• priti patel tu chuc

    Bà Priti Patel sẽ từ chức Bộ trưởng Nội vụ và trở lại làm nghị viên thứ yếu, ngồi ở hàng ghế sau tại Hạ Viện. Bộ trưởng Tư pháp Suella Braverman nhiều khả năng sẽ thay thế vị trí này.

    Bà Patel vừa đăng một thông báo trên Twitter, nói rằng ''Tôi rất vinh dự khi được giữ chức Bộ trưởng Nội vụ trong 3 năm qua. Tôi tự hào về công việc của mình. Chúng tôi đã hỗ trợ lực lượng cảnh sát, cải cách hệ thống nhập cư và bảo vệ đất nước''.

    Bà Priti Patel nhiều khả năng sẽ không giữ chức vụ nào trong nội các mới của tân Thủ tướng Liz Truss. Sau khi bà Truss được tuyên bố trở thành Thủ tướng, bà Patel đã tự nguyện ra đi.

    Trong một lá thư gửi cho cựu Thủ tướng Boris Johnson, bà Patel viết: ''Tôi chúc mừng bà Liz Truss đã được bầu trở thành người lãnh đạo mới của chúng ta, và sẽ ủng hộ bà trong cương vị mới. Tôi tình nguyện ngồi hàng ghế sau để tiếp tục phục vụ đất nước và khu vực bầu cử Witham, một khi bà Liz tiếp nhận văn phòng và Bộ trưởng Nội vụ mới được chỉ định''.

    Giới phê bình sẽ nhớ tới Patel cùng chính sách Rwanda gây tranh cãi, những phản ứng của bà với vấn đề người di cư băng qua eo biển, cũng như tỉ lệ tội phạm ngày càng tăng và những lần hùng biện gay gắt về vấn đề nhập cư.

    Trong thư từ chức, bà cũng chỉ trích ''những nhà hoạt động cánh trái, các luật sư và những tổ chức chiến dịch'' vì đã ''đứng về phía bọn tội phạm, bọn khủng bố, những kẻ buôn người, những người không được quyền ở lại UK và người đe dọa đến sự an toàn của công chúng''.

    Bà Patel được biết là người vô cùng trung thành với ông Johnson. 3 năm tại nhiệm của bà vấp phải vô số tranh cãi, bao gồm chuyến bay trục xuất đầu tiên đến Rwanda bị trì hoãn vô thời hạn.

    Nhưng Bà Patel vẫn tự hào những thành quả của mình, bà viết: ''Dưới sự lãnh đạo của ông Johnson, chúng tôi đã tạo ra một đất nước an toàn hơn, thắt chặt luật pháp, thiết lập nền tảng vững chắc cho những người kế vị''.

    Viethome (theo Metro)

     

  • Bà Priti Patel đã phủ việc bà ủng hộ án tử hình nhưng cho biết bà muốn những kẻ tội phạm "cảm thấy sợ hãi" khi nghĩ đến việc phạm tội.

    Trong cuộc phỏng vấn đầu tiên với tư cách là Bộ trưởng Nội vụ, bà đã cam kết sẽ kiểm soát tình trạng tội phạm bạo lực sau khi ông Boris Johnson hứa tuyển dụng thêm 20.000 cảnh sát.

    "Tôi luôn cảm thấy Đảng Bảo thủ là đảng của cảnh sát," bà nói với Daily Mail.

    "Thẳng thắn mà nói, đối với nhiều cảnh sát ngoài kia và của toàn ngành cảnh sát, tôi muốn (những kẻ tội phạm) thực sự cảm thấy sợ hãi khi nghĩ đến việc phạm tội."

    Hồi năm 2006, bà Patel bày tỏ quan điểm ủng hộ "hình phạt cao nhất" cho những tội ác nghiêm trọng nhất và ủng hộ án tử hình trong chương trình tranh luận Question Time về vấn đề này vào năm 2011.

    Khi được hỏi về án tử hình, bà giãi bày: "Tôi chưa bao giờ nói tôi là người ủng hộ nó và (những gì tôi nói) liên tục bị tách ra khỏi bối cảnh."

    Phát biểu của bà trên chương trình BBC là: "Tôi thực sự nghĩ rằng khi chúng ta có một hệ thống tư pháp hình sự thất bại ở đất nước này, nơi chúng ta liên tục chứng kiến những kẻ giết người, hiếp dâm và những kẻ phạm tội ghê tởm nhất trong xã hội vào tù và sau đó được ra tù rồi ra ngoài cộng đồng và tái phạm, thực hiện các hành vi tội phạm mà chúng đã phạm phải nhiều lần.

