• Ở Mỹ, nếu không có bảo hiểm y tế thì đúng là chuyện kinh hoàng. Điều mà bạn cần làm là cầu xin đấng tối cao cho mình đừng bị... bệnh. Lỡ có bị bệnh thì nhẹ thì ra tiệm mua mấy loại thuốc uống vô cái hết liền thôi. Chứ còn nặng thì... tôi sẽ nói đến ở những bài viết tới.

    Công ty tôi có khoảng hai trăm nhân viên. Số người được mua bảo hiểm chừng 10 người. Khoảng thêm 5 người nữa mua Obamacare. Còn lại bao nhiêu không có một chút bảo hiểm lận lưng. Lỡ đau ốm thì chạy tới mấy clinic (phòng khám) giá khá mềm chữa trị. Nhưng bảo hiểm của tôi cũng chỉ có sức khỏe thôi, không có… mắt và răng (thiệt ra thì có giảm giá cho nha khoa. Nhưng những nơi nhận phiếu giảm giá này thì giá mắc hơn chỗ khác). Như bao Việt kiều khác, mỗi lần có dịp về Việt Nam, tôi đều tranh thủ đi tới phòng nha khoa để làm tất tần tật mọi thứ như cạo vôi, đánh bóng, tẩy trắng, trám răng sâu, nhổ răng khôn đủ kiểu.

    Nhưng ở đời đâu phải lúc nào cũng trơn tru thế. Nhiều khi nhức răng cần trám rơi vào lúc ở Mỹ. Không thể chờ được vì bạn biết nhức răng nó kinh khủng đến thế nào rồi. Tôi tới gặp mấy nha sĩ Việt Nam để điều trị. Họ kiểm tra rồi báo giá mềm. Nói là mềm chứ lần nào cũng mất từ ba đến bốn trăm đô la. Đau cả bụng.

    lam rang o viet nam 1
    Xây xẩm mặt mày khi nhìn mảnh giấy tính tiền chi tiết khi đi nha sĩ ở Mỹ. Ảnh minh họa: Shutterstock

    Nhưng hai năm dịch bệnh. Việt Nam đóng cửa. Các chuyến bay thương mại bị hạn chế. Tôi không thể về được. Cứ vái trời đất cho răng mình bình thường. Cứ mỗi sáu tháng, tôi phải đi săn mấy cái phiếu giảm giá (coupon) in trên báo hay phát tận nhà để đi chụp X-ray và cạo vôi chừng 50 đô la. Lỡ họ bảo răng sâu, cần trám hay này kia tôi lại hỏi có chờ được không? Không chờ được đành... nhắm mắt đưa chân vậy.

    Thế hệ 8x bọn tôi răng cỏ chẳng tốt đẹp gì. Sinh ra và lớn lên trong thời bao cấp. Thuở ấy kem đánh răng là mặt hàng hiếm. Quê mà, hàng hóa đâu có nhiều, với lại cũng đâu có rủng rỉnh tiền để mua. Thế là xài mấy tuýp kem màu vàng vẽ bùa vằn vện, đắng kinh hồn. Khi nhỏ cứ ngậm nước, lấy tay chà chà vài lần cho sạch rồi… thôi. Còn không nghe lời ba má, mỗi sáng, lấy cục than cà vô thành giếng, cầm bàn chải mòn tới cán, quẹt một cái để đánh răng cho sạch. Nhe ra, đen thui như mấy bà già nhuộm răng đều như hột bắp thường thấy trên tivi đen trắng. Lớn lên răng cỏ gì cũng hư hết trơn, phải đi trám quá trời. Ơn trời, bọn tôi không mắc chứng miệng hôi hay sún răng, chỉ có điều răng không trắng bóng.

    Khoảng giữa 2021, răng số 18 (ở Việt Nam đánh số 8) trong cùng của tôi bị mẻ một miếng. Thế là bắt buộc phải trám. Nhưng do nó nằm sâu bên trong nên nha sĩ cảnh báo phải cẩn thận chứ không khoảng ba đến bốn tháng là nó sẽ bị rớt ra, lúc ấy phải điều trị tủy và làm răng sứ bọc lại. Tôi hỏi giá bao nhiêu? Ông nha sĩ Việt Nam ước lượng chừng... bốn năm ngàn đô gì đấy. Nghe xong tôi cũng hoảng hồn. Thôi mong là yên vậy.

    lam rang o viet nam 1
    Nghĩ tới giá tiền, tôi thấy đau chứ không nhói nữa. Ảnh minh họa: Shutterstock

    Nhưng cái răng trám tốn ba trăm đô la ấy chỉ có thể giữ được khoảng hơn tám tháng. Vào một ngày đẹp trời đầu tháng 4.2022, khi đánh răng, tôi cảm thấy có gì đó rơi ra. Đưa lưỡi cạ cạ vô, mới thấy cái răng ben bén cứa vào lưỡi. Tôi biết đã tới công chuyện rồi đấy. Và những cơn nhức buốt bắt đầu xuất hiện. Tôi ngậm muối, ngậm rượu thuốc gia truyền, uống thuốc giảm đau đủ kiểu, nhưng nó vẫn khó chịu vô cùng. Thế là lên mạng tìm coupon, lấy hẹn nha sĩ gần nhà. May mắn họ có chỗ trống liền tức khắc.

    Sau khi chụp X-ray, bác sĩ bảo miếng răng đã mẻ rồi. Vi khuẩn đã xâm nhập vào tủy. Cách tốt nhất là nhổ cho yên. Còn nếu muốn giữ, phải lấy tủy (root canal) sau đó làm răng sứ (crown) bọc lại. Nhưng văn phòng ở đây không làm root canal. Chúng tôi sẽ giới thiệu qua gặp bác sĩ chuyên môn. Thư ký ngoài kia sẽ đưa bảng báo giá làm răng sứ.

    Ba ngàn bốn trăm đô (3.400) cho cái răng sứ chút ét. Tôi xây xẩm mặt mày khi nhìn mảnh giấy tính tiền chi tiết.

    Tôi cầm giấy giới thiệu (referral) gọi tới văn phòng bác sĩ chuyên lấy tủy kể tình hình, răng số mấy và tình trạng bảo hiểm. Sau gần nửa tiếng chờ đợi, cô ấy gọi lại cho tôi. Với 10% giảm giá của bảo hiểm, 1.100 đô la là giá lấy tủy. Nhưng tuần sau mới có trống lịch. Tôi hỏi lỡ nhức thì sao, có thể làm gấp giùm được không? Cổ bảo sáng mai ông gọi lại coi thử có ai hủy hẹn không, chứ bệnh nhân nhiều lắm.

    Cộng hai con số hết bốn ngàn năm trăm đô la (4.500), tôi muốn té xỉu thêm lần nữa.

    Tôi lên mạng tìm một vài văn phòng nha sĩ chuyên lấy tủy. Gọi tới gọi lui đủ kiểu, chỗ không nhận bảo hiểm (giảm giá) của tôi, chỗ thì nhận và giá cũng tương đương văn phòng kia. Nhưng thời gian hẹn thì dài tới hai tuần, thậm chí một tháng. Tôi bảo lúc đó chắc nó nhức đầu lên tới não rồi. Đưa hình chụp X-ray cho bạn ở Việt Nam. Cô ấy bảo cần phải lấy tủy ngay vì vi khuẩn đã vô trong thâm đen rồi. Liệu có ráng được không vì lỡ nửa đêm nó nhức lên tới não chắc chết. Cái này về Việt Nam mọi thứ chừng năm triệu đồng là xử lý xong hết.

    lam rang o viet nam 1
    Đi bệnh viện làm răng ở Việt Nam, tôi giật hết cả mình khi giá chỉ bằng 1/20 ở Mỹ. Ảnh minh họa: Shutterstock

    Lúc ấy, còn khoảng hai tuần nữa là tôi về Việt Nam. Hay là mình đổi vé mai bay về liền ta? Tiền vé cộng với tiền làm răng ở bên nhà chưa bằng con số lẻ bên này. Nhưng nghĩ tới nghĩ lui không khả thi vì công việc bận quá, cháu tôi lại gần thi nữa. Những ngày kế tiếp nặng nề trôi. Răng không nhức lắm nhưng vô cùng khó chịu. Tôi phải nhai một bên. Bữa nào cũng ngậm muối, rượu đủ kiểu. Nếu hơi nhức thì uống thuốc giảm đau. Nhưng cảm giác thật tệ. Ăn uống gì cũng không thấy ngon. Đặt lưng xuống giường, cảm giác cứ hồi hộp vì không biết khi nào nó trở chứng? Liệu mười ngày tới mình có ổn không? Rồi lỡ lên máy bay nó đau thì sao mà chịu nổi?

    Rồi tôi nghĩ, ủa mình làm lụng vất vả, cũng có tiền mà. Mắc gì phải chịu cảm giác này? Sao phải hành hạ bản thân vì một ngàn bạc? Thế là tôi gọi lên hỏi cô thư ký có lịch trống không? Cổ bảo ngày mai lúc 8h sáng có một chỗ. Tôi đồng ý cái một.

    Buổi sáng đẹp trời, văn phòng chưa mở cửa thì tôi đã đứng chờ. Cô thư ký đưa một nùi giấy tờ để điền, ký, không cần thu tiền trước, vô nằm chụp X-ray và chuẩn bị mọi thứ sẵn sàng. Anh chàng bác sĩ gốc Ấn độ cao ráo, trẻ măng tới kiểm tra, sau đó quyết định sẽ lấy tủy. Trong lúc tôi nằm chờ đợi, anh chạy qua chạy lại khám thêm hai bệnh nhân khác. Tính ra mới sáng sớm mà đã có ba khách hàng rồi, vị chi kiếm được hơn ba ngàn đô. Một ngày chắc anh ta bỏ túi mấy chục ngàn đô như chơi (trước khi trừ chi phí). Biết vậy hồi xưa mình học làm nha sĩ, hay có người yêu là bác sĩ có tốt hơn không?

    Dù đã bịt tai bằng headphone, nhưng tôi vẫn nghe rõ tiếng đục, mài, dũa, chọt và mùi khét thoang thoảng. May mà chích tới mấy mũi thuốc tê nên không thấy đau. Trong hơn một giờ đồng hồ, ngửa đầu lên, xuống, xoay trái, nghiêng phải, nhắm mắt, hả miệng, lè lưỡi, đưa tay ra dấu nhờ y tá hút nước giùm, cơ miệng mỏi kinh hoàng, cổ khó chịu, răng cỏ ê ẩm đủ kiểu, bác sĩ cũng vỗ vai bảo xong rồi. Tôi đã trét xi măng lên trên tạm thời bảo vệ răng. Trong vòng 1 tuần phải làm crown gấp chứ không sẽ gây ra thêm nhiều vấn đề nữa. Và hạn chế nhai phía bên này nhen.

    Tôi cảm ơn bác sĩ rối rít. Có cảm giác như cục tạ ngàn cân vừa trút khỏi người. Khoảng chút nữa thuốc tê tan, tôi biết đêm nay mình sẽ ngủ rất ngon. Và khi đưa thẻ cho cô thư ký tính tiền, tôi cũng cảm thấy hơi nhoi nhói. Hơn ngàn đô ít ỏi gì. Nhưng không sao, bình yên là được.

    Nửa tiếng sau, trên đường lái xe về, văn phòng nha sĩ bên kia đã gọi. Tôi không bắt máy. Họ để lại tin nhắn bảo lấy hẹn để làm crown. Nghĩ tới giá tiền, tôi thấy đau chứ không nhói nữa.

    Những ngày chuẩn bị về Việt Nam, tôi hầu như chỉ ăn toàn đồ mềm, không dám nhai đồ cứng. Nhưng việc nhai một bên trong gần mười ngày, nó làm hàm phải mỏi và ê. Thế là chuyển qua uống sữa (kèm giảm cân) và ước mình có cánh cửa thần kì của Doraemon, mở ra là thấy Việt Nam, đi làm răng cái một.

    Tôi có hỏi một số bạn bè và tìm đọc trên mạng, so giá các phòng khám nha khoa ở Sài Gòn, tôi quyết định chọn Bệnh viện Răng Hàm Mặt TP.HCM vì 18 là răng rất khó làm, phải có dụng cụ chuyên dụng và bác sĩ giỏi tay nghề mới thực hiện được.

