• Với mức phí thành viên 5.000 bảng Anh mỗi năm, câu lạc bộ là nơi trao đổi tài sản độc nhất vô nhị của giới siêu giàu. Thành viên có quyền tiếp cận, trao đổi tài sản độc quyền từ bất động sản, máy bay, siêu du thuyền, đồ cùng cá nhân...

    The Gilt Club có trụ sở tại St James (Anh), được thành lập với mục đích ban đầu là cung cấp quyền tiếp cận các tài sản mang tính độc quyền nhất trên thế giới. Tuy nhiên, hiện câu lạc bộ đã mở rộng phạm vi trao đổi hàng hóa, bao gồm tất cả các loại hàng hóa xa xỉ, giá trị cao.

    Sebastian Orr, người đã rời công ty cho thuê biệt thự hạng sang của mình để thành lập The Gilt Club vào năm 2017, giải thích: “Bên cạnh khả năng cung cấp những bất động sản cá nhân tốt nhất, tài sản trong danh mục của chúng tôi còn gồm cả máy bay, siêu du thuyền và thậm chí cả đồ dùng cá nhân”.

    The Gilt Club 1
    Kinross House ở Scotland là một trong những tài sản của thành viên The Gilt Club.

    Phương thức hoạt động của The Gilt Club khá đơn giản: Các thành viên cung cấp danh sách tài sản riêng của họ - đó có thể là một biệt thự hạng sang hay những ngôi nhà bằng đá ở nông thôn, một căn nhà gỗ ở trong rừng hay một chiếc du thuyền ở Địa Trung Hải - để đổi lấy quyền tiếp cận những tài sản tương tự của các thành viên khác.

    Chương trình trao đổi hoạt động trên hệ thống tính điểm và chỉ khi có sự khác biệt quá lớn về giá trị tài sản được giao dịch thì tiền mới được sử dụng làm công cụ thứ yếu.

    The Gilt Club 1
    Sebastian Orr là Giám đốc điều hành và người sáng lập The Gilt Club.

    Rất ít thành viên sử dụng The Gilt Club như một công cụ kiếm tiền, mà hầu hết đều coi đó là một cách để tránh những rắc rối và chi phí cho các công ty môi giới.

    Đặc biệt, các thành viên có được quyền tiếp cận những tài sản “độc nhất vô nhị” mà thường không bao giờ xuất hiện trên thị trường.

    Khi đề cập đến việc cung cấp danh sách tài sản của mình, các thành viên The Gilt Club luôn rất yên tâm vì biết rằng họ đang trao đổi với một nhóm đáng tin cậy, gồm những người có cùng đẳng cấp, đã được sàng lọc kỹ lưỡng”.

    The Gilt Club 1
    Các thành viên có thể tận hưởng trải nghiệm độc đáo, sang trọng tại nhà riêng của nhau.

    Thay vì tính phí hoa hồng cho mỗi lần trao đổi, The Gilt Club tính phí thành viên hàng năm là 5.000 bảng Anh.

    Để tiến hành trao đổi tài sản, các thành viên sẽ gửi bản mô tả ngắn gọn về tài sản của họ cùng với một số hình ảnh, sau đó The Gilt Club sẽ sắp xếp một cuộc gặp mặt trực tiếp và thăm quan tài sản đó. Do đã có kinh nghiệm định giá dày dặn, The Gilt Club có thể biết gần như ngay lập tức tài sản đó có phù hợp để trao đổi công bằng hay không.

    Các loại tài sản không nhất thiết phải có giá trị cao mới được chấp nhận, miễn là chúng bảo đảm tính độc nhất. Việc trao đổi được thực hiện trực tiếp giữa các thành viên, không có bên thứ ba tham gia. Các thành viên có quyền xem xét tiểu sử của thành viên dự kiến trao đổi tài sản và quyết định xem họ có muốn tiến hành giao dịch.

    Nếu cuộc giao dịch không phù hợp với một bên, The Gilt Club sẽ thay mặt họ từ chối cuộc giao dịch một cách lịch sự.

    The Gilt Club 1
    Tài sản của thành viên The Gilt Club nằm ở khắp châu Âu, châu Phi, Nam Mỹ và Caribe.

    Danh mục tài sản hiện có của The Gilt Club trải dài từ châu Âu đến Caribe, qua châu Phi, châu Á và Nam Mỹ. Đó có thể là những hòn đảo tư nhân rất nổi tiếng ở Maldives hay một căn penthouse nhìn xuống bãi biển Leblon tuyệt đẹp ở Rio de Janeiro (Brasil).

    Vietnamnet (Theo Privatefly)

  • Vợ của một triệu phú Dubai đã chia sẻ hình ảnh cuộc sống đời thường của mình, và số tiền mà cô tiêu trong 1 ngày. 

    Những bờ biển đầy nắng ở Dubai là nhà của các tỉ phú và triệu phú cùng với vợ của họ. Trong số 3.3 triệu người cư trú ở Dubai, có TikToker lionlindda và người chồng giàu có của cô.

    vo trieu phu dubai 1

    Từ khi bắt đầu cuộc sống ở Dubai, Linda rất cởi mở về lối sinh hoạt thượng lưu của mình. Cô thường chia sẻ video với 384k fan trên TikTok. 

    Lần này, người phụ nữ trẻ kể về số tiền mà cô "phải xoay xở để tiêu hết trong 1 ngày". Đầu tiên là chuyến đi đắt đỏ tới một tiệm nail. Cô thích nhiều thợ nail cùng lúc làm móng cho mình. 

    Sau đó cô tắm sữa với cánh hoa hồng tại salon. Một chuyến đi làm đẹp ngốn của cô hết $2,000 - tương đương £1,600. Sau khi đã có bộ nail mới, Linda đi đến trung tâm mua sắm và như thường lệ, cô tìm đến tiệm kim cương.

    vo trieu phu dubai 1
    Linda chia sẻ với các fan cuộc sống thường ngày của cô ở Dubai. Ảnh: TikTok/@lionlindaa

    vo trieu phu dubai 1
    Một chuyến đi đến tiệm kim hoàn ngốn của cô hết 7.4 triệu bảng. Ảnh TikTok/@lionlindaa

    Giữa hàng loạt những trang sức lấp lánh, cô đặc biệt thích vài món nữ trang, đặc biệt là một chiếc nhẫn siêu khủng. Tất cả số trang sức cô mua lần này trị giá 7.4 triệu bảng.

    "Chúng thật đẹp, bạn không thể trách tôi vung tay quá trán. Tôi cảm thấy rất vui", bà nội trợ giàu có cười nói.  

