• Nhằm giảm lượng người nhập cư, Vương quốc Anh đã tăng mức quy định thu nhập tối thiểu để một cá nhân được bảo lãnh cho người thân trong gia đình đến nước này.

    Theo đó, từ ngày 11/4, thu nhập tối thiểu cần có để bảo lãnh một thành viên trong gia đình đến Vương quốc Anh là 29.000 bảng. Con số này tăng so với mức 18.600 bảng được áp dụng trước đây. Kể từ đầu năm 2025, mức quy định này sẽ tiếp tục tăng lên 38.700 bảng Anh.

    Động thái này là một phần trong kế hoạch của Thủ tướng Rishi Sunak nhằm "giảm di cư không bền vững và không công bằng, đồng thời đảm bảo rằng những người đến Anh không tạo gánh nặng đối với người đóng thuế".

    Số người nhập cư gia tăng mạnh tại Anh trong những năm gần đây. Đây được cho là vấn đề then chốt trong cuộc tổng tuyển cử ở nước này vào cuối năm nay.

    Bộ trưởng Bộ Nội vụ Anh James Cleverly nhấn mạnh chính phủ hành động "để cắt giảm những con số không bền vững, nhằm bảo vệ người lao động Anh và tiền lương của họ, đảm bảo những người đưa gia đình đến Vương quốc Anh không tạo gánh nặng đối với người nộp thuế".

    bao lanh nguoi than den anh

    Tháng 12/2023, Chính phủ Anh đã công bố một loạt biện pháp nhằm hạn chế người di cư, bao gồm việc tăng 47% mức lương tối thiểu đối với thị thực lao động có tay nghề. Nước này cũng dự định đồng bộ hóa thị thực gia đình với thị thực lao động có tay nghề trong thời gian tới.

    Các quy định siết chặt đối với sinh viên và tăng 66% phụ phí y tế đối với người nước ngoài sử dụng Dịch vụ Y tế quốc gia (NHS) cũng là một phần của chiến lược kiểm soát nhập cư trên diện rộng tại Anh.

    Bộ Ngoại giao Anh cho biết trong năm 2023, nước này đã chi hơn 1/4 ngân sách viện trợ nước ngoài trị giá 15,4 tỷ bảng cho người tị nạn và người xin tị nạn.

    Thông báo của Bộ Ngoại giao Anh vào ngày 10/4 nêu rõ Anh đã sử dụng 4,3 tỷ Bảng - tương đương 28% - từ ngân sách viện trợ nước ngoài trong năm 2023 cho các chi phí trong nước liên quan đến việc tiếp nhận người tị nạn và người xin tị nạn, tăng 600 triệu Bảng so với năm 2022.

    Bộ Ngoại giao Anh nhấn mạnh nước này đã chi kỷ lục 2,5 tỷ bảng trong năm 2023 để đảm bảo nơi ăn ở trong khách sạn, di chuyển và đào tạo tạm thời cho người xin tị nạn đang chờ được giải quyết, tương đương 7 triệu Bảng/ngày.

    Theo Bộ Nội vụ Anh, hiện có 36.000 người xin tị nạn trong các khách sạn ở nước này, giảm so với con số 56.000 người hồi tháng 9/2023.

    Theo VTV

  • phai roi khoi syria 1
    Baraa Halabieh đang kêu gọi những hành trình an toàn cho người xin tị nạn.

    Baraa Halabieh, 39 tuổi, đã đi xuồng từ Thổ Nhĩ Kỳ tới Hy Lạp vào năm 2014, đây là một phần trong hành trình của anh. Hiện giờ anh sống ở Hackney, anh từng là diễn viên và đầu bếp. Đã 10 năm trôi qua, anh vẫn còn nhớ rất rõ hành trình ngày đó của mình:

    "Chúng tôi có 40 người, họ sắp xếp cho đàn ông ngồi ở mép xuồng, phụ nữ và trẻ em ngồi chính giữa. Chúng tôi không được mang hành lý vì họ muốn có thật nhiều chỗ để nhét thêm người. Một người trong chúng tôi phải tự lái xuồng vì họ sẽ không lái. Để phòng trường hợp bị cảnh sát biển kiểm tra, họ sẽ không bị bắt.

    Chiếc xuồng chật ních và chúng tôi bắt đầu hành trình. Đảo Hy Lạp cách chúng tôi 5km. Nhưng chưa đi được 1km động cơ xuồng đã bốc khói. Chúng tôi cố gắng giữ cho trẻ em và phụ nữ bình tĩnh. Bọn họ gào khóc. Nhưng may mắn là chúng tôi đã cập bến an toàn khoảng hơn 2 giờ sau đó". 

    Biển còn an toàn hơn quê nhà của tôi

    "Đó là một khoảnh khắc đáng sợ, chúng tôi không biết liệu có thể đến Hy Lạp với một đầu máy bốc khói hay không. Chúng tôi bắt đầu cảm thấy nước tràn vào xuồng. Đúng lúc chúng tôi gần đến bờ, có rất nhiều tình nguyện viên từ các tổ chức phi chính phủ giúp chúng tôi kéo xuồng vào bờ. 

    Đó là một hành trình đầy căng thẳng, nhưng mỗi khi người ta hỏi tôi vì sao lại liều mạng như vậy? Đối với tôi, câu trả lời rất rõ ràng. Bởi vì đại dương an toàn hơn quê nhà của chúng tôi. Chúng tôi đang chạy khốn khỏi chiến tranh, dù không biết đại dương nguy hiểm như thế nào nhưng đó là cơ hội duy nhất của chúng tôi".

    phai roi khoi syria 1
    Baraa vào ngày anh trở thành công dân Anh năm 2023.

    Trước khi chiến tranh nổ ra ở Syria, Baraa có tài chính ổn định và chưa bao giờ nghĩ tới chuyện ra nước ngoài để tìm việc làm. Nhưng chiến sự ở Syria ngày càng nghiêm trọng và mọi thứ đã thay đổi. "Đột nhiên bạn nhận ra mạng sống của mình còn chẳng đáng giá bằng một viên đạn. Chúng tôi chứng kiến nhiều người bị bắt cóc và giết ở các trạm kiểm soát. Khi đi bộ từ công ty về nhà, tôi biết bất cứ điều gì khủng khiếp cũng có thể xảy ra". 

    "Tôi rời Syria và sử dụng hộ chiếu của mình như bình thường. Lúc đó, chúng tôi vẫn có thể đi đến Thổ Nhĩ Kỳ bằng phà. Từ Thổ Nhĩ Kỳ, tôi lên xuồng để đến Hy Lạp. Và từ Hy Lạp, tôi xuyên qua châu Âu tới trại tị nạn Calais Jungle ở Pháp.