    Buổi sáng đầu tiên ở Sài Gòn, sau khi uống cà phê, tôi chạy tới Răng Hàm Mặt để điều trị. Khi gọi điện thoại, cô nhân viên bảo nếu không lấy hẹn trên app thì anh cứ tới thẳng bệnh viện. Sẽ có bác sĩ khám cho anh liền. Nhớ nói là khám dịch vụ nhé.

    Tới nơi, tôi nói với cô nhân viên ngay cảm là mình cần khám dịch vụ. Cổ bán quyển sổ, chỉ tôi vô quầy đóng tiền. Sáng sớm mà bệnh viện đông thấy sợ. Người khắp mọi nơi. Đứng, ngồi, xếp hàng đủ kiểu. Tiếng loa kêu tên vang khắp bốn phương. Tôi vô quầy đóng 200 ngàn đồng tiền lệ phí. Thu ngân đưa tôi chai nước lọc, chỉ vô phòng khám máy lạnh mở phà phà. Sau khi nộp hồ sơ, chờ khoảng mười phút, tôi đã được kêu vô.

    Cô bác sĩ có cái tên thiệt dễ thương, Thủy Trúc, hình như trẻ tuổi hơn tôi nên nói chuyện mà dạ thưa vô cùng lễ phép. Sau khi hỏi tình hình, khám sơ, cô ấy kêu tôi đi đóng tiền chụp X-ray phòng bên cạnh. Khoảng ba mươi phút, tôi quay lại để cô ấy kiểm tra phim và báo giá làm crown. Sau khi nghe bốn triệu ba trăm ngàn đồng (4.300.000) bao gồm chốt sợi thủy tinh và bọc sứ titan, tôi giật hết cả mình. Tính nhẩm chưa tới 200 đô la, gần bằng 1/20 cái giá ở Mỹ.

    Và trong vòng một tiếng sau đó, bác sĩ đã xử lý hết mớ xi măng. Làm sạch, lấy mẫu răng và hẹn tôi hai ngày nữa quay lại để gắn. Tôi hỏi bác sĩ có cần cạo vôi không? Cổ bảo răng anh sạch trơn mà cạo chi cho tốn tiền. Vài tháng nữa hẳn tính.

    Tôi nói với bạn bè, mai mốt có về làm răng nhớ tới đây nhen. Không cần phải đợi chờ hàng tuần hay cả tháng như ở Mỹ mà giá rẻ òm và gặp bác sĩ vô cùng lịch sự với dễ thương nữa.

    Đúng hẹn, tôi quay lại bệnh viện gặp bác sĩ Thủy Trúc. Lần này nhanh hơn. Cổ chỉnh sửa, mài cắt đủ kiểu để gắn vừa răng cho không bị cộm. Bác sĩ còn trám mấy cái răng hàm phải miễn phí vì tôi bắt nó làm việc cật lực suốt mười ngày qua. Trước khi về, cổ dặn khi nào anh ghé lại Sài Gòn nhớ tới gặp em, để khám xem thử có vấn đề gì mới không nhé.

    Thiệt tình khi bước ra khỏi bệnh viện, lên taxi về lại khách sạn, tôi đã nghĩ mấy dĩa cơm sườn, bánh bèo, bánh xèo, bánh căn, bánh ướt, bánh dây, bánh hỏi, nem chua, bún cá và mâm cơm canh chua cá dìa, mắm ruột kho thịt ba chỉ kèm cà dĩa tươi sống chị nấu sẵn ở quê, đang chờ tôi về ăn cho đã.

    Theo Thanh Niên / Nguyễn Hữu Tài

  • Sáng nay, sau buổi họp đầu tuần, tôi nói với sếp: “Tôi muốn về thăm nhà ít tuần”. Sếp vừa cười vừa bảo: “If you need to go, just go! But this is your home, Tài”. (Nếu mày thích thì cứ đi, nhưng đây mới là nhà của mày).

    Tôi xa quê, đi tìm giấc mơ Mỹ vào năm mười tám tuổi. Thêm một năm nữa thôi, là thời gian bên đây bằng thời gian sinh ra và lớn lên bên nhà. Công danh, sự nghiệp, tiền tài, học vấn cũng có được trên mảnh đất này. Vậy mà, cuối mỗi chuyến đi về thăm nhà vội vã, khi máy bay chuẩn bị rời Tân Sơn Nhất, tôi vẫn thường tự hỏi, không biết mình đang trở về hay sắp ra đi?

    Người Việt xa quê thuộc loại khó hòa nhập nhất thế giới. Dẫu bao nhiêu năm sống ở xứ người, nhưng chỉ cần nhìn thấy tô cơm kèm chai nước mắm, nghe lồng lộng mùi phở từ xa, là bao nhiêu món ngon Tây Tàu đều sẵn sàng bỏ hết.

    Tôi thường không tranh luận với bạn bè về vấn đề hòa nhập. Mỗi cây mỗi hoa, mỗi người mỗi cảnh. Chị bạn tôi sang Mỹ năm 1982, về thăm quê đúng một lần. Tôi hỏi có thích không. Chị bảo, chẳng biết. Nhưng có lẽ đó là lần đầu tiên mà cũng là lần cuối. Gia đình, người thân giờ ở bên này. Bạn bè tứ tán khắp nơi trên thế giới. Về thấy lạc lõng ghê hồn. Chẳng thể tìm thấy mình dẫu đứng giữa Sài Gòn đầy ắp yêu thương.

    nguoi viet o new orleans
    Một khu phố toàn người Việt ở New Orleans

    Chị bạn thân khác, theo chồng sang Mỹ đã mười năm, lúc nào cũng canh cánh bên lòng nỗi nhớ Sài Gòn nhộn nhịp. Chị chưa bao giờ thôi nghĩ tới bóng dáng mẹ già ngày đêm mong ngóng. Bữa nào cũng Facetime, Viber về hỏi thăm tình hình, dặn dò thang thuốc. Rồi cứ đếm canh từng ngày từng tháng, tới lúc được về thăm nhà trong niềm vui sướng vô biên.

    Cũng có người mới sang được đôi ba năm, nhưng đã Mỹ lắm rồi. Cuộc đời thênh thang với những ước mơ và hoài bão mới. Công việc lương cao, tiền bạc đủ đầy, mua xe mua nhà to lớn. VN, với họ, giờ chỉ là một miền quê xa thẳm, thỉnh thoảng bồi hồi, nhung nhớ đồng quê, giếng nước, hay phố xá cao tầng kênh rạch đầy rác bốc mùi thì book vé về vài tuần rồi lại tất tả ra đi. 

    Tháng ngày trước kia giờ đã là quá khứ. Bỏ tất cả lại sau lưng, chọn nước Mỹ làm quê hương thứ hai không luyến tiếc, đắn đo.

    Có người như tôi, bao nhiêu năm mòn mỏi ở một tiểu bang, dẫu tháng nào cũng vác ba lô đi dọc ngang nhưng vẫn thấy mình lạc lõng. Thân thể xứ này mà lòng dạ, óc tim gì cũng nằm phía bên kia bờ Thái Bình Dương dài rộng. Cố hoài cố mãi mà chẳng thấy hợp hòa, chỉ chực đành bỏ cuộc buông tay.

    Bạn hỏi, làm thế nào để anh có thể sống giữa một xã hội đầy áp lực và vượt qua nỗi nhớ nhà dằng dặc? Tôi bảo, cách tốt nhất là tìm cho mình một đức tin, bám víu vào đấng tối cao màu nhiệm. Và lúc nào cũng phải giữ trong mình ước muốn trở về.

    Ai sinh ra và lớn lên ở VN, dù ở bất kỳ chiến tuyến, ra đi bằng cách nào và thuộc ý thức hệ nào đi chăng nữa, cũng đều mong muốn ngày về. Không làm gì to lớn, chỉ cần được đứng trên mảnh đất quê hương, nghe tiếng Việt chung quanh, gặp lại người thân và ăn một bữa cơm gia đình là vui lắm rồi.

    Giờ về không được thì tháng sau sẽ về. Tháng sau về không được thì năm sau sẽ về. Năm sau lại hẹn năm tới sẽ về. Kiểu như đặt cho mình một mục tiêu để trông ngóng. Mà thời gian ở Mỹ thì nhanh như ngựa chạy.

    Chiều nay bỗng thấy thương mình quá đỗi. Một gã đàn ông sắp bước vào tuổi ba lăm với mười bảy năm dài sống đời viễn xứ, vẫn chưa biết nơi đâu là nhà thật của mình?

    Nhà văn Nguyễn Hữu Tài

  • 1. Trung mở cửa bước vô nhà. Mới 5 giờ chiều mà đã không còn chút nắng. Chắc sắp làm giông nên cứ ui ui, nhức muốn bể đầu.

    Anh cởi áo quăng vô máy giặt, rót một ly nước cam, cầm ra ban công ngó ngược ngó xuôi, nhìn những cánh tulip đủ màu bắt đầu úa tàn, nhường chỗ cho khóm đỗ quyên trắng, đỏ đang khoe sắc, báo hiệu mùa hè sắp đến. Cuối tháng tư giao mùa, trời chầm chậm chuyển từ xuân sang hè, mưa rả rích mỗi chiều, để sang tháng năm cây cỏ tốt tươi - “April showers bring May flowers” - như người ta vẫn nói. Thỉnh thoảng, trời lại giật mình trở lạnh. Chưa kịp mở điều hòa đã vội bật sưởi lên rồi. Thời tiết xứ này giống cô gái quá lứa lỡ thì, đỏng đảnh đỏng đa chẳng biết đâu lần hết.

    Mọi bữa phải tám giờ tối anh mới đi làm về nhưng hôm nay thì sớm. Lúc chiều, sau khi nói chuyện với luật sư xong, anh chẳng còn tâm trí đâu mà ngồi cắt tỉa, dũa móng cho người ta nữa. Không cẩn thận, cắt phạm da, chảy máu, Mỹ đen không chịu trả tiền, mà còn chửi cho một trận bù đầu, đi kiện cáo tùm lum, mắc công phải đi năn nỉ, hầu hạ tụi nó.

    Luật sư bảo, Sở di trú đã từ chối đơn xin re-entry permit (1) của anh rồi. Họ bảo tại sao tới giờ mà thủ tục xin thẻ xanh vẫn chưa hoàn tất? Anh nổi điên nhắn cho Hương chỉ một dòng duy nhất: “Em thật là khốn nạn và mất dạy!” rồi tắt máy, xin phép chủ lái xe về.

    Bốn mươi hai tuổi, giữa một chiều phố thị không nắng, chẳng mưa, buồn hắt buồn hiu tưởng chừng không còn sức sống, Trung nghẹn ngào tự hỏi, mình đang làm cái quái quỷ gì trên đất nước này?

    2.

    Giữa lúc kinh tế Việt Nam bắt đầu mở cửa, đón nhận một làn sóng đầu tư khổng lồ từ các nước trong khu vực và trên thế giới; khi bạn bè hạnh phúc lập gia đình, có vợ có chồng, sinh con đẻ cái, ổn định cuộc sống ở các công ty nước ngoài bằng chức trưởng phòng, phó giám đốc, lương mỗi tháng vài ngàn đô; hoặc đang chễm chệ ngồi đếm tiền ở các công ty do họ làm chủ, thì chẳng biết ma xui quỷ khiến thế nào, Trung nhắm mắt, phủi tay trước tất cả cơ hội, quyết tâm bỏ nước ra đi. Hương, cô bạn gái hụt năm xưa, gọi về thủ thỉ, mấy tiệm nails của em bên này không người coi ngó. Tụi nhỏ cứ đau ốm hoài. Bạn trai em không thích dính dáng tới nghề ôm chân Mỹ đen. Anh muốn qua đây không? Mình làm thủ tục kết hôn giả theo diện hôn phu hôn thê vài tháng là có visa. Chứ đi theo diện kết hôn, em phải về Việt Nam ký giấy tờ lâu lắc, rồi chờ gọi phỏng vấn nữa thì trễ mất. Qua đây mình làm đám cưới. Khi nào có thẻ xanh mười năm thì ly hôn. Năm năm sau anh có quốc tịch, mặc sức đổi đời, làm tỉ phú đô la, giàu sang tột bực. Không cần cày thêm chi cho khổ, nghỉ hưu sớm, chu du vòng quanh thế giới.

