• Thái độ khó chịu của Bắc Kinh đối với HSBC khi có dính líu tới việc khiến Huawei gặp rắc rối là một trong những thách thức của ngân hàng này khi họ đang nỗ lực đi lên giữa những căng thẳng của Trung Quốc và phương Tây.

    Bài liên quan: Ngân hàng HSBC của Anh dính líu tới vụ bắt sếp Huawei

    Khi Lưu Hiểu Minh, đại sứ Trung Quốc tại Anh, phát biểu tại bữa tiệc mừng năm mới của HSBC hồi tháng 2, ông đã hết lời khen ngợi ngân hàng này. Trong phòng tiệc Liên Hợp Quốc ở khách sạn Four Seasons London, ông đã ca ngợi công ty về việc "lan toả niềm tin tại Trung Quốc bằng những hành động cụ thể."

    "Mầm mống" của sự việc: Vụ bắt giữ CFO của Huawei

    Chỉ vài ngày trước bữa tiệc, ông Lưu đã triệu tập John Flint - vị giám đốc điều hành gần đây đã bị sa thải, đến đại sứ quán và thẩm vấn ông về vai trò của công ty trong vụ bắt giữ và truy tố bà Mạnh Vãn Chu - CFO của Huawei. Theo nguồn tin thân cận, ông Flint nói với đại sứ rằng HSBC không có lựa chọn nào khác ngoài xem xét lại những thông tin đã giúp các công tố viên Mỹ thực hiện vụ kiện chống lại bà Mạnh. 

    Sự khó chịu của Bắc Kinh đối với HSBC khi có dính líu tới việc khiến Huawei gặp rắc rối là một trong những thách thức của ngân hàng này khi họ đang nỗ lực đi lên giữa những căng thẳng của Trung Quốc và phương Tây.

    Ronit Ghose, một nhà phân tích ngành ngân hàng tại Citi, cho hay: "Họ đang cố gắng khắc phục vấn đề này giữa phương đông và phương tây, và trong vài thập kỷ qua thì đó là một vị thế đôi bên cùng có lợi." Thế nhưng, với dòng chảy giữa Trung Quốc và phương Tây được dự đoán sẽ giảm tốc vì chiến tranh thương mại, thì HSBC sẽ mất lợi thế. Ông nói: "Những gì đã từng là cơn gió mạnh thúc đẩy họ phát triển, giờ đây đã trở thành những cơn gió ngược chiều."

    Khi Flint gặp đại sứ, ông đã giải thích rằng ngân hàng trao tài liệu của Huawei cho Bộ Tư pháp Mỹ vào năm 2017, thì hành động đó được thực hiện bởi bộ phận giám sát của công ty. Bộ phận này được thành lập năm 2012 sau khi HSBC bị phạt 1,9 tỷ USD do vi phạm lệnh trừng phạt và tiếp tay cho các băng đảng ma tuý Mexico rửa tiền. DoJ yêu cầu cung cấp thông tin liên quan, thì ngân hàng phải tuân thủ.

    Sau đó, mới đây, ông Flint đã bị cách chức nhưng vẫn không rõ việc này có thể xoa dịu Bắc Kinh hay không. Tờ Global Times, tháng trước đưa tin rằng HSBC có thể bị đưa vào danh sách "các công ty không đáng tin cậy" của nước này, đây là một động thái "ăn miếng trả miếng" cho lệnh trừng phạt của Mỹ với các công ty Trung Quốc.

    Tờ báo cho biết HSBC đã giao nộp tài liệu "một cách phi đạo đức" và trích dẫn một nguồn giấu tin cáo buộc ngân hàng đã tạo "bẫy" cho Huawei. Khi được hỏi về thông tin gần đây của Global Times, Tucker từ chối bình luận nhưng cho biết rằng ngân hàng "hoàn toàn phù hợp với quan điểm của Trung Quốc về sự tăng trưởng và sự thịnh vượng của nền kinh tế."

