• Đây là một phần trong nỗ lực hạn chế người nhập cư bất hợp pháp và trục xuất gần 11 triệu người nhập cư trái phép tại Mỹ của chính quyền Tổng thống Donald Trump...

    thue kieu hoi
    Mỹ là quốc gia có lượng kiều hối gửi ra nước ngoài lớn nhất thế giới, với hơn 656 tỷ USD năm 2023 - Ảnh: Reuters

    Nằm trong dự luật giảm thuế mà ông Trump miêu tả là “lớn lao, đẹp đẽ” đã được Hạ viện Mỹ thông qua vào thứ Năm tuần trước, Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ đánh thuế 3,5% với kiều hối gửi từ Mỹ ra nước ngoài. Thuế này áp dụng với tất cả các khoản tiền gửi ra nước ngoài bởi người không có quốc tịch Mỹ.

    Đây là một phần trong nỗ lực hạn chế người nhập cư bất hợp pháp và trục xuất gần 11 triệu người nhập cư trái phép tại Mỹ.

    Theo các nhà phân tích, chính sách này có thể sẽ gây tổn hại nhiều nhất tới các hộ gia đình tại Trung Mỹ, đồng thời sẽ thúc đẩy người nhập cư ở Mỹ tìm các con đường phi chính thức để gửi tiền về quê nhà.

    Dữ liệu từ Ngân hàng Thế giới (WB), Mỹ là quốc gia có lượng kiều hối gửi ra nước ngoài lớn nhất thế giới, với hơn 656 tỷ USD năm 2023.

    Việc tăng thuế sẽ làm tăng chi phí kiều hối và đảo ngược nhiều năm nỗ lực của các nhà hoạch định chính sách trong việc tăng sức cạnh tranh cho các kênh chuyển tiền chính thức.

    Tuy nhiên, theo các chuyên gia, người nhập cư ở Mỹ vẫn có nhiều cách để lách luật. Ví dụ, họ có thể gửi nhờ bạn bè hoặc thành viên trong gia đình có quốc tịch Mỹ gửi tiền, sử dụng tiền điện tử hoặc thậm chí tham gia “chợ đen” của các dịch vụ tiền mặt phi chính thức để chuyển tiền ra nước ngoài.

    “Rõ ràng loại thuế này đánh trực tiếp lên người nghèo”, ông Andrew Selee, Chủ tịch Viện Chính sách Nhập cư (MPI) tại Washington, nhận xét với tờ báo Financial Times. “Việc đánh thuế như vậy cũng gây phiền toái cho công dân Mỹ khi gửi tiền ra nước ngoài, vì giờ đây họ sẽ phải xác nhận quốc tịch để có thể yêu cầu hoàn thuế theo quy định”.

    Một trong những quốc gia nhận kiều hối từ Mỹ nhiều nhất là Mexico với 65 tỷ USD năm ngoái. Đây là con số tương đương khoảng 4% GDP của Mexico và nhiều hơn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào nước này.

    Trước đó, Tổng thống Mexico Claudia Sheinbaum nhiều lần lên tiếng phản đối thuế kiều hối của Mỹ và gọi đây là một hình thức phân biệt đối xử. Đầu tháng này, Mexico thậm chí đã cử một phái đoàn nghị sĩ tới Washington để thảo luận với các nhà lập pháp Mỹ về vấn đề này.

    Tuy nhiên, theo các nhà kinh tế tại BBVA, chính sách trên của Mỹ sẽ chỉ có tác động nhỏ tới tài khoản vãng lai của Mexico.

    “Người nhập cư Mexico tại Mỹ có khả năng chịu các khoản chi phí tăng thêm khi gửi kiều hối tốt hơn so với các nhóm người nhập cư khác”, ông Jesús Cervantes González, giám đốc bộ phận thống kê tại Trung tâm nghiên cứu tiền tệ Mỹ Latinh, nhận xét. “Họ có thể hấp thụ phần chi phí tăng thuê do thuế này và lượng kiều hối gửi về Mexico sẽ không bị ảnh hưởng đáng kể”.

    Tại Trung Mỹ, các quốc gia nhận nhiều kiều hối từ Mỹ như El Salvador, Guatemala và Honduras vẫn chưa lên tiếng về chính sách thuế mới của Mỹ. Kiều hối từ Mỹ tương đương ít nhất 20% GDP của các quốc gia này.

    “Đây thực sự là con số rất lớn”, ông William Jackson, chuyên gia kinh tế trưởng về thị trường mới nổi tại Capital Economics, cho biết. “Điều này có thể khiến thu nhập trong nước của các quốc gia này giảm, kéo theo tiêu dùng giảm và khiến tình trạng tài khoản vãng lai xấu đi”.

    Ban đầu, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump dự kiến áp mức thuế kiều hối 5%. Theo ước tính của Ủy ban chung về thuế (JCT) thuộc Quốc hội Mỹ, với mức thuế này, số tiền thuế thu được sẽ tăng thêm 22 tỷ USD vào năm 2034, một con số không lớn so với các loại thuế khác. Do đó, giới phân tích cho rằng mục đích thực sự của chính sách này là nhằm gây khó khăn hơn cho người nhập cư bất hợp pháp tại Mỹ.

