• Một khách du lịch Mỹ đang bị chỉ trích dữ dội vì video gắn phụ đề sai, ảnh hưởng tới ấn tượng của công chúng về đất nước và con người Việt Nam.

    Kênh Small Brained American là tâm điểm trên mạng xã hội vài ngày trở lại đây, vì những video ghi lại hành trình phượt của một du khách Mỹ tại Việt Nam.

    Trong video ngắn đăng tải trên TikTok ngày 27.3 ghi lại cảnh anh tương tác với người địa phương. Khi hỏi chỗ đổ xăng, người đàn ông này được chỉ dẫn bằng tiếng Việt rằng cây xăng còn cách đó 2km.

    Nhưng nam du khách gắn phụ đề tiếng Anh khiến người xem hiểu nhầm rằng người dân địa phương đang nói lời lẽ thô tục như “ngu đần”, “đi cho khuất mắt”.

    gan sai phu de

    Hay trong một video khác đăng ngày 30.3 thu hút hơn 1,1 triệu lượt xem trên TikTok, anh ta mô tả cà phê bán trên tàu hỏa ở Việt Nam “đen như nhựa đường”, có vị như “chất tẩy rửa”.

    Một video khác gây tranh cãi hơn ghi lại cảnh nam du khách được cảnh sát giao thông tại Việt Nam yêu cầu dừng xe, xuất trình bằng lái. Người này cũng gắn phụ đề tiếng Anh sai lệch lời nữ cán bộ nói với đồng nghiệp bằng tiếng Việt.

    Đến ngày 2.4, video thu hút hơn 11 triệu lượt xem này không còn hiển thị trên kênh TikTok của nam du khách, nhưng vẫn còn trên Facebook.

    Thực tế, đây là loạt trích đoạn cắt ra từ những video dài nam du khách này đăng tải trên YouTube từ tháng 6.2023.

    Jessica Anh Dao (Phương Anh), người Việt sống tại Mỹ, mới đây có bài đăng chỉ ra những điều bất ổn trong loạt video trên. Cô cho rằng việc nam du khách để phụ đề sai cho các video quay tại Việt Nam có thể “gây mâu thuẫn”, khiến “người nước ngoài nghĩ là người Việt Nam xấu tính” khi người làm nội dung trên mạng xã hội ngày nay hoàn toàn không thiếu các công cụ hỗ trợ dịch thuật.

    “Người nước ngoài tưởng người Việt Nam không thích họ vì trong video ghi toàn cái sai. Rồi tưởng người Việt Nam ở đâu cũng vậy”, cô nói.

    Phương Anh kể mình từng mời bạn bè người Mỹ uống cà phê, đồ ăn Việt Nam và họ rất thích. Cô cho rằng cách hành xử của nam du khách này có thể “gây tai tiếng cho người Mỹ”.

    Chia sẻ với Lao Động, Phương Anh cho rằng video trên có thể khiến gây ảnh hưởng tiêu cực đến ấn tượng của bạn bè quốc tế về Việt Nam. Bởi người nước ngoài không hiểu tiếng Việt sẽ không biết người địa phương thực sự nói gì; còn người Việt Nam không hoàn toàn hiểu nội dung tiếng Anh có thể tỏ ra ủng hộ nam du khách này.

    Vốn là một nhà sáng tạo nội dung trên mạng xã hội, Phương Anh cho rằng đây có thể là một cách làm nội dung, nhưng thông điệp nam du khách Mỹ truyền tải “không hay”.

    “Những hành động bôi nhọ văn hóa nước khác luôn cần bị lên án. Nếu đùa, có nhiều cách đùa, tại sao phải xúc phạm văn hóa của người khác?”, cô bày tỏ.

    Hiện kênh vlog của nam du khách Mỹ này có tổng cộng khoảng 500.000 lượt theo dõi trên các nền tảng. Các video ngắn về Việt Nam nhận về hàng nghìn lượt bình luận chỉ trích vì đăng tải phụ đề sai, bóp méo lời nói của người khác.

    Người này tiếp tục đăng các video ngắn khác về trải nghiệm du lịch tại Việt Nam trên TikTok, Facebook và chưa đưa ra bất kỳ phản hồi gì về các video gắn sai phụ đề. Chủ kênh vlog này đã ẩn một video trong danh sách phát mang tên “Việt Nam” trên YouTube.

    Theo dulich.laodong

  • Nữ du khách nước ngoài nhận xét, bữa ăn hết 2,2 triệu đồng cho 10 món tại nhà hàng sao Michelin là bữa ăn đắt đỏ nhất ở TP.HCM.

    Mới đây, phóng viên Jennifer Johnston của tờ New Zealand Herald đã thực hiện chuyến du hành mùa xuân ở châu Á kéo dài 17 ngày trên du thuyền. Đặc biệt, trong ngày thứ 15, con tàu chầm chậm xuôi dòng sông Sài Gòn và cuối cùng cập bến TP.HCM. Du khách có hai đêm tại thành phố đông dân nhất Việt Nam và tha hồ khám phá ẩm thực ở nơi này.

    Jennifer được gợi ý dùng bữa tối tại Anan Saigon, nhà hàng một sao Michelin duy nhất tại TPHCM trong cẩm nang Michelin Guide năm 2023. Ngay cái tên Anan đã khiến Jennifer thích thú vì biết ý nghĩa của nó chính là "ăn" trong tiếng Việt.

    nha hang anan 1
    Nhà hàng một sao Michelin nằm giữa khu Chợ Cũ, TPHCM

    "Vào một buổi sớm, du thuyền của chúng tôi chầm chậm xuôi dòng rồi cuối cùng cập bến ở TPHCM. Trước khi xuống tàu, tôi cùng Argot, một người bạn đồng hành đã thảo luận chuyện dùng bữa tại một nhà hàng duy nhất đạt sao Michelin tại thành phố này. Đây cũng là nhà hàng lọt trong danh sách 50 nhà hàng tốt nhất châu Á vào năm 2021 và 2023", Jennifer hào hứng cho biết.

    Đặc biệt, khi nghe câu chuyện về đầu bếp Peter Cường mở ra nhà hàng này ra sao, Jennifer bắt ngay chuyến taxi đến Chợ Cũ trên đường Tôn Thất Đạm.

    Peter từ bỏ công việc tại ngân hàng ở Mỹ và theo đuổi tình yêu, niềm đam mê ẩm thực của mình. Anh học nấu ăn kiểu Pháp tại trường dạy nấu ăn Le Cordon Bleu ở Paris. Sau khi làm việc tại các nhà hàng ở nước ngoài và điều hành hai nhà hàng ở Hồng Kông, Peter trở lại Việt Nam vào năm 2017.

    nha hang anan 1
    Đầu bếp Peter Cường - chủ nhà hàng Ăn ăn Sài Gòn

    Ký ức tuổi thơ của anh được bao quanh bởi thức ăn. Mẹ anh có một tiệm mì nhỏ trong phòng khách và những sáng tạo của anh được lấy cảm hứng từ mẹ và nền văn hóa ẩm thực đường phố sôi động của Việt Nam. Đồng thời bổ sung thêm các kỹ thuật ẩm thực Pháp từ khóa đào tạo Le Cordon Bleu.

    Xuống xe, nữ du khách đặt chân lên một vỉa hè mấp mô, rác vương vãi. Một con mèo màu gừng chạy vụt qua, trốn dưới một trong những quầy hàng nghiêng ngả trong chợ. Ngay khi cô đang tự hỏi nhà hàng được gắn sao Michelin này ở đâu, bạn đồng hành của Jennifer ồ lên và chỉ về phía một tấm biển gắn đèn neon vàng trên tòa nhà 6 tầng vừa cao vừa hẹp. Và họ bước qua con phố nhốn nháo để tiến vào nhà hàng.

    nha hang anan 1
    Một ổ bánh mì "Michelin" ở Anan

    Tại đây, 2 vị khách quyết định chọn thực đơn đặc biệt của đầu bếp với 10 món. Khi người phục vụ mỉm cười, lặng lẽ đặt từng đĩa đồ ăn trước mặt, vị khách New Zealand chỉ mải tập trung vào cách trình bày hiện đại của đầu bếp. Với cô, mỗi món giống như một tác phẩm nghệ thuật.

    "Hương vị thật tuyệt vời", nữ du khách bày tỏ.

    Họ còn được đích thân đầu bếp Peter Cường Franklin ghé thăm bàn, hướng dẫn cách thưởng thức món bún chả Bourdain. Đây là món thứ 5 trong thực đơn 10 món.

    "Đây là phiên bản 'ăn một miếng, uống một ly' của món bún chả nổi tiếng của chúng tôi. Hãy ăn hết một lần, và khi bạn nhai, tất cả hương vị sẽ lan tỏa", ông mô tả.

    nha hang anan 1
    Miếng bún chả này có vị của thịt heo, tỏi, dưa góp, rau thơm..., theo lời giới thiệu của đầu bếp.

    Khác với món bún chả thường thấy ở các cửa tiệm bình dân, món cao cấp phục vụ tại nhà hàng gồm rau thơm, nem rán, bún, dưa góp và miếng chả nướng. Tất cả được trình bày trên một chiếc đĩa, để khách chỉ cần ăn một lần.

    "Món này chỉ ăn một miếng duy nhất. Khi nhai, tất cả hương vị kết cấu sẽ được giải phóng", vị đầu bếp gốc Việt giải thích.

    Cũng trong cuộc gặp gỡ, đầu bếp Peter Cường Franklin cho biết: "Anan là nhà hàng Việt Nam hiện đại nhưng đồng thời cũng có nền tảng lịch sử và truyền thống. Mọi người thường hỏi tại sao tôi chọn mở Anan ở khu chợ địa phương thay vì khách sạn 5 sao. Bởi chợ là nơi cung cấp các nguyên liệu tươi ngon của địa phương nhưng cũng là nguồn cảm hứng cho ẩm thực ở Anan", ông giải thích.

    "Khi ẩm thực và xã hội hiện đại hóa, chúng ta không được đánh mất nền văn hóa truyền thống của mình. Nguồn gốc lịch sử sâu sắc của chợ chợ Cũ nhắc nhở tôi và nhóm của mình phải chế biến những món ăn đích thực mà mọi người thích ăn, bám sát cuộc sống thực và quan trọng nhất là đừng quên cội nguồn của mình", ông nói thêm.

    nha hang anan 1
    Bữa ăn gồm chả cá Hà Nội (trên, phải), bún chả Bourdain (trên, trái), bánh nhúng kèm trứng cá muối Caviar (dưới, trái), và bánh mì mini tại nhà hàng

    Vào tháng 11/2023, Peter cũng mở Pot Au Pho ở tầng 3 phía trên Anan. Điều này báo trước nỗ lực kéo dài hàng thập kỷ để nâng món phở, món ăn dân tộc của Việt Nam, lên một tầm cao mới. Đó cũng là lời tri ân đến quán bún truyền thống của mẹ anh ở Đà Lạt xưa kia.

    Sau khi lần lượt thưởng thức hết tất cả món ăn trong thực đơn 10 món, mỗi vị khách chi trả khoảng 2,2 triệu đồng (150 đôla New Zealand).

    "Đây là bữa ăn đắt nhất của chúng tôi ở TPHCM tại nhà hàng gắn sao Michelin. Nhưng với tôi, bữa ăn này lại rất rẻ bởi xứng đáng với những trải nghiệm vượt ngoài mong đợi", cây bút của New Zealan Heard nhận xét.

    Điều này nhận được sự tán đồng của người bạn đồng hành cùng Jennifer. Cô cho rằng bữa ăn là "sự kết hợp hoàn hảo giữa Đông và Tây. Mỗi món ăn mang tới cảm giác thú vị ở tầm cao mới khiến thực khách bất ngờ".

    Được biết, nhà hàng đã trở thành điểm đến quen thuộc với nhiều vị khách nước ngoài muốn trải nghiệm ẩm thực Việt theo kiểu biến tấu cao cấp.

    nha hang anan 1
    Món chả cá Hà Nội phục vụ tại nhà hàng

    Trước đó, anh Joshua Zukas, một du khách người Mỹ từng chia sẻ trải nghiệm ăn phở bò giá 2,4 triệu đồng tại đây. Khác với những bát phở bình dân thường thấy trên đường phố, với mức giá 100 USD, thực khách được thưởng thức 2 ly mojito, 2 quả cầu phở phân tử, 2 miếng bánh mì Việt Nam và một tô phở.

    Chỉ riêng món phở được đựng trong chiếc bát sâu lòng với 6 loại thịt bò khác nhau gồm cả tủy bò và xúc xích tự làm, hòa quyện trong phần nước dùng đậm đà. Ngoài ra, thực khách còn được phục vụ thêm bò Wagyu sống.

    Dù thưởng thức tô phở đắt tiền với nhiều trải nghiệm mới lạ, nhưng vị khách Mỹ vẫn bày tỏ niềm yêu thích với bát phở truyền thống của người Việt.

    Kênh 14 (Theo New Zealand Herald)

  • Phóng viên của tờ báo Anh - Express.co.uk đã thực hiện chuyến đi đến một trong những điểm đến nổi tiếng nhất Việt Nam, nơi mang đến cho người dân địa phương cảnh đẹp châu Âu.

    Khi nghĩ về những điều du khách thường thấy trong chuyến du lịch đến Việt Nam, người ta dễ dàng hình dung ra những điểm tham quan như những hòn đảo đá vôi tuyệt đẹp của vịnh Hạ Long hay hàng triệu chiếc xe máy chạy vèo vèo ở trung tâm TP.HCM.

    Một điều mà nhiều người chắc chắn không tưởng tượng được là trong chuyến đi gần đây, có một khu du lịch được thiết kế giống như một ngôi làng Pháp, nằm trên núi cao ở Việt Nam.

    du lich ba na hills 1
    Khung cảnh ngôi làng Pháp trong ánh hoàng hôn. Ảnh: Envato

    Đó chính xác là Bà Nà Hills. Nằm trên dãy núi cách Đà Nẵng khoảng 45 phút lái xe, Bà Nà Hills là khu nghỉ dưỡng nhằm tái hiện cảm giác của một chuyến đi đến Pháp.

    Xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1919, Bà Nà là địa điểm nghỉ mát được xây dựng vì lợi ích của thực dân Pháp muốn thoát khỏi nhiệt độ và độ ẩm cao, với 240 biệt thự sang trọng được xây dựng cho các quan chức Pháp.

    Tuy nhiên, Cách mạng tháng Tám đã đưa Việt Nam trở thành một quốc gia độc lập, Bà Nà bị bỏ hoang, hầu hết tàn tích bị phá hủy trong chiến tranh sau đó.

    Ngày nay, mọi thứ đã khác hẳn, tất cả có thể thấy rõ ngay khi bạn đặt chân vào bãi đậu xe.

    du lich ba na hills 1
    Mùa hoa tulip trên núi Bà Nà. Ảnh: PV

    Mặc dù khách du lịch có thể đi đường bộ lên khu nghỉ dưỡng nhưng cách di chuyển chính là đi bằng cáp treo thẳng dài nhất thế giới, mất khoảng 20 phút để đi lên đỉnh cao 1.487m.

