• Một giáo sĩ Hồi giáo ở Myanmar, hiện làm việc tại Thái Lan, đã phải chịu nỗi đau mất 170 người thân trong trận động đất kinh hoàng ở Myanmar hôm 28/3.

    mat 170 nguoi than 1
    Soe Nay Oo là giáo sĩ Hồi giáo ở Myanmar nhưng hiện đang làm việc tại Thái Lan (Ảnh: BBC).

    Khi tiếng gọi cầu nguyện vang lên ở Sagaing hôm 28/3, hàng trăm người Hồi giáo đã vội vã đến 5 nhà thờ Hồi giáo ở miền trung Myanmar. Họ tổ chức buổi cầu nguyện thứ sáu cuối cùng của tháng Ramadan, khi chỉ còn vài ngày nữa là đến lễ hội Eid đánh dấu sự kết thúc của tháng lễ này.

    Nhưng không ai có thể ngờ rằng, chỉ sau đó ít giờ, vào lúc 12h51 giờ địa phương, một trận động đất chết chóc đã xảy ra. Ba nhà thờ Hồi giáo đã đổ sụp ngay lập tức, bao gồm nhà thờ lớn nhất, Myoma, khiến hầu hết mọi người bên trong thiệt mạng.

    Cách đó hàng trăm km, cựu giáo sĩ Hồi giáo của nhà thờ Myoma, ông Soe Nay Oo, đã cảm nhận được trận động đất ở thị trấn biên giới Mae Sot của Thái Lan.

    Trong những ngày tiếp theo, ông đã phải từng giờ gánh chịu nỗi đau khi khoảng 170 người thân, bạn bè và thành viên của giáo đoàn cũ thiệt mạng do động đất, chủ yếu là trong các nhà thờ Hồi giáo. Một số người là những nhân vật lãnh đạo trong cộng đồng Hồi giáo.

    "Tôi nghĩ về tất cả những người đã thiệt mạng, và con cái của các nạn nhân - một số là trẻ nhỏ. Tôi không thể kìm được nước mắt khi nói về điều này", ông nói. 

    Hơn 3.000 người đã thiệt mạng trong trận động đất xảy ra gần Sagaing và Mandalay, thành phố lớn thứ hai của Myanmar. Số người chết dự kiến sẽ tăng lên khi lực lượng cứu hộ tiếp tục kéo các thi thể ra khỏi đống đổ nát. Trong khi khu vực này nổi tiếng với những ngôi đền Phật giáo cổ kính, các thành phố này cũng là nơi sinh sống của một lượng lớn người Hồi giáo.

    Theo số liệu do nhà lãnh đạo Min Aung Hlaing đưa ra hôm 31/3, ước tính có khoảng 500 người Hồi giáo đã thiệt mạng khi đang cầu nguyện trong các nhà thờ.

    Những người chứng kiến ở Sagaing cho biết, con đường nơi có các nhà thờ Hồi giáo, Phố Myoma, là nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Nhiều ngôi nhà khác trên phố cũng đã bị sập.

    Hàng trăm người đã tìm nơi trú ẩn bên lề đường, hoặc vì họ hiện không có nhà cửa, hoặc quá sợ hãi không dám trở về nhà vì lo ngại dư chấn. Nguồn cung cấp thực phẩm được báo cáo là rất khan hiếm.

    Chỉ riêng tại Myoma, hơn 60 người được cho là đã bị đè bẹp trong vụ sập, trong khi nhiều người khác thiệt mạng trong các nhà thờ Hồi giáo Myodaw và Moekya. Nhiều thi thể vẫn đang được kéo ra ngoài trong ngày 1/4.

    Có dấu hiệu cho thấy những người trong các nhà thờ đã cố gắng tháo chạy nhưng vô vọng.

    Hiện ông Soe Nay Oo đang sống tại thành phố Mae Sot của Thái Lan cùng vợ và con gái, sau khi rời Myanmar ngay sau cuộc đảo chính vào năm 2021.

    Ông cho biết, có những thi thể được tìm thấy bên ngoài phòng cầu nguyện chính, tại khu vực rửa mặt. Một số người cũng được tìm thấy đang nắm chặt tay những người khác, như thể đang cố gắng kéo nhau ra khỏi tòa nhà đổ nát.

    Trong số nhiều người thân yêu mà Soe Nay Oo mất đi có một người họ hàng của vợ ông. Ông cho biết cái chết của bà là "điều đau đớn nhất mà tôi phải chịu đựng" trong 13 năm làm giáo sĩ Hồi giáo.

    "Bà ấy là người thể hiện tình yêu thương với chúng tôi nhiều nhất", Soe Nay Oo nói. "Mọi người trong gia đình đều yêu quý bà ấy. Sự mất mát này là không thể chịu đựng được đối với chúng tôi".

    Một người anh em họ khác của vợ ông, một doanh nhân được tôn kính, đã thực hiện cuộc hành hương Hồi giáo đến Mecca, cũng qua đời.

    "Ông ấy luôn gọi tôi là Nyi Lay (em trai trong tiếng Myanmar)… Khi tôi kết hôn với vợ mình, ông ấy nói rằng chúng tôi giờ đã là gia đình và ông ấy luôn đối xử với tôi như em trai của mình", Soe Nay Oo nói.

