• Văn phòng tư vấn du học của chúng tôi thi thoảng nhận được thư từ Sở Di trú (Bộ Nội vụ) Australia thông báo có sinh viên quá hạn visa, đề nghị ra trình báo hoặc tìm giải pháp hợp pháp hóa tình trạng cư trú.

    Nhưng, như có thể dự đoán, mọi thông tin liên lạc mà chúng tôi từng lưu trữ đều không còn được họ sử dụng.

    Dù vì nguyên do gì, tôi cũng thực sự tiếc cho cả quá trình cố gắng đã qua khi cuối cùng, họ lại lựa chọn trở thành một người không giấy tờ, vô thừa nhận, đối mặt với một cuộc sống trong bóng tối. Thống kê của Bộ Nội vụ Australia từ năm 2016 đến nay cho thấy, nước này có trên dưới 70.000 người cư trú bất hợp pháp - thường gọi là "người rơm".

    Để giải tỏa cho trăn trở cá nhân, tôi đã thử cố gắng lý giải cho quyết định trở thành "người rơm" của những du học sinh mà chúng tôi hiểu đủ rõ về hồ sơ của họ. Tôi tạm phân loại thành hai nhóm chính:

    Nhóm thứ nhất là các bạn có gia cảnh đặc biệt khó khăn về tài chính ở quê nhà, hy vọng cố gắng làm mọi việc để kiếm tiền gởi về cho gia đình. Với chính sách tiền lương tối thiểu và mức sống thuộc hàng cao nhất thế giới, ở Australia, du học sinh không phải bận tâm nhiều về tài chính. Một công việc làm thêm bình thường nhất, ví dụ bồi bàn hoặc nhân viên dọn dẹp vệ sinh, vẫn có thể mang đến thu nhập thoải mái cho các du học sinh độc thân. Nhưng nếu mang một khoản nợ, hoặc gánh nặng tài chính cho cả đại gia đình, các bạn phải bỏ học để dành toàn thời gian kiếm tiền và trở thành người cư trú bất hợp pháp.

    Nhóm thứ hai là những người không có khả năng hoặc lười nhác học tập, chỉ muốn định cư nhanh và dễ. Các bạn này thường xuất thân từ gia đình trung lưu, không khó khăn về tài chính, nhưng cũng chưa đủ giàu để định cư theo diện đầu tư kinh doanh, và không đủ năng lực chuyên môn để xin visa định cư diện tay nghề.

    Còn một nhóm nữa - những người quá hạn visa vì những lý do bất khả kháng hoặc do vô ý không để tâm đến ngày tháng - thường rất cầu thị để tìm cách gỡ bỏ tình trạng bất hợp pháp ngay khi có thể, và cũng không gặp quá nhiều rắc rối sau khi đã được hợp pháp hóa thành công.

    nguoi rom viet o australia

    Nhóm thứ nhất là đối tượng rất dễ bị bóc lột sức lao động. Do cư trú bất hợp pháp, họ chỉ có thể sống chui nhủi, làm những công việc nặng nhọc với mức lương bèo bọt dưới mức quy định, thậm chí phải làm những việc phạm pháp như trồng cần sa. Những "người rơm" này cũng không được hưởng bảo hiểm cũng như các quyền lợi hợp pháp của người lao động. Lúc đau ốm họ không dám đi khám chữa vì sợ bị phát hiện. Số tiền kiếm được muốn gửi về quê nhà, họ phải gửi qua những phương thức không chính thống, chấp nhận mức tỷ giá thấp hơn thị trường, kèm theo rủi ro mất tiền hoặc bị lừa gạt, thậm chí là nguy hiểm đến tính mạng khi giao dịch số tiền lớn bằng tiền mặt.

    Với nhóm thứ hai, phương thức khá phổ biến là tham gia vào các đường dây môi giới kết hôn giả. Họ chi trả số tiền theo thỏa thuận để nhận được sự bảo lãnh từ đối tượng đồng ý làm hồ sơ kết hôn.

    Vài năm trước, phụ huynh của một nữ sinh tham khảo tôi về giá thị trường làm hồ sơ kết hôn giả cho con gái. Cô bé đã tốt nghiệp phổ thông, vừa sang Australia được 6 tháng nhưng không muốn tiếp tục đi học, mà gia đình thì không muốn em về nước. Em được giới thiệu cho một người đồng ý kết hôn giả với mức phí 100.000 AUD (gần 1,6 tỷ đồng). Gia đình họ kinh doanh khá thành công ở Việt Nam, số tiền này không phải là vấn đề lớn.