    Chuyến đi làm đẹp và mua sắm khiến Linda đói cồn cào, nên cô phải đi mua chút đồ ăn. Bữa tối gồm thịt và rau tiêu tốn của cô hết £125. Nếu bạn nghĩ việc chi tiêu trong ngày đến đây là kết thúc thì bạn đã nhầm to. Khoản chi tiêu đắt đỏ nhất vẫn chưa xuất hiện. 

    Sau khi đã no bụng, chuyến dừng chân cuối cùng của Linda là xem xét các căn hộ mới nhất đang chào bán trên thị trường. Sau khi bỏ ra 16.5 triệu bảng cho một căn bất động sản, Linda không đắn đo gì mà chỉ cho rằng đó là một khoản đầu tư. 

    "Hy vọng chồng tôi không phát điên", cô cười khúc khích. 

    Sau khi đã hài lòng với năng suất làm việc ngày hôm nay của mình, Linda bình luận: "Công việc thật nhẹ nhàng".

    Chỉ 1 tuần sau khi đoạn clip được đăng tải, video của cô đã thu hút tới 6 triệu lượt xem. Nhưng không phải ai cũng hài lòng với cách tiêu tiền của cô. Một người viết: "9 triệu và 20 triệu. Chồng cô ta sẽ sớm phá sản thôi".

    Một người khác đồng ý: "Khoác lác như vậy chẳng có gì hay ho".

    "Với tư cách là vợ của một triệu phú, tôi sẽ làm từ thiện cho cộng đồng. Thật đáng buồn khi nhiều người giàu có nhưng thiếu lòng nhân ái", một user bình luận.

    Viethome (theo The Sun)

  • Show truyền hình thực tế về giới siêu giàu “Bling Empire: New York” đã giới thiệu đến người xem những “người châu Á xịn”, bao gồm 5 cái tên có tầm ảnh hưởng đến ngành thời trang thế giới.

    bling empire new york 6
    Những người châu Á được mệnh danh slaysian. Ảnh: IG.

    Trong chương trình truyền hình thực tế mới về giới siêu giàu châu Á, Bling Empire: New York Đế chế phô trương: New York ), người xem được biết đến danh từ mới “slaysian” (người châu Á xịn). Từ này được Tina Leung, một trong diễn viên chính của show thực tế, sử dụng khi cô tái ngộ những người bạn Prabal Gurung, Laura Kim, Phillip Lim và Ezra J. William trong một sự kiện thời trang.

    Điểm chung của bộ năm là người châu Á, mặc hàng hiệu đắt đỏ, ngồi hàng ghế đầu trong các sự kiện thời trang và có tầm ảnh hưởng lớn trong làng mốt thế giới. Hơn thế nữa, bằng danh tiếng của mình, họ tác động đến các vấn đề công bằng xã hội, mở ra phong trào văn hóa đại chúng trên khắp các mạng xã hội.

    Theo Elle , mặc dù mạng lưới slaysian phát triển mỗi ngày với hàng triệu người tự nhận là một phần của nhóm, bộ 5 được công nhận là bản gốc, đời đầu.

    Tina Leung

    bling empire new york 6
    Tina Leung là một trong những nhân vật siêu giàu trong Bling Empire: New York. Ảnh: Netflix.

    Tina Leung (40 tuổi) sinh ra ở Hong Kong (Trung Quốc), lớn lên ở Quận Cam, California, Mỹ. Leung bắt đầu bước vào ngành thời trang khi đi làm tóc ở quê nhà. Nhà tạo mẫu tóc giới thiệu cô bạn của anh là Gordon Lam, giám đốc sáng tạo của Tạp chí Prestige. Với tư cách là người yêu thời trang, Leung tạo được ấn tượng mạnh với Lam và kiếm được công việc đáng mơ ước.

    Sau đó, cô trở thành stylist kiêm cây viết về thời trang tại Prestige. Tài khoản mạng xã hội và blog của cô, có tên Tina Loves, nhanh chóng thu hút được nhiều người theo dõi. Từ đó, tín đồ của những món đồ Gucci cổ điển trở thành một người có ảnh hưởng trên Instagram về mảng thời trang. Theo Business of Fashion , phong cách thời trang cao cấp kết hợp đường phố của Leung nhận được sự đánh giá cao từ các hãng thời trang lớn.

    Tina Leung tự nhận mình là một phần của thế hệ những người có ảnh hưởng phong cách đầu tiên. Khi lượng người hâm mộ tăng lên, sức hút của cô đối với các hãng lớn cũng tăng theo. Cô từng hợp tác với các nhà mốt hàng đầu như Valentino, Prada, Chanel và Loewe. Cô cũng làm việc với Topshop về sneaker, cũng như có những dự án độc quyền với Michael Kors, Gucci và Bulgari.

    Vào thời điểm Bling Empire: New York lên sóng, nữ blogger một thời đã đạt được thành công toàn cầu, có gần nửa triệu người theo dõi trên Instagram.

    Prabal Gurung

    bling empire new york 6
    Prabal Gurung là nhà thiết kế thời trang gốc Á hàng đầu thế giới. Ảnh: IG.

    Prabal Gurung (43 tuổi) là một cái tên quen thuộc trong thế giới thời trang. Theo Fashion Elite , anh sinh ra ở Singapore, với cha mẹ là người Nepal, và lớn lên ở Kathmandu, Nepal. Anh ấy học thiết kế ở Ấn Độ, làm việc dưới quyền của nhà thiết kế nổi tiếng Manish Arora.

    Năm 1999, anh chuyển đến Thành phố New York, học việc với nhà thiết kế Donna Karan. Một thập kỷ sau, anh ra mắt Prabal Gurung tại Tuần lễ thời trang New York. Gurung giành nhiều giải thưởng và được chọn vào CFDA Fashion Incubator từ năm 2010 đến 2012 - chương trình nhằm nâng tầm các nhà thiết kế mới nổi.

    Gurung có tình yêu lớn với thời trang. Tuy nhiên, trong cuộc phỏng vấn với truyền thông Hong Kong, anh cho biết từng bị phân biệt đối xử vì là người châu Á.

    Hiện tại, anh sở hữu khối tài sản ròng trị giá 5 triệu USD, làm việc với các ngôi sao hàng đầu như Demi Moore, Priyanka Chopra và Oprah Winfrey... Anh cũng có tầm ảnh hưởng lớn trên mạng xã hội, với hơn 1 triệu người theo dõi trên Instagram. Anh được xem là cố vấn cho các slaysian. Trong cuộc phỏng vấn với truyền thông Hong Kong, anh nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tìm ra tiếng nói riêng càng sớm càng tốt và sử dụng nó.

