• Doanh thu hàng triệu USD từ mặt hàng mi giả Triều Tiên - được bày bán trong các cửa hàng làm đẹp trên thế giới với nhãn "sản xuất tại Trung Quốc" - đã giúp thúc đẩy ngành xuất khẩu của quốc gia bí ẩn phục hồi vào năm ngoái, theo Reuters.

    Việc sản xuất và đóng gói lông mi giả của Triều Tiên - được thực hiện công khai ở nước láng giềng Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của Bình Nhưỡng - đã giúp chế độ của Kim Jong-un lách khỏi các biện pháp trừng phạt quốc tế, tạo nên nguồn thu ngoại tệ quan trọng.

    Reuters đã phỏng vấn 20 người - trong đó có 15 người làm trong ngành lông mi, cũng như các luật sư về thương mại và chuyên gia kinh tế Triều Tiên - những người đã mô tả một hệ thống trong đó các công ty có trụ sở tại Trung Quốc nhập khẩu hàng bán thành phẩm từ Triều Tiên, sau đó hoàn thiện và đóng gói như là hàng xuất xứ từ Trung Quốc.

    Theo lời kể của tám người làm việc cho các công ty trong ngành này, lông mi thành phẩm sau đó sẽ được xuất khẩu sang các thị trường phương Tây, Nhật Bản và Hàn Quốc. Một số người chịu chia sẻ với điều kiện chỉ sử dụng họ, không dùng tên vì không được phép trả lời giới báo chí.

    long mi gia trieu tien 1
    Công nhân làm việc trên dây chuyền sản xuất lông mi giả tại xưởng của Monsheery, ở Bình Độ, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc ngày 16 tháng 11 năm 2023

    Triều Tiên từ lâu đã được biết đến là nước xuất khẩu lớn các sản phẩm lông tóc như tóc giả và lông mi giả, giúp mọi người có vẻ ngoài lấp lánh và gạt đi những phiền hà về mascara. Tuy nhiên, xuất khẩu đã sụt giảm trong đại dịch COVID-19, khi Triều Tiên đóng cửa biên giới nghiêm ngặt.

    Hoạt động buôn bán lông mi do Triều Tiên sản xuất qua ngả Trung Quốc đã được nối lại vào năm 2023, theo các tài liệu hải quan và lời chứng nhận của bốn người trong ngành.

    long mi gia trieu tien 1
    Dây chuyền sản xuất lông mi giả tại xưởng của Monsheery, ở Bình Độ, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc ngày 16 tháng 11 năm 2023

    Số liệu hải quan Trung Quốc cho thấy xuất khẩu của Triều Tiên sang Trung Quốc đã tăng hơn gấp đôi vào năm 2023, từ khi biên giới mở cửa trở lại. Trung Quốc là điểm đến của gần như toàn bộ hàng xuất khẩu được khai báo của Triều Tiên.

    Tóc giả và lông mi chiếm gần 60% tổng lượng hàng xuất khẩu từ Triều Tiên sang Trung Quốc vào năm ngoái. Tổng cộng, Triều Tiên đã đưa sang Trung Quốc gần 1.680 tấn lông mi, râu và tóc giả hồi năm 2023, trị giá khoảng 167 triệu USD.

    Năm 2019, khi giá thấp hơn, Bình Nhưỡng đã xuất khẩu 1.829 tấn với giá trị chỉ chừng 31,1 triệu USD.

    'Thủ phủ lông mi của thế giới' ở Trung Quốc

    Những người trong ngành cho biết Bình Độ, một thị trấn miền đông Trung Quốc, tự coi mình là 'thủ phủ lông mi của thế giới', là một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng từ Triều Tiên.

    Wang Tingting, người có gia đình sở hữu công ty chuyên xuất khẩu sản phẩm sang Mỹ, Brazil và Nga, cho biết nhiều công ty có trụ sở tại Bình Độ, chẳng hạn như Monsheery, đóng gói lông mi giả chủ yếu do người Triều Tiên sản xuất.

    Wang cho biết trong một cuộc phỏng vấn từ nhà máy của cô rằng hàng hóa Triều Tiên đã giúp gầy dựng nên Monsheery từ một xưởng nhỏ quy mô gia đình. Hồ sơ công ty cho thấy công ty này được thành lập vào năm 2015.

    Wang nhận xét: “Chất lượng sản phẩm của Triều Tiên tốt hơn nhiều”, đồng thời nói rằng cô không biết bất kỳ thứ gì liên quan đến lệnh trừng phạt khi sử dụng lông mi giả của Triều Tiên. Cô từ chối nêu tên các khách hàng quốc tế của mình.