    Thế khó của HSBC ở thời điểm hiện tại

    Tucker cũng chỉ ra việc ngân hàng "tích cực có mặt" trong một loạt dự án cao cấp ở nước này, bao gồm việc quốc tế hoá đồng NDT, tạo ra một khu kinh tế theo hướng công nghệ khu Greater Bay và Sáng kiến Vành đai Con đường (BRI). Trong một lưu ý gửi tới các nhà đầu tư của HSBC sau thông tin của Global Times, một nhà phân tích tại Autonomous, cho biết ngân hàng có thành tích tốt trong việc đảm bảo những giấy phép cần thiết để phát triển ở đại lục. "Tuy nhiên, nếu HSBC bị hạn chế tham gia vào việc mở cửa thị trường tài chính Trung Quốc trong tương lai, thì cơ hội tăng trưởng sẽ bị hạ thấp."

    Trung Quốc bày tỏ thái độ giận dữ về vụ Huawei khi HSBC đang trong tình thế khó khăn khi chứng kiến những cuộc biểu tình ngày càng căng thẳng ở Hồng Kông. Ngân hàng này đang nỗ lực bước đi như những gì một giám đốc điều hành miêu tả là "thờ ơ với vấn đề chính trị." Tuy nhiên, Chris Patten, thống đốc người Anh cuối cùng của Hồng Kông trong khoảng thời gian từ 1992 đến 1997, cho biết HSBC nên có cách tiếp cận tích cực hơn. Ông nói: "Tôi hy vọng HSBC, như những thành viên của cộng đồng doanh nghiệp, đang cố gắng để chính phủ Hồng Kông tìm cách hoà giải."

    Một số nhân viên thì phàn nàn rằng việc HSBC không lên tiếng là một biểu hiện của việc họ muốn chiều lòng Bắc Kinh hơn tất thảy. Các giám đốc điều hành của bộ phận nghiên cứu ngân hàng tại châu Á đặc biệt cảnh giác với hành vi phạm tội, theo nguồn thạo tin. Họ cho biết những tin tức tiêu cực về kinh tế Trung Quốc đáng ra nên được báo cáo thì thuờng bị che lấp hoặc công bố những thông tin tích cực để "đánh bóng".

    Một bài báo của nhà kinh tế đến từ HSBC hồi năm ngoái có tựa đề "Tại sao chiến tranh thương mại sẽ thúc đẩy Trung Quốc - mối quan hệ khăng khít hơn với những quốc gia mới nổi khiến căng thẳng của Mỹ trở thành một điều kỳ diệu trong việc nguỵ trang" đã bị khách hàng bày tỏ thái độ không hài lòng vì "là chiêu marketing cho chính phủ Trung Quốc."

    Từng là "ngân hàng ưa thích" của các doanh nhân đại lục và Trung Quốc

    HSBC thành lập năm 1865 bởi một nhóm thương nhân người Anh ở Hong Kong. Đến những năm 1980, ngân hàng này bắt đầu nhận được ưu ái của Bắc Kinh nhờ việc cho các doanh nhân địa phương ở Trung Quốc vay tiền. Một phần nhờ những khoản đi vay từ HSBC mà những doanh nhân như Lý Gia Thành có thể trở nên cạnh tranh hơn và thậm chí thay thế vị trí của các doanh nhân ngoại kiều đến từ Anh.

    Đầu những năm 2000, HSBC "bắt tay" vào thực hiện một thương vụ mua lại lớn để giảm bớt sự phụ thuộc vào Hồng Kông. Hai trong số những thương vụ lớn nhất của họ đều là sự thất bại. Thương vụ mua lại Household Finance ở Mỹ năm 2003 đã khiến công ty chìm trong khủng hoảng thế chấp dưới chuẩn. Ngân hàng mà họ mua ở Mexico hồi năm 2002 là một ngân hàng các băng đảng ma tuý rửa tiền, HSBC chìm vào bê bối và đối mặt với sự đe doạ sống còn. 

    Sau đó, HSBC đã phải thành lập một tổ giám sát vào năm 2012, chính việc này đã khiến ngân hàng này dính líu tới Huawei. Stuart Gulliver, giám đốc điều hành HSBC từ năm 2012 đến 2018, dành phần lớn thời gian đương nhiệm để dọn dẹp những rắc rối. Năm 2015, Gulliver đã công bố chiến lược "trọng tâm hướng tới châu Á". Theo đó, ông có ý định đưa ngân hàng trở lại con đường như hồi năm 1884, khi chủ tịch cho biết họ chỉ nên phát triển hoạt động kinh doanh "có tầm quan trọng trực tiếp đối với thương mại của Trung Quốc."