    Tôi dùng một câu hỏi thay cho câu trả lời: số tiền 100.000 AUD đủ để con gái anh chị học hết đại học, tốt nghiệp xong, em có thể chuyển qua visa tốt nghiệp, được đi làm việc hợp pháp ít nhất hai năm nữa, với mức thu nhập tối thiểu khoảng 50.000 AUD/năm. Như vậy, hai năm sau tốt nghiệp em đã thu hồi chi phí du học, lãi thêm tấm bằng đại học được công nhận quốc tế, cùng kinh nghiệm sống lẫn nghề nghiệp chuyên môn. Anh chị mong con mình sống một cuộc đời tự chủ hay tự mua dây buộc mình vào một cuộc hôn nhân giả, phạm pháp và không có tình yêu?

    Tôi đã chứng kiến đủ nhiều bi kịch từ những cuộc kết hôn giả tương tự, và không mong bất cứ ai sa vào con đường này. Kết hôn giả, nhưng bi kịch là thật.

    Khi viết bài này, tôi nhớ đến gia đình anh Chính (đã đổi tên). Anh và vợ sống bất hợp pháp ở Australia gần chục năm, dành dụm gửi tiền về cho hai bên gia đình. Khi có con, con của họ không được đi học ở trường chính quy mà chỉ có thể gửi cho một bà gần nhà giữ hộ. Bà không có bằng cấp hay kỹ năng giáo dục, chỉ chăm trẻ theo bản năng và kinh nghiệm, cho ăn uống, tắm rửa và chờ cha mẹ đến đón sau khi đi làm về. Anh chị ngày ngày đi làm, tối về nhà, không dám giao du với ai hay hưởng thụ gì, đúng nghĩa sống mòn. Anh nhiều lần tính ra trình báo, để có cơ hội về nước nhưng không đủ can đảm. Cho đến khi bị cảnh sát bắt, anh như trút được gánh nặng, "về nhà để con được đi học, anh chị còn có thể được làm người".

    Mới đây, trong khoảng tháng 12/2023 đến tháng 1/2024, 4 học sinh Việt đến học tại Trường trung học Hamilton (Adelaide, Nam Australia) theo diện trao đổi đều lần lượt biến mất. Cảnh sát Australia tin rằng bốn em có thể đang "chủ động lẩn trốn khỏi chính quyền".

    Sở Giáo dục bang Nam Australia đã tạm dừng nhận đơn đăng ký của học sinh ba tỉnh ở Việt Nam (Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình) vào các trường phổ thông công lập, sau khi xem xét quê quán của một số học sinh rời nhà trọ mà không được phép.

    Cư trú bất hợp pháp là một lựa chọn phải trả giá đắt. Nhưng nếu đủ can đảm và quyết tâm, bạn hoàn toàn có thể chọn lại, để chủ động thoát khỏi kiếp "người rơm".

    Theo VnExpress / Huỳnh Thị Ngọc Hân

  • Là một thương hiệu bán lẻ lâu năm tại Việt Nam nhưng bất ngờ logo của Co.op Mart đã xuất hiện tại thị trường Úc dù chưa từng nhượng quyền hay đầu tư ra nước ngoài.

    thuong hieu coop mart bi danh cap 1
    Logo Co.opmart bất ngờ xuất hiện giữa khu chợ người Việt tại thành phố Melbourne (Úc)

    Sáng 5.10, ông Nguyễn Ngọc Luận, CEO công ty chuyên về sản xuất cà phê nông sản Meet More trong lúc đang khảo sát thị trường bán lẻ tại Úc đã phát hiện một siêu thị bách hóa tổng hợp mang logo của Co.opmart - thương hiệu bán lẻ quen thuộc tại Việt Nam. 