    Khung cảnh của những ngọn núi phủ đầy cây cối trên đường lên thật ấn tượng, tuy hơi đáng sợ, nhưng chúng không thể bì với những gì đang chờ đợi du khách ở trên đỉnh.

    du lich ba na hills 1
    Cáp treo lên đỉnh Bà Nà. Ảnh: Pixabay

    Khi đến Bà Nà Hills, điều đầu tiên du khách nhìn thấy là Cầu Vàng, một cây cầu dài 150m nâng đỡ bởi hai bàn tay to lớn, được làm từ sợi thủy tinh thiết kế trông giống như đá núi.

    Được khai trương lần đầu tiên vào năm 2018, cây cầu thu hút nhiều khách du lịch từ khắp nơi trên thế giới, vì vậy hãy nhớ dành nhiều thời gian đi bộ qua cầu để có tầm nhìn đẹp nhất.

    Nhảy lên một chiếc cáp treo ngắn hơn nhiều và bạn nhanh chóng đến được điểm thu hút chính: ngôi làng Pháp. Phần chính của "ngôi làng" là quảng trường có đài phun nước lớn và tượng bán thân của các nhân vật nổi tiếng người Pháp, một lần nữa được làm từ sợi thủy tinh.

    du lich ba na hills 1
    Cầu Vàng là điểm nhấn của Bà Nà Hills. Ảnh: Pixabay

    Toàn bộ ngôi làng không giống hệt thực tế ở Pháp, đôi khi bạn có cảm giác giống như đang ở trên phim trường Paramount hơn là Pays de la Loire (khu vực ven biển ở phía tây nước Pháp).

    Tuy nhiên, mọi thứ bạn có thể tưởng tượng tìm thấy ở một ngôi làng Pháp đều hiện diện. Một nhà thờ Công giáo hoàn chỉnh với phòng xưng tội, một chuỗi nhà hàng cổ kính phục vụ rượu được cất giữ trong hầm sâu trong núi, thậm chí có một số xe ô tô cổ của Pháp được phủ đầy hoa.

    Thành thật mà nói, một ngày ở Bà Nà Hills dường như chưa đủ. Thật dễ dàng để hiểu tại sao có một số khách sạn rải rác khắp khu nghỉ dưỡng trên núi.

    du lich ba na hills 1
    Kiến trúc phong cách Pháp trên đỉnh Bà Nà trong màn sương sớm. Ảnh: NT

    Trong khi ngôi làng là điểm thu hút chính, còn có một sân golf cỡ lớn, một công viên giải trí khổng lồ dưới lòng đất, một bảo tàng tượng sáp về các nhân vật nổi tiếng và bức tượng Phật cao 27m trong khu vườn tâm linh.

    Phải thừa nhận rằng, địa điểm này cực kỳ thu hút du khách bởi trải nghiệm ở đây khó có thể khiến bạn quên được. Với phí bao gồm cả cáp treo là 850.000 đồng (27 bảng Anh) cho người lớn và 700.000 đồng (22 bảng Anh), đây là mức giá mang lại giá trị đáng kinh ngạc.

    Theo Thanh Niên

  • Hòn Trống Mái ở vịnh Hạ Long có dấu hiệu nứt gãy, nguy cơ bị đổ sập, nên cần sớm có biện pháp gia cố và bảo vệ, theo các chuyên gia.

    ThS. Hồ Tiến Chung, Trưởng phòng Kiến tạo và Địa mạo thuộc Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản, cho biết bằng mắt thường, du khách có thể nhìn thấy "sự chông chênh" của hòn Trống Mái vào thời điểm triều kiệt. Mực nước thấp, làm lộ ra phần chân đỡ hai đảo đang bị xói mòn dần, gây nguy cơ đổ sập nếu không sớm có biện pháp bảo vệ, gia cố.

    Trong quá trình thực địa, nhóm nghiên cứu của ông cũng phát hiện ra nhiều đứt gãy ở khu vực này. Các đoạn đứt gãy khiến các đá trên đảo bị dập vỡ và phân khối, mảnh, khiến sự đổ lở của hòn Trống Mái có thể diễn ra nhanh chóng hơn.

    "Có nhiều yếu tố tác động đến sự ổn định của hòn Trống Mái như sóng, gió, nước, thủy triều, dòng chảy, thực vật và cả con người. Các vết nứt một khi đã mở ra tạo điều kiện cho nước, gió luồn vào gây xói mòn, ăn mòn, lâu dần tốc độ ăn mòn ngày càng nhanh", ông Chung chia sẻ và nói thêm các khối đá tạo nên hai hòn này "rất rời rạc".

    hon trong mai vinh ha long 1
    Ở phần chân của hòn Trống Mái có thể thấy dấu hiệu xói mòn, thân to nhưng trụ nhỏ và bị hà biển bám khắp bề mặt.

    Báo cáo hồi tháng 7 của Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản về "mức độ an toàn của hòn Trống Mái" chỉ ra hòn Trống Mái có diện tích phần nổi khoảng 400 m2, cấu tạo chủ yếu bởi đá vôi Carbon - Permi hệ tầng Bắc Sơn. Hiện đảo đá này chịu nhiều tác động bởi yếu tố tự nhiên, tiềm ẩn nguy cơ trượt, đổ lở. Bằng các phương pháp khoa học, đơn vị chỉ ra khu vực hòn Trống Mái có 40 khối có nguy cơ trượt, đổ lở, trong đó 11 khối ở hòn Trống và 29 khối ở hòn Mái.

    Ngoài ra, ông Chung chia sẻ thêm còn có những yếu tố về con người cũng góp phần đẩy nhanh quá trình ăn mòn, đổ lở ở hòn Trống Mái. Trong quá trình nghiên cứu, đơn vị nhận thấy ngư dân vẫn vào khu vực hòn Trống Mái để khai thác hà biển, đánh bắt cá... do không phải lúc nào cũng có cán bộ quản lý túc trực để bảo vệ.

    hon trong mai vinh ha long 1
    Các đứt gãy và khe nứt (đường màu đỏ) trên hòn Trống Mái.

    hon trong mai vinh ha long 1
    Một khối có nguy cơ đổ lở ở phần phía Bắc của hòn Trống.

    hon trong mai vinh ha long 1
    Phần F1.1 trong ảnh đã đổ xuống biển vào thời gian không xác định, tạo nên hòn Trống Mái như ngày nay. Nếu không có các biện pháp bảo vệ, gia cố, khu vực F1.2 cũng có nguy cơ đổ xuống biển, biến hòn Trống Mái thành ba hòn riêng biệt hoặc hai hòn (trong trường hợp khối đá bên trái không trụ được).

    Mặt khác, đơn vị nghiên cứu cũng nhận thấy tàu, thuyền du lịch, cano vẫn có thể gây ra tác động xấu đến hòn Trống Mái dù du khách không được lên đảo.

    Trong một bức ảnh được ghi lại trong quá trình nghiên cứu, vào lúc cao điểm, một tàu du lịch dừng ở vị trí cách hòn Trống Mái 19,79m để du khách chụp ảnh. Tuy nhiên, phía sau tàu này là nhiều tàu khác đang chờ nên không thể quay đầu, phải tiếp tục hướng về phía hòn Trống Mái để di chuyển sang hướng khác. Hiện tượng ùn tắc quãng dài dẫn đến việc các tàu có khả năng va chạm nhau và có nguy cơ quệt vào hòn Trống Mái.

    Một số cano cỡ lớn có sức tải 4-8 người khi di chuyển với tốc độ 30 km/h có thể tạo ra cột nước 40 - 60 cm. Các tàu cao tốc lớn hơn di chuyển ở khoảng cách xa hơn 100 m với tốc độ tương đương cũng tạo nên những cột sóng cao hơn 80 cm, tác động lên hòn Trống Mái. Thời gian tác động thường kéo dài một hoặc hai phút, chưa kể việc một số cano tham quan thường lượn nhiều vòng quanh đảo. Về lâu dài, những đợt sóng này cũng góp phần đẩy nhanh việc ăn mòn bề mặt hòn Trống Mái.

    Do đó, các chuyên gia đều chung nhận định cần có những biện pháp gia cố, bảo vệ hòn Trống Mái. Ngoài yếu tố chuyên môn, vấn đề thẩm mỹ cũng được đặt lên hàng đầu để không phá đi vẻ đẹp tự nhiên của điểm du lịch này.

    Cụ thể, các nhà nghiên cứu đề xuất dùng các giải pháp kỹ thuật như: neo đá để bảo vệ những khối trượt, bơm xi măng chuyên dụng vào khe nứt nhằm giảm thiểu tốc độ ăn mòn trong các khe nứt, dùng tường bê tông chịu lực để gia cố vách có nguy cơ đổ lở, phun bê tông trộn sợi nhựa kỹ thuật nhằm hạn chế tốc độ ăn mòn chân đảo.

    Về các giải pháp "mềm" liên quan đến con người và hoạt động du lịch, các chuyên gia của Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản cho rằng ban quản lý vịnh Hạ Long cần nghiên cứu phân luồng tuyến ra vào khu vực quan sát và chụp ảnh hòn Trống Mái; khống chế khoảng cách tối đa từ tàu đến hòn Trống Mái cũng như thời gian tàu dừng lại để giảm ách tắc; hạn chế tốc độ di chuyển của tàu thuyền khi đi qua khu vực có bán kính 200 - 300 m xung quanh đảo còn 5-10 km/h; nâng cao nhận thức cho ngư dân để không khai thác quanh khu vực hòn Trống Mái.

    Vịnh Hạ Long từng mất đi hòn Thiên Nga năm 2016 khi "phần đầu thiên nga" bị đổ; hòn 649 ở tiểu khu 3 của vịnh cũng đổ sụp vào năm 2013. Tại Kiên Giang, hòn Phụ Tử (cha con) - được công nhận là danh lam thắng cảnh quốc gia năm 1989 - cũng đổ ngã vào năm 2006, chỉ còn hòn Tử (con).

    Vì vậy việc bảo vệ, gia cố hòn Trống Mái là "cực kỳ cần thiết", ông Chung khẳng định.

    VnExpress / Ảnh: Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản

  • bao thap kinh luan da lat 1

    Đại bảo tháp Kinh luân dát vàng 24k của Samten Hills Dalat được tổ chức Guinness World Record công nhận là Tháp Kinh luân lớn nhất thế giới

    Nữ doanh nhân làm chủ doanh nghiệp đứng sau Samten Hills Dalat không ai xa lạ mà chính là “nữ tướng” nổi tiếng của sữa VPMilk – còn được gọi là “Sữa ông Park”.

    Đại bảo tháp Kinh luân dát vàng được công nhận kỷ lục thế giới

    Ngày 11/3/2023, Đại bảo tháp Kinh luân Drigung Kagyu Rinchen Khorchen Khorwe Go Gek, tọa lạc tại Khu tham quan du lịch văn hóa tâm linh Samten Hills Dalat do Công ty Kim Phát làm chủ đầu tư, đã chính thức khánh thành và đón nhận Kỷ lục Guinness World Records cho Tháp Kinh luân lớn nhất thế giới.

    Đại bảo tháp làm bằng đồng tinh khiết, dát vàng 24K với trọng lượng 200 tấn, chiều cao 37,22m, đường kính 16,53m, đã xác lập kỷ lục thế giới Guinness World Record từ cuối năm 2022 và trở thành Đại bảo tháp Kinh luân lớn nhất thế giới.

    bao thap kinh luan da lat 1

    Sự kiện góp phần quảng bá mạnh mẽ hình ảnh của Đại bảo tháp Kinh luân trong quần thể văn hoá tâm linh Phật giáo Kim cương thừa tại Samten Hills Dalat. Đây là biểu tượng của tình hữu nghị, hoà bình, văn hoá ngoại giao Việt Nam - Ấn Độ và nhiều nước trên thế giới.

    Phát biểu tại buổi lễ, đại diện Tổ chức Kỷ lục Guinness Thế giới, bà Sonia Ushirogochi - Chuyên gia thẩm định chính thức của Guinness World Records cho biết: “Với tư cách là giám định viên chính thức, tôi có mặt ở đây để xác nhận và trao chứng nhận kỷ lục Guinness thế giới chính thức cho tháp Kinh luân lớn nhất thế giới, Drigung Kagyu Rinchen Khorchen Khorwe Go Gek”.

    bao thap kinh luan da lat 1

    Theo bà Sonia Ushirogochi, công trình không chỉ được hoàn thiện theo các quy chuẩn kỷ lục mà các thông số cũng vượt qua công trình giữ kỷ lục hiện tại, như tháp phải được làm từ một “bánh xe” hình trụ chứa đầy kinh sách bên trong; kinh luân phải xoay được bằng sức người hoặc sức nước hay bằng các phương tiện khác…

    Trong bánh xe cầu nguyện là hơn một tỷ câu chú Om Mani Padme Hum được in lên giấy lụa mỏng và các phẩm vật cát tường như Xá lợi của Phật, Xá lợi của các vị Thánh tăng.

    “Sau khi xem xét các bằng chứng, tôi tự hào công bố chúng ta đã có một kỷ lục Guinness thế giới mới cho Tháp Kinh luân lớn nhất thế giới”, bà Sonia Ushirogochi tuyên bố.

    bao thap kinh luan da lat 1

    Doanh nghiệp nào đứng sau Samten Hills Dalat?

    Đằng sau Đại bảo tháp kinh luận này, cũng như khu du lịch Samten Hills Dalat, là Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Kim Phát.

    Ngay sau lễ khánh thành, có thông tin cho rằng Samten Hills Dalat là dự án đang "mập mờ" giữa công trình hoạt động tôn giáo với khu du lịch văn hóa tâm linh.

    Ngày 25/04, tại hội nghị cung cấp thông tin báo chí do Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Lâm Đồng tổ chức, Giám đốc Sở Xây dựng Lê Quang Trung cho biết đây là dự án nhiều công năng gồm trồng rừng, chăm sóc bảo vệ rừng, chăn nuôi, du lịch trải nghiệm và sau đó bổ sung du lịch văn hóa tâm linh.

    bao thap kinh luan da lat 7
    Quang cảnh buổi lễ trao Kỷ lục Guiness cho Đại Bảo tháp Kinh luân lớn nhất thế giới.

    Dự án có diện tích 220 ha, được chia làm 10 phân khu, trong đó có 1 phân khu rộng chừng 6 ha có chức năng du lịch tâm linh là Samten Hills Dalat. Trong phân khu này, doanh nghiệp được làm du lịch văn hóa tâm linh và sau đó kết hợp nghỉ dưỡng.

    Bà Nguyễn Thu Ngọc, Tổng giám đốc Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Kim Phát cho biết, doanh nghiệp đã được UBND tỉnh Lâm Đồng cấp giấy chứng nhận đầu tư và thống nhất chủ trương điều chỉnh, bổ sung mục tiêu du lịch văn hóa tâm linh vào mục tiêu dự án.

