• Mùa xuân này, khi anh chồng hờ người Việt được chấp nhận định cư ở Mỹ, Tiffany sẽ ly hôn và cô đếm từng ngày chờ việc đó.

    Tiffany cưới Steve cách đây hai năm rưỡi. Thời điểm đó, anh chàng Việt Nam này đã có vợ, con ở quê nhà và Tiffany có bạn trai lâu năm. Nhưng muốn có một khoản tiền dằn túi nên cô đã gọi cho một người bạn Việt Nam và hỏi họ có biết ai đang tìm vợ không. Người bạn này đã giới thiệu cô với Steve và cả hai quyết định kết hôn ngay lần đầu gặp gỡ.

    “Tại cộng đồng người Việt, chúng tôi đều biết về kết hôn giả và hiểu rằng đó là việc nhiều người vẫn làm. Tôi chẳng nói dối hay giấu giếm gì”, Tiffany nói khi trả lời phỏng vấn Mic.

    Steve đã thực hiện thủ tục ly dị người vợ thật ở Việt Nam, mặc dù anh có ý định sẽ đoàn tụ với gia đình sau khi kết hôn với một người Mỹ để được nhập cư lâu dài. Anh và Tiffany đã đăng ký kết hôn vài tuần sau khi gặp nhau. “Việc của tôi rất đơn giản. Chỉ giống như làm bạn bè thôi”, Tiffany nói.

    Steve đã trả cho Tiffany 10.000 đôla khi hai người lấy được giấy đăng ký kết hôn và 15.000 đôla khi được chấp thuận định cư 2 năm. Steve sẽ trả khoản cuối, 5.000 đô-la, khi thẻ định cư 10 năm được chấp thuận và họ sẽ ly dị. Trong thời gian này, Tiffany không đăng những bức ảnh tình cảm của mình với bạn trai thật lên mạng.

    chong ho

    “Chúng tôi không gặp nhau thường xuyên, chẳng bao giờ hôn, kể cả trong đám cưới – chỉ chụp ảnh chung”, cô kể về mối quan hệ với chồng hờ. “Trong văn hóa Việt Nam, chúng tôi không nên thể hiện tình cảm trước đông người, vì vậy chẳng ai nghi ngờ gì”. Tuy nhiên, hai người vẫn đi trăng mật giả ở Vegas và Tiffany dẫn bạn theo, tận hưởng một kỳ nghỉ miễn phí. 

    Tiffany cho rằng mình và Steve chẳng bao giờ gặp rắc rối với các nhà chức trách về nhập cư bởi cả hai đều có trình độ và việc làm. “Tôi chẳng làm gì sai. Lý do chúng tôi vượt qua được những lượt phỏng vấn visa là vì cả hai đều đi làm và đóng thuế đầy đủ. Chúng tôi có trách nhiệm và hữu ích với cộng đồng”, cô bày tỏ.

    Cưới công dân Mỹ là một trong những cách dễ nhất để nhập cư nhằm kiếm thẻ xanh. Trong khi việc lừa đảo này rất đơn giản, hình phạt dành cho nó lại rất nặng: chịu tội tới 5 năm tù và phạt 250.000 USD. Hiểu rõ điều đó nhưng nhiều người vẫn liều, theo Vice. 

    Garrett là một công dân Mỹ, sinh ra và lớn lên tại New York. Anh đang chung sống với bạn gái thật tại New York. Evelyn đến từ một nước Đông Á, qua Mỹ học đại học và kết hôn với Garrett sau khi visa sinh viên hết hạn và cô chưa thể xin được visa làm việc. “Hôn nhân thẻ xanh” giúp Evelyn trở thành cư dân thường trú ở New York.

    Cô và Garrett gặp nhau 6 năm trước khi làm việc trong ngành khách sạn. Garrett là nhân viên chính thức còn Evelyn làm chui. Một ngày, cô hỏi Garrett có biết ai có thể cùng cô kết hôn giả để lấy thẻ xanh không. “Tôi nói đồng ý và mọi việc cứ thế diễn ra thôi”, Garrett nói.

    Garrett từng nghe nhiều chuyện tương tự và anh quyết định làm vậy vì Evelyn là bạn và anh muốn giúp cô. Có thêm chút tiền lại càng tốt. “Tôi chỉ lấy giá bằng một nửa. Thường người ta đòi 20.000 đôla nhưng cô ấy chỉ cần trả cho tôi 10.000 đô”, anh giải thích.

    Evelyn trả tiền mặt, đưa trước cho Garrett một nửa sau khi cả hai chính thức cưới. Cô đảm nhận việc lo mọi giấy tờ sau đó: Mở tài khoản ngân hàng chung, thay đổi địa chỉ thư của Garrett cho phù hợp với của cô, thêm một số điện thoại chung của cả hai. Anh chồng hờ nhận nửa tiền còn lại sau màn căng thẳng nhất – phỏng vấn định cư.