    "Bạn đã đi qua rất nhiều quốc gia an toàn, tại sao bạn không ở đó? - Các chính trị gia và phóng viên báo chí luôn hỏi câu này. Có 2 lý do để tôi chọn Vương quốc Anh. Điều tiên, tôi đã bỏ ra rất nhiều năm để học tiếng Anh, nếu biết tiếng, tôi sẽ hòa nhập nhanh hơn. Thứ hai, tôi có gia đình ở UK. Vào những năm 1970, một người chú của tôi đã đến Anh và kết hôn với một công dân Anh. Đổi lại, tôi chẳng có người thân nào ở châu Âu".

    "Đối với những người khác, lý do của họ cũng vậy thôi. Kết nối gia đình rất quan trọng. Không phải chỉ là vấn đề tài chính, mà ai cũng cần có người thân bên cạnh để bầu bạn. Đó là lý do chính khiến tôi muốn đến UK". 

    Chính phủ Anh nên tạo ra những lộ trình an toàn

    Nói về những người đã chết trên hành trình đến UK, anh cho rằng chính phủ Anh nên tạo ra những lộ trình an toàn cho người nhập cư. Với những lộ trình an toàn, chính quyền có thể kiểm tra được hồ sơ của từng người có thật hay chỉ là bịa đặt. Chính phủ cần hiểu rằng hầu hết người nhập cư đến Anh vì họ có gia đình ở đây.

    "Đó không phải chỉ là trợ cấp, bởi vì người xin tị nạn ở Anh nhận được trợ cấp ít nhất so với các nước châu Âu. Đó không phải vì lợi ích vật chất, mà chúng tôi chỉ muốn đến với gia đình của mình ở Anh sau khi đã liều mạng rời khỏi quê nhà". 

    6 tháng sau khi đến Anh, vào mùa đông năm 2016, tôi được cấp thị thực tị nạn. Nhưng cùng lúc đó, tôi mất đi nguồn trợ cấp ít ỏi từ Bộ Nội Vụ và phải rời khỏi nhà trọ trong vòng 28 ngày. Vào thời điểm đó tôi chưa có số bảo hiểm National Insurance, cũng không có tài khoản ngân hàng. May mắn, một người bạn đã liên hệ giúp tôi một gia đình người Anh. Và họ đã cho tôi ở nhờ cho tới khi tôi đủ khả năng thuê phòng ở riêng. 

    "Gia đình người Anh này đã thật sự thay đổi tôi. Họ chào đón tôi, khiến tôi ngay lập tức cảm thấy như người nhà. Tôi nấu ăn cho họ, họ mời tôi đến tham dự tiệc Giáng sinh. Khi tình hình tài chính của tôi ổn hơn, họ mời tôi ở lại như một người thuê trọ. Tôi cảm thấy đã tìm được một gia đình thật sự", Baraa cho biết.

    Viethome (theo MyLondon)

  • *Lưu ý: Visa sang lao động tại Anh có thể áp dụng cho các nước Trung Á - nhưng không có nghĩa là Việt Nam được sang 1 cách dễ dàng. Hiện tại VietHome ghi nhận nhiều dịch vụ chào mời ở VN đi theo dạng lao động thời vụ này, tuy nhiên, không phải dịch vụ nào cũng chuẩn và làm đúng như lời hứa. Nếu quý vị có ý định sang Anh theo diện này, xin hãy tìm hiểu thật kĩ.

    Hậu Brexit, các trang trại ở Anh không còn dựa vào công nhân Romania hay Ba Lan mà là lực lượng lao động từ Trung Á.

    "Tiền kiếm được ở đây một tuần bằng một tháng ở quê nhà. Tôi đến đây vì tiền", chàng trai từng là giám đốc dự án lọc nước cho một ngân hàng lớn tại Kyrgyzstan, nói. Anh tranh thủ trả lời khi đang chất các thùng dâu tây lên xe tải trong trang trại của gia đình bà Christine Snell tại Herefordshire.

    Nhà Christine Snell sở hữu khoảng 160 ha trồng dâu tây, mâm xôi, lý chua đen. Sau Brexit (Anh rời Liên minh châu Âu), lao động trong khối không còn di chuyển tự do đến Anh, nên gia đình bà phải tuyển người từ những nơi xa hơn.

    "Bây giờ họ đến từ các quốc gia (tên nước có chữ cuối là stan) như Kazakhstan, Kyrgyzstan, Uzbekistan", bà cho biết. Ngày nay, Trung Á đang thay thế Trung Âu trở thành nguồn lao động cần thiết để hái 1.000 tấn dâu tây và duy trì hoạt động của nhà máy đóng gói.

    Vào cao điểm mùa hè, trang trại bà cần gần 300 người và giảm xuống khoảng 40 khi đến mùa đông. Hầu hết người lao động sống tại chỗ trong những ngôi nhà di động trong tối đa sáu tháng, tương ứng thời hạn thị thực. Họ nhận lương tối thiểu 10,42 bảng Anh (tương đương 12,76 USD) một giờ, cộng thêm tiền thưởng có thể lên tới 50% hoặc hơn đối với người làm theo năng suất hái quả.

    visa lao dong sang anh 1
    Công nhân hái dâu trong trang trại bà Christine Snell. Ảnh: Le Monde

    Trên các cánh đồng ở Anh, lực lượng lao động nước ngoài giờ phân thành các cấp độ khác nhau. Đứng đầu là những người châu Âu đến trước Brexit và đã có được quy chế định cư, cho phép họ có quyền ở lại Anh. Ví dụ như Ion Avram, một người Romania đã đến làm việc tại trang trại của bà Snell được 19 năm.

    Ông về nước vào mùa đông và trở lại dịp thu hoạch mỗi hè. "Công việc vất vả nhưng tôi đến hàng năm để kiếm tiền", Avram nói. Tiếp đến là thế hệ người mới, hầu hết không nói được tiếng Anh, dẫn đến những thách thức trong giao tiếp. "Tôi nói được một chút tiếng Nga, họ cũng vậy và chúng tôi có thể hiểu nhau bằng ngôn ngữ đó", Avram kể.

