• Các nghị sĩ đang tranh luận về việc có nên tăng tuổi tối thiểu để kết hôn lên 18 nhằm ngăn chặn các cuộc hôn nhân cưỡng ép hay không.

    "Trẻ em phải được đi học hoặc giáo dục cho đến khi các em được 18 tuổi, vì vậy làm thế nào các em có thể kết hôn, các em chưa phải là người lớn", nghị sĩ Đảng Bảo thủ Pauline Latham phát biểu. Bà tin rằng sự thay đổi luật pháp có thể bảo vệ những thanh thiếu niên dễ bị tổn thương khỏi bị đưa đến nước ngoài để kết hôn. 

    "Trẻ em mới 16 tuổi đã bị đưa đi và khi trở lại, các em đã kết hôn và cha mẹ các em nói ‘chúng đã có sự đồng ý của tôi’".

    "Trong khi đó, ở tuổi 18, họ có thể đã vào được trường đại học, họ có thể có một công việc sau khi học xong và họ có thể mạnh mẽ hơn để nói không với cha mẹ", bà nói thêm.

    UNICEF cho biết kết hôn trước 18 tuổi là vi phạm cơ bản quyền con người.

    Các nhà vận động tuyên bố các quốc gia Khối thịnh vượng chung thường tuân theo sự lãnh đạo hợp pháp của Vương quốc Anh, vì vậy những thay đổi ở đây có thể có tác động thực sự đến các nước khác trên toàn thế giới.

    Shakilla Khan, 39 tuổi, đã được gửi đến Pakistan và buộc phải kết hôn với một người anh em họ mà cô chưa bao giờ gặp, ngay trong thời gian cô đang ôn thi GCSE.

    "Tôi đã nói không, tôi muốn hoàn thành kỳ thi của mình, thi A-level và tôi muốn đi học đại học", cô Khan nói.

    "Đối với tôi, để nói ra được điều đó không dễ dàng chút nào. Trong gia đình tôi, các cô gái đến một độ tuổi nhất định và phải kết hôn, không bàn cãi", cô nói.

    Cô rơi vào một cuộc hôn nhân đầy bạo hành và kết thúc bằng việc ly hôn. Cô Khan nói rằng nếu tuổi hợp pháp cho hôn nhân cao hơn, cô đã có thể có thể ngăn chặn cuộc hôn nhân cưỡng ép đối với mình.

    "Tôi lẽ ra có thể hiểu mình tốt hơn. Không ai phải trải qua những gì tôi đã trải qua. Nó đã cướp đi sự tồn tại của tôi", cô nói.

    "Bây giờ nhìn lại, tôi không biết làm thế nào tôi sống sót khi họ cướp đi của tôi những năm tháng quý giá đó, khi lẽ ra tôi có thể tự mình tạo ra thứ gì đó."

    Ở Anh, trẻ em từ 16 đến 17 tuổi có thể kết hôn nhưng chỉ khi có sự đồng ý của cha mẹ. Luật pháp nói rằng các cuộc hôn nhân phải mang tính tự do, bất kể tuổi của những người liên quan.

    Các tổ chức từ thiện chuyên ngăn chặn hôn nhân cưỡng ép cho biết tăng tuổi tối thiểu là một trong những cách để giải quyết vấn đề.

    Giám đốc điều hành Tổ chức Quyền Phụ nữ Iran và Kurd, bà Diana Nammi, bày tỏ: "Chúng ta cũng cần giáo dục cộng đồng, chúng ta cần cho họ biết rằng hôn nhân trẻ em là một hành động tàn bạo.

    "Nhiều người trong số họ nghĩ rằng đó chỉ là một mối quan hệ tính dục, nhưng đó là trách nhiệm to lớn trên vai của những đứa trẻ và các em chưa được chuẩn bị cho điều đó."

    Giờ đây, ép buộc ai đó kết hôn có thể dẫn đến bản án tối đã bảy năm tù giam.

    Người phát ngôn của chính phủ cho biết Vương quốc Anh “đi đầu thế giới” trong cuộc chiến chống lại hôn nhân cưỡng ép. Trong một tuyên bố, họ nói thêm: "Chính phủ nhận thức được những lo ngại về tuổi hợp pháp cho hôn nhân và sẽ tiếp tục xem xét vấn đề này."

    Mặc dù số lượng người dưới 18 tuổi kết hôn đang giảm, nhưng nhiều người cảm thấy luật pháp phải thay đổi.

    Cô Khan nói rằng cô đã xin các Lệnh chống Hôn nhân cưỡng bức để bảo vệ những cô con gái tuổi teen của chính mình. Cô muốn các chính trị gia lắng nghe câu chuyện của cô để ngăn chặn những cô gái trẻ khác phải chịu đựng những tổn thương mà cô đã trải qua.

    "Nếu tuổi tác tăng lên, họ sẽ không có nguy cơ bị đưa ra nước ngoài và kết hôn với người lạ", cô nói.

    "Nó đã tước đi của tôi rất nhiều sự tự do. Tôi lẽ ra có thể gặp được người mình yêu. Thay vào đó, tôi buộc phải kết hôn, buộc phải có con, buộc phải chịu đựng quá nhiều điều không thể chịu đựng nổi."

    VietHome (Theo Sky News)

  • Với hầu hết phụ nữ, lễ cưới là một trong những ngày hạnh phúc nhất của cuộc đời. Nhưng với Sunny Angel, người bị lừa cưới một người đàn ông thiểu năng, lễ cưới là khởi nguồn cho cuộc sống hôn nhân địa ngục.

