• Sau 6 năm rời quê hương theo hai con sang Mỹ và Australia định cư, bà Nguyễn Thị Hương quyết định trở về Việt Nam, sống một mình trong căn nhà ở quận 8, TP HCM.

    Bà Hương từng làm y tá, chồng mất sớm, một mình nuôi hai con gái ăn học. Khi bà nghỉ hưu được chục năm, các con lần lượt lập gia đình, ổn định cuộc sống ở nước ngoài và đón mẹ sang.

    Năm 2019 bà sang California (Mỹ), nghĩ mình sẽ sớm thích nghi với cuộc sống xứ người vì bà nói được tiếng Anh, tính cách thoải mái, cởi mở.

    Nhưng bà nhanh chóng thấy hụt hẫng. Ở Mỹ, con gái, con rể và cháu đi làm cả ngày. Cộng đồng người Việt đông nhưng sống rải rác, ai cũng bận, không thể trò chuyện hay ghé thăm.

    Để chống chọi buồn chán, bà tự bắt xe buýt đi siêu thị gần nhà, ra ngoài cho khuây khỏa. Tại quầy thanh toán, nhân viên nói nhanh, mặt lạnh lùng, đẩy hàng qua loa như không muốn phục vụ. Cảm giác bị kỳ thị khiến từ đó bà ngại ra ngoài, giao tiếp.

    Một lần ngồi trong công viên, bà Hương được một phụ nữ dúi vào tay 10USD, vì tưởng là người vô gia cư. Khoảnh khắc đó khiến bà khóc và quyết định về nước.

    Con gái thứ hai đón bà sang Australia nhưng tình hình không khá hơn. Mọi thứ vẫn xa lạ, nhịp sống nhanh, nhà cửa thưa thớt. Việc duy nhất trong ngày của bà là làm sạch khoảng sân vườn. "Cô đơn đến nỗi tôi nhặt tay từng chiếc lá cho vào túi, không dám cào vì sợ hết lá, không còn việc gì làm", bà kể.

    Ở Australia ba tháng, bà Hương nhất quyết đòi về. Năm 2023, bà trở lại Việt Nam, sửa lại căn nhà ở quận 8, TP HCM, chia làm hai phần, một nửa để ở, một nửa cho thuê làm tiệm phở.

    Mỗi ngày, bà Hương nhìn người ra vào tấp nập, trò chuyện rôm rả trước tiệm phở, thấy lòng nhẹ nhõm. Đề phòng vấn đề sức khỏe bất ngờ, bà để sẵn thuốc men ở đầu giường, điện thoại luôn trong tầm tay để gọi cấp cứu khi cần.

    "Nhưng với tôi, cuộc sống này mới thật sự là sống", bà nói.

    hoi huong ve nha 1
    Người thân đón Việt kiều về nước ăn Tết tại ga quốc tế sân bay Tân Sơn Nhất, TP HCM, tháng 1/2025. Ảnh: Quỳnh Trần

    Quyết định trở về Việt Nam sau 8 năm ở Canada của Minh Tâm khiến tất cả bạn bè và gia đình rất sốc và gọi đây là "ý định điên rồ".

    Cô gái 30 tuổi đã có công việc và cuộc sống ổn định ở Canada. Minh Tâm nói không gặp trở ngại gì trong hội nhập ngoại trừ cảm giác đeo đuổi suốt 8 năm rằng mình không thuộc về nơi này.

    Cô sống một mình, ban ngày làm nghiên cứu trong trường, buổi tối và cuối tuần làm thêm ở trung tâm thương mại. Có tuần cô làm đủ 7 ngày, rời nhà từ sớm, về khi trời đã tối. Tâm thường ghé siêu thị, mua gà quay, rau và bánh mì. Một con gà ăn cả tuần, sáng bánh mì, tối cơm với rau luộc và thịt gà. "Cuộc sống đơn độc, lặp đi lặp lại", cô nói.

    Ý định trở về của Tâm xuất phát từ hai khoảnh khắc. Trong đợt về thăm nhà năm ngoái. Khi máy bay hạ cánh xuống Nội Bài, cảm giác nhớ nhà bất ngờ trào lên.

    "Chỉ khi đặt chân xuống quê hương, nỗi nhớ mới trỗi dậy", cô nói. Khoảnh khắc thứ hai đến vào một buổi trưa, khi cô nằm mơ thấy bố mẹ khóc và giữ mình ở lại. Tỉnh dậy, cô bần thần một lúc, nhìn qua cửa sổ thấy tán phượng đung đưa trong gió và chợt nhận ra mình, cũng như chúng, thuộc về mảnh đất này.

    Anh Nguyễn Thanh Bình đã chọn về Việt Nam sau 20 năm sống ở TP Regensburg, bang Bavaria, Đức.

    Di cư từ năm 10 tuổi, anh nói tiếng Đức như người bản xứ và dần hòa nhập với cuộc sống phương Tây. Ngoài trải nghiệm không mấy dễ chịu tại Đông Đức, nơi anh từng đối mặt với phân biệt chủng tộc và bạo lực học đường, phần lớn thời gian còn lại anh có công việc ổn định và môi trường sống tốt.

