• Jessica Johnson, 41 tuổi, đã đâm đơn kiện khi tài khoản ngân hàng bị trừ tới 16.000 USD mà không hề biết chính con trai đã "nạp" khoản này vào game trên Ipad.

    Nữ doanh nhân làm nghề môi giới bất động sản ở Connecticut, Mỹ, cho biết, vào tháng 7, chị hốt hoảng khi thấy Apple và PayPal rút 16.000 USD trong tài khoản của mình. Nghĩ là một sự nhầm lẫn hoặc gian lận, Jessica gọi cho ngân hàng.

    mat tien choi game 2

    Jessica đã đệ đơn tố cáo gian lận vào tháng 7. Đến tháng 10, ngân hàng cho biết các khoản phí thực sự là của cô và cô cần liên hệ với Apple. Người mẹ được xem qua một "danh sách tất cả các khoản phí".

    Khi nhìn thấy biểu tượng Sonic (Sonic Forces - tên của một game), cô ấy biết người tiêu tiền của mình chính là George Johnson, 6 tuổi, con trai mình.

    Thì ra khi đưa iPad cho con trong đại dịch, cô không hề biết George đã thỏa sức mua sắm để nâng cấp nhân vật trong game. Trong tháng 7, cậu bé mua nhẫn đỏ trị giá 1,99 USD, sau đó mua nhẫn mới giá 99,99 USD.

    Vào ngày 9/7, khi Jessica đang làm việc ở phòng bên cạnh, con trai cô đã trả 25 khoản phí với tổng giá trị hơn 2.500 đô la cho trò chơi ảo của mình. "Thằng con 6 tuổi của tôi như đang nghiện cocaine, những cú đánh càng lúc càng táo bạo hơn", người mẹ mếu máo đùa.

    Apple cho biết vì Jessica không gọi trong vòng 60 ngày kể từ ngày bị tính phí nên họ không thể hoàn tiền cho cô. Cô thanh minh vì ngân hàng nói có khả năng gian lận nên cô mới không liên hệ.

    mat tien choi game 2
    Người mẹ bên cậu con trai 6 tuổi - đứa trẻ đã "nướng" 16.000 USD vào trò chơi ảo. Ảnh: nypost.

    Dù thú nhận sẽ không thể trả tiền thế chấp của gia đình, Jessica vẫn không nhận được sự thông cảm nào. Cô thừa nhận không kiểm soát chặt chẽ con mình, cũng như cài đặt mật khẩu hợp lý.

    Tuy nhiên, bố mẹ George cáo buộc những trò chơi này được thiết kế để "săn mồi", khiến trẻ mua đồ. "Sẽ chẳng có người lớn nào chi 100 USD cho một rương tiền vàng ảo cả", Johnson, cha cậu bé bức xúc. Họ cho rằng để một đứa trẻ biết tiền chi cho trò chơi trong thế giới ảo là thật cần "bước nhảy vọt về nhận thức".

    Sau bài học sống nhớ đời, Jessica đang cố gắng trả nợ cho con trai. Cô đã không được nhận lương từ tháng 3 đến tháng 9 do ảnh hưởng của đại dịch.

    "Thu nhập của tôi đã giảm 80% trong năm nay. Tôi có thể phải bắt thằng bé trả tiền cho tôi sau 15 năm nữa, khi nó có công việc đầu tiên trong đời", Jessica nói.

    Nguồn: nypost

  • Vụ án con gái lên kế hoạch, thuê người giết bố mẹ không chỉ gây rùng mình vì tính tàn nhẫn mà còn được xem là bài học cảnh tỉnh những phụ huynh xem trọng và bị ám ảnh bởi thành tích.

    Con gái ra tay sát hại bố mẹ.

