• Tại sao nước Anh lại là điểm đến cuối cùng với rất nhiều người nhập cư bất hợp pháp, khiến họ không dừng lại ngay cả khi đã đặt chân được vào “đất hứa châu Âu”?

    di dan lau o anh
    Ảnh: The Economic Times

    Cô gái bật khóc. Cảnh sát cửa khẩu Anh ra quyết định tại chỗ, mời cô lên tàu trở về nước, chứ không vào Anh được.

    Hoa Kỳ là nơi cô sinh ra. Cô tốt nghiệp cử nhân Đại học California, Berkeley, rồi làm nghiên cứu sinh tại Trường Kinh tế học London. Đây là hai trường hàng đầu thế giới. Cô tốt nghiệp thạc sĩ cùng môn và cùng khóa với một cô tên là Monica Lewinski, tăm tiếng nhờ là người tình của tổng thống Bill Clinton.

    Ra trường, cô tìm được việc tại một công ty truyền thông lớn ở Anh. Đến Giáng sinh cô về thăm quê ở Brooklyn, New York. Khi trở lại London, tại phi cảng cảnh sát hỏi sang đây làm gì. Cô bảo thì đi làm tiếp sau khi nghỉ phép.

    Thế có giấy phép lao động không? Giấy phép lao động nào? Sau khi tốt nghiệp, cô làm đơn xin việc và người ta nhận, có vậy thôi, chẳng có hỏi giấy phép gì cả và cô cũng không biết là phải cần giấy phép. Cảnh sát bảo thế thì trục xuất về Mỹ. Công ty cô làm việc sau đó làm giấy tờ mời cô sang lao động để hợp thức hóa, và như thế hóa ra cô được nghỉ chơi ở nhà thêm mấy tuần nữa sau khi chờ đợi xong thủ tục.

    Trường hợp của cô người Mỹ gọi tôi bằng cậu này hoàn toàn trái ngược với một cô gái người Việt là M., quê ở Nghèn, Can Lộc, Hà Tĩnh, người có thể đã chui vào xe container và chết ngạt với 38 người khác trên đường vào nước Anh. Tại Anh, một khi đã lọt vào rồi, M. hay cô cháu ngây thơ của tôi đều có thể đi xin việc mà không ai vặn hỏi giấy phép, không cần trình giấy tờ định cư trong cuộc sống thường nhật.

    Sự dễ dãi “hấp dẫn” kiểu Anh

    Đây là một nét đặc biệt của Anh, khác với các quốc gia Âu châu khác ngay cạnh như Pháp, Đức, Bỉ… Một người Iran có mẹ là người Anh, bị Anh đuổi trở về Pháp, từng ăn ngủ 18 năm liền ngay tại terminal 1 của phi trường Charles De Gaulle trước nhà hàng Burger King. Khách đáp tàu ai cũng biết và chuyện của anh này từng được Steven Spielberg dựng thành phim với Tom Hanks thủ vai (Terminal Man, 2004).

    Tại cảng Calais bờ biển Pháp, tuyến đường phà và xe lửa xuyên biển sang Anh, lúc nào cũng có vài ngàn người tứ xứ đợi nhảy tàu lửa, bám xe tải để vào Anh cho bằng được, hết năm này qua năm khác. Các xe tải trong vùng, có chiếc phải đề bảng “Xe này không đi sang Anh” để tránh bị bám nhầm. Tại Calais cũng có vài chục, có khi đến trăm người Việt đợi cơ hội.

    Họ đến Pháp bằng đường bộ qua ngả Hungary hay Ukraine và một dạo thấy ngụ ngoài trời tại công viên nhà thờ St. Laurent cạnh ga Miền Đông, mà không đi thăm Khải Hoàn môn hay tháp Eiffel. Đây là thành phần đi Anh và trên đường chuyển tiếp.

    Tại sao họ không ở Pháp, Đức mà nhất định phải sang Anh? Đời sống, công việc, an sinh, phúc lợi tại Pháp, Hà Lan, Đức… chẳng kém gì Anh, có phần hơn là đằng khác. Một phần nhỏ là ngôn ngữ, vì tiếng Pháp, tiếng Đức khó học, nhưng chủ yếu là vì một khi đã lọt vào Anh, bạn không có vấn đề gì nữa để hội nhập. Bạn sống đường hoàng gần như là một người có giấy tờ định cư, hay gần như là một người Anh.

    Nói cách khác, bạn chỉ cần “đi chui” để vào Anh. Đến nơi rồi, bạn không cần “sống chui” như tại các nước bên cạnh. Tổ chức tư pháp Anh và các nước thuộc Anh cũ như Hoa Kỳ, theo truyền thống, không chặt chẽ như các nước theo bộ luật gọi là Napoleon của Pháp. Tại Anh cũng có cảnh sát di trú để bắt di dân lậu và trục xuất, nhưng không phối hợp được với các cơ quan nhà nước khác nên ai làm việc nấy.