    “Người nhập cư Guatemala và Honduras tại Mỹ sẽ chịu tác động lớn nhất vì họ gửi phần lớn thu nhập của mình về quê nhà và có hoàn cảnh kinh tế khó khăn”, ông Cervantes González nhận xét và cho biết tỷ lệ người nhập cư từ hai quốc gia này tại Mỹ cao hơn so với những nơi khác.

    Giới chuyên gia cho rằng không dễ đo lường tác động của thuế kiều hối bởi có nhiều nhân tố tác động tới lượng kiều hối, bao gồm suy giảm kinh tế tại Mỹ, làn sóng gửi tiền trước khi ông Trump nhậm chức và chiến dịch trục xuất hàng loạt của chính quyền Trump.

    “Có thể sẽ có tác động nhưng tôi cho rằng mức độ sẽ không phải ở tầm vĩ mô”, ông Ricardo Barrientos, giám đốc Viện Nghiên cứu Tài khóa Trung Mỹ, nhận xét.

    Số lượng người nhập cư trái phép mới vào Mỹ đã giảm mạnh xuống mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ. Tuy nhiên, hiện tại, tốc độ trục xuất người nhập cư trái phiếu của chính quyền Trump đang thấp hơn so với chính quyền tiền nhiệm Joe Biden. Câu hỏi lớn nhất đặt ra lúc này là liệu ông Trump có thể hiện thực hóa cam kết trục xuất hàng loạt mà ông đã đưa ra trong chiến dịch tranh cử hay không.

    “Miễn là vẫn ở lại Mỹ, người nhập cư sẽ tìm được cách để gửi tiền về quê nhà bởi đây là mục đích sống của họ”, ông Barrientos nhận xét.

    Theo VnEconomy

  • Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết kiều hối là nguồn lực quan trọng với đất nước, dự báo đạt khoảng 16 tỷ USD trong năm 2024.

    Trong cuộc phỏng vấn ngày 26/12, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn khẳng định gần 6 triệu người Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại hơn 130 quốc gia, vùng lãnh thổ là bộ phận không thể tách rời của dân tộc, đóng góp vào sự phát triển kinh tế, khoa học công nghệ, giáo dục, y tế và các hoạt động thiện nguyện khác ở quê hương.

    "Hơn 421 dự án FDI với tổng số vốn đăng ký 1,72 tỷ USD tại 42 trong 63 tỉnh thành, cùng nguồn kiều hối dự báo đạt khoảng 16 tỷ USD trong năm 2024 là những nguồn lực rất quan trọng cho sự phát triển của đất nước", ông Sơn nói.

    Mức kiều hối này tương đương năm 2023, thời điểm kiều hối về Việt Nam cao kỷ lục sau thời gian tăng trưởng chậm do Covid-19.

    Ông Sơn cho biết Việt Nam sẽ tiếp tục hoàn thiện chính sách và pháp luật, tạo điều kiện để bà con kiều bào gắn kết hơn với trong nước, triển khai các biện pháp tổng thể lâu dài để chăm lo phát triển cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.

    kieu hoi ve vn

    Nhiều chủ trương, chính sách đơn giản hóa thủ tục hành chính cũng đang được triển khai, giúp kiều bào dễ dàng về nước sinh sống, đầu tư kinh doanh. Chính phủ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động kết nối của cộng đồng, bồi dưỡng và hỗ trợ phát triển nguồn lực của Việt Nam ở nước ngoài.

    Các văn bản pháp luật quan trọng như Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh Bất động sản và Luật Căn cước công dân ngày càng được hoàn thiện, tạo môi trường thuận lợi cho kiều bào về sinh sống, làm việc và đầu tư ở Việt Nam.

    Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao tin tưởng cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài sẽ tiếp tục phát huy tối đa tiềm năng, ngày càng phát triển và gắn kết hơn với trong nước, đóng góp vào sự phát triển của đất nước trong thời gian tới.

    Cũng trong cuộc phỏng vấn, ông Bùi Thanh Sơn cho hay trong năm 2024, các lãnh đạo chủ chốt của Việt Nam đã tiến hành 59 hoạt động đối ngoại, trong đó có 21 chuyến thăm các nước, dự hội nghị đa phương và đón 25 đoàn lãnh đạo các nước thăm Việt Nam.

    Bạn bè quốc tế ngày càng coi trọng, đánh giá cao, mong muốn thúc đẩy quan hệ với Việt Nam. Năm 2024, Việt Nam đã nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện với Australia, Pháp và Malaysia, nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược với Brazil, thiết lập quan hệ đối tác toàn diện với Mông Cổ và Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất. Hiện Việt Nam có quan hệ ngoại giao với 194 nước.

    Ngoại giao kinh tế tiếp tục đóng góp quan trọng vào thành tựu kinh tế chung của đất nước. Năm 2024, kim ngạch xuất nhập khẩu dự kiến đạt mốc kỷ lục mới là 800 tỷ USD. Việt Nam vẫn là một trong những nước tiếp nhận FDI lớn nhất thế giới. Trong 11 tháng đầu năm, Việt Nam đón hơn 15,8 triệu lượt khách du lịch quốc tế, tăng 44% so với cùng kỳ năm 2023.