    Những người khác ở Bình Độ thì nói họ hiểu được các biện pháp trừng phạt đóng vai trò gì trong chuỗi phân phối phức tạp này.

    Gao, người sở hữu Yumuhui Eyelash, nêu ý kiến: “Nếu không có những lệnh trừng phạt này, người Triều Tiên sẽ không cần phải xuất khẩu qua Trung Quốc”.

    Cui Huzhe, người đại diện cho một nhà máy Triều Tiên làm việc với một đối tác Trung Quốc trong liên doanh có tên là Công ty Thương mại Liên hợp Chế biến Triều-Trung, cho biết công ty Triều Tiên gửi lông mi bán thành phẩm sang Trung Quốc, nơi chúng được bán cho các thị trường như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản và Hàn Quốc.

    Ông từ chối nêu tên hai công ty tham gia hợp tác hoặc khách hàng của họ. Sau đó, chúng tôi cũng không liên lạc được với ông để hỏi về tác động của lệnh trừng phạt.

    long mi gia trieu tien 1
    Ngành sản xuất mi giả tạo nguồn tiền cho chế độ của ông Kim

    Nguồn sống cho đất nước khát tiền mặt

    Theo ba giám đốc nhà máy người Trung Quốc, các nhà sản xuất Trung Quốc bắt đầu hợp tác với các nhà máy sản xuất lông mi của Triều Tiên từ đầu những năm 2000. Họ đánh giá cao lực lượng lao động của Triều Tiên vì chi phí thấp và chất lượng lông mi cao.

    Theo ước tính năm 2023 do Kali, một nhà sản xuất hộp đựng lông mi Trung Quốc, công bố trên trang web, có khoảng 80% số nhà máy sản xuất lông mi ở Bình Độ mua hoặc gia công vật liệu thô và bán thành phẩm lông mi giả từ Triều Tiên.

    Chính quyền Bình Độ cho biết thị trấn có khoảng 1,2 triệu dân này chiếm 70% sản lượng lông mi giả toàn cầu, thường được làm bằng sợi tổng hợp nhưng cũng có thể được tạo ra từ lông chồn hoặc tóc người.

    Công ty thương mại Asia Pacific International Network Technology, có trụ sở tại thành phố biên giới Hồn Xuân của Trung Quốc, quảng cáo trên trang web dịch vụ của ba nhà máy sản xuất lông mi của Triều Tiên với hình ảnh các công nhân đang sắp xếp tóc và dán chúng lên giấy.

    Doanh nhân Johny Lee tại Seoul nhập khẩu các sản phẩm như lông mi dùng để nối mi, qua ngả Đan Đông vào Hàn Quốc.

    Lee, người đứng đầu một nhóm thương mại ở Seoul bao gồm các kỹ thuật viên nối mi từ phương Tây và Hàn Quốc, cho biết những sợi mi đó do người Triều Tiên sản xuất, đóng gói ở Trung Quốc, sau đó bán trong nước hoặc xuất khẩu sang các nước châu Á như Nhật Bản.

    Khi được hỏi về rủi ro pháp lý, Lee - người bắt đầu tìm nguồn cung ứng lông mi từ Trung Quốc cách đây một thập kỷ - nói rằng ông không bán "công nghệ phức tạp như chất bán dẫn". Ông nói, công nhân Triều Tiên "đang vật lộn kiếm sống ở đất nước của họ”.

    Luật pháp Hàn Quốc quy định rằng nếu có hai hoặc nhiều quốc gia tham gia sản xuất hàng hóa nhập khẩu thì nơi mà sản phẩm đạt được “các đặc tính thiết yếu” sẽ được coi là nước xuất xứ.

    long mi gia trieu tien 1
    Một lượng lớn mặt hàng lông mi giả được sản xuất tại Bình Độ, một thị trấn miền đông Trung Quốc, nơi được coi là 'thủ phủ lông mi của thế giới'

    Reuters đã mô tả cách lông mi do công nhân Triều Tiên làm rồi được đóng gói và hoàn thiện tại Trung Quốc cho Shin Min-ho, một luật sư chuyên về hải quan có giấy chứng nhận của Hàn Quốc.

    Ông nói rằng Triều Tiên có thể sẽ được coi là quốc gia xuất xứ vì nước này đã tạo ra "những đặc tính thiết yếu" cho các nguyên liệu thô.