    Khi công bố chiến lược trên, Gulliver chỉ ra ít nhất 3 tỷ USD doanh thu hàng năm mà ngân hàng có thể đạt được trong trung hạn, thường là 3 đến 5 năm. 4 năm sau đó, hiệu quả từ kế hoạch trên vẫn khó để xác định dù một số quan điểm lạc quan vẫn có thể chỉ ra những điểm tích cực. 

    HSBC đã thực hiện nhiều động thái hơn để tăng mức độ "phủ sóng" ở Trung Quốc so với những đối thủ. Ngân hàng này mở nhiều chi nhanh hơn bất kỳ nhà cho vay phi nội địa nào khác và là ngân hàng đầu quốc tế đầu tiên nắm quyền kiểm soát đa số của một công ty chứng khoán ở đại lục. Giám đốc của một đối thủ cạnh tranh lớn ở Trung Quốc nhận định rằng HSBC đã "rất khôn ngoan và có tầm nhìn" khi tập trung vào khu Greater Bay.

    Tuy nhiên, HSBC cũng đối mặt với tình huống khó xử về mặt ngoại giao. Khi đại sứ phát biểu tại bữa tiệc mừng năm mới, ông đã kết thúc bằng 2 câu thơ của Lý Bạch:

    "Cưỡi gió phá sóng hẳn có ngày,

    Treo thẳng buồm mây vượt biển cả!"

    Lời trích dẫn này được coi như một thông điệp gửi tới HSBC khi họ đang đối mặt với sự lựa chọn giữa phương Đông và phương Tây: "Một doanh nghiệp tốt phải tìm ra đúng thời điểm, thì sẽ có thể treo buồm vượt qua biển lớn."

    Viethome (theo Trí Thức Trẻ)

  • Những xích mích gần đây giữa Huawei và chính phủ Mỹ đã đưa công ty công nghệ Trung Quốc này vào trung tâm của sự chú ý. Người dùng của Mỹ và Châu Âu biết Huawei là một hãng sản xuất smartphone, đang cạnh tranh khốc liệt với Apple, Samsung và Google. Nhưng đây cũng là một trong những nhà sản xuất thiết bị mạng lớn nhất thế giới.

    Sau những vụ lùm xùm gần đây, ông Nhậm Chính Phi – nhà sáng lập Huawei đã phải xuất hiện trước báo giới nhiều lần để bảo vệ công ty của mình. Trước đây ông rất hiếm khi ra mặt phỏng vấn, hay tiết lộ những thông tin cá nhân và gia đình của mình. Con gái của ông là cô Mạnh Vãn Chu hiện đang trong quá trình bị dẫn độ về Mỹ để xét xử.

    Ông Nhậm đã có 2 đời vợ, và đã có rất nhiều con, tuy nhiên không phải ai cũng ngại xuất hiện trước công chúng. Đây là con út của ông, cô Annabel Diêu tại Paris vào năm 2018:

    Sau đây là tiểu sử ngắn gọn về gia đình phía sau đế chế Huawei hùng mạnh: 

    Nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi sinh năm 1944, trưởng thành trước thời kỳ Trung Quốc đổi mới. Ông được sinh ra tại một trong những tỉnh nghèo nhất Trung Quốc. Trong một cuộc phỏng vấn với BBC, ông nói rằng: "Nhà tôi có chút muối để nấu ăn mà đã được coi là giàu có!"

    Trả lời phỏng vấn báo giới Trung Quốc năm 2009, ông nói: "Tôi từng là người vô danh, không có học vấn, nhà nghèo, bố tôi cũng không phải là người có địa vị gì."

    Đến năm 30 tuổi, ông Nhậm nhập ngũ và trở thành kĩ sư trong quân đội. Ông có 2 đời vợ, nhưng không tiết lộ nhiều thông tin về người vợ đầu tiên là bà Mạnh Quân, và chỉ miêu tả bà là 'rất cứng rắn'.

    Với người vợ đầu này, ông có 2 người con là cô Mạnh Vãn Chu (ảnh trên) và một người con trai mang tên Nhân Bình (Ren Ping).