    Laura Kim

    bling empire new york 6
    Laura Kim có tầm ảnh hưởng lớn trong ngành thời trang thế giới. Ảnh: IG.

    Laura Kim (không rõ tuổi) sinh ra ở Seoul, Hàn Quốc. Theo Coveteur, Kim học may vá khi mới 3 tuổi. Cô chia sẻ với ấn phẩm Seoul đánh thức khả năng sáng tạo bên trong cô, khi trẻ em biết cạnh tranh nhau để trở nên thời trang nhất dù chưa đến 10 tuổi.

    Năm 9 tuổi, Kim chuyển đến Calgary, Canada. Sau này, cô học về thời trang tại Học viện Pratt ở Brooklyn, New York. Những người thầy đầu tiên của Kim là các nhà thiết kế hàng đầu Jeremy Scott và Donna Karan. Nhờ thời gian học việc cùng Donna Karan, Kim được nhận vào làm việc cho Oscar de la Renta do hai thương hiệu có trụ sở cùng tòa nhà.

    Kim gắn bó với De la Renta trong 13 năm. Từ thực tập sinh trở thành trợ lý thiết kế và đến năm 26 tuổi, cô điều hành studio của De la Renta. Cuối cùng, cô được giao vị trí giám đốc thiết kế, làm việc cùng với nhà thiết kế lừng lẫy cho đến khi ông qua đời vào năm 2014. Năm 2015, cô ra mắt Monse cùng với đối tác thời trang của mình là Fernando Garcia.

    Ngay từ lần ra mắt bộ sưu tập Xuân/Hè đầu tiên 2016, Monse thu hút sự chú ý của giới truyền thông và người nổi tiếng. Khách hàng của Monse bao gồm Sarah Jessica Parker, Margot Robbie và nhiều người nổi tiếng khác. Theo Business of Fashion , cô và Garcia sau đó được mời làm đồng giám đốc sáng tạo tại De la Renta. Họ chính là người đứng sau các bộ sưu tập quần áo may sẵn, phụ kiện, cô dâu và trẻ em.

    Phillip Lim

    bling empire new york 6
    Không có định hướng theo đuổi thời trang từ nhỏ, Phillip Lim lại gây dựng được sự nghiệp ai cũng mơ ước. Ảnh: IG.

    Theo CFDA , Phillip Lim sinh năm 1973 tại Thái Lan, nhưng gốc Trung Quốc. Sau này, anh cùng gia đình chuyển đến Nam California (Mỹ). Ban đầu, anh học đại học về chuyên ngành tài chính, rồi kinh tế gia đình, vốn không liên quan đến thời trang.

    Tuy nhiên, Lim có công việc làm thêm cuối tuần tại Barneys, thương hiệu cao cấp có trụ sở chính ở New York. Sau thời gian tiếp xúc với các sản phẩm của Katayone Adeli, anh gọi điện cho nhà thiết kế nổi tiếng để xin việc và thành công có được một vị trí thực tập.

    Thành quả nhiều năm làm việc chăm chỉ của Lim là cho ra mắt thương hiệu riêng và chuyển đến Soho, New York. Năm 2005, thương hiệu 3.1 Phillip Lim ra mắt tại Tuần lễ thời trang New York. Hiện tại, anh được giới thời trang trọng vọng với tư cách nhà thiết kế trang phục, phụ kiện và giày dép cho phụ nữ và nam giới. Một chiếc túi hiệu Phillip Lim có thể lên đến 900 USD.

    Đế chế thời trang của Lim dần mở rộng phạm vi hoạt động ra toàn cầu, với 14 cửa hàng độc lập trên khắp nước Mỹ, London (Anh) và Châu Á. Anh là nhà thiết kế kiêm bạn của nhiều người nổi tiếng như Cara Delevingne, Kristen Bell và Molly Sims...

    Celebrity Net Worth cho hay giá trị tài sản ròng của Lim vào khoảng 12,5 triệu USD. Anh là nhân vật chủ chốt trong thế giới thời trang người Mỹ gốc Á, được nhiều người tôn trọng và ngưỡng mộ.

    Ezra J. William

    bling empire new york 6
    Từ rich kid mê hàng hiệu, Ezra J. William trở thành blogger thời trang hàng đầu thế giới. Ảnh: IG.

    Ezra J. William (33 tuổi) sinh ra ở Jakarta. Anh là con trai của ông trùm bất động sản Indonesia. Năm 2016, anh nổi tiếng chỉ sau một đêm nhờ tham gia chương trình truyền hình Rich Kids of Instagram .

    Anh từng sống ở Singapore, Hong Kong (Trung Quốc), Los Angeles và cuối cùng định cư ở New York. Tại đây, anh được cha mua cho ngôi nhà mặt phố 4 tầng ở khu dân cư West Village.

    Trong khi ngôi nhà được trang trí với những món đồ từ Fendi, tủ quần áo của Ezra gây choáng váng hơn khi được phủ kín bởi Gucci và Christian Dior, với tổng giá trị ước tính vào năm 2016 là khoảng 740.000 USD. Anh không chỉ là thành viên chủ chốt của slaysian, mà còn là bạn thân của giới siêu giàu Mỹ, bao gồm Paris và Nicky Hilton, Tiffany Trump và EJ Johnson. Công việc hiện nay của anh là ngôi sao mạng xã hội, blogger thời trang và ngôi sao truyền hình thực tế.

    Tiền Phong (theo SCMP)

  • Yêu cầu khu nghỉ dưỡng phun tuyết hồng hay mua voi làm quà sinh nhật là những yêu cầu xa xỉ được giới siêu giàu trên thế giới ưa chuộng.

    Khoảng cách từ sân bay quốc tế Bozeman Yellowstone ở Belgrade, Montana, Mỹ đến Câu lạc bộ Yellowstone, nơi các tỷ phú trượt tuyết và chơi golf trên một khuôn viên trên 6.000 ha, là 80 km. Nhưng với các thành viên câu lạc bộ, như Bill Gates, Warren Buffett hay Mark Zuckerberg, hành trình có thể diễn ra nhanh hơn nhiều.

    Thay vì đến Bozeman bằng máy bay thương mại và bắt một chiếc Uber ở sân bay, họ bay trên phi cơ riêng rồi leo lên một chiếc trực thăng để "chỉ mất 10 phút là tới đích", Adamo Vullo, cựu nhân viên câu lạc bộ Yellowstone, hiện là nhân sự cấp cao tại Outpost, công ty quản lý bất động sản hạng sang ở thành phố Jackson, bang Wyoming, cho hay.