    Dù biết con cái lớn lên khỏe mạnh đã là 1 phước lành nhưng bố mẹ không khỏi đặt kỳ vọng ở những đứa trẻ, mong muốn chúng học hành thành tài. Thế nhưng, sự mong đợi của bố mẹ vô tình lại trở thành gánh nặng đặt lên vai con cái, khiến chúng cảm thấy áp lực và mệt mỏi vì không thể làm thỏa mãn kỳ vọng của người lớn. Cô bé gốc việt Jennifer Pan cũng không ngoại lệ. Từ 1 đứa con gái vàng ngọc với thành tích học cực tốt, Jennifer lại trở thành tên sát nhân tàn độc, tự lên kế hoạch rồi thuê người giết luôn cả bố mẹ vì không chịu nổi vòng kìm cập của họ.

    Jennifer là con gái út trong gia đình có bố là người gốc Hoa và mẹ là người gốc Việt, sống tại thành phố Toronto, Canada. Tháng 11/2010, 3 tên lạ mặt đột nhập vào nhà chĩa súng vào người mẹ Jennifer . Không màng sự sống chết của bản thân, mẹ Jennifer chỉ cầu xin những kẻ lạ mặt tha mạng cho con gái mình trước khi bà bị chúng bắn chết dã man. Nghe thấy tiếng động lạ, bố Jennifer vừa chạy xuống cầu thang đã nhận ngay phát súng vào mặt.

    Căn nhà nơi xảy ra vụ tấn công thương tâm.

    Cảnh sát nhận được điện thoại cầu cứu từ Jennifer, cho biết cô đã may mắn trốn thoát khỏi tay các tên tội phạm sau khi bị chúng trói chặt tay vào ghế. Bố Jennifer dù bị thương nhưng vẫn còn sống và được đưa đến bệnh viện cấp cứu ngay sau đó. Trong thời gian bố nằm viện, Jennifer vẫn cùng anh trai tổ chức tang lễ cho mẹ.

    Vụ tấn công gây xôn xao người dân Canada. Người ta không hiểu động cơ giết người của kẻ thủ ác bởi nạn nhân được mô tả là người hiền lành, không gây thù chuốc oán với ai.

    Jennifer và anh trai tổ chức tang lễ cho mẹ.

    3 ngày sau vụ tấn công, bố Jennifer tỉnh lại và tiết lộ 1 sự thật không ai ngờ đến, rằng con gái ông chính là đồng lõa với những kẻ tấn công. Chính ông đã tận tai nghe được Jennifer nói chuyện với tên tội phạm một cách nhẹ nhàng không khác gì bạn bè. Ngay khoảnh khắc ấy, Jennifer từ nạn nhân trở thành nghi phạm hàng đầu. Trong buổi lấy lời khai kéo dài 3 tiếng, cảnh sát chỉ đơn giản nói: "Tôi biết cháu có liên quan đến việc này. Tôi sẽ không trả hỏi, câu hỏi duy nhất ở đây là: 'Cháu định tiếp tục lầm lỗi đến bao giờ nữa?". Khi đó, Jennifer không kìm được nỗi xúc động, bật khóc trước khi thốt lên: "Chuyện gì đang xảy ra với cháu thế này?".

    Được biết, Jennifer được miêu tả là cô con gái vàng của bố mẹ nhờ bảng thành tích học tập toàn điểm A cực khủng. Sau khi tốt nghiệp phổ thông, Jennifer nhận được học bổng tuyển thẳng vào trường đại học. Bên cạnh việc học văn hóa, Jennifer còn chơi thành thạo piano, võ thuật và trượt băng nghệ thuật. Chính vậy nên bố mẹ Jennifer lúc nào cũng tự hào về con gái và cảm thấy việc họ hy sinh từ bỏ tất cả để sang Canada định cư là hoàn toàn xứng đáng.

    Đáng tiếc, tất cả thành tích trên đều là sản phẩm giả mạo của Jennifer. Thực chất, cô rớt tốt nghiệp cấp 3 chứ đừng nói đến cơ hội đậu đại học và giành học bổng. Trong suốt nhiều năm, Jennifer làm giả bảng điểm, hàng ngày ra đường đi vòng vòng thành phố, ghé thư viện công cộng chứ không hề đến trường.