    Cô Mạnh (còn có tên khác là Sabrina hay Cathy) lấy họ của mẹ, và sau một thời gian làm việc thì được thăng chức CFO của Huawei. Cô bị bắt tại Canada vào tháng 11 năm ngoái. Chính phủ Mỹ cho rằng cô Mạnh Vãn Chu có dính líu để việc buôn bán công nghệ trái phép cho Iran, vi phạm nghiêm trọng lệnh cấm vận của Mỹ.

    Hiện không có nhiều thông tin về người con trai của ông Nhậm là Nhân Bình, chỉ biết anh đang làm việc tại một công ty con của Huawei, và không có hứng thú nối nghiệp bố.

    Ông Nhậm Chính Phi mới đây tiết lộ rằng ông cũng có 2 đứa con riêng trong thời kỳ nhập ngũ, và chỉ thăm viếng 1 lần mỗi 11 tháng. Ông Nhậm xuất ngũ vào năm 1983 lúc 39 tuổi, và thành lập Huawei vào năm 1987, tức trước khi Apple được thành lập tới 12 năm.

    Khi thành lập công ty, những người con của ông còn rất trẻ, nhưng ông liên tục phải làm việc và xa họ. Nói chuyện với báo giới Trung Quốc vào 2019: "Để chứng minh Huawei được xây dựng trên sự chịu khó, tôi thường xuyên phải đi công tác và liên lạc rất ít với con của mình."

    Sự cố gắng của ông đã giúp Huawei trở thành một trong những hãng điện tử lớn nhất Trung Quốc. Hiện tại ông Nhậm có khối tài sản lên tới 3.3 tỷ USD.

    Ông ly dị người vợ đầu của mình sau 20 năm rồi tái hôn. Người vợ hiện tại của ông có tên Diêu Linh, theo mô tả của ông thì rất 'hiền dịu nhưng tài năng'. Ông cũng nói rằng 2 người vợ của mình rất thân thiện với nhau! Bà Diêu và ông Nhậm có một người con là Annabel Diêu (ảnh trên).

    Cô năm nay 21 tuổi, và sống một cuộc sống của tiểu thư: học tại trường Harvard về ngành máy tính. Cô cũng có đam mê về múa ballet và thời trang. Nhưng ông Nhậm cũng miêu tả cô là người rất chăm chỉ và có học thức.

    Có vẻ ông Nhậm rất yêu quý cô, khi nói rằng: "Tôi cảm thấy điều tốt nhất nên làm là cho con bé làm những gì mình thích"

    Chỉ một thời gian ngắn sau khi chị gái Mạnh Vãn Châu của mình bị bắt tại Canada, cô Diêu dự buổi lễ trưởng thành tại Paris. Diêu đứng thứ 2 từ phải sang trong tấm hình này.

    Đây là buổi lễ tổ chức cho những người con gái của gia đình giàu có. Những người đã có mặt tại đây bao gồm con gái của Ryan Philippe và Reese Witherspoon (ảnh trên) hay con gái của Silvio Berlusconi.

    Hiện không ai biết chính xác ông Nhậm sử dụng số tiền rất lớn của mình vào việc gì, nhưng theo một số tờ báo thì hiện gia đình ông sở hữu một 'lâu đài' tại thành phố Thâm Quyến. Theo như tờ Paris Match, cô Annabel Diêu đã đề nghị bố mình tới chụp hình chung tại lễ hội Paris đã đề cập ở trên.

    Ông Nhậm nói về điều này: "Khi con bé nói về việc chụp hình chung, tôi đã lập tức đồng ý. Tôi nợ những người con của mình, và tôi sẵn sàng làm bất cứ điều gì để ủng hộ chúng đi đến thành công của mình."

    Có một vài tin đồn rằng ông Nhậm đã cưới lần thứ 3 với bà Tô Duy – trợ lý cũ của ông. Nhưng trong những lần phỏng vấn gần nhất, ông vẫn nói rằng bà Diêu Linh là vợ mình.

    Mặc dù cách dạy dỗ con cái của ông đã 'mềm dẻo', nhưng trong quá khứ ông tỏ ra rất cứng rắn vói 2 người con đầu của mình. Ông cho rằng cả 2 đều không đủ tố chất để lên nắm cương vị đứng đầu Huawei.

