời khen ngợi dành cho iPad. Nhưng khoảng cách giữa iPadOS và Android không còn quá xa như trước.

    Theo trithuccuocsong

  • Nhiều thanh thiếu niên tại Mỹ cho rằng iPhone mới là thiết bị thời thượng, còn điện thoại Android thuộc về người lớn tuổi.

    Deb Harrison sống tại Hudson Valley, New York cùng con gái Kira, 15 tuổi và con trai Justice, 16 tuổi. "Chúng tôi cùng quan điểm về nhiều thứ trong cuộc sống, trừ smartphone. Kira chọn iPhone 11 vì không muốn trở thành 'người kỳ quặc' trong mắt mọi người, còn Justice dùng Motorola One 5G chạy Android", Harrison nói với WSJ.

    Harrison cho biết con trai bà lựa chọn đi ngược với đám đông để nhận được sự chú ý. "Bạn bè giễu cợt Justice vì không dùng iPhone, nhưng thằng bé không bận tâm", bà nói.

    Bất đồng quan điểm về hệ điều hành smartphone không hiếm tại Mỹ. Theo thống kê của Statcounter, Apple hiện nắm giữ 57% thị phần điện thoại di động tại nước này, cao hơn mức 42% của Android. Tỷ lệ còn chênh lệch hơn ở phân khúc người dùng trẻ. Theo khảo sát của ngân hàng đầu tư Piper Sandler năm ngoái, 87% thanh thiếu niên sở hữu iPhone và cũng từng đó phần trăm dự định mua iPhone nếu đổi điện thoại.

    gioi tre dien thoai
    Một nhóm sinh viên sử dụng smartphone trong khuôn viên trường học. Ảnh: Dreamstime

    Melissa Jones, từng là giáo viên ở Lebanon, Indiana, cho rằng đối với học sinh sinh viên, sở hữu điện thoại mới và thời thượng luôn là một trong những điều được coi trọng, ít nhất là trong con mắt của chúng. Vấn đề đã tồn tại nhiều năm. Tuy nhiên, việc này trước đây chỉ được xem như trò đùa, nhưng giờ bị đẩy lên thành quan điểm kể từ khi TikTok phổ biến.

    "Bạn đang nói với tôi, giờ là năm 2023, nhưng bạn vẫn cầm trên tay một chiếc Android ư? Bạn phải ít nhất 50 tuổi rồi", Abdoul Chamberlain, nhà sáng tạo nội dung 20 tuổi với hơn 3,4 triệu người theo dõi trên TikTok, đăng video hồi tháng 4. Chamberlain cho rằng chỉ người đã làm cha mẹ hoặc người lớn tuổi mới dùng điện thoại Android, và nói sẽ từ chối nếu ai đó tặng một chiếc, kể cả khi chúng "xịn" đến đâu.

    "Những nội dung phân biệt hai hệ điều hành trên TikTok khiến thanh thiếu niên đối đầu nhau. Nhiều trong số đó liên tưởng Android với công nghệ cũ, dành cho người lớn tuổi, bất kể smartphone mới thực tế hiện đại ra sao", Jones nói.

    Trên TikTok cũng không hiếm video có nội dung mô tả trải nghiệm buồn bã tại trường học của một số người khi dùng máy Android. Họ thậm chí cho biết đã bị bạn bè gọi là "người thời trung cổ" hoặc "bị phá sản" vì không có iPhone.

    Theo hãng nghiên cứu Counterpoint, xu hướng mua iPhone của giới trẻ, trong đó có việc thuyết phục cha mẹ mua cho họ, vẫn tăng dù giá trung bình iPhone đang tiến đến mốc 1.000 USD, gần gấp ba so với giá trung bình của smartphone Android. Giới chuyên gia cho rằng, có nhiều yếu tố khiến giới trẻ thích iPhone, nhưng ba lý do phổ biến là tính thời trang, giá trị sản phẩm mang lại và bị gắn chặt vào hệ sinh thái Apple.

    Trong đó, vấn đề tin nhắn màu xanh lá cũng là điều khiến cộng đồng iPhone và Android trở nên xa cách. "Khi tin nhắn xanh lá xuất hiện, các thành viên trong nhóm sẽ nghĩ người gửi dùng Android. Người đó có thể bị loại bỏ hoặc không được chú ý trong cuộc trò chuyện. Điều đó hình thành áp lực dù chỉ trong cộng đồng nhỏ", Annelise Hillman, 23 tuổi, nói với FT hồi tháng 3."Áp lực từ một chiếc điện thoại, thật điên rồ".