    Trên những ngọn đồi gần biên giới với xứ Wales, bà Snell đã chứng kiến làn sóng người nhập cư kể từ khi cùng chồng thành lập trang trại hơn ba thập kỷ trước. Cuối những năm 1990, hàng loạt người Nga và Ukraine đến theo hệ thống thị thực tạm thời. Sau đó, chương trình mở rộng đến các nước của Liên minh châu Âu, bao gồm 8 quốc gia Trung Âu vào 2004 và bổ sung Romania và Bulgaria 3 năm sau đó.

    Nhờ vậy, Anh có lực lượng lao động nhập cư lớn. Nhưng kể từ 1/1/2021, khi rời khỏi thị trường chung châu Âu, hệ thống này đã chấm dứt. Giới chủ cần phải tìm lao động từ xa hơn. Ngoài ra, người Nga và Ukraine đã không đến từ sau xung đột.

    Dù vậy, bà Snell, người đã bỏ phiếu cho Brexit, cho rằng đây không phải là vấn đề. "Chúng tôi không thiếu lao động. Lúc đầu, đúng là chính phủ không cấp đủ thị thực, chưa kể dịch Covid-19 phức tạp. Nhưng bây giờ, chúng tôi không gặp vấn đề gì trong tuyển dụng", bà nói.

    Mỗi mùa thu, bà liên hệ với một trong 5 cơ quan được chính thức công nhận tuyển dụng lao động thời vụ để đặt nhân sự cho mùa tiếp theo. Bà thậm chí còn thấy tốt hơn là thuê nhân viên châu Âu, những người có xu hướng không ở lại trang trại và bỏ đi sau vài tuần nếu thấy công việc quá khó.

    "Với thị thực tạm thời, người lao động bị ràng buộc với trang trại đã tuyển dụng họ. Nếu muốn thay đổi chủ, họ phải hỏi tôi và xin phép Bộ Nội vụ. Nếu không, họ sẽ bị mắc kẹt ở đây", Snell giải thích.

    visa lao dong sang anh 1
    Những ngôi nhà di động để công nhân nhập cư cư trú tại trang trại bà Christine Snell. Ảnh: Le Monde

    Nhưng không phải ai cũng thấy dễ dàng. John Shropshire, Chủ tịch tập đoàn nông sản G's Fresh, cho biết việc tiếp nhận lao động nhập cư là rất quan trọng để lấp đầy khoảng trống nhân lực trong chuỗi cung ứng thực phẩm. Tuy nhiên, việc thu hút ngày càng khó khăn.

    Một trong những lời hứa của Brexit là giảm nhập cư, "lấy lại quyền kiểm soát biên giới của chúng ta", như cựu thủ tướng Boris Johnson đã từng nói nhiều lần. Điều này đã va chạm với thực tế kinh tế. Ban đầu, chính phủ Anh giới hạn số lượng thị thực nông nghiệp theo mùa ở mức 30.000.

    Năm nay, họ phải tăng giới hạn lên 45.000 và có khả năng tăng thêm 10.000 nếu cần thiết. Theo báo cáo do Shropshire công bố, điều đó vẫn chưa đủ: "Phải xem xét việc dỡ bỏ giới hạn. Thị thực cần có thời hạn chín tháng để tính thời gian thu hoạch dài hơn", báo cáo công ty đánh giá.

    Thiếu nông dân là minh họa cho nỗ lực thất bại của Anh trong việc loại bỏ lao động nước ngoài giá rẻ. Kêu gọi Brexit, Thủ tướng Boris Johnson khi ấy hứa về nền kinh tế "lương cao, kỹ năng cao, năng suất cao". Điều này có nghĩa là cấp ít thị thực hơn và phát triển hoạt động đào tạo tại chỗ.

    Nhưng đến nay, điều ngược lại diễn ra. Lượng người nhập cư đã tăng gấp đôi kể từ khi Brexit có hiệu lực, với gần 600.000 người chuyển đến Anh vào năm 2022. Con số này có tính đến 114.000 người Ukraine và 52.000 người từ Hong Kong vì các yếu tố địa chính trị. Nhưng nhìn chung, dòng di cư chưa dừng lại mà chỉ là thay đổi quốc tịch. Người châu Âu giờ chỉ chiếm 13% lượng người mới đến dù từng chiếm hơn một nửa trước Brexit.

    Bà Snell rất muốn tuyển dụng tại chỗ, nhưng tỷ lệ thất nghiệp ở Herefordshire chỉ 3%. Có rất ít người sẵn sàng dành cả ngày hái dâu với mức lương tối thiểu. Các loại quả mọng hiện được trồng trên giàn cao để người hái có thể đứng thu hoạch thay vì ngồi xổm cả ngày như xưa. Nhưng cải thiện điều kiện việc làm chưa đủ. Trong khi, các trang trại không thể tăng lương vì áp lực giá của các siêu thị lớn.

    Tại thị trấn Spalding ở bờ Đông nước Anh, lao động nhập cư từ Trung Âu vẫn phổ biến. Với nhiều trang trại trồng rau, vùng nông nghiệp này được mệnh danh là "thung lũng thực phẩm của Anh". Nơi đây có sẵn lượng lớn người nhập cư trong 20 năm qua nên ít cần thêm lao động thời vụ. Các cửa hàng tạp hóa địa phương có những cái tên như "Siêu thị Warsaw", "Baltic" và "Kabanosik". Nhiều cơ quan cung cấp nhân sự được điều hành bởi người Ba Lan và Litva.

    Trên cánh đồng hoa hướng dương của Matthew Naylor, hầu hết lao động là người Litva. Họ được trả 2,3 pence Anh (gần 2,9 cent USD) cho mỗi bông hoa. Naylor cho biết họ được đảm bảo mức lương tối thiểu nhưng kiếm được nhiều hơn thế, lên tới 1.500 bảng Anh (1.860 USD) mỗi tuần vào mùa cao điểm. "Gần đây, họ phàn nàn vì bị áp thuế cao hơn, mức 40%. Họ yêu cầu tôi trả tiền ngoài thêm vì các đối thủ cạnh tranh khác đang làm vậy", ông kể.

    Matthew Naylor phản đối Brexit nhưng cũng thừa nhận rằng có lẽ nó cần thiết. "Đã có lúc rất nhiều lao động giá rẻ sẵn sàng làm việc mà không cần nhà vệ sinh trên cánh đồng. Chuyện đó đã qua rồi và là một điều tốt", ông nói. Ông hy vọng tình hình mới của ngành nông nghiệp sẽ dẫn đến việc cơ giới hóa nhiều hơn và cải thiện điều kiện làm việc cho lao động.