    "Điều hành Huawei là một công việc cần có tầm nhìn, sự cương quyết và khả năng nhìn xa trông rộng. Không có thành viên nào trong gia đình tôi có thể làm được điều đó, chính vì vậy chúng sẽ không trở thành người kế nhiệm vị trí của tôi."

    Cô Mạnh Vãn Châu có vẻ như đã chứng minh được lời nói của bố là sai, khi gia nhập Huawei vào 1993 và đã giữ chức CFO của công ty. Cô cũng đã giữ quyền phó chủ tịch của bố mình vào tháng 3 năm 2018.

     Cô có một ngôi nhà tại British Vancouver, Canada, sống cũng rất khép kín giống bố mình.

    Cô Mạnh Vãn Chu xuất hiện ở tòa án Canada nhiều lần, luật sư của cô đang tìm cánh kháng cáo quyết định dẫn độ về Mỹ.

    Tại tòa, luật sư nói rằng cô đang mắc rất nhiều vấn đề về sức khỏe, trong đó có huyết áp cao, không thể ăn được thức ăn cứng, mất ngủ. Cô cũng đã sẵn sàng bỏ hàng triệu Đô để có thể được trả tự do.

    Cô Mạnh viết thư gửi cho 188.000 nhân viên của Huawei, nói rằng cô vẫn ổn. "Tâm hồn của tôi chưa bao giờ rộng mở và đầy sắc màu như lúc này". Tuy nhiên ông Nhậm Chính Phi nói với báo giới rằng con gái của mình có thể sẽ phải ngồi tù.

    Viethome (theo Khám Phá)

  • Bốn tháng sau khi tòa án Mỹ phát lệnh bắt, Canada gấp rút bắt Mạnh Vãn Chu khi biết bà sẽ quá cảnh ở Vancouver ngày 1/12. 

    Khi chuyến bay của hãng Cathay Pacific xuất phát từ Hong Kong đến Vancouver vào giữa trưa 1/12, giám đốc tài chính tập đoàn Huawei Mạnh Vãn Chu định nghỉ lại thành phố này trong 12 tiếng chờ quá cảnh trước khi tiếp tục bay đến Mexico.

    Vancouver, thành phố lớn nhất tỉnh British Columbia, Canada, có vai trò đặc biệt đối với Mạnh Vãn Chu cũng như nhiều người thuộc giới "siêu giàu" Trung Quốc, bởi đây là nơi họ có thể mua nhà, cho con đi du học và thỉnh thoảng ghé thăm để nghỉ ngơi, thư giãn, theo Bloomberg.

    Mạnh, 46 tuổi, giám đốc tài chính của Huawei, tập đoàn công nghệ hàng đầu Trung Quốc có chi nhánh ở hơn 170 quốc gia, mỗi năm vẫn thường dành vài tuần trong lịch công tác dày đặc của mình để tới Vancouver. Bà hay tới thành phố duyên hải của Canada này vào mùa hè, khi những đứa con đang đi du học cũng đến đó để tận hưởng làn nước biển trong vắt và những dãy núi ngập nắng.

    Giám đốc tài chính Huawei Mạnh Vãn Chu trước khi bị bắt. Ảnh: CBC

    Bà vừa tới đây hồi tháng 8 và tản bộ, chụp ảnh cùng người thân trong một công viên địa phương. Nhưng 4 tháng sau, thiên đường nghỉ ngơi Vancouver đã trở thành chốn tù ngục với giám đốc tài chính đầy quyền lực của Huawei.

    Khi bà vừa xuống máy bay, cảnh sát Canada xuất hiện, thông báo bà bị bắt theo yêu cầu từ phía nhà chức trách Mỹ bởi bà bị nghi ngờ lừa dối các ngân hàng quốc tế nhằm sử dụng công ty con Skycom để bán nhiều thiết bị máy tính do Mỹ sản xuất cho Iran trong giai đoạn 2009-2014, vi phạm lệnh cấm vận thương mại mà Mỹ áp đặt với Iran. Bà bị tạm giam chờ ngày bị dẫn độ về Mỹ.

    Hồ sơ tòa án tại phiên điều trần hôm 7/12 cho thấy lệnh bắt bà Mạnh được tòa án quận Đông New York, Mỹ ban hành từ hôm 22/8, sau khi có những dấu hiệu cho thấy bà Mạnh có liên quan tới âm mưu lừa gạt các tổ chức tài chính để thực hiện giao dịch vi phạm lệnh cấm vận của Washington với Tehran, theo NYTimes.

