• Chính quyền Nga đã bắt giữ một người đàn ông xây dựng đồn biên phòng giả trong khu rừng gần biên giới với Phần Lan và hứa với các lao động nhập cư rằng anh ta có thể đưa họ vào EU.

    Người đàn ông đã dựng lên các đồn biên phòng giả và thu của bốn người từ Nam Á hơn 10.000 USD với lời hứa đưa họ đến Phần Lan, thành viên Liên minh châu Âu (EU), lực lượng biên phòng Nga cho biết hôm 4/12.

    "Người đàn ông không bao giờ lên kế hoạch để thực hiện lời hứa của mình", hãng thông tấn Interfax đưa tin.

    Nhà chức trách không nêu rõ quốc tịch của những người di cư liên quan đến vụ việc xảy ra vào ngày 28/11.

    Một trạm kiểm soát ở biên giới Phần Lan-Nga. Ảnh: AP

    Anh ta đã dựng các cột hàng rào giả đánh dấu biên giới nhà nước giữa Nga và Phần Lan và đưa cả nhóm đi trên tuyến đường quanh co ở khu vực Vyborg bằng xe hơi và đi bộ và còn lượn quanh hồ trên chiếc thuyền bơm hơi, "để đề phòng". Cả năm người sau đó đã bị bắt giữ.

    Đoạn video cho thấy những người đàn ông đứng trong bóng tối giữa những cây thông, giơ tay lên trời.

    Hôm 4/12, một tòa án ở Saint Petersburg đã phạt những người di cư và ra lệnh trục xuất họ.

    Theo Guardian, người đàn ông đứng đằng sau kế hoạch buôn người đến từ Trung Á và có thể bị buộc tội lừa đảo.

    Nga có chung biên giới với một số quốc gia EU và nhiều người tìm kiếm một cuộc sống tốt hơn ở châu Âu thông qua Nga.

    Theo Zing

  • Một người đàn ông trẻ tuổi ở thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên mới đây nói với VOA rằng ông là “nạn nhân” của một đường dây đưa lậu người sang Mỹ làm việc chui, đã quay về Việt Nam và hiện đang bị đường dây này “uy hiếp” buộc phải trả món nợ hàng trăm triệu đồng cho chuyến đi.

    Ông Lâm Nguyên Bách, 31 tuổi, cho biết sự việc bắt đầu từ giữa năm 2017, khi một người bạn cùng tuổi tên là Hồ Hoàng Chương từ Mỹ về gặp và “mời” ông Bách đi làm nghề đánh bắt cua ở bang North Carolina với thu nhập từ 4.000 đến 5.000 đô la/tháng.

    Một đường dây giúp ông Lâm Nguyên Bách lấy visa du lịch Mỹ để đi làm chui, tháng 9/2017.

    “Việt kiều” Chương thỏa thuận miệng với ông Bách rằng chi phí để thu xếp cho ông sang Mỹ là 15.000 đô la (khoảng 350 triệu đồng). Số tiền này dùng để dựng lên một bộ hồ sơ giả nhằm xin visa du lịch Mỹ cho ông Bách.

    Khi ông bắt đầu đi làm ở Mỹ và đạt được thu nhập như đã hứa hẹn, tiền lương đó sẽ được trừ dần để trả cho số tiền phí 15.000 đô la, theo thỏa thuận, ông Bách kể lại.

    Có thể hoàn cảnh của cá nhân ông Bách và điều kiện của gia đình ông đã làm ông trở thành “mục tiêu” của ông Chương. Ông Bách lý giải với VOA:

    “Tại vì ông Chương biết tôi lúc này đang là lao động tự do, không có nghề nghiệp ổn định và tôi có 3 con, thì ông Chương nhắm vào tôi. Sau này tôi biết chắc là ông nhắm vào bố mẹ tôi, ông nhìn vào số tài sản của bố mẹ tôi để sau khi đưa tôi qua Mỹ sẽ quay về đòi nợ bố mẹ tôi, chứ không phải là cho tôi một công ăn việc làm ổn định”.

    Qua mặt Tổng Lãnh sự quán Mỹ

    Việc tạo ra một bộ hồ sơ giả để xin visa có sự tham gia của ít nhất 2 người bên Mỹ và 3 người ở Việt Nam, ông Bách cho VOA biết.

    Theo đó, “Việt kiều” Chương và một “Việt kiều” nữa có tên Lâm Nguyên Quang, 66 tuổi, “chế” ra một bức thư trong đó nói ông Quang, quốc tịch Mỹ, sống ở Oakland, bang California, là cha ruột của ông Lâm Nguyên Bách, mời ông Bách sang thăm.