    Cục Hải quan Hàn Quốc của Seoul khẳng định "việc nhập khẩu các sản phẩm của Triều Tiên đội lốt Trung Quốc có thể bị trừng phạt", nhưng "khó xác định" quốc gia xuất xứ khi chỉ dựa trên mô tả của Reuters về chuỗi cung ứng giữa Triều Tiên và Trung Quốc và hiện họ không điều tra chuyện này.

    Hàng chất lượng cao, công nhân giá rẻ

    Dù chất lượng lông mi tốt, nhưng lao động Triều Tiên lại nhận tiền công thấp. Bốn chủ nhà máy và quản lý người Trung Quốc cho biết mức lương của người Triều Tiên có thể chỉ bằng 1/10 mức lương của người Trung Quốc.

    Ngoài ra, Wang, giám đốc của nhà sản xuất Co-Lash có trụ sở tại Bình Độ, công ty đã ngừng hoạt động ở Triều Tiên trong thời kỳ đại dịch, tiết lộ rằng các công nhân đã phải nộp phần lớn thu nhập của mình cho nhà nước Triều Tiên. Ông Wang không cung cấp chứng cớ.

    Một nhà sản xuất Trung Quốc khác, PD Lush, trả lương trung bình hàng tháng cho công nhân tại nhà máy ở thị trấn biên giới Rason của Triều Tiên - nơi sản phẩm của họ được bán ra quốc tế - với mức trung bình là 300 nhân dân tệ (42 USD), giám đốc Wang tại Bình Độ cho biết.

    Vai trò trung tâm của Triều Tiên đối với ngành công nghiệp lông mi giả trở nên rõ ràng khi nước này đóng cửa biên giới trong thời kỳ đại dịch.

    Wang Tingting của Monsheery chỉ ra rằng, sau khi Triều Tiên đóng cửa biên giới vào năm 2020 do đại dịch, các tàu chở một lượng nhỏ lông mi xuất khẩu trong thời gian đó thường bị ùn tắc. Bà nói: “Phía chúng tôi có nhu cầu rất cao”.

    Bà cho biết thêm, sau đại dịch, nguồn cung vẫn chưa đạt hết công suất và việc vận chuyển bị chậm trễ là điều thường xuyên xảy ra.

    Thương hiệu lông mi giả của Hàn Quốc Cinderella Amisolution thường mua các sản phẩm bán thành phẩm của Triều Tiên từ các thương nhân Trung Quốc, sau đó bán ra thị trường. Nhưng khi Triều Tiên phong tỏa biên giới, các nhà thầu đã gửi những mẫu không phải do người Triều Tiên làm ra.

    Giám đốc điều hành Choi Jee-won cho biết: “Lúc ấy tôi nghĩ, 'hàng này không ổn rồi'. Chất lượng khác nhau một trời một vực."

    Theo BBC Tiếng Việt

  • ryugyong hotel

    Năm 1987, một khách sạn quy mô lớn được khởi công xây dựng ở thủ đô Bình Nhưỡng của Triều Tiên. Tòa nhà chọc trời siêu cao, hình kim tự tháp này cao hơn 300m với thiết kết khoảng 3.000 phòng, cũng như 5 nhà hàng xoay 360 độ với tầm nhìn toàn cảnh.

    Khách sạn Ryugyong - được đặt tên theo một biệt danh trong lịch sử của Bình Nhưỡng có nghĩa là "thủ đô của cây liễu" - được cho là sẽ mở cửa chỉ hai năm sau khi khởi công. Nhưng điều này lại không bao giờ xảy ra.

    khach san Ryugyong khach san diet vong trieu tien 1

    Trong khi phần thô công trình đã được hoàn thành đúng kế hoạch vào năm 1992, thì 16 năm sau, nó vẫn đứng trơ ​​trọi ở đó, không có cửa sổ với trần bê tông trơ trụi, giống như một con quái vật đáng sợ nhìn ra thành phố. Trong thời gian đó, tòa nhà khiến mọi thứ xung quanh trở nên bé nhỏ và yếu ớt nên có biệt danh là "khách sạn diệt vong".

    Sau này, công trình tiếp tục được ốp bằng kim loại, kính và lắp thêm đèn LED để chiếu sáng vào ban đêm. Tiến trình xây dựng bị trì hoãn nhiều lần, làm dấy lên những đồn đoán về việc liệu nó có thể mở cửa đón khách hay không.