    Nhưng anh vẫn luôn cảm thấy thiếu một sự kết nối sâu sắc, cảm xúc chỉ tìm thấy trong những mối quan hệ gắn bó đậm chất Á Đông. "Tôi bắt đầu tự hỏi đâu mới là nơi mình thực sự thuộc về", anh nói.

    Năm 2023, anh quyết định trở về Việt Nam sau khi bạn thân người Đức qua đời và để lại lời nhắn "Hãy sống đúng với ước mơ của mình".

    Quyết định này khiến gia đình và bạn bè bất ngờ, bởi lúc đó anh sắp hoàn tất nghiên cứu tiến sĩ và có vị trí giảng dạy tại một trường đại học danh tiếng ở Đức.

    Anh thuyết phục người thân rằng sẽ về thử sống ở Việt Nam hai năm, nếu không phù hợp thì quay lại. "Tệ nhất thì tôi cũng có thêm trải nghiệm sống và làm việc tại quê hương, điều mà tôi luôn khao khát", anh nói.

    Nhưng khi đã trở về, anh biết mình không muốn ra đi nữa.

    hoi huong ve nha 1
    Anh Nguyễn Thanh Bình trong chuyến du lịch ở Việt Nam năm 2024. Ảnh: Nhân vật cung cấp

    Bà Hương và Minh Tâm thuộc nhóm return migrants (người di cư trở về) - người từng định cư ở nước ngoài nhưng quyết định di cư ngược về quê hương. Theo báo cáo Migration Profile Vietnam của tổ chức Di cư quốc tế (IOM), mỗi năm có khoảng 500.000 người Việt từ nước ngoài trở về. Trong đó, nhóm di cư hồi hương khoảng 25.000 người. Nhóm này đang có xu hướng tăng cùng với sự phát triển kinh tế của Việt Nam và mức sống được cải thiện.

    Báo cáo của Vụ Các vấn đề kinh tế và xã hội Liên Hợp Quốc (UNDESA), nhiều người Việt thuộc thế hệ thứ hai cho biết cảm thấy không hoàn toàn thuộc về xã hội sở tại nên quyết định trở về. Đặc biệt tại Mỹ, 60% người gốc Việt là người nhập cư, chưa thực sự hòa nhập về ngôn ngữ, văn hóa và vị thế xã hội.

    Nhưng phó giáo sư Catherine Earl, nhà nhân chủng học xã hội tại Đại học RMIT Việt Nam, cho rằng có nhiều nguyên nhân khiến người di cư quay về, không chỉ vì khó thích nghi với cuộc sống ở nước ngoài.

    Các nghiên cứu của bà cho thấy trong thế kỷ 21, di cư không còn là hành trình một chiều, chỉ có ra đi. Nhờ toàn cầu hóa, người di cư có xu hướng dịch chuyển giữa nhiều nơi, bao gồm quê hương, nơi học tập, làm việc, lập gia đình và nuôi con.

    Dù vậy, nhiều người rơi vào trạng thái lưng chừng, không thật sự thuộc về quốc gia mới. Họ dễ bị tổn thương nếu chưa chuẩn bị đầy đủ cho việc thay đổi môi trường, gặp sốc văn hóa, xa lạ cả về ngôn ngữ, ẩm thực, tôn giáo, khí hậu, lối sống.

    Nhiều người cảm thấy hụt hẫng khi thực tế không giống kỳ vọng, hoặc thay đổi mục tiêu khi phát hiện những lựa chọn mới. Thực trạng hồi hương không chỉ xuất phát từ lựa chọn cá nhân, mà còn phản ánh khoảng trống chính sách trong giáo dục, việc làm và môi trường tiếp nhận văn hóa.

    Nếu không được giải quyết, điều này có thể dẫn đến lãng phí nguồn nhân lực, gián đoạn kết nối xuyên thế hệ và hạn chế quá trình hội nhập toàn cầu của Việt Nam.

    "Ngược lại, nếu có chính sách phù hợp, người hồi hương sẽ là lực lượng đóng góp tích cực cho sự phát triển trong nước", bà Catherine Earl nói với VnExpress.

    Theo VnExpress

  • Những người nhập cư vào Thụy Điển nếu tự nguyện hồi hương sẽ đủ điều kiện nhận được tới 350.000 kronor (832 triệu đồng).

    nguoi nhap cu thuy dien
    Những người nhập cư chuẩn bị lên tàu tại ga Padborg để di chuyển từ Đan Mạch đến Thụy Điển. ẢNH: REUTERS

    Chính phủ Thụy Điển hồi tháng 9/2024 thông báo sẽ tăng mạnh số tiền trao cho những người nhập cư nếu họ chịu rời khỏi quốc gia này và trở về quê hương, trong động thái khuyến khích nhiều người nhập cư làm điều tương tự.