    Sự hình thành của cộng đồng người Việt tại Anh từ thập niên 1990 trở đi là cầu nối cho người Việt từ trong nước. Đi chui sang Anh thứ nhất sống không phập phồng như tại các nước Âu châu khác là một. Thứ nhì, tại đây có chỗ dựa và công việc sẵn từ thân nhân hay cộng đồng người Việt nói rộng.

    Bạn có thể làm việc tại các shop làm móng tay hay phi pháp như trông coi các “trang trại” trồng cần sa do người Việt làm chủ. Lãnh vực “trồng cỏ” tại Anh được người Việt bao trùm vì lợi nhuận cao và rủi ro ít.

    Luật pháp trừng trị nặng nề là với việc buôn lậu ma túy hay cần sa, việc bán và phân phối các chất cấm này, nhưng lại tương đối nhẹ tay với “nông dân” sản xuất, khiến cần sa không còn cần phải vận chuyển khó khăn qua các biên giới mà được “canh tác” ngay tại nội địa. Các “trại” này thường là các hộ ở nơi hẻo lánh để ít bị láng giềng nhòm ngó.

    Người lao động mới sang không cần ngoại ngữ, không cần chuyên môn, chỉ cần ở ngay trong nhà ngày đêm chăm sóc, mỗi tuần được tiếp tế thùng mì gói và một bao gạo. Nếu không bị ức hiếp hay lường gạt thì lương của họ lên đến 2.400 USD/tháng, bao ăn ở trong điều kiện đã kể.

    Như vậy, tiền đầu tư để đi chui là 36.000 USD lớn thật, nhưng có thể lấy về chỉ trong vòng 15 tháng. Việc làm móng tay thu nhập khó khăn hơn, nhưng nhân viên được ở ngay trong shop hay ở nhờ nhà chủ và được đưa rước, không phải lo vấn đề ăn ở và nếu gặp chủ ăn chia sòng phẳng thì trong vài ba năm coi như có lời.

    Đây là một hấp lực lớn đối với di dân nhập lậu và phần lớn là trôi chảy, tuy cũng có trường hợp bị “giam giữ” tại shop làm móng tay, tức là nuôi ăn ở tại chỗ và trả cho 150 USD/tháng. Người lao động chui thật ra đã có nơi ăn chốn ở và việc làm đợi sẵn từ phía thân nhân hay người quen biết ở Anh, chứ không phải họ sang đó chơ vơ và qua rồi mới tìm việc.

    Cho nên bỏ vốn xuất ngoại là một tính toán kỹ càng và có phần chắc chắn. Phần rủi ro, như thấy trong tai nạn bi thảm vừa rồi, là trên đường di chuyển và ở khâu nhập lậu vào Anh. Đây khác với hoàn cảnh của người tị nạn chiến tranh như từ Syria chẳng hạn, gom vội cái nồi cái chiếu và bồng bế nhau chạy ra nước ngoài để giữ mạng.

    Khó khăn cũng kiểu Anh

    Năm 2004, 21 người đi nhặt sò tại Morecambe Bay ở Anh tử vong vì tai nạn thủy triều. Họ là người Trung Quốc, làm công việc này bởi không tốt nghiệp Trường Kinh tế học London. Họ cũng được “nhập” vào Anh bằng đường xe tải chui, nhưng sống sót để còn nhặt sò với giá rẻ hơn lao động địa phương.

    Người Việt tại Anh cũng có một cộng đồng lớn, bắt đầu từ các thuyền nhân sang Hong Kong được Anh nhận trong thập niên 1980-1990. Lúc đó đã xảy ra chuyện người Hong Kong ghen tị với thuyền nhân Việt. Trước hết, người Việt có cơ hội xin tị nạn tại Hong Kong, trong khi người Trung Quốc Quảng Đông không có cơ hội đó và bị trục xuất thẳng.

    Sau đó, tuy là thuộc địa của Anh, nhưng quy chế thần dân Anh không cho phép người Hong Kong nhập cảnh mẫu quốc và ở lại Anh. Trong khi đó, thuyền nhân Việt cập bến Hong Kong, sau một thời kỳ chờ đợi dài và thanh lọc kỹ càng thật, nhưng có cơ hội này. Tương tự, vào năm 1972, khi Uganda trục xuất 80.000 người gốc Ấn phần lớn mang hộ chiếu Anh, nước Anh đã tìm cách định cư họ tại các thuộc địa cũ khác của Anh ở Phi châu hay nói họ xin đi tị nạn tại Canada, Mỹ… chứ không cho sang Anh!

    Trong những năm trước khi Hong Kong được trao trả cho Trung Quốc (1997), phần lớn dân cư Hong Kong có điều kiện cũng tìm cách định cư Bắc Mỹ, chứ không định cư tại Anh. Thành phần này dư ăn dư mặc, chứ không phải lao động chui và đã khiến nhà đất tại thành phố Vancouver (Canada) được họ chấm trở nên đắt đỏ!