    Chia sẻ với PV Thanh Niên, ông Nguyễn Ngọc Luận thắc mắc: "Mấy hôm trước tôi nghe nói về siêu thị Co.opmart có mặt tại Úc rồi. Hôm nay, trong lúc khảo sát thị trường tại thành phố Melbourne, bang Victoria (Úc) thì bất ngờ nhìn thấy cửa hàng mang thương hiệu, logo của Co.opmart. Hàng hóa tại đây đa phần cũng là sản phẩm sản xuất tại Việt Nam như mì gói, phở ăn liền, cà phê, thực phẩm khô... Tuy nhiên, tôi quan sát thấy cách bài trí không ngăn nắp như phong cách của hệ thống Co.opmart trong nước". 

    thuong hieu coop mart bi danh cap 1
    Cửa hàng mang thương hiệu Co.opmart tại Úc hoàn toàn không đươc chủ sở hữu tại Việt Nam nhượng quyền hay đầu tư

    Từ thông tin của ông Nguyễn Ngọc Luận cung cấp, chúng tôi đã truy cập vào địa chỉ website của cửa hàng này tại Úc, địa chỉ tại 182b đường Duke, Braybrook 3019, bang Victoria. Thông tin trên website bằng tiếng Anh không đề cập đến hệ thống Co.opmart tại Việt Nam và không thể hiện có sự liên quan gì. 

    Để xác minh, chúng tôi đã gửi thông tin hình ảnh và các chi tiết nói trên cho đại diện Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP.HCM. Ông Nguyễn Ngọc Thắng - Giám đốc vận hành chuỗi Co.opmart, tỏ ra bất ngờ và khẳng định: Thương hiệu Co.opmart là siêu thị thuần Việt ra đời từ năm 1996, được vận hành bởi Saigon Co.op, mô hình kinh tế tập thể hợp tác xã khá đặc biệt hiếm hoi thành công hơn 3 thập kỷ tại Việt Nam. Thương hiệu Co.opmart mới đây còn được Tổ chức kỷ lục Việt Nam xác nhận "Thương hiệu siêu thị thuần Việt lâu đời nhất Việt Nam". Đến thời điểm hiện tại, Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP.HCM (Saigon Co.op) chưa đầu tư xây dựng siêu thị và chưa nhượng quyền thương hiệu siêu thị Co.opmart cho bất kỳ nhà đầu tư nước ngoài nào vì muốn gìn giữ và phát triển thương hiệu siêu thị thuần Việt Co.opmart có từ lâu đời, đã trở nên thân quen với người Việt Nam. Đối với việc thương hiệu Co.opmart bị "nhái" ở nước ngoài, Saigon Co.op sẽ tiếp tục theo dõi và liên hệ với các tổ chức liên quan để có bước xứ lý tiếp theo. 

    thuong hieu coop mart bi danh cap 1
    Thương hiệu Co.opmart đã được xác nhận kỷ lục là hệ thống siêu thị thuần Việt lâu đời nhất Việt Nam. Ảnh: SGC

    Nhiều năm nay, câu chuyện thương hiệu Việt bị "nhái", đăng ký sở hữu tại nước ngoài đã nhiều lần xảy ra và gây bức xúc cho cả chủ sở hữu trong nước lẫn người tiêu dùng ở nước ngoài. Đơn cử như thương hiệu cà phê Trung Nguyên đã từng bị tranh chấp tại Mỹ, nước mắm Phú Quốc bị đăng ký tại Thái Lan, Trung Quốc hay nhiều mặt hàng khác cũng bị "phỗng tay trên". 

    Đối với trường hợp của thương hiệu Co.opmart, ông Nguyễn Ngọc Luận cho biết thêm: "Chỉ trong vòng vài giờ đồng hồ sau khi tôi chia sẻ thông tin, nhiều tổ chức như Ủy ban người Việt tại nước ngoài, một số thương vụ cũng đã liên hệ để nắm tình hình để có hướng bảo vệ thương hiệu của Việt Nam. 

    Theo Thanh Niên

  • Là giáo viên có thâm niên 10 năm, anh Đức vẫn xin nghỉ để sang Australia lao động dưới danh nghĩa đi du học. Tuy nhiên, ước vọng đổi đời của anh đã không thành hiện thực.

    Chi tiền tỷ tìm đường xuất ngoại

    Anh Toàn (50 tuổi, quê ở một huyện ven biển miền Trung), từng là giáo viên dạy môn Thể dục. 13 năm trước, anh xin nghỉ việc, sang Australia lao động.