    Cùng lúc, đầu đường dây bên Việt Nam “phù phép” biến ông Bách thành một nhân viên có thâm niên 3 năm tại Tập đoàn FPT với thu nhập 1.000 đô la/tháng, sinh sống tại một địa chỉ giả ở quận 7, thành phố Hồ Chí Minh, cũng như có sổ tiết kiệm650 triệu đồng tại một ngân hàng.

    Thông tin giả ông Lâm Nguyên Bách phải học thuộc để đi phỏng vấn visa Mỹ, 2017.

    Khoảng cuối tháng 8/2017, theo yêu cầu của đường dây, ông Bách tới Tp. HCM và ở đó nhiều ngày để “luyện tập” hỏi đáp về các thông tin giả, chuẩn bị cho cuộc phỏng vấn visa tại Tổng Lãnh sự quán Mỹ. Ông Bách kể lại:

    “Họ đưa tôi các giấy tờ họ làm giả, yêu cầu tôi học thuộc, để khi vào Đại sứ quán Mỹ [nguyên văn] chắc chắn những câu hỏi này người của Đại sứ quán Mỹ sẽ hỏi tôi. Và họ cam kết với tôi là hồ sơ chắc chắn sẽ đậu 100%”.

    Làm theo những chỉ dẫn này, ông Bách được Tổng LSQ Mỹ cấp visa vào cuối tháng 9/2017 và 6 tháng sau, tháng 3/2018, ông Chương về Việt Nam đón và đưa ông Bách sang Mỹ.

    “Ông Chương này rất nhiều lần về Việt Nam. Mỗi lần về, ông lại dẫn một người sang Mỹ”, ông Bách nói với VOA.

    VOA cố gắng liên lạc với cả 5 nhân vật trong đường dây, gồm ông Chương, ông Quang, và 3 người ở Việt Nam, nhưng tất cả những người này đều không hồi đáp.

    Thất vọng, bỏ cuộc

    Hạ cánh xuống đất Mỹ, ngày đầu tiên của ông Bách là một chuyến đi dài trên 1 chiếc xe bán tải do ông Chương cầm lái, đi đến “nơi xa xôi hẻo lánh nhất” của North Carolina, ở miền trung Bờ Đông nước Mỹ.

    Ông Chương không có sẵn nơi ở tại địa điểm đó và mất 2, 3 ngày “đi loanh quanh” để thuê nơi ở, ông Bách nhớ lại.

    Tiếp đến, ông Chương giao ông Bách thu dọn đồ trên một con thuyền. Sau 10 ngày, ông Bách hoàn thành công việc, ông Chương bán hết số đồ đó và mới “nói thật” rằng “nghề cua mất mùa 2 năm nay, không làm được nghề cua nữa”.

    Giải pháp được ông Chương đưa ra là ông ta sẽ đưa ông Bách tìm nghề khác mà ông Bách chấp nhận được.

    Ông Lâm Nguyên Bách có vài ngày vui vẻ khi mới đến Mỹ, 2018.

    Trong trạng thái hoang mang, xem như “đã bị lừa”, ông Bách phó mặc cho ông Chương “chở đi loanh quanh” cho đến khi được giới thiệu “làm phụ hồ” cho một Việt kiều làm nghề mua nhà cũ, sửa lại để bán.

    Người chủ thầu này đồng ý thuê ông Bách, cũng như cho ông được thuê chỗ ngủ là phòng khách với giá 300 đô la/tháng. Sau khoảng 25 ngày làm việc, ông Bách bỏ cuộc. Ông nói:

    “Tôi quyết định là tôi không thể nào đi làm thế này được. Tại vì đầu tiên là làm không có bảo hiểm, bị tai nạn lao động là tôi phải chịu hết. Thứ hai, nghề này không ổn định vì ông chủ thầu này khi nào ông mua nhà ông mới kêu mình đi làm. Thứ ba, khi police [cảnh sát] tới, ông không bảo đảm cho tôi là police có bắt tôi hay không. Tôi không thể nảo làm việc chui ở nước Mỹ trong tình trạng hoảng loạn và lo sợ như vậy được”.

    Để về nước, ông Bách liên lạc với một người bà con xa của vợ, đi xe buýt mười mấy tiếng qua nhiều chặng đến bang Indiana, được đón ở đó rồi mua vé về Việt Nam.

    Trong khi có nhiều người ở Việt Nam xem nước Mỹ như một miền đất hứa, ước ao và bằng mọi giá để đến đó, chấp nhận làm những việc phạm pháp, ông Bách lại bỏ về. Ông phân tích thêm vớiVOA vì sao ông lại suy nghĩ, hành động trái ngược nhiều người khác:

    “Cơ hội công việc làm ở Mỹ rất nhiều, ví dụ như làm nail, thứ hai là làm phụ hồ như tôi, thứ ba là làm nghề biển, thứ tư là người ta trốn ở những nơi nấu ăn, nhà bếp, làm rửa chén, phục vụ. Những việc này chỉ phù hợp với những gia đình có quốc tịch Mỹ chấp nhận bao che, bao bọc cho gia đình họ qua Mỹ theo diện đi bất hợp pháp. Còn những người như tôi không có gia đình, họ hàng thân thích bên Mỹ sẽ rất dễ và chắc chắn sẽ bị cảnh sát bắt khi lao động chui”.