    Vullo nói rằng khách đến với câu lạc bộ theo cách như vậy là điều rất bình thường. Nhiều người sẵn sàng bỏ ra hàng nghìn USD chỉ để thuê trực thăng đi ăn trưa.

    Đó chỉ là một phần nhỏ cuộc sống của giới siêu giàu, những người thường xuyên lui tới các khu trượt tuyết sang trọng hay các câu lạc bộ tư nhân đắt đỏ. Báo Washington Post đã phỏng vấn hàng loạt người trong ngành, như chủ khách sạn, huấn luyện viên trượt tuyết, nhà quản lý tài sản hay chuyên viên lên kế hoạch du lịch, để tìm hiểu cách họ phục vụ những yêu cầu "có một không hai" từ những vị khách cực kỳ giàu có.

    dot tien mua dong 1
    Cáp treo tại khu nghỉ dưỡng trượt tuyết Aspen, Mỹ, hồi năm 2020. Ảnh: AP.

    Mỗi chuyến trượt tuyết, các gia đình giàu có lại chi hàng chục nghìn USD cho quần áo, đồ dùng, trang bị mới và bỏ lại tất cả sau khi kỳ nghỉ kết thúc. Một số du khách giàu có nhất thế giới vẫn thuê thiết bị, nhưng họ sẽ không bao giờ xuất hiện tại các cửa hàng địa phương. Đây chính là lý do công ty dịch vụ Quản gia Trượt tuyết ra đời.

    "Chúng tôi đến biệt thự nghỉ dưỡng hay khách sạn của họ và sắp xếp mọi thứ để đảm bảo khách hàng được thoải mái nhất có thể", Mike Cremeno, quản lý cấp cao tại công ty Quản gia Trượt tuyết, cho hay.

    Khi khách hàng trượt tuyết xong hoặc muốn đổi ván trượt, nhân viên Quản gia Trượt tuyết sẽ tìm đến họ, cho dù họ đang xếp hàng chờ cáp treo hay ở giữa một bữa tiệc. Cremeno từng có một khách hàng yêu cầu đổi ván trượt 15 lần trong 5 ngày sử dụng dịch vụ.

    "Đó là một phần công việc", Cremeno nói. "Một số người rất kén chọn và thực sự muốn thử mọi thứ mà chúng tôi mang theo. Chúng tôi sẽ đáp ứng hoàn toàn mọi yêu cầu".

    Ngoài đáp ứng nhu cầu về thiết bị, Quản gia Trượt tuyết còn xử lý các công việc lặt vặt cho khách hàng. Có lần, một phụ nữ ở Park City lo lắng rằng thẻ vào khu trượt tuyết của nhóm cô vẫn chưa được chuyển đến. Thay vì chờ xem liệu thẻ có đến kịp hay không, Cremeno đã tới khu nghỉ mát và chi 10.000 USD lấy những tấm thẻ mới để khách hàng yên tâm tận hưởng kỳ nghỉ.

    Những người thuộc giới siêu giàu còn sẵn sàng chi hơn 1.000 USD mỗi ngày để thuê giáo viên hướng dẫn trượt tuyết trong hàng tuần liền.

    "Tôi có thể dạy riêng cho một người trong 40 ngày", James P. Ruddy, cựu huấn luyện viên trượt tuyết từng có 16 năm làm việc tại Yellowstone Club, nói. "Khi đó, bạn thực sự trở thành một thành viên trong gia đình họ".

    Một xu hướng đang thịnh hành trong ngành là tổ chức các buổi học riêng với những vận động viên trượt tuyết Olympic. Tại Onefinestay, Friedman cho biết họ nhận được rất nhiều yêu cầu từ những khách hàng muốn làm việc với các vận động viên Olympic với mức lương 2.800 USD/người cho cả ngày hoặc 1.700 USD cho nửa ngày.

    Một số du khách thuê chuyên gia chỉ để nhận những đặc quyền mà khu nghỉ dưỡng dành riêng cho giáo viên hướng dẫn.

    "Họ sẽ trả 1.300 USD một ngày, cộng với tiền boa, để không phải xếp hàng chờ thang máy", Berkely Tolman, hướng dẫn viên tại khu trượt tuyết Deer Valley ở Utah cho hay. Ở đây, giá thuê phòng trung bình một đêm là 2.000 USD trong hầu hết mùa đông.

    Không phải xếp hàng có vẻ là một đặc quyền giá trị tại những khu nghỉ mát trượt tuyết lớn, nơi khách hàng thậm chí phải chờ 30 phút để đi thang máy. Nhưng Deer Valley không tiếp nhận quá nhiều khách hàng một lúc.

    "Vào những lúc cao điểm nhất, tôi cũng chưa bao giờ phải đợi quá 10 phút để lên cáp treo", Tolman cho hay.

    Để chuyến đi trượt tuyết của họ trở nên lãng mạn nhất có thể, các cặp đôi siêu giàu không bao giờ tiếc chi phí.

    Patrick Davila, tổng giám đốc khách sạn Jerome ở Aspen, Colorado, Mỹ, nhớ lại một cặp vợ chồng từng yêu cầu nhân viên của ông chạy theo xe trượt tuyết chỉ để mang champagne cho họ. Alexandra Vesin, tổng giám đốc khách sạn Aman Le Mélézin ở Courchevel, Pháp, cho hay ông từng sắp xếp một màn cầu hôn trên khinh khí cầu tại dãy núi Alps.

    Yêu cầu đáng nhớ nhất của Tolman đến từ một khách hàng thường xuyên, người muốn Deer Valey phun tuyết hồng vào ban đêm, trong lúc anh ta và vợ đi cáp treo đến địa điểm ăn tối trên đỉnh núi và có một buổi trượt tuyết riêng tư.

    Marijana Jakic, giám đốc thương hiệu của thị trấn trượt tuyết St. Moritz, Thụy Sĩ, cho biết nhiều thập kỷ trước, một vị khách của khách sạn Badrutt's Palace đã yêu cầu nhân viên mang tới một con voi còn sống để làm quà sinh nhật cho vợ ông.

    dot tien mua dong 1
    St. Moritz, thị trấn nghỉ mát sang trọng ở thung lũng Engadin, Thụy Sĩ. Ảnh: St. Moritz.

    Theo Brian Pentek, chủ sở hữu công ty lữ hành LuxeLife Travel, người Mỹ và người châu Âu có khác biệt lớn về cách thể hiện sự giàu có. Mặc dù chi phí ở Aspen rất đắt đỏ, chúng vẫn không thể so sánh với những gì khách hàng bỏ ra trên dãy Alps ở châu Âu.