    Thiên đường nước Mỹ và tương lai xán lạn Hương vẽ ra thật lung linh, kỳ ảo, đủ sức lôi Trung ra khỏi Sài Gòn yêu dấu đã bắt đầu đông đúc, ô nhiễm, kẹt xe, ngập lụt, dẫu có rất nhiều cơ hội để làm giàu. Một đêm không trăng sao, cũng chẳng mây mù giăng lối, ngồi trên tầng cao nhất của khách sạn Grand cổ kính giữa lòng thành phố, Trung cầm tay Nhàn vỗ về thương hỏi, em có đủ lòng tin đợi anh không? Hai mươi bảy tuổi, nét xuân thì khá nhạt phai trên khuôn mặt trái xoan dịu dàng của cô gái quê, đã lặng lẽ yêu anh và chấp nhận tính khí bốc đồng, hợm hĩnh. Nhàn cắn chặt môi, chậm rãi hỏi, bao lâu? Ly dị cô ấy xong là anh về cưới em liền. Năm năm nữa anh làm thủ tục bảo lãnh em sang, con tụi mình có quốc tịch Mỹ, mặc sức đi khắp thế gian mà không cần xin visa này nọ. Không lạ gì tánh khí của người mình thương mến, Nhàn chỉ nói được một câu trong nước mắt, nếu sau này không còn thương em nữa, nhớ nói, đừng để em mòn mỏi đợi chờ đến hết kiếp nhen anh.

    Chỉ sau hai tuần đắn đo ngắn ngủi, Trung chuyển gần hết cổ phần công ty cho Tuấn, bán hai miếng đất ở quận 7 và căn hộ nhỏ trong hẻm Lê Văn Sỹ, bỏ lại Sài Gòn nhiều kỷ niệm, hôn ngấu nghiến tạm biệt người tình như ngày mai trời sập, nhờ hai đứa em chăm lo cho má, quyết định ra đi.

    Mười lăm ngàn chuyển cho Hương khi anh có visa, đặt chân sang Mỹ.

    Thêm năm ngàn chuyển khoản để hai người đi đăng ký kết hôn.

    Hai mươi ngàn nữa để cô ấy làm thủ tục bảo lãnh chờ phỏng vấn.

    Số tiền còn lại sẽ giao đủ khi anh cầm được thẻ xanh.

    Mọi thứ tưởng trơn tru, đi theo quỹ đạo. Chỉ cần một tháng làm quen với cuộc sống bên này, lấy bằng lái xe và học sơ nghề cắt dũa móng tay là anh có thể tới tiệm quản lý, chuẩn bị làm giàu nhanh chóng.

    Nhưng cuộc đời đôi khi không giản đơn như người ta vẫn nghĩ.

    Ba tiệm nails Hương làm chủ thật ra đã bán lại cho người ta cả rồi, cô chỉ đi làm công kiếm mỗi tháng ít ngàn bạc lẻ. Sau khi nhận bốn mươi ngàn trong tay, cô bảo bạn trai, ba của bốn đứa nhỏ, không chấp nhận bạn gái mình có hôn thú giả với người khác. Lỡ phóng lao thì phải theo lao. Cái giá năm mươi ngàn đô biến thành sáu mươi, bảy mươi, rồi tám mươi để mọi việc thông suốt. Đơn đã gửi đi nhưng ngày phỏng vấn chưa bao giờ thấy có. Thư từ, bưu phẩm gởi tới địa chỉ nhà Hương. Gọi hỏi, cô bảo vẫn chưa thấy gì. Cứ chờ đi. Khi nào có thì em báo. Trong một lần nóng ruột, anh vô tình lên mạng kiểm tra hồ sơ, thấy INS (2) đã gửi giấy mời gọi phỏng vấn đến hai lần trong nửa năm. Trung giận dữ gọi cô hỏi tại sao lại nói dối. Nhiêu đó tiền vẫn chưa đủ thỏa mãn hay sao mà không chịu báo cho anh biết tháng ngày? Hương bảo đủ rồi, không cần ồn ào như thế. Hồi xưa bỏ tui chạy theo con đó anh đâu cần biết tui sụp đổ, điên dại đến nửa năm trời? Anh có chịu nghe những lời van xin, năn nỉ quay trở lại không mà giờ lên giọng hét la này nọ?

    Trong cơn lửa giận ngút trời không kiềm chế được, Trung muốn lái xe chạy tới nhà tung cho Hương chết tươi. Còn không sẽ thuê người viết đơn lên INS kể hết sự tình để họ xử con khốn nạn này, rồi mặc kệ bản thân ra sao cũng được. Nhưng gần cả trăm ngàn đô bỏ ra giờ thành công cốc? Bị tống về Việt Nam thì còn gì nhục nhã cho bằng? Nó bị bỏ tù rồi nhìn bốn đứa nhỏ bơ vơ không chỗ tựa nương cũng đâu làm mình sung sướng? Thôi thì ráng “mềm nắn rắn buông”, biết đâu nó sẽ nghĩ lại mà tiếp tục làm hồ sơ bảo lãnh cho yên thân yên thể.

    Nhưng tất cả sự đợi chờ rồi cũng tan như bọt biển.

    Ước mơ đổi màu hộ chiếu của anh bao nhiêu năm vẫn chưa thành sự thật.

    Trung mới chạm tới chỉ một nửa thiên đường.

    Niềm khao khát được đi vòng quanh nước Mỹ, từ bắc xuống nam, từ tây sang đông, băng qua dãy Rocky hùng vĩ, men theo dòng Mississippi màu mỡ phù sa, đi qua những thảo nguyên đồng cỏ mênh mông Midwest đầy lốc xoáy để lên miền bắc giá lạnh tuyết phủ lúc đông về, cuối cùng cũng đã thành sự thật. Nhưng đó không phải chuyến roadtrip trên chiếc Jeep phong trần, thong thả, nghỉ dưỡng, chụp hình, hưởng thụ mà biến thành chặng hành trình dạt trôi rày đây mai đó. Từ California, anh xuống Texas, Florida, lên Georgia, North Carolina, tới New York, Boston, qua Wisconsin, Minnesota, chạy tới Utah, Wyoming và hiện thời dừng lại ở Virgina bốn mùa tươi thắm.

    Mười hai mùa đông dài viễn xứ, mỗi bang Trung dừng lại không quá một năm. Anh làm đủ thứ nghề, từ thợ nails, tới phục vụ, bồi bàn, xây dựng nhà cửa ở các công trường, tới nông dân trồng trọt, cưa xẻ gỗ. Hễ nghe bạn bè giới thiệu chỗ nào có job nhiều tiền là anh ghé lại làm. Ở vài bữa nửa tháng chưa kịp quen với phố phường, đô thị anh lại tiếp tục đi tìm miền đất khác. Với cái bằng lái và tấm giấy hôn thú được ký ở Cali, Trung chẳng có thêm một mảnh giấy lận lưng nào nữa hết. Trong khi một vài đứa bạn anh quen, cũng kết hôn giả, hoặc sang đây du học rồi ở lại lập gia đình, giờ đã ổn định, làm chủ hai ba tiệm nails, bốn năm tiệm tóc, hay sáu bảy tiệm phở, nhà hàng, an phận với cuộc sống đều đều, chầm chậm, riêng anh vẫn lông bông, rày đây mai đó không biết điểm dừng. Trung nơm nớp sợ một ngày nào đó lái xe ra đường, cảnh sát vịn lại, kiểm tra hồ sơ, phát hiện ra anh là kẻ sống bất hợp pháp, không đủ tư cách pháp nhân, rồi chỉ ngày hôm sau họ mua cho cái vé một chiều, tống lên máy bay và không bao giờ trở lại mảnh đất này như mấy gã Mễ Tây Cơ cao lớn, mỗi sáng đi làm anh vẫn thấy ngồi đứng lố nhố trước Home Depot hay 7-Eleven. Cứ hai ba tuần có thêm vài gương mặt mới, những người cũ đi đâu mất cả. Chắc nơi này khó làm ăn nên họ bỏ qua bang khác kiếm sống. Mà cũng có thể, họ bị đuổi về nước mất tiêu rồi.

    Cho tới một ngày, anh dừng lại tiệm người bạn ở Virginia và quen được với Ngân. Trái tim cô đơn của gã đàn ông xa nhà mang ánh mắt buồn vời vợi đã làm xiêu lòng cô sinh viên mới ra trường trong một lần tới tiệm làm đẹp để đi ăn đám cưới. Anh không giấu bất cứ điều gì về tình trạng giấy tờ của mình trong lần hò hẹn đầu tiên. Trung sợ sau này biết chuyện, Ngân lại trách anh bám vào cô vì cái thẻ xanh huyền thoại như bao gã sinh viên sang đây du học, chứ chẳng một lòng gắn bó, thương yêu.

    3.

    Trung vo gạo đổ vào nồi, chưa kịp bật nút thì chuông điện thoại réo vang giòn giã. Anh chạy lên, nhìn vô màn hình. +84… Trung hoảng loạn, tim đập mạnh, tay chân bủn rủn đứng ngồi không vững. Trời ơi, có chuyện gì mà mới sáng sớm bên đó lại gọi qua thế này? Đừng, đừng có bất kỳ một tin dữ nào nữa hết. Mình không chịu nổi nữa đâu. Trung đưa mắt ngó điện thoại, tự trấn an mình. Nếu có chuyện khẩn cấp thì họ sẽ gọi thêm lần nữa. Chắc không sao đâu, không sao đâu.

    Mà… họ gọi lại lần nữa thật. Anh điếng hết cả người. Không thể trốn tránh thêm được nữa. Trung lấy hết can đảm, nhón tay cầm máy, run run cất tiếng “Alô” đầy kinh hãi.

    - Trung hả con? Má nè.

    - Nhà mình có chuyện gì hả má?

    - Không có gì hết. Tại tao nhớ bây thôi.

    Anh thở phào như trút một gánh nặng ngàn cân trên người. Ba hồn chín vía xém chút nữa theo ông theo bà đã quay đầu trở lại.

    Trung nửa muốn trách má, nửa lại thôi. Như khổng như không gọi qua chi cho tim mình rớt cái thụi. Anh đã dặn má và người nhà rất nhiều lần là không được gọi qua vào những giờ “linh”, kiểu sáng sớm hay khuya ở Việt Nam. Con số +84 trở thành nỗi ám ảnh không chỉ với riêng anh mà có lẽ với nhiều người xa xứ khác. Cha mất, mẹ đau, chị bệnh, em cưới, nhà hết tiền, trời lụt, bão vô, sập mái… Hễ thấy +84 là ruột sôi từng chập, đầu óc quay mòng mòng chóng mặt thấy ghê.

    - Lần sau má đừng gọi giờ này nữa nhen. Làm con sợ muốn chết.

    - Ừa. Già cả rồi nên lẩm cẩm. Tuần sau giỗ ổng rồi, bây có về không?

    Tiếng má từ từ, thỏ thẻ bên tai, vậy mà Trung tưởng chừng đang nghe một lời tra gạn lẫn chút dỗi hờn, trách móc.

    - Con cũng không biết nữa má à…

    - Bây ráng thu xếp về thăm tao đi. Sáu bảy năm rồi còn gì.

    - Dạ để con tính.

    - Dạo này trở trời là tao thấy nhức mỏi trong người. Hổng biết còn bao lâu nữa.

    - Má đừng nói vậy, không nên. Cứ ăn ngủ, uống thuốc đầy đủ là mọi thứ OK cả thôi mà. Con sẽ ráng tranh thủ sớm về với má.

    Trung bỏ điện thoại xuống bàn, vừa kịp nghe tiếng thút thít bên kia đầu dây của má.

    Anh ngó ngược ngó xuôi, đứng lên, ngồi xuống một hồi, tự nhiên trào nước mắt như suối. Đâu chỉ bữa nay thôi mà đã ngàn buổi chiều dài, dẫu chẳng phải cô gái trẻ theo chồng về xứ lạ, nhưng hễ chạng vạng tối là anh thấy buồn, ra cửa trước, ngõ sau, ngóng trông về quê mẹ. Trong suốt bốn ngàn ngày miệt mài ở Mỹ, đôi khi Trung quên chuyện mình còn một gia đình ở bển, quên mất có một người ngày nào cũng chóc ngóc ra trước sân ngóng bước anh về. Trung quên mình cũng là con của một người đàn bà từng thức trắng đêm bóp rượu, chườm khăn mỗi khi anh làm kinh, nóng sốt. Ba mất chẳng phụng thờ hương lửa, giờ còn có mình má mà cũng không chịu chạy về thăm viếng, bưng cơm vừa nước mỗi ngày. Để mỗi đêm trong giấc ngủ chập chờn, giật mình, mồ hôi ướt đẫm, Trung mới biết mình là một thằng con bất hiếu.