    Một thẩm phán Canada gấp rút ký lệnh bắt đối với bà Mạnh vào ngày 30/11, sau khi nhà chức trách nước này biết rằng bà sẽ quá cảnh ở Vancouver khi bay từ Hong Kong tới Mexico một ngày sau đó. Công tố viên nước này khẳng định từ năm 2009 tới 2014, tập đoàn Huawei của bà Mạnh đã sử dụng công ty Skycom Tech ở Hong Kong để giao dịch và làm ăn với các công ty viễn thông ở Iran, vi phạm trực tiếp lệnh cấm vận của Mỹ.

    Sau khi Reuters xuất bản một số bài báo năm 2013 cho thấy Skycom vi phạm lệnh cấm vận bằng cách nhập các thiết bị máy tính do Mỹ sản xuất vào Iran, một vài ngân hàng đã yêu cầu Huawei làm rõ cáo buộc này. Bà Mạnh khi đó đã thu xếp một buổi tường trình với người phụ trách của một trong những ngân hàng đó.

    Trong phiên điều trần hôm 7/12, David Martin, luật sư của bà Mạnh, xác nhận ngân hàng này là HSBC, tổ chức tài chính toàn cầu có trụ sở ở London và nhiều chi nhánh ở Mỹ. Sau nhiều lần gặp rắc rối với nhà chức trách Mỹ vì các quy định chống rửa tiền, HSBC trở nên thận trọng và quyết định thuê công ty tư vấn Exiger cử chuyên gia giám sát việc tuân thủ luật pháp Mỹ.

    Trong buổi tường trình với đại diện HSBC, bà Mạnh tuyên bố mọi hoạt động của Huawei ở Iran tuân thủ quy định về lệnh cấm vận của Mỹ. Bà giải thích rằng quan hệ giữa Huawei với Skycom chỉ là một phần của hoạt động kinh doanh bình thường và Huawei đã bán toàn bộ cổ phần từng nắm giữ tại Skycom.

    Tuy nhiên, chính các giám sát viên của Exiger tại HSBC đã phát hiện những giao dịch đáng ngờ tới Iran liên quan đến Huawei và báo cáo với Bộ Tư pháp Mỹ, hai nguồn tin giấu tên cho hay. Một cuộc điều tra được Bộ Tư pháp Mỹ tiến hành nhắm vào Huawei, tương tự những gì họ tiến hành với một tập đoàn công nghệ lớn khác của Trung Quốc là ZTE.

    <p">Trong giai đoạn 2014-2016 và đầu năm 2017, bà Mạnh thường xuyên bay tới Mỹ, nơi cậu con trai 16 tuổi của bà đang học tại một trường trung học ở Boston, bang Massachusetts. Nhưng đến tháng 4/2017, khi Huawei nhận thấy họ đang trở thành đối tượng điều tra của Mỹ, bà Mạnh không còn nhập cảnh vào nước này một lần nào nữa.

    John Gibb-Carsley, công tố viên thuộc Bộ Tư pháp Canada, tuyên bố buổi tường trình của bà Mạnh với đại diện ngân hàng cấu thành hành vi lừa gạt tổ chức tài chính, tội danh có thể khiến bà phải ngồi tù tới 30 năm nếu bị kết án. Nhà chức trách Mỹ và Canada cho rằng trái với tuyên bố của bà Mạnh, Huawei điều hành Skycom như một "công ty con phi chính thức" và luôn tìm cách che giấu mối liên kết này.

    Bằng chứng mà họ đưa ra là nhân viên công ty Skycom vẫn sử dụng địa chỉ email có tên miền của Huawei, thẻ nhân viên và tiêu đề văn bản của họ cũng có logo Huawei. Các tài liệu của Skycom cho thấy công ty mua lại Skycom vào năm 2009 cũng chịu sự kiểm soát của Huawei ít nhất đến năm 2014. Luật sư của bà Mạnh bác bỏ cáo buộc này, cho hay bản tường trình của bà Mạnh là do đội ngũ pháp lý của Huawei chuẩn bị và các chứng cứ mà phía Mỹ đưa ra thiếu vững chắc.