    "Hóa đơn bữa trưa lên tới 100.000-200.000 euro là điều thường gặp", ông nói.

    Pentek từng đón một khách hàng siêu giàu lưu trú tại một thị trấn trượt tuyết ở châu Âu trong vài tuần. Cô ấy yêu khách sạn, nhưng không thích căn phòng đang ở. "Vì vậy, vị khách mời nhà thiết kế của mình đến và họ đã trang trí lại căn phòng để giống nhà cô ấy hơn một chút", Pentek kể lại, thêm rằng chi phí ước tính lên đến 100.000 USD.

    Đối với những du khách trượt tuyết giàu có, sở thích lưu trú của họ cũng rất khác biệt. Một số muốn các biệt thự trên núi với đầy đủ nhân viên, như dinh thự gỗ có giá 30.000 USD/đêm mà công ty du lịch xa xỉ Remote Lands đặt cho khách hàng ở Niseko, khu nghỉ mát trượt tuyết hàng đầu Nhật Bản.

    "Nó rất đồ sộ và sở hữu đầy đủ mọi thứ mà bạn có thể tưởng tượng ra được trong đó", giám đốc điều hành công ty Catherine Heald nói.

    Số khác thích bao toàn bộ khu nghỉ mát. Nadine Paulo từ Travel Edge đã mua toàn bộ ngôi nhà gỗ Sheldon ở Alaska xa xôi cho những khách hàng sẵn sàng trả 75.000 USD cho một kỳ nghỉ tối thiểu ba đêm.

    Một số người sẵn sàng mua một biệt thự tại khu nghỉ mát thay vì thuê chúng.

    Một số khách trượt tuyết ở trong phòng của họ suốt mùa, số khác cho thuê chúng vài tháng trong năm. Tolman biết một chủ sở hữu đã mua biệt thự dù chưa nhìn thấy nó, không tu sửa cũng như chưa bao giờ đến thăm.

    "Chỉ là họ cần chuyển 5 triệu USD của mình tới nơi nào đó", ông nói.

    VnExpress (theo Washington Post)

  • me di lam an xa 1

    Vì cuộc sống, nhiều người phải chấp nhận đi làm ăn xa. Dù chẳng ai muốn phải đến một mảnh đất mới, không có người thân ở bên nhưng nếu đó là sự lựa chọn tốt nhất cho tương lai thì họ đành nuốt nước mắt tạm biệt gia đình. Khoảng cách càng xa thì thời gian được trở về đoàn tụ càng lâu, do đó, những cuộc chia tay luôn diễn ra trong nước mắt.

    Mới đây đoạn clip ghi lại cảnh người mẹ đau lòng để lại con nhỏ cho ông bà chăm để lên đường làm ăn xa xứ đã khiến những người chứng kiến không khỏi nghẹn ngào.

    me di lam an xa 1
    Người mẹ đi xa làm ăn, nghẹn ngào tạm biệt con. (Ảnh: Chụp màn hình TikTok T.T.)

    Được biết người phụ nữ quyết định sang nước ngoài làm việc. Vào ngày cô lên đường, rất đông người thân, bạn bè đã đến sân bay tiễn cô. Tới giờ phải qua cửa an ninh, chuẩn bị lên máy bay ai cũng sụt sùi. Lúc này người phụ nữ ôm đứa con nhỏ vào lòng khóc nức nở, cố gắng chắt chiu từng phút ở bên con. Người mẹ liên tục thơm má, nhìn con xót xa, những giọt nước mắt cứ thế lăn dài.

    me di lam an xa 1
    Người mẹ cố gắng ôm con trước giờ lên đường. (Ảnh: Chụp màn hình TikTok T.T.)

    me di lam an xa 1
    Cô cố gắng thơm má con thật lâu. (Ảnh: Chụp màn hình TikTok T.T.)

    Đứng xung quanh, người thân không thể kìm được nước mắt. Ai cũng thương đứa trẻ còn nhỏ đã phải xa mẹ. Em còn quá bé nên không thể biết rằng chỉ ít phút nữa thôi mẹ mình sẽ phải đến một nơi xa. Được mẹ ôm trong lòng, bé rất ngoan, mặc mọi người xung quanh đang nói chuyện và không gian sân bay ồn ào nhưng bé vẫn ngủ say như một thiên thần nhỏ trên vai mẹ.

    me di lam an xa 1
    Những giọt nước mắt lăn dài khiến ai cũng nghẹn ngào. (Ảnh: Chụp màn hình TikTok T.T.)

    me di lam an xa 1
    Bé vẫn ngủ rất ngoan. (Ảnh: Chụp màn hình TikTok T.T.)

    Đến giờ lên đường, mọi người chỉ đành động viên cô đưa con cho bà bế và nhắn nhủ cô yên tâm ở nhà đã có ông bà lo: "Cháu ở nhà ngoan lắm, con không phải lo, sang đó con cố gắng giữ gìn sức khỏe, chịu khó ăn uống nhé."

    me di lam an xa 1
    Người mẹ trao con lại cho bà để lên máy bay. (Ảnh: Chụp màn hình TikTok T.T.)

    me di lam an xa 1
    Những ngày tháng tới với cô có lẽ sẽ rất khó khăn. (Ảnh: Chụp màn hình TikTok T.T.)

    Ngay sau khi đăng tải đoạn clip đã nhận về rất nhiều sự quan tâm từ người xem, nhất là những ai có chung hoàn cảnh. 

    "Nhìn cảnh này xót quá, nhưng vì muốn con có cuộc sống tốt hơn nên chấp nhận thôi. Mẹ với con như khúc ruột trên, khúc ruột dưới, xa nhau buồn lắm chứ."

    "Mình cũng đã từng đi nước ngoài, rất buồn nhưng chưa bao giờ hối hận. Nếu không đi sẽ không có ngày hôm nay, xây được nhà cho con ăn học đầy đủ."

    "Nhìn con ngủ mà thương, mong con luôn ngoan như thế, chờ ngày gia đình đoàn tụ."

    me di lam an xa 1
    Sau khi được mọi người động viên, người mẹ đã lấy lại tinh thần. (Ảnh: Chụp màn hình TikTok T.T.)

    Tuy nhiên cũng có một số ý kiến cho rằng xa con khi con còn quá nhỏ là thiệt thòi cho bé. Tiền thì kiếm lúc nào cũng được, nhưng tuổi thơ con chỉ có một lần và chúng rất cần có mẹ ở bên. Đáp lại điều này, người đăng tải đoạn clip cho biết: "Nói chung là phải thế nào thì mới dứt con để đi làm ăn xa. Đâu ai muốn đâu, cũng là mong con có tương lai tốt đẹp hơn thôi."

    me di lam an xa 1
    Người đăng tải clip chia sẻ bà mẹ chỉ muốn con có tương lai tốt hơn. (Ảnh: Chụp màn hình TikTok T.T.)