    Lần về quê cuối cùng vèo một cái cũng sáu năm. Chẳng ai hay biết, ngoài gia đình và Tuấn. Trong một tháng ngắn ngủi ở Sài Gòn, Trung không đi đâu hết, chỉ quanh quẩn trong nhà nghe má kể đủ thứ chuyện trên đời và ăn mấy chục món ngon má nấu. Từng nồi canh chua cá dò cá dìa vò lá me, tô mắm thu chưng với thịt ba chỉ bằm và trứng vịt, xoong gà kho sả ớt, cá trắng kho tương gừng, ốc bươu nhồi thịt, tới nồi mắm ruốc kho sả với da heo, đậm hương vị miền Trung quê ngoại đều là sơn hào hải vị. Trung không thể kể má nghe những ngày long đong và hành trình tìm kiếm giấc mơ ở thiên đường lạ lẫm, nhưng anh có thể nói với má rằng, con thèm từng món ngon má nấu và bữa cơm đầm ấm gia đình này nhiều biết là bao.

    Mỗi sáng, Trung ngồi một mình trên vỉa hè quen thuộc. Nắng xiên xiên qua vòm lá me xanh rờn, nhảy múa trên ly trà đá nâu vàng, thơm thơm đăng đắng. Giọt cà phê đen nhỏ đều xuống ly thủy tinh cũ kỹ như từng giọt thời gian chầm chậm nhẹ trôi. Vỉa hè này anh đã ngồi bao lần, từ lúc là cậu sinh viên mười tám viết hàng ngàn dòng code rối rắm, những chương trình bảo mật dữ liệu hay thiết kế gần chục cái game, mong ai đó mua, đổi đời thành Bill Gates hay Warrent Buffet giàu có. Năm tháng đi qua. Thời gian trôi mãi. Từng khoảnh khắc cuộc đời như dòng nước mưa chảy vào chiếc cống thẳm sâu, chật chội. Ly cà phê trộn đậu nành với thuốc ký ninh không có gì thay đổi. Vẫn đắng nghét như cuộc đời chìm nổi của anh.

    Đêm xuống, anh ngồi giữa quán nhậu lề đường đông đúc khách. Chai Heineken mát lạnh, đĩa mồi thơm lừng, thêm cái bánh tráng mè chấm mắm ruốc ngon nhất trần đời, đủ cho một đêm suy tư ngồn ngộn. Tuấn nhắn tin bảo con nhỏ bị sốt cao, tao tới trễ xí nha. Anh bỗng nhớ Nhàn bỏng cháy. Nhớ mấy lúc cô ngồi lặng lẽ nhấp môi cho miệng bớt nhạt. Chủ yếu là phá mồi và nhìn anh uống cạn nửa thùng Ken. Nhàn kêu anh uống ít thôi, còn chở em về nhà nữa. Cằn nhằn cho vui chứ cô biết, nhiêu đây đủ thiếu gì cho cái máu bợm rượu của anh. Trung kêu đĩa mực khô chiên nước mắm, thêm đĩa lòng gà xào mì Miliket, rồi chuyển qua xoài chua chấm muối ớt hay bắp xào bơ. Chị chủ quán nhiều chuyện gặp khách quen mừng rỡ, lâu rồi không gặp. Nghe đồn anh đi Mỹ làm chủ mấy tiệm nails, giàu lắm hả? Con ghệ cũ của anh lấy chồng rồi nhưng không hạnh phúc. Thỉnh thoảng cổ vẫn ra đây ngồi một mình, gọi mấy món y chang hồi đó. Tui hỏi về anh cổ lắc đầu không nói, bảo chia tay lâu lắm rồi.

    Nhàn bỏ rơi anh là đúng. Chẳng có người con gái nào dư dả lòng tin để mãi đợi gã người tình bên kia trời xa thẳm.

    Đến chai thứ sáu Tuấn mới áo quần xốc xếch, ba chân bốn cẳng chạy ra. Chưa tới ngụm thứ hai Tuấn đã vỗ vai anh, la lớn. Mẹ, mày về quách cho rồi. Ở lại bên đó làm chó gì với cảnh không miếng giấy lận lưng. Công ty vẫn ăn nên làm ra. Thị trường xuất khẩu càng mở rộng. Đất nước ngày một phát triển, chứ có nghèo khổ gì đâu mà trốn chui trốn nhủi như mấy thằng tội phạm. Về đây tao chia lại nửa cổ phần để hai đứa hợp tác như xưa.

    Giá mà Trung có thể bỏ hết tất cả, dừng lại những năm tháng phiêu bạt của mình theo lời Tuấn nói. Giá mà anh có thể dũng cảm xé tờ hôn thú để ở lại mãi với má và Sài Gòn. Giá mà anh có thể quên đi giấc mơ triệu phú đô la, làm chủ những tiệm nails trải dài khắp ba múi giờ rộng lớn. Vậy mà anh vẫn ngồi đây với nỗi nhớ nhà và niềm tiếc nuối mỗi ngày gặm nhấm. Trung tiếc cho mười mấy năm chạy theo giấc mơ chưa một lần thành sự thật. Anh xót cho số tiền anh đã chắt chiu gửi con khốn đó mà chẳng được gì. Trung lo mình gặp sai lầm thêm một lần nữa. Sợ phải thay đổi môi trường sống khi đã đi qua con dốc bên kia của cuộc đời.

    4.

    Ngân về nhà đã gần nửa đêm. Cô vào bếp lo chuẩn bị bữa ăn tối. Trung tới tủ lạnh rót ly sữa. Để xuống. Thở dài. Đi ra coi cửa nẻo. Đi vô. Ngồi xuống. Uống miếng nữa. Thở dài cái rột.

    - Anh ăn gì không em hâm đồ lại cho nóng.

    - Anh uống sữa dằn bụng được rồi.

    - Có chuyện gì vậy anh?

    - Không, không có chuyện gì đâu. Anh hơi mệt thôi.

    - Đừng giấu em anh ạ.

    Trung tính lờ qua chuyện khác nhưng chắc sẽ không thoát khỏi cặp mắt tinh ranh của Ngân đang nhìn mình.

    - Sáng nay luật sư có gọi.

    - Họ bảo sao?

    - Cái đơn xin re-entry permit của anh bị từ chối rồi. Luật sư bảo phải chuyển hồ sơ sang hướng khác.

    - Hướng nào anh?

    - Anh bị nó bạo hành về mặt tinh thần.

    - Có khả thi không?

    - Không biết nữa! Họ bảo cứ thử xem sao. Sợ INS tra gạn là tại sao tới mười mấy năm sau mới nói bị bạo hành.

    Giờ tới lượt Ngân thở dài tư lự. Cô tới bếp, lấy mớ xoong nồi chất vô lò nướng, đứng tần ngần một hồi lại lôi ra, bỏ lên đầu tủ. Mở tủ lạnh. Dời bình sữa ngăn trên xuống ngăn dưới. Bỏ hộp trứng từ ngăn dưới lên ngăn trên. Tặc lưỡi than, sao đồ đạc nhà mình nhiều dữ. Anh có thấy cái chảo em bỏ ở đâu không? Mà quên, hồi sáng mới đem qua cho má mượn.

    - Thôi em. Đi lòng vòng làm anh chóng mặt quá. Ngồi xuống nghỉ tí heng.

    Ngân ngó Trung không chớp mắt. Cúi mặt, thở dài, thương anh dễ sợ. Gần một năm xin phép ba má thuê nhà sống chung với Trung, cô thấy đôi mắt nâu vời vợi của anh ngày một buồn bã. Nhà cô ở hết bên đây, hai ba bữa lại chạy qua thăm ba, chuyện trò với má. Ngân vui sao đặng mỗi khi thấy người yêu ảo não lúc chiều về, nửa đêm trong giấc mơ ú ớ kêu tên hết người này tới người khác. Lâu lâu lại lo không dám ra tiệm làm mỗi khi nghe cảnh sát bố ráp ở mall.

    - Hay cứ làm thủ tục ly dị rồi mình làm đám cưới với nhau. Còn không em về Sài Gòn với anh cũng được.

    - Anh thấy tiếc…

    - Luyến tiếc cái gì nữa hả anh? Cũng đến lúc phải nghĩ tới chuyện gia đình và con cái của hai đứa mình nữa chứ.

    5.

    Trung gác tay lên trán, mọi thứ quay mòng mòng như một mê cung mù mịt. Phía bên cạnh, Ngân đã say ngủ lắm rồi. Phải làm gì bây giờ? Ly dị hay không ly dị? Về hay không về? Ra đi hay ở lại? Anh lăn bên trái, nghiêng bên phải, trồi lên, trụt xuống mà vẫn chưa thể nào nhắm mắt. Một đỗi lâu sau, anh thở chầm chậm, ngáy đều đều, rồi chìm sâu vào giấc ngủ quá khuya.

    Không đắn đo gì nữa, phải rời bỏ xứ này.

    Về, về thôi!

    Sắp tới nhà, sắp tới nhà rồi!

    Tiếp viên trưởng bảo mọi người thắt dây an toàn, dựng thẳng lưng ghế, kéo màn che cửa sổ, gấp bàn ăn trước mặt, máy bay chuẩn bị hạ cánh xuống phi trường Tân Sơn Nhất. Tim Trung đập thình thịch. Tim Ngân đập thình thịch. Cả hai luống cuống nhìn ra cửa sổ. Bên dưới Sài Gòn lung linh, lấp lánh hàng ngàn, hàng vạn ánh đèn. Đúng rồi, Sài Gòn của anh đây rồi. Việt Nam của anh đây rồi. Còn năm phút nữa, ba phút, hai phút, một phút nữa thôi, anh sẽ chạm vào mảnh đất quê nhà sau bao ngày xa cách.

    Trung vội vã chạy tới làm thủ tục hải quan, lấy đồ, lật đật dắt Ngân nhào ra cổng. Người đi đón đông quá. Sài Gòn nóng nực quá. Khung cảnh ngột ngạt quá. Nhà mình đâu? Người thân của mình đâu? Má! Má! Trời ơi má! Con nè má! Trung choàng tới ôm chầm lấy má, hun lên mặt, lên tóc, lên tay, khóc hu hu cho thỏa bao ngày xa vắng. Sao má hổng nghe lời con, ở nhà đi chớ vô đây chen lấn làm chi cho cực. Con sẽ về ngay với má thôi mà. Đó, má lại ho nữa rồi. Má mà có mệnh hệ nào thì tụi con biết sống ra sao?

    Về, về thôi!

    Trung giật mình thức giấc.

    Gối ướt mem.

    Nhưng không phải mồ hôi, mà là nước mắt.

    Maryland, những ngày chớm hè 2017

    (1) Một loại giấy phép (khác với visa) để được vào lại nước Mỹ.

    (2) Immigration and Naturalization Service - Sở di trú

    Tác giả: Nhà văn Nguyễn Hữu Tài

    Viethome

  • Sáng 15-7-2019, vào các công ty, đúng như dự đoán, mỗi nơi thiếu vắng ít nhân viên gốc Nam Mỹ. Không cần tra hỏi nguyên nhân, tôi tự biết chuyện gì đang xảy ra rồi. Thế là bảo với quản lý "liệu cơm gắp mắm", ráng hoàn thành công việc.

    lam viec cho nuoc my
    Các nhân viên ICE bắt một người đàn ông trong chiến dịch vây ráp tại Escondido, bang California trong tháng 7-2019 - Ảnh chụp màn hình AP

    Lái xe đi ngang qua mấy cửa hàng tiện lợi 7Eleven hay Home Depot chuyên bán đồ xây dựng, giữa tháng 7, trời trong vắt hơn 30°C mà hổng như mọi khi.

    Trước đây dẫu nắng ráo cũng như mưa bão, tuyết rơi cả thước hay dông tố đì đùng, lúc nào cũng thấy có hơn chục người Hispanic (gọi chung cho dân nhập cư thường là đến từ Trung - Nam Mỹ và nói tiếng Tây Ban Nha) đứng ngồi, tụm năm tụm ba trò chuyện như một chợ lao động thu nhỏ, chờ người ta tới mướn về làm, trả lương bằng tiền mặt.

    "Họ đến đất nước này bằng cách bất hợp pháp, họ sẽ phải ra đi" - Tổng thống Trump tuyên bố hôm 12-7-2019.

