Với nền tảng thương mại điện tử, người Trung Quốc đi theo triết lý đặt người bán hàng lên trước thay vì người mua hàng.
Dù đi sau các nền tảng thương mại đã quá nổi tiếng và có chỗ đứng vững chắc, các nền tảng thương mại trực tuyến của Trung Quốc vẫn chen chân được vào thị trường toàn cầu nhờ cách làm sáng tạo, ít ai nghĩ ra.
Nền tảng bán hàng Trung Quốc công phá toàn cầu
Sau đại dịch Covid-19, Liz Monroy trở thành một trong những người bán hàng dẫn đầu trên nền tảng thương mại điện tử Mỹ Latinh MercadoLibre.
Thương hiệu của cô, Distribuidora Cheap Price, chủ yếu bán buôn phụ kiện tóc, nhận khoảng 1.000 đơn đặt hàng mỗi tháng vào giữa năm 2021, mang lại doanh thu 15.000 USD.
Tiếp bước thành công, Monroy chuyển sang các nền tảng mua sắm khác để bán thêm sản phẩm. Lần đầu tiên cô cân nhắc sử dụng Amazon nhưng thấy quy trình trên đây khá khó hiểu.
"Bán hàng trên Amazon phức tạp như bán hàng cho cơ quan nhà nước, họ yêu cầu nhiều tài liệu và quá trình trở thành người bán rất lâu", cô nói với Rest of World.
Sau đó, vào tháng 1, Shein liên lạc. Thương hiệu thời trang siêu nhanh do Trung Quốc thành lập đang mở rộng ra thị trường toàn cầu, cho phép các bên thứ ba tham gia bán hàng trên nền tảng ở Mexico.
Monroy cho biết mọi thứ ở Shein trực quan hơn nhiều. Amazon có những yêu cầu chặt chẽ hơn về tên doanh nghiệp và tài khoản ngân hàng, trong khi Shein lại phù hợp với những người bán mới bắt đầu.
Nền tảng này có các cố vấn ở Mexico giúp cô thiết lập tài khoản và thậm chí còn đưa ra thời gian miễn phí hoa hồng ban đầu là ba tháng.
Monroy đã bán được lượng hàng hóa trị giá 16.000 USD trên Shein kể từ khi ra mắt ở Mexico vào tháng 6 vừa qua. Công việc kinh doanh của cô phát triển nhanh hơn nhiều so với cả trên MercadoLibre. "Bất cứ thứ gì liên quan đến thời trang đều bán chạy trên Shein", cô nói.
Thu hút người bán hàng quốc tế là động thái mới nhất mà các nền tảng thương mại điện tử Trung Quốc tìm cách đa dạng hóa chuỗi cung ứng.
Bằng cách chuyển nhiều hoạt động ra bên ngoài đại lục, họ có thể đưa sản phẩm đến tay khách hàng quốc tế nhanh hơn và với chi phí thấp hơn, đồng thời củng cố hơn nữa hình ảnh với tư cách thương hiệu toàn cầu.
Trước khi ra mắt thị trường trong năm nay, Shein chỉ bán quần áo dưới nhãn hiệu riêng của mình. Hầu hết trong số này được sản xuất tại Trung Quốc, nhưng vào năm 2022, công ty đã thành lập các cơ sở phân phối ở Ba Lan, Mỹ và Canada, cũng như mở các nhà máy ở Brazil, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ .
Lợi thế chính của việc đa dạng hóa chuỗi cung ứng theo cách này là cắt giảm thời gian vận chuyển tới thị trường Châu Âu và Bắc Mỹ.
Chú trọng vào người bán
Theo Steve Peters, giám đốc điều hành công ty tư vấn chuỗi cung ứng Based Consulting, giảm thời gian vận chuyển, bên cạnh chính sách hoàn trả tốt hơn, là chìa khóa nếu Shein muốn cạnh tranh ở Mỹ với những gã khổng lồ như Amazon - công ty đã mất nhiều năm xây dựng doanh nghiệp có hệ thống hậu cần đáng gờm.
"Cách duy nhất để có thể cạnh tranh là có mặt trên thực địa và cung cấp dịch vụ tương tự", chuyên gia cho biết.
Shein không phải là nền tảng mua sắm duy nhất của Trung Quốc thu hút người bán quốc tế. Temu cũng đang mở rộng nền tảng để chào đón người bán hàng ở Mỹ. Trong khi đó, TikTok Shop có sự hiện diện mạnh mẽ ở Đông Nam Á và bắt đầu triển khai cho người bán ở Mỹ trong năm nay.
"Dịch vụ hậu cần được sắp xếp hợp lý của Shein là một phần quan trọng trong việc thu hút người bán hàng địa phương", Yadira Alcántara Monroy, người phụ trách quan hệ thương mại của Mexico, nói với Rest of World.
Tại Mexico, Shein hợp tác với J&T Express, công ty hậu cần được thành lập ở Indonesia, nhận hàng trực tiếp từ địa điểm của người bán để giao hàng. Ngược lại, MercadoLibre yêu cầu người bán bên ngoài trung tâm thành phố gửi từng đơn hàng đến kho của mình và phải chịu phí lưu kho kéo dài.
Monroy, người bán phụ kiện tóc, cho biết phương thức giao hàng sáng tạo của Shein đã tiết kiệm chi phí. Sau thời gian miễn phí hoa hồng, cô trả phí 10% cộng với phí vận chuyển cho các gói hàng bán trên Shein, so với 19% cộng với phí vận chuyển trên MercadoLibre.
Tương tự như vậy, TikTok Shop cũng đang có tốc độ phát triển khả quan.
"Rất nhiều thương hiệu và người bán hiện sử dụng TikTok, họ nhận được rất nhiều tiền lại quả", Paul Harvey, người sáng lập và chủ sở hữu của Rankster, công ty chuyên thực hiện các chiến dịch quảng cáo TikTok, nói với Rest of World.
Trong đó, TikTok đề nghị trợ cấp giảm giá cho các sản phẩm nếu người bán tham gia chương trình khuyến mãi Black Friday.
Đối với một số người bán, nền tảng mới cung cấp giải pháp thay thế ở những quốc gia nơi Amazon chiếm ưu thế.
Steven Pope, người hiện đang bán sản phẩm trên Amazon với thương hiệu xà phòng Age of Sage của Mỹ, đang hy vọng bắt đầu bán hàng trên TikTok. Chi phí quảng cáo trên Amazon tăng cao đã khiến các nền tảng như TikTok trở nên hấp dẫn hơn.
"Tuyên bố sứ mệnh của Amazon là nền tảng lấy khách hàng làm trung tâm nhất trên thế giới. Hãy chú ý từ khách hàng chứ không phải người bán", Pope nói. "Vì vậy, TikTok hoặc Temu hay bất kể là gì, nếu họ đối xử với người bán tốt hơn, chúng tôi sẽ đổ xô đến các nền tảng đó", ông nói.
Theo Đời sống & Pháp luật