    Mỗi người đều có những lý do riêng để đưa ra sự lựa chọn cho cuộc đời mình. Với người làm mẹ, xa con chắc chắn sẽ là nỗi nhớ nhung không thể nào kể xiết. Phải rất can đảm họ mới dám bước đi, suy cho cùng tất cả cũng chỉ vì con.

    Theo YAN

  • Nhập khẩu nước khoáng Italy để gội đầu, lắp bãi cỏ trong phòng khách sạn cho thú cưng... là những yêu cầu kỳ quặc của giới nhà giàu với ngành dịch vụ.

    doi hoi cua gioi sieu giau 1
    Theo những người làm trong ngành dịch vụ xa xỉ, những đòi hỏi kỳ quặc của giới nhà giàu là có thật.

    Ngày càng nhiều tác phẩm phim ảnh khắc họa cuộc sống của giới siêu giàu trên thế giới, đặc biệt nhấn mạnh vào những sở thích, thói quen kỳ quặc, theo The Washington Post.

    Phim truyền hình dài tập The White Lotus gây tiếng vang khi chế nhạo cái tôi và sự thái quá của tầng lớp du lịch giàu có. Tác phẩm Triangle of Sadness của đạo diễn người Thụy Điển ghi điểm tuyệt đối tại Liên hoan phim Cannes vì có thông điệp châm biếm sâu cay về giới nhà giàu.

    The Menu, bộ phim sắp được công chiếu tại các rạp ở Mỹ, có đoạn giới thiệu gợi ý về cái kết đẫm máu cho những vị khách tại một nhà hàng sang trọng, độc quyền trên hòn đảo xa xôi.

    Nhiều khán giả tự đặt ra câu hỏi rằng liệu giới thượng lưu có thực sự đưa ra những yêu cầu thái quá như trong phim hay không. Theo những người làm việc trong ngành dịch vụ du lịch và từng phục vụ nhóm 1% giàu có thế giới, câu trả lời là “có”.

    doi hoi cua gioi sieu giau 1
    Những người làm trong ngành dịch vụ xa xỉ xác nhận rằng giới siêu giàu nhiều khi đưa ra những yêu cầu khá kỳ quái. Ảnh: Kaitlin Brito/The Washington Post.

    Nước khoáng nhập khẩu để gội đầu

    Sandra Webaget, đồng sở hữu của Inside Europe Travel Experiences, thường xuyên được nghe chuyện về những hành vi đòi hỏi của khách nhà giàu từ bạn bè và các mối quan hệ kinh doanh làm việc trong những khách sạn 5 sao của châu Âu.

    Theo lời chia sẻ của chủ khách sạn ở Pháp với cô, một vị khách người Nga đã yêu cầu vận chuyển lượng lớn sản phẩm nước khoáng có ga Sanpellegrino từ Italy tới Pháp ngay trong ngày.

    “Người phụ nữ đó cần chúng không phải để uống, mà là gội đầu. Cô ấy nhất định không sử dụng loại nước có ga khác”, Webaget kể.

    Hóa đơn mua sắm 4 triệu USD

    Christina Stanton, một hướng dẫn viên du lịch ở thành phố New York (Mỹ) với hàng chục năm kinh nghiệm, được thuê để đưa vợ của một nhà tài phiệt người Nga trong chuyến du lịch gia đình.

    Trong chuyến đi, Stanton giúp người mẹ mua sắm cho mùa tựu trường của 3 đứa con. Cửa hàng Bergdorf Goodman thậm chí mở cửa sớm để cả hai có thể mua sắm một cách riêng tư. Họ chọn được 58 đôi giày tại cửa hàng Little Eric Shoes.

    doi hoi cua gioi sieu giau 1
    Một khách hàng là vợ tài phiệt Nga từng mua sắm hóa đơn trị giá hàng triệu USD trong kỳ nghỉ ngắn ngày. Ảnh: Shutterstock

    Suốt 4 ngày di chuyển cùng khách hàng, Stanton ước tính rằng người phụ nữ ấy đã chi khoảng 4 triệu USD cho việc mua sắm. Ngoài ra, hướng dẫn viên du lịch phải giao nộp điện thoại cá nhân cho vệ sĩ gia đình trong những ngày đó.

    Bên cạnh đó, Stanton nhận ra rằng gia đình tài phiệt này không nói chuyện với những nhân viên bồi bàn. Các vệ sĩ sẽ đảm nhận công việc đó.

    Nàng tiên cá trong bể bơi

    Công ty Nightfall Group (bang California, Mỹ), chuyên cho thuê biệt thự cao cấp và lên kế hoạch du lịch sang trọng, luôn có sẵn danh sách chuyên viên thích hợp để phục vụ bất kỳ ý tưởng nào mà khách hàng mong muốn.

    Một lần, vị khách thuê biệt thự rộng gần 1.300 m2 ở Los Angeles đã yêu cầu một nàng tiên cá trong hồ bơi, nhằm phục vụ cho bữa tiệc cocktail chuẩn bị bắt đầu sau một tiếng nữa. Hơn nữa, đội ngũ nhân viên phải làm ấm bể bơi ở mức 27 độ C cho buổi trình diễn của nàng tiên cá.

    “Các vị khách không muốn lấy bừa một cô gái nào, mà phải là một nàng tiên cá với chiếc đuôi chân thực. Họ muốn thấy những thứ như mang cá trên cơ thể người”, Angelica Bridges, phát ngôn viên của công ty, kể lại.

    doi hoi cua gioi sieu giau 1
    Một khách hàng yêu cầu có nàng tiên cá trong hồ bơi để phục vụ bữa tiệc của họ. Ảnh: Kindel Media/Pexels.

    Ông già Noel và tuần lộc

    Công ty Nightfall Group thường có nhiều thời gian chuẩn bị hơn đối với những yêu cầu lớn.

    Chẳng hạn, một nữ khách hàng đã thuê biệt thự trong 7 ngày và muốn lắp đặt chiếc két sắt có kích thước 1,5 x 1,5 m, được kiểm soát nhiệt độ để chứa tro cốt của mẹ bà.

    Một khách hàng khác muốn có Ông già Noel và tuần lộc xuất hiện tại bất động sản anh ta thuê vào đêm Giáng sinh.

    “Chúng tôi có một công ty nuôi tuần lộc. Thậm chí, chúng tôi còn có cả yêu tinh ở đó”, Bridges nói.