    Chính phủ cánh hữu, được hỗ trợ bởi đảng Dân chủ Thụy Điển với chủ trương chống nhập cư, thông tin trong một cuộc họp báo rằng từ năm 2026, những người nhập cư tự nguyện hồi hương sẽ đủ điều kiện nhận được tới 350.000 kronor (832 triệu đồng).

    "Chúng ta đang ở giữa một sự thay đổi lớn trong chính sách di cư của mình", theo AFP dẫn lời Bộ trưởng Di trú Thụy Điển Johan Forssell.

    Hiện người nhập cư tự nguyện hồi hương có thể nhận đến 10.000 kronor/người trưởng thành và 5.000 kronor/trẻ em, với mức trần là 40.000 kronor/gia đình.

    "Khoản tài trợ này đã có từ năm 1984, nhưng tương đối ít người biết đến, quy mô nhỏ và tương đối ít người sử dụng ", theo ông Ludvig Aspling thuộc đảng Dân chủ Thụy Điển phát biểu với các phóng viên.

    Ông nói thêm rằng nếu nhiều người biết đến khoản tài trợ hơn và quy mô của nó được tăng lên thì khả năng sẽ có nhiều người chấp nhận lời đề nghị hơn.

    Thông báo trên được đưa ra bất chấp cuộc điều tra do chính phủ chỉ định vào tháng trước đã khuyến cáo không nên tăng đáng kể số tiền tài trợ, với lý do hiệu quả dự kiến không bù được được cho chi phí.

    Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson đã hứa sẽ chống lại tình trạng nhập cư và tội phạm sau khi ông lên nắm quyền vào năm 2022 với chính phủ liên minh thiểu số được đảng Dân chủ Thụy Điển hỗ trợ. Đảng này đã vươn lên trở thành đảng lớn thứ 2 của Thụy Điển với 20,5% tỷ lệ ủng hộ trong cuộc tổng tuyển cử.

    Thụy Điển đã tiếp nhận một lượng lớn người di cư kể từ những năm 1990, chủ yếu từ các quốc gia có xung đột chẳng hạn như ở Trung Đông. Tuy nhiên, quốc gia Bắc Âu này đã gặp những khó khăn trong nhiều năm để hòa nhập những người nhập cư.

    Theo Thanh Niên

  • Reuters dẫn một tài liệu ngày 4-10 cho biết, 17 quốc gia đã kêu gọi Ủy ban châu Âu (EC) thắt chặt các quy định của Liên minh châu Âu (EU) về việc trả lại những người di cư bất hợp pháp về nước của họ, một tuần trước khi diễn ra hội nghị thượng đỉnh của khối.

    17 quoc gia chau au
    Khu vực đăng ký dành cho người di cư tại trung tâm tiếp nhận người xin tị nạn ở quận Reinickendorf, Berlin, Đức. Ảnh: Reuters

    Báo cáo gửi tới cơ quan điều hành của khối được ký bởi 14 trong số 27 quốc gia thành viên EU, trong đó có Đức, Pháp, Italia, và ba quốc gia thuộc khu vực Schengen là Na Uy, Thụy Sĩ và Liechtenstein. Động thái này diễn ra sau một loạt cuộc bầu cử trên khắp EU với chủ đề chính là vấn đề di cư, và có dấu hiệu cho thấy sự ủng hộ ngày càng tăng ở một số quốc gia đang kêu gọi kiểm soát chặt chẽ hơn.

    Một nhà ngoại giao cho biết: "Thông điệp chính mà tất cả đều đồng ý là một tín hiệu rõ ràng gửi tới EC rằng, EU cần một hệ thống hồi hương chặt chẽ hơn với các nghĩa vụ hợp tác rõ ràng hơn từ những người hồi hương".

    EC chưa đưa ra bình luận về vấn đề này, nhưng di cư có thể sẽ là vấn đề quan trọng trong cuộc bầu cử quốc hội Đức vào tháng 9 năm sau cũng như sẽ chi phối chương trình nghị sự của ban điều hành EC mới dự kiến nhậm chức vào tháng 12 tới. Di cư sẽ nằm trong chương trình nghị sự của các nhà lãnh đạo EU tại hội nghị thượng đỉnh diễn ra ngày 17 và 18-10 sau khi Đức tái áp dụng các biện pháp kiểm tra biên giới tạm thời vào tháng trước. Thủ tướng Pháp Michel Barnier cho biết, Paris sẽ cân nhắc các động thái tương tự.

    Chính phủ liên minh của Đức đã cứng rắn hơn trong vấn đề di cư sau khi lượng người nhập cư tăng đột biến và sự ủng hộ dành cho phe đối lập và bảo thủ ngày càng tăng.

    17 quốc gia châu Âu đã kêu gọi EC đề xuất một luật mới, nêu rõ rằng chính phủ có thể giam giữ người di cư bất hợp pháp gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia - một phương án đã được thảo luận từ năm 2018 nhưng vẫn chưa được thông qua.