    Người phụ nữ 40 tuổi tên Sunny Angel chỉ là một trong số 8.000 cô dâu người Anh bị đẩy vào những cuộc hôn nhân không tình yêu do cha mẹ sắp xếp mỗi năm tại đất nước này. Thực tế, hôn nhân ép buộc bị liệt vào danh sách hành vi phạm pháp tại Anh từ năm 2014 nhưng những vụ việc như vậy vẫn tiếp tục xảy ra.

    Khi vừa tròn 20 tuổi, bố mẹ “tác thành” cho Sunny một người đàn ông cô chưa gặp bao giờ tên Ajay (tên nhân vật đã được thay đổi). Người này sau đó gửi nhiều thư tình và hứa hẹn đối xử với Sunny như “một nàng công chúa”.

    Sau khi làm đám cưới, Sunny mới phát hiện sự thật gây sốc. Chồng cô thực chất là một người có trí tuệ chậm phát triển, không có khả năng đọc viết và người mẹ chồng mới là người đứng sau những bức thư “tình cảm” gửi cô.

    Thậm chí Sunny còn trải qua đêm tân hôn ác mộng khi người chồng cưỡng bức cô dưới sự chỉ đạo của người mẹ đứng ngoài cửa, hướng dẫn anh ta phải làm những gì và yêu cầu thẳng tay đánh đập nếu cô chống cự.

     
    Sunny Angel - nhân vật chính trong câu chuyện gây sốc về cuộc hôn nhân không tự nguyện.

     

    Cuộc hôn nhân của cha mẹ cô cũng là cuộc hôn nhân sắp đặt và đến tuổi gả chồng, phụ huynh cô cũng cho mình quyền định đoạt vấn đề kết hôn của con gái.

    Thông tin của Sunny được đăng tải trên 3 trang web môi giới hôn nhân với các chi tiết nhạy cảm như cân nặng, chiều cao, số đo vòng ngực cùng những cụm từ miêu tả tính cách, bản thân – những thứ cô cho là do cha mẹ cô hoàn toàn bịa ra.

    Vài tuần trước đám cưới, Sunny gặp mặt lần đầu tiên người chồng tương lai. Cô nhanh chóng nhận ra người gặp mặt trực tiếp và người cô liên lạc trên mạng là hai người khác nhau.

    “Anh ta trông vô cùng sợ hãi khi gặp tôi. Người đàn ông nói yêu tôi trên điện thoại nhưng tôi không hề cảm thấy điều đó khi gặp gỡ anh ta” – Sunny kể lại.

    Mặc dù nghi ngờ nhưng Sunny vẫn phải chấp thuận lấy người đàn ông xa lạ do đám cưới đã được lên kế hoạch sẵn. “Tôi không thể làm gia đình thất vọng và khiến họ cảm thấy nhục nhã” – người phụ nữ nhớ lại thời điểm đó.

     

    Hình ảnh đám cưới vào năm 1999 giữa Sunny và người chồng có trí tuệ kém phát triển.

    Đám cưới giữa Sunny và người đàn ông xa lạ được tổ chức vào một ngày tháng 5/1999, cái ngày mà cô mô tả là “trông giống một đám tang”.

    Khuôn mặt chú rể bị che kín hoàn toàn và Sunny không có cơ hội nói chuyện với chú rể trong suốt lễ cưới. Mãi đến đêm tân hôn, người chồng mới nói lời đầu tiên với Sunny.

    Mọi việc càng trở nên tồi tệ hơn khi người mẹ chồng xuất hiện và hướng dẫn con trai cưỡng bức con dâu. Người chồng không bình thường của Sunny chỉ biết hoảng sợ làm theo lời mẹ nói và thậm chí đòi mẹ thỏi socola sau khi “xong xuôi”.

    Cuộc sống trong địa ngục tại nhà chồng của Sunny bắt đầu từ đây khi cô bị gia đình nhà chồng đối xử tồi tệ. Mẹ chồng bắt buộc vợ chồng cô phải ngồi xem phim khiêu dâm cùng nhau trong hàng giờ đồng hồ để người chồng học cách “tạo ra em bé”.

    Thậm chí, mẹ chồng luôn xuất hiện trước cửa phòng mỗi lần hai vợ chồng quan hệ để ra lệnh người con trai phải làm những gì.

    Sau khi được giải thoát khỏi cuộc hôn nhân “địa ngục”, Sunny tích cực tham gia và điều hành dự án chống lại việc kết hôn ép buộc. Trong ảnh, cô bên quyển sách thuật lại câu chuyện hôn nhân tăm tối.

    Ngay sau ngày cưới, gia đình nhà chồng ép buộc Sunny đưa khoản tiền 10.000 bảng Anh cùng một chiếc xe hơi đắt tiền làm của hồi môn. Khi phía gia đình Sunny không có khả năng chi trả, mẹ chồng bắt đầu hành hạ cô, ép cô phải dọn nhà đến 2 giờ sáng mỗi ngày.

    4 tháng sau khi làm dâu nhà Ajay, Sunny bị mẹ chồng bỏ đói, khiến cô nhập viện. Cuộc sống tủi nhục của Sunny chỉ kết thúc sau khi bố mẹ đẻ cô đến thăm và nhận ra con gái mình bị hành hạ cùng với sự dối trá của gia đình con rể.

    “Tôi được đưa về gia đình của mình nhưng phải chờ đợi 1 năm để chờ giải quyết các thủ tục ly hôn. Những người dân trong cộng đồng tôi sống cũng không hề chào đón tôi vì hôn nhân đổ vỡ” – người phụ nữ cho hay.

    Giờ đây, ở độ tuổi 40, Sunny đã xuất bản một cuốn sách kể lại những trải nghiệm hôn nhân đáng sợ mà cô trải qua. Cô khẳng định không oán trách người chồng cũ vì anh ta chỉ làm theo những gì người mẹ sai bảo. 

    VietHome (Theo Xã Luận)