    Cuộc chiến tại ngoại

    Xe cảnh sát trước ngôi nhà của vợ chồng bà Mạnh tại Vancouver. Ảnh: GlobalNews

    Trong lúc tòa án Canada chưa đưa ra phán quyết, cuộc chiến giành quyền tại ngoại cho bà Mạnh đang xoay quanh mối liên hệ giữa bà với thành phố Vancouver. Trong phiên điều trần hôm nay, nếu thẩm phán cho rằng bà có các mối liên hệ mật thiết ở thành phố này, giám đốc tài chính Huawei có thể không phải tiếp tục ngồi tù mà được chuyển sang hình thức quản thúc tại gia.

    Công tố viên Gibb-Carsley cho rằng những kỳ nghỉ kéo dài hai tuần mỗi năm của bà Mạnh ở Vancouver không mang nhiều ý nghĩa để bà có thể được tại ngoại. Theo ông, nếu được bảo lãnh, bị cáo có khả năng lớn sẽ tận dụng các nguồn lực và mối quan hệ để bay về Trung Quốc, nước không có hiệp ước dẫn độ với Mỹ.

    Bộ Tư pháp Mỹ cũng cảnh báo phía Canada rằng bà Mạnh được cấp ít nhất 7 hộ chiếu trong 11 năm qua, trong đó có 4 hộ chiếu Trung Quốc và ba hộ chiếu Hong Kong, làm gia tăng rủi ro bỏ trốn nếu bà được tại ngoại.

    Nếu không được bảo lãnh, bà Mạnh sẽ phải ngồi tù ở Vancouver trong thời gian dài, bởi quy trình dẫn độ từ Canada về Mỹ có thể mất tới vài năm. Trước nguy cơ đó, luật sư của bà đang huy động hàng loạt nhân chứng, kể cả các công ty bảo vệ, để chứng minh rằng bà sẽ không bỏ trốn về nước.

    Những người như bà Mạnh từ lâu đã bị người dân Canada chỉ trích là thủ phạm gây nên cơn sốt giá nhà đất ở Vancouver, khiến giá bất động sản ở thành phố này trở nên đắt đỏ nhất khu vực Bắc Mỹ. Bà Mạnh năm 2009 mua một căn hộ 6 phòng ngủ ở Vancouver, với giá trị hiện nay vào khoảng 4,2 triệu USD. Đến năm 2016, bà mua thêm căn biệt thự thứ hai trên mảnh đất rộng gần 2.000 mét vuông có giá hơn 12,2 triệu USD. Bà Mạnh cam đoan đưa cả hai ngôi nhà ra như một phần trong thỏa thuận bảo lãnh của mình.

    Dù có hai ngôi nhà ở Vancouver, bà Mạnh cùng chồng là Lưu Hiểu Tông (Xiaozong Liu) vẫn sống ở Thâm Quyến cùng cô con gái 10 tuổi. Luật sư của bà cam đoan với tòa án rằng nếu được tại ngoại, cả gia đình bà sẽ chuyển tới sống ở Vancouver và cậu con trai của bà đang học ở Mỹ sẽ tới đây đón Giáng sinh cùng mẹ.

    Theo luật sư, những mối liên hệ này của bà Mạnh với Vancouver là thực chất và khẳng định bà sẽ không bỏ trốn vì "bà ấy có nhà ở đây". Ông này đề xuất tòa án áp dụng biện pháp quản thúc tại gia, trong đó bà Mạnh phải đeo một thiết bị giám sát GPS và chịu sự kiểm tra đột xuất của cảnh sát.

    Lập luận này của luật sư không thuyết phục được công tố viên Gibb-Carsley. Ông cho rằng bà Mạnh là con gái của Nhậm Chính Phi, chủ tịch Huawei, người có khối tài sản lên tới 3,2 tỷ USD, nên khoản tiền bảo lãnh một triệu USD với bà chỉ như "hạt cát trong sa mạc" và bà có thể dễ dàng chấp nhận mất số tiền đó để được tự do.

    "Tôi không nói rằng người giàu thì không thể nộp tiền bảo lãnh", Gibb-Carsley nói. "Nhưng tôi cho rằng xét về giá trị của số tiền bảo lãnh, chúng ta thuộc về một thế giới khác".

    Viethome (theo VnExpress)