    *Lưu ý: Visa sang lao động tại Anh có thể áp dụng cho các nước Trung Á - nhưng không có nghĩa là Việt Nam được sang 1 cách dễ dàng. Hiện tại VietHome ghi nhận nhiều dịch vụ chào mời ở VN đi theo dạng lao động thời vụ này, tuy nhiên, không phải dịch vụ nào cũng chuẩn và làm đúng như lời hứa. Nếu quý vị có ý định sang Anh theo diện này, xin hãy tìm hiểu thật kĩ.

    VnExpress (theo Le Monde)

  • tuyen duong bi mat tu viet nam sang anh 1

    Cuộc điều tra của Observer tìm ra cửa ngõ vận chuyển người trái phép mới vào châu Âu, sau khi 500 lao động Việt Nam được phát hiện trong điều kiện tồi tệ ở Serbia.

    Năm 2019, nhà máy sản xuất lốp xe hơi Linglong bên ngoài Belgrade, thủ đô Serbia, bắt đầu được xây dựng. Đây được xem là "viên ngọc quý" trong quan hệ đối tác chiến lược đang phát triển của Serbia với Trung Quốc.

    Hai năm sau, 500 công nhân xây dựng Việt Nam hồi tháng trước được cho là đã làm việc trong điều kiện lao động cưỡng ép. Hộ chiếu của họ bị tịch thu và họ phải sống trong điều kiện chật chội, xuống cấp.

    Vụ việc đã gây chấn động cho Serbia khi Nghị viện châu Âu yêu cầu nước này giải thích tại sao một vụ vận chuyển người trái phép lớn như vậy lại có thể được phép hoành hành ở trung tâm châu Âu.

    Tuy nhiên, nhà máy Linglong chỉ là điểm dừng chân đầu tiên trong hành trình dài hơn đến Anh và các nước khác ở châu Âu của nhiều công nhân làm việc tại nhà máy.

    Cuộc điều tra của Observer phát hiện Serbia và Romania đang được các băng nhóm sử dụng như cửa ngõ mới vận chuyển người lao động trái phép vào châu Âu. Những người di cư này trước tiên nhập cảnh hợp pháp vào Serbia và Romania thông qua thị thực lao động, trước khi được các nhóm vận chuyển trái phép đưa vào Đông Âu hoặc Anh.

    Lao động Việt Nam luôn có khả năng cao rơi vào tình trạng nợ nần và lao động cưỡng bức trong các tiệm làm móng hoặc trang trại cần sa, khi họ thường bị tính phí tới 30.000 bảng (hơn 40.000 USD) để được sang Anh.

    Hứa hẹn và thực tế

    Nusrat Uddin, chuyên gia xuất nhập cảnh của Wilson Solicitors LLP, nói nhiều khách hàng gần đây của cô đang xin visa lao động đến Serbia hoặc Romania.

    “Hầu như tất cả khách hàng của chúng tôi đều được hứa hẹn có công việc tử tế với mức lương công bằng, nhưng thực tế thì khác xa. Nhiều người sau đó sẽ tìm cách đến các nước châu Âu khác, một lần nữa được hứa hẹn là có điều kiện tốt hơn”, cô nói.

    tuyen duong bi mat tu viet nam sang anh 1
    Công nhân Việt Nam xây dựng nhà máy sản xuất lốp ôtô Linglong của Trung Quốc ở Serbia. Ảnh: AP.

    Theo người lao động Việt Nam được phỏng vấn, tuyến đường di cư từ Việt Nam sang Serbia bắt đầu hoạt động từ mùa hè với hơn 500 lao động làm visa từ tháng 8 đến tháng 10. Mỗi người bị thu phí 1.700 bảng Anh (khoảng 2.275 USD).

    Tuấn đi từ Việt Nam đến Serbia bằng visa lao động sau khi thấy một quảng cáo trên Facebook hứa hẹn công việc có mức lương cao trong một nhà máy sản xuất lốp xe do Đức làm chủ. Thế nhưng cuối cùng, anh phải làm việc ở Linglong.

    “Khi tôi đến, tôi thấy nhà máy về cơ bản đang mua công nhân Việt Nam. Chúng tôi phải làm bất cứ điều gì họ bảo”, anh nói.

    Họ tịch thu hộ chiếu của anh và chỉ trả mức lương bằng một nửa so với những gì đã hứa. Anh cho biết mình phải ngủ chung một phòng với 50 người khác.

    “Nhiều người trong chúng tôi mắc Covid-19. Chúng tôi thậm chí không nhận được bất kỳ loại thuốc nào. Nước nôi ở đây rất bẩn, có màu vàng, không thể uống được và có vị chua. Thức ăn cũng rất tệ và không đủ, thỉnh thoảng chúng tôi phải vào rừng tìm thức ăn. Chúng tôi săn bất cứ thứ gì có thể bắt được, chẳng hạn như thỏ”, anh nói thêm.

    Tuấn nói rằng khoảng 30 công nhân làm việc cùng anh tại nhà máy Linglong đã rời Serbia đến Anh, Pháp và Đức, và nhiều người khác đang lên kế hoạch.

    Anh nói kể từ sau thảm kịch 39 người chết trong container trên đường đến Anh, các tuyến đường đưa người qua Serbia và các nước Đông Âu khác ngày càng trở nên phổ biến.

    “Đối với những người muốn đến Anh, việc đến Serbia trước có chi phí rẻ, chỉ tốn 50 triệu đồng cho thị thực, trong khi những người chết trong xe tải phải đi nhiều tháng trên một con đường nguy hiểm. Vì vậy, lựa chọn này dễ dàng hơn”, anh nói.

    Tuyến đường "hấp dẫn"

    Điều tra của Observer cho thấy những người lao động tiếp tục đến EU và Anh từ Balkan có thể đi theo một số tuyến đường, với các mạng lưới bất hợp pháp đưa người Việt Nam sang Romania và sau đó đến Slovakia, Đức và Pháp. Sau đó, họ phải chờ đợi trong một khu trại tạm để có cơ hội đi thuyền hơi đến Anh.

    Mimi Vũ, chuyên gia chống buôn người và đang sống tại Việt Nam, đã dành nhiều tháng để nghiên cứu mối liên hệ giữa các chương trình thị thực song phương ở Đông Âu và việc bóc lột lao động nhập cư Việt Nam.

    tuyen duong bi mat tu viet nam sang anh 1
    Người lao động Việt nhập cảnh vào Serbia hoặc Romania sau đó được vận chuyển trái phép đến các nước châu Âu khác. Ảnh: Guardian.