    “Việc điều chỉnh tên, công năng sử dụng của hạng mục khu sinh hoạt trung tâm thành khu vực tham quan du lịch văn hóa tâm linh thuộc dự án đầu tư tại huyện Đơn Dương theo đúng trình tự thủ tục quy định. Vì thế, việc nhà đầu tư tổ chức các hoạt động tại khu tham quan du lịch văn hóa tâm linh tại Samten Hills Dalat là phù hợp”, - Doanh nghiệp và Kinh doanh dẫn lời bà Ngọc khẳng định.

    bao thap kinh luan da lat 7
    Đại diện Tổ chức Kỷ lục Guinness Thế giới trao chứng nhận kỷ lục cho Bảo tháp Kinh luân ở Lâm Đồng.

    bao thap kinh luan da lat 7
    Đại Bảo tháp Kinh luân lớn nhất thế giới tọa lạc trên ngọn đồi cao ở Lâm Đồng.

    Nữ doanh nhân đình đám điều hành Kim Phát là ai?

    Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Kim Phát ban đầu có tên CTCP Sản xuất – thương mại Kim Phát, được thành lập ngày 11/10/2004 tại TP.HCM với Chủ tịch HĐQT là ông Châu Anh Tuấn (sinh năm 1978), ngành nghề kinh doanh chính là chăn nuôi trâu bò. Công ty Kim Phát cũng đăng ký kinh doanh chăn nuôi trồng trọt các động vật và cây trồng khác, và cả chế biến sữa và các sản phẩm từ sữa.

    Đến năm 2018, bà Nguyễn Thị Thu Phương (sinh năm 1977) trở thành Chủ tịch HĐQT mới của công ty.

    Cũng trong năm 2018, công ty chuyển đổi từ CTCP thành công ty TNHH với vốn điều lệ 15 tỷ đồng, do bà Nguyễn Thị Thu Phương nắm 80%, bà Nguyễn Thu Ngọc nắm 5% và ông Nông Hữu Đức nắm 15%. Trụ sở chính công ty được dời về huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng.

    Năm 2022, công ty Kim Phát tăng vốn lên 150 tỷ, do CTCP VPMilk nắm 26%, bà Nguyễn Thị Thu Phương nắm 72%, bà Nguyễn Thu Ngọc nắm 0,5% và ông Nông Hữu Đức nắm 1,5%.

    Đến cuối năm này, công ty giảm vốn điều lệ về 80 tỷ đồng. VPMilk thôi không còn là thành viên góp vốn, chỉ còn lại bà Phương nắm 96,325%, bà Ngọc nắm 0,938% và ông Đức nắm 2,737%.

    Trên thực tế, bà Nguyễn Thị Thu Phương là một nữ doanh nhân nổi tiếng trên thị trường sữa, là Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc của CTCP VPMilk.

    bao thap kinh luan da lat 1

    VPMilk trước đây có tên là CTCP Dinh Dưỡng Bega, được thành lập năm 2012 với vốn điều lệ 9,9 tỷ đồng do bà Nguyễn Thị Thu Phương làm Chủ tịch HĐQT. Công ty này sau đó tăng vốn lên 30 tỷ đồng vào năm 2019. Năm 2020, VPMilk tăng vốn điều lệ từ 30 tỷ đồng lên 200 tỷ đồng.

    Đặc biệt, VPMilk từng gây tiếng vang khi mời cựu HLV trưởng đội tuyển Việt Nam Park Hang Seo làm Đại sứ thương hiệu độc quyền. Thương hiệu sản phẩm của VPMilk theo đó cũng được mọi người gọi là Sữa ông Park.

    Trước đó, tháng 3/2017, VPMilk còn cam kết tài trợ cho câu lạc bộ bóng đá Hoàng Anh Gia Lai số tiền 50 tỷ đồng trong hai mùa giải 2017 và 2018.

    Ngoài ra, bà Nguyễn Thị Thu Phương còn giữ vị trí cao tại hàng loạt những doanh nghiệp như Công ty TNHH Thương Mại Bảo Lâm, CTCP Đầu tư Nam Dương, Công ty TNHH Dinh Dưỡng Nam Dương, Công ty TNHH MTV Khoáng sản Bảo Lâm, Công ty cổ phần Geumsan...

    Trước khi bắt tay thành lập VPMilk, bà Phương cũng từng rất thành công trong việc kinh doanh phân phối sữa nhập khẩu từ Nam Yang (Hàn Quốc), với thương hiệu sữa cao cấp XO.

    bao thap kinh luan da lat 1

    “Việc kinh doanh sữa đến với tôi như là số phận. Số phận đến, tôi đón nhận và hiểu điều ta nghĩ về bản thân quyết định số phận ta”, - Markettimes dẫn lời bà Phương nói trong một cuộc phỏng vấn.

    Mới đây, CTCP VPMilk đã khánh thành Nhà máy VPMilk Eco Farm tại Đơn Dương, Lâm Đồng. Nhà máy có diện tích 3,5ha, bao gồm nhà xưởng, trang trại và các khu phụ trợ khác. Ở giai đoạn 1, nhà máy có công suất 20 triệu lít sữa/năm.

    Về phần Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Kim Phát, bà Nguyễn Thu Ngọc hiện là Tổng giám đốc kiêm đại diện pháp luật của công ty.

    Theo Nhịp sống Thị trường

  • Vừa đến sân bay Việt, chúng tôi đã thấy không sạch sẽ, ra ngoài đường hay bãi biển còn tệ hơn, đến mức chẳng dám động chạm, ăn uống gì.

    Theo thống kê, sau 11 tháng, Việt Nam chỉ đón 2,7 triệu, và hết năm dự kiến đón 3,5 triệu - kém rất xa mục tiêu năm triệu - lượt khách quốc tế trong năm 2022. Con số dự kiến đạt được của Thái Lan, Malaysia và Singapore lần lượt là hơn mười triệu, hơn chín triệu và hơn sáu triệu du khách nước ngoài.

    Còn theo Tổ chức Du lịch Thế giới (WTO), 2019 - năm hoàng kim của du lịch Việt Nam - tỷ lệ khách nước ngoài trở lại Việt Nam rơi vào khoảng hơn 10%, trong khi của Thái Lan và Singapore lần lượt là 82% và 89%. Các con số này cho thấy lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng trưởng không bền vững và do sự tò mò ở lần đầu tiên hơn là do bị "gây nghiện" để trở lại.

    Đối với gia đình chúng tôi, có hai yếu tố quan trọng nhất để đánh giá chất lượng của một địa điểm du lịch nào đó là an ninh và vệ sinh. Tiếc rằng, khi chúng tôi đến Việt Nam, cả hai điều này đều còn rất kém.

    du lich viet nam that thu
    Ảnh minh họa

    Về an ninh, chưa nói đến những chuyện to tát, trước hết, ít nhất chúng tôi phải có cảm giác an toàn, thoải mái, chẳng hạn có thể tự nhiên lấy điện thoại ra để chụp hình, tìm đường đi, nói chuyện và nhắn tin với người thân một cách thoải mái mà không sợ bị kẻ gian chạy ngang qua cướp mất. Thực tế là gia đình chúng tôi đã bị cướp mất điện thoại, móc túi, "chặt chém" trong lần đầu tới Việt Nam.

    Trong khi ngày nay chiếc điện thoại là cái bản đồ, là tài khoản ngân hàng, là két sắt chứa những thông tin quan trọng, là máy ảnh rất quan trọng đối với mỗi người khi đi du lịch. Cứ hình dung khi đến một nơi xa lạ mà bạn bị mất hết những thứ đó thì có lẽ bạn chỉ muốn rời đi ngay, và không bao giờ muốn quay trở lại. Đó chính xác là những gì chúng tôi đã nghĩ trong đầu.

    Về vệ sinh, vừa đến sân bay của Việt Nam, chúng tôi đã thấy không sạch sẽ, không khí nóng nực, sàn và tường bẩn, cũ, nhà vệ sinh ẩm thấp... Ra ngoài đường phố cũng không khá hơn khi rác thải ở khắp mọi nơi, vỉa hè đen kịt do lâu ngày không được tẩy rửa, bãi biển cũng tràn ngập rác thải... Vốn dĩ khí hậu ở Việt Nam đã nóng ẩm, gây khó chịu với du khách phương Tây, ấy vậy mà vấn đề vệ sinh cũng không tốt, nên càng khiến chúng tôi có cảm giác không sạch sẽ, không dám đụng chạm vào thứ gì, ăn uống món gì cả. Thế thì làm sao du khách có được cảm giác thoải mái khi đi du lịch?

    Điều này hoàn toàn trái ngược với các nước châu Âu. Chúng tôi đi du lịch châu Âu thấy rất an toàn. Ít nhất ở đó họ không trắng trợn giật điện thoại từ tay bạn hay giở trò rạch túi. Chỉ cần bạn để ý một chút và không đem theo quá nhiều đồ đạc lỉnh kỉnh là hoàn toàn có thể yên tâm được. Tôi luôn để hộ chiếu lại trong khách sạn, không đem theo nhiều tiền mặt, dùng thẻ tín dụng ở tất cả nơi đâu nhận thẻ, đeo túi xách ở phía trước, luôn cài túi xách lại mỗi khi dùng xong, thỉnh thoảng kiểm tra lại, khi đi bộ hay dùng phương tiện giao thông công cộng nên để tay lên túi xách...

    Tôi đã đi châu Âu trên 10 lần, châu Á cũng vậy, đã qua hơn 60 thành phố lớn nhỏ, nhiều vùng miền trên thế giới, nên có thể có những so sánh nhất định so với du lịch ở Việt Nam. Mong rằng các cơ quan chức năng sớm có những can thiệp, chấn chỉnh để cải thiện hình ảnh của du lịch Việt, hạn chế tối đa những phiền toái, ác cảm của du khách nước ngoài. Có như vậy, người Việt mới có thể xây dựng được ngành du lịch một cách bền vững.

    Crisensean / Theo VnExpress

  • Đó là câu chuyện khi tôi gặp một cặp vợ chồng Canada ở Thái Lan.

    Một trong những vấn đề lớn nhất, tạo ấn tượng không tốt khi du lịch tới Việt Nam chính là câu chuyện rác thải. Theo thống kê, chúng ta đứng thứ tư trên thế giới về xả rác thải nhựa ra biển. Thế nên, dù được tạo hóa ưu ái cho những bờ biển đẹp, phong cảnh thiên nhiên hùng vĩ, Việt Nam vẫn không thể khiến du khách nước ngoài muốn quay lại khi nhìn đâu cũng thấy rác.

    Nói về chuyện xả rác ở nước ta, bản thân tôi có hai trải nghiệm không mấy vui vẻ khi nhắc nhờ người dân ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường.

    Lần đầu tiên là khi tôi đi bộ trên đường. Từ xa, tôi đã thấy có một người đàn ông lớn tuổi dắt chó đi dạo. Tôi không khó để nhận ra con vật có dấu hiệu sắp phóng uế ra đường. Trong khi đó, người đàn ông không hề mang theo giấy hay túi theo người để dọn phân chó. Tôi vội chạy lại gần và nhẹ nhàng nhắc: "Chú không mang theo cái túi bóng để hốt phân chó ạ?".

    Thấy vậy, người đàn ông trừng mắt, mắng chửi tôi xối xả. Bất ngờ trước thái độ gay gắt đó, tôi vội vàng rời đi. Thế nhưng, ông ta còn lên xe đuổi theo, liên tục đe dọa tôi bằng ngôn từ rất khó nghe. Lúc ấy, tôi chỉ biết đứng chết lặng vì quá sợ hãi.

    khach tay den sai gon
    Ảnh minh họa

    Lần thứ hai, tôi tình cờ thấy có một ôtô đậu lại bên đường. Cánh cửa xe hạ xuống, và bên trong, một đứa bé thò tay ra vứt thẳng hộp sữa vừa uống xong xuống đường. Thấy vậy, tôi không nói gì, âm thầm chạy lại, nhặt hộp sữa dưới đường và để lại lên nóc ôtô, hy vọng cha mẹ của đứa bé sẽ hiểu và dạy lại con. Thế nhưng, một lần nữa tôi khiến người ta nổi giận. Người đàn ông ngồi ghế lái bật tung cửa, cầm hộp sữa và ném thẳng về phía tôi. Rồi ông ta bắt đầu chửi, dọa đánh. Chị vợ cũng cùng lúc xuống xe và mắng chửi tôi không tiếc lời.

    Sau hai sự việc đó, tôi bắt đầu thấy sợ, không dám lo chuyện bao đồng, nhắc nhở người khác giữ vệ sinh môi trường nữa. Đáng lẽ, nếu làm ngơ như không thấy hoặc tự nhặt lên và đi kiếm thùng rác mà vứt thì có khi tôi đã không bị người ta mắng chửi thậm tệ, không khéo còn bị đánh như vậy. Phải chăng tôi mới là người sai khi "mới tí tuổi đầu mà đi dạy đời người khác"?

    Nhưng nói đi cũng phải nói lại, đa số khách du lịch tới Việt Nam không có ý định quay trở lại, đó là thực tế đáng buồn. Theo Tổ chức Du lịch Thế giới (WTO), 2019 được xem là năm hoàng kim của du lịch Việt Nam nhưng tỷ lệ khách nước ngoài trở lại Việt Nam chỉ khoảng hơn 10%, trong khi của Thái Lan và Singapore lần lượt là 82% và 89%. Năm 2022, chúng ta chỉ đón được 3,5 triệu lượt khách quốc tế, đặt ra thách thức lớn cho ngành du lịch trong giai đoạn phục hồi sau dịch Covid-19.

    Năm 2020, tôi có dịp đi du lịch Phuket (Thái Lan). Trên đường di chuyển bằng taxi ghép từ khách sạn đến thị trấn, tôi đi cùng một cặp vợ chồng người Canada. Hỏi chuyện qua lại một lúc, họ hào hứng kể đây là lần thứ tám đến Thái Lan, trong đó có năm lần ghé Phuket. Tôi thực sự ngạc nhiên vì điều đó. Rồi tôi quay qua hỏi họ đã đến Việt Nam chưa? Họ nói có đến TP HCM một lần rồi. Nghe đến đây, tôi không hỏi thêm gì nữa, vì cũng ngầm hiểu ra vấn đề.

    Rõ ràng, Việt Nam có nhiều thứ hấp dẫn du khách quốc tế đến khám phá, nhưng đó chỉ là lần đầu tiên. Còn để níu chân, khiến họ muốn quay lại lần hai, lần ba, thậm chí lần tám như câu chuyện của đôi vợ chồng kia lại là một bài toàn không dễ gì tìm được lời giải.