    Năm 2019, anh trở về quê hương với tiền tỷ trong tay, hiện anh làm cầu nối cho những người có ý định đi các nước như Australia, Mỹ, Canada, Hàn Quốc… 

    di uc lam nong 1
    Người Việt lao động tại một nông trại ở Australia. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

    Đích đến của nhiều người là Australia bởi thị trường này có mức thu nhập đầy hứa hẹn. "Hiện nay, xuất ngoại theo con đường visa du học rất khó khăn bởi điều kiện cần là chứng chỉ IELTS từ 5.5 trở lên. Vì thế mọi người hay đi theo diện visa du lịch, chi phí từ 20.000- 25.000 USD tùy thuộc vào các “cò” báo giá”, anh Toàn cho biết.

    Giáo viên có công việc ổn định, được đóng bảo hiểm xã hội là điều kiện chứng minh họ sẽ quay về Việt Nam để làm việc nên tỉ lệ đậu visa du lịch thường cao so với các đối tượng khác.

    Anh Toàn có người bạn là giáo viên môn Sinh học tại một trường THPT, tìm đường sang Australia theo dạng kết hôn giả với người bản địa.

    Ban đầu, anh này xin nghỉ việc, sang Australia theo diện du học lên thạc sĩ, thời gian lưu trú là 2,5 năm. Sau đó, vợ chồng họ bàn nhau thuận tình ly hôn, nhờ “cò” tìm đối tượng để kết hôn giả với mức phí là 100.000 USD.

    Đổi lại người bạn này sẽ được thường trú ở Australia, được đảm bảo mọi quyền lợi và kéo dài thời gian lao động hợp pháp, thuận tiện đi về Việt Nam thăm gia đình.

    10 năm làm việc ở xứ người, anh Toàn cho biết những người nhập cư bất hợp pháp vào Australia, chính quyền sở tại không truy quét gắt gao như các nước khác. Tuy nhiên chi phí cho một suất đi Australia cao khiến các đồng nghiệp của anh đều chịu áp lực trả nợ rất lớn. Có khi họ phải dùng cả gia tài thế chấp ở ngân hàng.

    Chi phí phải trả cho "tấm vé" xuất ngoại quá cao nên nhiều người chấp nhận bước chân vào con đường phạm pháp - trồng cần sa, để nhanh có tiền trả nợ và thực hiện ước vọng đổi đời.

    “Không ít giáo viên tới Australia bằng mọi giá. Nhưng chuyến đi không giúp họ đổi đời mà rơi vào cảnh tù tội”, anh Toàn nói.

    Sự đánh đổi sau đồng ngoại tệ

    Anh Đức (47 tuổi, ở TP Hà Tĩnh) là một trường hợp như vậy. “Vào tù, tôi mới biết có nhiều người cũng từng là giáo viên như tôi, muốn làm giàu nhanh chóng nên bất chấp theo con đường phi pháp”, anh Đức mở đầu với VietNamNet về câu chuyện cuộc đời mình.

    Anh Đức tốt nghiệp đại học ngành Sư phạm. Trước năm 2013, anh là thầy giáo, có 10 năm dạy học ở một trường THPT. Thời điểm đó, không bằng lòng với cuộc sống hiện tại, anh cùng vợ (cũng là giáo viên), từ bỏ bục giảng, gửi con cho ông bà, tìm đường sang Australia.

    Năm 2013, dưới danh nghĩa đi du học, vợ chồng anh tới Australia. Cũng giống như nhiều người khác, du học chỉ là vỏ bọc, khi sang đến nơi, vợ chồng anh nhanh chóng tìm việc làm.

    di uc lam nong 1
    Người Việt đang thu hoạch nông sản ở trang trại Australia. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

    Năm đầu lạ lẫm ở xứ người, anh chỉ chọn các công việc lao động chân tay. Thời gian đó, anh bị choáng ngợp bởi nhiều người Việt trên đất Australia sống nhàn nhã nhưng tiêu tiền không tiếc tay.

    Tháng 4/2014, anh Đức bước chân vào thế giới ngầm trồng cần sa - thế giới mà những người trong cuộc dùng nhiều từ lóng để ám chỉ như “trồng cần”, “trồng cỏ”, “canh mèo” và phải dùng mọi thủ đoạn để qua mặt cảnh sát sở tại.