    “Điểm hấp dẫn chính đối với tuyến đường Serbia là bạn có thể di cư hợp pháp thông qua các thỏa thuận thị thực đối ứng, và quy trình này chỉ tốn vài nghìn bảng Anh. Đây được xem là món hời lớn so với các tuyến đường truyền thống đi qua Moscow, hoặc một trong những quốc gia trung tâm của EU như Ba Lan hay Cộng hòa Czech, có thể có giá lên tới 30.000 bảng Anh (hơn 40.000 USD)”, cô nói.

    Observer cho biết người lao động Việt Nam khi đến Serbia phải ký vào các mẫu đơn “cam kết không nghỉ việc”. Theo đó, gia đình người lao động trong vòng một tuần sẽ phải bồi thường khoản tiền bằng một năm tiền lương nếu người lao động bỏ việc.

    Tuy nhiên, với đồng lương không như mong đợi ở Serbia, cùng với những hứa hẹn về một công việc lương cao hơn ở nước khác, nhiều lao động bất chấp rủi ro để trốn khỏi Serbia, Vũ nói.

    Tuấn cho biết nhiều người Việt Nam từng làm việc cùng anh tại Linglong đã phải huy động hàng nghìn USD để được đưa đến các nước giàu có hơn ở châu Âu.

    “Tôi nghĩ họ phải trả (cho các nhóm vận chuyển người trái phép) khoảng 6.000 bảng Anh (hơn 8.000 USD) để vào châu Âu từ Romania”, Tuấn chia sẻ thêm.

    Trong khi Serbia được cho là con đường mới được các băng nhóm tội phạm sử dụng, thì Romania - quốc gia đã ký hiệp định thị thực song phương với Việt Nam hồi năm 2018 về việc nhập khẩu lao động - được xem như cửa ngõ khác vào châu Âu.

    Nhiều lao động cũng bị mắc kẹt khi phải làm các công việc nguy hiểm và bị bóc lột ở đó.

    Mạnh đến Romania cùng với 60 công nhân khác từ Việt Nam vào năm 2019 để làm việc cho một công ty xây dựng lớn. Khi kết thúc hợp đồng vào năm 2021, một nửa trong số họ đã vượt biên sang Anh và châu Âu.

    “Nhiều người đã bỏ trốn chỉ một hoặc hai tháng sau khi đến”, anh nói. Anh trai của Mạnh - làm việc cho một công ty khác ở Romania - nằm trong số nhiều người đã rời khỏi đất nước. Anh nói: “Mức lương ở Romania quá thấp”.

    Mạnh cho biết anh hiện bị mắc kẹt ở Romania. Hợp đồng của anh hết hạn vào tháng 3 nhưng ông chủ của anh từ chối gia hạn, khiến anh phải làm việc mà không có giấy phép cư trú hợp lệ và không đủ khả năng chi trả cho chuyến bay về nước.

    Khi được hỏi liệu anh có kế hoạch rời Romania để tìm việc hay không, anh trả lời: “Đó là bí mật”.

    Theo số liệu của cảnh sát biên giới Romania, trong vòng 5 năm qua, ít nhất 231 người Việt Nam đã bị chặn lại khi cố gắng vượt biên để đến các nước châu Âu khác.

    Cảnh sát Hungary đã chặn được 101 người khác trong cùng thời gian. Các chuyên gia như Vũ ước tính đây chỉ là một phần rất nhỏ người Việt Nam rời Romania sang Tây Âu.

    Người phát ngôn của cảnh sát biên giới Romania cho biết: “Như một phương thức mới, công dân Việt Nam nhập cảnh vào Romania hợp pháp dựa trên thị thực lao động và sau đó cố gắng vượt biên trái phép”.

    Những chuyến đi “VIP”

    Phương tiện truyền thông xã hội đóng vai trò trung tâm cho các băng nhóm vận chuyển người trái phép. Các nhóm Facebook mà Observer tiếp cận được cung cấp các tuyến đường "VIP" bằng ôtô riêng ra khỏi Romania.

    Các gói dịch vụ được quảng cáo bằng cách gán số cho các quốc gia muốn đến. Chẳng hạn, khách có thể chọn gói “44” nếu muốn đến Anh, “49” nếu muốn đến Đức, và “33” để đến Pháp. Dù giá cho mỗi gói như vậy đã giảm trong đại dịch, một chuyến đi đến Anh vẫn có thể tốn hơn 10.000 bảng (gần 13.400 USD).

    Trên thực tế, những chuyến đi VIP này rất khắc nghiệt. Cảnh sát Romania đã phát hiện người di cư Việt Nam trốn sau các thùng hoa quả hoặc thùng hàng trong những xe tải nhỏ có “tường giả”.

    Trong năm qua, những vụ đưa người di cư Việt Nam ra khỏi Romania bất hợp pháp vẫn tiếp tục diễn ra bất chấp hạn chế tại biên giới do đại dịch gây ra.

    Trung (36 tuổi) hiện sống ở Đức mà không có giấy tờ tùy thân sau khi làm việc hợp pháp ở Romania. Anh thực hiện chuyến đi của mình trong khi châu Âu bị phong tỏa hồi tháng 10/2020.

    Trung muốn ở lại Romania, nhưng chủ lao động từ chối cập nhật các thủ tục giấy tờ để anh có thể ở lại nước này hợp pháp. Anh nói rằng bản thân đã phải lựa chọn giữa việc làm giả giấy tờ và việc bất chấp rủi ro để sang Đức.

    “Mức lương ở Romania chỉ cao hơn một chút so với ở Việt Nam”, Trung cho biết và tiết lộ anh được chủ lao động trả 750 USD mỗi tháng. “Quyết định đi giống như một ván bài: cơ hội thành công là 50-50”, anh nói.

    Đối với những người cố gắng đến Anh, nguy cơ mà họ phải đối mặt còn lớn hơn nếu đến Pháp hoặc Đức. Bất kể họ mua gói VIP nào để đảm bảo việc đi lại an toàn, tất cả đều phải đi qua eo biển Manche bằng thuyền hơi mỏng manh.

    tuyen duong bi mat tu viet nam sang anh 1
    Một xưởng trồng cần sa phi pháp ở Coventry, Anh. Ảnh: NCA.

    “Trước đây, những kẻ vận chuyển người trái phép đã có mạng lưới riêng để đưa người Việt Nam đến Anh bằng xe tải. Tuy nhiên, Brexit đã dẫn đến tình trạng thiếu xe tải, cùng với đó là sự kiện về cái chết của 39 người Việt Nam trong container năm 2019, họ đã phải sử dụng đường thủy”, Vũ nói.