    Miễn phí nâng hạng phòng sang

    Stacy H. Small, người sáng lập Elite Travel Club, thường thiết kế các chuyến nghỉ dưỡng trị giá 100.000 USD, từng tiếp đãi một khách hàng là nhân vật truyền hình thực tế trên kênh Bravo.

    Người phụ nữ này đã hét vào mặt tài xế của cô vì lấy hành lý chưa đủ nhanh. Sau đó, cô từ chối nâng hạng phòng cao cấp ở một khách sạn sang trọng, nhưng vẫn tỏ ra giận dữ với Small vì giá phòng đắt đỏ.

    “Họ hoàn toàn có tiền, nhưng không muốn chi trả. Họ phàn nàn rất nhiều bởi họ muốn mọi thứ nhiều hơn, tốt hơn nhưng phải miễn phí”, Small cho biết.

    Cưng chiều thú cưng

    Tháng 2/2021, khi đại dịch Covid-19 khiến việc du lịch trở nên khó khăn, hãng cho thuê máy bay tư nhân Monarch Air Group đã nhận được yêu cầu di chuyển từ Santa Barbara (bang California) đến Vancouver (Canada).

    doi hoi cua gioi sieu giau 1
    Một vị khách yêu cầu đặt bãi cỏ trong phòng khách sạn nhằm phục vụ chó cưng. Ảnh: Pexels.

    Tuy nhiên, hành khách của chuyến bay trị giá 60.000 USD hôm đó là một chú chó pomsky tên Bella.

    Ở một trường hợp khác cách đây vài năm, nhân viên khu nghỉ dưỡng 5 sao Dolder Grand (Zurich, Thụy Sĩ) nhận được yêu cầu kỳ lạ từ một vị khách người Nga. Bà muốn họ đem tới một bãi cỏ đặt trong phòng để chó cưng có thể đi tiểu mà không phải rời khỏi khách sạn.

    Các nhân viên đề nghị đưa vật nuôi đi dạo quanh khu rừng của nơi nghỉ dưỡng. Tuy nhiên, vị khách từ chối và khăng khăng đòi một bãi cỏ rộng khoảng 1 m2 trong vòng 2 tiếng nữa.

    50.000 USD cho con ếch nhập khẩu

    Theo Curtis Crimmins, cựu nhân viên hướng dẫn tại các khách sạn 5 sao và là người sáng lập công ty khởi nghiệp đặt phòng khách sạn có tên Roomza, một vị khách nổi tiếng đã yêu cầu tìm một con ếch cây nhập khẩu đặc biệt cho con gái mình.

    Anh phải nhờ người quen là đại biểu quốc hội nhằm xúc tiến quy trình phê duyệt của Bộ Nông nghiệp Mỹ, từ đó có có thể đưa con ếch vào đất nước.

    “Toàn bộ quy trình tốn 50.000 USD, và con ếch cũng chỉ ở trong khách sạn cho đến khi họ trả phòng”, Crimmins kể lại.

    Theo Zing

  • Giới siêu giàu châu Á ở Mỹ là một loạt những nhân vật luôn gây tò mò với lối sống xa hoa, hào nhoáng. 

    Chương trình truyền hình thực tế Bling Empire (Đế chế Phô trương) với nội dung nói về cuộc sống của giới siêu giàu châu Á ở Mỹ sẽ trở lại với phần 3. Trong phần giới thiệu, nhân vật Devon Diep, một nữ diễn viên, ca sĩ và người mẫu gốc Việt rất gây chú ý. Cô được hứa hẹn sẽ cùng các thành viên khác trong dàn cast tạo nên những thước phim xa hoa ấn tượng.

    Mặc dù đang có khoảng 1,1 triệu USD trong tay nhưng Devon đã từng có khởi đầu khiêm tốn. Ước mơ của cô là trở thành nghệ sĩ, và Devon đã ký hợp đồng với công ty tài năng sau khi giành chiến thắng trong một cuộc thi ở địa phương. Cô được chọn vào các chiến dịch quảng cáo cho các thương hiệu như Reebok, Puma, Converse, Timberland, Donna Karan và Disney.

    gioi sieu giau chau a o my 1
    Devon Diep, nhân vật mới xuất hiện trong show truyền hình Bling Empire kể về giới siêu giàu châu Á ở Mỹ, chiếu trên kênh Netfilix. Ảnh: Devondiep/Instagram

    Dù đang làm tốt với vai trò người mẫu nhưng Devon cũng không ngại thử sức với diễn xuất, với sự góp mặt trong các bộ phim như Top Gear USA năm 2011, Ted (2012), The Heat (2013), Dead Reckoning ( 2020) và Snakehead (2021). Devon cũng lấn sân sang kinh doanh bằng các thành lập công ty sản xuất của riêng mình có tên ALLS Production, tập trung vào các câu chuyện về người châu Á, theo Meaww.

    Nữ triệu phú thể hiện tài năng âm nhạc của mình bằng cách cover lại hàng loạt bài hát của các nghệ sĩ nổi tiếng như Mariah Carey và Bonnie Raitt trên kênh YouTube cá nhân. Cô viết ca khúc chủ đề Green Dragon cho bộ phim Revenge of the Dragons (2014), một bộ phim tội phạm xã hội mời Martin Scorsese làm giám đốc sản xuất.

    Khác với đa số các nhân vật khác trong Bling Empire, Devon thường không khoe khoang lối sống quá xa hoa mà thay vào đó tập trung nhiều vào trải nghiệm cá nhân trên trang Instagram. Cô gây ấn tượng với ngoại hình khỏe khoắn, quyến rũ nhờ gu ăn mặc sang trọng, tinh tế.

    gioi sieu giau chau a o my 1
    Devon Diep là một diễn viên, người mẫu, nhà sản xuất âm nhạc. Ảnh: Devondiep/Instagram

    Từ khi ra mắt hồi giữa tháng 1/2021 đến nay, Bling Empire luôn nằm trong top 10 show được xem nhiều nhất của Netflix. Có người xem show vì chờ đợi drama của giới siêu giàu, chỉ để phán xét họ cũng lắm chuyện như ai. Có người thì lại xem vì mê mẩn loạt hàng hiệu, trang sức cao cấp được các nhân vật trưng bày ở nhà hoặc diện trên người. Yếu tố Á Đông được nhấn mạnh trong show khi các nhân vật đều là người Mỹ, nhưng có gốc Á.

    gioi sieu giau chau a o my 1
    Giới siêu giàu châu Á ở Mỹ. Ảnh: Devondiep/Instagram

    Bling Empire 3 sẽ vẫn có những gương mặt đã từng xuất hiện trong mùa trước, có thể kể đến như Anna Shay, Christine Chiu, Jaime Xie, Kim Lee và Mimi Morris… Trong đó, quý bà Mimi Morris, một phụ nữ gốc Việt cũng đã gây sốt không kém ở mùa 2 với cơ ngơi là căn biệt thự khổng lồ cùng cuộc sống bên người chồng doanh nhân Donald Morris.