    Jacey Tran / VnExpress

  • Đan viện Thánh Mẫu Châu Sơn ở Ninh Bình được xây dựng từ năm 1939, là một đan viện chuyên về chiêm niệm được thiết kế theo phong cách kiến trúc Gothic và thu hút rất nhiều du khách ghé thăm.

    thanh mau chau son ninh binh 23

    Cách trung tâm thành phố Ninh Bình khoảng 35km, Đan viện Thánh Mẫu Châu Sơn ở thôn 4, xã Phú Sơn, huyện Nho Quan là một trong những điểm tham quan tại Ninh Bình thu hút hàng ngàn lượt khách du lịch đến tham quan mỗi năm bởi vẻ đẹp cổ kính, thanh cao với những nét kiến trúc mang hơi hướng Châu Âu.

    thanh mau chau son ninh binh 1
    Ảnh: Ánh Huyền

    thanh mau chau son ninh binh 1
    Ảnh: Jut Pham

    thanh mau chau son ninh binh 1

    thanh mau chau son ninh binh 1

    thanh mau chau son ninh binh 1

    thanh mau chau son ninh binh 1
    Ảnh: Nguyễn Xuân Thu

    thanh mau chau son ninh binh 1
    Ảnh: Đan viện Thánh Mẫu Châu Sơn

    Nằm ẩn mình giữa núi rừng hùng vĩ của vùng đất cố đô, Đan viện Thánh Mẫu Châu Sơn sở hữu kiến trúc cổ Gothic cổ với bức tường bao quanh dày tới 0,6 m, cột dày 1,2 m tạo sự ấm áp về mùa đông và mát mẻ khi vào hạ.

    Toàn bộ ngôi nhà trong Đan viện được xây dựng bằng những viên gạch đỏ không tô sơn tạo nên một phông nền cổ điển phủ đầy rêu phong theo năm tháng. Điểm nhấn của Đan viện Châu Sơn phải kể đến những cột nhà được thiết kế thành những tháp nhỏ cân xứng kéo dài 64 m.

    Thêm vào đó, bức tường được trang trí hài hòa bởi các cửa sổ chia thành hai tầng trên và dưới, phía trong là cửa kính gỗ, chính là nơi để du khách săn lùng những bức ảnh siêu đẹp.

    thanh mau chau son ninh binh 1
    Ảnh: Nguyễn Xuân Thu

    thanh mau chau son ninh binh 1

    thanh mau chau son ninh binh 1
    Ảnh: Phi Ba Ngơ

    Thánh đường là nơi thờ chúa Jesus và là nơi cầu nguyện mỗi ngày. Mái vòm trắng cao 21 m trong lòng thánh đường chính là công trình kiến trúc đồ sộ, nguy nga nhất ở Đan viện.

    thanh mau chau son ninh binh 1
    Ảnh: Hàn Việt Anh

    thanh mau chau son ninh binh 1
    Ảnh: Đan viện Thánh Mẫu Châu Sơn

    thanh mau chau son ninh binh 1

    thanh mau chau son ninh binh 1

    thanh mau chau son ninh binh 1
    Ảnh: Đan viện Thánh Mẫu Châu Sơn , Jut Phạm

    Khuôn viên Đan viện được trồng hàng trăm loại cây, hoa nhiều màu sắc và được chăm sóc, cắt tỉa nghệ thuật. Tham quan xung quanh, du khách sẽ bắt gặp những trang trí cầu kỳ với khối hòn non bộ, cây xanh, tượng điêu khắc tinh tế, tượng Thánh.,… Ngoài ra, du khách có thể ghé thăm bãi trứng đá nhân tạo hay giếng đá ong. Nơi đây được nhiều người ưu ái gọi bằng cái tên “khu vườn cổ tích”.

    thanh mau chau son ninh binh 1
    Ảnh: Hàn Việt Anh

    thanh mau chau son ninh binh 1
    Ảnh: Nguyễn Xuân Thu

    thanh mau chau son ninh binh 1
    Ảnh: Nguyễn Xuân Thu

    thanh mau chau son ninh binh 1

    thanh mau chau son ninh binh 1
    Ảnh: Trọng Tín, Nguyễn Xuân Thu

    Chính vì vẻ đẹp lạ và rất Tây, Đan viện thu hút nhiều người dù không theo đạo tới thăm quan, chụp ảnh, check-in.

    thanh mau chau son ninh binh 1

    thanh mau chau son ninh binh 1
    Ảnh: Hương Anh, Đức Anh Phạm

    Đan viện Châu Sơn là một đan viện chuyên về chiêm niệm. Ngày thường, Đan viện hạn chế khách du lịch vào tham quan. Vào các dịp đầu tháng có thánh lễ, nhà thờ Đan Viện sẽ mở cửa cho người đến tham quan sau giờ lễ nguyện vào những khung giờ nhất định. Vậy nên nếu muốn tới tham quan Đan Viện xinh đẹp này, du khách nên xác nhận lại trước giờ có thể ghé tới.

    Theo Vietnamnet

  • Tạp chí du lịch nổi tiếng Wanderlust của Anh vừa công bố danh sách 20 điểm đến hàng đầu cho dịp đầu năm mới, trong đó có Việt Nam.

    "Nếu du khách đang tìm kiếm một không gian mới để thư giãn sau một năm học tập và làm việc, hay tận hưởng không khí đầu xuân, trải nghiệm văn hóa ở một nơi xa, thì đây là thời điểm lý tưởng để thực hiện những dự định của mình" - Wanderlust dẫn đề.

    du lich viet nam 1
    Những ngày đầu năm mới là thời điểm tuyệt vời để các tín đồ du lịch khám phá trọn vẹn vẻ đẹp của Việt Nam. Ảnh: RỌT

    Có mặt trong top 20, Việt Nam ghi điểm đầu tiên nhờ thời tiết vào đầu năm tương đối dễ chịu. Thời điểm này, miền Bắc cũng không quá rét so với miền Nam. Đây cũng là thời điểm vãn khách du lịch bởi dư âm của Lễ Giáng sinh vừa qua nên mọi người sẽ có cơ hội khám phá trọn vẹn vẻ đẹp của mảnh đất hình chữ S xinh đẹp, trải nghiệm một đất nước thực sự yên bình.

    du lich viet nam 1
    Hội An về đêm đẹp như một bức tranh lung linh, huyền ảo. Ảnh: Thu Hạnh

    Những tín đồ du lịch chắc chắn sẽ không bao giờ cảm thấy nhàm chán khi ghé thăm các thành phố đa sắc màu của Việt Nam: Hội An cổ kính, Hà Nội yên bình, TP.HCM sôi động hay Huế trầm mặc thích hợp cho những ai muốn tìm sự bình yên, thư thái trên những chiếc xe đạp.

    Cùng với đó, vẻ đẹp tuyệt sắc của thiên nhiên Việt Nam được trải đều trên khắp mọi miền đất nước. Bên cạnh Vịnh Hạ Long nổi tiếng, vịnh Lan Hạ ít được nhắc đến nhưng không kém phần hấp dẫn. Ngoài ra, du khách có thể tìm kiếm và chiêm ngưỡng hệ thống hang động kỳ vĩ, đặc biệt nhất chính là Sơn Đoòng - hang động tự nhiên lớn nhất thế giới.

    du lich viet nam 1
    Vịnh Lan Hạ. Ảnh: TCDL

    Không chỉ sở hữu cảnh quan trù phú, Việt Nam còn là nơi sinh sống của rất nhiều loài động vật hoang dã, quý hiếm. Được công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới, Cát Bà quy tụ hơn 280 loài động vật trên cạn và hơn 90 loài động vật phù du. Trong đó, voọc đầu trắng quý hiếm cũng được tìm thấy tại đây.

    du lich viet nam 1

    Ngoài ra, hành trình khám phá sông Mekong và các nước láng giềng với Việt Nam và Lào cũng được lựa chọn vào danh sách này. Tháng 1 được cho là thời điểm thích hợp để đến thăm Lào khi nhiệt độ chỉ dao động khoảng 24 độ C.

    Các điểm đến còn lại được Wanderlust bình chọn trong danh sách là: Na Uy, Malé (Maldives), Los Angeles (Mỹ), Slovenia, Barbados, Nicaragua (Honduras và El Salvador), Hill Country (Sri Lanka), Panama, Nam Cực, Macaw (Peru) , Anh, Ba Lan, Tanzania, Ấn Độ, Scotland, Thụy Điển, Úc.

    Theo Thanh Niên

  • Du khách ghé quán cà phê có thể check in với phiên bản thu nhỏ của Cầu Vàng, Vạn Lý Trường Thành, tượng Nhân Sư hay Lạc Sơn Đại Phật...

    quan cafe cau vang soc trang 1

    Quán cà phê ở ấp An Ninh, thị trấn An Lạc Thôn, huyện Kế Sách gây chú ý thời gian gần đây ở Sóc Trăng. Quán tọa lạc trên một khu đất có diện tích khá rộng, là một tổ hợp gồm nhiều công trình mô phỏng các điểm du lịch, tâm linh nổi tiếng thế giới như Vạn Lý Trường Thành, Lạc Sơn Đại Phật, tượng Nhân Sư...

    quan cafe cau vang soc trang 1

    Trong đó, điểm nhấn là khu tháp có tượng Phật màu vàng, đưa hai bàn tay nâng đỡ cây cầu khiến nhiều người liên tưởng đến cầu Vàng ở Đà Nẵng. Anh Hồ Chí Toại, chủ quán nói có ý định làm một khu vui chơi giải trí nhưng chưa xin được đầy đủ giấy phép nên tạm thời làm quán cà phê sân vườn. Du khách không tốn phí vào cửa như những khu du lịch khác, chỉ cần mua một ly cà phê khoảng 20.000 - 30.000 đồng là có thể chụp ảnh thoải mái cả ngày.

    quan cafe cau vang soc trang 1

    Anh Toại cho biết mất khoảng bốn năm xây dựng quán cà phê kiêm khu vui chơi này. Anh tự lên ý tưởng dựa theo nguyên mẫu, tự vẽ rồi thuê thợ địa phương thực hiện. Chủ quán kể ban đầu dự định xây 'tháp nghiêng Pisa'. Tuy nhiên khi sắp hoàn thành, anh cảm thấy làm 'cầu Vàng' trông có vẻ huyền bí hơn nên thay đổi thiết kế. Thời gian thi công khoảng một tháng.

    quan cafe cau vang soc trang 1

    Một ngón tay to cỡ vòng ôm người lớn. Muốn đến chỗ tượng Phật màu vàng có đôi bàn tay, du khách có thể đi bằng lối cầu thang xoắn hoặc thử thách đi qua cây cầu treo lắc lẻo. Cây cầu được bàn tay nâng đỡ dài khoảng 20 mét. Đứng ở đây, du khách có thể ngắm hoàng hôn, phóng tầm nhìn ra sông Hậu phía xa, gió thổi lồng lộng vào buổi chiều.

    quan cafe cau vang soc trang 1

    Các công trình ở quán đều kết nối với nhau. Nói về ý tưởng mô phỏng Lạc Sơn Đại Phật - bức tượng Phật khổng lồ ở tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc - anh Toại cho biết sau khi xây xong 'Vạn Lý Trường Thành', thấy bức tường bên cạnh trống trải nên quyết định thêm tượng Phật cho sinh động, nhìn cũng hoành tráng hơn.

    quan cafe cau vang soc trang 1

    Ở một góc khác, chủ quán xây 'tượng Nhân Sư thu nhỏ'. Nhờ nằm gần sông Hậu, lại trồng nhiều cây nên không khí ở đây rất mát mẻ. Dù chưa được nhiều người biết đến, quán vẫn có lượng khách địa phương đông đúc vào mỗi buổi chiều.

    quan cafe cau vang soc trang 1

    Du khách leo lên tháp cao nhất nằm ở tòa nhà chính sẽ được ngắm view toàn cảnh. Thiết kế bên ngoài trông như tòa lâu đài của Disney. Từ xa, du khách cũng có thể nhìn thấy tòa tháp này.

    quan cafe cau vang soc trang 1

    Lối cầu thang lên tòa tháp được lấy cảm hứng từ cầu thang xoắn trong các nhà thờ ở Vatican, với các ô cửa kính hứng ánh sáng tự nhiên, chụp ảnh 'sống ảo' rất đẹp.

    quan cafe cau vang soc trang 1

    Quán mở cửa từ 10h đến 20h mỗi ngày. Hiện nơi này còn nhiều hạng mục chưa thi công xong, nhưng đủ khiến du khách đi mỏi chân. Anh Toại cho biết thêm nghề chính là dược sĩ, quán cà phê này anh 'làm vì đam mê', cứ xây tới đâu, nghĩ ra cái gì, lại xây tiếp. Đôi khi nhìn lại, anh không nghĩ có thể làm nhiều thứ đến như vậy.

    Theo Ngôi Sao

  • Được ví như “Vịnh Hạ Long trên cạn”, từ trên cao nhìn xuống, Tam Chúc đẹp tựa một bức tranh thủy mặc, nên thơ, hùng vĩ.

    chua tam chuc ha nam 1

    Nằm cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 60 km về phía nam, Chùa Tam Chúc (thị trấn Ba Sao, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam) nằm trong quần thể khu du lịch Tam Chúc thơ mộng.

    chua tam chuc ha nam 1

    Chùa Tam Chúc có tổng diện tích gần 50 km2, gấp 10 lần quận Hoàn Kiếm (rộng hơn 5 km2). Chùa bao gồm:10 km2 hồ nước, 30 km2 núi đá rừng tự nhiên và 10 km2 các thung lũng. Đây là vùng núi đá vôi ngập nước với vẻ đẹp hoang sơ, ba mặt được bao bọc bởi dãy núi Thất Tinh, dưới lòng hồ là 6 quả núi nhô lên in bóng xuống nước. Chính vì vậy, nơi đây được đánh giá là vùng đất địa linh bởi thế lưng tựa vào núi, mặt nhìn ra hồ.

    chua tam chuc ha nam 1

    Được mẹ thiên nhiên ưu ái, ngôi chùa mang trong mình vẻ đẹp vừa cổ kính, vừa thiêng liêng. Khung cảnh say đắm lòng người như “chốn bồng lai tiên cảnh”.

    chua tam chuc ha nam 1

    Đến đây vào bất kỳ mùa nào trong năm, du khách đều sẽ cảm nhận được sự thanh bình, linh thiêng và yên ả đến lạ thường. Để vào tham quan chùa, du khách có thể lựa chọn đi thuyền, chiều ra sẽ đi xe điện. Dù là phương tiện nào cũng đều mang lại trải nghiệm hấp dẫn.

    chua tam chuc ha nam 1

    Được xây dựng từ thời nhà Đinh, chùa Tam Chúc là một trong những ngôi chùa cổ có niên đại lên đến hàng nghìn năm tại Việt Nam. Ngày nay, ngôi chùa được tu bổ, xây mới lại với các hạng mục cổng Tam Quan, Vườn cột kinh, điện Quan âm, điện Giáo Chủ, điện Tam Thế và chùa Ngọc. Tất cả đều được thiết kế theo lối kiến trúc cột chèo truyền thống Bắc Bộ.