    Những vụ đầu, anh cùng 3 người khác được chủ thuê cho các căn biệt thự cao cấp để ở và cũng chính là nơi ngụy trang để "trồng cỏ”, lợi nhuận ăn chia theo tỷ lệ chủ 70%, lao động 30%.

    Trong vòng 2 năm, anh trở thành thợ trồng cần sa chuyên nghiệp, thay đổi chỗ ở liên tục, dùng nhiều mánh khóe để qua mặt cảnh sát. Lợi nhuận cao, anh kiếm rất nhiều tiền một cách dễ dàng.

    Cuối năm 2015, có số tài sản kha khá, anh Đức cho vợ trở về Việt Nam để tiện chăm sóc con. Không can tâm làm thuê, anh tích lũy vốn rồi quay sang làm chủ. Thời điểm đó, anh thuê 4 căn biệt thự cao cấp để làm 4 nơi trồng cần sa.

    Trong đầu người đàn ông này dự tính thu hoạch xong vụ cuối sẽ "rút chân" và trở về quê hương. Tuy nhiên, mọi việc không như mong đợi của anh Đức. Một ngày tháng 7/2017, khi anh đang thu hoạch cần sa ở căn biệt thự thứ 2, cảnh sát ập đến. Anh bị bắt giữ cùng với tang vật 64kg cần sa tươi và 150 cây cần sa đang trồng trong chậu.

    “Cái ngày đen tối đó tôi không bao giờ quên. Khoảnh khắc cảnh sát dí súng lên đầu, đeo còng số 8 khiến tôi sợ hãi và hối hận tột đỉnh”, anh Đức nói.

    Cái giá phải trả cho việc làm phạm pháp là 10 lần hầu tòa và 34 tháng ở trong ngục, trải qua 8 nhà tù quản chế nghiêm ngặt.

    Trong những năm tháng ở tù, cảm giác cô đơn khi không một lần được người thân thăm hỏi, anh Đức càng hối hận, day dứt. Bằng mọi cách tìm đường xuất ngoại, cuối cùng anh hoàn toàn trắng tay. Càng tuyệt vọng hơn khi mái ấm gia đình anh cũng không giữ được. Năm 2020, anh ra tù và trở về quê hương với tư cách là một công dân Việt Nam bị trục xuất về nước.

    Anh Đức tâm sự, nỗi đau lớn nhất là 7 năm xa xứ, anh phải đánh đổi không được chứng kiến tuổi thơ của các con. Các con anh thiếu đi tình thương, sự dạy bảo của người cha. Nhưng cuối cùng khi về quê, gia đình tan vỡ, anh vẫn không cho các con được một mái ấm trọn vẹn.

    Theo Vietnamnet (tên nhân vật đã được thay đổi)

  • Tại Úc, trên các vỉa hè ở những khu người Việt như Cabramatta, Banstown, hình ảnh các bà, các chị bán hàng rong không còn xa lạ. Phải chăng đây là những niềm vui lúc tuổi già?

    ban hang rong tai uc 3

    Theo đó, dọc con đường Chapel ở Bankstown, chỗ tập trung có nhiều shop bán hàng tạp hoá, cá, thịt, thường có những bác lớn tuổi ngồi bên vỉa hè bán ít rau, ớt để trong thùng xốp nhỏ. Được biết, ngày thường thì lát đác 1-2 hàng. Thứ bảy, Chủ nhật thì đông hơn, khoảng 4-5 người bán.

    Chia sẻ trên SBS, bà Hồng, 66 tuổi, bán rau ở đây hơn một năm cho hay, ở đây già cả chán lắm, ngồi ở nhà mình coi phim riết rồi bệnh chớ không đi chỗ này chỗ kia được.

    Bà cho hay, cách đây vài năm, bà bắt đầu trồng rau, trái ăn, để có chút niềm vui tuổi già. Rồi rau trái ra nhiều ăn không hết, bà mới nghĩ đem ra đây bán. Sáng bà dậy 6 giờ, tưới nước cho vườn rau, cắt rau trái bỏ vào xe đẩy rồi đón bus ra chợ bán. Bữa nào nhiều hái được nhiều thì bà nhờ con trai chở giùm.

    ban hang rong tai uc 3
    Gánh hàng rau bán rong của người Việt

    Theo đó, một năm bà bán được 3 mùa. Mùa hè, mùa thu thì có bầu, bí, khổ qua, rau thơm, ớt. Mùa đông thì có su hào, cải bẹ xanh. Mùa xuân thì ủ đất, gieo hạt.