    Khi nhận đơn xin nhập cư, Sở nhập tịch và di trú Mỹ (USCIS) sẽ kiểm tra về an ninh và lý lịch để khẳng định tính xác thực về thông tin của người nộp. Trong một số trường hợp, người nộp có thể được chấp thuận mà không cần phỏng vấn nếu mối quan hệ có vẻ chân thật, theo Jim McKinney, nhân viên công vụ của Sở di trú.

    Đây là trường hợp của Joe và Libby. Cả hai kết hôn lúc Joe 21 tuổi và Libby mới 18. Họ phải đối mặt với một thực tế: visa tạm thời một năm của Joe đã hết hạn và anh vẫn ở lại Mỹ. Joe đến từ Bulgaria, không muốn trở lại quê nhà.

    Hai người đã hẹn hò và dù làm đám cưới khi còn quá trẻ chỉ vì chuyện định cư của Joe, mối quan hệ của họ là thật. Họ không bị yêu cầu phỏng vấn.

    “Chẳng có dấu hiệu báo động nào trong mối quan hệ của chúng tôi. Tôi nghĩ cơ quan chức năng thấy đảm bảo khi chúng tôi cùng độ tuổi, có thể giao tiếp với nhau bằng ngôn ngữ chung, ở cùng địa chỉ và có những câu chuyện cho thấy cả hai đang có mối quan hệ tốt đẹp”, Libby nói.

    Những cặp vợ chồng hờ như Garrett và Evelyn thì có vẻ đáng nghi hơn và được yêu cầu phải xuất hiện tại văn phòng của USCIS để phỏng vấn.

    Trước buổi gặp này, Garrett và Evelyn viết ra các điểm lưu ý chi tiết về người kia – những điều mà chỉ các đôi yêu nhau thực sự mới biết, như phía giường mà người kia thường nằm hay thông tin về gia đình vợ, chồng của nhau.

    “Tôi đến chỗ ở của cô ấy và chụp một đống ảnh. Tôi chụp một bức ở phòng tắm phòng trường hợp người ta hỏi màu bàn chải đánh răng của cô ấy – hay những thứ tủn mủn kiểu đó. Tôi phải viết lại và mất một ngày học thuộc rồi mới đi phỏng vấn”, Garrett kể.

    USCIS không lưu số liệu về số người xin visa kiểu này bị từ chối, nhưng theo thống kê từ New York Times, chỉ có 506 trong số 241.154 đơn xin nhập cư trong năm 2009 bị từ chối vì gian lận. 

    “Nếu một đôi thất bại khi phỏng vấn và bị nghi ngờ, USCIS có thể thực hiện một cuộc điều tra, đến tận nhà hai người cũng như phỏng vấn hàng xóm, đồng nghiệp, những người liên quan”, McKinney cho biết.

    Trong trường hợp của Garrett và Evelyn, mọi việc đều suôn sẻ và visa 10 năm của Evelyn được chấp thuận. Garrett cũng phải ứng phó với cô người yêu thật đã hẹn hò với mình 2 năm. “Cô ấy biết mọi chuyện bởi vì tôi đã ‘cưới’ trước khi đến với cô ấy. Tôi cũng hiếm khi phải gặp ‘vợ’ nên nói chung không có nhiều rắc rối với người yêu”, anh nói.

    Garrett và Evelyn đã kết hôn được gần 3 năm và Evelyn sẽ nộp đơn nhập quốc tịch. Sau cùng, họ lên kế hoạch cho việc ly dị.

    Cho dù những người trẻ kết hôn giả vì công việc hay các lợi ích khác, không hẳn bởi họ không coi trọng hôn nhân. Cả Tiffany và Garrett đều hy vọng ngày nào đó sẽ cưới người mình yêu. Khi đó, theo lời họ, cuộc hôn nhân giả đầu tiên có thể sẽ giúp họ vượt qua được những thử thách trong cuộc sống gia đình. 

    Theo VnExpress

  • Cảnh sát Ấn Độ đã cáo buộc hai anh em ruột kết hôn với nhau để người em gái có được có quốc tịch Úc. Các cá nhân có liên quan đến gian lận di cư thuộc loại này phải đối mặt với các hình phạt nghiêm trọng, từ việc bị từ chối visa, hủy visa và trục xuất, cho đến kết án hình sự và phạt tù.

    Theo báo cáo của SBS, các nhà chức trách ở bang Punjab, Ấn Độ, đã cáo buộc hai anh em tội giả mạo giấy tờ tùy thân và đăng ký kết hôn. Sự việc xảy ra trước khi cả hai có được thị thực phối ngẫu vào Úc năm 2012. Người anh trai được cho là đang cư trú tại Úc.

    Giấy tờ hôn nhân giả mạo của hai anh em ruột.

    Theo SBS, một người anh em họ của cặp đôi trên đã gửi đơn khiếu nại đến cảnh sát hồi đầu tháng 1. Người này khẳng định họ đã giả mạo tài khoản ngân hàng, hộ chiếu và các tài liệu khác dưới tên người em gái, trước khi sử dụng chúng để được cấp visa kết hôn Úc.

    Thanh tra Jai ​​Singh của quận Bathinda tuyên bố cặp vợ chồng liên quan đến gian lận hiện đang sống ở Úc cùng với các thành viên khác trong gia đình bao gồm cha, mẹ, anh trai và bà ngoại của họ.