    Không chỉ ở Mỹ, người trẻ toàn cầu cũng đang bị thu hút bởi các tính năng độc quyền của Apple, như AirDrop cho phép chia sẻ nhanh ảnh, video và tập tin. Nói với WSJ, Choi Kab-soo, nhiếp ảnh gia sống ở Seoul, đánh giá iPhone và điện thoại cao cấp Samsung đều có sức mạnh chụp ảnh ngang nhau. Nhưng xét về tính năng gửi ảnh lập tức sang cho người khác, thiết bị Apple làm tốt hơn.

    Trở lại với câu chuyện của Deb Harrison, bà cho biết con trai mình và nhóm bạn vẫn chơi thân với nhau. "Tình bạn vẫn bền vững dù điện thoại là Android hay iPhone. Thay vì phân biệt tin nhắn xanh lá hay xanh lam, nhóm sẽ chọn một ứng dụng miễn phí khác để trò chuyện, như Snapchat", bà nói.

    VnExpress (theo WSJ)

  • Gia đình giàu nhất Hàn Quốc đã tăng khoản vay thế chấp cổ phần lên khoảng 3 tỷ USD. Đây có thể là cách để thanh toán một trong những khoản tiền thuế thừa kế lớn nhất thế giới.

    con chau nha samsung
    Trụ sở Samsung Electronics tại Suwon, Hàn Quốc. Ảnh: Bloomberg

    Tính đến tháng 5, các hồ sơ cho thấy khoản vay của gia tộc Samsung đã tăng gấp gần 4 lần so với cuối năm 2021. Đó là thời điểm Chủ tịch đương nhiệm Samsung Lee Jae Yong và gia đình công bố kế hoạch trả khoản thuế hơn 12.000 tỷ won (9,2 tỷ USD) thành 6 đợt trong vòng 5 năm sau sự ra đi của cố Chủ tịch Lee Kun Hee, Bloomberg đưa tin ngày 26/6.

    Khoản vay được đảm bảo bởi cổ phần là cách để gia đình ông Lee Jae Yong giữ tài sản. Hàn Quốc là một trong những quốc gia có thuế thừa kế cao nhất thế giới, có thể lên tới 60%.

    “Những người thừa kế Samsung có lẽ đang tăng các khoản vay vì đó là cách tốt nhất để trả thuế. Họ sẽ không muốn bán cổ phần lấy tiền vì có thể ảnh hưởng đến quyền kiểm soát Samsung”, Park Sang In, giáo sư tại Đại học Quốc gia Seoul, nhận định.

    Các nhà phân tích cho rằng khoản thuế thừa kế quá lớn cũng có thể là gánh nặng đối với cổ phiếu.

    “Nó có thể gây xung đột lợi ích với các cổ đông trong công ty. Ví dụ, gia đình có thể không muốn cổ phiếu tăng vì nó làm tăng gánh nặng thuế”, Lee Chang Hwan, giám đốc điều hành Align Partners Capital Management, cho biết.

    Cổ phần của bốn công ty trong tập đoàn, bao gồm Samsung Electronics và Samsung C&T, được sử dụng làm tài sản thế chấp cho khoản thuế thừa kế. Tổng giá trị cổ phần gia đình thế chấp là 13,3 tỷ USD.

    Trong số 500 tỷ phú theo xếp hạng Bloomberg Billionaires Index, chỉ có ông Larry Ellison, người sáng lập hãng phần mềm Oracle, đã thế chấp số cổ phiếu giá trị lớn hơn gia đình Samsung (36,4 tỷ USD).

    Tổng tài sản của những người thừa kế Samsung là 17,5 tỷ USD nếu trừ đi khoản tài sản thế chấp. Ngoài việc thế chấp, bà Hong Ra Hee, vợ cố Chủ tịch Lee, và con gái đã bán một số cổ phần, bao gồm 0,33% cổ phần của Samsung Electronics với giá 1,4 nghìn tỷ won vào tháng 3/2022.

    Theo Zing

  • ao phao chu tich samsung 1
    Chủ tịch Samsung Lee Jae-yong trong chuyến đi tới Việt Nam để dự lễ khánh thành Trung tâm R&D.

    Những ngày gần đây, chiếc áo phao mà Chủ tịch Samsung Lee Jae-yong mặc trong chuyến đi tới Việt Nam để dự lễ khánh thành Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển mới lớn nhất khu vực Đông Nam Á được khánh thành tại nước ta trở nên cực kỳ thu hút với rất nhiều người.

    Chiếc áo làm nổi bật phong cách của Thái tử Samsung được sản xuất tại chính một công ty thuộc tập đoàn này là Samsung C&T đã nhanh chóng cháy hàng trước sự săn lùng của những người hâm mộ. Điều này cho thấy bên cạnh thiết bị điện tử, một số mảng hoạt động khác của Samsung cũng có thể cho ra mắt nhiều sản phẩm vô cùng ăn khách.