    Tuy nhiên, cho tới ngày nay, khách sạn Ryugyong vẫn là tòa nhà không người ở cao nhất thế giới.

    khach san Ryugyong khach san diet vong trieu tien 1

    MỘT SẢN PHẨM TỪ CHIẾN TRANH LẠNH

    Khách sạn Ryugyong được coi là đối trọng của sự cạnh tranh trong Chiến tranh Lạnh giữa Hàn Quốc do Mỹ hỗ trợ và miền Bắc Triều Tiên do Liên Xô hậu thuẫn. Năm 1986, một công ty Hàn Quốc đã xây dựng khách sạn cao nhất thế giới lúc bấy giờ là Westin Stamford ở Singapore. Trong khi đó, thủ đô Seoul của Hàn Quốc đang chuẩn bị đăng cai Thế vận hội Mùa hè 1988 và dần chuyển đổi sang nền dân chủ tư bản chủ nghĩa.

    Trong khi đó, ở miền Bắc, Bình Nhưỡng đã tổ chức Liên hoan Thanh niên và Sinh viên Thế giới năm 1989, một dạng phiên bản xã hội chủ nghĩa của Thế vận hội. Ngoài ra, nước này cũng công bố kế hoạch xây dựng một khách sạn đồ sộ đúng sự kiện này, nhằm giành lấy danh hiệu tòa nhà cao nhất thế giới từ Hàn Quốc.

    khach san Ryugyong khach san diet vong trieu tien 1

    Nhưng do trục trặc kỹ thuật, khách sạn không thể hoàn thành đúng dịp lễ hội. Chính phủ Triều Tiên lúc bấy giờ đã đổ hàng tỷ đô la vào sự kiện này, xây dựng một sân vận động mới, mở rộng sân bay Bình Nhưỡng và mở đường mới. Điều đó càng gây thêm áp lực cho nền kinh tế yếu kém của quốc gia bí ẩn này.

    Bắc Triều Tiên đã bị kéo vào một cuộc khủng hoảng kinh tế. Mặc dù cấu trúc bên ngoài đã được hoàn thành, nhưng việc xây dựng khách sạn đã bị dừng lại vào năm 1992 với một chiếc cần cẩu bị bỏ hoang trên đỉnh tòa nhà.

    CẤU TRÚC BÊ TÔNG

    Tòa nhà bao gồm ba cánh, mỗi cánh tạo với nhau một góc 75 độ, hội tụ thành một hình nón bao quanh 15 tầng trên cùng, được thiết kế dành cho các nhà hàng và đài quan sát.

    Hình dạng kim tự tháp không chỉ mang tính thẩm mỹ mà còn là bởi cấu trúc của Ryugyong rất khác so với những tòa nhà chọc trời bình thường. Khách sạn này được làm bằng bê tông chứ không phải bằng thép.

    khach san Ryugyong khach san diet vong trieu tien 1

    "Nó được xây dựng như thế vì các tầng trên cần phải nhẹ hơn. Họ không có vật liệu xây dựng tiên tiến, vì vậy Ryugyong được xây dựng hoàn toàn bằng bê tông. Vì vậy cần phải có một phần đế đồ sộ với phần đỉnh thuôn nhọn. Nếu nhìn vào lịch sử xây dựng ở Triều Tiên kể từ khi Chiến tranh Triều Tiên kết thúc, hầu hết các tòa nhà đều được làm bằng bê tông: Đó là vật liệu mà họ quen thuộc", Calvin Chua, một kiến ​​trúc sư ở Singapore, người chuyên nghiên cứu về kiến trúc đô thị của Bình Nhưỡng, cho biết trong một cuộc phỏng vấn.

    Theo ông Chua, người từng làm việc ở Triều Tiên với các kiến ​​trúc sư địa phương, Ryugyong có thể được thiết kế giống một ngọn núi chứ không phải kim tự tháp, vì núi đóng một vai trò quan trọng trong biểu tượng của đất nước này.

    khach san Ryugyong khach san diet vong trieu tien 1

    "Đó là một tòa nhà rất mang tính biểu tượng, nhưng tôi nghĩ điều quan trọng là phải xem xét vị trí của nó trong mối liên hệ với toàn bộ kết cấu thành phố Bình Nhưỡng. Nó giống như một loại đài tưởng niệm tương tự như đài tưởng niệm ở Quảng trường St. Peter của Rome", kiến trúc sư giải thích thêm.