    "Ông ấy luôn ở bên chúng tôi bất cứ khi nào cần. Tôi đã mất đi những người mà mình yêu thương như anh em ruột thịt".

    Một số người bạn thân của ông đã qua đời bao gồm cựu giáo sĩ trợ lý của chính ông, người mà ông luôn tôn trọng vì "đạo đức nghề nghiệp và tài năng đáng kinh ngạc".

    Hiệu trưởng trường công lập địa phương, cũng là người phụ nữ duy nhất được ủy thác của nhà thờ Hồi giáo Myoma, cũng đã qua đời. Soe Nay Oo nhớ đến bà như một người có tấm lòng hào phóng, người thường tự bỏ tiền túi ra trả cho các chương trình của nhà thờ Hồi giáo.

    Ông cho biết mỗi lần nghe tin một người khác trong cộng đồng qua đời, ông lại trải qua một lần đau nhói. "Tôi cảm thấy đau khổ… điều đó luôn hiện về trong tâm trí tôi, những kỷ niệm mà tôi trân trọng về họ".

    Và ông cũng không quên sự thật rằng họ đã qua đời trong tháng Ramadan. "Tôi muốn nói rằng tất cả những người đã khuất đã trở về nhà của Thánh Allah. Họ sẽ được tưởng nhớ như những người tử vì đạo", ông nói.

    Giống những nơi khác ở Myanmar bị ảnh hưởng bởi trận động đất, cộng đồng này đang phải vật lộn để đối phó với số lượng thi thể quá tải.

    Tình hình trở nên phức tạp hơn do giao tranh liên tục giữa chính quyền quân sự và các nhóm kháng chiến. Nghĩa trang Hồi giáo ở Sagaing nằm gần một khu vực do Lực lượng Phòng vệ Nhân dân nổi dậy (PDF) kiểm soát và đã đóng cửa trong nhiều năm. 

    mat 170 nguoi than 1
    Nhiều đền chùa bị hư hại do động đất tại Myanmar (Ảnh: Reuters).

    Cộng đồng Hồi giáo ở thành phố Sagaing đã phải di chuyển thi thể người chết đến Mandalay, băng qua Sông Irrawaddy bằng cây cầu duy nhất nối liền hai thành phố, theo ông Soe Nay Oo.

    Thi thể của họ đang được để tại nhà thờ Hồi giáo lớn nhất Mandalay chờ chôn cất. Một số người đã không được chôn cất trong vòng 24 giờ qua sau khi qua đời theo truyền thống Hồi giáo.

    "Đối với người Hồi giáo, điều đáng buồn nhất là không thể tự mình chôn cất gia đình mình vào cuối cuộc hành trình", ông nói.

    Những người sống sót đã cố gắng giúp đỡ trong quá trình giải cứu, ngay cả khi đang phải đối mặt với chấn thương. "Một số người trong cộng đồng bảo tôi cầu nguyện cho họ. Thành thật mà nói, họ thậm chí không thể diễn tả nỗi mất mát của mình bằng lời khi tôi nói chuyện với họ".

    Thật khó để Soe Nay Oo xa rời cộng đồng cũ của mình. Giống nhiều người Myanmar khác đã di cư ra nước ngoài, ông cảm thấy tội lỗi của người sống sót.

    "Nếu tôi vẫn là imam (một chức vụ giáo sĩ của Hồi giáo), vào thời điểm xảy ra động đất, tôi sẽ đi cùng họ - tôi có thể chấp nhận điều đó một cách bình thản. Nếu không, ít nhất tôi cũng có thể ở đó để làm bất cứ điều gì tôi có thể. Bây giờ tôi không thể quay lại. Thật đau đớn khi nghĩ về điều đó".

    Soe Nay Oo bắt đầu nức nở: "Cảm giác buồn bã và thất vọng mà tôi đang có lúc này, tôi chưa bao giờ cảm thấy như vậy trong đời. Tôi là kiểu người đàn ông hiếm khi khóc"

    Ông cho biết thêm rằng, bản thân không thể ngủ trong nhiều ngày. Nỗi lo lắng  đã tăng lên vì vẫn chưa nghe tin tức từ một số thành viên trong gia đình, bao gồm cả anh chị em ruột của mình đang ở Mandalay.

    Soe Nay Oo đã tạm dừng công việc cho một nhóm nhân quyền ở Thái Lan và hiện đang giúp điều phối các nỗ lực cứu hộ ở Sagaing - chia sẻ bất kỳ thông tin nào có thể nhận được từ những người liên lạc của mình trong thành phố.

    Ông ước tính rằng ít nhất 1.000 người Hồi giáo trong khu vực đã bị ảnh hưởng và vẫn cần được hỗ trợ. "Tôi chỉ cảm thấy nhẹ nhõm khi có ai đó yêu cầu giúp đỡ và tôi có thể giúp họ", ông nói.

    Theo Dân Trí

  • Nhiều người bị thương nằm la liệt bên ngoài khoa cấp cứu bệnh viện 1.000 giường tại thủ đô Naypyidaw, Myanmar, sau trận động đất mạnh 7,7 độ richter khiến hơn 150 người thiệt mạng. 