    “Trong số những người Việt Nam đã đến được các trại người di cư ở Dunkirk hoặc qua eo biển Manche đến Anh mà tôi từng phỏng vấn, tất cả đều nói rằng đi thuyền là lựa chọn duy nhất”, cô nói thêm.

    Tháng trước, 27 người chết đuối khi cố vượt biển, một trong số đó là người Việt Nam. Báo chí nêu tên người này là Lê Văn Hậu, đến từ tỉnh Nghệ An, Việt Nam. Anh người được cho là đã trả khoảng 10.000 bảng Anh (gần 13.400 USD) để tìm việc hợp pháp ở Ba Lan, trước khi lên đường sang Pháp để tìm cách vượt eo biển Manche.

    Khi đã đến Anh, với khoản nợ hàng nghìn bảng, người Việt Nam trở thành một trong những nhóm dễ bị dẫn dắt trở thành lao động cưỡng bức, hoặc phải sống trong nợ nần và bị bóc lột.

    Các số liệu chính thức của Bộ Nội vụ Anh cho thấy người Việt nhập cư là nhóm nạn nhân lớn thứ ba của “tình trạng nô lệ hiện đại”. Có 653 người Việt Nam được xác nhận là nạn nhân của lao động cưỡng bức vào năm 2020. Phần lớn họ được phát hiện trong các trang trại trồng cần sa và tiệm làm móng.

    Tháng trước, trong một trại di cư phủ đầy tuyết ở Dunkirk, Pháp, hai người Việt Nam ngồi chụm lại với nhau cùng một nhóm người để sưởi ấm. Có đến hàng trăm người khác trong khu lều hoang.

    Hai người cho biết họ vay nặng lãi để rời Việt Nam bằng visa đến Serbia, với mục tiêu sau đó sang Anh tìm việc làm trong tiệm làm móng. Khi đến Anh, họ sẽ nợ thêm 18.000 bảng (hơn 24.000 USD).

    “Chúng tôi đã mất 2 tháng để đến được đây. Tôi không biết khi nào mình sẽ về nhà, tôi không thể trở về tay không”, một người chia sẻ sau cuộc gọi FaceTime với vợ và con nhỏ ở Việt Nam.

    Theo Zing

  • Trong quá trình xử lý hồ sơ xin visa định cư Anh quốc theo diện bảo lãnh vợ/chồng, có rất nhiều trường hợp đương đơn bị Home Office từ chối vì lý do không chứng minh được nguồn tài chính hay không tin tưởng vào mối quan hệ mặc dù hồ sơ thực tế rất tốt. Khi xảy ra trường hợp này đương đơn thường rất hoang mang, không biết nên làm gì và tiến hành các bước tiếp theo ra sao để khắc phục.

    Xử lý thành công hồ sơ visa định cư Anh quốc sau khi bị từ chối vì lý do tài chính

    Để đương đơn có thể xin được visa định cư tại Anh Quốc theo diện Spouse Visa (định cư theo diện bảo lãnh vợ/chồng/con) nhanh chóng và hiệu quả nhất, tránh tình trạng đương đơn và người bảo lãnh không biết cách thức xử lý khiến hồ sơ lại tiếp tục bị từ chối, Platinum xin đưa ra trường hợp cụ thể đã bị từ chối vì lý do không chứng minh được tài chính và đã được chữa lại thành công.

    gia dinh van anh 2
    Gia đình hạnh phúc của chị Vân Anh.

    Đây là trường hợp của chị Vân Anh cựu quán quân điền kinh quốc gia, nội tướng của cựu HLV trưởng đội tuyển bóng đã nữ Việt Nam - Steve Darby. Câu chuyện tình yêu lãng mạn đã nhiều lần xuất hiện trên các tờ báo lớn nhỏ trong thời gian trước.

    Vượt qua mọi rào cản về tuổi tác và sự phản đối của gia đình, anh chị đã kết hôn và có chung 1 cô con gái nhỏ xinh xắn. Sự nghiệp, công việc kinh doanh của họ khá thuận lợi tại Việt Nam.

    Screenshot 20200606 002636 Chrome
    1 trong số những bài báo nói về cuộc sống và chuyện tình yêu của gia đình chị Vân Anh.

    Đã kết hôn khá lâu, nhưng do chị có công việc kinh doanh tại Việt Nam, anh lại thường công tác tại các nước Đông Nam Á và gần đây gia đình mới có dự định trở về Anh sinh sống nên chị bắt đầu làm hồ sơ định cư.

    Có công việc kinh doanh tốt từ việc làm chủ khách sạn cùng các công việc bên ngoài, cộng thêm đã được nhiều lần có visa du lịch, thăm thân Anh quốc nên chị Vân Anh khá tự tin khi tự xử lý hồ sơ định cư, tuy nhiên ở lần nộp đầu tiên chị lại bị từ chối vì lý do tài chính.

    gia dinh van anh 2
    Thư từ chối visa định cư Anh quốc của chị Vân Anh.

    Mặc dù có nhiều kinh nghiệm trong việc chuẩn bị hồ sơ visa thăm thân và bản thân chị cũng từng được cấp visa thâm thân thời hạn 10 năm, nhưng để có thể giải trình rõ được hồ sơ xin visa định cư cần phải nắm được các giấy tờ và thủ tục mà Đại Sứ Quán yêu cầu, đặc biệt những giấy tờ liên quan đến tài chính, công việc.

    Với những trường hợp hồ sơ khó giải trình hay có tính chất riêng biệt cần yêu cầu rất nhiều về năng lực xin visa cũng như kĩ năng xử lý của đội ngũ xử lý hồ sơ có chuyên môn cao.

    Sau khi bị từ chối chị đã đến với Platinum để được định hướng và chữa lại hồ sơ xin visa. Trong chưa đầy 1 tháng, hồ sơ của chị đã được xử lý, giải trình lại những vấn đề mà HO đã đề cập trong thư từ chối một cách thuyết phục nhất. Bên cạnh đó, những giấy tờ về tài chính, mối quan hệ,… đều được chuẩn bị kĩ lưỡng và thành quả nhận về ngay sau đó là tấm visa định cư Anh quốc quý giá.

    gia dinh van anh 2
    Visa định cư Anh quốc của chị Vân Anh sau 1 tháng xét duyệt hồ sơ.

    Một lần nữa xin được chúc chị Vân Anh cùng chồng và con gái có cuộc sống viên mãn tại Anh quốc và sẽ mãi giữ được ngọn lửa tình yêu như hiện tại.