    Văn kiện cũng đề nghị thống nhất kỹ thuật số việc quản lý các trường hợp người di cư để tất cả các quốc gia sử dụng cùng một phần mềm. Điều này sẽ giúp xác định và xử lý cùng một người di cư bất hợp pháp xuất hiện ở nhiều quốc gia EU khác nhau. Cuối cùng, báo cáo kêu gọi EC đề xuất người di cư có nghĩa vụ hợp tác với chính quyền.

    Theo Hanoimoi

  • Chính phủ Anh đang lên kế hoạch đẩy mạnh hoạt động hồi hương những người đến Anh không hợp lệ, bao gồm những người đến từ các nước châu Á, trong bối cảnh nước này đang nỗ lực giải quyết 'bài toán' khó về vấn đề người di cư.

    Một quan chức chính phủ Anh ngày 29/8 cho biết Bộ Nội Vụ đã công bố trên trang web chính thức thông tin về việc tìm kiếm các đối tác thương mại cung cấp dịch vụ đưa người nhập cư trái phép quay trở lại quê hương của họ để tái hòa nhập cộng đồng. 

    Thông tin này được đăng kèm với một bản hợp đồng trị giá 15 triệu USD trong thời hạn 3 năm để đối tác triển khai việc này. Đơn vị chủ thầu sẽ hỗ trợ chính phủ Anh trong việc cung cấp thực phẩm, tìm kiếm thân nhân gia đình của người nhập cư, hỗ trợ tiếp cận thị trường việc làm cùng nhiều việc khác.

    hoi huong nguoi nhap cu
    Người Afghanistan được di tản đến Anh vào năm 2021 khi đất nước này bị Taliban chiếm đóng.

    Hiện Anh có kế hoạch đưa người nhập cư trái phép trở về 11 nước, chủ yếu là các quốc gia châu Á và châu Phi. Tổng số người di cư đến Anh trong năm nay hiện đạt 19.820 người, đáng chú ý, số lượng người trên mỗi thuyền đã tăng gấp 3 lần so với năm 2021, phản ánh sự liều lĩnh ngày càng tăng của người di cư.

    Ngày 27/8, Lực lượng Biên phòng Anh đã chặn 8 thuyền chở 526 người di cư trên eo biển Manche, mỗi chiếc đã bị nhồi nhét tới gần 66 người - một kỷ lục mới về tình trạng quá tải.

    Đây là ngày có số lượng người di cư cao thứ 5 trong năm, sau các ngày cao nhất là 18/6 (882 người), 1/5 (711 người), 11/8 (703 người) và 10/4 (534 người).

    Tổng số người di cư đến Anh hiện đạt 19.820 người, tăng nhẹ 0,1% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng giảm 21% so với năm 2022. Dự kiến con số này sẽ vượt 20.000 vào ngày 28/8 do điều kiện thời tiết thuận lợi.

    Đáng chú ý, số lượng người trên mỗi thuyền đã tăng gấp 3 lần so với năm 2021, phản ánh sự liều lĩnh ngày càng tăng của người di cư và thủ đoạn của những kẻ buôn người.

    Tình trạng này đã dẫn đến ít nhất 25 trường hợp tử vong kể từ đầu năm, chủ yếu do đuối nước và ngạt thở.

    Theo TTXVN

  • Ngay sau ngày nghỉ hưu, ông Bảo Hòa, một công chức của chính quyền thành phố Los Angeles, bang California, Mỹ quyết định trở về Việt Nam định cư.

    "Đối với tôi, ký ức tuổi thơ ở Việt Nam luôn hiện hữu về những gì bình yên, tươi đẹp nhất. Tuổi già muốn được tận hưởng, nghỉ dưỡng sẽ chẳng còn nơi nào thích hợp hơn quê hương", ông chia sẻ lý do dẫn đến quyết định về Việt Nam năm 2012, sau hơn 40 năm ở Mỹ.

    Ông Hòa tốt nghiệp Học viện Công nghệ Georgia ở Atlanta, bang Georgia, chuyên ngành kỹ sư cơ khí. Trước khi nghỉ hưu, ông làm quản lý dự án tại Sở Điện và Nước của thành phố Los Angeles. Ở tuổi 55, sau tròn 30 năm làm việc và đủ điều kiện nghỉ hưu, ông quyết định bắt đầu chương mới cuộc đời.

    Việt kiều này đã khảo sát vài nơi ở Việt Nam trước khi chọn Đà Nẵng. Năm 2012, ông đưa vợ và con gái út trở về, còn hai con lớn đã lập gia đình vẫn ở Mỹ. Ông cùng những người bạn Việt kiều góp vốn xây dựng khu căn hộ cao cấp ven biển Sơn Trà. "Tôi sống ở căn hướng vào thành phố vì thích sự sôi động cả ngày lẫn đêm", ông nói.

