Công dân Anh Josie Ferrer Obiol (phải) nói cô khó mà kiếm được việc làm ở trường đại học tại Anh với thu nhập như Bộ Nội vu yêu cầu để có thể làm giấy mời chồng (bên trái) cùng sang Anh sống.
Quy định mới nhằm giảm số người nhập cư vào Anh đang gặp phải phản đối từ một số cặp đôi người Anh đã hoặc sắp kết hôn với người nước ngoài vì “yêu cầu thu nhập quá cao” để có thể làm visa đoàn tụ gia đình.
Từ tháng 4/2024, quy định mới - theo dự luật sắp được thông qua- yêu cầu các công ty muốn mời người lao động ở nước ngoài tới Anh làm việc thì cần phải trả lương tối thiểu 38.700 bảng một năm, tương đương 48,5 nghìn USD.
Chính phủ tuy thế giữ biệt lệ về tiêu chuẩn thu nhập cho một số ngành nghề thiết yếu mà Anh Quốc cần, ở mức thấp hơn.
Cùng lúc, quy định mà đảng Bảo thủ coi là trọng tâm của nghị trình lập pháp của mình cũng buộc công dân Anh hoặc người có thẻ định cư tại nước này phải chứng minh tài chính là có thu nhập năm, trước thuế lên tới 38.700 bảng thì mới có quyền đón vợ, chồng hoặc người phối ngẫu tới Anh chung sống.
Đây là khoản tiền rất cao, tăng hơn 20 nghìn bảng so với mức từ trước tới nay: 18.600 bảng Anh/năm.
'Không thể cưới vợ' hoặc 'đưa chồng về quê nhà sinh sống'
Câu chuyện của một số cặp đôi Anh-ngoại kiều mà BBC News thu thập cho thấy tiêu chuẩn cấp thị thực để kết hôn, đoàn tụ gia đình mới sẽ gây khó khăn cho không ít người, thậm chí có thể khiến họ phải chia ly lâu dài.
Một nam thanh niên ở Belfast, vùng Bắc Ireland là Lee cho BBC biết hiện anh làm nghiên cứu khoa học, có thu nhập 26 nghìn bảng/năm.
Với quy định mới nay, khả năng Lee ngỏ lời cầu hôn với người yêu, tên là Sarah ở Malaysia rồi kết hôn đưa cô về Anh sinh sống là rất thấp.
Năm nay 24 tuổi, anh cho hay để có thu nhập như Bộ Nội vụ yêu cầu là rất khó khăn và tình hình “thật là đen tối”.
“Kế hoạch lập gia đình của tôi về cơ bản bị phá tan bởi quy định mới,” anh than thở.
Josie Ferrer Obiol, một công dân Anh khác hiện đang sống với chồng người Ý là Joan ở Ancona, Ý.
Cả hai đều làm khoa học và cưới nhau vào tháng 12/2020.
Họ muốn về Anh sinh sống nhưng Josie cho biết để kiếm được việc trợ lý phòng thí nghiệm ở một đại học tại Anh với lương năm 38 nghìn 700 bảng “là chuyện bất khả thi”.
Lee (phải) chỉ có đồng lương 26 nghìn bảng/năm ở Belfast nên sẽ không thể đón Sarah, hiện sống ở Malaysia về Anh sau khi cưới.
Theo BBC tìm hiểu, lương cho các cấp trợ lý trong ngành giáo dục trung học, đại học đôi khi chỉ đạt trên dưới 25 nghìn bảng/năm.
Các ngành nghề ở Anh từ hai năm qua đã đình công liên miên, đòi tăng lương nhưng chính phủ nói cần giới hạn mức tăng lương khu vực công để không đẩy lạm phát lên cao.
Khó khăn có thể xảy đến cả với các cặp đôi đã sống ở Anh khi mà người vợ, hoặc chồng là ngoại kiều phải gia hạn visa.
Bà Josephine Whitaker-Yilmaz, một phụ nữ Anh có chồng người Thổ Nhĩ Kỳ và hai con, hiện đang sống ở Anh nói với báo Evening Standard các quy định mới này “tàn ác”.
Dù hiện có thu nhập cao hơn mức tối thiểu để trở thành người bảo trợ (sponsor) cho visa của chồng, bà lo rằng “nếu mất việc thì gia đình tôi phải chia ly, có thể phải đưa cả hai con đang là công dân Anh về Thổ Nhĩ Kỳ mà sống”.
Bà nói quy định mới đã “nhắm sai chỗ” vì số các cặp đôi Anh-ngoại kiều chỉ khoảng 65-67 nghìn, và chẳng có ai được lợi gì ở đây.
Ngoài tiền thu nhập phải cao lên, phí bảo hiểm y tế cho người xin thị thực sang Anh đoàn tụ gia đình hoặc đã ở Anh nhưng cầ gia hạn visa, cũng tăng 66%, lên trên 1000 bảng/người cho mỗi lần cấp.
Hiện quy định mới còn chờ Quốc hội thông qua để có hiệu lực nhưng các phản ứng trong xã hội đã được truyền thông Anh ghi nhận khá nhiều.
BBC Tiếng Việt (theo Gov.uk)