    Ông Mr Singh nói với SBS: “Theo điều tra của chúng tôi, người anh trai có visa thường trú nhân của Úc và các tài liệu được làm giả để người em gái có danh tính của người em họ. Họ đã nhận được giấy chứng nhận kết hôn từ một nhà thờ đạo Sikh và giấy này đã được đăng ký tại văn phòng hộ tịch. 

    “Các cuộc truy bắt hai người này đang được thực hiện để chúng tôi có thể hỏi cung họ và hoàn thành cuộc điều tra. Tuy nhiên, cho đến nay, chúng tôi vẫn chưa rõ nơi ở của họ”.

    Theo Bộ Nội vụ Úc, tất cả các tài liệu được đưa ra làm giấy tờ căn cước khi nộp đơn xin thị thực đã được các cơ quan nước xuất xứ kiểm tra và xác minh kỹ lưỡng. Nhưng Bộ Nội vụ Úc cũng thừa nhận cơ quan này không quản lý các hộ chiếu do chính phủ nước ngoài cấp. Các hộ chiếu này có thể được cấp dựa trên các tài liệu giả mạo.

    Thanh tra Singh nói rằng mặc dù gian lận danh tính không phổ biến trong những hành vi gian lận về pháp lý, nhưng anh ta đã bị “sốc” trước vụ án này.

    Anh ấy nói với SBS: “Tất cả chúng ta đều đã nghe nói về những cuộc hôn nhân giả để di cư sang nước ngoài, ngay cả giữa những người thân, nhưng việc điều này xảy ra giữa anh trai và em gái là điều “vô tiền khoáng hậu”.

    Lực lượng Biên phòng Úc (ABF) xác nhận có 164 đơn xin visa kết hôn đã bị từ chối sau khi bị phát hiện có liên quan đến một đường dây hôn nhân giả.

    Cao ủy Úc tại Ấn Độ đã đưa ra cảnh báo vào tháng 12/2018 sau khi một công dân Ấn Độ 32 tuổi sống ở Sydney bị buộc tội dùng thị thực kết hôn giả vào tháng 11/2018.

    Dựa trên Bộ luật Hình sự Khối thịnh vượng chung, Chính phủ Úc đã hình sự hóa hôn nhân cưỡng bức để gửi đi một thông điệp rõ ràng rằng hành vi này là không thể chấp nhận được.

    Không giống như những cuộc cưỡng hôn, những cuộc hôn nhân giả được cả hai bên sẵn sàng tham gia vì mục đích lừa đảo, ví dụ như để có được thường trú nhân Úc.

    Các cá nhân có liên quan đến gian lận di cư thuộc loại này phải đối mặt với các hình phạt nghiêm trọng, từ việc bị từ chối visa, hủy visa và trục xuất, cho đến kết án hình sự và phạt tù.

    Những người liên quan đến hôn nhân giả có thể phải đối mặt với việc bị truy tố hình sự với số tiền phạt lên tới 210.000 USD hoặc bị phạt 10 năm tù.

    Viethome (theo vietucnews)

  • Một cảnh sát lâu năm người Việt tại Mỹ vừa nhận tội trước tòa hôm 21/2 vì gian lận di trú.

    Ông Trương Duy Nhạc, 44 tuổi, ở East Longmeadow, thừa nhận đã nộp đơn yêu cầu nhập cư vào năm 2008 và 2009 cho một phụ nữ Việt Nam và nhận đây là hôn thê của mình. Tuy nhiên sau đó, cơ quan chức năng phát hiện, người này thực ra là em vợ của ông.

    Ông Trương Duy Nhạc năm 2000, khi làm ở sở cảnh sát Springfield. Ảnh: Masslive.

    Năm 2011, tại TP HCM, ông Trương Duy Nhạc ký vào một bản tuyên thệ mình còn độc thân để cưới người phụ nữ này. Ông cũng khẳng định mình không hề biết chị gái của “hôn thê”, trong khi thực tế, đó mới là vợ chính thức và có hai con với ông. Ông Nhạc bị tòa địa phương truy tố vào tháng 11 năm ngoái.

    Theo luật di trú Mỹ, một công dân Mỹ có thể nộp đơn để bảo lãnh cho hôn thê vào Mỹ theo diện visa, với điều kiện là hai người có ý định kết hôn trong vòng 90 ngày. Để người này được phép định cư lâu dài, cuộc hôn nhân đó phải có giá trị, nghĩa là cả hai có ý định xây dựng cuộc sống cùng nhau và hôn nhân không nhằm mục đích có “thẻ xanh”.

    Phiên tòa tuyên án sẽ diễn ra vào ngày 29/5. Theo quy định, ông Nhạc có thể bị tù tới 10 năm, giám sát tại ngoại trong 3 năm và chịu phạt tới 25,000 USD. Theo Masslive, ông Nhạc đã xin thôi việc tại sở cảnh sát, sau 15 năm làm việc tại đây.

    Viethome (VnExpress)