    Ông gọi đó là "chiến dịch lớn", càn quét người nhập cư trái phép đã bị tòa án trục xuất ở 10 thành phố lớn, trong đó có Los Angeles, New York, Houston, Chicago, Miami, San Francisco, Baltimore, bắt đầu từ ngày 14-7.

    Nó như một phát súng lớn nhắm vào hơn 10 triệu người nhập cư trái phép (chủ yếu là người nhập cư nói tiếng Tây Ban Nha) đang sống trên đất nước này.

    Ở Mỹ, phần lớn người nhập cư Mexico và người đến từ các nước Trung, Nam Mỹ chuyên làm các việc nặng nhọc như cầu đường, xây dựng, dọn dẹp sân vườn và phụ bếp. 

    Vào các nhà hàng Việt, Hoa, Hàn ở các thành phố vùng thủ đô Washington D.C., sẽ thấy phần lớn đầu bếp và phục vụ là người có gốc gác với chủ tiệm trong khi phụ bếp và người dọn dẹp bàn ghế, chén đĩa chắc chắn 100% sẽ là người nói tiếng Tây Ban Nha. 

    Thật ra chỉ có nhóm người nhập cư này mới kham nổi những việc khó nhằn, nặng nhọc, đòi hỏi rất nhiều thể lực, sức khỏe, mà thường chẳng ai thèm làm này.

    Họ có khổ không? Tôi nghĩ là có. Bởi hầu hết trong số họ là người nhập cư lậu, không tấm giấy lận lưng. 

    Họ rời làng, bỏ quê đầy rẫy ma túy, súng đạn, bắt cóc, giết người ở Colombia, El Salvador, Guatemala hay đất nước láng giềng Mexico bên cạnh để tìm đến một thiên đường nước Mỹ lung linh, sang giàu đổi đời, không một mảnh giấy tùy thân trong tay (mà nếu có thường chỉ toàn giấy giả). 

    Họ phải lao thân bán sức lao động kiếm vài đồng tiền lẻ, nuôi sống bản thân và gửi về nước giúp đỡ gia đình. Tối chui vô trong căn hộ cho thuê tới vài chục người chen chúc như cá mòi ngủ một đêm lấy sức để đi làm vào ngày hôm sau.

    Thật ra số người bị đuổi trong gần ba năm cầm quyền của Tổng thống Trump vẫn thấp hơn những người tiền nhiệm Clinton, Bush hay Obama nổi tiếng ôn hòa trước đó. 

    Theo thống kê của Cơ quan Di trú và hải quan Mỹ (ICE), hơn 12 triệu người bị trục xuất dưới thời tổng thống Clinton, sang tổng thống Bush là hơn 10 triệu người. Dưới thời tổng thống Obama, con số ấy giảm còn hơn 5 triệu.

    Sang giai đoạn cầm quyền của ông Trump, ICE đã trục xuất 226.119 người vào năm 2017, hơn 250.000 người trong năm 2018 và riêng sáu tháng đầu năm 2019, con số bị trục xuất đã tăng vọt lên 282.242 người.

    Khác chăng là các Tổng thống tiền nhiệm đều làm trong im lặng. Những đợt truy quét và gửi trả người nhập cư bất hợp pháp luôn diễn ra lặng lẽ để giữ tiếng thơm cho mình. 

    Nhưng ông Trump thì khác. Ông trùm các sô truyền hình thực tế luôn biết cách khuấy động phong ba, lôi kéo sự chú ý của dư luận về phía bản thân, chẳng thèm quan tâm đến các tờ báo lớn hay kênh truyền hình chửi bới, đả kích mình mỗi ngày. 

    Nhiều người nghĩ rằng ông Trump đã nổ một phát súng thiệt to để mở đầu chiến dịch tái tranh cử Tổng thống, nhằm lấy lại lòng trung thành của số cử tri da trắng cực đoan đang "hoang mang" và giảm bớt ủng hộ sau những lao đao về kinh tế trong cuộc chiến tranh thương mại với Trung Quốc, Canada, Mexico và lục địa châu Âu già cỗi.

    Tôi hay tự hỏi nếu cấm người Spanish vào Mỹ thì lấy ai làm những công việc nặng nhọc như phụ bếp, vận chuyển hàng hóa, công trình xây dựng vốn bị trả công thấp tè? 

    Phần lớn dân Mỹ có ăn học, thường chỉ muốn làm việc nhẹ nhàng không đụng tới tay chân nhưng lương phải cao, môi trường sạch đẹp. 

    Dân gốc Á không có sức khỏe dẻo dai nên chỉ chuyên tâm vô các lĩnh vực nhà hàng, cây xăng, cửa hàng tiện lợi, giặt ủi, siêu thị, tiệm nail... 

    Về phía người Việt, theo bài viết đăng tải trên báo Los Angeles Times tháng 12-2018, kể từ năm 1998, hơn 9.000 người Việt tị nạn đã nhận trát tòa để rời khỏi nước Mỹ. Đây là những người đến Mỹ sau năm 1995 nhưng chưa trở thành công dân, phạm vào tội hình sự và nằm trong danh sách bị trục xuất. 

    Sau khi cảnh sát phanh phui đường dây kết hôn giả chấn động do Ashley Yen Nguyen cầm đầu với gần 100 người bị bắt, những sinh viên hay người du lịch hết hạn visa đang tìm cách hợp thức hóa việc ở lại bằng cách "đi" theo con đường này bắt đầu run sợ.

    Tác giả: Nhà văn Nguyễn Hữu Tài

  • Tác giả: Nhà văn Nguyễn Hữu Tài 

    (Thân tặng L., K. và những người cùng cảnh ngộ)

    Minh họa: Văn Nguyễn

    1. My xuống taxi, chầm chậm đi vô con đường đất đỏ, tới căn nhà nằm lọt thỏm giữa rừng điều. Cô khựng lại khi thấy cái cổng thân quen bao năm chưa thay đổi.

    Dù đã chuẩn bị tâm lý kỹ càng, nhưng dường như vẫn có tia sét đánh mạnh vào đầu, khiến My lảo đảo, phải bấu vào gốc ổi để giữ thăng bằng. Cô đưa tay lên ngực, tự trấn an mình, rồi lẳng lặng đi vô.

    Mười tám năm, kể từ lúc rời Việt Nam sang Mỹ, My mới đủ can đảm về thăm nơi cất tiếng khóc chào đời. Không hẳn là thề thốt, nhưng cô đã hứa với lòng, chẳng bao giờ trở lại mảnh đất đầy ám ảnh ấy nữa.

    Những năm tháng thiên di miệt mài kiếm sống, nhiều khi nhớ nhà đến điên dại, My muốn bỏ tất cả, tìm về với quê hương xứ sở, để hít thở không khí nồng nàn của ruộng đồng bên dòng sông đầy phù sa ngan ngát. My thèm ăn tô bánh canh chả cá nhiều hành thơm lựng, ngồi bên bếp lửa than hồng giữa chiều mưa đúc mâm bánh xèo nóng hổi, nghe mằn mặn ký ức ấm áp gia đình. Cô muốn cùng bạn bè năm cũ, xăn áo xuống mương bắt con rô, con trầu về nướng với rơm vàng, nhâm nhi vài chai đế. Miệng ngân nga hai câu vọng cổ, mấy điệu xàng xê, thay vì uống vội ly vodka đắng nghét hay tequila mặn chằn vị muối. Mỗi ngày lên Zalo, Facebook, thấy người ta đi chơi tứ xứ, My cũng muốn vác ba lô về Việt Nam ít ngày, không cho bạn bè hay người thân hay biết, một mình lặng yên phố xá, uống ly cà phê chồn thơm lừng lựng, hít không khí bụi bặm Sài Gòn. My sẽ bay ra Hà Nội với phố cổ trầm tư, ăn bát bún ngan, bún ốc thanh tao, cộng chén tào phớ nóng hổi giữa mùa đông rét buốt. Chỉ cần vài ngày thôi là My sung sướng lắm rồi. Chẳng uổng công bốn mươi tám tiếng ngồi máy bay đi - về.

    Nói vậy thôi chứ con cái đùm đề, việc nhiều khôn tả, đủ thứ bill bọng phải thanh toán mỗi tuần. Mỹ mà, có làm mới có tiền chi tiêu, chứ đâu thể thong thả, ung dung mơ chuyện trên trời dưới đất. Với lại, dấu vết tuổi thơ như vết thương còn âm ỉ. Sẹo chưa liền, da non chưa kéo, làm chân cô như đeo chì, bám chặt vào xứ lạ buồn thương.

    Cách đây vài bữa, đang ngồi làm cho khách, má gọi điện bảo chú Sáu mấy tháng trước nhậu say, đi thách đấu với người ta, bị đá trúng đầu, nằm liệt. Có thể không qua khỏi. Hãng xưởng của tao với ba bây dạo này khó khăn, xin nghỉ dài họ không cho. Lỡ qua đây mất việc, thất nghiệp đói cả lũ. Thôi bây thu xếp về vài ngày, cho chú thím ít tiền chữa bệnh. Với lại có mấy người tới coi đất, được giá thì bán luôn cho rồi. Chứ giờ vườn tược không ai coi, hoa lợi mỗi năm chẳng được bao nhiêu. Tao với ổng không biết khi nào mới dứt nước Mỹ ra khỏi người, về quê tịnh dưỡng tuổi già, bình an mà sống.

    Nghe nhắc tên chú Sáu, tự nhiên sống lưng My rờn rợn. Nỗi kinh tởm lẫn hoảng sợ tràn về khắp châu thân. Hình ảnh gã võ sư cao lớn, với bàn tay lực điền thô ráp như bóng ma lờn vờn trước mặt. Cô chạy vô toilet, móc họng ói ra tất cả những thứ vừa mới nuốt trưa nay. Đúng là trời cao có mắt. Quả báo nhãn tiền. My nhìn lên gương. Lấp lánh trên môi là nụ cười nửa buồn, nửa thỏa mãn. Hơn bao giờ hết, cô muốn mọc cánh bay thật nhanh về quê cũ, sẽ quăng hết nỗi ám ảnh bao năm trời đeo bám, chạy tới nhìn thẳng gã đàn ông đồi bại, hét thiệt to vào mặt hắn rằng, tui chờ đợi ngày này lâu lắm rồi, ông biết không?

    2. - Mực! Mực! Mày câm cái họng lại đi. Ồn ào dữ quá! Không để yên cho ai ngủ nghê gì hết.

    Từ trong nhà, một thiếu phụ phốp pháp chạy ra, miệng không ngớt rầy la con chó đen đang căng miệng sủa.

    - Xin lỗi, cô tìm ai hay tới đây coi đất?

    - Thím Sáu không nhận ra con sao?

    Người đàn bà sấn lại sát mặt My, nheo mắt lên nhìn. Mất hết mấy mươi giây lục tung mớ ký ức bám đầy bụi bặm, bà giật phắt người, mừng rỡ la to. Chèn đét ơi. My! My! Bây lớn quá, thím nhìn miết mới ra. Vô, vô nhà đi. Sao đi lâu dữ không chịu về thăm xứ. Gần hai chục năm rồi chứ ít ỏi gì. Ba má mạnh giỏi hả bây? Tụi nhỏ có vợ có chồng yên ổn hết? Còn bây ra sao? Mấy đứa rồi? Trời ơi, gặp lại bây thím mừng quá, chảy hết nước mắt đây nè.

    Tháng năm vô tình đi qua không vương vấn, vậy mà người phụ nữ thuở nào ẵm bồng chị em My, lo từng bữa ăn, giấc ngủ, nấu từng nồi cơm, kho xoong cá vẫn cứ hoài đôn hậu, chẳng thay đổi mảy may.

    - Ba má kêu con về gửi tặng thím chút tiền lo cho...

    Phía đối diện, hai dòng nước mắt chảy tràn trên mặt người đàn bà khắc khổ.

    - Ăn nhậu chi cho cố rồi báo đời báo kiếp. Thím khổ quá bây à.

    My cắn chặt môi, cố ngăn những lời không nên nói. Đời mà thím. Có vay có trả cả thôi. Thím có biết do đâu mà ổng gặp cảnh này? Thím có bao giờ nghĩ tới tội ác tày trời mà ổng đã gây ra cho đứa trẻ mới mười mấy tuổi đầu non nớt? Rồi mấy chục năm kế tiếp, chẳng biết ông có tạo ra thêm tội lỗi nào không nữa? Có đứa con gái mới lớn nào bị đôi mắt cú vọ quét qua rồi tấm thân vấy bẩn, phải tự giày vò tâm trí, sống cuộc đời không ra hồn ra vía giữa sự nhởn nhơ, đốn mạt đến tột cùng?