    chua tam chuc ha nam 1

    Nằm ngay sau cổng Tam quan là Vườn cột kinh được phục dựng giống Bảo vật quốc gia cột kinh tại chùa Nhất Trụ (cố đô Hoa Lư, Ninh Bình). Giữa khoảng sân từ Tam quan tới điện Quan âm có 32 cột kinh được tạc bằng đá xanh; cao 13,5m; rộng khoảng 2m; mỗi cột nặng khoảng 200 tấn. Đế cột là khối đá tròn được tạo hình cánh sen xung quanh. Thân cột khắc những lời Phật dạy để nhắc nhở thế hệ mai sau tu nhân tích đức.

    chua tam chuc ha nam 1

    Điện Tam Thế là tòa lớn nhất. Bước qua cánh cửa gỗ được chạm khắc tinh xảo là ba pho tượng Tam Thế đại diện cho quá khứ, hiện tại và vị lai.

    chua tam chuc ha nam 1

    Tại chùa có tới 12.000 bức phù điêu được tạc bằng đá nham thạch. Mỗi bức tranh tái hiện lại mỗi giai đoạn, bước ngoặt trong cuộc đời đức Phật Thích Ca Mâu Ni từ khi Ngài Đản sinh, thành Đạo, thuyết Pháp cho tới khi nhập Niết bàn.

    chua tam chuc ha nam 1

    Điểm nhấn thu hút mọi khách thăm quan khi đến với chùa Tam Chúc chính là pho tượng Phật khổng lồ đặt tại điện thờ Pháp Chủ Thích Ca Mâu Ni. Pho tượng nặng 200 tấn, được coi là pho tượng Phật bằng đồng lớn nhất ở Đông Nam Á tính đến thời điểm hiện tại. Điều đặc biệt khi xây dựng điện thờ này, đó là phải thỉnh tượng vào yên vị rồi mới tiến hành xây dựng điện thờ.

    chua tam chuc ha nam 1

    Nằm trên đỉnh núi Thất Tinh cao 486m, Chùa Ngọc - một trong các công trình thuộc quần thể chùa Tam Chúc được ví như chốn an lạc ngay giữa đất trời. Để lên tới đây, du khách phải leo 299 bậc đá. Đặc biệt, ngôi chùa này nặng đến 2000 tấn, được xây dựng hoàn toàn bằng đá khối xếp liền nhau, không hề có xi măng kết dính.

    chua tam chuc ha nam 1

    Đứng từ Chùa Ngọc, toàn bộ cảnh vật, núi non, đất trời như thu gọn trong tầm mắt.

    chua tam chuc ha nam 1

    Quần thể chùa Tam Chúc dự kiến hoàn thành vào năm 2048. Được biết, khi xây dựng xong, chùa Tam Chúc có thể sẽ là một trong những ngôi chùa lớn nhất thế giới.

    Theo Phụ nữ Việt Nam

  • SƠN LA - Cầu kính Bạch Long với tổng chiều dài 632 m, đang ghi danh cầu kính đi bộ dài nhất thế giới, đón khách tham quan vào 30/4.

    Cầu Bạch Long có tổng chiều dài 632 m, với phần bắc qua vách núi 290 m, trên vách đá 342 m. Dưới cầu là vực sâu 150 m, tạo cảm giác mạo hiểm. Chiều rộng của mặt cầu 2,4 m, phần trên vách đá 1,5 m. Loại kính trên mặt là kính siêu cường lực Saint Gobain của Pháp, bao gồm 3 lớp, dày 40 mm.

    Cầu kính lắp đặt hệ thống ánh sáng bắt mắt và âm thanh giả lập để tăng trải nghiệm. Cuối chân cầu là hang Mường Móoc hay còn gọi hang Chim Thần, với các nhũ đá tự nhiên, công trình điêu khắc trên đá phản ánh đời sống lao động, sản xuất của người Thái xưa.

    cau kinh bach long 1
    Phần cầu kính bắc qua vực sâu 150 m, xung quanh là núi đồi hoang sơ. Ảnh: NVCC

    Ông Hoàng Mạnh Duy, Trưởng Phòng truyền thông dự án, cho biết cầu đã hoàn tất các thủ tục công nhận Kỷ lục Guinness và đang đợi ghi danh "Cầu kính đi bộ dài nhất thế giới". Dự kiến Guinness sẽ công bố vào cuối tháng 4 hoặc đầu tháng 5.

    "Bên cạnh việc đã kiểm định thử tải đạt các tiêu chuẩn với hệ số an toàn cao gấp 6 lần, chúng tôi tự tin về chất lượng của sản phẩm du lịch cầu kính Bạch Long. Ngoài ra, để du khách có những trải nghiệm tốt nhất về dịch vụ, các góc chụp ảnh đẹp, chúng tôi ứng dụng công nghệ kiểm soát tự động số lượng người tham quan trong cùng một thời điểm", ông Duy nói. Dự án được quyết định đầu tư tháng 2/2020, tổng vốn giai đoạn đầu 773 tỷ đồng, khởi công đầu năm 2021.

    cau kinh bach long 1

    Cầu là một trong những hạng mục của quần thể du lịch, nghỉ dưỡng Mộc Châu Island, xã Mường Sang, huyện Mộc Châu, đang trang trí cảnh quan để phục vụ du khách vào dịp lễ 30/4 và lễ khánh thành vào trung tuần tháng 5.

    Đây là cây cầu kính thứ ba ở Việt Nam sau Cầu Rồng Mây ở Lai Châu và Cầu Tình yêu ở Mộc Châu. Những cây cầu kính dài nhất thế giới trước đó được Guinness công nhận đều ở Trung Quốc. Hiện danh hiệu cầu kính dài nhất thế giới thuộc về cầu trong khu thắng cảnh Tam Hiệp Hoàng Xuyên, 526 m.

    Ông Long Trung Tâm, Chủ tịch UBND Huyện Mộc Châu, cho biết: "Việc khánh thành, đưa vào hoạt động cầu kính đi bộ là một trong những sự kiện lớn của huyện Mộc Châu và tỉnh Sơn La, tạo sức lan tỏa, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch tỉnh và vùng Tây Bắc".

    cau kinh bach long 1

    Cũng trong dịp khánh thành, huyện Mộc Châu chỉnh trang đô thị, đầu tư hệ thống điện chiếu sáng, vệ sinh môi trường, thành lập tổ công tác đảm bảo an ninh... để phục vụ du khách.

    Giá vé trải nghiệm cầu kính các ngày cuối tuần và dịp lễ 650.000 đồng một người lớn, trẻ em cao 1-1,4 m là 450.000 đồng. Giá vé ngày thường giảm 100.000 đồng. Người dân Sơn La, học sinh, sinh viên và người có công giảm giá vé trong ngày thường là 400.000 đồng một người lớn và 250.000 đồng với trẻ em. Trẻ dưới 1 m được miễn phí.

    Ngoài cầu kính, ngày 29/4, khu vui chơi sẽ đưa vào phục vụ du khách các hạng mục như nhà hàng Tabamboo được dựng từ 60.000 cây tre tầm vông, tham quan Hang động Chim Thần, Zipline, đường trượt Air Sline, khu vui chơi ngoài trời Bouncing Clound...

    cau kinh bach long 1

    cau kinh bach long 1

    Theo VnExpress

  • Khách quốc tế rất mong chờ thông tin mở cửa du lịch của Việt Nam, đặc biệt là các doanh nhân tìm kiếm cơ hội đầu tư. Tuy nhiên, có khách Singapore ngày 15/3 ra sân bay định tới Việt Nam phải quay về vì thiếu thông tin.

    Niềm vui kèm thất vọng

    Chuyến bay SQ192 của hãng Singapore Airlines từ Singapore đến Hà Nội hạ cánh trưa 15/3, chở theo 52 hành khách quốc tế. Lẽ ra, lượng khách còn đông hơn nhiều, song do những quy định còn thiếu, chậm, chưa rõ ràng về chính sách thị thực và y tế khiến chúng ta vuột mất.

    Tại Hội nghị triển khai mở cửa du lịch quốc tế an toàn, hiệu quả diễn ra tối 15/3, do Bộ Ngoại giao phối hợp với Bộ VH-TT&DL tổ chức, ông Mai Phước Dũng, Đại sứ Việt Nam tại Singapore, chia sẻ câu chuyện trong sự nuối tiếc.

    mo cua du lich vn 1
    Chuyến bay của Singapore Airlines chở 52 vị khách quốc tế tới VN. Ảnh: NIA

    Ông Dũng cho hay, Singapore là nước nhỏ nhưng số người nước ngoài, người dân Sing đi du lịch lớn. Họ rất mong chờ thông tin mở cửa du lịch Việt Nam từ 15/3. Nhưng niềm vui đi kèm thất vọng. Chúng ta công bố mở cửa, vậy mà việc ban hành chính sách chậm trễ, tới sáng 15/3 mới có thông tin về việc miễn visa cho công dân 13 nước, hướng dẫn về y tế thì chưa có, khiến vị khách Singapore đã ra sân bay định đến Việt Nam rồi lại phải quay về. 

    “Rất nhiều doanh nhân, nhà đầu tư và người dân Singapore hai năm qua chờ đợi để được quay lại Việt Nam làm việc, tìm kiếm cơ hội đầu tư, làm ăn và tham quan”, ông Dũng nói.

    Doanh nhân Đài Loan cũng là đối tượng khách đang muốn trở lại Việt Nam. Chủ nhiệm Văn phòng Kinh tế Văn hóa Việt Nam tại Đài Bắc, ông Vũ Tiến Dũng, cho hay, Việt Nam là điểm đến hấp dẫn duu khách Đài Loan với gần 1 triệu lượt khách (2019), trong đó có nhiều doanh nhân.

    Ông nhận xét, khó khăn lớn nhất hiện nay là Đài Loan quy định phòng chống dịch chặt chẽ, người nhập cảnh phải cách ly 10 ngày, 7 ngày sau đó tự kiểm tra sức khỏe. Do đó, khi đi du lịch về sẽ rất ngại. Việt Nam mở cửa, ban đầu sẽ chưa có khách, nhưng riêng doanh nhân Đài Loan muốn tìm kiếm cơ hội đầu tư thì họ sẽ đi ngay. Theo ông, năm 2021, vốn đầu tư của Đài Loan vào Việt Nam giảm rõ rệt, lý do chính cũng là bởi các nhà đầu tư không thể đến được.

    Nhu cầu đi du lịch của khách quốc tế tại các thị trường trọng điểm khác của Việt Nam cũng rất lớn.

    Đại sứ Việt Nam tại Mỹ, ông Nguyễn Quốc Dũng cho biết, qua khảo sát, có tới 80% người Mỹ được hỏi muốn đi du lịch ngay trong 6 tháng tới. Tuy nhiên, cái khó hiện nay là CDC Mỹ vừa nâng cấp độ dịch tại Việt Nam lên cấp 4 và khuyến cáo công dân Mỹ không đi du lịch Việt Nam.

    Còn đại diện Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp thông tin, với 49 triệu khách đi du lịch/năm, chi tiêu tới 60 tỷ USD. 3/4 trong số đó sẵn sàng đi du lịch ngoài châu Âu, tới châu Á, tất nhiên có Việt Nam.

    mo cua du lich vn 1
    Phương án mở cửa lại hoạt động du lịch đang chờ ý kiến cuối cùng của Bộ Y tế

    Tại Ấn Độ, Đại sứ Phạm Sanh Châu chia sẻ, quốc gia này có 25 triệu người đi du lịch. Họ rất muốn tới Việt Nam, đặc biệt sau khi một số tỷ phú Ấn Độ chọn tổ chức đám cưới tại Đà Nẵng, Phú Quốc và khi Vietjet Air, Indigo mở đường bay thẳng giữa hai nước.

    Đáng lưu ý, toàn bộ phần thưởng cuối năm các DN Ấn Độ thường tổ chức cho nhân viên đi du lịch, ông Châu cho rằng phía lữ hành Việt Nam cần tiếp cận trực tiếp các tập đoàn này mà không cần qua đại lý du lịch.

    Chính sách phải thống nhất, thông thoáng

    Để thu hút khách quốc tế đến Việt Nam, vấn đề được nhiều đại sứ, đại diện các DN quan tâm là cần có một chính sách thống nhất, đồng bộ, rõ ràng. "Một chủ trương nhất quán từ TƯ đến địa phương, công bố rộng rãi, thông báo tới các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, các hãng hàng không, lữ hành; đặc biệt, tránh thay đổi đột ngột là vô cùng cần thiết" - Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Nguyễn Quốc Dũng nhấn mạnh.

    Theo bà Phạm Thị Nguyệt, Trưởng ban Tiếp thị bán sản phẩm Vietnam Airlines, du lịch không thể ngày một ngày hai có thể có khách, cần dựa vào thị trường và tập tính của khách. Với đường bay ngắn, thị trường gần thì 1-3 tháng; đường bay dài, thị trường xa thì 5-6 tháng.

    Bà kiến nghị cần sớm có văn bản rõ ràng về mở cửa, mở cửa toàn diện, mở cửa nhất quán, mở cửa ổn định. Đại diện hãng bay này cũng tha thiết mong bỏ quy định cách ly, đơn giản quy định xét nghiệm.

    Bà Trần Nguyện, Giám đốc Kinh doanh Sun World, đề xuất cần có quy định y tế rõ ràng để du lịch phục hồi nhanh nhất. Quy định 5K nên rút ngắn còn 2K, chỉ cần khẩu trang và khai báo y tế. Đồng thời, nên nới thời gian cho khách lên 30 ngày với các quốc gia được miễn thị thực.

    mo cua du lich vn 1
    Hội nghị triển khai mở cửa du lịch quốc tế an toàn, hiệu quả

    Tại hội nghị, các DN cũng đề xuất thống nhất một thông điệp trọn vẹn của du lịch Việt Nam. Ông Nguyễn Mạnh Quân, Phó Tổng giám đốc Thường trực Bamboo Airways, cho rằng, đó là thông điệp quốc gia về cạnh tranh điểm đến, đi trước đón đầu.

    Với từng thị trường cụ thể, các đại sứ cũng đưa ra những kiến nghị khác nhau. Đơn cử, Autralia - thị trường quan trọng lớn thứ 5, với 500.000-600.000 khách đến Việt Nam mỗi năm, Đại sứ Nguyễn Tất Thành lưu ý thủ tục nhập cảnh cần hết sức đơn giản, càng đơn giản càng tốt. Ngành Du lịch cũng cần có chính sách quảng bá, tiếp thị một cách mạnh mẽ hơn nữa tại đây.

    Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản, ông Vũ Hồng Nam, cho hay nước này đã mở nhưng chưa hoàn toàn, nếu đến Việt Nam du lịch về phải cách ly 3 ngày. Chính phủ Nhật cũng chưa khuyến khích du lịch, tụ tập đông người nên khó triển khai các tour lớn do DN lữ hành tổ chức.

    Chưa kể, thói quen của người Nhật thường đi du lịch tập thể, qua các công ty lữ hành; do đó, ông Nam đề xuất Tổng cục Du lịch nên khuyến nghị các DN tiếp cận với các đối tác để chuẩn bị kế hoạch dài hơi, từ 2-3 tháng, hy vọng vào kỳ nghỉ hè từ tháng 6-8, khách sẽ đông. Hơn nữa, Nhật cũng có chính sách kích cầu người dân đi du lịch nên Việt Nam cần đàm phán với đối tác để có các gói tour giá rẻ, hút khách.