    Những người lao động chui cũng không có bảo hiểm và các quyền lợi như các công dân Mỹ, thậm chí điều xấu nhất có thể xảy ra là “chết ở một nơi nào đó trên đất Mỹ mà không ai biết tới”, đó là điều mọi người cần hiểu, ông Bách nói thêm.

    Côn đồ đòi nợ, nhà chức trách im lặng

    Không lâu sau khi ông Bách về đến nhà, ông Chương và những người trong đường dây tìm đến, “đòi nợ” về số tiền làm hồ sơ giả cho chuyến đi Mỹ.

    Ông Bách cho rằng thỏa thuận về công việc đã không đạt được như hứa hẹn, đồng thời yêu cẩu ông Chương chứng minh bằng giấy tờ về khoản nợ. Đáp lại, ông Chương “thuê dân xã hội đen’ đến bao vây nhà ông Bách, uy hiếp gia đình, kể cả bố mẹ ông Bách cho đến tận thời điểm hiện nay, tháng 11/2019.

    Phải chịu cảnh bị đe dọa, quấy rối kéo dài, ông Bách quyết định tố cáo đường dây làm hồ sơ giả với Tổng Lãnh sự quán Mỹ và công an địa phương, cho dù việc này cũng có thể ảnh hưởng trực tiếp đến ông vì ông đã tham gia một hoạt động không đúng luật. Ông đưa ra lý do:

    “Hiện tại là bố mẹ tôi đã già, con tôi đang nhỏ, mà những thế lực côn đồ không đi tìm tôi mà quyết định tìm tới những người thân của tôi. Tôi không thể nào để các thế lực này cứ xuống gia đình mình, uy hiếp gia đình, bố mẹ và con cái mình được. Đó là động lực để tôi tố cáo vụ án này. Tôi chấp nhận sẽ bị chịu trách nhiệm trước pháp luật. Tôi tố cáo hành động này thì mong pháp luật hãy làm đến nơi đến chốn”.

    "Dân xã hội đen" bao vây, hăm dọa gia đình ông Lâm Nguyên Bách, 2019.

    Trong một năm qua, ông Bách cùng gia đình đã trình báo cho nhà chức trách địa phương với đầy đủ các thông tin. Nhưng mãi cho đến ngày 12/11 bộ phận công an kinh tế thành phố Tuy Hòa mới mời mẹ của ông Bách đến hỏi câu chuyện phát sinh ra khoản nợ là như thế nào, chưa có bất cứ động thái gì điều tra về “đường dây làm hồ sơ giả để đi Mỹ”.

    Cũng trong thời gian qua, ông Bách và người thân đã gọi điện và nhiều lần gửi email tố cáo đến Tổng LSQ Mỹ, nhưng “chưa thấy phản hồi gì”. Ông cho biết:

    “Tôi có gọi điện đến Lãnh sự quán Mỹ ở Việt Nam. Người tiếp nhận thông tin của tôi ở LSQ Mỹ thì tôi có cảm giác là người này rất là thờ ơ, và người này nói với tôi là ‘không đủ thông tin’ về ông Chương, người này không chấp nhận và cúp máy”.

    VOA liên lạc bằng email đến Tổng LSQ Mỹ ở TP.HCM để tìm hiểu xem cơ quan ngoại giao này xử lý thư tố cáo của ông Bách ra sao, nhưng chưa nhận được câu trả lời của họ

    Một cựu nhân viên Tổng LSQ Mỹ có thâm niên lâu năm, am hiểu về việc xét cấp visa Mỹ cho VOA biết có “vô số” các vụ làm giả hồ sơ xin visa Mỹ, và mặc dù Tổng LSQ không ngừng tiến hành điều tra nhưng “không thể” xử lý hết, số vụ bị phát hiện chỉ là “phần nổi của tảng băng”.

    Lời tố cáo của ông Bách về đường dây đưa lậu người đi Mỹ làm chui được công khai với báo chí chỉ ít ngày sau khi xảy ra vụ việc đau lòng ở Anh, trong đó 39 di dân lậu người Việt bị phát hiện đã chết trong một xe container đông lạnh.

    Ông Bách khẳng định với VOA rằng đi lậu sang Mỹ là một “sai lầm” và khuyên rằng những người muốn đi Mỹ hãy đi “đàng hoàng”, nhờ người thân bảo lãnh đúng luật.