    Việt Nam ngày càng khẳng định vai trò, vị thế, uy tín và có nhiều đóng góp tích cực cho cộng đồng quốc tế.

    "Trước những biến động trên thế giới, quốc phòng - an ninh - đối ngoại đã hình thành thế chân kiềng góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa", Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho hay.

    Theo VnExpress

  • 9 tháng đầu năm, kiều hối về TP HCM đạt hơn 5,5 tỷ USD, tăng trên 10% so với cùng kỳ năm ngoái.

    Thông tin trên được ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước, chi nhánh TP HCM chia sẻ tại Hội nghị triển khai đề án phát huy hiệu quả nguồn lực kiều hối trên địa bàn thành phố, ngày 11/10.

    Con số này chưa bao gồm lượng kiều hối chuyển qua các tổ chức tín dụng. Nếu tính thêm kênh này, ông Lệnh cho biết kiều hối về thành phố còn cao hơn.

    Tại Công ty Kiều hối Vietcombank (VCBR), ông Trịnh Hoài Nam, giám đốc doanh nghiệp, cho biết doanh số chi trả qua đơn vị này đạt khoảng 1,8 tỷ USD trong 9 tháng đầu năm, tăng gần 40% so với cùng kỳ 2023 và tương đương con số cả năm ngoái.

    kieu hoi ve sai gon
    Giao dịch USD tại một ngân hàng cổ phần. Ảnh: Giang Huy

    Chia sẻ cụ thể hơn, đại diện của doanh nghiệp này cho biết thị trường xuất khẩu lao động, đặc biệt là Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan đóng góp chủ yếu cho lượng kiều hối về nước. Doanh nghiệp này ghi nhận xu hướng kiều hối tăng mạnh từ lực lượng xuất khẩu lao động, cả về số lượng và giá trị chuyển về trên mỗi món. Trong khi đó, thị trường truyền thống như Mỹ, châu Âu lại có xu hướng giảm cả về số lượng và doanh số.

    Tuy nhiên, giám đốc của VCBR nhận định, vẫn còn thực trạng có lượng lớn kiều hối chuyển về nước thông qua kênh tiểu ngạch. Ông đề xuất có thêm cơ chế cho phép doanh nghiệp kiều hối được phép thực hiện dịch vụ cho các nhóm là tổ chức nước ngoài chuyển tiền về cho cá nhân trong nước. Đây là dịch vụ theo ông được nhiều đối tác quan tâm và cũng được nhiều doanh nghiệp kiều hối quốc tế triển khai.

    Kiều hối là một trong những nguồn cung góp phần bảo đảm quan hệ cung cầu ngoại tệ, đồng thời hỗ trợ hiệu quả cho chính sách tiền tệ, tỷ giá và thị trường ngoại hối. Điều này, theo Ngân hàng Nhà nước, càng có ý nghĩa trong bối cảnh các đồng tiền mạnh biến động, lạm phát tại một số quốc gia gây áp lực nhất định đến tỷ giá và mối quan hệ tỷ giá - lãi suất, lạm phát.

    Góp ý về chính sách thu hút nguồn lực kiều hối, ông Johanatha Hạnh Nguyễn, Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPP) nhận định: "Chúng ta phát thông điệp rõ ràng với kiều bào là kiều hối được gia đình toàn quyền sử dụng, không phải chịu thêm bất kỳ khoản thuế nào, đồng thời lại là nguồn lực đóng góp cho phát triển kinh tế".

    Đồng thời, theo ông Hạnh, Ngân hàng Nhà nước cũng như các ngân hàng tại Việt Nam cần làm việc, kết nối với các ngân hàng trên quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi hơn về thủ tục cho người gửi tiền về nước. Ví dụ, hai bên có thể cùng thống nhất, đưa ra một hạn mức nhất định giúp kiều bào chuyển tiền về giá trị thấp được đơn giản hóa thủ tục hơn.

    Hàng năm, TP HCM là địa phương ghi nhận lượng kiều hối nhiều nhất, chiếm hơn một nửa của cả nước. Năm ngoái, lượng kiều hối về thành phố gấp 2,7 lần tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và bằng khoảng 14% tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP).

    Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước TP HCM cho rằng cần tiếp tục có chính sách về ngoại hối, thu hút kiều hối, cải thiện môi trường đầu tư và nâng cao chất lượng dịch vụ chi trả kiều hối.

    Bên cạnh đó, theo ông, nguồn lực này cần được sử dụng hiệu quả để phát triển sản xuất kinh doanh, thương mại dịch vụ thông qua các công cụ tài chính như trái phiếu chính quyền địa phương, quỹ đầu tư hoặc chứng khoán hóa. Đây là giải pháp phù hợp với định hướng phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, phát triển giáo dục, y tế chất lượng cao, ứng dụng công nghệ, gắn hoạt động du lịch dịch vụ và các lĩnh vực kiều bào quan tâm đầu tư...

    Theo VnExpress