    Đại sứ Mai Phước Dũng thì kiến nghị, trong quy trình nhập cảnh, Việt Nam nên áp dụng như Singapore hiện nay, tức chỉ cần khách có kết quả xét nghiệm âm tính, không phải cách ly. Ngoài ra, ông Vũ Tiến Dũng cho rằng cần sớm khôi phục thẻ Doanh nhân APEC, vốn bị tạm dừng do Covid, để các nhà đầu tư đi lại thuận tiện hơn.

    Theo Vietnamnet

     

  • gap lai ninh binh 2

    Nhìn 2 bức ảnh, có thể thấy cậu bé 4 tuổi năm xưa với vẻ nhút nhát nay đã trưởng thành, trở thành một chàng trai khôi ngôi, cười rạng rỡ trên lưng chú trâu.

    Gặp nhau cách đây 15 năm, người đàn ông chăn trâu và chàng du khách nước ngoài tưởng như chỉ như hai người xa lạ lướt qua nhau, ấy vậy mà mới đây hai người đã có cuộc gặp bất ngờ.

    gap lai ninh binh 2
    Cuộc gặp gỡ bất ngờ sau 15 năm của chàng Tây và người đàn ông Việt khiến nhiều người thích thú (Ảnh chụp màn hình)

    Nam du khách nước ngoài và người đàn ông chăn trâu ở Ninh Bình hội ngộ sau 15 năm

    Mới đây, một nam du khách nước ngoài đã chia sẻ bức ảnh chụp cùng một người đàn ông Việt Nam bên con trâu và câu chuyện đặc biệt của mình khiến nhiều người thích thú. Theo đó, chủ tài khoản U.T.T.B. cho biết mình và người đàn ông Việt đã gặp nhau cách đây 15 năm. Nguyên văn dòng chia sẻ của anh như sau:

    "In 2005, my family visited Ninh Binh province of Vietnam and my 4-year-old brother took a pic on a water buffalo with its owner. In 2020 we returned for the first time and met the same man and the same water buffalo".

    gap lai ninh binh 2
    Bức ảnh được chụp cách đây 15 năm vẫn được chàng trai giữ lại (Ảnh: Reddit bot)

    gap lai ninh binh 2
    Đến nay, cậu bé đáng yêu ngày nào đã trở thành một người đàn ông chững chạc. (Ảnh: Reddit bot)

    Theo lời kể của thanh niên, năm 2005, anh cùng gia đình đã ghé thăm Ninh Bình, Việt Nam. Khi đó, anh trai của nam thanh niên (lúc này 4 tuổi) đã chụp ảnh cùng một người đàn ông cùng con trâu của ông. Những tưởng đó chỉ là cuộc gặp mặt thoáng chốc, lướt qua nhưng mới đây, những ngày đầu năm 2020, anh đã có cơ hội được quay trở lại mảnh đất Ninh Bình và may mắn được gặp lại người đàn ông cùng con trâu năm nào.

    gap lai ninh binh 2
    Hình ảnh chú Sinh cùng với người bạn 4 chân của mình (Ảnh: Facebook)

    Nhìn 2 bức ảnh, có thể thấy cậu bé 4 tuổi năm xưa với vẻ nhút nhát nay đã trưởng thành, trở thành một chàng trai khôi ngôi, cười rạng rỡ trên lưng chú trâu. Còn người đàn ông kia tuy đã già đi ít nhiều, gương mặt hằn in dấu vết thời gian nhưng nụ cười thân thiện vẫn nở trên môi và chiếc nón lá không hề thay đổi.

    gap lai ninh binh 2
    Người đàn ông vẫn chất phác như ngày nào với chiếc nón lá quen thuộc và bộ đồ nâu đậm chất nông dân (Ảnh: Facebook)

    Hành trình tìm người đàn ông chất phác năm nào

    Ngay bên dưới 2 bức ảnh đặc biệt này là dòng chia sẻ của anh U.T.T.B về hành trình tìm thấy người đàn ông năm xưa. Anh B. cho biết anh đã phải đưa bức ảnh cách đây 15 năm cho người hướng dẫn viên du lịch. Ngay lập tức, người này đã nhận ra người đàn ông và cho biết ông hàng ngày vẫn chụp với du khách ngay tại ngôi đền lần đầu tiên họ gặp nhau.

    gap lai ninh binh 2
    Nhiều du khách cũng biết tới người đàn ông dắt trâu tại Ninh Bình (Ảnh: Facebook)

    Sau đó anh đã đến gặp người đàn ông. Dù 15 năm trôi qua nhưng vừa nhìn thấy người đàn ông, anh B. đã nhận ra. Nhìn bức ảnh, người đàn ông vô cùng xúc động. Qua trò chuyện được biết, ông tên Sinh, ông bày tỏ hy vọng anh B. sẽ trở lại trong ngày gần nhất. Anh B. bày tỏ tâm trạng: "Khó có thể tưởng tượng rằng, trong suốt 15 năm, ông Sinh và con trâu của mình vẫn ở đây chụp ảnh".

    gap lai ninh binh 2
    15 năm trôi qua, ông Sinh cùng chú trâu vẫn ở tới ngôi đền để chụp ảnh cùng nhiều lượt du khách tới tham quan (Ảnh: Facebook)

    CĐM nhanh chóng nhận ra "người quen"

    Cuộc hội ngộ của du khách nước ngoài cùng người đàn ông chăn trâu ngay sau khi được chia sẻ đã ngay lập tức thu hút sự chú ý của cư dân mạng. Chẳng ai có thể ngờ được sau 15 năm, hai người lại có thể gặp lại nhau. Thậm chí nhiều người còn gọi đây là cuộc gặp gỡ kì diệu. 

    Tuy nhiên điều bất ngờ hơn cả là dường như người đàn ông chăn trâu này không mấy xa lạ với những ai từng đến đến Đền thờ Vua Đinh Tiên Hoàng (Ninh Bình). Rất nhiều tài khoản đã nhanh chóng vào nhận "người quen" và chia sẻ những chụp với ông Sinh cùng con trâu.

    gap lai ninh binh 2
    Nhiều người nhận ra người đàn ông dắt trâu ở Ninh Bình (Ảnh chụp màn hình)

    Không dừng lại ở đó, nhiều người còn tinh mắt nhận ra người đàn ông chăn trâu này từng xuất hiện trong một chương trình truyền hình của Hàn Quốc vào năm 2013. Chính vì thế nên đoạn clip có sự xuất hiện của ông cũng bỗng dưng được chia sẻ và bàn tán rầm rộ.

    gap lai ninh binh 2
    Một số còn phát hiện ra ông Sinh từng xuất hiện trong một chương trình truyền hình của Hàn Quốc quay tại Ninh Bình (Ảnh cắt từ clip)

    Đúng là chẳng ai biết trước được chữ ngờ. Có ai nghĩ rằng một người ta vô tình lướt qua 15 năm trước lại có thể gặp lại bất ngờ đến thế. Mỗi mối quan hệ, cuộc gặp trong cuộc đời mỗi người đều có ý nghĩa riêng, vì thế hãy biết trân trọng mọi người xung quanh. Biết đâu một ngày nào đó chúng ta lại gặp được một điều bất ngờ!

    YAN Tổng hợp

  • Khi chuyến phà cuối cùng đưa khách cập bến, nhiều người không kiềm chế được nước mắt. Từ nay, họ không còn được qua sông Cấm bằng phương tiện từng gắn với những kỷ niệm một thời.

    Có mặt trên chuyến phà cuối cùng xuôi dọc hai bờ sông Cấm, chị Đoàn Thị Loan (48 tuổi, ở Thủy Nguyên, Hải Phòng) không cầm được những giọt nước mắt tiếc nuối. Thỉnh thoảng mới đi phà Bính nhưng bến sông này với chị là một phần của tuổi thơ, một phần ký ức của các thành viên trong gia đình.

    "Đến bây giờ tôi vẫn nhớ như in, hồi còn bé tôi và chúng bạn trèo leo chạy nhảy rồi trốn vé qua phà như thế nào. Những năm 1990 đến 2000, bến Bính dùng loại phà hai tầng to lắm, khi rời bến còn phải dùng tàu lai dắt. Thế rồi khi cầu Bính được xây dựng xong năm 2005, khách đi phà ít dần. Đến nay thì đóng cửa hẳn", chị Loan kể.

    Lần cuối đi phà Bính, người phụ nữ mong muốn sau này thành phố cho khôi phục lại bến phà và phát triển thành một điểm du lịch để người dân và du khách nhớ về biểu tượng một thời của Hải Phòng.

    Còn chị Nguyễn Hồng Nhung (Việt kiều tại Anh) nghe nói phà Bính sắp đóng cửa liền vội vàng rủ thêm vài người bạn tới đây chụp ảnh lưu niệm. Chị kể rằng dân Hải Phòng không có ai không biết phà Bính. Đám trẻ con tầm tuổi chị hồi ấy mỗi dịp trốn ra bờ sông chơi là tìm cách lên phà chạy nhảy.

    Trong ngày 30/9, rất đông người dân Hải Phòng đổ về bến Bính, dù không có nhu cầu đi phà cũng cố gắng chụp tấm ảnh kỷ niệm, hoặc mua cho được một chiếc vé đủ mọi mệnh giá để lưu giữ như một hoài niệm về bến phà huyền thoại này.

    Ra đời từ những năm đầu thế kỷ 20, bến Bính từng được mệnh danh là bến phà sầm uất nhất miền Bắc. Kể từ 1/10/2019, những chuyến phà chở khách ngược xuôi sông Cấm sẽ chính thức ngừng hoạt động để nhường đất thực hiện dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu đô thị bắc sông Cấm. Câu chuyện về những lần sang sông ở bến phà nổi tiếng đất cảng sẽ chỉ còn trong ký ức.

    Phà Bính dừng hoạt động, không chỉ các nhân viên làm việc tại bến bị ảnh hưởng công việc mà cuộc sống của rất nhiều người dân sinh sống hai bên bờ sông Cấm cũng sẽ đảo lộn. Đó là những phụ nữ buôn thúng bán mẹt không biết đi xe máy qua cầu mới. Hoặc các em học sinh phải đi quãng đường xa hơn nhiều để tới trường.

    Vị khách nửa thế kỷ đi phà Bính

    Bà Lê Thị Mạ (67 tuổi, ở xã Thủy Đường, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng) là "khách ruột" của phà bến Bính hơn 50 năm nay. Từ thời còn con gái đến lúc mái tóc bạc màu, bất kể nắng mưa, bà vẫn mang rau từ nhà sang thành phố để bán.

    "Người dân Thủy Nguyên chúng tôi vẫn tiếc nuối bến phà này lắm. Người lớn tuổi như chúng tôi không biết đi xe máy, không qua được cầu Bính. Giờ trước mắt đành phải nhờ con cháu đèo qua cầu Bính để đi chợ", bà Mạ nói.

    Ca làm việc cuối cùng của thuyền trưởng 36 tuổi

    Ca làm việc của thuyền trưởng Nguyễn Văn Anh (36 tuổi) bắt đầu từ 11h trưa 30/9. Lên cơ quan, nhận giao ban công việc và kiểm tra máy móc, chuẩn bị lái phà đưa khách sang sông... những thao tác quen thuộc đã gắn bó với anh suốt 9 năm qua nhưng hôm nay anh thực hiện trong một tâm trạng khác.

    "Nói không buồn là tự dối lòng mình bởi chỉ vài tiếng nữa thôi chính chiếc phà này sẽ khép lại lịch sử gần 100 năm tuổi của bến phà Bính", anh Văn Anh nói.

    Là người con Hải Phòng, sinh ra và lớn lên ở thành phố này, anh Văn Anh đã quá quen với hình ảnh những chuyến phà ngược xuôi đưa khách sang sông. "Ở Hải Phòng trước đây có nhiều bến phà lắm, nào là bến phà Rừng, phà Khuể, phà Quý Cao rồi phà Bính... Thế rồi xã hội phát triển, cầu được xây nhiều hơn đồng nghĩa với việc các bến phà cũng sẽ ít đi", anh nói.

    Trước khi làm việc tại đây, anh Văn Anh cũng đã trải qua nhiều vị trí tại Công ty cổ phần Đường bộ Hải Phòng. Năm 2010, anh nhận quyết định chuyển công tác về bến phà Bính. "Hồi đầu mới về đây làm việc, lúc cầm bánh lái mình cũng bỡ ngỡ lắm và phải học hỏi anh em cách điều khiển cho quen với dòng chảy, cách cập bến, quen với việc tàu thuyền qua lại tấp nập vào cảng Hải Phòng... Phải mất gần 2 tháng mới dần thành thục. Ấy vậy mà cũng đã được gần 10 năm rồi." anh Văn Anh nhớ lại những ngày đầu về bến Bính làm việc.

    Anh Văn Anh là một trong những thuyền trưởng chủ lực lái phà ở bến Bính, mỗi ca làm việc kéo dài 8 giờ rồi nghỉ 24 giờ: "Có những hôm làm ca sáng, mình phải dậy từ 3h, đi xe máy 17 km đến cơ quan nhận ca lúc 4h rồi lái phà khởi hành lúc 5h để kịp đưa bà con đi chợ sớm".

    Đồng hành cùng anh Văn Anh tại ca làm việc cuối cùng này còn có thủy thủ phà Hoàng Văn Tiến (42 tuổi). Anh Tiến bắt đầu làm nghề đi phà từ thời thanh niên, còn làm việc tại bến Bính đến nay đã tròn 16 năm.

    16 năm làm việc là ngần ấy năm lênh đênh sông nước với biết bao kỷ niệm vui buồn dọc hai bờ sông Cấm. Tất cả những điều đó giờ đây sẽ trở thành một phần ký ức trong cuộc đời của người đàn ông ở thành phố hoa phượng đỏ.

    Khi được hỏi chỉ ngày mai thôi, khi phà Bính chính thức dừng hoạt động thì công việc sẽ thế nào, anh Tiến chia sẻ: "Tôi sẽ chờ cơ quan phân công chuyển công tác về một bến phà khác. Cũng phải nói thật, chuyển công tác về bến mới thu nhập sẽ tốt hơn nhưng cái mình tiếc nhất là tình cảm bà con hai bên bờ Thủy Nguyên và thành phố. Có những người đã đi phà Bính hơn 50 năm, rồi các cháu học sinh từ Thủy Nguyên đi phà sang thành phố học tập, ngày nào cũng gặp mặt nhau trên chuyến phà này, lâu dần thành quen rồi thân thiết như anh chị em trong nhà".

    Từ ngày nhận bàn giao chiếc phà có tuổi đời gần 30 năm, anh Tiến cũng như anh Văn Anh có thể đọc vanh vách thông số kỹ thuật của nó, thông thuộc từng nút bấm, vị trí nào để cái gì nhắm mắt cũng có thể sờ trúng.