    Một số điều cần biết về visa định cư Anh theo diện kết hôn

    Spouse visa hay còn gọi là visa định cư Anh theo diện kết hôn là dạng visa cho phép nhập cư và sinh sống cùng vợ hoặc chồng mà người đó đã mang quốc tịch Anh Quốc. Người bảo lãnh (vợ/chồng) phải là công dân Anh hoặc đã định cư tại nước Anh.

    Visa định cư theo vợ/chồng kéo dài bao lâu, có gia hạn được không?

    Thời hạn trên visa cấp là 1 tháng, trong thời gian 1 tháng đương đơn sẽ qua UK và đổi thẻ cư trú Leave To Enter 2.5 năm theo địa chỉ được đăng ký khi nộp hồ sơ. Sau khi hết 2.5 năm sẽ gia hạn tại UK nếu đáp ứng các yêu cầu về thời gian cư trú, mối quan hệ, tài chính…

    Vợ/chồng người phụ thuộc visa

    Trẻ em dưới 18 tuổi có thể vào Anh Quốc với tư cách là người phụ thuộc của bố mẹ. Bạn lên làm hồ sơ cho con cùng lúc với hồ sơ của mình với điều kiện người bảo lãnh phải thể hiện thu nhập, tài khoản cụ thể, mức độ khác nhau tùy thuộc vào số lượng trẻ em phụ thuộc.

    Để được tư vấn miễn phí về thông tin xin visa thăm thân, du lịch, định cư Anh quốc vui lòng liên hệ:


    CÔNG TY CỔ PHẦN TƯ VẤN DU HỌC & LỮ HÀNH QUỐC TẾ BẠCH KIM

    CHUYÊN XỬ LÝ HỒ SƠ KHÓ – CHỮA HỒ SƠ ĐÃ BỊ TỪ CHỐI

    VP tại Hà Nội: 
    Địa chỉ: Số 1/43 Phố Kim Đồng, Phường Giáp Bát, Quận Hoàng Mai, Hà Nội
    Tel: (84-24) 322.022.75
    Hotline: +84 97 275 2192 (Viber/Zalo)
    Email: info@platinum.edu.vn 
    Website: platinum.edu.vn
    Fan Page: https://www.facebook.com/visaplatinum/

    VP Hồ Chí Minh: 
    Địa chỉ: Số 102 Nguyễn Thị Minh Khai, P.6, Q.3, HCM
    Tel: (84-28) 6681 3368
    Hotline: +84 94 606 0302 (Zalo/Viber)
    Email: info@platinum.edu.vn

    Bài liên quan:

    Bố mẹ sở hữu visa 2.5 năm có thể bảo lãnh cho con qua UK sinh sống được không?

    Xin visa định cư Anh cho cả 3 mẹ con dù từng bị từ chối

    Định hướng tối ưu cho hồ sơ đã từng 02 lần bị từ chối cấp visa Anh quốc

    Chính sách ở lại làm việc tại Anh quốc 02 năm sau khi tốt nghiệp

    Đâu là thời điểm thuận lợi apply hồ sơ visa Anh quốc?

    Spouse Visa Anh quốc cho cặp đôi đồng tính nữ

    Cách xây dựng mối quan hệ thuyết phục Bộ Nội vụ khi xin Spouse Visa

    Nhờ đâu cô bạn 9x xin được visa du lịch UK 2 năm, visa Canada 10 năm chỉ với 1 cú click?

    Chữa thành công visa định cư cho cả gia đình sau 3 lần bị từ chối

    Xin quốc tịch Anh cho con sinh ra tại VN có khó như bạn nghĩ?

    Xin Visa diện phụ thuộc Anh quốc 2019 thuận lợi hơn bao giờ hết

    Kinh nghiệm chứng minh tài chính để đậu chắc hồ sơ thăm thân Anh Quốc

    Nhờ đâu vợ nhận được visa định cư Anh quốc khi chồng chưa đủ điều kiện bảo lãnh tài chính?

    Viethome

  • Chính quyền Anh đang dự tính tăng gấp 4 lần hạn ngạch dành cho lao động nhập cư làm nghề nông ở nước này, lên mốc 10.000 người vào năm sau, mở rộng cơ hội sang Anh cho người nhập cư. 

    Một trang trại ở Anh - Ảnh: REUTERS

    Thông tin do báo Sunday Telegraph đưa hôm 9-11. Đây được cho là cách để nước Anh bù đắp số lượng lao động thiếu hụt sau khi rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), còn gọi là quá trình Brexit.

    Theo đó, chính quyền Anh đang muốn tăng hạn mức nhận lao động nhập cư cho nghề nông lên 10.000 người/năm so với mức 2.500 người/năm hiện tại.

    Cụ thể, với chính sách hiện nay, Anh đang cho phép 2.500 người bên ngoài EU được làm việc thời vụ tại các trang trại ở Anh mỗi năm. Ngành nông nghiệp nước này cho rằng con số 2.500 là quá thấp. Nhiều nông dân làm việc ở Anh hiện nay tới từ các nước nghèo hơn trong khu vực EU, và thậm chí không đáp ứng được hạn ngạch nêu trên.

    Bộ trưởng Nông nghiệp Theresa Villiers nói với tờ Sunday Telegraph: "Hệ thống nhập cư của chúng ta nên phản ánh đúng nhu cầu của ngành nông nghiệp và việc mở rộng, tiếp tục chương trình dành cho nông dân thời vụ sẽ là phần quan trọng trong đó".

    Việc mở rộng này sẽ được chính thức công bố trong chiến dịch của Đảng Bảo thủ khi vận động tranh cử vào ngày 12-12 tới đây, theo tờ báo Anh.

    Vấn đề nhập cư và lao động nhập cư ở Anh đang là tâm điểm trong nghị trường nước này.

    Đầu tiên, việc rời khỏi EU sẽ đồng nghĩa có những xáo trộn nhất định trong chính sách tự do đi lại và giấy phép làm việc ở Anh cho công dân EU, đơn giản vì Anh và EU có thể phải "dứt tình".

    Nước Anh, như ngành nông nghiệp nêu trên, vốn đã thiếu nông dân nay phải tìm cách bù đắp thiếu sót dự kiến về vấn đề lao động.

    Thứ hai, vụ việc 39 người đã trốn trong một thùng xe tải để nhập cư lậu sang Anh nhằm tìm việc làm chết tại hạt Essex mới đây cũng đặt ra những dấu hỏi về chính sách nhập cư của Anh. 