    Những ví dụ trên cho thấy chính sách nhập cư Anh rất khó khăn, ngay cả đối với thần dân nữ hoàng có hộ chiếu của vương quốc nhưng ngụ tại các thuộc địa cũ. Cử tri Anh đã bỏ phiếu ra khỏi Liên minh châu Âu (EU) một phần vì không ưa di dân (dù hợp pháp) từ các nước EU sang Anh, như người Ba Lan chẳng hạn.

    Theo Tuổi Trẻ

  • Một cuộc kiểm tra hành lý ngẫu nhiên tại phi trường Avalon đã dẫn đến việc một người phụ nữ Ấn Độ 23 tuổi bị hủy visa du lịch và trục xuất sau khi các chuyên viên của Lực lượng Biên phòng tìm thấy các chứng chỉ bằng cấp của cô trong hành lý đến Úc.

    Cô Kaur, 23 tuổi, đã hạ cánh xuống sân bay Avalon vào tối thứ Hai tuần này theo lời mời của chú và dì ở Úc, bị kiểm tra hành lý khi cô khai báo một số loại thuốc trong thẻ hành khách đến của mình.

    “Tôi đã mang theo một số loại thuốc giảm đau và một số đồ ăn nhẹ từ Amritsar để ăn trong chuyến bay và tôi khai báo như vậy. Tôi nghĩ đó là lý do tôi được gọi để kiểm tra hành lý,” cô Kaur nói với SBS Punjabi qua điện thoại từ Kuala Lumpur, nơi cô đã quá cảnh hơn 48 giờ chờ chuyến bay về nhà.

    Cô đã bị tra hỏi trong nhiều tiếng đồng hồ trong khi chú và dì của cô ngồi đợi bên ngoài. “Chúng tôi ở bên ngoài phi trường từ 9:30 tối và đợi đến 5 giờ sáng thì các nhân viên di trú đến hỏi chúng tôi một số câu hỏi chuyện cháu gái sẽ ở lại với chúng tôi bao lâu, đại loại vậy,” dì Raman của cô Kaur nói. 

    “Phải chi chúng tôi biết cháu mang theo bằng cấp học hành, chúng tôi sẽ bảo cháu đừng làm như vậy. “Chúng tôi chỉ muốn dẫn cháu đi chơi lòng vòng ở đây rồi chúng tôi sẽ đi Singapore để nghỉ hè vào dịp Giáng sinh,” bà Raman nói.

    mang theo bang cap 2

    Khi các nhân viên Lực lượng Biên phòng mở hành lý của cô Kaur, họ đã tìm thấy một chứng chỉ IELTS và các chứng chỉ học tập khác được giấu trong quần áo. Cô Kaur không thể đưa ra bất kỳ lời giải thích nào lý do tại sao cô ấy đã mang các chứng chỉ theo trong chuyến đi.

    Trong khi kiểm tra hành lý, giới chức ABF cũng phát hiện ra rằng cô Kaur chỉ mang theo vỏn vẹn $100 đôla và nói rằng cô dự định ở lại Úc trong ba tháng – trong khi chú của cô nói với ABF rằng cô sẽ ở với họ trong một tháng.

    Cô Kaur không thể gọi tên những địa điểm mà cô dự định tham quan ngoài “những công viên và khách sạn xinh đẹp”. “Các yếu tố này dường như không phù hợp với hành vi của người giữ visa du lịch chân thật vì cô không biết gì về nước Úc, chỗ ở trong một tháng, không đủ tiền để chi dùng khi ở Úc và cô mang theo bên người tất cả giấy tờ học hành của mình,” nhân viên ABF chú thích trong quyết định hủy visa Úc của cô Kaur.

    “Thông tin không phù hợp giữa những gì cô ấy nói trong cuộc phỏng vấn và đơn xin visa của cô ấy chắc chắn là tạo ra vấn đề, nhưng bằng cấp học hành trong vali của cô ấy có thể cho thấy rằng, cô ấy có thể quan tâm đến việc tìm kiếm việc làm hoặc học tập ở đây, và bằng cách nào đó kéo dài thời gian ở lại, trái với điều kiện visa du lịch cho du khách” đại diện di trú Jujhar Bajwa nói về căn cứ để Lực Lượng Biên phòng hủy visa của cô Kaur với SBS Punjabi.

    Cô Kaur nói rằng cô đã nhầm lẫn và đã phạm “một số sai lầm” trong khi trả lời. “Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là tôi nên bị còng tay và cảm thấy như mình là tội phạm. Điều này thật xấu hổ. Nếu tôi biết, tôi sẽ không bay chuyến này từ đầu,” cô nói. Cô Kaur đã được đưa đến trung tâm tạm giam di trú Broadmeadows và được đưa lên một chuyến bay tới Kuala Lumpur vào ngày hôm sau chờ bay tiếp về Ấn Độ.

    Theo SBS