    Nhận thấy có điều gì đó bất thường, bố mẹ Jennifer theo dõi và phát hiện ra sự thật tồi tệ về con gái. Không chỉ vậy, họ còn biết được mối quan hệ trên mức tình bạn trong suốt nhiều năm giữa Jennifer và chàng trai trẻ tên Daniel Wong. Kể từ đó, trong suốt 18 tháng tiếp theo, Jennifer bị bố mẹ quản thúc tại nhà, đi đâu, làm gì cũng phải báo cáo. Khi nỗi căm hận đạt đến đỉnh điểm, Jennifer nảy ra ý định giết bố mẹ, cô tò mò liệu cuộc sống sẽ thoải mái cỡ nào khi không có họ. Thêm nữa, Jennifer còn nhắm đến khoản tiền thừa kế 500 nghìn USD sau khi bố mẹ qua đời.

    Kiểm tra điện thoại Jennifer, cảnh sát phát hiện rất nhiều tin nhắn cô gửi cho người yêu và 3 người bạn khác bao gồm Lenford Crawford, David Mylvaganam và Eric Carty. Chúng lên kế hoạch sát hại bố mẹ Jennifer và làm giả hiện trường như 1 vụ cướp của giết người. Tối hôm đó, chính Jennifer là người mở cửa cho 3 kẻ thủ ác xông vào nhà và đoạt mạng bố mẹ mình. Cuối cùng, cả 5 bị buộc tội giết người cấp độ 1 và nhận mức án tù chung thân, không ân xá trong vòng 25 năm. 1 trong số đó đệ đơn kháng cáo và khẳng định không đột nhập vào nhà Jennifer vào đêm hôm đó được giảm án xuống còn 18 năm tù giam.

    Jennifer và các đồng phạm.

    Trong hầu hết các phiên tòa xét xử, bố Jennifer không hề tham dự. "Khi vợ tôi qua đời, tôi cũng đã đánh mất con gái mình. Tôi không biết giờ đây mình còn có gia đình hay không. Cảm giác này không khác gì cái chết" - ông nói. Tại tòa án, gia đình cũng từ chối nhận liên lạc từ phía Jennifer. Trong gần 1 thập kỷ, Jennifer chưa 1 lần nhắc đến bố và anh trai, thậm chí lời xin lỗi cũng chưa từng được cô thốt lên.

    Bên cạnh việc lên án tội ác của Jennifer, nhiều người cũng cho rằng vụ án này chính là bài học dành cho các bậc phụ huynh, những người luôn xem trọng và bị ám ảnh bởi thành tích học tập.

    Cuốn sách kể về hành trình tội ác của Jennifer.

    Viethome (theo Helino)

  • Một người mẹ đã bị bỏ tù hai năm bốn tháng sau khi đưa đứa con mới bốn tuần tuổi đến hộp đêm rồi say xỉn và nằm ngủ đè lên cậu bé khiến đứa trẻ tử vong.

    Marina Tilby, 26 tuổi, đã liên tục tung hứng con trai Darian Tilby trong khi vui chơi tại câu lạc bộ đêm với chị gái trước khi đưa con trở về trên một chiếc xe caravan với hai người đàn ông mà cô đã gặp tối hôm đó.

    Vào thứ Sáu (7/6) trong phiên xét xử, quan tòa đã gọi đây là một "trường hợp đáng sợ về sự ích kỷ của người mẹ" và chỉ trích người mẹ vì "bỏ bê có chủ ý" con mình.

    Phiên tòa nơi xét xử bà mẹ vô tâm.

    Tòa án Tối cao Swansea được biết cậu bé được phát hiện trong tình trạng bất động và có máu trong miệng khi nằm cạnh Tilby vào đầu giờ chiều ngày 31 tháng 3 năm 2017, sau đêm nhậu nhẹt của cô ở New Quay, Ceredinto, Mid Wales.