    Vừa trả khách ở bến, chiếc phà bỗng dưng chết máy nhưng chỉ bằng vài thao tác đơn giản, anh Tiến lại khiến cỗ máy sản xuất năm 1992 hoạt động ngon lành. "Máy móc cũng có tuổi rồi nên anh em dù là thuyền trưởng hay thủy thủ đều phải biết một chút về kỹ thuật thì mới yên tâm làm việc được", anh Tiến cười nói.

    Chuyến phà cuối cùng lúc hoàng hôn

    Ngược dòng lịch sử, theo sách Lược khảo đường phố Hải Phòng của Hội đồng lịch sử thành phố Hải Phòng xuất bản năm 1993, bến phà Bính ban đầu có tên là bến đò Bính do người dân xã Bích Động, huyện Thủy Nguyên chèo để chở khách sang nội thành Hải Phòng và ngược lại. Đến năm 1921, được người Pháp cải tạo, xây dựng lại và đặt tên là bến Tự Do. Sau khi Hải Phòng được giải phóng, bến được đổi lại tên thành bến phà Bính và hoạt động liên tục từ đó tới nay.

    Bến phà Bính là một bến phà lớn sầm uất bậc nhất miền Bắc, sử dụng phà lớn có tàu lai dắt, mỗi ngày chuyên chở hàng vạn lượt khách qua lại hai bên bờ sông Cấm. Phà Bính từng được coi là biểu tượng của thành phố Hải Phòng thời kỳ đổi mới.

    Từ năm 2005, khi cầu Bính chính thức được đưa vào sử dụng, số người đi phà ngày càng ít dần. Đến nay, bến này chỉ còn duy trì một phà nhỏ hoạt động từ 5h đến 19h, chủ yếu chở xe máy, xe đạp, xe thô sơ phục vụ việc đi lại của người dân các xã Dương Quan, Tân Dương (huyện Thủy Nguyên).

    Mới đây, UBND thành phố Hải Phòng đồng ý cho dừng hoạt động bến phà Bính kể từ ngày 30/9/2019 để thực hiện dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu đô thị bắc sông Cấm.

    Đúng 18h ngày 30/9, chuyến phà cuối cùng rời bến bên bờ Thủy Nguyên đưa những người khách cuối cùng sang sông, khép lại lịch sử gần 100 năm tồn tại và phát triển. Bến Bính giờ đây sẽ chỉ còn là ký ức trong tâm thức của người dân đất cảng.

    Sau khi dừng hoạt động, phà Bính sẽ được Công ty cổ phần Đường bộ Hải Phòng đưa về phục vụ ở các bến phà khác tại Hải Phòng. Những nhân viên như anh Văn Anh, anh Tiến sẽ được điều chuyển sang các bến khác. Dãy nhà điều hành bên bờ bắc sẽ nhường chỗ cho khu đô thị mới. Cách bến Bính không xa, cây cầu Hoàng Văn Thụ sắp thông xe sẽ giúp người dân Hải Phòng đi lại thuận tiện hơn. Nhưng bến Bính vẫn còn đó, trong tâm thức của những người Hải Phòng.

    Theo Zing

  • Một thị trấn nhỏ cổ xưa nằm nép mình ở vùng Bavaria, Đức, được bao trùm bởi lớp kim cương lấp lánh, ước chừng lên tới 72.000 tấn.

    Nördlingen nằm ở Bavaria, thuộc phía nam nước Đức. Nơi này hiện có dân số khoảng 20.000 người.

    Những cư dân đầu tiên đặt chân tới thị trấn vào khoảng năm 898 Sau Công nguyên. Họ hoàn toàn không hay biết mình đang sống trên mỏ kim cương, nơi hàng triệu những viên siêu nhỏ tồn tại.

    Thị trấn Nördlingen nhìn từ trên cao.

    Như bao thị trấn cổ xưa khác, thoạt nhìn, Nördlingen không có gì quá khác biệt. Nhìn từ trên cao, thị trấn trông tròn xoe với những nếp nhà mái đỏ và nhà thờ thiết kế theo phong cách Gothic. Trước kia, vùng lõm khổng lồ nơi thị trấn tọa lạc từng bị thiên thạch va trúng, khiến có có hình dáng lạ thường như ngày nay.

    Khung cảnh thanh bình ở thị trấn dát kim cương tại Đức.

    Nhưng điểm khác biệt lớn nhất ở Nördlingen chính là thị trấn được dát kim cương. Một vụ nổ cách đây chừng 15 triệu năm, khi đó, thiên thạch đã đâm trúng khu vực này, tạo nên chiếc hố khổng lồ với đường kính gần 24km, sâu chừng 100-150m, mang theo hàng triệu hạt kim cương nhỏ xíu nằm rải rác khắp nơi. Kể từ đó hình thành nên loại đá dăm gọi là suevite.

    Một số công trình tại thị trấn làm từ đá suetive chứa hàng triệu hạt kim cương nhỏ xíu không thấy được bằng mắt thường.

    Vùng đất này từng bị bỏ hoang cho tới khi những người đầu tiên tới khai hoang vào năm 898 rồi lập nên Nördlingen. Họ dùng loại đá dăm tại địa phương là suevite để xây dựng các công trình. Dù đá suevite cũng được tìm thấy ở nhiều nơi khác trên thế giới, nhưng mật độ đá quý tại vùng đất này lớn hơn hẳn so với những nơi khác.

    Theo tính toán của các nhà khoa học, lượng kim cương tại đây lên tới 72.000 tấn, nhưng tồn tại ở những kích thước khác nhau. Những bức tường bao quanh, hay nhà thờ, đều được xây bằng đá chứa kim cương siêu nhỏ. Chúng có kích thước nhỏ hơn 0,2mm nên hầu như không thể nhìn thấy bằng mắt thường.

    Góc nhỏ ở thị trấn nằm trên mỏ kim cương.

    Chỉ ước tính riêng lượng kim cương dát quanh nhà thờ St. Georgs đã lên tới 5000 carat. Tuy nhiên, vì các viên đều có kích thước siêu nhỏ, nằm lẫn trong đá, nên người dân chẳng lo việc phải canh chừng nạn trộm cắp.

    “Nhà thờ St. Georgs được xây từ đá suevite chứa hàng ngàn carat kim cương. Nhưng thực tế, chúng chỉ là bụi kim cương, không thấy qua mắt thường, mà chỉ nhìn được bằng kính hiển vi. Bởi vậy, kim cương ở đây mang ý nghĩa về khoa học, chứ không đem lại giá trị kinh tế”, Gisela Pösges, phó giám đốc bảo tàng Ries Crater ở Nördlingen cho biết.

    Ngoài nhà thờ St. Georgs, tòa tháp Horst Lenner được “dát” kim cương cũng là một trong những công trình cổ xưa còn sót lại. “Tòa bộ khu tháp được bọc bằng những viên kim cương siêu nhỏ. May mắn là chúng có kích thước rất nhỏ, nếu không công trình chẳng tồn tại được đến bây giờ”, một người trông coi tòa tháp chia sẻ.

    Góc nhỏ ở thị trấn nằm trên mỏ kim cương.

    Hiện tại, thị trấn Nördlingen đã trở thành điểm du lịch hút khách. Người ta còn nói đùa rằng, khi tới đây, chỉ cần hít thở không khí cũng đủ giàu có.

    Trong khi nhiều du khách lặn lội tới đây để được chiêm ngưỡng thị trấn dát kim cương ngoài đời thực, thì người dân địa phương lại cho biết: “Người ta bảo chúng tôi sống trên mỏ kim cương. Điều này đúng, nhưng tôi chẳng thấy gì khác lạ”.

    Viethome (theo Dân Trí)

  • Tối 10/5, tỷ phú Joe Lewis quay lại chợ đêm Phú Quốc với sự chào đón của người dân. Tại đây, ông có thêm nhiều trải nghiệm với văn hóa và ẩm thực miền biển đảo Việt.

    Trong lần trở lại này, ông Joe Lewis tiếp tục khiến nhiều người dân bất ngờ khi dạo chơi tại khu chợ đêm Phú Quốc (Kiên Giang). Những người hâm mộ đội bóng Tottenham Hotspur cũng có mặt tại đây chào đón người nắm giữ phần lớn cổ đông của đội bóng danh tiếng.

    Theo lời mô tả của một số người dân có mặt tại khu chợ đêm, ông Lewis rảo bước đến từng gian hàng, ngắm nhìn những mặt hàng hải sản tươi sống được bày bán. Vị tỷ phú 82 tuổi đã đề nghị được cầm tận tay những món hải sản tươi sống và thoải mái trò chuyện với chủ một số quầy hàng.

    Ông chủ đội bóng Tottenham Hotspur được tặng nước mắm Phú Quốc. Ảnh: Huỳnh Văn Sơn. 

    Đi cùng vị tỷ phú lần này có ông Huỳnh Văn Sơn, chủ tịch Công ty Ngôi sao biển, đơn vị chủ đầu tư chợ đêm Phú Quốc.

    Chia sẻ với Zing.vn, ông Sơn cho biết: "Ông Joe Lewis rất thích không khí chợ đêm ở Phú Quốc và sự mến khách của người dân nơi đây. Ngoài ra, đây cũng là nơi ông cùng người dân đón nhận những giây phút ấm áp và vui vẻ nhất khi đội Tottenham giành tấm vé chơi trận chung kết Champions League". 

    Tại chợ đêm, vị tỷ phú còn ký tặng lên áo những người hâm mộ đội bóng Anh. 

    Vị tỷ phú ký tặng lên áo của những fan hâm mộ đội bóng Anh. 

    Anh Phạm Văn An, chủ quán Sài Gòn Hub, nơi ông Lewis ghé dùng bữa tối, cho biết rất vui và vinh dự khi được thiết đãi tỷ phú nước Anh.

    Theo đó, anh đã chuẩn bị những món ăn đặc sản của Phú Quốc để chiêu đãi vị khách đặc biệt cùng một số món ăn truyền thống của Việt Nam và Phú Quốc như bánh tét lá mật, miến xào hải sản...

    Sau khi thưởng thức các món ăn đặc sản của đảo ngọc, ông Lewis cùng đoàn tạm biệt người hâm mộ để trở lại du thuyền. Được biết, tàu sẽ nhổ neo rời Phú Quốc để tiếp tục hành trình đến Nha Trang, Đà Nẵng và những địa điểm khác trước khi rời Việt Nam.

    Ông Joe Lewis đã có những phút giây vui vẻ, thưởng thức ẩm thực Việt Nam tại một nhà hàng ở Phú Quốc. 

    Tối 8/5, trước khi diễn ra trận bán kết lượt về Champions League giữa Ajax và Tottenham, ông Joe Lewis đã đến chợ đêm và vô cùng thích thú trước sự hâm mộ đội bóng Tottenham của người dân Phú Quốc.

    Trước đó, siêu du thuyền Aviva trị giá 150 triệu USD khiến nhiều người dân TP.HCM bất ngờ khi xuất hiện tại cảng Sài Gòn hôm 30/4.

    Du thuyền Aviva trị giá 150 triệu USD. 
    Du thuyền neo đậu ở biển Phú Quốc. 

    Ngày 6/5, con tàu khổng lồ tiếp tục hải trình tới miền sông nước Cần Thơ, neo trên sông Hậu. Cùng thời điểm này, vị tỷ phú người Anh đã có chuyến du ngoạn thú vị cùng trải nghiệm tự lái tàu khách trên khu chợ nổi Cái Răng, tự tay đúc bánh xèo.

    Ông Lewis đỗ bánh xèo. 

    Ông Joe Lewis (82 tuổi) là tỷ phú giàu thứ 6 tại Anh với khối tài sản ước tính 5 tỷ USD. Ông cũng được biết là một trong những cổ đông lớn của câu lạc bộ bóng đá Tottenham Hotspur.

    Du thuyền Aviva trị giá 150 triệu USD là sản phẩm của hãng Abeking & Rasmussen (Đức), xuất xưởng năm 2017. Aviva nặng khoảng 4.200 tấn, dài hơn 98 m và xếp thứ 57 trong danh sách những chiếc du thuyền lớn nhất thế giới với tốc độ tối đa là 20 hải lý/giờ.

    Viethome (theo Zing)

  • Khách quốc tế thường dễ nhầm tờ 500.000 đồng và 20.000 đồng, vì nhìn thoáng qua chúng khá giống nhau.

    Matthew Pie, du khách Canada có thời gian sống lâu ở TP HCM, đã có những chia sẻ về Việt Nam trên Culture Trip với bạn bè quốc tế. Theo đánh giá của Pie, Việt Nam là một đất nước xinh đẹp, người dân thường rất tự hào khoe với bạn bè nước ngoài về quê hương mình. Tuy nhiên, bên cạnh việc ngắm cảnh, thưởng thức các món ăn ngon, du khách tới đây cũng nên cẩn thận với một số mánh khóe của những kẻ lừa đảo.

    Việt Nam thu hút khách quốc tế nhờ cảnh đẹp tự nhiên, đồ ăn ngon. Ảnh: Culture Trip.

    Một trong những bẫy du lịch mà các khách Tây thường dễ "dính" nhất là bị tráo tiền có mệnh giá lớn với mệnh giá nhỏ hơn. Pie cho biết tờ 500.000 đồng với tờ 20.000 đồng nhìn lướt qua khá giống nhau. Do đó, nhiều kẻ lừa đảo đã tìm cách tráo đổi những tờ tiền này của du khách. Mẹo nhỏ là bạn nên tiêu những tờ tiền có mệnh giá lớn tại siêu thị, nhà hàng, cửa hàng tiện lợi. Với các quán vỉa hè, hàng rong, bạn nên trả họ bằng tờ tiền có mệnh giá nhỏ.

    Pie khẳng định phần lớn taxi ở Việt Nam đều làm ăn trung thực, nhưng vẫn còn tồn tại một số taxi "dù". Họ thường lừa khách đi taxi bằng cách để đồng hồ đo công tơ mét chạy với tốc độ "chóng mặt". Nhiều người đã phải trả số tiền lớn khi đi một quãng đường ngắn. Do vậy, du khách nên gọi taxi của các hãng uy tín, nhờ lễ tân khách sạn gọi hộ hoặc đặt xe qua các ứng dụng.

    Một góc phố Bùi Viện (TP HCM) trong mắt du khách quốc tế. Ảnh: Culture Trip.

    Nhiều du khách đã mất tiền oan vì mua tour của các công ty ma. Thường các nơi lừa đảo này sẽ mời chào, bán tour dưới những cái tên gần giống với các đơn vị lữ hành lớn, uy tín của Việt Nam. Mẹo ở đây là du khách nên kiểm tra kỹ tên các hãng du lịch trên mạng, trước khi đặt mua tour.

    Pie kể rằng, anh biết một trường hợp khách nước ngoài thuê đánh giày ở Việt Nam. Trước khi đưa giày, họ đã thỏa thuận số tiền. Sau đó, người này phải trả gấp đôi, vì thỏa thuận ban đầu là cho một chiếc giày. Muốn đánh chiếc còn lại, bạn phải trả số tiền tương tự.