    Nhiều người đau đớn, một số chưa hết bàng hoàng sau trận động đất chiều 28/3. Những nạn nhân liên tục được đưa đến bệnh viện bằng ôtô, xe bán tải và cáng, trên người bê bết máu và phủ đầy bụi.

    "Đây là khu vực có thương vong hàng loạt", một quan chức bệnh viện cho biết, đồng thời yêu cầu các nhà báo rời khỏi khu vực điều trị.

    dong dat myanmar 1
    Một người bị thương sau trận động đất được điều trị tại bệnh viện ở Naypyitaw, Myanmar. Ảnh: AFP

    Bản thân bệnh viện cũng chịu ảnh hưởng nghiêm trọng từ trận động đất, với mặt đường bị xé toạc và cong vênh sau khoảng 30 giây rung chuyển dữ dội. Khoa cấp cứu hư hại nặng, một ôtô bị đè bẹp dưới khối bêtông sập xuống từ lối vào. Một số nạn nhân khóc vì đau đớn, những người khác nằm bất động, trong khi người thân cố gắng trấn an họ. Dịch truyền chảy từ cánh tay, tạo nên khung cảnh hỗn loạn.

    "Hàng trăm người bị thương đang tiếp tục đến, nhưng tòa nhà cấp cứu cũng đã sập", đại diện lực lượng an ninh tại bệnh viện cho biết. Một số người ngồi sững sờ, ôm đầu, máu khô đóng cục trên mặt và tay chân. Tổng tư lệnh quân đội Myanmar, Min Aung Hlaing, đến thăm bệnh viện và người bị thương.

    Theo Cục Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS), tâm chấn trận động đất nằm ở phía tây bắc thành phố Sagaing, cách thủ đô Myanmar khoảng 250 km về phía nam. Một dư chấn mạnh 6,4 độ richter xảy ra ngay sau đó.

    dong dat myanmar 2
    Hoàng cung ở Mandalay, công trình từ thời thế kỷ 19, đổ sập sau động đất. Ảnh: MRT

    Nhóm phóng viên AFP có mặt tại Bảo tàng Quốc gia ở Naypyidaw khi trận động đất xảy ra, chứng kiến những mảng trần nhà rơi xuống và các vết nứt xuất hiện trên tường.

    Giao thông trên con đường dẫn đến một trong những bệnh viện lớn nhất Naypyidaw bị tắc nghẽn. Xe cứu thương len lỏi giữa dòng phương tiện, nhân viên y tế hối hả hô hoán, khẩn thiết xin nhường đường để đưa nạn nhân đến cấp cứu.

    Nhiều người trong bệnh viện hoảng loạn chạy ra ngoài, run rẩy và bật khóc, vội vã gọi điện cho người thân để kiểm tra tình hình.

    Chấn động từ trận động đất cũng được cảm nhận tại các nước láng giềng như Trung Quốc và Thái Lan, các tòa nhà ở Bangkok rung lắc mạnh.

    Worapat Sukthai, phó cảnh sát trưởng quận Bang Sue, Bangkok, cho biết ông nghe thấy tiếng người kêu cứu từ một tòa nhà 30 tầng đang xây dựng bị sập.

    dong dat myanmar 2
    Hư hại ở sân bay quốc tế Mandalay sau trận động đất. Ảnh: X/heungburma

    dong dat myanmar 2
    Cầu Ava mang tính biểu tượng của Mandalay sụp một số nhịp. Ảnh: X/@ensonbaskicom>

    dong dat myanmar 2
    Ngôi nhà bị nghiêng ở Mandalay, Myanmar sau trận động đất. Ảnh: X/Lynlynthu

    "Chúng tôi ước tính có hàng trăm người bị thương, nhưng con số cụ thể vẫn đang được xác định. Tôi lo ngại nhiều người đã thiệt mạng. Đây là trận động đất có sức tàn phá lớn nhất mà chúng tôi từng trải qua", ông nói với AFP.

    Người dân Bangkok, vốn quen với động đất, thường tìm kiếm không gian an toàn bên ngoài khi xảy ra rung chấn. Tuy nhiên, nhiều người cho biết cường độ lần này khiến họ bất ngờ.

    Attapong Sukyimnoi, một nhà môi giới, kể lại: "Tôi đang mua sắm trong trung tâm thương mại thì thấy biển báo rung lắc, lập tức chạy ra ngoài. Tôi biết mình phải tìm đến một không gian mở, đó là phản xạ tự nhiên".

    Một bác sĩ tại bệnh viện nói với AFP: "Số lượng người bị thương quá lớn, tôi chưa từng thấy tình huống nào như thế này. Chúng tôi đang cố gắng xoay xở, nhưng thực sự rất kiệt sức".

    Việt Nam cũng chịu dư chấn bởi trận động đất tại Myanmar. Nhiều nhà cao tầng ở Hà Nội, TP HCM rung lắc, nhiều người hoảng sợ đổ ra đường trong thời gian dư chấn.

    VnExpress (theo AFP)