    3. Gã nằm trên giường, mắt nhắm nghiền, người co quắp trong giấc ngủ giữa trời nóng bức. Không biết trong giấc mơ thấy gì, thỉnh thoảng hắn lại giật mình, miệng ú ớ những lời vô nghĩa. Mùi nước tiểu ngai ngái thấm vào giường chiếu lâu ngày làm My muốn ói. Gã thầy dạy võ vạm vỡ ngày nào, giờ thân tàn ma dại, nằm ngắc ngoải không biết sống chết ra sao.

    Thím vỗ nhẹ lên vai, nói lớn vô tai chồng, ông coi thử ai tới thăm mình kìa? Hắn từ từ mở mắt, cố nhìn cho tỏ người đang đứng trước mặt trong ánh nắng nghiêng nghiêng từ ngoài cửa sổ chiếu vào leo lét. Như tiếng sét sáng lòa giữa trời giông bão. Mặt đất như nứt ra làm đôi, tạo thành hố sâu thăm thẳm. Bao nhiêu cây cối, nhà cửa, xe cộ, sông ngòi bị cuốn hết vào hố đen ngòm không thấy đáy. Cơ mặt hắn co rúm lại vì xúc động. Hai cánh tay co quắp như khúc củi, quơ giữa khoảng không ảo ảo mờ mờ.

    My run run bấu chặt tay vào thành cửa. Không thở nổi. Không thở nổi nữa rồi. Cô muốn quay người, chạy thẳng ra cửa liền tức khắc, để không khí bầu trời cao rộng ngoài kia lấp đầy lồng ngực mỏng. Nhưng không thể. Có một sức hút vô hình níu lại. Hai chân cô như chôn cứng dưới nền nhà. Đừng đi, đừng đi My ơi! Mày chờ ngày này lâu lắm rồi mà. Mày muốn nhìn thấy hắn phải trả giá cho việc làm khốn nạn. Mày sẽ cười to sung sướng. Vậy mà giờ đối diện với tên dâm ác, sao My thấy bất nhẫn vô cùng?

    Sự việc kinh hoàng hôm ấy, như thước phim âm bản, phút chốc hiện ra rõ ràng trước mặt. Bữa đó, má dắt hai em về thăm ngoại. My phải ở lại học bài, thi cử tới nơi. Để con gái ở nhà một mình không an, ba dẫn cô sang nhà hắn ăn đám giỗ. Đàn ông đàn bà ở quê, uống rượu như nước lã. Bao nhiêu can đế cũng không đủ rót đầy mấy chục cái bụng háo hức ồn ào. Nửa đêm, thiên hạ no say về ngủ hết rồi. Thím Sáu chạy ra chòi chăn vịt. Giữa nhà, chỉ còn hai người đàn ông đang bù khú chai cuối cùng và My vật vờ gục lên gục xuống. Hắn bảo thôi anh Ba về đi, để con My ở lại đây tui dạy cho vài thế võ phòng thân. Dạo này ngoài kia ghê thí mồ. Bọn trai làng có đủ trò. Nó trổ mã rồi. Đi đêm về hôm không cẩn thận có ngày gặp ma nhớt. Tui dạy chừng một bữa là rành mấy chục thế.

    Lão đẩy My vào góc tối. Một tay bịt miệng, một tay sờ mó thân thể mảnh mai của cô gái mơn mởn mới dậy thì. My không thể gào khóc, cũng chẳng thể giãy giụa thoát ra khỏi vòng tay cứng như thép nguội. Mặc cho nước mắt ràn rụa chảy tràn trên khuôn mặt, mặc cho đôi mắt thất thần chứa đựng bao oán thán lẫn van lơn, trong ánh đèn hột vịt, hắn hùng hục làm vấy bẩn tấm thân trong ngần, không chút xót thương hay hối tiếc.

    - Mày mà hé mỏ nói cho ai biết thì tao giết cả nhà không còn một mống! Tao nói là tao làm, không có nộ suông đâu!

    My lê bước chân mệt mỏi đi về trong đêm tối. Cô đẩy cửa vô nhà. Đêm ngoài kia thanh vắng quá. Tiếng chó tru từ xa không phá vỡ sự tĩnh mịch của màn đêm. My nặng nhọc thay đồ, đem bộ quần áo dính đầy máu ra chôn xuống gốc xoài ở phía sau gò mả. Cô tới ang nước, lấy gáo dừa múc xối lên người, cọ kỳ thật mạnh. Da như tróc hết cả rồi. Máu rỉ ra đau đớn. My cố rửa sạch cái mùi kinh khiếp ra khỏi cơ thể mình. Nhưng càng xối, càng kỳ, cái mùi rượu ngai ngái, nặc nồng ấy vẫn lởn vởn trước mũi, không thể nào biến mất. My thấy nhờn nhợn trong cuống họng. Cô nôn thốc nôn tháo. Bao nhiêu thức ăn đêm nay chưa kịp tiêu hóa đã bị ói ra ngoài.

    My co rúm người trong góc phòng vắng lặng. Tiếng ngáy của ba rền vang như sấm không xua bớt nỗi khiếp đảm ngập ngụa trong nhà. Cơn đau như cắt từng khúc thịt chạy dọc ngang thân thể. Cô nhắm mắt, cố gắng để đầu óc mông lung, chìm sâu vào giấc ngủ. Nhưng gương mặt kinh khiếp của hắn vẫn hiện lên trước mặt. Rồi bàn tay như gọng kềm hộ pháp, túm lấy tóc, bóp chặt miệng cô. My khe khẽ rên đau đớn. Con Ni như hiểu được nỗi sợ của cô chủ nhỏ, nên chạy tới gần, cạ cạ vào chân, âm ấm. My sực nhớ lời dặn của má, mỗi lần có chuyện bất ổn, nhớ thì thầm cầu nguyện đức Quán Thế Âm, người sẽ hiện lên độ chúng sinh, tai qua nạn khỏi. My mấp máy môi: “Nam mô đại từ đại bi cứu khổ cứu nạn Quán Thế Âm bồ tát... Nam mô đại từ đại bi cứu khổ cứu nạn Quán Thế Âm bồ tát...”. Niệm đến lần thứ bao nhiêu không rõ, My chập chờn chìm sâu vào giấc ngủ mơ hồ.

    4. Mười bốn tuổi, những hồn nhiên trong veo đã không còn trong My nữa. Cô như con chim non vừa mới chập chững biết bay đã bị ná bắn trúng vào đôi cánh mỏng. My sợ âm thanh to, tiếng động mạnh. My không muốn ra chơi với em mỗi trưa đi học về. My hoảng hồn khi có người lạ tới nhà gõ cửa.

    Má nói, chắc con My tới tuổi dậy thì, khó ăn khó ở. Thôi kệ nó. Đứa nào mà không vậy hả ông?

    Hắn vẫn đến nhà nhậu với ba My mỗi ngày như thường lệ. Đôi mắt háu đói vẫn liếc cô từ đầu tới tận gót chân. Cặp chân mày rậm châu vào nhau, như lời thách thức lẫn đe dọa tới tính mạng của cô và cả gia đình.

    Rũ rượi. Không còn sức sống. Nước mắt chảy dài trên đôi má hồng hồng. My chạy ra bờ sông, đưa chân quẫy nước. Như mộng du, My chầm chậm đi ra giữa lòng sông. Nước tới mắt cá chân. Lạnh buốt. My dừng lại vài giây rồi cúi đầu đi tiếp. Nước tới đầu gối, cảm giác ấm ấm, thinh thích, len nhẹ trong người. My nhắm nghiền mắt. Vô thức. Một bước, hai bước, ba bước. Giữa lòng hồ. Văng vẳng bên tai, tiếng cười của gã dâm loạn vang lên.

    Nước lên tới ngực. Như một bức tường nặng đè mạnh lên tim. Ngộp thở. Chỉ vài bước nữa thôi, mình sẽ chìm xuống lòng sông, nằm đó, mãi mãi không còn biết đớn đau, buồn bã. Nước lên tới mũi, cô thở hắt ra, bong bóng nổi li ti, y chang lúc My với mấy đứa em thọc đầu vô lu, coi thử ai nhịn thở giỏi hơn. Má biết được đánh đòn nát đít.

    Má... má... má... Trong một sát na giữa sống và chết, cô nghe tiếng la thất thanh.Đừng... đừng đi... đừng bỏ má My ơi. Má chết mất nếu con không còn sống nữa. My khựng lại. Kìa khuôn mặt má, gầy nhom, lem luốc và khắc khổ. Kìa bàn tay gầy guộc khô khan, cầm tay cô níu lại. Má... má... má... Đừng con... đừng con... đừng... Trời ơi ai cứu con tôi, cứu... cứu... cứu nó với...

    5. Mười bảy tuổi, My theo gia đình lên máy bay rời Việt Nam qua Mỹ. Cô thề với lòng, chuyện năm đó sống để bụng, chết mang theo. Và sẽ không bao giờ trở lại quê nhà thêm lần nào nữa.

    Gã đàn ông thứ nhất bỏ cô ra đi khi Andrew mới là cái bào thai hơn năm tháng. Hai căn hộ gần bên cạnh, vậy mà Long và gia đình không một lần ghé qua ngó ngàng thăm hỏi. Hắn bảo, em có tốt đẹp gì đâu mà tỏ ra cao quý như gái son mười tám? Cơn đau chạy dọc thân thể, xé nát thịt da năm nào vẫn còn vương vấn. Sự việc năm xưa như vết thương chưa bao giờ liền sẹo. Nó giống ngọn lửa âm ỉ, chỉ cần một cơn gió nhẹ là bùng cháy, có thể thiêu đốt cả khu rừng. My không thể chiều chuộng hay hưởng ứng những khoái cảm quái lạ của người tình. Nếu nhẹ nhàng, trân trọng thì cô còn gắng gượng trôi theo thứ cảm xúc giả tạo do chính mình tưởng tượng. Còn lao vào cô như con sói đói, để chứng tỏ bản lĩnh đàn ông sáu múi, My sẽ thét la, vùng vẫy. Rồi chẳng hiểu từ đâu, bằng sức mạnh vô hình tiềm tàng trong cơ thể, cô sẽ xô hắn xuống giường, quơ áo quần, vùng bỏ chạy thoát thân.

    Gã đàn ông thứ hai rời bỏ mẹ con cô khi Robert lên sáu tuổi. Mày có phải là gái trinh đâu mà không cho tao đụng vào người. Đó là câu nói cuối cùng Du quăng vào mặt My khi một lần nửa đêm mò sang phòng mà không được đáp ứng. Chiều hôm ấy sau khi ghé đón con về, căn phòng trống huơ trống hoác. Áo quần, giày dép của Du đã được dọn sạch cả rồi.

    Ba mươi ba tuổi, My làm single mom (1), một nách hai con vất vả. Cũng may xứ này coi trọng đàn bà và con nít. Trợ cấp mỗi tháng cũng được vài trăm đô la, đủ để cô lo cho con có cuộc sống đủ đầy mà không cần tới bất cứ đồng bạc nào của cha chúng.

    Nhiều khi, nhìn hai con trai chơi đùa, cãi cọ, My bỗng thèm có đứa con gái dễ thương bụ bẫm, lúc nào cũng loanh quanh chân mẹ khóc nhè. Cô sẽ chải tóc cho con mỗi ngày, rồi mua nơ về cài lên mái tóc suôn dài mềm mại. My sẽ đi shop, mua thật nhiều váy đầm về chưng diện rồi chụp hình con bỏ album mai sau làm của hồi môn cho con theo chồng về xứ lạ. Mà không, My giật mình. Sinh con gái làm gì cho cực, lỡ nó lâm vào cảnh như mình...

    Nhưng làm con trai cũng có sướng ích gì hơn. Tin, cậu thanh niên hai sáu, qua Mỹ được ba năm, mang khuôn mặt lầm lầm, lì lì suốt ngày không nói. Hai chị em ít nói như nhau, nên vừa gặp đã thấy thân. Có lần tiệm vắng khách, ngồi tám chuyện đời. My hỏi Tin có bạn gái chưa? Cậu bé lắc đầu, má ửng hồng e thẹn. Cô tủm tỉm, vậy có bạn trai chưa? Tin không gật cũng chả lắc. Một đỗi lâu, mới ngước lên, mắt đỏ hoe. Em giờ người không ra người, ngợm không ra ngợm cũng vì thằng khốn đó...