    KHỞI ĐỘNG LẠI

    Năm 2008, sau 16 năm tạm dừng, việc xây dựng bất ngờ được nối lại, như một phần của thỏa thuận với Orascom, một tập đoàn Ai Cập đã ký hợp đồng xây dựng mạng 3G của Triều Tiên.

    khach san Ryugyong khach san diet vong trieu tien 1

    Chiếc cần cẩu cũ han gỉ đứng trên nóc tòa nhà suốt hai thập kỷ cuối cùng đã được dỡ bỏ. Các công nhân được hỗ trợ bởi các kỹ sư Ai Cập để lắp đặt các tấm kính và kim loại vào cấu trúc bê tông với chi phí 180 triệu USD, mang đến cho tòa nhà vẻ ngoài bóng bẩy. Dự án hoàn thành vào năm 2011 đã làm dấy lên đồn đoán về việc mở cửa cho công chúng. Vào cuối năm 2012, tập đoàn khách sạn sang trọng Kempinski của Đức thông báo rằng Ryugyong sẽ mở một phần dưới sự quản lý của họ vào giữa năm 2013, nhưng sau đó rút lui vài tháng sau đó và nói rằng việc gia nhập thị trường "hiện không thể".

    khach san Ryugyong khach san diet vong trieu tien 1

    Những tin đồn rằng tòa nhà có kết cấu không vững chắc do kỹ thuật xây dựng và vật liệu kém lại một lần nữa được dấy lên. Vào năm 2014, một tòa nhà chung cư 23 tầng ở Bình Nhưỡng đã bị sập vì quá trình xây dựng "không được thực hiện đúng cách", theo báo cáo của truyền thông nhà nước Triều Tiên.

    Chua cho biết: “Đánh giá từ bên ngoài, tòa nhà có vẻ ổn định về mặt cấu trúc, mặc dù bên trong có thể là một câu chuyện khác. Tôi nghĩ vấn đề thực sự có thể là việc lắp đặt nó có dễ không, bởi vì nó được xây dựng bằng bê tông và sẽ mất rất nhiều thời gian để lắp đặt lại các dịch vụ cần thiết và hệ thống thông gió ban đầu được tạo ra theo thông số kỹ thuật của những năm 1980".

    khach san Ryugyong khach san diet vong trieu tien 1

    Những bức ảnh chụp nội thất của khách sạn từ năm 2012 cho thấy bên trong gần như mọi thứ vẫn còn ngổn ngang. Những hình ảnh được chụp bởi Simon Cockerell, tổng giám đốc của Koryo Group, một công ty có trụ sở tại Bắc Kinh chuyên về các tour du lịch Triều Tiên và là một trong số rất ít người nước ngoài được vào tham quan khách sạn Ryugyong.

    MỘT TƯƠNG LAI TƯƠI SÁNG HƠN?

    Ryugyong đã hoạt động trở lại vào năm 2018, khi trình diễn màn chiếu đèn lớn nhất Bình Nhưỡng và trở thành một "cỗ máy" tuyên truyền ở thủ đô. Một chương trình dài 4 phút trình chiếu lịch sử của Triều Tiên và nhiều khẩu hiệu chính trị, trong khi trên đỉnh gắn một lá cờ lớn của Triều Tiên.

    khach san Ryugyong khach san diet vong trieu tien 1

    Will Ripley, phóng viên CNN, người đã có nhiều chuyến đi tới Bình Nhưỡng, cho biết: "Ai cũng sẽ thấy ấn tượng ngay trong lần đầu nhìn thấy nó. Tòa nhà luôn được chiếu sáng vào bất kỳ sự kiện lớn nào trong thành phố, nhưng bình thường thì không vì nguồn điện khá khan hiếm".

    Trong những năm gần đây, bất cứ người dân địa phương hay du khách nào cũng có thể tới tham quan ở quảng trường trước tòa nhà nhưng không được vào trong. Vào tháng 6 năm 2018, một tấm biển in tên "Khách sạn Ryugyong" bằng tiếng Hàn và tiếng Anh đã được gắn thêm vào.

    khach san Ryugyong khach san diet vong trieu tien 1

    Nhưng câu hỏi "liệu bao giờ khách sạn này mở cửa?" vẫn còn đó. Theo Cockerell thì thật khó để đưa ra được câu trả lời chính xác bởi không ai biết những gì đang diễn ra phía bên trong.

    Ngày nay, khách sạn Ryugyong không còn là tòa nhà cao nhất trên bán đảo Triều Tiên mà đã bị thay thế bởi tháp Lotte World ở Seoul, hoàn thành vào năm 2017. Tuy nhiên, nó vẫn là tòa tháp cao nhất ở Triều Tiên, mặc dù gần đây Bình Nhưỡng đã chứng kiến ​​​​sự phát triển vượt bậc của các tòa chung cư cao tầng.

    Vietnamnet (theo CNN)