    Mỗi sáng, ông Hòa, 66 tuổi chạy và bơi trên biển Đà Nẵng. "Biển ở đây sạch quá, chạy chân trần trên cát là một trong các trải nghiệm thú vị nhất từ khi về nước", ông nói.

    ve nuoc nghi huu 1
    Ông Bảo Hòa (áo số 60), đang về đích trong giải Marathon quốc tế Đà Nẵng năm 2016. Ảnh: Nhân vật cung cấp

    Với ông Đàm Thế Quyền, 53 tuổi, ngày vui nhất trong đời là ngày chính thức được cấp quốc tịch Việt Nam sau 45 năm là công dân Canada. "Từ nay không còn gì rào cản với tôi trên hành trình tìm về cội nguồn", ông nói.

    "Cội nguồn" là từ ông Quyền từng chối bỏ. Mẹ ông người Sóc Sơn (Hà Nội), lấy cha người gốc Hoa, tị nạn sang Canada năm 1978, năm ông 8 tuổi. Lớn lên ở thành phố Guelph, bang Ontario, tuổi thơ của ông Quyền là những ngày nghèo đói và bị kỳ thị, phân biệt chủng tộc. "Tôi từng không muốn học tiếng Việt, không muốn ăn món Việt, không muốn liên quan bất cứ thứ gì liên quan đến Việt Nam", ông nói.

    Ông Quyền tốt nghiệp ngành Du lịch và Quản trị khách sạn tại Đại học Guelph và ở lại trường làm mảng tổ chức sự kiện. Mức lương và các đãi ngộ tốt, song công việc áp lực nên năm 2018 ông quyết định nghỉ việc.

    Độc thân và không có áp lực kinh tế, một cơ hội đưa người đàn ông tới Việt Nam làm tình nguyện cho Tổ chức Hỗ trợ đại học thế giới (WUSC). Ông vừa hỗ trợ công dân Canada khi sang Việt Nam vừa tham gia giảng dạy trong ngành du lịch, nhà hàng, khách sạn tại một số trường nghề, cao đẳng và đại học trên khắp cả nước.

    Cuộc đời Việt kiều Canada này thay đổi từ đây. Càng ở Việt Nam lâu, ông càng nói được nhiều tiếng mẹ đẻ, biết về văn hóa, ăn được hầu hết món Việt. "Từ lúc đó tôi có cảm giác bị nghiện Việt Nam. Tôi muốn đi nhiều, gặp nhiều để bù lại sự thiếu thốn bên trong", ông nói.

    ve nuoc nghi huu 1
    Ông Quyền, 53 tuổi tại một quán cà phê ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội đầu tháng 6/2023. Ảnh: Phan Dương

    Theo ông Peter Hồng, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài, có khoảng 5,5 triệu người Việt ở nước ngoài và hơn một triệu thế hệ F2, F3 có bố, mẹ hoặc ông, bà là người Việt Nam. Trong số này hơn 20% đến tuổi nghỉ hưu, đa số muốn trở về quê hương sinh sống, đầu tư, gắn bó với nguồn cội trong những năm cuối đời. Một thống kê của ông tại Australia cho thấy có 170.000 trong số 350.000 Việt kiều ở quốc gia này có nhu cầu về Việt Nam nghỉ hưu.

    Khảo sát của Câu lạc bộ Bất động sản TP HCM (HREC) cho thấy đa số kiều bào về nước muốn sống ở TP HCM và những nơi phát triển mạnh, các khu dân cư mới. "Hiện có khoảng 3 triệu Việt kiều có nhu cầu sở hữu bất động sản khi trở về Việt Nam sinh sống", ông Nguyễn Quốc Bảo, Chủ tịch HREC cho biết.

    Ông Bảo liệt kê có ba lý do hàng đầu khiến họ lựa chọn nghỉ hưu ở Việt Nam. Đầu tiên là tư tưởng "lá rụng về cội". Trở về để được nói tiếng mẹ đẻ, ăn món quê hương, sống trong cộng đồng những người cùng văn hóa. Với nhiều người, quá trình sống ở nước ngoài khó hòa nhập và bị phân biệt chủng tộc càng thôi thúc họ trở về.

    Thứ hai, Việt Nam đang ngày càng phát triển từ cơ sở hạ tầng, nếp sống hiện đại, đến các tiện ích, mà chi phí rẻ hơn hẳn ở nước ngoài.

    Thứ ba, cả một đời lao động ở nước ngoài vất vả, ít được tương tác, vui chơi, giải trí. Trong nước có nhiều nơi thích hợp để nghỉ dưỡng và với nhiều Việt Kiều lớn tuổi, đây là "thiên đường" để tận hưởng cuộc sống.

    Ông Bảo Hòa cho biết đã dành 10 năm để chuẩn bị kế hoạch về nước nghỉ hưu. Ông tìm hiểu chi tiêu hàng tháng, nơi sống, cách lĩnh lương ở Mỹ. Ông mua thêm một bảo hiểm phòng trường hợp khẩn cấp có thể sang các nước lân cận, dù đã có bảo hiểm cơ quan mua cho được chi trả mọi nơi trên thế giới.