    Một số tờ báo lấy vấn đề đó để chỉ trích chính sách nhập cư khắt khe của Anh, yêu cầu mở cửa cho dân nhập cư và lao động hơn để tránh thảm kịch.

    Theo Tuổi Trẻ

  • Văn phòng hộ chiếu đã từ chối gia hạn hộ chiếu Anh cho ít nhất hai trẻ em vì không có bằng chứng quan hệ với cha mẹ và các luật sư tin rằng điều này chỉ có thể chứng minh qua thử DNA.

    Ở trong cả hai trường hợp, mẹ của các em bé đều không phải là công dân Anh, nhưng con của họ đã được cấp hộ chiếu Anh nhờ vào quốc tịch Anh của người cha. Những trường hợp này cho thấy Bộ Nội vụ đang thực sự quá nghiêm khắc với vấn đề quyền lưu trú của người mẹ phụ thuộc vào quốc tịch Anh của con.

    Thông tin được tiết lộ sau khi Bộ Nội vụ yêu cầu rà soát lý do tại sao các nhân viên di trú lại đòi người nhập cư kiểm tra DNA bất chấp các quy trình hướng dẫn đều chỉ rõ việc này không phải là bắt buộc. Những lá thư từ Văn phòng Hộ chiếu Hoàng gia, một cơ quan của Bộ Nội vụ, đã được gửi tới hai người phụ nữ vào ngày 11 tháng Sáu và 2 tháng Bảy năm 2018.

    viethome ho chieu cho tre em

    Cô Nguyen, 26 tuổi, một phụ nữ Việt Nam sống ở Staines, gần London, bị từ chối gia hạn hộ chiếu cho con trai cô là Andy, sáu tuổi, sinh ra ở Anh và có cha là người Anh. Văn phòng hộ chiếu yêu cầu “hồ sơ cụ thể” chứng minh quan hệ huyết thống mặc dù mẹ cậu bé trình bày rằng cha em đã tái hôn với người phụ nữ khác và không sẵn sàng cung cấp mẫu.

    Người cha vẫn gửi tiền trợ cấp và thường xuyên thăm nom cậu bé. Anh cũng nhận khoản trợ cấp cho trẻ nhỏ nhờ vào quan hệ với Andy và được ghi tên trong khai sinh của cậu. “Tôi thực sự lo lắng và buồn bực vì Andy được sinh ra ở đây, cha thằng bé là một công dân Anh,” cô Nguyen phát biểu thông qua một phiên dịch. “Thằng bé được nhận hộ chiếu nhưng giờ đây họ lại từ chối nó.” Quyết định từ chối này khiến cô Nguyen buộc phải hủy bỏ kế hoạch đưa Andy về thăm họ hàng ở Việt Nam vào dịp Tết hồi tháng Hai.

    Người phụ nữ thứ hai, một công dân Grenada, cho biết cô được yêu cầu kiểm tra DNA khi gia hạn hộ chiếu cho con trai chín tuổi của mình, người được sinh ra ở Anh và có cha là công dân Anh gốc Sri Lanka. “Tôi đã bị sốc,” cô bày tỏ, nói thêm rằng cô có thể không thể về Grenada cùng con để thăm một người thân bị ốm.

    Văn phòng Hộ chiếu giải thích rằng dù người bạn đời của cô được xác định là cha cậu bé trên giấy khai sinh, nhưng việc đăng ký mãi đến hơn một năm sau ngày cậu bé ra đời mới được thực hiện. Người mẹ giải thích việc trậm chễ này là do cha cậu bé buộc phải ở lại Sri Lanka vì việc gia đình.

    Jacqui McKenzie, luật sư đại diện cho người mẹ này, cho rằng cách thân chủ cô bị đối xử cho thấy Bộ Nội vụ dường như chẳng có thay đổi gì sau vụ bê bối Windrush. “Chúng tôi tưởng chúng ta đã cởi mở và lý trí hơn sau bê bối đó, nhưng thực tế cho thấy điều hoàn toàn ngược lại,” cô McKenzie nhấn mạnh.

    Bộ Nội vụ phát biểu rằng tất cả các hồ sơ xin cấp hộ chiếu, bao gồm hồ sơ gia hạn, đều được dựa trên những bằng chứng có được tại thời điểm nộp hồ sơ. “Một hồ sơ xin hộ chiếu thành công trước đó không thể ngăn cản Cơ quan Hộ chiếu yêu cầu thêm bằng chứng nếu xuất hiện thông tin mà người đưa ra quyết định trước đó không nắm dược,” bộ cho biết.

    Bộ cũng nhấn mạnh họ không bao giờ yêu cầu nộp mẫu DNA, mặc dù các luật sư có liên quan trong hai trường hợp trên đều cho biết họ hiểu rằng đó là cách duy nhất để đáp ứng yêu cầu của văn phòng hộ chiếu.

    Solange Valdez-Symonds, giám đốc của Dự án Đăng ký cho Trẻ em trở thành Công dân Anh, cho biết tổ chức của bà đã nhận được nhiều phản ánh về những đòi hỏi kiểm tra DNA vô lý từ năm 2014. Rất nhiều trong số những chính sách môi trường thiếu thân thiện của Bộ Nội vụ xúc phạm đến người nhập cư và cố gắng đẩy người nhập cư trái phép ra khỏi Anh đều bắt đầu từ năm đó.

    “Tôi đã nhận được rất nhiều câu hỏi về việc này từ những người trẻ tuổi và các bậc phụ huynh đang vô cùng tuyệt vọng,” bà Valdez-Symonds nói. Bà kể lại bà đã từng phản đối Văn phòng Hộ chiếu trước nhiều phiên tòa khi cơ quan này liên tục từ chối cấp hộ chiếu cho một em bé sinh ra ở Anh có người cha từ chối làm xét nghiệm huyết thống. Tuy nhiên, một cuộc kiểm tra thực hiện bởi Dịch vụ Hỗ trợ Trẻ em, một cơ quan chính phủ khác, đã chứng minh đó là cha của đứa trẻ từ trước đó. Vụ việc này đã kéo dài trong suốt hai năm.

    Afzal Khan, bộ trưởng nhập cư đảng đối lập, khẳng định chính sách của Bộ Nội vụ là hoàn toàn sai lầm, chưa kể đến việc tốn thời gian và nhân lực, khi họ yêu cầu người dân chứng minh những mối quan hệ mà chính bộ từng thừa nhận. “Dường như Bộ Nội vụ không thể dừng việc yêu cầu người dân thực hiện những việc kỳ quái và gây rắc rối,” ông Khan nhận xét.

    VietHome (Theo Financial Times)