    Tilby say xỉn đến nỗi cô không thể tỉnh dậy khi chị gái của mình gọi. Người chị này cũng đã ngủ lại trên chiếc xe caravan. Người mẹ vô tâm vẫn say sưa trong khi bé Darian được đưa đến bệnh viện Bronglais, nơi em qua đời sau đó.

    Công tố viên Catherine Richards cho biết Tilby đã say sưa ngủ trên người đứa con và cậu bé đã lên cơn đau tim sau đó. Tuy nhiên, bằng chứng y khoa không thể chứng minh việc cô ta nằm đè lên con có góp phần vào cái chết của cậu bé hay không, và nó cũng không thể loại trừ khả năng cậu bé mắc hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh.

    Luật sư bào chữa Dyfed Thomas cho biết nguyên nhân khiến Tilby thờ ơ với con trai là do "cô đã rất say".

    Ông Thomas nói: "Cô ấy đã có một loạt các hành động sai lầm khi quyết định ra ngoài đêm đó và tiếp tục uống.

    "Cô ấy muốn bày tỏ với tòa án, cha của đứa bé và gia đình của chính mình rằng cô ấy rất hối hận và tràn ngập cảm giác tội lỗi từ đêm đó.

    "Nỗi đau buồn sẽ càng ám ảnh cô ấy vì cảm giác thiếu vắng con trai trong những ngày còn lại của cuộc đời."

    Luật sư nói Tilby, người không có mối quan hệ tình cảm với cha của đứa bé, đã được chẩn đoán mắc bệnh trầm cảm kể từ khi con qua đời và "rõ ràng đang rất đau khổ".

    Quan tòa Paul Thomas nói với Tilby rằng cô đã "hoàn toàn phớt lờ" nghĩa vụ bảo vệ con trai mình và các bác sĩ đã có thể cứu được đứa trẻ nếu cô sớm cảnh giác hơn.

    Ông cũng bày tỏ sự "không hài lòng" rằng không thể chứng minh được nguyên nhân cái chết của đứa bé.

    Quan tòa nói: "Trách nhiệm, nghĩa vụ và bản năng tự nhiên của một người mẹ là đặt việc chăm sóc và sự an toàn của đứa con bốn tuần tuổi của mình lên trên tất cả. Bị cáo hoàn toàn phớt lờ nhiệm vụ đó để có thể say sưa nhậu nhẹt suốt cả tối.

    "Bị cáo say đến mức rơi vào một giấc ngủ sâu và ngủ trên người em bé. Rồi đến lúc cậu bé không thể cử động được nữa, có máu trong miệng cậu bé, nhưng bị cáo không nhận ra vì quá say.

    "Bị cáo đã cho thấy sự coi thường có chủ ý đối với an nguy của con trai mình."

    Tilby, trú tại Llwyncelyn ở Aberaeron, Ceredinto, đã bị kết án hai năm bốn tháng tù giam.

    VietHome (Theo Evening Standard)

  • 12 tuổi mới cai sữa, 15 tuổi đi ngủ vẫn phải sờ ti mẹ… nữ diễn viên Đài Loan xem đó là sự gần gũi giữa mẹ và con trai để rồi con nhận lấy bi kịch sau này.

    Địch Oanh là một diễn viên Đài Loan, được biết đến khi tham gia đóng phim Bao Thanh thiên. Là người có tên tuổi trong lĩnh vực truyền hình nhưng cô hoàn toàn thất bại trong cuộc sống. Tất cả xuất phát từ tình yêu thái quá dành cho con trai.

    Nữ diễn viên Địch Oanh và con trai.

    Địch Oanh kết hôn cùng tài tử Tôn Bằng. Cô từng chia sẻ trên truyền hình rằng, ở tuổi 37 cô mới có được cậu con trai Tôn An Tá sau 3 lần thụ tinh nhân tạo. Do đó, cô rất nuông chiều cậu bé, mọi yêu cầu của con đều được đáp ứng. Thậm chí mãi tới khi 12 tuổi Tôn An Tá mới được cai sữa và đến tận 15 tuổi vẫn ngủ cùng mẹ.