    Theo Người Đồng Hành

  • chu bentley 4

    Cuộc chiến giành chỗ đậu xe giữa hai chủ xe kết thúc bằng cuộc ẩu đả kịch liệt, làm dấy lên cuộc tranh luận mới về giới siêu giàu Trung Quốc.

    Cuộc chiến giành chỗ đậu xe của nữ chủ nhân chiếc Bentley và người đàn ông sở hữu chiếc Rolls-Royce tại một tòa chung cư ở Thâm Quyến, miền Nam Trung Quốc, đang là chủ để bàn luận sôi nổi của dân mạng, South China Morning Post đưa tin hôm 7/6.

    Trong đoạn video được ghi lại, người phụ nữ tên Ouyang lái chiếc Bentley cố thủ ngay phía trước chiếc xe Rolls-Royce, đang đậu ở vị trí mà cô khẳng định vốn là chỗ đậu xe của mình.

    Ouyang hét lên trước đám đông đang tụ tập rằng chỗ đậu xe của cô đã bị chủ nhân chiếc Rolls-Royce chiếm dụng vào tháng trước, cô sẽ dùng chiếc Bentley của mình để không cho chiếc xe kia rời đi.

    "Tôi có 50 chiếc Bentley ở nhà", Ouyang nói lớn, đồng thời đe dọa sẽ mang số xe của mình đến để chặn đường nếu người đàn ông tiếp tục chiếm chỗ.

    Cuộc tranh chấp chỗ để xe nhanh chóng trở nên gay gắt khi người phụ nữ từ chối di chuyển xe của mình, kết thúc bằng cuộc ẩu đả giữa hai chủ xe.

    chu bentley 0
    Hai chủ xe lăn lộn dưới đất, đánh nhau vì tranh chấp chỗ đậu xe tại hầm chung cư.

    "Sao anh ta có thể chiếm chỗ đậu xe của tôi hơn một tháng mà không di chuyển! Tôi phải bảo vệ quyền lợi của mình!", cô nói thêm.

    Cả hai cùng lăn lộn trên mặt đất, la hét, tát và đánh nhau một cách thô bạo, bất chấp đám đông tò mò đang đứng xem và bảo vệ cố gắng giảng hòa.

    Trên mạng xã hội, nhiều người đã đặt biệt danh cho người phụ nữ là "Chị Bently". Trong video rằng, Ouyang nói rằng cô có một hợp đồng cho phép sở hữu độc quyền chỗ đậu xe.

    Tranh cãi về giới siêu giàu

    Cuộc chiến thượng lưu đã thu hút sự bàn luận của số đông dân mạng. Nhiều người so sánh đây là phiên bản đời thực của "Bling Empire" (Đế chế phô trương) - chương trình thực tế Mỹ về giới siêu giàu châu Á.

    Một thắc mắc lớn được đưa ra là làm cách nào một người có thể tích lũy được tới tận 50 chiếc Bently - loại xe đắt đỏ và thuộc nhóm hàng xa xỉ.

    Dư luận Trung Quốc chia phe khi tranh luận về tranh chấp chỗ đậu xe và khối tài sản khổng lồ của người phụ nữ. Một số ý kiến cáo buộc rằng Ouyang phải dính vào tham nhũng mới có được nhiều của cải như thế.

    "Một người phụ nữ thô lỗ với chiếc Bentley như vậy, thật đáng xấu hổ", "Không biết sự giàu có của cô ta đến từ đâu, sao có thể kiêu ngạo đến vậy", dân mạng bình luận.

    Có đồn đoán rằng "Chị Bentley" là bạn gái của thư ký một doanh nghiệp nhà nước ở Thâm Quyến.

    chu bentley 0
    Người phụ nữ tiết lộ có tới 50 chiếc Bently đã dấy lên cuộc tranh luận về giới siêu giàu Trung Quốc.

    Trước những lo ngại về khối tài sản mà người phụ nữ lái chiếc Bentley trong video tiết lộ, Ủy ban Quản lý và Giám sát Tài sản Nhà nước Thâm Quyến đã đưa thông báo hôm 6/6 rằng: “Ủy ban đang trong quá trình điều tra và xác minh vấn đề”.

    Tuyên bố cho biết ủy ban không tìm thấy bất kỳ ràng buộc kinh tế hoặc giao dịch kinh doanh nào giữa doanh nghiệp nhà nước và các công ty dưới quyền của người phụ nữ. Cuộc điều tra sẽ tiếp tục được thực hiện.

    Sau khi đoạn video lan truyền trên mạng, Ouyang đã nói với China News Service Business trong một cuộc phỏng vấn rằng clip trực tuyến đã bị "chỉnh sửa ác ý" và thiếu bối cảnh quan trọng.

    “Người chiếm chỗ đậu xe trong một thời gian dài đề cập đến ‘50 Bentley’, tôi chỉ đi theo anh ta và lặp lại điều đó một cách quá khích", Ouyang giải thích.

    Ouyang nói rằng không phải bản thân sở hữu 50 chiếc Bently như mọi người đang hiểu, mà cô là thành viên của một câu lạc bộ xe sang với hàng trăm chiếc Bentley. Cô có thể huy động được 50 chiếc Bentley từ câu lạc bộ, chứ không phải sở hữu nhiều xe đến thế.

    Tờ The Paper đưa tin các bãi đậu xe dành cho mục đích công cộng đã được công ty quản lý khu phức hợp nơi Ouyang ở giao cho một số chủ sở hữu căn hộ theo cách không hợp lý.

    Liang, một người dân sống cùng khu nhà với người phụ nữ này, cho biết tranh chấp xuất phát từ quyền sở hữu chỗ đậu xe trong tòa nhà không rõ ràng.

    “Tranh chấp về chỗ đậu xe của chủ sở hữu Bentley đã được giải quyết, nhưng quyền sở hữu chỗ đậu xe nói chung vẫn là một vấn đề", Liang bày tỏ.

    Một số dân mạng cho rằng người phụ nữ không nên bị tấn công vì bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình hoặc bị phán xét vì cô giàu có. "Tôi thông cảm cho chị Bentley. Rõ ràng, người chiếm dụng chỗ đậu xe là đáng trách", một người bình luận.

    Theo Zing