    Hãy cẩn thận với những người bán hàng rong cũng là điều Pie muốn khuyên. Nhiều người sẽ gợi ý cho bạn mượn quang gánh của họ để chụp ảnh. Khi bạn đang mải mê chụp, họ sẽ bổ trái cây, nước dừa cho bạn uống và buộc bạn thanh toán tiền, dù trước đó không yêu cầu. 

    Viethome (theo VnExpress)

  • Bức ảnh của tác giả người Malaysia, chụp tại Yên Bái, vừa đoạt Giải thưởng nhiếp ảnh quốc tế Hamdan (HIPA).

    Edwin Ong Wee Kee chụp bà mẹ người dân tộc H'mong tại Yên Bái (Việt Nam) đang bế và địu hai đứa con. Hôm 12/3, bức ảnh giành chiến thắng tại HIPA (Hamdan International Photography Award) - giải thưởng nhiếp ảnh uy tín, ra đời từ năm 2011 do Thái tử Dubai Hamdan bin Mohammed bin Rashid Al Maktoum khởi xướng. Chủ đề của giải năm nay là "Hy vọng". 


    Bức ảnh đoạt giải thưởng 120,000 USD

    Nhiếp ảnh gia Kee chia sẻ: "Bức ảnh được chụp hoàn toàn ngẫu hứng khi tôi dừng chân ven đường, trong chuyến hành trình ở Việt Nam. Chúng là những hình ảnh rất đời thường và không hề được dàn dựng". 

    Tuy nhiên sau chiến thắng, những tấm hình hậu trường được nhiếp ảnh gia, người sáng lập Tạp chí BD Street, Ab Rashid, chia sẻ sau đó khiến nhiều người đặt nghi vấn: Phải chăng bức ảnh đoạt giải đã được dàn dựng?


     
    Hình ảnh hậu trường được nhiếp ảnh gia Ab Rashid chia sẻ. 

    "Bạn có thể thấy một số lượng lớn nhiếp ảnh gia đang tập trung xung quanh nhân vật và trong đó có Kee, nghĩa là có rất nhiều người cũng cùng chụp với anh ta. Thậm chí bức hình rất có thể bị dàn dựng và nhân vật đã được điều chỉnh tư thế tạo dáng...".

    "Việc dàn dựng một bức ảnh và chiến thắng cuộc thi là cách nhanh nhất để chạm tay đến giải thưởng giá trị này", trang Picsofasia bình luận.

    Theo một nguồn tin giấu tên, người mẹ trong bức ảnh đã đồng ý chụp ảnh chân dung khi nhóm nhiếp ảnh yêu cầu.

    Những tranh cãi về giải thưởng HIPA 2019 làm giới nhiếp ảnh gợi nhớ đến bức ảnh chụp đầu tháng 1/2018, khi phóng viên ảnh A. M. Ahad chia sẻ video hậu trường chụp một chàng trai trẻ đang vươn ngoài khỏi cửa sổ xe lửa và tạo dáng cầu nguyện. 

    HIPA là một trong những giải thưởng nhiếp ảnh có giá trị cao nhất thế giới, với số tiền lên thưởng cho giải đặc biệt là 120,000 USD. Cuộc thi quy tụ các nhiếp ảnh gia trên toàn thế giới. 

    Bắt đầu tổ chức từ năm 2011 nhằm tôn vinh nghệ thuật và thúc đẩy nhận thức xã hội, Thái tử Dubai từng chia sẻ: "Nghệ thuật không chỉ là sở thích, nghệ thuật đã thay đổi tiến trình lịch sử và có khả năng thay đổi hình dạng của tương lai". 

    VietHome (Theo VnExpress)

  • Sự phát triển không đồng bộ, nhanh quá mức kiểm soát đã khiến cảnh quan và môi trường của thành phố Đà Lạt chịu nhiều mất mát, xô lệch trong thời gian gần đây.

    Những nóc nhà xuyên thủng màn sương

    Đà Lạt là đô thị mang vẻ đẹp tự thân. Vốn liếng của thành phố nằm trên cao nguyên Lang Biang là địa hình đồi núi, khí hậu mát lạnh với những rừng thông cổ thụ tĩnh mịch. Chính thế nên khi người Pháp khám phá ra vùng đất này đã thận trọng biến nơi đây thành một “thành phố thư nhàn”, gắn liền với thiên nhiên. Ý đồ đó đã để lại cho Đà Lạt một di sản kiến trúc độc đáo.

    Kiến trúc là một phần giá trị to lớn của Đà Lạt, nhưng sự phát triển không đồng bộ trong suốt nhiều năm, thiếu kiểm soát chặt chẽ đã khiến những gì từng có của thành phố chịu nhiều mất mát, xô lệch.

    Điều dễ thấy nhất là sự mai một của những biệt thự cổ. Theo thống kê sơ bộ, thành phố trước đây sở hữu hơn 1.500 biệt thự cổ, hiện tại chỉ còn khoảng 400 căn, với gần 200 căn trong số đó thuộc sở hữu tư nhân.

    Biệt thự cổ đã ít, nay lại càng ít hơn. “Thành phố ngày xưa có tận 1.500 biệt thự, nhưng bây giờ thì chẳng còn lại bao nhiêu. Giờ đây khắp nơi khách sạn, hàng quán chen nhau, tiếc vô cùng”, ông Luân, chủ một quán cà phê trên đường Nguyễn Chí Thanh chia sẻ.

    Thành phố từng được xây dựng thành một thể thống nhất, hòa hợp với nhau, bây giờ đã bị chia tách. Đà Lạt phát triển hơn, người tứ xứ đổ về sinh sống, nhà cửa chen chúc nhau tranh từng kẽ hở của không gian. Diện mạo kiến trúc của Đà Lạt giờ đây chỉ còn những ô màu lẫn lộn.

    Nhiều cung đường vốn đại diện cho nét đẹp Đà Lạt như Nguyễn Chí Thanh, Phan Bội Châu, ấp Ánh Sáng... cũng chịu cảnh xáo trộn do quy hoạch không đồng bộ, nhà biệt lập chen chúc với nhà liên kế, biệt thự cổ nằm xen lẫn với nhà phố, quán cà phê.

    Hàng dài các khu trung tâm thương mại, tòa nhà phức hợp chức năng đã, đang được xây dựng như: Dalat Center (Chợ Mới Đà Lạt), Đà Lạt Travel Mall...

    Tiến sĩ - Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn, người từng tham gia góp ý đồ án "Điều chỉnh quy hoạch chung Đà Lạt đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050”, chia sẻ: “Dân số tăng nhanh và đô thị hóa là hai yếu tố gây áp lực nhất với việc giữ gìn những giá trị kiến trúc của Đà Lạt”.

    Ngay trên con đường di sản Trần Hưng Đạo, nơi thông ôm ấp những biệt thự cổ, một tòa trung tâm thương mại trắng toát đã sừng sững chiếm mất một khoảng trời với mong muốn “thu Đà Lạt vào trong tầm mắt”.

    Kiến trúc đã từng là một trong những giá trị tạo nên một Đà Lạt tinh tế, bí ẩn. Nhưng thời điểm hiện tại thì bản sắc kiến trúc một thời dần dần biến mất, Đà Lạt đang phải khoác lên mình một chiếc áo mới như biến mình trở thành một Sài Gòn nhỏ trên cao nguyên.

    Đà Lạt là thương hiệu gắn liền với thiên nhiên hài hòa, khí hậu mát mẻ, cảnh quan thơ mộng và kiến trúc độc đáo, đó là những giá trị nền tảng của thành phố.

    Nếu thiếu đi bất kỳ yếu tố nào, Đà Lạt cũng sẽ đánh mất bản sắc của chính mình. “Phần lớn trách nhiệm thuộc về các cấp quản lí. Với một thành phố như Đà Lạt, quy hoạch cần thận trọng, thực hiện quy hoạch cần nghiêm khắc, có như vậy mới giữ được bản sắc của nó”, KTS Nam Sơn phân tích.

    Một ngày thành phố không còn buồn

    Dân số Đà Lạt năm 2010 là 210.000 người, đến năm 2018 là gần 300.000 người. Lượng khách du lịch đến với thành phố ngàn hoa trong năm 2018 là hơn 6,5 triệu lượt.

    Đà Lạt đang trở thành nơi mọi người tìm đến để gửi gắm những buồn vui của mình. Thành phố trên cao nguyên Lang Biang trầm lặng trước kia giờ luôn tấp nập bước chân người. Người ta nói tới Đà Lạt như một thứ trào lưu tân thời, cứ mỗi khi có thời gian rảnh rỗi, ai cũng “trốn lên Đà Lạt”, chỉ mỗi Đà Lạt là không biết trốn đi đâu.

    Một đô thị vốn dĩ được quy hoạch để chứa 150.000 dân giờ mở lòng đón nhận gấp đôi từng đấy, phải tính đến là hàng triệu lượt khách ghé thăm mỗi năm.

    Thống kê từ Sở Văn hóa, Thể thao và du lịch Lâm Đồng năm 2018 cho thấy doanh thu từ du lịch của Đà Lạt là một con số mà bất cứ nơi nào cũng ao ước: gần 12.000 tỷ đồng. Thế nhưng đổi lại, Đà Lạt đang dần quá tải.

    Du khách bây giờ đến Đà Lạt lấy đi những vẻ đẹp tự nhiên, trả lại khung cảnh tan hoang phiền não, nhìn đâu của các khu du lịch cũng thấy từng đụn rác nhỏ.

    Chợ Đà Lạt luôn ngập rác sau mỗi tối tiệc tàn, rác chỏng chơ trên khắp cung đường thản nhiên như thể nó vốn dĩ phải ở đó.

    Có một Đà Lạt ở trong văn chương, thành phố sương là điều gì đó mỏng manh cần chở che và khám phá. Nhưng giữa thời đại mà tiền được tính bằng giây, ngày càng hiếm những lữ khách mang theo lòng kiên nhẫn tìm hiểu sự bí ẩn, tinh tế của thành phố. Nhiều người đến rồi đi thật nhanh, bỏ lại sau lưng là rác.

    Thói quen sống nhiều năm của gia đình bà Thu (65 tuổi, trú ở đường Phạm Hồng Thái, Đà Lạt) cũng đã nhiều đổi khác khi Đà Lạt phát triển hiện đại không ngừng: "Giờ cô không còn đi chợ buổi sớm nữa mà mua đồ siêu thị, tuần một lần thôi. Trước cô hay đi bộ chơi buổi tối nhưng giờ đông đúc quá nên chuyển sang đi buổi sáng".

    Cụ Dũng 80 tuổi, sinh ra và lớn lên ở Đà Lạt vẫn giữ được những thói quen suốt nhiều năm nay. Mỗi sáng bận một bộ vest được là cẩn thận, cụ chống gậy đi bộ dạo quanh thành phố rồi dừng chân ở cà phê Bà Năm. Quán cà phê lâu năm cụ ngồi giờ lúc nào cũng đông khách du lịch, nên cụ dậy sớm hơn để được ngồi yên tĩnh.

    Trước sự thay đổi chóng mặt của Đà Lạt, cụ nhẹ nhàng chia sẻ: “Bây giờ, hiếm khi thành phố thực sự yên tĩnh nữa, sáng tối lúc nào cũng đông đúc, phát triển thì vui nhưng mà nhanh quá”.

    Trong đề án Quy hoạch Đà Lạt đến năm 2030 và tầm nhìn 2050, thành phố sẽ nới rộng mình để gánh vác thêm nhiều trọng trách: Trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, là trung tâm du lịch, nông nghiệp kinh tế của Tây Nguyên. Một lượng tiền lớn đổ vào Đà Lạt để nâng tầm vóc nơi đây trở thành một đô thị đảm đương nhiều trách nhiệm, nhưng bản tính Đà Lạt mất dần theo từng đồng tiền đầu tư biến đổi thành phố.

    Ai đã mang rừng thông đi

    Đã có những tháng ngày, Đà Lạt kiêu hãnh bởi vô số rừng thông cổ thụ. Đà Lạt và thông như chẳng thể tách rời. Nhưng giờ đây, thông ở Đà Lạt luôn phải sống trong trạng thái lo sợ. Thông phải nhường chỗ cho các dự án đồ sộ, bị thay thế bởi những homestay mọc san sát, “trả lại” không gian cho các ngôi nhà hay những quán cà phê liên tục xuất hiện.

    Theo quy hoạch từ trước đến nay, nhà cửa không được xây dựng quá 3 tầng để không che mất ngọn thông. Nhưng dưới sự phát triển quá nhanh của Đà Lạt, cánh rừng thông nội đô ngày nào giờ chỉ còn trơ trọi lại vài cây lác đác xen lẫn nhà.

    Tới cả những cánh rừng thông còn được cất giữ bên Hồ Tuyền Lâm giờ cũng đang trên ngưỡng cạn kiệt. Nhiều khu biệt thự, resort luân phiên xuất hiện, thông cũng “thuận theo lẽ” mà biến mất. Tiếng thông reo ở Tuyền Lâm bị lấn át bởi tiếng động cơ xe tải, tiếng chát chúa từ các công trình xây dựng.

    Theo đề án quy hoạch hồ Tuyền Lâm (Quy hoạch chung Khu du lịch Hồ Tuyền Lâm - thành phố Đà Lạt đến năm 2030, tầm nhìn 2050 do UBND tỉnh Lâm Đồng phê duyệt) một nửa diện tích ở đây sẽ được khai thác thành các khu vui chơi, nghỉ dưỡng, resort, khách sạn... nửa còn lại là không gian mặt nước và quy hoạch để phát triển thành các khu du lịch sinh thái. Theo ước tính, để “biến đổi” khu vực hồ Tuyền Lâm, người ta phải chặt bỏ hơn 98.000 cây thông.

    Thông còn “hi sinh” vì canh tác nông nghiệp, từ những ngọn đồi đầy thông, bây giờ đã thay thế bởi nhà kính, vườn rau. Những căn nhà kính nằm uốn lượn từ dưới thung lũng lên đỉnh đồi, và trơ trọi giữa mênh mông nhà kính ấy là vài cây thông còn sót lại.

    Phía ngoại ô và vùng phụ cận của Đà Lạt, thông cũng bị triệt tiêu dần. Người dân đầu độc cánh rừng thông bằng nhiều biện pháp để lấy đất canh tác. Thông ở Đam Rông, Lâm Hà, Lạc Dương bị đổ thuốc trừ sâu, đỏ cháy từ gốc lên ngọn, trở thành gỗ xây chuồng bò, những khoảng đất ven rừng thì người nông dân chuyển hóa thành những rẫy cà phê, cao su.

    Khuyết mất thông, Đà Lạt mất hẳn một phần hồn, tên gọi “thành phố ngàn thông” rồi cũng sẽ rơi vào quá vãng.

    Chúng ta đã đánh mất một Sa Pa lặng lẽ, và đang lấy đi của Đà Lạt một nỗi buồn.

     

    VietHome (Theo Zing)