    Dù 15 tuổi nhưng Tôn An Tá vẫn giữ nguyên thói quen từ nhỏ là sờ ti mẹ mới có thể ngủ được. Địch Oanh coi đó là sự gần gũi giữa 2 mẹ con. Thói quen này đối với trẻ nhỏ là bình thường song đối với một nam thiếu niên đã lớn thì khó chấp nhận được. Cho đến thời điểm đó, Địch Oanh mới nhận thức được mức độ nghiêm trọng của vấn đề và tách cậu bé ra ngủ riêng.

    Nữ diễn viên được nhiều người biết đến nhờ phim Bao Thanh Thiên.
    Địch Oanh bên chồng con.

    Do được nuông chiều từ bé, được đáp ứng mọi yêu cầu nên dù rất thông minh, con trai của Địch Oanh cư xử với tính cách không giống ai, tự cho mình có nhiều đặc quyền.

    Khi Tôn An Tá 18 tuổi, Địch Oanh quyết định cho con đi du học Mỹ. Tại đây, cậu bé đã thản nhiên mang súng vào trường học, đe dọa nổ súng gây náo loạn. 

    Tờ Sina của Trung Quốc cho hay nữ diễn viên Địch Oanh đã ngất khi nghe tin con trai duy nhất bị bắt. “Con trai thường ngày rất ngoan, không hề có ác ý hay muốn giết người. Chắc chắn con trai tôi chỉ nói đùa với bạn bè mà thôi", cô nói. Cô thừa nhận con trai mê vũ khí nhưng chỉ với mục đích muốn trở thành cảnh sát. Cha Tôn An Tá, nam diễn viên Tôn Bằng gửi lời xin lỗi công chúng vì lỗi lầm của con trai. 

    Vụ việc bắt đầu khi Tôn An Tá ngang nhiên tuyên bố: “Ngày 1/5 đừng đền trường vì tôi sẽ nã súng vào trường trung học Monsignor Bonner (Quận Delaware, tiểu bang Pennsylvania)”.

    Cảnh sát cho biết phát hiện súng quân sự, túi đựng đạn, áo chống đạn, 29 viên đạn tại phòng ngủ của Tôn An Tá tại Lansdowne. Những người sống gần nhà An Tá thừa nhận nhiều lần nhìn thấy thanh niên này mang theo đạn thật, mặc trang phục quân nhân và thường tìm cách mua vũ khí. Trang cá nhân của An Tá từ năm 2017 ngập tràn hình ảnh vũ khí. Tuy nhiên, khi cho lời khai, Tôn An Tá khẳng định chỉ nói với ý định đùa cợt và không lường được hậu quả của câu nói đùa.

    Cậu thanh niên thản nhiên tàng trữ súng đạn trong phòng.

    Địch Oanh sinh năm 1962 tại Chiết Giang, Trung Quốc nhưng hoạt động chủ yếu tại Đài Loan. Trong sự nghiệp của mình, Địch Oanh nổi tiếng khi góp mặt trong phim Bao Thanh Thiên 1993. Cô tham gia các tập phim Lôi đình nộ (vai Sài quận chúa), Ngũ thử nháo đông kinh (vai sư muội Triển Chiêu Xuân Ny), Cửu đạo bản (vai Vương tài nhân).

    Năm 1995, cô tiếp tục được tham gia Tân Bao Thanh Thiên trong bản phim do ATV thực hiện. Những năm 2000, cô thường xuất hiện trong các show truyền hình ăn khách Đài Loan như Khang Hy tới rồi, Thiên hậu cung

    Về đời tư, Địch Oanh kết hôn với diễn viên Tôn Bằng vào năm 1999. Tôn An Tá chào đời năm 2000. Cặp đôi ly hôn năm 2003. Năm 2007, họ quay trở lại với nhau bằng một lễ cưới lần hai ở đảo Guam. Địch Oanh và Tôn Bằng không có ý định sinh con thứ hai, chuyên tâm chăm sóc Tôn An Tá.