    Thằng khốn đó chính là gã chú họ ở Hà Nội vào nam chơi lúc Tin tám tuổi. Kích thích. Tò mò. Sung sướng. Đớn đau. Nhớ nhung. Sợ hãi... Cảm giác đáng lẽ chỉ nên có trong tâm hồn của cậu bé mười sáu chập chững vào đời, vậy mà đằng này mới tí tuổi đầu, trong khi mỗi tối con My còn giành ngủ với mẹ, hay mê chơi game không chịu học bài, thì Tin đã dính vô, không lối thoát. Cái mối quan hệ chú cháu (hay nhân tình) ấy cứ lén lún, thập thò, bao năm không dứt. Cứ vài tháng, cả hai hẹn nhau ở Sài Gòn, Nha Trang, Vũng Tàu, hay Singapore, Bangkok rồi anh ta lại về với vợ con êm ấm. Nhiều lúc tù túng, chịu không nổi, em kêu ổng đi đâu đó trốn đời, chỉ có hai người hạnh phúc cạnh nhau. Ổng bảo em điên, chỉ có mấy đứa khùng mới nghĩ tới lối sống ấy. Em đòi chết lên chết xuống cả chục lần. Có bận cắt tay nhập viện hết mấy ngày. Ổng dối vợ bảo đi công tác, bay vô thăm, hứa hẹn đủ điều. Tới khi em xuất viện rồi đâu cũng vào đấy. Em tưởng qua đây là có thể xóa hết dĩ vãng tăm tối của mình. Nhưng càng muốn xóa, em càng thấy nó hiện rõ hơn bao giờ hết. Cứ đi làm xong về đóng cửa đối diện với chính mình, em nghĩ tới ổng nhiều hơn.

    - Chị là người thứ hai biết chuyện này. Đừng kể ai nghe nha, nếu không em chết mất.

    Giá mà My có thể can đảm nói chuyện đời mình như Tin đã nói. Giá mà My có thể ôm Tin và bảo, chị biết nỗi đau tột cùng em đang gánh chịu. Nhưng khác với em, chị không yêu thương gì hắn. Chị chỉ muốn băm vằm hắn ra ngàn mảnh vụn cho hả cơn giận. Nhưng em ơi, bao nhiêu năm ngậm đắng, nuốt cay, có cảm giác chị đang đang ngậm một viên thuốc độc. Tới lúc nó vỡ tung, lan tỏa, chắc chị không qua khỏi nữa...

    6. - Mèn đét ơi! Nãy giờ mừng quá thím quên mất. Bây ở lại đây chơi nhen. Để thím chạy ra sau nấu cơm cho bây ăn. Canh chua cá trầu với bắp chuối nha. Món này hồi xưa bây thích lắm.

    Thím đứng lên, phủi tay vô quần, lật đật chạy ra sau chái bếp. Trước khi đi, thím cũng kịp kê thêm gối lên đầu, sau sự ra dấu, để hắn rướn mặt nhìn My.

    Ngoài kia, nắng sắp tắt rồi. My nghe lũ cò quàng quạc bay về tìm chỗ trú. Trong này, mọi thứ lặng im đến ngột ngạt. Ông trời thật trớ trêu, cái chỗ hắn nằm bây giờ, hồi đó đêm nào My cũng gục đầu rưng rức. Cô nghe tiếng hắn thở hổn hển đầy khó nhọc. My nghe tiếng thím Sáu chặt cá bôm bốp ngoài ang nước. Đủ rồi. Cô thấy không cần thiết ở lại đây nữa. My quay bước. Hắn nhoài người, gắng gượng kêu mấy tiếng đục khàn, phát ra từ cổ họng một cách khó khăn, hai tay cong queo đập xuống cạnh giường, bôm bốp. My quay lại. Bất chợt chạm phải ánh nhìn của hắn. Không còn là đôi mắt như con sói đói, chằm chặp ngó vào thân thể bé nhỏ mỗi khi tới nhà ăn nhậu, cũng chẳng phải đôi mắt như ác thú, đe dọa My trong đêm tối dập vùi. Nó đớn đau, đầy rẫy sự van xin, khẩn cầu tha tội. Giọng nói đanh ác, đe dọa đòi giết cả nhà và tiếng cười hô hố trong bàn nhậu năm xưa giờ như bị tảng đá ngàn cân đè lên, chặn đứng âm thanh ngay cổ.

    What goes around comes around (2), My nhủ thầm. Cô tới gần, đặt phong bì tiền xuống giường, rồi nhẹ nhàng quay gót.

    My bước ra sân, đưa mắt nhìn quanh vườn điều và căn nhà một thời của mình. Cô đưa tay quệt nước mắt. Con Mực dường như nhận biết đây mới là cô chủ thực sự của mảnh đất này nên không sủa nữa, chạy loanh quanh chân, vẫy đuôi tạm biệt. My tới bên gốc ổi, giơ tay hái một trái thiệt to đưa lên mũi hít hà. Mùi ổi dịu dàng làm My bồi hồi quá đỗi. Nhớ lại cái hồi nhỏ xíu, chiều nào đi học về, ba chị em cũng leo tót lên đó mặc sức hái ăn. Bao năm dài viễn xứ, My thường tự hỏi, đâu là nhà thật của mình? Thời gian sống bên Mỹ đã nhiều hơn năm tháng sinh ra và lớn lên ở Việt Nam, vậy mà My coi nó đơn giản chỉ là chốn dung thân sau bao ngày miệt mài kiếm sống. Còn mảnh đất này, My muốn xóa nó ra khỏi đầu mình, muốn trốn chạy, bỏ đi, tìm mọi cách để nó không bao giờ hiện hữu. Để rồi hôm nay đặt chân trở lại, My mới biết, nó là mảnh ghép quan trọng của cuộc đời mình, là một phần đời thuộc về cô vĩnh viễn. Không thể chối từ hay xóa bỏ một cách dễ dàng.

    - A lô, anh đang ở đâu? Quay lại chỗ cũ đón tôi nhé!

    Chiều xuống dần. Gió ngoài sông thổi vào lồng lộng. Trước khi lui về phía sau lưng núi, mặt trời cố tỏa tia nắng đỏ rực cuối cùng vào mấy đám mây trắng bồng bềnh trôi, thành một bức tranh tuy buồn nhưng đẹp mỹ miều, không gì sánh được.

    * (1) Mẹ đơn thân

    * (2) Ác giả ác báo/gieo nhân nào gặt quả nấy

    Maryland, những ngày đầu xuân 2017

    Tác giả: Nhà văn Nguyễn Hữu Tài

    Viethome

  • Đi nhiều nơi mới thấy, chẳng hiểu sao người dân gốc Huế và Quảng Đà (Quảng Nam - Đà Nẵng) làm bác sĩ nhiều vô kể. Đi tới các phòng khám nào, cũng nghe tiếng Huế, tiếng Quảng thân thương. Đặc biệt là dân Quảng Đà, lúc nào cũng có hội đoàn, giúp đỡ tương trợ lẫn nhau. Chứ các nhóm khác, hôm trước hôm sau là… cãi lộn rồi tan đàn xẻ nghé. Nhưng nhắc tới những nghề mưu sinh của người Việt ở Mỹ, đầu tiên phải kể đến nghề nails.
     
    Theo nhiều nguồn báo chí trên mạng, ngôi sao Hollywood Tippi Hedren, nữ chính của bộ phim The Birds, là người khởi xướng cho nghề nails trong cộng đồng người Việt.
     
    Vào khoảng thập niên 1970s, khi còn là một nhân viên cứu trợ quốc tế, trong chuyến tới thăm làng Hy Vọng ở thành phố Sacramento, thủ phủ bang California, bà gặp khoảng 20 phụ nữ Việt Nam tỏ vẻ yêu thích bộ móng tay của bà. Hedren bèn giúp họ học nghề làm móng bằng cách mỗi tuần đưa thợ tới dạy nghề và thuyết phục trường Citrus Heights Beauty nhận 20 phụ nữ gốc Việt làm sinh viên để được hành nghề một cách chính thức.

    viethome nghe nail o My 2

    Một gian hàng thẩm mỹ của người Việt trong khu thương mại Eden ở Virginia (vùng thủ đô Hoa Thịnh Đốn) ẢNH: NGUYỄN HỮU TÀI
     
    Và trong vòng 40 năm, từ 20 người phụ nữ đầu tiên đó, nails đã trở thành một đế chế quyền lực của người Việt trên đất Mỹ.
     
    Người Việt sở hữu tiệm nails khắp mọi nơi trên đất nước này, từ miền Florida, Houston nắng ấm, tới tiểu bang California trù phú, băng ngang Midwest đầy bão tố, lên miền Bắc lạnh lẽo của Minnesota, Wisconsin hay sang khu vực Washington D.C. ắp đầy lịch sử. Đâu đâu cũng thấy người Việt mở tiệm và làm thợ, đánh bạt những tiệm nails của người Mỹ chính gốc bởi sự khéo tay, nhã nhặn và cần cù của mình.
     
    Thời điểm cực thịnh nhất của nghề nails là những năm 1980 tới trước năm 2008. Nhà nhà làm nails, người người làm nails, bất kì khu Mỹ đen hay trắng, đâu đâu cũng thấy tiệm nails do người Việt làm chủ. Một bộ full-set ngày đó tới $50. Tiệm nào cũng đông nườm nượp khách. Để trở thành thợ nails khá dễ. Không đòi hỏi bằng cấp đại học hay nói tiếng Anh trôi chảy. Chỉ cần kiên nhẫn và khéo léo, học vài trăm giờ, thi đậu hai phần lý thuyết và thực hành, sẽ được cấp bằng.
     
    Mỗi một hoặc hai năm phải đóng tiền đăng kí mới lại. Nếu chuyển sang tiểu bang khác, phải đổi bằng hoặc thi lấy bằng mới tùy theo luật của từng bang. Hồi đó, thứ Bảy hay Chủ nhật nào qua Eden, khu thương mại của người Việt nằm ở thành phố Falls Church (Virginia), tìm đỏ con mắt cũng không có chỗ đậu xe khi bà con Việt Nam tụ tập ăn hàng, mua sắm đông đúc quá.
     
    Nhiều khi chạy lòng vòng cả tiếng trong vô vọng nhưng cũng không nỡ bỏ về vì thèm đồ Việt. Cuối cùng bạo gan nhét xe vô một chỗ bất kì rồi đi mua đồ mà cứ nơm nớp lo nó bị kéo đi. Hễ vô tiệm nào, thấy bà con xài tiền mặt nhiều (chủ yếu là tiền lẻ), mua đồ cả xe không ngần ngại, thì đoán chắc là dân làm nails. Không sai một tí. Đó là nghề nuôi lớn không biết bao nhiêu sinh viên (trong đó có tôi) tốt nghiệp ra trường và đạt được giấc mơ Mỹ.
     
    Nếu dân văn phòng kiếm mỗi tháng hai, ba ngàn, thì người làm nails vào mùa hè, có thể dễ dàng kiếm hơn $1.500/tuần, chưa tính tiền cò (tiền bo, tiền típ) lên tới vài trăm đô. Rủng rỉnh tiêu xài. Nhiều người trong số họ tiết kiệm, để dành vài năm, vay thêm ngân hàng, sang tiệm để làm chủ cho đỡ vất vả. 

    viethome nghe nail o My 3

    Đó là nghề nuôi lớn không biết bao nhiêu sinh viên (trong đó có tôi) tốt nghiệp ra trường và đạt được giấc mơ Mỹ.
     
    Nổi tiếng nhất trong “đế chế nails” là tỉ phú Charlie Tôn Quý, ông chủ của hệ thống Regal Nails với hơn 1.100 tiệm trên khắp nước Mỹ, trong lòng các siêu thị của gã khổng lồ Walmart. Với doanh thu mỗi năm lên tới 450 triệu USD, trong tổng số 8,5 tỷ USD của ngành nails, (theo số liệu của tạp chí Nails vào năm 2014), chỉ từ việc sơn sửa móng tay chân đã khẳng định ưu thế tuyệt đối của người Việt trong lĩnh vực này.
     