    Công ty thời trang của Samsung C&T được thành lập như một cá thể riêng biệt vào năm 1954 trước khi được sáp nhập vào tập đoàn này năm 2013.

    7 năm sau ngày thành lập, công ty đã xuất khẩu được sản phẩm của mình ra nước ngoài. Năm 1977 và 1979, công ty lần lượt ra mắt hai dòng thời trang riêng biệt cho nam và nữ là Rogadis và La Botte, đánh dấu bước phát triển mới.

    Công ty thời trang của Samsung chính thức được niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán của Hàn Quốc năm 1975. Ở thời điểm cuối năm 2021, mảng này đem lại 1,6 nghìn tỷ KRW (1,25 tỷ USD) cho Samsung với 32 thương hiệu cùng gần 1.200 cửa hàng trên toàn cầu. Mặc dù không có được sự nổi tiếng như mảng điện thoại, song mảng thời trang cũng đã và đang đóng góp vào sự phát triển chung của tập đoàn Samsung.

    Một trong những thương hiệu nổi tiếng nhất thuộc vào công ty thời trang của Samsung là Beanpole – được ra mắt thị trường từ năm 1989 với các sản phẩm về quần áo cho nam và nữ, phụ kiện và trang phục golf cũng như các trang thiết bị thể thao.

    Các sản phẩm của Beanpole có mức giá khá vừa phải đối với thu nhập của người dân Hàn Quốc, trong đó có thể thấy top 10 mặt hàng bán chạy nhất cho nam và nữ của họ dao động từ hơn 200 nghìn KRW đến trên 500 nghìn KRW (160 đến 390 USD), phần lớn là áo khoác với chất liệu chủ yếu từ len, polyester và nylon.

    Số lượng mẫu mã của Beanpole cũng là tương đối lớn với hàng trăm sản phẩm khác nhau dành cho mọi lứa tuổi; bên cạnh đó, họ cũng bắt đầu chú ý hơn tới các mảng giày dép/ túi xách song số lượng sản phẩm vẫn còn khá hạn chế.

    Ngoài việc công bố các sản phẩm trên website, các trang Facebook và Twitter của họ đã ngừng đăng bài từ cách đây 3 năm. Do đó, thương hiệu này vẫn chưa thực sự được biết đến nhiều bên ngoài biên giới Hàn Quốc.

    ao phao chu tich samsung 1

    Beanpole cũng chính là thương hiệu của chiếc áo mà Chủ tịch Samsung đã mặc trong chuyến bay mới đây của ông. Với mức giá khoảng 440 nghìn KRW (340 USD), chiếc áo đã tạo nên một cơn sốt tại Hàn Quốc trong thời gian vài ngày vừa qua.

    Người tiêu dùng đã tỏ ra rất quan tâm và đặt hàng một lượng lớn loại áo mà chủ tịch Lee Jae-yong mặc trên chuyến bay thăm nhà máy R&D tại Việt Nam.

    Đây không phải là lần đầu tiên những trang phục mà chủ tịch Lee sử dụng lên cơn sốt như vậy, khi trước đó vào năm 2019, chiếc áo khoác màu đỏ của ông cũng rất được công chúng săn đón. Được biết, chiếc áo đã được bán hết trên nền tảng trực tuyến SSF của Samsung C&T, tuy nhiên vẫn hãng vẫn chấp nhận thêm đơn giản đặt trước.

    Có thể thấy, việc vị chủ tịch mặc sản phẩm “cây nhà lá vườn” đã tạo ra một hiệu ứng vô cùng đặc biệt, giúp thương hiệu của Beanpole nổi tiếng hơn trên cả bình diện trong nước lẫn thế giới. Đây có thể sẽ là cú hích để công ty thực hiện mạnh mẽ hơn các hoạt động quảng bá, mở rộng thương hiệu thay vì việc chỉ giới thiệu sản phẩm thông qua nền tảng SSF những năm vừa qua.

    ao phao chu tich samsung 1
    Một gian hàng của Beanpole (Ảnh: Commonwear).

    Như vậy có thể thấy, thói quen sử dụng những thương hiệu liên quan tới tập đoàn Samsung của chủ tịch Lee Jae-yong đã gây được những hiệu ứng tương đối tích cực, đặc biệt liên quan đến mặt hình ảnh.

    Beanpole không chỉ tăng được doanh số bán hàng cho loại áo khoác của mình, mà còn được biết đến nhiều hơn cả trong và ngoài nước nhờ vào việc chủ tịch sử dụng sản phẩm của hãng. Chính điều này đã góp phần vào sự thành công trong rất nhiều năm của Samsung, không chỉ ở mảng kinh doanh chính là điện thoại di động mà còn cả những mặt khác nữa.

    Theo Nhịp sống Thị trường