    Khó khăn nhất với ông không phải tài chính mà gia đình. Khi sang Mỹ ông chỉ một mình, giờ có 12 người gồm vợ, con, cháu, dâu rể. "Như cây cổ thụ đã sống mấy chục năm, tự nhiên bứng đi rất khó", ông chia sẻ. May mắn ngày nay liên lạc rất dễ dàng qua các mạng xã hội, đi lại thăm nom nhau cũng thuận tiện.

    Trở về sau 40 năm ở nước ngoài nhưng vợ chồng ông không hề gặp khó khăn. Hàng ngày bà thích ra chợ mua rau xanh và hải sản tươi sạch, rất rẻ. Còn ông Hòa có rất nhiều việc để làm. Ông là một trong những người đầu tiên xây dựng phong trào chạy bộ ở Đà Nẵng, tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường biển và động vật hoang dã, là phó chủ tịch hội liên lạc người Việt Nam ở nước ngoài của thành phố. Ông gây dựng một thương hiệu cà phê phong cách Mỹ nổi tiếng ở "thành phố đáng sống nhất" Việt Nam.

    Quán cà phê là địa điểm ông đã giải đáp cho hàng nghìn Việt kiều về cuộc sống ở Việt Nam. Cũng như ông trước đây, mọi người thường quan tâm tới chi phí sinh hoạt, y tế, bảo hiểm.

    Ông đã kể với mọi người về sự ngạc nhiên đến mức "không thể tin được" trong lần mổ sỏi mật năm 2014. Một khuya năm đó, ông lên cơn đau dữ dội phải cấp cứu. Vào bệnh viện ông nhận ra máy móc ở đó hiện đại hơn hẳn ở Mỹ (do đi sau tiếp nhận được công nghệ tiên tiến), phòng ốc sạch sẽ, thái độ phục vụ nhẹ nhàng. Ông càng bất ngờ hơn khi biết vị bác sĩ của mình đã mổ sỏi mật cho 2.000 bệnh nhân. Ca mổ thành công, ông nằm viện thêm 14 ngày, đến khi xuất viện phải trả hóa đơn khoảng 7.500 USD. Một người Việt cũng mổ sỏi mật cùng thời gian với ông chỉ phải trả bằng 1/10.

    "Tôi nhận ra tất cả đều có lợi. Tôi được chăm sóc sức khỏe tốt nhất. Bệnh viện Việt Nam thu được chi phí cao. Lợi nhất là hãng bảo hiểm của tôi chỉ phải trả một con số nhỏ hơn rất nhiều so với việc tôi mổ ở Mỹ", ông chia sẻ. Trước đó ba năm vợ ông phẫu thuật cắt ruột thừa, nằm viện ba ngày mà hãng phải trả gần 100.000 USD.

    Cuộc sống thuận tiện và thoải mái ở Việt Nam cũng là điều ông Đàm Thế Quyền thích. Trước đây ở Canada, mỗi lần đi nha khoa hay đơn giản đi cắt tóc đều phải chờ đợi cả tuần. Mẹ ông muốn được bác sĩ gia đình thăm khám cũng phải đặt lịch và chờ rất lâu. Chi phí để thuê một người chăm người già rất cao. Khi về Việt Nam, ông Quyền thuê một phòng có tầm nhìn ra hồ Tây (Hà Nội), tổng chi phí sinh hoạt mỗi tháng khoảng 1.500 USD.

    Dù vậy, hai Việt kiều này rất mong Việt Nam sớm có những thay đổi tạo điều kiện cho Việt kiều về nước. Ngoài khó khăn về chính sách visa, họ muốn sở hữu nhà cửa, xe cộ đều đang phải đứng tên công ty hoặc nhờ người thân quen, từ đó kéo theo nhiều hậu quả đã xảy ra, ví dụ bị lừa hết tài sản. "Tôi muốn đường đường chính chính sở hữu nhà cửa, xe cộ, chứ không phải 'lách luật' như hiện tại", ông Bảo Hòa chia sẻ.

    Ông Peter Hồng nói thêm, Việt kiều muốn về nước phần đa là giới trí thức, doanh nhân, họ có đủ tiềm lực tài chính để mua nhà, đất, kinh doanh bất động sản. Việc sửa đổi Luật Đất đai là cần thiết để phù hợp với yêu cầu xây dựng và phát triển đất nước cũng như công tác người Việt Nam ở nước ngoài, đồng thời thu hút nguồn lực kiều hối gửi về.

    Năm 2022 kiều hối về Việt Nam tăng 4,5% so với 2021, chiếm 48% tổng thu ngân sách nội địa, nằm trong top 10 quốc gia trên thế giới về nhận kiều hối. "An cư lạc nghiệp sẽ tạo tâm lý cho kiều bào muốn về nguồn cội, gắn bó, cống hiến nhiều hơn cho quê hương, đất nước", ông Peter Hồng nói.