    Từ cực thịnh... đến thiếu nợ nhà băng
     
    Nhưng bắt đầu từ năm 2008, khủng hoảng kinh tế lan rộng ra cả Mỹ và toàn thế giới, nghề nails cũng đi vào suy thoái. Việc kiếm tiền trở nên chật vật hơn khi người Mỹ cắt giảm nhu cầu làm đẹp. Các chủ tiệm cạnh tranh không lành mạnh, đẩy giá xuống cực thấp, để hút khách về mình. Bộ full-set giảm xuống còn $30, có nơi chỉ $20. Nhiều người làm nails thường mua nhà to, xe đẹp, đâm ra thiếu nợ lớn ở ngân hàng. Tới khủng hoảng, trả không nổi nên bị nhà bank (ngân hàng) kéo nhà, kéo xe tùm lum hết.
     
    Phần lớn thợ nails thường được chủ trả bằng tiền mặt (hoặc nửa tiền mặt, nửa ngân phiếu) nên họ (và chủ tiệm) không đóng hay đóng rất ít thuế thu nhập cá nhân và phúc lợi xã hội. Bảo hiểm với họ là một điều xa lạ. Tất nhiên sau này, họ sẽ không được lãnh (hoặc lãnh rất thấp) social security (tiền hưu trí). Bị tai nạn hay bệnh tật (nhất là dị ứng với các loại hóa chất), sẽ không có bảo hiểm chữa trị và thất nghiệp sẽ không được lãnh trợ cấp.
     
    Làm việc trong tiệm nails cũng rất phức tạp bởi tiền “tươi” trước mắt, bà con tranh giành khách lẫn nhau, dẫn tới việc bất đồng, thù ghét. Rồi nhiều tiệm nằm trong các khu tội phạm, an toàn cho thợ lẫn khách cứ lơ lửng trên đầu. Gần đây, ở một số tiểu bang, chính quyền bắt đầu siết chặt các tiệm nails về vệ sinh, luật lao động, nhận người không bằng cấp, trả lương bằng tiền mặt, không đóng thuế đủ đầy… Cho nên việc kiếm tiền từ nghề nails cũng không dễ dàng như vài mươi năm trước.
     
    Những thành phố lớn như New York, Los Angeles, Houston… tiệm và thợ quá đông, cạnh tranh dữ dội, hạ giá sát đáy. Muốn kiếm nhiều tiền, phải chấp nhận “hy sinh” đi tới những tiểu bang ít người Việt, lạnh lẽo ở miền Bắc hay khỉ ho cò gáy vùng Midwest.
     
    Lan, bạn tôi, sống ở Los Angeles, đầu năm 2016 nhận được lời mời đi làm tận thành phố Wausau, tiểu bang Wisconsin với lời hứa lương mỗi tháng nếu ít hơn $5,000 thì sẽ bao lương, còn nhiều hơn thì ăn chia 4/6 (chủ 40%, thợ 60%). Trong vòng một tháng, thu nhập của cô hơn $7,000, chưa tính tiền tip. Chỉ có điều, tiệm nằm giữa vùng hẻo lánh. Thành phố buồn hắt hiu, ngoài việc đi làm xong cũng chả đi đâu ngoài về phòng trọ, chui vào mền cho bớt lạnh.
     
    Có người từ California quen với cuộc sống sôi động, đông đúc, bay qua vì lời mời quá ư hấp dẫn, làm đúng một buổi, chịu không nổi cái lạnh và buồn, lật đật nhờ người chở ra phi trường bay về lại nhà liền, chứ ở lâu, chắc chết vì tự kỷ. Sau một tháng làm ở Wausau, nhớ con quá, Lan cũng bay về lại Los Angeles. Cô gọi đó là thành phố “Quá sầu”. Chưa kịp quen hơi, béng tiếng, thì đã vội vã bỏ đi.
     
    Nhưng dù sao đi nữa, tới bây giờ nails vẫn là nghề mặc định nuôi sống cho rất nhiều gia đình Việt Nam ở Mỹ. Nó giúp nhiều người Việt mới tới Mỹ không rành tiếng Anh ổn định được cuộc sống, kiếm đủ tiền nuôi nấng thế hệ thứ hai, thứ ba giỏi tiếng Anh, vô đại học, có bằng cấp, tìm công việc tốt hơn, thoát khỏi cái kiếp “ôm chân Mỹ đen” như nhiều người ác miệng vẫn hay nói. Chả trách, đi đến đâu, nhìn mặt tôi, sau mấy lời xã giao bâng quơ, người ta cũng hỏi: "làm nails hay làm hãng?".

    Người Việt không chỉ biết làm nails

    Theo thống kê, khoảng 23% cư dân Việt Nam trong độ tuổi từ 25 tuổi trở lên đã có bằng cử nhân hoặc cao hơn (so với 37% của cư dân gốc Đông Nam Á và 28% của tổng số cư dân Mỹ). Bình quân thu nhập của mỗi gia đình cư dân Việt Nam là 55.736 USD, thấp hơn đáng kể so với thu nhập bình quân của cư dân gốc Đông Nam Á (65.488 USD), nhưng cao hơn so với bình quân cư dân tại Mỹ (46.983 USD) và người Mỹ gốc (51.975 USD).

    Mặc định là thế, nhưng theo thống kê của U.S Census Bureau, có tới 28% cư dân Việt làm trong các lĩnh vực quản lý, kinh doanh, khoa học và nghệ thuật (so với 30% toàn bộ cư dân), 32% trong lĩnh vực dịch vụ, 14% làm ở lĩnh vực liên quan tới bán hàng và văn phòng, 5% trong lĩnh vực khai khoáng, cầu đường, bảo dưỡng, và 20% làm ở lĩnh vực sản xuất, vận tải và vận chuyển hàng hóa. Suy ra, nghề nails (làm móng), hãng hay phục vụ chỉ chiếm một phần không lớn trong cộng đồng cư dân Việt.

    Nhiều người (trong đó có tôi) với tấm bằng đại học, thạc sĩ, tiến sĩ cũng bon chen làm quản lý, kinh doanh, khoa học, luật sư, hay bác sĩ, làm rạng danh hai chữ Việt Nam trên xứ người.

    Đọc Kỳ 1: Đằng sau đồng USD Việt kiều Mỹ gửi về: Làm nails hay làm hãng?

    Viet Home (theo Thanh Niên)
  • Nhiều người Việt ở Mỹ, có thói quen lo cuộc sống bên này thì ít, mà lo bên Việt Nam thì… nhiều. (Chuyện kể của nhà văn Nguyễn Hữu Tài - chuyên viên bất động sản ở Mỹ)

    Chắc do Mỹ là đất nước có nhiều cơ hội. Người có sức làm nhiều, sẽ kiếm được nhiều tiền. Người ít sức làm ít, sẽ có ít tiền. Nên ai cũng nghĩ nghĩ sang tới Mỹ rồi, có việc là kiếm được tiền, bên Việt Nam còn khó khăn, vất vả nên ít nhiều mình phải giúp.

    Khổ vì cái "mác Việt kiều"

    Mà cũng đúng, lúc chưa đi Mỹ, mỗi lần thấy Việt kiều về nước áo lụa quần là, xài tiền như nước nên nghĩ bên này sướng lắm. Viết thư qua lại với bạn bè, tôi cũng nghĩ bên đó không cần làm gì hết, tiền trên trời rớt xuống kịnh kịnh để xài, cứ như lá trên cây, ra nhón gót hái sẽ có cả rổ để xài. Bạn tôi cười như điên, bảo qua đây thì biết.

    Mười mấy năm lặn ngụp xứ Mỹ, rốt cục rồi cũng sáng mắt ra. Mỗi tháng mở mắt, bạn sẽ thấy đủ thứ các loại bill bọng. Từ hóa đơn nhà, tới xe, bảo hiểm, điện thoại, thức ăn, credit card, chi tiêu lặt vặt. Nợ nần tự lo, chứ chẳng mấy ai kí trả giùm, kể cả họ hàng, ruột thịt. Sống xứ này mọi người đều ý thức cái sự thật hiển nhiên đó. Vì thế, đa số đều cố làm việc, lập kế hoạch chi tiêu rõ ràng nếu không muốn vỡ nợ, ra đường mà ở.

    viethome lam nail o My 1

    Khách Mỹ đến tiệm nails của người Việt. 

    Hồi ba tôi còn sống, cứ mỗi tháng anh chị lãnh lương, ba đều thầm thì, ráng nhín nhịn một ít gửi về bên nhà giúp đỡ anh chị tụi bây nhen. Mới qua mà, cuộc sống còn nhiều khó khăn, khốn khó trăm bề, đủ thứ phải chi tiêu. Anh chị tôi đi làm gục mặt trong hãng không thấy mặt trời, nên nhiều bữa nghe ba nói hoài cũng bực, bảo, bộ chỉ có mấy người bên đó là con, bên này hổng phải, nên ba lo cho bên đó hơn heng. 

    Thương nhất là cô chú chủ nhà, gốc Bến Tre. Gần sáu mươi rồi, mà sáng nào cũng dậy thiệt sớm nấu ăn cho cả nhà, để con cái có đồ ăn mới tươi ngon mang theo tới chỗ làm. Cô chú “cày” dữ lắm, tới hai ba job (công việc). Thứ bảy, chủ nhật cô chú cũng không chẳng chịu ở nhà nghỉ ngơi. Hỏi nhà nhỏ xíu, trả gần hết rồi, cô chú đâu cần gì phải làm cho dữ? Cô chúm chím cười, làm để lo cho lũ nhỏ còn ở lại bên quê. Với lại để dành mua thêm đất, cất nhà, mai sau về dưỡng già chứ hổng chịu nổi mùa đông lạnh lẽo xứ này nữa.
     
    Mười sáu năm sau gặp lại, cô chú đã bảy mấy, con cái mang qua đây gần hết, nhà cửa gì cũng cất xong, lương hưu cũng có rồi, mà hổng thấy về Việt Nam dưỡng già. Ngày ngày vẫn phải xách xe đi làm cho hãng mỹ phẩm. Tối lãnh việc dọn dẹp, lau chùi mấy cái văn phòng. Hỏi sao cô chú không nghỉ ngơi cho khỏe, sao cứ cực khổ hoài. Cô cười móm mém, vẫn còn hai đứa bên đó, chưa qua được. Với lại cả đống bên này còn khó khăn. Thôi còn sức thì còn làm, lo cho tụi nó.
     
    Đôi khi nghĩ lại, chính tính thởi lởi, bao đồng, ham lo của bà con bên này, tạo cho người thân và gia đình bên Việt Nam bản tính dựa dẫm và ỷ lại. Nhiều gia đình tôi biết, có con gái lấy chồng Mỹ, vất vả làm nails kiếm tiền. Còn bên đó, cả nhà ba bốn thế hệ hổng chịu đi làm, cứ kéo về ở hết trong nhà, đợi mỗi tháng con gái gửi về ít trăm bạc tiêu xài, phè phởn.
     

    viethome lam nail o My 2

    Bên trong một tiệm nails do Thành Hưng, bạn tôi làm chủ, ở thành phố Greensburg, bang Pennsylvania.
     
    Người Việt làm nails như thương hiệu
     
    Có một sự mặc định trong nghề nghiệp hầu như ở Mỹ ai cũng biết.
    - Người Mexico và các nước Nam Mỹ chuyên làm cầu đường, xây dựng và phụ bếp.
    - Người Hoa buôn bán và mở nhà hàng trong các Chinatown.
    - Người Việt làm nails và hớt tóc.
    - Người Ấn Độ, Pakistan và các nước Nam Á làm chủ cây xăng, cửa hàng tiện lợi.
    - Người Hàn làm giặt ủi và mở nhà hàng trong các Koreantown.
    - Người Philippines và các nước gốc châu Phi làm y tá và giúp việc nhà…
     
    Thỉnh thoảng ra ngoài, gặp người Việt, sau mấy câu xã giao kiểu: Tên gì? Ở đâu? Chạy xe gì? Mua nhà chưa? Lấy vợ chưa? Mấy cháu rồi? Thì sẽ nghe tiếp hai câu quen thuộc: Qua Mỹ lâu chưa? Làm neo hay làm hãng? Lúc đầu tôi cũng hơi bực mình với mấy câu hỏi có phần soi mói, vô duyên kiểu này và nghĩ thầm trong bụng, bộ người Việt không biết làm gì khác hơn ngoài neo với hãng? Mà thôi riết cũng quen, có bực cũng chẳng được gì. Vì trong đầu họ đã có một sự mặc định như vậy rồi. Vả lại nghề nào làm ra tiền bằng bàn tay với khối óc để nuôi sống bản thân và gia đình thì đều đáng được tôn trọng. Nói vậy thôi chứ nhiều khi tôi cũng thấy tức anh ách trong bụng.
     
    Viet Home (theo Thanh Niên)