    Bà Hồng kể: “Một ngày tui bán từ 8 giờ sáng tới 5 giờ chiều, bữa nào bán nhiều được khoảng 70 đồng. Tiền một phần tui để giành đi holiday, còn lại làm từ thiện, đi chùa và giúp đỡ người nghèo. Tuổi già có đồng ra đồng vô để mình thích gì làm nấy cho vui,”.

    Còn theo một người Việt 57 tuổi, bà bán rau ở đây đã được gần 4 năm. Bà cho biết, lúc đầu trồng rau để ăn, sau nhiều quá thì đem cho hàng xóm, cho người quen. Rồi đi chợ thấy người ta bán vỉa hè nên mình cũng bắt chước đem ra bán. Thấy bán được nên rủ anh chị em cùng trồng rau trái rồi tui gom lại đem ra bán giùm luôn.

    Những người bán ở vỉa hè đều biết những điều họ làm là không đúng luật, nhưng họ vẫn thích buôn bán bởi lẽ như các bà, các cô cho rằng: “Rau trái trồng trong vườn dư ăn không hết” và“tuổi già kiếm ít đồng để tiêu xài cũng là niềm vui”.

    Tintucnuocuc (theo SBS)

  • Đang mơ màng nghĩ chuyện đi chơi vào giữa thu đầu đông 2023? Jetstar đang giảm giá vé rất mềm.

    Người Úc đang lập kế hoạch cho những chuyến đi chơi trong năm mới có thể gặp may khi đọc đến đây, với hãng hàng không Jetstar đang chào mời vé cho các chuyến bay nội địa với giá rẻ, xuống tới $39 đô la trong tuần này trong chương trình Giảm giá Mùa xuân của hãng.

    Chương trình bao gồm hơn 300.000 vé trên 86 đường bay nội địa, xuyên biển Tasman, và quốc tế.

    Người Việt ở Úc sống đông đúc nhất ở hai tiểu bang New South Wales và Victoria. Theo Census 2021, Victoria dẫn đầu với 118.801 người nói tiếng Việt, theo sát là New South Wales với 117.907 người.

    jetstar giam gia ve Uc Viet

    Đợt giảm giá này của Jetstar có thể khiến người Việt hài lòng, khi giá vé đi lại giữa Sydney và Melbourne rẻ nhất trên bảng giảm giá vé lần này, với chỉ $39 một lần bay, cả hai chiều giữa Sydney – Melbourne (Avalon) trong hai giai đoạn 01/02 – 05/04/2023 và 27/04 – 21/06/2023.

    Giá vé rẻ nhất $39 này còn có trên đường bay nội địa giữa Lauceston – Mebourne (Tullamarine), Sydney – Ballina Byron.

    Ngoài ra còn có giá vé trên 17 đường bay quốc tế của Jetstar, rẻ nhất từ $139 cho Darwin đến Bali (Denpasar) và chín đường bay xuyên Tasman từ $175 ví dụ Gold Coast đến Christchurch. Ngày đi khác nhau tùy theo hành trình, nhưng bắt đầu từ đầu tháng Mười 2022 và kéo dài đến cuối tháng Sáu 2023.

    Vé về Việt Nam với chỉ $195 một chiều trong đợt này cho năm 2023 có Sydney đi Ho Chi Minh City thời gian 31/01 đến 23/03, 27/04 đến 20/06 và 18/07 đến 31/08.

    Tương tự giá vé $195 cũng cho Melbourne (Tullamarine) đi Ho Chi Minh City thời gian, 03/02 đến 25/03, 01/05 đến 12/06, và 17/07 đến 28/08.

    Chương trình giảm giá công khai từ trưa thứ Ba đến đêm Chủ Nhật trừ khi hết vé giảm giá trước đó.

    Không vướng bận chuyện học hành của con cái (thời gian có vé giá rẻ không nằm trong kỳ nghỉ học) và hào hứng lên kế hoạch đi chơi? Săn vé tại link này https://www.jetstar.com/au/en/deals/spring-sale?dealsorig=*

    Theo SBS