    "Tôi nghĩ điều đó thật kinh khủng. Và thực sự trên cơ sở đó, tôi ủng hộ việc tái áp dụng hình phạt tử hình, coi như đó là một biện pháp ngăn chặn."

    Phát ngôn viên của đảng Dân chủ Tự do Ed Davey gọi bà Patel là "vô cảm và thiếu hiểu biết" vì những bình luận thiếu kiểm soát nêu trên.

    "Quan điểm của Priti Patel cho rằng làm cho mọi người khiếp sợ cảnh sát sẽ giúp cắt giảm tội phạm cho thấy bà ấy vô cảm và thiếu hiểu biết đến thế nào với những điều kiện đẩy một số thanh niên vào hoàn cảnh phạm tội", ông nói.

    "Vì vậy, những người trẻ tuổi thường nói rằng họ mang theo dao vì họ sợ những người trẻ tuổi khác trong các băng đảng. Chúng tôi cần nhiều cảnh sát hơn để những người trẻ này có thể cảm thấy bớt sợ hãi vì tin tưởng cảnh sát ở đó, chứ không phải vì cảnh sát khiến họ thêm sợ hãi. "

    Cũng trong cuộc phỏng vấn, bà Patel lên tiếng về lập trường cứng rắn đối với chất cấm, nói rằng người sử dụng cần sa không nên được cảnh sát bỏ qua.

    "Bất kỳ hình thức sử dụng chất cấm nào," bà nói. "Bạn hoàn toàn không nên nhắm mắt làm ngơ. Nó có tác động ăn mòn vô cùng nguy hại đối với mọi người và cộng đồng."

    Bà Patel là một trong những người được hưởng lợi lớn nhất trong cuộc ​​cải tổ nội các của ông Johnson sau khi ông trở thành thủ tướng.

    Bà đã được thăng cấp từ vị trí dân biểu sau khi bị bà Theresa May cách chức vào năm 2017 vì tổ chức các cuộc họp bí mật với các thành viên của chính phủ Israel.

    VietHome (Theo Evening Standard)

  • Bà Priti Patel cho biết chỉ những người lao động giỏi và biết nói tiếng Anh mới được chào đón sau Brexit.

    Tân bộ trưởng Nội vụ đã đưa ra kế hoạch xây dựng một hệ thống nhập cư tính điểm mới để sử dụng khi Anh rời Liên minh châu Âu.

    Bà nói rằng các quyết định sẽ được đưa ra dựa trên khả năng đóng góp của người xin nhập cư thay vì nguồn gốc xuất xứ của họ và cam kết rằng bà sẽ cứng rắn hơn đối với những người lợi dụng lòng hiếu khách của nước Anh.

    “Chúng tôi ưu tiên hàng đầu những người có kỹ năng tốt nhất và tài năng xuất sắc nhất - để thu hút những người có thể tạo ra giá trị cao nhất cho nền kinh tế của chúng ta.

    “Những người lao động lành nghề đó sẽ chỉ có thể đến đây nếu họ nhận được lời mời làm việc từ một chủ lao động đã đăng ký với Bộ Nội vụ và nếu họ có thể nói tiếng Anh.”

    Nhưng công chúng đã nhanh chóng chỉ ra những thiếu sót của chính sách này.

    Nếu các nước EU như Tây Ban Nha và Pháp cũng chấp nhận lập trường tương tự, hàng triệu người Anh có thể đối mặt với nguy cơ phải trở về nước.

    Một nghiên cứu gần đây của Ủy ban châu Âu dành cho Ngày ngôn ngữ châu Âu cho thấy khả năng sử dụng ngoại ngữ của người dân Vương quốc Anh bị xếp hạng chót.

    Trung bình, gần hai phần ba công dân EU cho biết họ có thể nói ít nhất một ngoại ngữ, nhưng chỉ 34% người Anh có khả năng tương tự.

    Ở đầu kia của bảng xếp hạng, tổng cộng 97% người Thụy Điển và 96% người dân các nước Latvia, Đan Mạch và Lithuania nói rằng họ có thể sử dụng một ngoại ngữ.

    Thậm chí, 45% người dân Phần Lan có thể nói đến ba ngoại ngữ khác nhau.

    VietHome (Theo The London Economic)