    Một ngày đầu tháng 6, ông Quyền ghé thăm một trường đại học ở Hà Nội, với mong muốn được học thêm về du lịch Việt Nam, đồng thời tìm cơ hội chia sẻ kiến thức của mình. Cuối năm ngoái ông cũng đón được người mẹ 93 tuổi từ Canada về sống những ngày cuối cùng của cuộc đời trên đất quê hương. "Ở Canada, tôi như người ngoài. Về Việt Nam dù mang mác Việt kiều, trong tôi thoải mái mình là người trong cuộc", ông chia sẻ.

    Còn ông Bảo Hòa, 11 năm nghỉ hưu ở Việt Nam đã làm được rất nhiều việc. Nhưng hàng chục năm thâm niên trong lĩnh vực năng lượng, quản lý dự án điện và bằng thạc sĩ Quản trị kinh doanh quốc tế, ông vẫn chưa tìm được cơ hội thích hợp để chia sẻ kiến thức của mình sau bao năm tích lũy trên đất Mỹ.

    "Được đi dạy truyền lại kiến thức là mục tiêu lớn nhất của tôi trong những năm tới", ông nói.

    Theo VnExpress

  • Cục Hàng không Việt Nam vừa kiến nghị hạn chế tối đa các chuyến bay chở người Việt về nước hạ cánh tại sân bay Quốc tế Tân Sơn Nhất và sân bay Quốc tế Nội Bài để giảm ùn tắc cho hai sân bay này.

    hoi huong noi bai

    Theo thông tin từ Cục hàng không Việt Nam, từ ngày 4 đến 7-1 vừa qua, có 47 chuyến bay quốc tế đến Việt Nam, gồm 16 chuyến thương mại thường lệ, 20 chuyến combo (chở người Việt hồi hương) và 11 chuyến chở chuyên gia/du lịch, với tổng cộng 6.094 khách.

    Trong số này, có 15 chuyến bay hạ cánh tại Tân Sơn Nhất, trong đó có 3 chuyến com bo với tổng số 1.285 khách, chiếm 49,8% tổng số khách đến sân bay này và 23 chuyến hạ cánh tại Nội Bài, trong đó có 8 chuyến combo 2.950 khách, chiếm 59,5% lượng khách đến đây.

    Lượng khách đến nhiều làm khu vực xét nghiệm nhanh tại 2 sân bay trên ùn tắc dù Cục Hàng không Việt Nam đã phối hợp với các hãng hàng không để giãn cách thời gian hạ cánh.

    Để giảm ùn tắc, Cục Hàng không Việt Nam kiến nghị Bộ Giao thông vận tải đề nghị Bộ Ngoại giao với vai trò đầu mối trong việc xem xét, phê duyệt các chuyến bay combo hạn chế tối đa các chuyến bay này hạ cánh tại Nội Bài và Tân Sơn Nhất cho tới khi có điều chỉnh quy định về xét nghiệm nhanh cho khách nhập cảnh.

    Lý do để cơ quan này đề nghị hạn chế chuyến bay combo hạ cách tại 2 cảng hàng không trên thay vì các chuyến bay khác là vì những chuyến bay linh hoạt này trong khai thác, đặc biệt là có thể linh hoạt chọn điểm hạ cánh tại Việt Nam.

    Trong khi đó, các chuyến thương mại, chở chuyên gia là các chuyến sử dụng slot lịch sử tại các cảng hàng không nước ngoài và Việt Nam nên rất khó điều chỉnh lịch bay.

    Trước đó, Cục Hàng không Việt Nam đã yêu cầu xét nghiệm nhanh cho tất cả hành khách nhập cảnh vào Việt Nam đến và đi qua các nước đã phát hiện ca bệnh nhiễm chủng mới Omicron của virus SARS-CoV-2.

    Về nhu cầu về nước của người Việt, cuối tháng 12 rồi, cơ quan này dẫn báo cáo của Bộ Ngoại giao cho biết, nhu cầu về nước của người Việt ở nước ngoài là rất lớn. Uớc tính có hơn 140.000 người muốn về Việt Nam.

    Để đáp ứng nhu cầu này, cùng với các chuyến bay combo đã được cấp phép, các hãng hàng không đề nghị tăng tần suất với những thị trường có nhu cầu lớn như Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan.

    Theo thesaigontimes

     

  • Hỏi: Tôi có con sinh ra tại Anh, nay tôi có thể xin cho nó hồi hương về Việt Nam thì có được không? Nếu được thì theo quy định hiện nay, chúng tôi phải làm những gì?

    * Trả lời:

    Với thông tin bạn cung cấp, chúng tôi hiểu rằng, bạn có nhu cầu đưa con của bạn về Việt Nam để sinh sống lâu dài. 

    Để được nhập cảnh vào Việt Nam, bạn có thể xin giấy miễn thị thực cho con nếu bạn vẫn còn là công dân Việt Nam hoặc người Việt Nam định cư ở nước ngoài theo Điều 12 Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam 2014 và Nghị định 82/2015/NĐ-CP về miễn thị thực cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài và người nước ngoài là vợ, chồng, con của người Việt Nam định cư ở nước ngoài hoặc của công dân Việt Nam (“Nghị định 82/2015/NĐ-CP”). 