    Không phải ngẫu nhiên người ta lại nói: "Con trai lớn tránh mẹ, con gái lớn tránh cha". Đây là cách giáo dục giới tính để trẻ con có thể phân biệt sự khác nhau giữa nam giới và nữ giới, hay quyền riêng tư của mỗi người. Gần gũi con là điều cần thiết nhưng cũng cần có những giới hạn nhất định để trẻ có thể phát triển tâm sinh lý bình thường. Cha mẹ cũng cần dạy dỗ đúng mực để trẻ có thể hiểu rằng không phải mọi yêu cầu đều được đáp ứng.

    Viethome (theo Trí Thức Trẻ)

  • Bài viết của tác giả Hoàng Huy - Sáng lập English for All.
     
    Thế giới người ta chia ra thành Cha giàu - Cha nghèo, mẹ Hổ mẹ Gấu mẹ Nhật mẹ Hàn rồi đủ thứ mẹ... còn trong tư duy giản đơn của mình, tất cả phụ huynh trên thế giới đều có thể được chia thành hai nhóm: phụ huynh Boomerang và phụ huynh Mũi Tên, không phải dựa trên điều kiện kinh tế hay học vấn, mà dựa trên bạn muốn con bạn trở thành cái gì.
     
    Nếu bạn là phụ huynh Boomerang, không có nghĩa là bạn đang nuôi dạy con kiểu Úc, mà là cách giáo dục của bạn đang khiến các con trở thành những cái boomerang như của thổ dân Úc. Tức là dù bạn có dành cả tuổi thanh xuân, tiền bạc và của cải, thời gian và tâm huyết để “phóng” con vào đời, thì dù có gắng sức đến mấy, phóng sang Âu hay sang Mỹ, những đứa trẻ vẫn sẽ quay trở lại đúng điểm xuất phát: vòng tay bao bọc của bố mẹ và không mang gì về ngoài những nỗi thất vọng - thậm chí là sụp đổ niềm tin cho các bậc phụ huynh. Điều mà không ít người đã và đang gặp phải.
     
    viethome du hoc sinh
     
    Các rich kid thời nay. (Ảnh minh họa: Internet) 
     
    Một cô - bạn của tôi - sau khi đốt đôi ba tỷ cho cậu con trai đi học trời Tây là điển hình cho các phụ huynh Boomerang. Chàng trai 22 tuổi trở về, điều khác biệt duy nhất là chuyển từ RichKid thành Big Kid đúng nghĩa. Vẫn thức đêm ngủ ngày, cày games cả tuần và không kiên nhẫn làm được việc gì ngoài chờ cơm mẹ nấu gọi xuống ăn. Cả năm trời sau khi về nước, “niềm kỳ vọng” to lớn vẫn không hề tính đến chuyện ra khỏi nhà và làm một công việc gì đó để sống. Việc thì chê ít tiền, việc thì chê không xứng tầm, việc thì kêu quá sức....thế nên bạn ấy chỉ làm một việc vừa sức nhất đó là ở nhà: ăn & ngủ. Cười không được, khóc không xong, cô bạn tôi không biết phải ứng xử thế nào với cái boomerang mang tên “con nhà mình”, được bao bọc trong quần mấy chục củ, áo mấy trăm chai, còn giá trị cống hiến đối với xã hội thì đến nay vẫn còn là đáp án sai trong mọi phép tính.
     