    Theo VOA Tiếng Việt

  • Mới đây, một nạn nhân đã rơi vào cạm bẫy website giả mạo khi lên mạng nộp đơn nhập quốc tịch Úc. Nạn nhân này bị mất tiền và mất nhiều thông tin cá nhân quan trọng.

    Theo SBS Vietnamese đưa tin, vào tuần trước, Selina Stanley – người đã sống tại Úc nhiều năm với tư cách thường trú nhân, lên mạng để điền đơn xin nhập tịch Úc.

    “Tôi chọn kết quả đầu tiên trong kết quả tìm kiếm, và trang mạng có vẻ rất thật, khi trang này bắt mình phải qua bài kiểm tra xem có đủ điều kiện xin nhập quốc tịch chưa. Thậm chí còn báo sai nếu bạn trả lời không đúng câu hỏi.

    Selina Stanley – người đã sống tại Úc nhiều năm với tư cách thường trú nhân, lên mạng để điền đơn xin nhập tịch Úc.

    “Tôi điền hết mọi thông tin cá nhân của mình, bao gồm bằng lái xe, chi tiết sổ thông hành, tên của cha mẹ và các anh chị em của tôi, chi tiết tất cả các ngày đến và rời đi của tôi trong sáu năm qua, bốn địa chỉ tôi đã từng sống và hơn thế nữa.” cô Stanley kể với SBS Punjabi.

    Trang mạng giả mạo này yêu cầu cô điền vào form 1300t – mẫu đơn hiện hành của Bộ Di trú và Quốc tịch.

    Sau đó, trang mạng này đòi tính phí ‘dịch vụ’ là 160 đô la. Stanley đã đóng mức phí này và mong chờ bước tiếp theo sẽ là tải lên những giấy tờ tùy thân của mình. Nhưng điều cô mong chờ đã… không xảy ra! Stanley nhận ra, ngay cả lựa chọn cuối cùng là phần ‘liên lạc với chúng tôi’ cũng không hoạt động, cô biết mình đã bị lừa.

    Trang mạng giả mạo này yêu cầu cô điền vào form 1300t – mẫu đơn hiện hành của Bộ Di trú và Quốc tịch.

    “Tôi có thể chấp nhận được chuyện mình bị mất 160 đô la, không có vấn đề gì – nhưng bị mất thông tin cá nhân của mình là chuyện rất đáng sợ…Tôi cảm thấy mình bị xâm phạm nặng nề. Tôi cảm thấy như thể tất cả giấy tờ cá nhân của tôi không còn là của tôi nữa. Tôi cảm thấy chuyện bị đánh cắp danh tính quá dễ xảy ra, và tôi cảm thấy rất lo lắng về điều này”, cô Stanley nói.

    Ngay sau khi biết mình bị trang mạng này lừa, cô Stanley đã lập tức gọi điện Bộ Di trú và Quốc tịch, trình báo về trang mạng giả mạo này.

    Theo lời Stanley kể lại, người phụ nữ nhận cuộc gọi trả lời “có, chúng tôi có biết”, rồi nói thêm Bộ không thể theo dõi hết tất cả các trang mạng giả danh ngoài kia; rồi người phụ nữ này đề nghị cô hãy nộp lại hồ sơ xin nhập tịch “một cách đúng đắn”.

    Tiền nộp về một tài khoản tận… Barcelona.

    “Đây chắc chắn là một vấn đề khiến Bộ Di trú và chính phủ phải quan tâm. Bộ có thông tin chi tiết của mọi thường trú nhân sống ở Úc, và rõ ràng là nếu họ nộp đơn xin nhập tịch Úc, rõ ràng họ đã phải ở Úc trong nhiều năm. Tại sao chính phủ không thông báo cho mọi người về sự gian lận tiềm tàng như vậy? Nếu tôi đã được thông báo, tôi chắc đã cảnh giác hơn”, cô Stanley nói.

    “Tôi đã gọi cho ngân hàng của mình ở Dublin, phải gọi lòng vòng, và chuyện đó thực sự rất căng thẳng. Chính phủ Úc tiếp nhận vần đề này một cách lười biếng và tôi rất buồn vì họ giữ lại những thông tin thế này.

    Nếu là quê nhà Ireland, nếu một tổ chức được thông báo về sự gian lận tương tự thế này, họ sẽ ngay lập tức gửi email đến khách hàng trong cơ sở dữ liệu của họ. Đơn giản vậy thôi mà chính phủ Úc không làm, không có chiến lược về chuyện thông báo cho mọi người,” cô Stanley than phiền.

    Đây là một lời cảnh báo cho chúng ta về vấn đề lừa đảo trên mạng. Hiện tội phạm lừa đảo hoạt động ngày càng tinh vi và khó lường nên bạn hãy thực sự tỉnh táo!

    Viethome (Theo SBS Vietnamese)