    Điều kiện miễn thị thực (Điều 3 Nghị định 82/2015/NĐ-CP): 

    • Có hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế còn giá trị ít nhất 01 năm;
    • Có giấy tờ chứng minh mối quan hệ mẹ - con với công dân Việt Nam hoặc người Việt Nam định cư ở nước ngoài;
    • Không thuộc trường hợp chưa cho nhập cảnh hoặc tạm hoãn xuất cảnh theo quy định pháp luật hiện hành của Việt Nam;

    Thời hạn: Giấy miễn thị thực có thời hạn tối đa không quá 05 năm và ngắn hơn thời hạn sử dụng hộ chiếu của người được cấp ít nhất 06 tháng (Điều 4 Nghị định 82/2015/NĐ-CP). 

    Hồ sơ đề nghị cấp giấy miễn thị thực (Điều 6 Nghị định 82/2015/NĐ-CP):

    • Hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế hoặc giấy tờ cho phép thường trú do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp. 
    • Tờ khai đề nghị cấp, cấp lại giấy miễn thị thực kèm theo 02 ảnh (01 ảnh dán trong tờ khai).
    • Giấy tờ chứng minh thuộc diện cấp giấy miễn thị thực: Người nước ngoài nộp bản sao được chứng thực từ bản chính hoặc kèm theo bản chính để đối chiếu giấy tờ chứng minh là vợ, chồng, con của công dân Việt Nam hoặc của người Việt Nam định cư ở nước ngoài.

    Thủ tục xin giấy miễn thị thực: Bạn có thể nộp bộ hồ sơ này tại Đại sứ quán Việt Nam tại Anh. Trong thời hạn 01 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Đại sứ quán sẽ gửi danh sách người đề nghị cấp giấy miễn thị thực về Cục Quản lý xuất nhập cảnh. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, Cục Quản lý xuất nhập cảnh xem xét, trả lời Đại sứ quán. Sau khi nhận được thông báo từ Cục Quản lý Xuất nhập cảnh 01 ngày làm việc, Đại sứ quán sẽ cấp giấy miễn thị thực. (Điều 7 Nghị định 82/2015/NĐ-CP).

    Thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận tạm trú (Điều 10, 11 Nghị định 82/2015/NĐ-CP):

    • Con bạn nhập cảnh bằng giấy miễn thị thực sẽ được đơn vị kiểm soát xuất nhập cảnh cấp chứng nhận tạm trú 06 tháng cho mỗi lần nhập cảnh; nếu giấy miễn thị thực còn thời hạn dưới 06 tháng thì cấp chứng nhận tạm trú bằng thời hạn của giấy miễn thị thực.
    • Trường hợp nhập cảnh bằng giấy miễn thị thực có nhu cầu ở lại trên 06 tháng, được cá nhân, tổ chức tại Việt Nam bảo lãnh và có lý do chính đáng thì được xem xét, giải quyết gia hạn tạm trú không quá 06 tháng.
    • Giấy tạm trú có thể được gia hạn tại Cục Quản lý xuất nhập cảnh hoặc Phòng Quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. 

    Trong trường hợp con bạn chưa đủ 18 tuổi, con bạn vẫn là người nước ngoài và phải thực hiện các thủ tục nêu trên khi xuất nhập cảnh tại Việt Nam. Trừ trường hợp cha hoặc mẹ được nhập, được trở lại quốc tịch Việt Nam thì con chưa thành niên sinh sống cùng với người đó cũng có quốc tịch Việt Nam nếu có sự thỏa thuận bằng văn bản của cha mẹ (Điều 35 Luật Quốc tịch Việt Nam 2008, sửa đổi bổ sung năm 2014).

    Trong trường hợp con bạn đủ 18 tuổi, con bạn có thể thực hiện thủ tục xin nhập quốc tịch Việt Nam. Theo quy định tại Điều 19 Luật Quốc tịch Việt Nam 2008, sửa đổi bổ sung năm 2014, công dân nước ngoài có thể nhập quốc tịch Việt Nam cần có những điều kiện sau:

    • Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;
    • Tuân thủ Hiến pháp và pháp luật Việt Nam; tôn trọng truyền thống, phong tục, tập quán của dân tộc Việt Nam;
    • Là vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ hoặc con đẻ của công dân Việt Nam;

    Đồng thời, Điều 20 Bộ luật dân sự 2015 quy định người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ là người từ đủ 18 tuổi trở lên. Do đó, con bạn cần đủ từ 18 tuổi trở lên và đáp ứng được các điều kiện còn lại, đồng thời có nhu cầu xin quốc tịch Việt Nam thì có thể làm thủ tục yêu cầu xin quốc tịch Việt Nam tại Sở Tư pháp nơi cư trú tại Việt Nam theo quy định pháp luật.

    Văn phòng Luật sư NHQuang và Cộng sự
    B23, Khu Biệt thự Trung Hòa – Nhân Chính, 
    Thanh Xuân, Hà Nội