    Yêu con hơn cả yêu mình, thương con hơn cả thương mình......thường vẽ đường chỉ lối cho những đứa con nhanh tiến đến cái thái độ sống Vô ơn - bất cần và sống mòn ngay cả khi còn trẻ. Mình nghĩ câu chuyện trên đây là tất yếu khi mà mặt bằng nhu cầu cuộc sống trung bình chỉ cần 1 đồng, con chưa kêu thiếu, bố mẹ đã cấp sẵn 2 đồng vì sợ con thiếu thốn. Và dần dần, đứa con sớm hay muộn cũng nghiễm nhiên đòi hỏi phải có được 3 đồng đơn giản chỉ vì nó là con của bố mẹ nó, chứ chẳng vì lý do gì khác.
     
    Khi bé không cần phải ra sức thực học, vì chưa thi bố mẹ đã lót sẵn đầu ra, khi lớn không phải lo thực làm vì bố mẹ đã trải sẵn ghế cho ngồi....và sốt sắng sống thay luôn mảnh đời con trẻ. Thậm chí đóng vai ông bà kiêm luôn bố mẹ của cháu nếu các con đã lớn mà chưa chịu khôn.
     
    Phụ huynh Mũi tên họ chọn khác. Họ cũng vất vả nuôi dạy con suốt cả thời tuổi trẻ như một cánh cung căng hết mình để bắn mũi tên phóng nhanh về phía trước - về tương lai. Mũi tên bắn ra không bao giờ quay lại được, và bọn trẻ “mũi tên” cũng vậy, hiếm khi nào làm phiền đến cha mẹ, sống tự trọng và trách nhiệm hơn hẳn thế hệ boomerang.
    viethome du hoc sinh 2

    Sự bao bọc của bố mẹ đã biến con mình thành những đứa trẻ to xác. (Ảnh minh họa: Internet)

     
    Đơn giản là vì bố mẹ cung tên luôn chân thành với con, làm cho con nhận thức rõ hoàn cảnh và điều kiện thực tế của gia đình, giúp con xây dựng “hồng tâm” - tầm nhìn về cuộc sống tương lai dựa trên năng lực bản thân, và cổ vũ nhiệt thành cho sự cố gắng của con chứ không phải nài ép. Họ tập thành thục cho con kỹ năng nguyên thuỷ nhất của mọi loài động vật: lên kế hoạch và tổ chức cuộc sống, và sẵn sàng cho đời sống độc lập khi trưởng thành. Họ cũng sắt đá vượt qua chính mình, vượt qua tình cảm tự nhiên để chặt đứt mọi cơ hội - mầm mống của sự ỷ lại; không bao giờ lấy đời mình làm phương án dự phòng cho tương lai con trẻ. Họ hiểu rõ sự hữu hạn của thời gian, và sự cần thiết sống còn của tinh thần tự lực. Họ rạch ròi giữa tình cảm yêu thương và trách nhiệm giáo dục; để rồi những đứa trẻ “mũi tên” không dễ kiếm tìm được một điểm bấu víu dư thừa, buộc phải sống đời mình sao cho chất nhất, nỗ lực nhất, và đáng sống nhất.
     
    “Yêu thương vừa đủ” bao giờ cũng bền vững hơn hẳn “yêu thương vô điều kiện.” Có lần mình hỏi thử Bố: "Bố ơi nhà mình có giàu không?" Bố trả lời "Bố thì có, nhưng con thì chưa." Hỏi cố thêm câu nữa: “Bố có kỳ vọng gì ở con không?”. Bố nói “Không, bố không có bất kỳ kỳ vọng nào hết, con chỉ cần sống cho tử tế”. Mình tinh nghịch hỏi lại “Thế nếu con không sống tử tế thì sao?”. “Cũng không sao, con sẽ phải tự chịu trách nhiệm với cuộc sống về sự thiếu tử tế của mình. Đời con mà, bố có phải sống thay chịu thay đâu mà lo”.
    Sau câu nói đấy, tự nhiên mình tỉnh hẳn ngủ sau mười mấy năm ngủ quên và mơ màng về sự bao bọc sau này của Bố; và tỉnh đến tận bây giờ luôn. Boomerang hay mũi tên? Hãy dũng cảm lựa chọn vì một tuổi già được nghỉ ngơi. 

    Viethome